Nghị định 34/2018/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 34/2018/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 08/03/2018 | Ngày hiệu lực: | 08/03/2018 |
Ngày công báo: | 30/03/2018 | Số công báo: | Từ số 487 đến số 488 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Tiền tệ - Ngân hàng | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Thay đổi điều kiện cấp bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ
Chính phủ ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (Quỹ BLTD) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, quy định mới về điều kiện cấp BLTD như sau:
- Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay.
- Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ BLTD thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định của Nghị định này.
- Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% (quy định cũ tối thiểu 15%) tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ BLTD thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh.
- Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên.
Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
- Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.
Như vậy, quy định mới này đã bỏ yêu cầu đối tượng được bảo lãnh phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay.
Nghị định 34/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/3/2018 và thay thế Quyết định 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2018/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2018 |
VỀ VIỆC THÀNH LẬP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Quỹ bảo lãnh tín dụng hoặc Quỹ) để cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức cho vay theo quy định tại Nghị định này.
2. Đối tượng áp dụng
a) Quỹ bảo lãnh tín dụng;
b) Các tổ chức cho vay theo quy định tại Nghị định này;
c) Các đối tượng được cấp bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 15, Điều 16 của Nghị định này;
d) Các tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Nghị định này.
1. Quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan khi không quy định tại Nghị định này.
2. Quỹ bảo lãnh tín dụng có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có báo cáo tài chính riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
3. Quỹ bảo lãnh tín dụng có thu nhập từ hoạt động do thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng có thu nhập từ hoạt động khác ngoài hoạt động bảo lãnh tín dụng thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Bảo lãnh tín dụng” là cam kết của Quỹ bảo lãnh tín dụng với tổ chức cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh được quy định tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng và quy định của pháp luật. Bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho Quỹ bảo lãnh tín dụng số tiền đã được Quỹ bảo lãnh tín dụng trả nợ thay.
2. “Bên bảo lãnh” là Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Nghị định này.
3. “Bên được bảo lãnh” là đối tượng quy định tại Điều 15 của Nghị định này được Quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh.
4. “Bên nhận bảo lãnh” là các tổ chức cho vay theo quy định của pháp luật, thực hiện cấp tín dụng cho bên được bảo lãnh.
5. “Tổ chức cho vay” là các tổ chức tín dụng và các quỹ tài chính Nhà nước có chức năng cho vay theo quy định của pháp luật.
6. “Hợp đồng bảo lãnh tín dụng” là thỏa thuận bằng văn bản giữa 02 bên gồm: Bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh hoặc 03 bên gồm: Bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.
7. “Chứng thư bảo lãnh tín dụng” là cam kết bằng văn bản của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không trả hoặc trả không đầy đủ, đúng hạn nợ vay đã cam kết với bên nhận bảo lãnh theo quy định tại hợp đồng bảo lãnh.
8. “Nghĩa vụ trả nợ gốc” là khoản nợ gốc đến kỳ hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng hoặc theo hợp đồng tín dụng điều chỉnh thuộc phạm vi bảo lãnh của bên bảo lãnh mà bên được bảo lãnh không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ theo nghĩa vụ nợ đã cam kết và khoản nợ này đủ điều kiện để bên bảo lãnh trả nợ thay theo quy định tại Hợp đồng bảo lãnh tín dụng và Nghị định này.
9. “Khách hàng” là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại tổ chức cho vay và được Quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh.
10. “Người có liên quan” là tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 28 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
1. Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, bảo đảm an toàn vốn.
2. Quỹ bảo lãnh tín dụng chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của mình.
3. Quỹ bảo lãnh tín dụng chỉ được thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng đối với các khoản vay đúng đối tượng và đủ điều kiện bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này.
4. Quỹ bảo lãnh tín dụng ưu tiên thực hiện bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo quy định tại Nghị định này.
1. Vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng là 100 (một trăm) tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp.
2. Có Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình và được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Đề án phải bao gồm các nội dung cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
3. Có dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng phù hợp với quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật liên quan.
4. Danh sách các thành viên dự kiến của Quỹ bảo lãnh tín dụng gồm: Chủ tịch, Kiểm soát viên, Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng Quỹ bảo lãnh tín dụng gồm những người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Nghị định này.
1. Khi có nhu cầu thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Sự cần thiết thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, khả năng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; quy mô, phạm vi, nội dung hoạt động và tác động của việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;
b) Phương án và nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, trong đó nêu rõ về nguồn đóng góp vốn điều lệ đã được bố trí trong nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương (thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt) đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này;
c) Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng phù hợp với quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan;
d) Danh sách các thành viên dự kiến là Chủ tịch, Kiểm soát viên, Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng Quỹ bảo lãnh tín dụng, đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Nghị định này;
đ) Thuyết minh cụ thể về cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này;
e) Phương án tổ chức điều hành hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này;
g) Phương án tài chính và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng dự kiến trong vòng 05 năm sau khi thành lập và hiệu quả hoạt động dự kiến của Quỹ để chứng minh tính khả thi của việc thành lập.
2. Trường hợp đủ điều kiện thành lập và việc thành lập là khả thi, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt các nội dung về thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng gồm: vốn điều lệ và nguồn hình thành vốn điều lệ, vốn huy động, mô hình và cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động và các nội dung khác liên quan đến Quỹ bảo lãnh tín dụng theo yêu cầu quản lý của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
3. Căn cứ Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng quy định tại khoản 1 Điều này đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi thông báo cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo Quyết định thành lập và Quyết định ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
5. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm thông báo công khai việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
6. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, ngân sách địa phương có trách nhiệm cấp đủ vốn điều lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này.
Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, phê duyệt và bao gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Tên và nơi đặt trụ sở chính.
2. Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, đại diện pháp luật.
3. Nội dung và phạm vi hoạt động.
4. Thời hạn hoạt động.
5. Vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
6. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Kiểm soát viên, Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này.
7. Việc tuyển dụng lao động, quy hoạch và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo khác của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
8. Nguyên tắc quản lý tài chính đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng.
9. Thủ tục sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
10. Quan hệ giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với các cơ quan quản lý nhà nước, các bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh.
11. Xử lý tranh chấp, cơ cấu lại, giải thể, phá sản đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
12. Các nội dung khác theo yêu cầu quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.
1. Trách nhiệm của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
a) Thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đúng đối tượng và đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này;
b) Sử dụng vốn đúng mục đích để thực hiện bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
c) Thực hiện chế độ kế toán, thống kê và báo cáo tài chính theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan;
d) Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
đ) Cung cấp số liệu, công bố công khai về quy chế hoạt động, cơ chế tài chính, kế hoạch tài chính, kết quả hoạt động của Quỹ và báo cáo tài chính hàng năm đã được kiểm toán theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan;
e) Mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro hoạt động bảo lãnh tín dụng và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng;
g) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và các quy định khác có liên quan đến hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
2. Quyền hạn của Quỹ bảo lãnh tín dụng
a) Tổ chức và hoạt động phù hợp với mục tiêu và phạm vi hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định của Nghị định này;
b) Được lựa chọn các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có hiệu quả, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để quyết định cấp bảo lãnh tín dụng;
c) Được tuyển chọn, bố trí, sử dụng, đào tạo lao động và sử dụng lao động theo quy định tại Nghị định này, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan;
d) Được từ chối mọi yêu cầu của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào về việc cung cấp thông tin và các nguồn lực của Quỹ bảo lãnh tín dụng nếu yêu cầu đó trái với quy định của pháp luật và trái với Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng gồm có:
1. Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng.
2. Kiểm soát viên.
3. Ban điều hành gồm: Giám đốc Quỹ, các Phó giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.
1. Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm và hoạt động chuyên trách trong trường hợp Quỹ tổ chức bộ máy điều hành độc lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định này.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện được bổ nhiệm Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng
a) Là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật;
b) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ;
c) Có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm ít nhất 05 năm là người quản lý, điều hành trong các lĩnh vực về kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật, kế toán, kiểm toán, chứng khoán, bảo hiểm;
d) Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
đ) Các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo yêu cầu quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
3. Quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng
a) Quyết định chiến lược, kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính hàng năm, trung và dài hạn của Quỹ bảo lãnh tín dụng sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Quyết định phê duyệt báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hàng năm của Quỹ bảo lãnh tín dụng sau khi có ý kiến thẩm định của Kiểm soát viên và ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Quyết định phương án tổ chức hoạt động, biên chế, tổ chức bộ máy quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng và pháp luật liên quan sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận về chủ trương;
d) Quyết định ban hành các Quy chế cấp bảo lãnh tín dụng, Quy chế quản lý tài chính và huy động vốn, Quy chế quản lý và sử dụng các quỹ, Quy chế xử lý rủi ro và các văn bản quản lý nội bộ khác quy định tại Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
đ) Quyết định việc quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng thuộc thẩm quyền quy định tại Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
e) Quyết định hoặc ủy quyền cho Giám đốc Quỹ quyết định phương án huy động vốn, đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định và các hoạt động khác theo thẩm quyền quy định tại Nghị định này, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng và pháp luật có liên quan;
g) Thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm khác theo yêu cầu quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
1. Kiểm soát viên Quỹ bảo lãnh tín dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm soát việc tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, điều hành của Chủ tịch và Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng và các nội dung khác có liên quan.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện được bổ nhiệm Kiểm soát viên:
a) Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 10 Nghị định này;
b) Có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm ít nhất 03 năm là người quản lý, điều hành trong các lĩnh vực về kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật, kế toán, kiểm toán, chứng khoán, bảo hiểm.
3. Chế độ hoạt động, trách nhiệm và quyền hạn, việc bổ nhiệm của Kiểm soát viên Quỹ bảo lãnh tín dụng, mối quan hệ giữa Kiểm soát viên với các tổ chức, cá nhân có liên quan và các nội dung khác thực hiện theo Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên Quỹ bảo lãnh tín dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, phù hợp với các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
1. Tiêu chuẩn, điều kiện được bổ nhiệm Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
2. Quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng
a) Tổ chức điều hành mọi hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng; thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện các quyết định của Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động hàng ngày của Quỹ bảo lãnh tín dụng; quyết định phương án đầu tư, huy động vốn, sử dụng vốn, phương án mua, bán, cho thuê, thanh lý tài sản và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
c) Đề xuất, xây dựng trình Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng quyết định theo thẩm quyền về chiến lược hoạt động, kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính dài hạn, trung hạn và kế hoạch hàng năm, kế hoạch nhân sự, tiền lương của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ; tổ chức thực hiện các kế hoạch này sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Ban hành các văn bản quản lý nội bộ và các quy định khác liên quan đến hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
đ) Trình Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng quyết định việc quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh quản lý Quỹ theo quy định tại Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
e) Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo yêu cầu quản lý của Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
1. Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng
a) Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng giúp Giám đốc điều hành Quỹ bảo lãnh tín dụng theo phân công và ủy quyền của Giám đốc Quỹ; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công và ủy quyền. Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng quyết định cơ cấu, số lượng Phó giám đốc theo quy mô và đặc điểm hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng trong quá trình hoạt động sau khi có ý kiến phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Tiêu chuẩn, điều kiện được bổ nhiệm Phó giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này.
2. Kế toán trưởng Quỹ bảo lãnh tín dụng
a) Kế toán trưởng Quỹ bảo lãnh tín dụng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo phân công và ủy quyền của Giám đốc và phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật có liên quan; giúp Giám đốc Quỹ giám sát hoạt động tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán; chịu trách nhiệm trước Giám đốc, trước Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công hoặc ủy quyền;
b) Ngoài tiêu chuẩn, điều kiện được bổ nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này, Kế toán trưởng Quỹ bảo lãnh tín dụng phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 53, Điều 54 Luật kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015.
3. Bộ máy giúp việc của Quỹ bảo lãnh tín dụng gồm các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp việc Chủ tịch và Giám đốc Quỹ điều hành, quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng.
1. Việc tổ chức điều hành hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng được thực hiện theo một trong hai phương thức sau:
a) Thành lập bộ máy tổ chức quản lý điều hành độc lập Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương;
b) Ủy thác cho Quỹ tài chính nhà nước tại địa phương tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
2. Trường hợp hoạt động theo mô hình ủy thác tại điểm b khoản 1 Điều này:
a) Quỹ bảo lãnh tín dụng phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này;
b) Việc ủy thác cho Quỹ tài chính địa phương tổ chức quản lý điều hành Quỹ bảo lãnh tín dụng phải thực hiện thông qua văn bản ủy thác giữa hai bên, trong đó nêu rõ các nội dung: Phạm vi ủy thác, tổ chức bộ máy (trong đó quy định rõ các nhân sự của Quỹ gồm: Chủ tịch, Giám đốc và Kiểm soát viên); nội dung ủy thác; quy trình ủy thác; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác, rủi ro phát sinh, trách nhiệm của các bên và các nội dung khác có liên quan.
3. Căn cứ tình hình thực tế tại từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn phương thức tổ chức, hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương và nội dung văn bản ủy thác theo quy định tại Điều này cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
1. Đối tượng được Quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh tín dụng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn, có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo quy định tại Nghị định này.
2. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực sau sẽ được ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng:
a) Các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ;
b) Các lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong từng thời kỳ.
3. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Danh mục cụ thể các ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong từng thời kỳ được Quỹ ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này.
Các đối tượng được bảo lãnh tín dụng quy định tại Điều 15 Nghị định này chỉ được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay.
2. Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này.
3. Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh.
4. Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên theo Luật quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
5. Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.
1. Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa bằng 100% giá trị khoản vay (bao gồm cả vốn lưu động và vốn trung, dài hạn) tại tổ chức cho vay. Căn cứ vào tính khả thi, mức độ rủi ro của doanh nghiệp, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của Quỹ, Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, quyết định cụ thể mức bảo lãnh cho doanh nghiệp.
2. Bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm một trong các trường hợp sau đây:
a) Bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay của bên được bảo lãnh tại các tổ chức cho vay;
b) Bảo lãnh nghĩa vụ trả lãi khoản vay của bên được bảo lãnh tại các tổ chức cho vay;
c) Bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi khoản vay của bên được bảo lãnh tại các tổ chức cho vay và phải được quy định cụ thể tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng.
3. Căn cứ vào khả năng tài chính, quản trị điều hành của Quỹ bảo lãnh tín dụng, tính khả thi và mức độ rủi ro của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, quyết định phạm vi bảo lãnh tín dụng quy định tại khoản 2 Điều này và phải được quy định cụ thể tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng.
1. Thời hạn cấp bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn đã thỏa thuận giữa các bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh tại hợp đồng tín dụng và được quy định rõ trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng, chứng thư bảo lãnh ký kết giữa các bên liên quan theo quy định tại Nghị định này.
2. Trong thời hạn cấp bảo lãnh, khách hàng không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì Quỹ bảo lãnh tín dụng tiếp tục cấp bảo lãnh tín dụng cho khách hàng theo hợp đồng bảo lãnh tín dụng đã ký với bên được bảo lãnh cho đến khi hết thời hạn bảo lãnh theo hợp đồng.
1. Đồng tiền bảo lãnh tín dụng là đồng Việt Nam (VND).
2. Giới hạn bảo lãnh vay vốn đầu tư: Tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng tính trên vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng không vượt quá 15% đối với một khách hàng và không vượt quá 20% đối với một khách hàng và người có liên quan.
3. Giới hạn bảo lãnh vay vốn lưu động: Ngoài quy định về giới hạn bảo lãnh vay vốn tại khoản 2 Điều này, giới hạn bảo lãnh vay vốn lưu động của Quỹ bảo lãnh tín dụng tối đa không vượt quá vốn chủ sở hữu của khách hàng thể hiện tại báo cáo tài chính của doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế của năm trước liền kề.
4. Tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các bên được bảo lãnh quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này tối đa không vượt quá 03 lần vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
1. Các chi phí liên quan đến hoạt động bảo lãnh tín dụng bao gồm:
a) Chi phí thẩm định hồ sơ bảo lãnh tín dụng khách hàng trả cho Quỹ bảo lãnh tín dụng cùng với hồ sơ đề nghị bảo lãnh lãnh tín dụng;
b) Chi phí bảo lãnh tín dụng tính trên số tiền được bảo lãnh và thời hạn bảo lãnh. Thời hạn thu phí bảo lãnh tín dụng được ghi trong hợp đồng bảo lãnh theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng và bên được bảo lãnh, phù hợp với thời hạn bảo lãnh tín dụng.
2. Quỹ bảo lãnh tín dụng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định các mức chi phí cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều này trong từng thời kỳ để Quỹ bảo lãnh tín dụng có căn cứ thực hiện.
3. Việc miễn, giảm chi phí bảo lãnh tín dụng thực hiện theo quy định tại Quy chế quy định cụ thể về các trường hợp, lĩnh vực được miễn, giảm chi phí bảo lãnh tín dụng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng. Nguyên tắc để xác định mức độ miễn, giảm chi phí bảo lãnh tín dụng bao gồm:
a) Thuộc lĩnh vực được miễn, giảm chi phí bảo lãnh tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên của địa phương;
b) Phù hợp với khả năng tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
c) Thẩm quyền phê duyệt đối với từng trường hợp cụ thể là Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ.
1. Giấy đề nghị bảo lãnh tín dụng của bên được bảo lãnh.
2. Các văn bản, tài liệu chứng minh bên được bảo lãnh có đủ các điều kiện được bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này và các tài liệu khác có liên quan theo quy định của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
3. Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đề nghị bảo lãnh trực tiếp tại Quỹ bảo lãnh tín dụng trên cùng địa bàn (nơi doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký kinh doanh và có trụ sở trên địa bàn) hoặc qua bưu điện.
4. Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng trình Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng ban hành quy định cụ thể về thành phần hồ sơ khách hàng đề nghị bảo lãnh tín dụng quy định tại Điều này.
1. Bên bảo lãnh có trách nhiệm thẩm định tính đầy đủ của các hồ sơ, tài liệu do bên được bảo lãnh gửi đến; thực hiện thẩm định tính hiệu quả, khả năng hoàn trả vốn vay của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và các điều kiện bảo lãnh khác theo quy định tại Nghị định này.
2. Bên bảo lãnh có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy trình thẩm định tính hiệu quả, khả năng hoàn trả vốn vay của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của bên được bảo lãnh theo nguyên tắc đảm bảo tính độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức liên quan trong quá trình thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh tín dụng.
3. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ xin bảo lãnh tín dụng hợp lệ, bên bảo lãnh phải hoàn thành xem xét việc bảo lãnh tín dụng cho bên được bảo lãnh. Quyết định bảo lãnh tín dụng cho bên được bảo lãnh được thực hiện bằng văn bản dưới hình thức hợp đồng bảo lãnh tín dụng giữa bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh. Trường hợp từ chối không cấp bảo lãnh tín dụng, bên bảo lãnh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận cho bên được bảo lãnh.
1. Hợp đồng bảo lãnh tín dụng do 02 bên (bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh) hoặc 03 bên (gồm: Bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh) thỏa thuận, ký kết nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định tại Nghị định này và bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Tên, địa chỉ của bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh (đối với trường hợp hợp đồng bảo lãnh tín dụng do 03 bên ký kết);
b) Địa điểm, thời điểm ký hợp đồng bảo lãnh tín dụng;
c) Nghĩa vụ trả nợ gốc, trả nợ lãi;
d) Thời hạn hiệu lực và chi phí bảo lãnh tín dụng quy định tại Nghị định này;
đ) Mục đích, nội dung bảo lãnh tín dụng;
e) Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại khoản 2 Điều 30 và Điều 31 Nghị định này;
g) Biện pháp bảo đảm bảo lãnh quy định tại Điều 25 Nghị định này;
h) Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng bên (bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh) trong quá trình thực hiện bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này;
i) Thỏa thuận về các biện pháp thu hồi nợ bên nhận bảo lãnh phải thực hiện sau khi bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho bên nhận bảo lãnh và phương thức để chứng minh đã thực hiện các biện pháp này trước khi thông báo cho bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này;
k) Thỏa thuận cụ thể về việc xử lý trong trường hợp bên bảo lãnh trả nợ thay (gồm lãi suất, thời hạn) cho bên được bảo lãnh;
l) Thỏa thuận về cách thức, nội dung giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo lãnh;
m) Những thỏa thuận khác phục vụ cho yêu cầu quản lý của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
2. Khi có sự thay đổi các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, bên được bảo lãnh phải có trách nhiệm thông báo cho bên bảo lãnh xem xét chấp thuận việc điều chỉnh hợp đồng bảo lãnh tín dụng. Hợp đồng bảo lãnh tín dụng được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ khi các bên có liên quan thỏa thuận và thống nhất.
3. Quỹ bảo lãnh tín dụng xây dựng mẫu hợp đồng bảo lãnh tín dụng đảm bảo tuân thủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và trình Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng phê duyệt.
1. Bảo lãnh vay vốn của bên bảo lãnh được thực hiện bằng văn bản dưới hình thức Chứng thư bảo lãnh.
2. Nội dung của Chứng thư bảo lãnh bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Tên, địa chỉ của bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh;
b) Ngày phát hành chứng thư bảo lãnh, nghĩa vụ trả nợ gốc, trả nợ lãi;
c) Điều kiện cụ thể việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
d) Thời hạn hiệu lực của chứng thư bảo lãnh;
đ) Các hồ sơ liên quan đến việc đề nghị thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng của bên nhận bảo lãnh đối với bên bảo lãnh;
e) Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện các nội dung trong chứng thư bảo lãnh; quy định các nội dung liên quan đến nội dung, xử lý giải quyết tranh chấp nếu phát sinh;
g) Các biện pháp thu hồi nợ bên nhận bảo lãnh phải thực hiện sau khi bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho bên nhận bảo lãnh và phương thức chứng minh đã thực hiện các biện pháp này trước khi thông báo cho bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này;
h) Các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên có liên quan.
3. Chứng thư bảo lãnh được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ khi các bên có liên quan thỏa thuận và thống nhất cụ thể.
1. Các biện pháp bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh vay vốn của Quỹ bảo lãnh tín dụng quy định tại Nghị định này gồm:
a) Quyền tài sản, tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng hoặc tài sản hiện có của bên thứ ba;
b) Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ của doanh nghiệp được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng theo đánh giá của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
c) Xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng theo đánh giá xếp hạng của Quỹ bảo lãnh tín dụng là doanh nghiệp đảm bảo khả năng trả nợ cho khoản vay tại tổ chức cho vay.
2. Quỹ bảo lãnh tín dụng đánh giá và quyết định việc sử dụng một hoặc nhiều biện pháp nhằm bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh vay vốn và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp miễn tài sản bảo đảm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Quỹ bảo lãnh tín dụng trình Chủ tịch Quỹ xem xét, quyết định biện pháp bảo đảm tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này theo quy định tại Quy chế về các trường hợp được miễn tài sản bảo đảm tại khoản 4 Điều này.
3. Trong từng trường hợp, bên được bảo lãnh thỏa thuận, thống nhất với Quỹ bảo lãnh tín dụng về biện pháp bảo đảm và ghi cụ thể trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng quy định tại Nghị định này.
4. Quỹ bảo lãnh tín dụng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quy chế về các biện pháp bảo đảm, thẩm quyền quyết định đối với từng biện pháp bảo đảm, trường hợp miễn tài sản bảo đảm của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào các tiêu chí: Lĩnh vực ngành nghề ưu tiên phát triển của địa phương, điều kiện tài chính của doanh nghiệp, mức độ rủi ro của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng và các tiêu chí khác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
1. Bên bảo lãnh có quyền:
a) Yêu cầu bên được bảo lãnh cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan và chứng minh đủ điều kiện được bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này;
b) Đề nghị bên nhận bảo lãnh chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện thấy bên được bảo lãnh có những dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi phạm hợp đồng bảo lãnh tín dụng;
c) Thu các chi phí hoạt động bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 20 Nghị định này;
d) Thực hiện quyền của bên bảo lãnh theo cam kết với bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh;
đ) Từ chối cấp bảo lãnh tín dụng đối với khách hàng không đủ điều kiện bảo lãnh tín dụng nêu tại Điều 16 Nghị định này;
e) Không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng thuộc trường hợp bên bảo lãnh được quyền không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nêu tại khoản 3 Điều 31 và Điều 32 Nghị định này;
g) Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ cam kết;
h) Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của bên bảo lãnh:
a) Thực hiện thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh do bên được bảo lãnh gửi đến;
b) Phối hợp với bên nhận bảo lãnh kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn và hoàn trả nợ của bên được bảo lãnh theo quy định tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng, chứng thư bảo lãnh và các quy định tại Nghị định này;
c) Thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh theo cam kết với bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh;
d) Trường hợp bên bảo lãnh nắm giữ tài sản bảo đảm thì bên bảo lãnh phải chuyển giao toàn bộ quyền nắm giữ tài sản thế chấp cho tổ chức cho vay ngay sau khi bên bảo lãnh không đồng ý trả nợ thay cho bên được bảo lãnh;
đ) Cung cấp thông tin và báo cáo định kỳ, đột xuất cho các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định;
e) Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
1. Bên nhận bảo lãnh có quyền:
a) Yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết với bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh và các thỏa thuận khác có liên quan theo quy định tại chứng thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh tín dụng, Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Yêu cầu bên được bảo lãnh chuyển giao quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm cho khoản vay; xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp bên được bảo lãnh không trả được nợ cho bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh;
c) Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi các bên vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng;
d) Yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ theo quy định tại Nghị định này;
đ) Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh:
a) Thực hiện nghĩa vụ của tổ chức cho vay đối với khách hàng và bên bảo lãnh theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ luật dân sự, Nghị định này và các văn bản quy định của pháp luật có liên quan;
b) Thực hiện nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh được quy định tại chứng thư bảo lãnh đối với các nội dung sau:
- Nghĩa vụ liên quan đến bên nhận bảo lãnh.
- Thông báo của bên nhận bảo lãnh cho Quỹ bảo lãnh tín dụng bằng văn bản các nội dung liên quan đến khoản cho vay của bên được bảo lãnh.
- Trường hợp bên nhận bảo lãnh nắm giữ tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo lãnh phải bảo toàn tài sản thế chấp; chuyển giao tài sản thế chấp cho Quỹ bảo lãnh tín dụng khi Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên được bảo lãnh.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định tại chứng thư bảo lãnh tín dụng.
c) Kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay, việc hoàn trả nợ vay của bên được bảo lãnh để đảm bảo việc sử dụng vốn, tài sản hình thành từ vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ vay theo đúng cam kết tại hợp đồng tín dụng;
d) Cung cấp cho bên bảo lãnh đầy đủ hồ sơ chứng minh việc giải ngân vốn vay; kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và tài sản hình thành từ vốn vay của bên được bảo lãnh khi yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
đ) Giám sát chặt chẽ nguồn thu của bên được bảo lãnh để đôn đốc thu hồi nợ vay;
e) Cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện cho vay có bảo lãnh tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
g) Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
1. Bên được bảo lãnh có quyền:
a) Yêu cầu bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh thực hiện các cam kết trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng, chứng thư bảo lãnh;
b) Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ:
a) Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin và tài liệu liên quan đến việc cấp bảo lãnh theo yêu cầu của bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin và tài liệu này;
b) Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh;
c) Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng, sử dụng vốn vay đúng mục đích;
d) Nộp các chi phí bảo lãnh tín dụng cho bên bảo lãnh đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định tại Nghị định này;
đ) Trong trường hợp có phát sinh thay đổi giữa bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh ảnh hưởng đến nghĩa vụ bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, bên được bảo lãnh phải thông báo kịp thời bằng văn bản cho Quỹ bảo lãnh tín dụng;
e) Phải bồi hoàn đầy đủ cho bên bảo lãnh về những khoản nợ phát sinh mà bên bảo lãnh đã trả thay;
g) Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
1. Sau khi bên được bảo lãnh không trả được nợ vay cho bên nhận bảo lãnh theo Hợp đồng tín dụng đã ký, bên nhận bảo lãnh thông báo cho bên bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.
2. Bên bảo lãnh thẩm định các hồ sơ bên nhận bảo lãnh đề nghị thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Điều 31 Nghị định này.
3. Bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay trong trường hợp chấp thuận trả nợ thay và không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp không đồng ý trả nợ thay theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.
4. Bên được bảo lãnh nhận nợ và hoàn trả bên bảo lãnh đối với nghĩa vụ nợ đã được bên bảo lãnh trả nợ thay.
5. Xử lý rủi ro trong trường hợp không thu hồi được nợ đã trả thay cho bên được bảo lãnh.
1. Khi đến hạn bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho bên nhận bảo lãnh theo hợp đồng tín dụng đã ký, bên nhận bảo lãnh phải xác định rõ nguyên nhân không trả được nợ và có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để thu hồi nợ theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng, chứng thư bảo lãnh quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định này.
2. Trường hợp sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi nợ tại khoản 1 Điều này mà bên được bảo lãnh vẫn không trả được nợ, bên nhận bảo lãnh phải thông báo bằng văn bản cho bên bảo lãnh về tình hình không trả được nợ của bên được bảo lãnh và đề nghị bên bảo lãnh trả nợ thay theo hợp đồng bảo lãnh tín dụng và chứng thư bảo lãnh mà các bên đã ký kết, kèm theo các hồ sơ có liên quan chứng minh việc đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ mà bên được bảo lãnh vẫn không trả được nợ và hồ sơ liên quan đến khoản bảo lãnh do các bên thỏa thuận tại Hợp đồng bảo lãnh tín dụng, chứng thư bảo lãnh.
3. Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng trình Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng quy định cụ thể về thành phần hồ sơ đề nghị trả nợ thay của bên nhận bảo lãnh.
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị trả nợ thay của bên nhận bảo lãnh quy định tại Điều 30 Nghị định này, bên bảo lãnh phải thực hiện kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị trả nợ thay của bên nhận bảo lãnh. Nội dung thẩm định bao gồm:
a) Số tiền bên nhận bảo lãnh đề nghị bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay;
b) Tính hợp pháp việc giải ngân khoản vay của bên nhận bảo lãnh đối với bên được bảo lãnh trước và sau khi phát hành chứng thư bảo lãnh, đảm bảo đúng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan đối với khoản vay;
c) Việc bên nhận bảo lãnh chấp hành đầy đủ, đúng các cam kết tại các điều khoản tại chứng thư bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh tín dụng;
d) Giá trị thị trường của tài sản bảo đảm đối với trường hợp bên nhận bảo lãnh nắm giữ tài sản bảo đảm chung đối với khoản bảo lãnh và khoản vay theo quy định tại Nghị định này.
2. Trường hợp đủ điều kiện bảo lãnh theo thỏa thuận tại chứng thư bảo lãnh, trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm thẩm định xong hồ sơ bên bảo lãnh phải có văn bản chấp thuận trả nợ thay, trong đó thông báo cụ thể về thời gian thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên nhận bảo lãnh đối với phần nghĩa vụ đã cam kết trong Chứng thư bảo lãnh.
3. Trường hợp không đủ điều kiện bảo lãnh theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng, chứng thư bảo lãnh và thuộc các trường hợp bên bảo lãnh được quyền không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tại Điều 32 Nghị định này, bên bảo lãnh có văn bản thông báo cho bên nhận bảo lãnh việc không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình và nêu rõ nguyên nhân không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Bên bảo lãnh được quyền không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong các trường hợp sau:
1. Bên nhận bảo lãnh chưa thực hiện mọi biện pháp thu hồi nợ đối với bên được bảo lãnh theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định này.
2. Bên nhận bảo lãnh vi phạm quy định của pháp luật về quy chế cho vay của tổ chức cho vay đối với khách hàng trong quá trình cấp tín dụng cho bên được bảo lãnh, không thực hiện kiểm tra, giám sát hoặc kiểm tra, giám sát không kịp thời dẫn đến việc khách hàng sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay không đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng.
3. Các trường hợp khác do bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh thỏa thuận tại Hợp đồng bảo lãnh tín dụng và chứng thư bảo lãnh đã ký kết.
1. Sau khi gửi văn bản thông báo chấp thuận trả nợ thay cho bên nhận bảo lãnh quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định này, bên bảo lãnh sẽ thực hiện chuyển tiền cho bên nhận bảo lãnh theo thời gian tại văn bản chấp thuận trả nợ thay. Căn cứ tình hình tài chính, bên bảo lãnh có thể thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh về việc chuyển toàn bộ số tiền bảo lãnh một lần hoặc chuyển nhiều lần.
2. Số tiền trả nợ thay bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi theo thỏa thuận tại chứng thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh tín dụng.
3. Trước khi thực hiện chuyển tiền trả nợ thay, bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh phải hoàn thành thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm chung cho khoản vay và khoản được bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này.
1. Bên được bảo lãnh nhận nợ với bên bảo lãnh:
a) Sau khi Quỹ bảo lãnh tín dụng chuyển tiền trả nợ thay cho bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh có trách nhiệm nhận nợ bắt buộc và hoàn trả bên bảo lãnh số tiền bên bảo lãnh đã trả thay cho bên được bảo lãnh;
b) Bên được bảo lãnh phải trả nợ cho bên bảo lãnh gồm: Nợ gốc trả cho Quỹ bảo lãnh tín dụng (gồm nợ gốc và lãi tại tổ chức cho vay mà Quỹ bảo lãnh tín dụng đã trả nợ thay), nợ lãi nhận nợ bắt buộc tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn của bên nhận bảo lãnh tại thời điểm nhận nợ, chi phí bảo lãnh chưa thu hồi được, các chi phí khác mà bên bảo lãnh đã chi trả thay cho bên được bảo lãnh. Việc nhận nợ vay bắt buộc được thực hiện bằng Hợp đồng nhận nợ bắt buộc;
c) Căn cứ vào hợp đồng bảo lãnh tín dụng và chứng thư bảo lãnh, Quỹ bảo lãnh tín dụng quyết định thời hạn nhận nợ bắt buộc, kỳ hạn trả nợ, lãi suất nhận nợ bắt buộc áp dụng cho khoản trả nợ thay. Thời hạn nhận nợ bắt buộc không quá 1/3 thời hạn cho vay trong hạn của khoản vay được bảo lãnh.
2. Trường hợp đặc biệt, Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng báo cáo Chủ tịch Quỹ để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc miễn, giảm lãi suất nhận nợ bắt buộc đối với từng trường hợp cụ thể nêu tại điểm b khoản 1 Điều này. Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét ban hành Quy chế về mức lãi suất nhận nợ, miễn, giảm lãi suất nhận nợ bắt buộc để Quỹ triển khai thực hiện sau khi có ý kiến thấp thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Trường hợp bên được bảo lãnh không thanh toán được khoản nợ vay bắt buộc khi đến hạn, bên bảo lãnh được quyền áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro theo quy định tại Điều 37 Nghị định này.
Nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn của bên bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau:
1. Bên được bảo lãnh đã thực hiện trả nợ đầy đủ đối với bên nhận bảo lãnh theo hợp đồng tín dụng đã ký.
2. Bên bảo lãnh đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh theo hợp đồng bảo lãnh tín dụng hoặc chứng thư bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh.
3. Việc bảo lãnh vay vốn được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác khi có thỏa thuận của các bên có liên quan.
4. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày phát hành chứng thư bảo lãnh mà không có khoản giải ngân nào của bên nhận bảo lãnh cho bên được bảo lãnh thì chứng thư bảo lãnh hết hiệu lực.
5. Thời hạn hiệu lực của bảo lãnh vay vốn đã hết.
6. Bên nhận bảo lãnh đồng ý miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh hoặc nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo quy định của pháp luật.
7. Theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
1. Phân loại nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện phân loại nợ đối với các khoản đã trả nợ thay cho bên được bảo lãnh (khách hàng phải nhận nợ bắt buộc) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng.
2. Trích lập quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh: Quỹ bảo lãnh tín dụng được trích lập Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh và được tính vào chi phí hoạt động của Quỹ như sau:
a) Trích lập dự phòng rủi ro chung bằng 0,75%/năm tính trên số dư cam kết bảo lãnh của Quỹ;
b) Trích lập dự phòng rủi ro cụ thể: Căn cứ kết quả phân loại nợ và kết quả thu chi tài chính hàng năm của Quỹ, Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cụ thể cho những khoản đã trả nợ thay cho bên được bảo lãnh, tỷ lệ trích không quá tỷ lệ trích tối đa theo từng nhóm nợ theo quy định đối với các tổ chức tín dụng.
3. Quỹ bảo lãnh tín dụng được sử dụng quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh để bù đắp các khoản nợ cho vay bắt buộc khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho khách hàng mà không thu hồi được nợ sau khi đã sử dụng các khoản bảo hiểm rủi ro (đối với các trường hợp mua bảo hiểm rủi ro). Cuối năm, nếu không sử dụng hết, số dư của quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh được chuyển sang năm tiếp theo để sử dụng.
Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh không đủ bù đắp những rủi ro bảo lãnh phát sinh trong năm thì sẽ lấy từ nguồn quỹ dự phòng tài chính theo quy định tại Điều 43 Nghị định này.
1. Nguyên tắc xử lý rủi ro: Việc xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng phải đảm bảo nguyên tắc:
a) Thực hiện đúng theo quy định của pháp luật;
b) Giảm thiệt hại tối đa cho nhà nước và gắn trách nhiệm của Quỹ bảo lãnh tín dụng, bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh và các cơ quan liên quan trong việc bảo lãnh, thu hồi khoản trả nợ thay theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Các biện pháp xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm: Cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ (gốc, lãi), bán nợ và xử lý tài sản bảo đảm.
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các biện pháp: Xoá nợ (gốc, lãi), bán nợ thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ;
b) Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng quyết định các biện pháp khoanh nợ, xử lý tài sản bảo đảm;
c) Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng quyết định biện pháp cơ cấu nợ.
4. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
5. Số tiền thu hồi được từ các khoản bảo lãnh đã được xử lý rủi ro, kể cả số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được bổ sung vào quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
1. Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện chế độ tài chính, kế toán, chế độ báo cáo theo đúng quy định của Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Năm tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.
1. Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tài chính năm, kế hoạch thu nhập, chi phí, kế hoạch mua sắm tài sản cố định để trình Chủ tịch Quỹ quyết định sau khi có ý kiến phê duyệt của chủ sở hữu.
2. Quy trình phê duyệt và ban hành kế hoạch tài chính năm như sau:
a) Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kế hoạch tài chính năm kế hoạch;
b) Trước ngày 30 tháng 3 năm kế hoạch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch tài chính năm làm căn cứ để Quỹ bảo lãnh tín dụng triển khai, thực hiện.
Nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng được hình thành từ các nguồn sau:
1. Vốn chủ sở hữu:
a) Vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng do ngân sách địa phương cấp;
b) Vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định;
c) Vốn hình thành từ các khoản tài trợ, viện trợ, đóng góp không phải hoàn trả của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho Quỹ bảo lãnh tín dụng;
d) Vốn nhà nước khác theo quy định của pháp luật;
đ) Các nguồn vốn khác thuộc vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
2. Vốn huy động: vốn huy động từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của Quỹ bảo đảm phù hợp với khả năng hoàn trả của Quỹ.
3. Các khoản vốn khác gồm:
a) Vốn nhận ủy thác của chính quyền địa phương, các quỹ tài chính địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước (bên ủy thác) để thực hiện yêu cầu của bên nhận ủy thác theo quy định của pháp luật và Nghị định này;
b) Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
1. Vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng phải được sử dụng theo nguyên tắc đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn và tài sản, cụ thể:
a) Cấp bảo lãnh tín dụng cho các bên được bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này;
b) Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng tối đa không quá 7% vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Chủ tịch Quỹ ban hành quy chế đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định đảm bảo chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này và quy định của Luật ngân sách nhà nước.
3. Vốn nhàn rỗi của Quỹ bảo lãnh tín dụng được sử dụng để đầu tư mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, được gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng thuộc danh sách các tổ chức tín dụng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong từng thời kỳ theo nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn.
Quỹ bảo lãnh tín dụng áp dụng quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, người quản lý quỹ theo quy định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phù hợp với tính chất và mô hình hoạt động của Quỹ theo quy định tại Nghị định này.
1. Kết quả tài chính hàng năm của Quỹ bảo lãnh tín dụng là số chênh lệch giữa tổng số thu nhập và tổng số chi phí phát sinh trong năm tài chính.
2. Sau khi nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, trường hợp tổng thu nhập lớn hơn tổng chi phí, phần chênh lệch này được phân phối theo trình tự như sau:
a) Bù đắp các khoản kết quả tài chính âm lũy kế đến thời điểm quyết toán;
b) Trừ các khoản tiền phạt do vi phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định của pháp luật;
c) Phần còn lại sau khi đã trừ các khoản quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này được trích theo thứ tự như sau:
- Trích lập quỹ đầu tư phát triển tối thiểu 30%.
- Trích quỹ dự phòng tài chính 20%; mức trích tối đa của quỹ này không vượt quá 25% vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
- Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động, quỹ thưởng người quản lý theo chế độ áp dụng cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về điều kiện và mức trích các quỹ này.
- Số còn lại (nếu có) được bổ sung vào Quỹ đầu tư phát triển để bổ sung vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Mục đích sử dụng của các Quỹ
a) Quỹ đầu tư phát triển được dùng để bổ sung vốn điều lệ và thực hiện các dự án đầu tư phát triển của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
b) Quỹ dự phòng tài chính được dùng theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Để bù đắp những tổn thất, thiệt hại về tài sản, công nợ không đòi được xảy ra trong hoạt động;
- Xử lý rủi ro bảo lãnh tín dụng sau khi đã sử dụng hết quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh được trích lập từ chi phí theo quyết định của Chủ tịch Quỹ trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng;
c) Quỹ thưởng người quản lý:
- Được dùng để thưởng cho Chủ tịch, Kiểm soát viên, Giám đốc, các Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của Quỹ bảo lãnh tín dụng như đối với Công ty trách nhiệm hữu một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Mức thưởng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao và hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng;
d) Quỹ khen thưởng được dùng để thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho cá nhân, tập thể của Quỹ bảo lãnh tín dụng có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ mang lại hiệu quả cao cho hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng; thưởng cho tập thể, cá nhân trong và ngoài Quỹ bảo lãnh tín dụng tham gia đóng góp hiệu quả vào quá trình hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
đ) Quỹ phúc lợi được sử dụng để chi cho các hoạt động thể thao, văn hóa, phúc lợi công cộng của tập thể cán bộ của Quỹ bảo lãnh tín dụng; chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho cán bộ Quỹ bảo lãnh tín dụng; chi đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Chủ tịch, Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng phối hợp với Công đoàn của Quỹ bảo lãnh tín dụng quản lý, sử dụng quỹ này công khai, minh bạch.
4. Quỹ bảo lãnh tín dụng ban hành Quy chế quản lý và sử dụng các Quỹ theo quy định tại Nghị định này để áp dụng trong nội bộ của Quỹ bảo lãnh tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch sau khi có ý kiến thông qua của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Trường hợp tổng thu nhập nhỏ hơn tổng chi phí (trong năm tài chính Quỹ bảo lãnh tín dụng bị lỗ), Quỹ bảo lãnh tín dụng được chuyển lỗ sang năm sau, thời gian được chuyển lỗ tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Trường hợp sau 05 năm nếu Quỹ bảo lãnh tín dụng không chuyển hết lỗ, Quỹ bảo lãnh tín dụng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc giảm vốn hoặc cấp bù vốn hoạt động, tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
1. Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm:
a) Lập và gửi các báo cáo định kỳ 06 tháng về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh nơi có Quỹ bảo lãnh tín dụng thành lập và hoạt động;
b) Lập và gửi báo cáo hàng năm về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Các loại báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm quy định tại khoản 1 Điều này, gồm:
a) Báo cáo tài chính, gồm: Bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả hoạt động; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; báo cáo tình hình biến động vốn chủ sở hữu; bản thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật; Báo cáo tình hình thu chi tài chính; báo cáo tình hình phân phối chênh lệch thu, chi và sử dụng các quỹ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
b) Báo cáo hoạt động nghiệp vụ: Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động của các dự án được cấp bảo lãnh;
c) Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm.
3. Thời hạn gửi báo cáo:
a) Báo cáo 06 tháng gửi chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc 06 tháng;
b) Báo cáo năm được gửi chậm nhất là sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính; riêng báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm của Quỹ bảo lãnh tín dụng do tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện được gửi chậm nhất là sau 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
4. Trường hợp đột xuất, Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp thông tin, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
5. Định kỳ hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tình hình hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát. Nội dung báo cáo gồm:
a) Tình hình hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng gồm: Doanh số, tổng dư nợ bảo lãnh, lĩnh vực bảo lãnh, nghĩa vụ trả nợ thay;
b) Tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng: Nguồn vốn hoạt động, thu - chi tài chính, trích lập dự phòng rủi ro;
c) Nhận xét, đánh giá và kiến nghị về hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
1. Báo cáo tài chính hàng năm của Quỹ bảo lãnh tín dụng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán nhà nước và được công khai theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Hàng năm, Kiểm soát viên của Quỹ bảo lãnh tín dụng trình Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng lựa chọn một tổ chức kiểm toán độc lập thành lập và hoạt động tại Việt Nam để kiểm toán báo cáo tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
3. Kiểm soát viên của Quỹ bảo lãnh tín dụng tổ chức, kiểm tra, kiểm soát theo kế hoạch việc chấp hành chế độ tài chính kế toán tại Quỹ bảo lãnh tín dụng và báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm soát cho Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát và đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan trên địa bàn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát và đánh giá tình hình hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
1. Giám sát việc bảo toàn vốn.
2. Giám sát việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản
a) Hoạt động huy động vốn;
b) Sử dụng vốn;
c) Cấp bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này và quy định nội bộ của Quỹ;
d) Quản lý tài sản.
3. Giám sát kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng
a) Việc thực hiện kế hoạch hoạt động của Quỹ;
b) Kết quả hoạt động của Quỹ: Thu nhập, kết quả tài chính của Quỹ;
c) Phân phối kết quả tài chính và trích lập các quỹ.
4. Giám sát thực hiện chế độ tiền lương của Quỹ.
5. Các nội dung giám sát liên quan khác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
1. Quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại Nghị định này, các văn bản hướng dẫn Nghị định.
2. Điều lệ tổ chức và hoạt động và các quy chế hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng do các cấp thẩm quyền ban hành.
3. Kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ bảo lãnh tín dụng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Báo cáo tài chính năm của Quỹ bảo lãnh tín dụng đã được kiểm toán độc lập và được Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng thông qua; báo cáo tài chính 06 tháng, năm; báo cáo nghiệp vụ định kỳ và các báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước.
5. Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại Quỹ bảo lãnh tín dụng của các cơ quan chức năng đã công bố theo quy định hoặc đã gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
6. Các thông tin, tài liệu có liên quan khác theo quy định của pháp luật.
7. Phương thức giám sát tài chính thực hiện bằng phương pháp giám sát trực tiếp hoặc giám sát gián tiếp thông qua các báo cáo của Quỹ bảo lãnh tín dụng để phát hiện kịp thời các rủi ro về tài chính, hạn chế trong quản lý tài chính của Quỹ và có cảnh báo, giải pháp xử lý.
1. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm của Quỹ bảo lãnh tín dụng, bao gồm:
a) Chỉ tiêu 1: Tăng trưởng doanh số bảo lãnh cấp tín dụng;
b) Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nợ đã trả thay cho doanh nghiệp;
c) Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ thu hồi nợ bắt buộc đối với hoạt động bảo lãnh tín dụng hàng năm của Quỹ;
d) Chỉ tiêu 4: Tổng thu nhập trừ tổng chi phí;
đ) Chỉ tiêu 5: Tình hình chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn, tài sản của Quỹ, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, chế độ báo cáo tài chính.
2. Nguyên nhân khách quan
Khi tính toán các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại khoản 1 Điều này, Quỹ bảo lãnh tín dụng được loại trừ các yếu tố khách quan về:
a) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân bất khả kháng khác;
b.) Thay đổi về chính sách chi phí bảo lãnh tín dụng làm ảnh hưởng đến kết quả tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng hoặc việc miễn, giảm chi phí bảo lãnh tín dụng theo quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể phương thức đánh giá hiệu quả và xếp loại Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều này.
4. Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng hàng năm phải gửi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 5 của năm tiếp theo để thực hiện quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật.
Căn cứ kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định:
1. Cơ cấu lại bộ máy tổ chức quản trị, điều hành và các hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng có tổ chức và hoạt động chưa tuân thủ các quy định tại Nghị định này và pháp luật hiện hành, hoạt động chưa hiệu quả.
2. Giải thể các Quỹ bảo lãnh tín dụng đã được cơ cấu lại theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu thành lập Quỹ, hoạt động không đúng quy định của pháp luật và các trường hợp buộc phải giải thể theo quy định tại Điều 51 Nghị định này.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương trong các trường hợp sau đây:
1. Quỹ bảo lãnh tín dụng không có đủ vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại khoản 4 Điều 64 và khoản 6 Điều 6 Nghị định này.
2. Tỷ lệ dư nợ cấp bảo lãnh tín dụng trên vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại thời điểm 31 tháng 12 hàng năm thấp hơn 10% trong 05 năm liên tiếp kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.
3. Tỷ lệ nợ xấu của Quỹ bảo lãnh tín dụng cao hơn 50% vốn điều lệ thực có của Quỹ trong 03 năm liên tiếp.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng giải thể để tổ chức việc thực hiện giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng. Hội đồng giải thể có chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về phương án giải thể và tổ chức thực hiện giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng.
2. Hội đồng giải thể gồm đại diện các cơ quan sau:
a) Chủ tịch Hội đồng giải thể là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Lãnh đạo Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại địa phương;
d) Chủ tịch, Kiểm soát viên của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
đ) Đại diện của các cơ quan liên quan (nếu cần thiết) theo quyết định của địa phương.
1. Trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng phải giải thể theo quy định tại Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng giải thể theo quy định tại Điều 52 Nghị định này. Hội đồng giải thể có trách nhiệm xây dựng phương án giải thể, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xin ý kiến Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi quyết định giải thể. Phương án giải thể bao gồm các nội dung sau:
a) Tổ chức kiểm toán độc lập để đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, trừ trường hợp đã có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập trong vòng 6 tháng trước thời điểm quyết định giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng;
b) Phương án thanh lý tài sản, xử lý nguồn vốn điều lệ, các khoản bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thực hiện và thanh toán các khoản nợ của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
c) Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
d) Nội dung chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
2. Sau khi phương án giải thể được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng theo các nội dung quy định tại Điều 54 Nghị định này.
3. Sau khi có quyết định giải thể:
a) Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 55 Nghị định này.
b) Hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 56 Nghị định này;
4. Hội đồng giải thể tự động chấm dứt hoạt động khi Quỹ bảo lãnh tín dụng đã hoàn tất các thủ tục giải thể theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
5. Thời gian giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng không quá 02 năm kể từ ngày quyết định giải thể có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định gia hạn thời gian giải thể nhưng tối đa không quá 01 năm.
1. Quyết định giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng phải có các nội dung chủ yếu như sau:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng bị giải thể;
b) Lý do giải thể;
c) Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của Quỹ bảo lãnh tín dụng; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 01 năm, kể từ ngày có quyết định giải thể;
d) Thu hồi trước hạn hoặc chuyển giao các khoản đã trả nợ thay cho một đơn vị chuyên môn tiếp tục theo dõi, thu nợ vốn Quỹ đã trả nợ thay;
đ) Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động.
2. Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biết và công bố rộng rãi việc giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trung ương.
1. Kể từ ngày quyết định giải thể có hiệu lực, Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm thực hiện triển khai các nhiệm vụ:
a) Chấm dứt hoạt động bảo lãnh tín dụng và các hoạt động có liên quan;
b) Khóa sổ kế toán; kiểm kê tài sản; đối chiếu công nợ phải thu, phải trả, lập báo cáo tài chính đến thời điểm quyết định giải thể có hiệu lực;
c) Lập danh sách các khoản tiền gửi tại các tổ chức tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng; nợ phải trả, danh sách khách hàng đang bảo lãnh tín dụng và số nợ gốc, lãi phải thu (chia ra nợ có khả năng thu hồi và nợ không có khả năng thu hồi); các khoản vốn huy động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
d) Gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Quỹ.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi quyết định giải thể có hiệu lực, Quỹ bảo lãnh tín dụng phải bàn giao cho Hội đồng giải thể:
a) Báo cáo tài chính, sổ sách kế toán và các tài liệu liên quan đến việc giải thể của Quỹ; danh sách các khoản bảo lãnh tín dụng và trả nợ thay;
b) Toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng hợp pháp của Quỹ bảo lãnh tín dụng (kể cả tài sản chưa thu hồi được).
1. Sau khi có quyết định giải thể, Hội đồng giải thể có trách nhiệm:
a) Thu hồi con dấu của Quỹ bảo lãnh tín dụng để phục vụ việc giải thể;
b) Tổ chức giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng theo phương án được duyệt;
c) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải thể, Hội đồng giải thể báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng.
2. Hội đồng giải thể được sử dụng con dấu của Quỹ bảo lãnh tín dụng để phục vụ công tác giải thể và yêu cầu các cơ quan nhà nước có liên quan hỗ trợ việc thu hồi tài sản.
Việc phá sản Quỹ bảo lãnh tín dụng được thực hiện theo quy định của Luật phá sản và các văn bản hướng dẫn.
1. Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, chế độ kế toán và quy chế xử lý rủi ro đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này.
2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các đơn vị có liên quan hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
3. Phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức theo dõi, tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này.
1. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này.
2. Hướng dẫn các tổ chức tín dụng xác định lãi suất cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này, bảo đảm chi phí vay vốn (bao gồm cả phí bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng) phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức triển khai thực hiện bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này.
Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quỹ và tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định này theo quy định của pháp luật.
1. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh:
a) Phê duyệt Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 6 Nghị định này; thông qua chủ trương về giải thể và phá sản Quỹ bảo lãnh tín dụng;
b) Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan;
b) Cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này và quyết định điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
c) Ban hành, sửa đổi và bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng; tuân thủ các quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
d) Quy định về chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các chức danh quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này;
đ) Ban hành quy chế hoạt động của Kiểm soát viên Quỹ bảo lãnh tín dụng;
e) Thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện đối với hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
g) Báo cáo định kỳ hàng năm và đột xuất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kết quả và tình hình hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này;
h) Kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng; kiến nghị bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách cho hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng;
i) Hàng năm báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ theo thẩm quyền;
k) Các nội dung khác thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản có liên quan.
1. Đối với việc thực hiện các hợp đồng, chứng thư bảo lãnh và các cam kết đã ký giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành:
Các trường hợp đã được Quỹ bảo lãnh tín dụng ký hợp đồng bảo lãnh, chứng thư bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức cho vay trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết tại hợp đồng bảo lãnh, chứng thư bảo lãnh và các thỏa thuận khác theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Đối với các trường hợp được Quỹ bảo lãnh tín dụng ký hợp đồng bảo lãnh, chứng thư bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức cho vay sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định này.
3. Đối với số dư quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuyển vào quỹ đầu tư phát triển quy định tại Điều 43 Nghị định này.
4. Đối với các Quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động: Tối đa trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các Quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động phải thực hiện rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bổ sung vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch và Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng, các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 34/2018/ND-CP |
Hanoi, March 8, 2018 |
ON ESTABLISHMENT, ORGANIZATION AND OPERATION OF CREDIT GURANTEE FUNDS FOR MEDIUM AND SMALL ENTERPRISES
Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;
Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;
Pursuant to the Civil Code dated November 24, 2015;
Pursuant to the Law on credit institutions dated June 16, 2010 and Law on amendments to the Law on credit institutions dated November 20, 2017;
Pursuant to the Law on Enterprises dated November 26, 2014;
Pursuant to the Law on support for SMEs dated June 12, 2017;
At the request of the Minister of Finance;
The Government promulgates a Decree on establishment, organization and operation of credit guarantee funds for small and medium-sized enterprises.
Article 1. Scope and regulated entities
1. Scope
The Decree hereby provides for the establishment, organization and operation of credit guarantee funds in centrally-affiliated cities and provinces (hereinafter referred to as credit guarantee fund or Fund) in order for small and medium-sized enterprises (hereinafter referred to as SMEs) to take out loans from lenders as prescribed herein.
2. Regulated entities
a) Credit guarantee funds;
b) Lenders prescribed herein;
c) Beneficiaries of credit guarantee funds in accordance with Article 15 and 16 of this Decree;
d) Entities involved in the implementation of this Decree.
Article 2. Legal status and obligations to state budget of credit guarantee funds
1. “credit guarantee fund” means an off-budget financial fund which is established by the People’s Committee of province or central-affiliated city (hereinafter referred to as province) and operates for non-profit, capital maintenance and development purposes; extend credit guarantees to SMEs as prescribed in this Decree and relevant laws. The credit guarantee fund operates in the form of a single-member limited liability company whose charter capital is wholly held by the state as prescribed in this Decree No. and relevant laws.
2. The credit guarantee fund has legal status, charter capital, separate financial statements, stamp and is entitled to open its account at the State Treasury and commercial banks lawfully operating in Vietnam as per the law.
3. A credit guarantee fund that generates revenue from credit guarantee extending as prescribed in this Decree is exempt from corporate income tax. A credit guarantee fund generates revenue from activities other than credit guarantee extending must pay taxes in accordance with regulations of law on taxation.
Article 3. Interpretation of terms
For the purposes of this Decree, these terms below shall be construed as follows:
1. “credit guarantee” refers to a commitment to a lender by the credit guarantee fund to assume the financial obligation of a borrower (obligor) if that debtor fails to discharge the obligation when due or discharge the obligation unproperly and inadequately under the credit guarantee contract and as per the law. The obligor is bound to be indebted and is obliged to repay the sum of money that the Credit Guarantee Fund has paid to recover debts on their behalf.
2. “guarantor” refers to a credit guarantee fund for small and medium-sized enterprises incorporated and operating in accordance with this Decree.
3. “obligor” refers to those, as stipulated in Article 15 of this Decree, who are provided with the credit guarantee.
4. “obligee” refers to lenders as prescribed by law, extending credits to the obligor.
5. “lender” refers to credit institutions and state financial funds having lending function as per the law.
6. “credit guarantee contract” refers to a written amongst 2 parties: the guarantor and the obligor or 3 parties: the guarantor, the obligee and the obligor under which the guarantor shall be bound to act on behalf of the obligor to take on financial obligations that the obligor fails to fulfill or does not comply with as agreed upon to the obligee.
7. “credit guarantee certificate" refers to a written commitment of the guarantor to the obligee on which the guarantor agrees to act on behalf of the obligor to fulfill their financial obligations under which the obligor fails to repay or makes insufficient and late repayment on the agreed loan to the obligee.
8. “principal debt obligation” refers to a principal due under the credit contract or adjusted credit contract under guarantee scope of the guarantor that the obligor fails to repay or make insufficient repayment and this amount of debt is eligible for the guarantor to repay under the credit guarantee contract and this Decree.
9. “customer” refers to a SME as prescribed by law on SMEs which takes out a loan from a lender and guaranteed by a credit guarantee fund.
10. “relevant entities” refers to organizations and individuals prescribed in Clause 28 Article 4 of the Law on credit institutions 2010 and its amendments (if any).
Article 4. Operational rules of credit guarantee fund
1. The credit guarantee fund operates under rules of exercising financial autonomy and capital adequacy assurance.
2. The credit guarantee fund takes on limited liability within its owner's equity.
3. The credit guarantee fund is only entitled to extend credit guarantees related to a loan with eligible entities and qualified guarantee as prescribed in this Decree.
4. The credit guarantee fund, when considering extending credit guarantee, shall give priority to SMEs in preferential fields or sectors as prescribed in this Decree.
ESTABLISHMENT, FUNCTIONS, TASKS AND ORGANIZATIONAL STRUCTURE OF CREDIT GUARANTEE FUND
Article 5. Conditions for establishment of credit guarantee fund
1. Actually have at least VND 100 billion of charter capital at the time of establishment allocated by the provincial budget.
2. Have the scheme for establishment of credit guarantee fund submitted by the People's Committee of province and approved by the People’s Council of province. The scheme must at least contain contents prescribed in Clause 1 Article 6 hereof.
3. Have a draft of charter of organization and operation of credit guarantee fund in conformity with this Decree and other relevant laws.
4. Have a list of expected members of credit guarantee fund including: President, Controller, Director, Deputy Director and Chief Accountant of credit guarantee fund who are qualified as prescribed in Articles 10, 11, 12 and 13 of this Decree.
Article 6. Processes of establishment of credit guarantee fund
1. When there is a need to establish a credit guarantee fund, the People's Committee of province shall formulate a scheme for establishment of credit guarantee fund and then submit it to People’s Council of province for approval. The scheme for establishment of credit guarantee fund shall at least contain:
a) The need for establishment of credit guarantee fund, its contribution to the provincial socio-economic development; scale, scope, operation and its impact on provincial socio-economic development;
b) Its operational plan and sources of funds, representing sources of charter capital allocated in the capital expenditures of local government budget (in the mid-term public investment plan approved by the competent authority) in accordance with Clause 1 Article 5 hereof;
c) Have a draft of charter of organization and operation of credit guarantee fund in conformity with this Decree and other relevant laws;
d) Have a list of expected members including President, Controller, Director, Deputy Director and Chief Accountant of credit guarantee fund who are qualified as prescribed in this Decree;
dd) Demonstration of organizational structure and operating mechanism of credit guarantee fund as stipulated in this Decree;
e) Operation plan of credit guarantee fund prescribed in Article 14 of this Decree;
g) Financial and operational plan of credit guarantee fund for 5 years since establishment and estimated performance to prove the feasibility of the establishment.
2. If the establishment conditions are satisfied and the establishment is considered feasible, the People’s Council of province shall consider the following matters related to the establishment of credit guarantee fund: charter capital and sources of charter capital, called-up capital, model and organizational apparatus and other matters related to the credit guarantee fund under requirements of the People’s Council of province.
3. According to the scheme for establishment of credit guarantee fund prescribed in Clause 1 hereof approved by the People’s Council of province, the People's Committee of province issues an establishment decision and a decision on approval for charter of organization and operation of the credit guarantee fund.
4. Within 30 days from issuance of the decision on establishment of credit guarantee fund, the People's Committee of province shall give notices to the Ministry of Finance, the State Bank of Vietnam, the Ministry of Planning and Investment together with the establishment decision and the decision on approval for charter of organization and operation of the credit guarantee fund.
5. Within 30 days from issuance of the decision on establishment of credit guarantee fund, the credit guarantee fund shall publish its establishment on means of mass media.
6. Within 90 days from issuance of establishment decision of credit guarantee fund, the local government budget shall allocate full charter capital as prescribed in Clause 1 Article 5 of this Decree.
Article 7. Charter for the organization and operation of Credit Guarantee Fund
The Charter for the organization and operation of credit guarantee fund shall be approved by the President of the People’s Committee of province, at least containing:
1. Name and address of main office.
2. Legal status, legal representative.
3. Content and scope of operation.
4. Term of operation.
5. Charter capital of credit guarantee fund.
6. Qualifications for appointment and tasks and powers of the President, Controller, Director, Deputy Director and chief accountant of credit guarantee fund as prescribed in this Decree.
7. The recruitment, planning and appointment of other leader titles of the credit guarantee fund.
8. Principles of financial management, applied to the credit guarantee fund.
9. Procedures for any amendment to the charter of credit guarantee fund.
10. Partnership of credit guarantee fund with regulatory authorities, obligees and obligors.
11. Approaches to dispute, restructuring, dissolution, bankruptcy to be taken by the credit guarantee fund as prescribed in this Decree and relevant laws.
12. Other matters as required by the People's Committee of province in accordance with this Decree and relevant laws.
Article 8. Responsibilities and entitlement of credit guarantee fund
1. Responsibilities of credit guarantee fund.
a) Extend credit guarantees to eligible SMEs meeting conditions prescribed in this Decree;
b) Use capital with proper purposes to extend credit guarantees to SMEs;
c) Apply regulations on accounting, statistics and financial statements prescribed in this Decree and relevant laws;
d) Be subject to inspection and audit of competent authorities as per the law;
dd) Provide data and publish its operation regulations, financial regime, financial plans, performance and annual financial statements that are audited as prescribed in this Decree and relevant laws;
e) Buy property insurance, risk insurance in credit guarantee activities and other types of insurance as prescribed in law to maintain the safety of the credit guarantee fund;
g) Strictly comply with laws of the state and relevant laws on operation of credit guarantee funds.
2. Entitlements of credit guarantee fund
a) Operate in conformity with its objectives and scope as prescribed in this Decree;
b) Choose investment projects, business plans which are deemed feasible and efficient and conformable with the socio-economic development plan of the People's Committee of province and meet statutory conditions to extend credit guarantees;
c) Recruit, employ and train employees as prescribed in this Decree, the charter of organization and operation of credit guarantee fund and relevant laws;
d) Refuse any request for information disclosure and provision of resources made by any individual or organization if this request is in contravention of laws and regulations and charter of organization and operation of the credit guarantee fund.
Article 9. Organization and operation of credit guarantee fund
The management and operation of credit guarantee fund shall be structured with the inclusion of
1. President of credit guarantee fund.
2. Controllers.
3. Board of Management composed of: Director, Deputy Directors, chief accountant and assisting apparatus.
Article 10. President of credit guarantee fund
1. The President of credit guarantee fund who is appointed by the President of People’s Committee of province shall work as a full-time job if the Fund organizes an independent executive apparatus as prescribed in Point a Clause 1 Article 14 hereof.
2. Qualifications for appointment as a President of credit guarantee fund
a) Be a Vietnamese citizen as per the law;
b) Have full legal capacity and attain fitness to work;
c) Obtain a bachelor’s degree or higher, have at least 5 years’ managerial experience in economics, finance, banking, law, accounting, audit, securities, or insurance sector;
d) Be not spouse, natural parent, adoptive parent, natural child, natural sibling, brother or sister in-law of the President, Deputy President of the President of People’s Committee of province; Director, Deputy Director and chief accountant of the credit guarantee fund;
dd) Other qualifications as required by the People's Committee of province in accordance with charter of organization and operation of credit guarantee fund.
3. Responsibilities and entitlements of President of credit guarantee fund
a) Decide annual, medium and long-term strategies, operational plans, and financial plans of the credit guarantee fund with the consent of the People's Committee of province;
b) Approve financial statements, profit sharing, build up annual funds of the credit guarantee fund with the appraisal issued by controllers and the consent of the People's Committee of province;
c) Decide operational plans, payroll, organizational apparatus of the credit guarantee fund as prescribed in this Decree, charter of organization and operation of the credit guarantee fund and relevant laws after receiving the People's Committee of province’s approval;
d) Promulgate regulations on extending of credit guarantees, regulations on financial management and capital mobilization, regulations on management and use of funds, regulations on risk handling and other internal documents prescribed herein and charter of organization and operation of the credit guarantee fund with approval of the People's Committee of province;
dd) Decide the planning, appointment, dismissal, conclusion and termination of contracts, commendation, disciplinary actions of managerial positions in the credit guarantee fund within their competence prescribed in this Decree and charter of organization and operation of credit guarantee fund
e) Decide or authorize the Director to decide plan for fundraising, investment, construction, sale/purchase of fixed assets and other activities within their competence prescribed in prescribed in this Decree and charter of organization and operation of credit guarantee fund and relevant laws;
g) Exercise other entitlements and fulfill other responsibilities as required by the People's Committee of province prescribed in prescribed in this Decree and charter of organization and operation of credit guarantee fund.
Article 11. Controllers of credit guarantee fund
1. Controllers of credit guarantee fund who are appointed by the People's Committee of province to assist the People's Committee of province to control the management and administration of the President and Director of credit guarantee fund and other matters.
2. Qualifications for appointment as a controller:
a) He/she meets qualifications prescribed in Points a, b, d and dd Clause 2 Article 10 hereof;
b) He/she obtains a bachelor’s degree or higher, has at least 3 years’ managerial experience in economics, finance, banking, law, accounting, audit, securities, or insurance sector.
3. Working regulations, responsibilities and entitlements, appointment of controllers, relationship between controller and relevant entities and other matters shall be regulated by the operation regulation of controllers of credit guarantee fund issued by the People's Committee of province, in accordance with this Decree and relevant laws.
Article 12. Director of credit guarantee fund
1. Qualifications for appointment as a Director of credit guarantee fund as prescribed in Clause 2 Article 10 hereof.
2. Responsibilities and entitlements of Director of credit guarantee fund
a) Administer all activities of the credit guarantee fund; implement and evaluate the implementation of decisions made by the President of credit guarantee fund and the President of People’s Committee of province;
b) Deal with daily issues of the credit guarantee fund; decide plans for investment, fundraising, fund use, plans for purchase, sale, renting, liquidation of assets and other matters within his/her competence as prescribed in this Decree and charter of organization and operation of credit guarantee fund;
c) Propose long or medium-term strategies, operational plans, financial plans and formulate annual plans, staff and pay plans and then submit them to President of credit guarantee fund for consideration as prescribed in prescribed in this Decree and charter of organization and operation of credit guarantee fund; and then implement these plans after they are approved by competent authorities;
d) Issue internal documents and other regulations relevant to operation of the credit guarantee fund as prescribed in this Decree and charter of organization and operation of credit guarantee fund;
dd) Request President of credit guarantee fund to decide the planning, appointment, dismissal, commendation, disciplinary actions of managerial positions in the credit guarantee fund prescribed in this Decree and charter of organization and operation of credit guarantee fund;
e) Exercise other entitlements and fulfill other responsibilities as required by the President of credit guarantee fund and the President of People's Committee of province prescribed in prescribed in this Decree and charter of organization and operation of credit guarantee fund.
Article 13. Deputy Director, chief accountant and assisting apparatus of credit guarantee fund
1. Deputy Director of credit guarantee fund
a) Deputy Director of the credit guarantee fund assists the Chief Executive as designated and authorized by the Director; be held accountable to Director and the law in terms of their designated and authorized duties. The President of credit guarantee fund shall decide the composition and number of Deputy Directors according to the scale and operation characteristics of the credit guarantee fund during its operation after receiving the approval from the People's Committee of province;
b) Qualifications for appointment as a Deputy Director of credit guarantee fund as prescribed in Clause 2 Article 11 hereof.
2. Chief accountant of credit guarantee fund
a) The chief accountant of credit guarantee fund shall carry out accounting and statistics tasks as designated and authorized by the Director in accordance with laws and regulations on accounting and relevant laws; assist the Director to supervise the financial activities of the credit guarantee fund as prescribed in law on finance and accounting; be held accountable to Director and President of credit guarantee fund and the law in terms of performance of tasks and entitlements;
b) Apart from the qualifications for appointment prescribed in Clause 2 Article 11 hereof, the chief accountant must meet the qualifications prescribed in Article 53, Article 54 of the Law on accounting dated November 20, 2015.
3. The assisting apparatus of credit guarantee fund consists of specialized departments and divisions which advise and assist the President and Director to manage the credit guarantee fund.
Article 14. Administration of credit guarantee fund’s operations
1. Administration of credit guarantee fund’s operations shall be carried out through the application of one of the following methods:
a) Establish an independent management apparatus of credit guarantee fund at the locality;
b) Delegate the local state financial funds to manage operation of the credit guarantee fund.
2. If the apparatus operates under delegation model as prescribed in Point Clause 1 hereof:
a) The credit guarantee fund must be established by the People's Committee of province as prescribed in Article 5 and Article 6 of this Decree;
b) The local financial fund manages the credit guarantee fund under a delegation agreement between two parties, indicating: scope of delegation, organizational apparatus (composed of: President, Director and controller); detailed delegation; delegation process; responsibilities, duties and entitlements between the delegator and the entrusted party and relevant contents.
3. Depending on the circumstances in provinces, the People's Committee of province shall select the proper and effective method of operation of credit guarantee fund and the written delegation as prescribed in this Article in accordance with this Decree and relevant laws.
OPERATIONAL ACTIVITIES OF CREDIT GUARANTEE FUND
Article 15. Beneficiaries of credit guarantees
1. Beneficiaries of credit guarantee funds are SMEs prescribed in the Law on support for SMEs and its guiding documents, which have growth potential but are not eligible for access to credit in the preferential sectors as prescribed in this Decree.
2. SMEs taking out loans for investment and business purposes in the following sectors are given priority to be granted extend credit guarantees:
a) Preferential sectors for credit extending under guidance of the State Bank of Vietnam in each period;
b) Sectors or projects in the preferential sectors of local socio-economic development in each period.
3. According to Clause 2 of this Article, the People's Committee of province shall issue a list of preferential industries and sectors for local socio-economic development in each period that the Fund considers to extend credit guarantees as prescribed in this Decree.
Article 16. Conditions for extending credit guarantees
Beneficiaries of credit guarantees in accordance with Article 15 of this Decree are only granted credit guarantees when they meet the following conditions:
1. Prepare their effective and creditworthy investment projects, production and business plans.
2. Investment projects, production and business plans shall be assessed and subject to the decision to extend the credit guarantee in accordance with provisions set out in this Decree.
3. There is an investment or business plan in which owner’s equity accounts for at least 20% at the time when the credit guarantee fund considers the beneficiary for guarantee granting.
4. When applying for the guarantee, the beneficiary does not incur any tax debt for 1 year or longer as prescribed in the Law on Tax Administration and non-performing loans at credit institutions. If the tax debt incurred due to objective reason, the beneficiary must have a certification of its superior tax authority.
5. There are security interests for loan guarantees as prescribed in Article 25 hereof.
Article 17. Scope of credit guarantee
1. The credit guarantee fund considers granting a credit guarantee up to 100% of loans (including working capital and medium or long-term capital) to a SME. According to the feasibility, level of risks of the beneficiary, project, business plan and financial resources of the credit guarantee fund, the credit guarantee fund shall decide specific amount of guarantee for the beneficiary.
2. The guarantees of the credit guarantee fund include:
a) Guarantee for the principal of a loan taken out by the obligor from a lender;
b) Guarantee for the interests of a loan taken out by the obligor from a lender;
c) Guarantee for the principal and interests of a loan taken out by the obligor from a lender, specified in the credit guarantee contract.
3. According to its own financial resources and administration, feasibility and level of risks of the beneficiary’s project or business plan, the credit guarantee fund shall decide the scope of credit guarantee as prescribed in Clause 2 hereof, specified in the credit guarantee contract.
Article 18. Credit guarantee term
1. The credit guarantee term shall be determined in conformity with the term of the loan agreed upon between the obligor and the obligee in the credit contract and specified in the credit guarantee contract and the guarantee certificate entered into between relevant parties as prescribed in this Decree.
2. During the credit guarantee term, if the obligor has no longer been classified as a SME as prescribed by law, the credit guarantee fund must keep granting the extend credit guarantee to the obligor based on the credit guarantee contract between them until the expiry of the credit guarantee term.
Article 19. Currency and credit guarantee limits
1. Credit guarantee currency is VND.
2. Limit of loan guarantee for investment: Total amount of credit guarantee granted to a single obligor or a single obligor and a related entity does not exceed 15% or 20% respectively of actual charter capital of the credit guarantee fund.
3. Limit of loan guarantee for working capital: Apart from the regulation on loan guarantee limit prescribed in Clause 2 hereof, the loan guarantee for working capital does not exceed the amount of equity of the obligor representing in its financial statement submitted to the tax authority the year before.
4. Total amount of credit guarantees extended to obligors prescribed in Clause 2 and Clause 3 hereof is not more than 3 times higher than the actual charter capital of the credit guarantee fund.
Article 20. Fees for credit guarantee activities
1. Fees for credit guarantee activities include:
a) Fees for appraisal of credit guarantee dossiers paid by the obligor to the credit guarantee fund together with the application for credit guarantee;
b) Fee for the credit guarantee shall be calculated on the basis of the guaranteed sum and guarantee term. The expiry date of fee payment specified in the guarantee contract under the agreement between the credit guarantee fund and obligor shall conform to the credit guarantee term.
2. The credit guarantee fund shall submit specific amounts of fees prescribed in Clause 1 hereof in every period to the People's Committee of province for decision.
3. The remission of credit guarantee fees are specified in Regulations on cases and sectors eligible for remission of credit guarantee fees issued by the President of People’s Committee of province at the request of the President of credit guarantee fund. Criteria for determining degrees of remission of credit guarantee fees include:
a) Sectors eligible for remission among preferential sectors in the provinces;
b) In conformity with financial resources of the credit guarantee fund;
c) The President of credit guarantee fund has the authority to approve specific cases of remission based on the request of the Director of credit guarantee fund.
Article 21. Application documents for the offer of credit guarantee
1. Application form for the offer of credit guarantee prepared by the obligor.
2. Documentary evidence that proves that the obligor has fulfilled all necessary requirements for the credit guarantee under provisions set out in Article 16 of this Decree and other relevant documents stipulated by the credit guarantee fund.
3. SMEs submit applications for credit guarantee to the credit guarantee fund in person in the same administrative division (where they register their business and are headquartered) or by post.
4. The Director of credit guarantee fund shall request the President of credit guarantee fund to issue specific regulations on required documents in the application for offer of credit guarantees as prescribed in this Article.
Article 22. Assessment of the application and credit guarantee decision
1. The guarantor shall be responsible for verifying if required documents in the application sent by the obligor are adequate; assessing efficiency and effectiveness, and loan repayment competence of investment projects, production and business plans and other guarantee conditions prescribed in this Decree.
2. The guarantor shall be responsible for formulating the process for assessing the efficiency and effectiveness, and loan repayment competence of investment projects, production and business plans submitted by the obligor, who sticks to the principles that the autonomy, sole and joint responsibility of persons concerned at the stage of credit guarantee assessment and decision must be respected.
3. No later than 30 days since valid application documents for the offer of credit guarantee were fully received, the guarantor must complete the consideration process for granting the credit guarantee to the obligor. The decision to grant the credit guarantee to the obligor shall be documented in the form of a guarantee contract between the guarantor, the obligee and the obligor. Where the application for the offer of credit guarantee is rejected, the guarantor must send a written notification to the applicant in which reasons for such rejection must be clearly stated.
Article 23. Credit guarantee contract
1. A credit guarantee contract is entered into by 02 parties (the guarantor and the obligor) or 03 parties (the guarantor, the obligee and the obligor) but it must comply with this Decree and at least contain:
a) Name and address of the guarantor, the obligor, and the obligee (in case of 3-party contract);
b) Location and date of the conclusion of credit guarantee contract;
c) Principal and interest repayment obligation;
d) Validity period and credit guarantee fees prescribed herein;
dd) Credit guarantee purposes and clauses;
e) Conditions for the guarantor’s securing guarantee obligations prescribed in Clause 2 Article 30 and Article 31 hereof;
g) Security interests for guarantees prescribed in Article 25 hereof;
h) Rights, duties and obligations of each party (the guarantor, the obligee and the obligor) during extending of credit guarantee as prescribed herein;
i) Agreed terms regarding debt collection methods executed by the obligee after the obligor defaults on the debt or repays insufficient debt to the obligee and methods to prove that the obligee has executed these methods before notifying the guarantor to secure guarantee obligations as prescribed herein;
k) Specific agreed terms to the case in which the guarantor shall act on behalf of the obligor to repay debts (including interests, time limit);
l) Agreed terms regarding settlement of disputes arising during execution of the credit guarantee contract;
m) Other relevant agreements required by the credit guarantee fund.
2. Whenever there is any change to contractual terms and conditions of credit contract, the obligor shall be responsible for notifying the guarantor for consideration and approval of such change. Any amendment and supplement to or termination of the credit guarantee contract must be agreed upon by contracting parties.
3. The credit guarantee fund shall make forms of credit guarantee contract in accordance with Clause 1 hereof and submit them to the President for approval.
Article 24. Guarantee certificate
1. The loan guarantee of the guarantor shall be documented in the form of a guarantee certificate.
2. Guarantee certificate shall consist of the following information:
a) Name and address of the guarantor, the obligee and the obligor;
b) Date of issuance, principal and interests repayment;
c) Conditions for the guarantor’s securing guarantee obligations;
d) Validity period of guarantee certificate;
dd) Documents related to application for guarantor’s securing guarantee obligations made by the obligee to the guarantor;
e) Rights, duties and obligations of parties during performance of the guarantee certificate; relevant regulations on the settlement of disputes (if any);
g) Debt collection methods executed by the obligee after the obligor defaults on the debt or repays insufficient debt to the obligee and methods to prove that the obligee has executed these methods before notifying the guarantor to secure guarantee obligations as prescribed herein;
h) Other agreements between relevant parties.
3. Any amendment and supplement to or termination of the guarantee certificate must be agreed upon by contracting parties.
Article 25. Security interests for loan guarantee
1. Security interests for loan guarantee of the credit guarantee fund prescribed herein include:
a) Property rights, existing property or off-plan property under ownership of the obligor or existing property of a third party;
b) Investment projects, business plans of the obligor that are feasible and capable of repaying debts as evaluated by the credit guarantee fund;
c) Credit rating of the obligor evaluated by the credit guarantee fund, proving that the obligor is capable of repay debts to the lender.
2. The credit guarantee fund shall evaluate and consider using single or multiple security interests to secure the loan guarantee and operation of the credit guarantee fund as prescribed herein. In case of exemption of collateral prescribed in Point a Clause 1 of this Article, the credit guarantee fund shall request the President to decide on security interests prescribed in Point b, Point c Clause 1 of this Article as prescribed in the Regulation on cases of exemption of collateral prescribed in Clause 4 of this Article.
3. In every case, the obligor shall reach agreement with the credit guarantee fund in terms of security interests and specify in the credit guarantee contract prescribed herein.
4. The credit guarantee fund shall request the President of People’s Committee of province to issue a Regulation on security interests, power to decide on security interests, and cases of exemption of collateral as prescribed in this Decree based on the following criteria: The preferential sectors of the province, financial situations of the obligor, level of risks of the projects, business plans and financial resources of the credit guarantee fund and other criteria required by the People's Committee of province.
Article 26. Rights and obligations of the obligor
1. Guarantor shall be vested with the right:
a) Request the obligor to provide documentary evidence that proves that the obligor has matched all necessary requirements for the credit guarantee under provisions set out in Article 16 of this Decree;
b) Request the obligee to withhold the loaning and collect loans ahead of maturity date whenever any signs of violation committed by the obligor against laws or terms and conditions agreed in the credit guarantee contract are detected;
c) Collect the fee for the credit guarantee as prescribed in Article 20 of this Decree;
d) Exercise the contractual rights agreed in the contract between the obligee and the obligor;
dd) Refuse to extend the credit guarantee to those who are not eligible for credit guarantee prescribed in Article 16 of this Decree;
e) Refuse to fulfill credit guarantee obligations in the cases prescribed in Clause 3 Article 31 and Article 32 of this Decree;
g) Initiate legal proceedings against the obligor due to the failure to fulfill contractual obligations;
h) Other rights agreed by contracting parties in accordance with legal regulations.
2. Guarantor's obligations:
a) Assess the financial plan and debt repayment plan of the investment project, production and business plan submitted by the obligor;
b) Cooperate with the obligee to inspect the process of loan capital utilization and loan repayment of the obligor as specified in the credit guarantee contract, guarantee certificate and this Decree;
c) Fulfill the obligations agreed in the contract between the obligee and the obligor;
d) If the guarantor holds collateral, the guarantor must transfer all the right to hold collateral to the lender as soon as practicable after the guarantor refuses to repay debts on behalf of the obligor;
dd) Provide information and periodic or spontaneous reports for regulatory authorities in accordance with laws;
e) Other obligations agreed by contracting parties in accordance with legal regulations.
Article 27. Rights and obligations of the obligee
1. Obligee shall be vested with the right to:
a) Request the guarantor to fulfill their obligations as agreed upon with the obligor and the obligee as well as other relevant agreements in accordance with the guarantee certificate, credit guarantee contract, this Decree and relevant laws;
b) Request the guarantor to dispose of the right to receive and deal with assets being held as a security for the grant of guarantee in case obligor defaults on the debt owned to the guarantor and the obligee;
c) Initiate legal proceedings against those who default on terms and conditions agreed in the contract;
d) Request the guarantor to take on their guarantee obligations if the obligor does not pay or insufficiently pay their debts as prescribed in this Decree;
dd) Exercise other rights agreed by contracting parties in accordance with legal regulations.
2. Obligee's obligations:
a) Take on the obligations of a credit institution who grant loans to consumers and to the guarantor in accordance with the Law on credit institutions, Civil Code, this Decree and other applicable legal documents;
b) Take on obligations of the obligee prescribed in guarantee certificate as follows:
- obligations arising out of the obligee.
- written notices of the loan taken out by the obligor made by the obligee to the credit guarantee fund.
- If the obligee holds the collateral, the obligee must preserve it; transfer all collateral to the credit guarantee fund when the credit guarantee fund fulfill the guarantee obligations.
- Other obligations prescribed in the credit guarantee certificate.
c) Examine and supervise the utilization of loans, assets acquired from loans, repayment of loans made by obligors as an assurance about the loan utilization, assets acquired from loans used for the right purpose and loan repayment made under contractual terms and conditions agreed in the credit contract;
d) Provide all necessary documentary evidences for the loan disbursement for the guarantor; examine and supervise the loan utilization and assets acquired from the obligor’s loan whenever the discharge of guarantee obligations is required by the guarantor;
dd) Rigorously monitor the receipts of the obligor in order to speed up the loan collection;
e) Provide information, periodic or spontaneous reports on facts about secured loans for competent authorities;
g) Other obligations agreed by contracting parties in accordance with legal regulations.
Article 28. Rights and obligations of the obligor
1. Obligor shall be vested with the right:
a) Request the guarantor, obligee to secure their obligations as agreed upon in the credit guarantee contract and guarantee certificate;
b) Other rights agreed by contracting parties in accordance with legal regulations.
2. The obligor assumes the following obligations:
a) Provide sufficient information and supporting documents about the provision of guarantee at the request of the guarantor, obligor as well as bear responsibility for ensuring accuracy and legitimacy of such information and documents;
b) Be inspected and supervised by the guarantor, the obligee and the obligor;
c) Fulfill their commitments as agreed upon in the credit guarantee contract, and use the loan to serve the right purpose;
d) Pay fees for the credit guarantee to the guarantor in a sufficient and timely manner as prescribed in this Decree;
dd) If there is any change between the obligor and the obligee that affects obligation to the guarantee of the credit guarantee fund, the obligor shall give a written notice to the credit guarantee fund;
e) Reimburse the guarantor for the debts that the guarantor has paid on behalf of the obligor;
g) Other obligations agreed by contracting parties in accordance with legal regulations.
FULFILLMENT OF CREDIT GUARANTEE OBLIGATIONS
Article 29. Process to fulfill commitments to the credit guarantee
1. After the obligor defaults on the debt owned to the obligee under the signed credit contract, the obligee shall notify the guarantor of the fulfillment of guarantee obligations as prescribed in Article 30 of this Decree.
2. The guarantor shall assess documents in the request for fulfillment of guarantee obligations made by the obligee as prescribed in Article 31 of this Decree.
3. The guarantor shall repay debts on behalf of the obligor in case of approval and refuse to fulfill the guarantee obligations in case of disapproval as prescribed in Article 32 of this Decree.
4. The obligor shall undertake to be indebted and reimburse the guarantor the debts which are repaid by the guarantor.
5. Deal with risks of improbability to recover the debts repaid on behalf of the obligor.
Article 30. Notices of credit guarantee obligations
1. By the expiry date on which the debt repayment shall be due, if the obligor fails to repay or insufficiently repay their debts to the obligee under the signed credit contract, the obligee must clarify the reasons for this insolvency and apply regulated measures to collect debts under the credit guarantee contract, guarantee certificate prescribed in Article 23 and Article 23 of this Decree.
2. If the obligor is still unable to repay their debts after all of debt collection measures prescribed in Clause 1 of this Article are failed, the obligee must send a written notice of the obligor’s default to the guarantor and request the guarantor to repay debts on behalf of the obligor under the credit guarantee contract and guarantee certificate, enclosed with proof that debt collection measures are applied but the obligor still be unable to repay the debts and documents related to the guarantee mentioned in the credit guarantee contract, guarantee certificate.
3. The Director of credit guarantee fund request the President to specify required documents in the request for debt repayment on behalf of the obligor made by the obligee.
Article 31. Verification of request for debt repayment on behalf of the obligor made by the obligee
1. Within 15 days after receiving a duly completed request from the obligee as prescribed in Article 30 of this Decree, the guarantor shall verify the request. Matters to be verified:
a) The sum that the obligee requests the guarantor to repay debts on behalf of the obligor;
b) The legitimacy of loan disbursement made by the obligee to the obligor before and after the issuance of guarantee certificate, in accordance with the Law on credit institutions and relevant regulations on the loan;
c) The obligee’s observance to commitments in the guarantee certificate and credit guarantee contract;
d) The fair market value of the collateral in a case where the obligee holds the collateral together with the guarantee and the loan as prescribed in this Decree.
2. In case of qualified guarantee as agreed upon in the guarantee certificate, within 10 days from the completion of request verification, the guarantor must issue an approval for the debt repayment on behalf of the obligor, clarifying the time when the guarantor must repay the debt on behalf of the obligor as committed in the guarantee certificate.
3. In case of unqualified guarantee as agreed upon in the credit guarantee contract, guarantee certificate and the case that the guarantor is entitled not to fulfill the guarantee obligations prescribed in Article 32 of this Decree, the guarantor shall notify the obligee of non-fulfillment of guarantee obligation and clarify reasons thereof.
Article 32. Cases the guarantor entitled not to fulfill the guarantee obligations
The guarantor is entitled not to fulfill the guarantee obligations in the following cases:
1. The obligee has not applied all measures to collect debts from the obligor as prescribed in Clause 1 Article 30 of this Decree.
2. The obligee violates laws on lending regulations of the lender during the extending of credit to the obligor, or fails to inspect, supervise or inspect, supervise not in a timely manner, leading to the consequence that the obligor uses the loan or asset derived from the loan not for the purposes mentioned in the credit contract.
3. Other cases agreed by the guarantor, the obligee and the obligor in the credit guarantee contract and guarantee certificate.
Article 33. Fulfillment of credit guarantee obligations
1. After sending a notice of approval for debt repayment on behalf of the obligor to the obligee prescribed in Clause 2 Article 30 of this Decree, the guarantor shall transfer money to the obligee on schedule specified in this notice. According to the financial situation, the guarantor may deal with the obligee to transfer the guaranteed amount at one time or multiple times.
2. The repayment sum includes principal and interests as agreed upon in the guarantee certificate, credit guarantee contract.
3. Before transferring the money, the guarantor and the obligee must reach an agreement to dispose of the collateral if the collateral is both put up for the loan and the guarantee as prescribed in this Decree.
Article 34. Indebtedness and reimbursement of guaranteed debts
1. The obligor shall undertake to be in debt with the guarantor:
a) After the credit guarantee fund transfers money to repay debts to the obligee, the obligor is obliged to undertake to be indebted and reimburse the guarantor the amount the guarantor has paid on behalf of the obligor
b) The obligor must repay debts to the guarantor, including: the principal to be repaid to the credit guarantee fund (including principal and interests that the credit guarantee fund has repaid to the lender), the forced interests up to 150% of lending interest rates within the term of loan at the time that the debt is accepted, unpaid guarantee fee, other costs that the guarantor has paid on behalf of the obligor. The forced indebtedness shall be made in form of a forced indebtedness contract;
c) According to the credit guarantee contract and guarantee certificate, the credit guarantee fund shall decide the term and interests for forced indebtedness, applied to the debts that the guarantor has paid. The term of the forced indebtedness does not exceed one third of the term of the guaranteed loan.
2. In special circumstances, the Director of credit guarantee fund shall request the President to seek approval from the President of People’s Committee of province for the exemption from or reduction in forced indebtedness interests on a case-by-case basis prescribed in Point b Clause 1 of this Article. The President of credit guarantee fund shall consider issuing the Regulation on indebtedness interest rates, exemption from or reduction in forced indebtedness interests after obtaining the approval from the President of People’s Committee of province.
3. If the obligor is not capable of repaying the due forced loan, the guarantor is entitled to apply responses to risks as prescribed in Article 37 of this Decree.
Article 35. Termination of obligations to guarantee loans
The guarantor’s obligations to guarantee loans shall be terminated in the following cases:
1. The obligor has fulfilled their obligations to make a full payment on debts to the obligee under the credit contract.
2. The guarantor has discharged their guarantee obligations as agreed upon with the obligee in the credit guarantee contract or guarantee certificate.
3. The loan guarantee shall be cancelled or replaced by other guarantee methods if the mutual agreement entered into by interested parties is reached.
4. Within 60 days from the issuance of guarantee certificate, if there is no amount of disbursement from the obligee to the obligor, the guarantee certificate shall cease to be effective.
5. The term of loan guarantee has expired.
6. The obligee has agreed to exempt the guarantor from fulfilling their guarantee obligations, or the guarantee obligations have been terminated in accordance with laws.
7. Pursuant to the agreement signed by contracting parties in compliance with laws.
Article 36. Debt classification, building up guarantee loss reserves
1. Debt classification: The credit guarantee fund shall classify debts that have been repaid on behalf of the obligor (the obligor is forced to be indebted) as prescribed by the State bank of Vietnam.
2. Building up guarantee loss reserves: The credit guarantee fund may build up the guarantee loss reserves and have them deducted from the operational costs as follows:
a) Build up an annual general guarantee loss reserve equal to 0.75% of its guarantee balance;
b) Build up particular guarantee loss reserves: According to the debt classification and annual revenues and expenditures, the credit guarantee fund shall build up particular guarantee loss reserves for debts that have been repaid on behalf of the obligor, the rate of reserve may not exceed the maximum reserve rates by debt groups applied to credit institutions.
3. The credit guarantee fund shall be entitled to use the guarantee loss reserves to cover debts arising from guarantee obligations which cannot be recovered after using risk insurance (if any). At the end of the year, if the balance of the guarantee loss reserve remains positive, it will be carried forward to the following year for further use.
If the guarantee loss reserve is not enough to cover guarantee risks arising in that year, the financial reserve fund shall be taken as prescribed in Article 43 of this Decree.
1. Rules for dealing with risks: The dealing with risks of the credit guarantee fund must respect the following rules:
a) In accordance with laws and regulations;
b) Minimize damage to the state and involve the credit guarantee fund, the obligee, the obligor and relevant agencies taking responsibilities for the guarantee and recovery of the debts as prescribed in this Decree and relevant laws.
2. Responses to risks of credit guarantee fund: debt structuring, charge-off, write-off (principal and interests), debt purchase and disposal of collateral.
3. Power to deal with risks:
a) The President of People’s Committee of province shall decide on: write-off (principal and interests), debt purchase under the book value;
b) The President of credit guarantee fund shall decide on charge-off and disposal of collateral;
c) The Director of credit guarantee fund shall decide the debt structuring.
4. The Ministry of Finance shall provide guidelines for responses to risks of the credit guarantee fund.
5. The recovered amount from guarantees after dealing with risks, including the amount recovered from the disposal of collateral shall be transferred to the guarantee loss reserve of the credit guarantee fund.
FINANCE, ACCOUNTING AND AUDIT, INFORMATION AND REPORT
Article 38. Financial regime, accounting, report
1. The credit guarantee fund shall comply with their financial regime, perform accounting and reporting tasks in accordance with this Decree and guidelines from the Ministry of Finance.
2. Fiscal year of Credit Guarantee Fund begins on January 01 and ends on December 31 every calendar year.
Article 39. Making annual financial plans
1. The credit guarantee fund shall make annual financial plans, plans for revenues, expenditures, procurement of fixed assets and then submit them to the President for consideration after obtaining the approval from the owner.
2. Process of approval and issuance of annual financial plans:
a) Before December 31, the President of credit guarantee fund shall send a report on annual financial plan to the People's Committee of province;
b) Before March 30 of the planning year, the People's Committee of province shall consider approving the annual financial plan for further implementation.
Article 40. Operational capital of credit guarantee fund
Operating capital of the credit guarantee fund is acquired from the following sources:
1. Owner’s equity:
a) Charter capital of the credit guarantee fund allocated by the local government budget;
b) Supplementary capital generated from the operating outcome of credit guarantee fund in accordance with legal regulations;
c) Capital generated from non-refundable grants, aids, contributions from Vietnamese and foreign entities to the credit guarantee fund;
d) Other state capital as per the law;
dd) Other sources of funds from owner’s equity as per the law.
2. Called-up capital: Capital raised from Vietnamese and foreign financial institutions and credit institutions as per the law and internal regulations of the fund conformable with the repayment capacity of the fund.
3. Other capital:
a) Capital trusted by local governments, local financial funds, Vietnamese and foreign entities (the trust) to execute the requests of the trustee as per the law and this Decree;
b) Other legal capital sources as stipulated by applicable laws.
Article 41. Principles for the capital management and utilization of a credit guarantee fund
1. The utilization of operating capital of the Credit Guarantee Fund must be based on the principle that it will serve the right purpose, ensure efficiency, capital and asset safety as follows:
a) Extending the credit guarantee to obligors in accordance with the provisions laid down in this Decree;
b) Capital expenditures and procurement of fixed assets for the operation of credit guarantee fund at the investment rate of less than 7% of charter capital of credit guarantee fund. The President shall promulgate regulations on construction and procurement of fixed assets in accordance with laws on investment and construction management.
2. The People's Committee of province requests People’s Council of province to consider providing extra charter capital for the credit guarantee fund as prescribed in this Decree and the Law on State Budget.
3. Idle sums of credit guarantee fund shall be used to serve the purpose of purchasing government bonds, treasury bills, treasury bonds, national bonds, government-guaranteed bonds, or deposited to saving accounts at credit institutions approved by the President of People’s Committee of province in each period following the rules of capital maintenance and development.
Article 42. Salary and allowances
The credit guarantee fund applies regulations on management of employees, salaries, remunerations, bonuses to employees and managers for single-member limited liability companies whose charter capital is wholly held by the state and in conformity with the operation nature and model of the fund as prescribed in this Decree.
Article 43. Financial results and distribution
1. Annual financial result of the credit guarantee fund means the difference between the total revenue earned and total expense incurred in the fiscal year.
2. After paying taxes and amounts payable to State budget, if the total revenue is greater than total expense, this difference shall be distributed in the order below:
b) Cover cumulative negative amounts until the statement time;
b) Deduct fines for violations imposed on the credit guarantee fund as per the law;
c) The remaining amount after deductions prescribed in Point a and Point b Clause 2 of this Article shall be deducted in the order below:
- Set aside 30% to build up the development investment fund.
- Set aside 20% to build up the financial reserve fund; the maximum rate may not exceed 25% of the charter capital.
- Set aside an amount to build up the welfare fund for employees, reward fund for managers in accordance with regulations applied to single-member limited liability companies whose charter capital is wholly held by the state. The Ministry of Finance shall provide guidelines for conditions for building up these funds and rates thereof.
- The remaining amount (if any) shall be supplemented to the development investment fund for providing extra charter capital for the credit guarantee fund under a decision made by the President of People’s Committee of province.
3. Use purpose of aforementioned funds
a) The development investment fund shall be used to supplement to the charter capital and execute development investment projects of the credit guarantee fund;
b) The financial reserve fund shall be used in the order of priority as follows:
- To cover loss and damage in terms of property, debts that cannot be recovered;
- Deal with credit guarantee risks after using up the guarantee loss reserve which is built up from the guarantee fees according to the decision of the President upon the request of the Director;
c) Manager reward fund:
- shall be used to reward the President, controllers, Director, Deputy Directors, chief accountants of the credit guarantee fund in a similar way to single-member limited liability companies whose charter capital is held by the state.
- The People's Committee of province shall decide the amounts of rewards according to the performance of the credit guarantee fund, upon the proposal of the President of credit guarantee fund.
d) The reward fund shall be used to give regular or surprise awards to individuals or groups of the credit guarantee fund who have technical initiatives or practice process bringing about effective performance of the credit guarantee fund; give awards to entities inside and outside the credit guarantee fund who make effective contributions to the operation of the fund;
dd) The welfare fund shall be used to spend on sports, cultural, welfare activities of staff of the credit guarantee fund; give regular or surprise subsidies to staff in difficulties; spend on construction and repair of welfare works.
The President, Director of the credit guarantee fund shall cooperate with the trade union of the credit guarantee fund in managing this fund in a transparent manner.
4. The credit guarantee fund shall issue the Regulation on management and use of these funds in accordance with this Decree for their internal application. After the People's Committee of province ratifies the Regulation, it shall manage the funds in a transparent manner.
5. If the total revenue is less than total expense (credit guarantee fund suffers a loss in the financial year), the credit guarantee fund is entitled to carry the loss forward to the following year, the period for carrying loss may not exceed 5 years from the year succeeding the year of loss. If the credit guarantee fund fails to carry all of losses forward after 5 years, it shall request the President of People’s Committee of province to consider approving the capital reduction, operating capital allocation, restructuring, dissolution or bankruptcy of the credit guarantee fund as prescribed in this Decree and relevant laws.
Article 44. Communication and reporting regime
1. The credit guarantee fund shall:
a) Prepare and send biannual reports to the People's Committee of province, the Department of Finance, the branch of the State Bank of province where the credit guarantee fund operates;
b) Prepare and send annual reports to the Ministry of Finance, the State Bank of Vietnam and the Ministry of Planning and Investment.
2. Biannual and annual reports prescribed in Clause 1 of this Article, including:
a) Financial statements, including: balance sheets; performance reports; cash flow statements; equity fluctuation reports; notes to financial statements as per the law; revenue and expenditure reports; reports on distribution of revenues and expenditures and use of funds in accordance with instructions of the Ministry of Finance;
b) Professional operations reports: Financial performance reports of projects granted guarantees;
c) Annual financial audit reports.
3. Time limit for sending reports:
a) Biannual reports must be sent within 30 days from the end of the 6-month period;
b) The annual report must be sent within 90 days from the end of the fiscal year; the annual financial audit report of the credit guarantee fund made by the independent audit organization must be sent within 120 days from the end of the fiscal year.
4. In an ad hoc circumstance, the credit guarantee fund shall be responsible and obliged to provide information and reports for competent authorities upon requests.
5. On an annual basis, the People's Committee of province shall send a report on financial performance of the credit guarantee fund to the People’s Council of province for supervision. Contents of report:
a) Financial performance of the credit guarantee fund, including: turnover, total guaranteed debt, guarantee sector, debt repayment for the obligor;
b) Financial resources of the credit guarantee fund: operational sources of funds, revenues and expenditures, loan loss provision;
c) Evaluation and claims in terms of operation of the credit guarantee fund.
Article 45. Audit and financial statement disclosure
1. An annual financial report prepared by the credit guarantee fund must be audited by an independent auditor or state audit office and published in accordance with applicable laws.
2. Annually, the controller of credit guarantee fund shall request the President to select an independent audit organization incorporated and operating in Vietnam to make a financial audit of the credit guarantee fund.
3. The controller of the credit guarantee fund shall inspect and control the implementation of financial regulations by the credit guarantee fund as planned and send a report to the President of credit guarantee fund.
SUPERVISION AND PERFORMANCE ASSESSMENT OF CREDIT GUARANTEE FUND
Article 46. Authorities in charge of supervising and assessing performance of credit guarantee fund
1. The People's Committee of province shall supervise and assess the performance of the credit guarantee fund in a extensive manner.
2. The Department of Finance shall take charge and cooperate with branches of the State Bank of Vietnam of provinces and cities and relevant units in the administrative divisions in assisting the People's Committees of provinces to supervise and assess the performance of the credit guarantee fund.
1. Supervision of capital preservation.
2. Supervision of management and use of capital and assets
a) Capital raising;
b) Capital use;
c) Extending of credit guarantee in accordance with this Decree and internal regulations of the fund;
d) Property management.
3. Supervision of performance of the credit guarantee fund
a) Implementation of the fund’s operational plan;
b) Operational performance of the fund: income, financial performance of the fund;
c) Distribution of financial results and building up of funds.
4. Supervision of pay regime of the fund.
5. Other supervisions as required by the People's Committee of province.
Article 48. Bases for supervision and supervision methods
1. Regulations on organization and operation of credit guarantee fund in this Decree and its guiding documents.
2. Charter of organization and operation and other operation regulations of the credit guarantee fund issued by competent authorities.
3. Annual operation plan of the credit guarantee fund approved by the competent authorities.
4. Annual financial reports of the credit guarantee fund audited by independent entities and approved by the President of credit guarantee fund; biannual and annual financial statements; regular and surprise reports as required by the People's Committee of province or regulatory agencies.
5. Inspection and audit results at the credit guarantee fund published by specialized agencies and sent to the People's Committee of province.
6. Relevant information and materials as per the law.
7. Financial supervision methods shall be carried out in person or directly through reports sent by the credit guarantee fund to discover financial risks and financial management limitations in a timely manner and give warning and apply remedial measures.
Article 49. Assessing performance of credit guarantee fund
1. Criteria for annual performance assessment of the credit guarantee fund, including:
a) Criterion 1: Growth of turnover of credit guarantees;
b) Criterion 2: Rate of debts repaid on behalf of obligors;
c) Criterion 3: Rate of annual recovery of forced debts;
d) Criterion 4: Total revenue minus total expense;
dd) Criterion: The extent of compliance with regulations on investment, management and use of capital and property of the fund, obligations to the state budget, financial statement regime.
2. Objective reasons
When calculating criteria for performance assessment of the credit guarantee fund prescribed in Clause 1 hereof, the credit guarantee fund may exclude objective reasons in terms of:
a) Natural disasters, fire, epidemics, wars and other force majeure events;
b) Changes in credit guarantee fee policies that affect financial performance of the fund or the fee remission subject to decision of competent authorities in accordance with this Decree.
3. The Ministry of Finance shall provide guidelines for methods of evaluating performance and rating the credit guarantee fund as prescribed in this Article.
4. Annual performance assessment reports of the credit guarantee fund shall be sent to the Ministry of Finance, the State Bank of Vietnam, the Ministry of Planning and Investment before May 31 of the following year for state management purpose and as per the law.
RESTRUCTURING, DISSOLUTION, AND BANKRUPTCY OF CREDIT GUARANTEE FUND
Article 50. Restructuring and dissolution of credit guarantee fund
According to the performance assessment of credit guarantee fund, the People's Committee of province shall decide:
1. restructuring of administration apparatus and operations of the credit guarantee fund whose organization and operation has not complied with this Decree and applicable laws and has not operated effectively.
2. Dissolution of the credit guarantee fund which has been restructured as prescribed in Clause 1 of this Article but has operated ineffectively, not in conformity with the establishment objectives, and not in accordance with laws and regulations and falls under the cases of compulsory dissolution prescribed in Article 51 of this Decree.
Article 51. Cases of compulsory dissolution
The People's Committee of province shall dissolve a local credit guarantee fund in any of the following cases:
1. It has not adequate minimum charter capital as prescribed in Clause 4 Article 64 and Clause 6 Article 6 of this Decree.
2. The ratio of outstanding credit guarantee to the actual charter capital of the credit guarantee fund on December 31 is less than 10% in 5 consecutive years from effective date of this Decree.
3. Nonperforming loan ratio of the credit guarantee fund to the actual charter capital is greater than 50% in 3 consecutive years.
Article 52. Dissolution council of credit guarantee fund
1. The People's Committee of province shall consider establishing a dissolution council to deal with the dissolution of the credit guarantee fund. The dissolution council shall advise the People's Committee of province on dissolution plan and dissolution of the credit guarantee fund.
2. The dissolution council is composed of:
a) President of dissolution council who is the Deputy President of People’s Committee of province;
b) Leaders of the Department of Finance, the Department of Planning and Investment, the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs;
c) Leader of local branch of the State Bank of Vietnam;
d) The President, controllers of the credit guarantee fund;
dd) Representatives of relevant agencies (as deemed appropriate) subject to decision of the local government.
Article 53. Processes of dissolution of credit guarantee fund
1. If the credit guarantee fund must be dissolved as prescribed in this Decree, the People's Committee of province shall establish a dissolution council as prescribed in Article 52 of this Decree. The dissolution council shall formulate a dissolution plan, and request the People's Committee of province to send an advisory opinion request to People’s Council of province before dissolution decision. The dissolution plan shall contain:
a) The independent audit organization which evaluates financial situation and real value of charter capital, except for the case that there is a financial statement audited by an independent organization within 6 months before the dissolution decision;
b) Plan for liquidation of assets and actions against charter capital, credit guarantees which are granted to SMEs and repayment of debts incurred by the credit guarantee fund;
c) Plan for actions against obligations arising out of the labor contract;
d) Termination of all rights and interests of the credit guarantee fund.
2. After the dissolution plan is approved by the People’s Council of province, the People's Committee of province shall decide the dissolution of the fund as prescribed in Article 54 of this Decree.
3. After receiving such a dissolution decision:
a) The credit guarantee fund shall implement Article 55 of this Decree;
b) The dissolution council shall implement Article 56 of this Decree;
4. The dissolution council shall automatically terminates its operation when the credit guarantee fund completes procedures for dissolution as prescribed in this Decree and relevant laws.
5. The dissolution period of credit guarantee fund is up to 2 years from the effective date of the dissolution decision. In necessary cases, the People's Committee of province may give an extension of dissolution period up to 1 year.
Article 54. Dissolution decision of credit guarantee fund
1. Dissolution decision of credit guarantee fund must at least contain:
a) Name, headquarters of the dissolved credit guarantee fund;
b) Dissolution reasons;
c) Time limit, procedures for contract finalization and repayment of debts incurred by the credit guarantee fund; time limit for debt repayment and contract finalization is 1 year from the date on which the dissolution decision is made;
d) Recovery of debts repaid on behalf of obligors before due or transfer of these debts to specialized units for further monitoring and recovery;
dd) Plan for actions against obligations arising out of the labor contract.
2. Within a period of 15 working days that begins on the issuing date of dissolution decision, the People’s Committee of province shall notify the Ministry of Finance, the State bank of Vietnam and the Ministry of Planning and Investment as well as publicly announce the dissolution of Credit Guarantee Fund through locally and centrally-governed means of mass media.
Article 55. Responsibilities of credit guarantee fund after dissolution decision
1. From the effective date of the dissolution decision, the credit guarantee fund shall initiate the following tasks:
a) Terminate the credit guarantee and relevant activities;
b) Close accounting books; stocktaking of assets; reconciliation of receivable and payable debts, make financial statements to the effective date of dissolution decision;
c) Make a list of deposits at financial institutions of the credit guarantee fund; liabilities, a list of obligors and receivable principals and interests (classified as recoverable and irrecoverable debts); raised capital of the credit guarantee fund;
d) Send a request to the tax authority to confirm tax obligations which are discharged by the fund.
2. Within 30 days, from the effective date of the dissolution decision, the credit guarantee fund must hand over the dissolution council:
a) Financial statements, accounting records and relevant documents related to the dissolution; a list of credit guarantees and debt repayment on behalf of obligors;
b) All of assets under legal ownership, management and use of the fund (including assets which cannot be recovered).
Article 56. Responsibilities of dissolution council after receiving dissolution decision
1. After receiving a dissolution decision, the dissolution council must:
a) Revoke the fund’s seal for dissolution purpose;
b) Carry out the dissolution process according to the approved plan;
c) Within 7 days from the completion of dissolution, the dissolution council report on the dissolution result to the People's Committee of province.
2. The dissolution council shall be entitled to use the seal of the credit guarantee fund for dissolution purpose and request regulatory agencies to support it related to the forfeiture of assets.
Article 57. Bankruptcy of credit guarantee fund
The bankruptcy of credit guarantee funds are stipulated in the Law on Bankruptcy and its guiding documents.
Article 58. Responsibilities of the Ministry of Finance
1. Provide guidelines for financial management, accounting system and regulations on dealing with risks of credit guarantee funds as prescribed in this Decree.
2. Take charge and cooperate with ministries, agencies, People's Committees of provinces and relevant entities in amending legal documents on organization and operation of credit guarantee funds, and then promulgating them or submitting them to competent authorities for promulgation.
3. Cooperate with ministries, agencies, People's Committees of provinces in monitoring, reviewing and evaluating performance of credit guarantee funds as prescribed in this Decree.
Article 59. Responsibilities of the State Bank of Vietnam
1. Provide guidelines, inspect and supervise credit institutions’ cooperation with credit guarantee funds in performing credit guarantees as prescribed in this Decree.
2. Guide credit institutions to determine lending interest rates for SMEs to be guaranteed credit guarantee funds as prescribed in this Decree, ensure that the loan application fees (including guarantee fees) are conformable with SMEs.
3. Cooperate with the Ministry of Finance in amending policies and perform credit guarantees as prescribed in this Decree.
Article 60. Responsibilities of the Ministry of Planning and Investment
Cooperate with the Ministry of Finance and relevant Ministries and agencies in formulating and improving legal framework in terms of organization and operation of the fund and implementation of this Decree as per the law.
Article 61. Responsibilities of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs
Provide guidelines for management of employees, salaries, remuneration, rewards for employees, managers of credit guarantee funds prescribed in Article 42 of this Decree.
Article 62. Responsibilities of People’s Council and Peoples’ Committee of province
1. Responsibilities of People’s Council of province:
a) Approve a scheme for establishment of credit guarantee fund as prescribed in Article 6 of this Decree; ratify policies for dissolution and bankruptcy of credit guarantee funds;
b) Inspect and supervise the implementation and management of local credit guarantee funds.
2. Responsibilities of People’s Committee of province:
a) Decide establishment, restructuring, dissolution and bankruptcy of credit guarantee funds as prescribed in this Decree and relevant laws;
b) Allocate adequate charter capital to credit guarantee funds as prescribed in this Decree and decisions on charter capital adjustment during the operation of credit guarantee funds;
c) Promulgate, amend charter of organization and operation of credit guarantee funds; comply with charter of organization and operation of credit guarantee funds;
d) Regulate regime for recruitment, appointment, re-appointment, dismissal, rewards, disciplinary actions, managers of credit guarantee funds as prescribed in this Decree;
dd) Promulgate working regulations of controllers of credit guarantee funds;
e) Inspect and supervise operations of credit guarantee funds in an extensive manner;
g) Send annual or ad hoc reports to the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment and the State Bank of Vietnam on financial performance of credit guarantee funds as prescribed in this Decree;
h) Propose measures for eliminating difficulties in operation of credit guarantee funds; propose amendments to policies for credit guarantee funds;
i) Send annual reports on performance of credit guarantee funds to People’s Council of province, propose measures for eliminating difficulties and improve financial performance in operation of credit guarantee funds within their competence;
k) Other matters under responsibilities of the People's Committee of province in accordance with this Decree and relevant laws.
This Decree comes into force as of date of signing and supersedes Decision No. 2013/QD-Ttg dated October 15, 2013 of the Prime Minister on promulgation of Regulation on establishment, organization and operation of credit guarantee funds for SMEs and relevant documents.
Article 64. Transitional provisions
1. With regard to execution of contracts, guarantee certificates and commitments signed between the credit guarantee fund, the obligee and the obligor before effective date of this Decree:
Any guarantee contract, guarantee certificate and other agreements signed by a credit guarantee fund and a lender before effective date of this Decree shall keep effective as prescribed Prime Minister’s Decision No. 58/2013/QD-Ttg dated October 15, 2013 on promulgating regulation on establishment, organization and operation of credit guarantee funds for SMEs.
2. With respect to the case in which the credit guarantee fund and credit institutions have agreed on the guarantee contract and loan guarantee certificate after the effective date of this Decree, provisions laid down in this Decree must be strictly observed.
3. The balance of professional development investment funds prescribed in Decision No. 58/2013/QD-TTg dated October 15, 2013 of the Prime Minister promulgating regulation on establishment, organization and operation of credit guarantee funds for SMEs is transferred to development investment funds as prescribed in Article 43 of this Decree.
4. Regarding existing credit guarantee funds: Within 3 years from effective date of this Decree, existing credit guarantee funds shall review and restructure their organizational apparatus and supplement charter capital as prescribed in this Decree.
Article 65. Responsibilities for guidelines and implementation of Decree
Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of Governmental agencies, the Presidents of People’s Committees of provinces, the Presidents of People’s Councils of provinces, Presidents and Directors of credit guarantee funds and entities shall implement this Decree./.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực