Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài
Số hiệu: | 114/2021/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Phạm Bình Minh |
Ngày ban hành: | 16/12/2021 | Ngày hiệu lực: | 16/12/2021 |
Ngày công báo: | 01/01/2022 | Số công báo: | Từ số 1 đến số 2 |
Lĩnh vực: | Tài chính nhà nước | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Không sử dụng vốn vay nước ngoài cho tham quan khảo sát
Ngày 16/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Theo đó, quy định một số nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi như sau:
Vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
Không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các hoạt động:
- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực trừ trường hợp phục vụ chuyển giao công nghệ, kỹ năng vận hành trang thiết bị, máy móc; (nội dung mới bổ sung)
- Tham quan khảo sát; (nội dung mới bổ sung)
- Nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay;
- Mua sắm ô tô trừ ô tô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định;
- Vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành trừ một số vật tư, thiết bị dự phòng đặc biệt được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật;
- Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
- Chi phí hoạt động của Ban Quản lý dự án;
Nghị định 114/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/12/2021 và thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 114/2021/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2021 |
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA NHÀ TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, tổ chức chính phủ được chính phủ nước ngoài ủy quyền (sau đây gọi chung là nhà tài trợ nước ngoài) cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, vốn đối ứng của phía Việt Nam.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Ban chỉ đạo chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi (sau đây gọi là “Ban chỉ đạo”) là một tổ chức được thành lập bởi cơ quan chủ quản chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi (sau đây gọi là “chương trình, dự án”) với sự tham gia của đại diện có thẩm quyền của cơ quan có liên quan để chỉ đạo, phối hợp, giám sát thực hiện chương trình, dự án. Trong một số trường hợp cần thiết, trên cơ sở thỏa thuận với nhà tài trợ nước ngoài, Ban chỉ đạo có thể bao gồm đại diện của nhà tài trợ nước ngoài.
2. Ban quản lý chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi (sau đây gọi là “Ban quản lý dự án”) là một tổ chức được thành lập với nhiệm vụ giúp cơ quan chủ quản, chủ dự án quản lý thực hiện một hoặc một số chương trình, dự án.
3. Chương trình là một tập hợp các hoạt động, các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi có liên quan đến nhau và có thể liên quan đến một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều vùng lãnh thổ, nhiều chủ thể khác nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu xác định, được thực hiện trong một hoặc nhiều giai đoạn.
4. Chương trình kèm theo khung chính sách là chương trình có những điều kiện giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài gắn với cam kết của Chính phủ Việt Nam về xây dựng và thực hiện chính sách, thể chế, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo quy mô và lộ trình thực hiện được thỏa thuận giữa các bên.
5. Chương trình, dự án khu vực, toàn cầu (sau đây gọi chung là “Chương trình, dự án khu vực”) là chương trình, dự án được tài trợ trên quy mô toàn cầu hoặc cho một nhóm nước thuộc một khu vực hay nhiều khu vực để thực hiện hoạt động hợp tác nhằm đạt được những mục tiêu xác định vì lợi ích của các bên tham gia và lợi ích chung của khu vực hoặc toàn cầu. Sự tham gia của Việt Nam vào chương trình, dự án này có thể dưới hai hình thức:
a) Tham gia thực hiện một hoặc một số hoạt động đã được nhà tài trợ nước ngoài thiết kế sẵn trong chương trình, dự án khu vực;
b) Thực hiện hoạt động tài trợ cho Việt Nam để xây dựng và thực hiện chương trình, dự án trong khuôn khổ chương trình, dự án khu vực.
6. Chương trình tiếp cận theo ngành là chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo đó nhà tài trợ nước ngoài dựa vào chương trình phát triển của một ngành, một lĩnh vực để hỗ trợ một cách đồng bộ, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả của ngành và lĩnh vực đó.
7. Cơ quan chủ quản chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi (sau đây gọi là “Cơ quan chủ quản”) là cơ quan trung ương của tổ chức chính trị; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; cơ quan của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước; Văn phòng Chủ tịch nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”); Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; cơ quan, tổ chức khác được giao kế hoạch đầu tư công có chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
8. Chủ chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi là đơn vị được cơ quan chủ quản giao trực tiếp quản lý hoặc đồng thực hiện chương trình, dự án.
9. Cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi (sau đây gọi là “cơ chế tài chính trong nước”) là quy định về việc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ ngân sách nhà nước cho chương trình, dự án, bao gồm:
a) Cấp phát toàn bộ;
b) Cho vay lại một phần với tỷ lệ cho vay lại cụ thể;
c) Cho vay lại toàn bộ.
Cơ chế cho vay lại thực hiện theo phương thức chịu rủi ro tín dụng hoặc không chịu rủi ro tín dụng.
10. Dự án là tập hợp các đề xuất có liên quan đến nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu nhất định, được thực hiện trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định và dựa trên những nguồn lực xác định.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật là dự án có mục tiêu hỗ trợ công tác nghiên cứu chính sách, thể chế, chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường năng lực thông qua các hoạt động như cung cấp chuyên gia trong nước và quốc tế, đào tạo, tư liệu và tài liệu, tham quan khảo sát, hội thảo trong và ngoài nước, hỗ trợ một số trang thiết bị, xây dựng mô hình trình diễn, chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư. Dự án hỗ trợ kỹ thuật bao gồm dự án hỗ trợ kỹ thuật độc lập và dự án hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị dự án đầu tư.
11. Đề xuất chương trình, dự án đầu tư là tài liệu mô tả bối cảnh, sự cần thiết, mục tiêu, phạm vi, kết quả chính, dự kiến thời gian thực hiện, dự kiến tổng mức vốn và cơ cấu vốn, sơ bộ đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, tác động môi trường (nếu có), đề xuất cơ chế tài chính trong nước, phương án cân đối trả nợ; tác động đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn của cơ quan chủ quản (đối với chương trình, dự án đầu tư công).
12. Điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi là điều ước quốc tế theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, bao gồm:
a) Điều ước quốc tế khung về vốn ODA, vốn vay ưu đãi là điều ước quốc tế liên quan tới chiến lược, chính sách, khuôn khổ hợp tác, lĩnh vực ưu tiên; nguyên tắc và điều kiện cần tuân thủ trong cung cấp và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; cam kết vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho một năm hoặc nhiều năm và những nội dung khác theo thỏa thuận của các bên ký kết;
b) Điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi là điều ước quốc tế về nội dung cụ thể liên quan tới mục tiêu, hoạt động, thời gian thực hiện, kết quả phải đạt được; điều kiện tài trợ, vốn, cơ cấu vốn, điều kiện tài chính của vốn vay và lịch trình trả nợ; thể thức quản lý; nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các bên trong quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và những nội dung khác theo thỏa thuận của các bên ký kết.
13. Thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi là văn bản thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được ký kết nhân danh Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phải là điều ước quốc tế, bao gồm:
a) Thỏa thuận khung là thỏa thuận liên quan tới chiến lược, chính sách, khuôn khổ hợp tác, lĩnh vực ưu tiên; nguyên tắc và điều kiện cần tuân thủ trong cung cấp và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; cam kết vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho một năm hoặc nhiều năm và những nội dung khác theo thỏa thuận của các bên ký kết;
b) Thỏa thuận cụ thể là thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi liên quan tới mục tiêu, hoạt động, thời gian thực hiện, kết quả phải đạt được; điều kiện tài trợ, vốn, cơ cấu vốn, điều kiện tài chính của vốn vay và lịch trình trả nợ; thể thức quản lý; nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các bên trong quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và những nội dung khác theo thỏa thuận của các bên ký kết.
14. Hỗ trợ ngân sách là phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi, theo đó khoản hỗ trợ được chuyển trực tiếp vào ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng phù hợp với quy định, thủ tục ngân sách nhà nước để đạt được mục tiêu đề ra trên cơ sở thỏa thuận với nhà tài trợ nước ngoài, trong đó bao gồm hỗ trợ ngân sách chung và hỗ trợ ngân sách trung ương cho Chương trình mục tiêu quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
15. Ngân hàng phục vụ là ngân hàng được người sử dụng (chủ dự án) lựa chọn để thực hiện các giao dịch cho các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, căn cứ ý kiến về ngân hàng đủ điều kiện làm ngân hàng phục vụ cho dự án của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
16. Phi dự án là phương thức cung cấp vốn ODA không hoàn lại dưới dạng khoản viện trợ riêng lẻ và không cấu thành dự án cụ thể, như bằng tiền, hiện vật, hàng hóa, chuyên gia để thực hiện một trong những hoạt động hội nghị, hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát, đào tạo.
17. Quyết định chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại (sau đây gọi là “Quyết định chủ trương thực hiện”) là văn bản quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án (không bao gồm dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại để chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư) bao gồm những nội dung chính: Tên dự án, phi dự án và nhà tài trợ, đồng tài trợ nước ngoài; tên cơ quan chủ quản; mục tiêu; tổng mức vốn. Quyết định chủ trương thực hiện là căn cứ để cơ quan chủ quản phối hợp với nhà tài trợ nước ngoài phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án.
18. Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại (sau đây gọi là Văn kiện dự án) là tài liệu trình bày về bối cảnh, sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, hoạt động chủ yếu, kết quả, thời gian thực hiện, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, tổng vốn, nguồn và cơ cấu vốn, các nguồn lực khác, phương thức tài trợ, điều kiện của nhà tài trợ nước ngoài (nếu có), hình thức tổ chức quản lý thực hiện do cơ quan chủ quản phê duyệt làm cơ sở thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án.
19. Vốn ODA, vốn vay ưu đãi là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, bao gồm:
a) Vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;
b) Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc. Phương pháp tính thành tố ưu đãi nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;
c) Vốn vay ưu đãi là khoản vay nước ngoài có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng thành tố ưu đãi chưa đạt tiêu chuẩn của vay ODA được quy định tại điểm b khoản này.
20. Vốn đối ứng là khoản vốn đóng góp của phía Việt Nam (bằng hiện vật hoặc tiền) trong chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhằm chuẩn bị và thực hiện chương trình, dự án, được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chủ dự án tự bố trí, vốn đóng góp của đối tượng thụ hưởng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
21. Vốn theo cơ chế hòa trộn là khoản vốn được kết hợp từ nhiều nguồn vốn ODA, vay ưu đãi có mức độ ưu đãi khác nhau, hỗ trợ tăng cường năng lực kỹ thuật và tài chính bằng các hình thức khác nhau để tăng tính ưu đãi của khoản vay cho chương trình, dự án.
22. Vốn dư là khoản vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình, dự án bao gồm vốn dư sau đấu thầu, vốn dư do thay đổi tỷ giá, vốn dự phòng không sử dụng hết và các khoản vốn dư khác.
23. Viện trợ khẩn cấp là khoản vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Việt Nam nhằm cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định của Chính phủ về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai; cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:
1. Chương trình.
2. Dự án.
3. Phi dự án.
4. Hỗ trợ ngân sách.
1. Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh; thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng trưởng xanh; đổi mới sáng tạo; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
2. Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
3. Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
4. Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.
1. Nội dung quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi:
a) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho từng thời kỳ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; các giải pháp, chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này;
c) Theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
d) Giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra tình hình, kết quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi:
a) Vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực trừ trường hợp phục vụ chuyển giao công nghệ, kỹ năng vận hành trang thiết bị, máy móc; tham quan khảo sát; nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay; mua sắm ô tô trừ ô tô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định; vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành trừ một số vật tư, thiết bị dự phòng đặc biệt được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí hoạt động của Ban Quản lý dự án;
b) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật;
c) Bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự, thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện và kết quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
d) Công bố thông tin về chính sách hợp tác, lĩnh vực ưu tiên của các nhà tài trợ nước ngoài trên Hệ thống cổng thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn; mpi.gov.vn; mof.gov.vn; mofa.gov.vn);
đ) Phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này theo quy định của pháp luật;
e) Phương thức xác định khoản mục chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước: Việc xác định các khoản mục chi đầu tư phát triển được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan.
1. Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương: cấp phát toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách trung ương.
2. Đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: Vay lại một phần hoặc toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài làm phần vốn nhà nước tham gia trong dự án đối tác công tư (PPP): Vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
3. Đối với chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần: Cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách trung ương theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
4. Đối với vốn ODA không hoàn lại, bao gồm cả vốn ODA không hoàn lại gắn với khoản vay, vốn ODA không hoàn lại cho dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật (độc lập, chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư), phi dự án: Áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ.
1. Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi:
a) Lập, lựa chọn, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án;
b) Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về Đề xuất chương trình, dự án được phê duyệt;
c) Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án;
d) Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án và đề nghị xem xét tài trợ;
đ) Lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án;
e) Tùy thuộc quy định của nhà tài trợ, thực hiện một trong các thủ tục sau: ký kết điều ước quốc tế; ký thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
g) Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;
h) Hoàn thành, chuyển giao kết quả.
2. Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại:
a) Lập Văn kiện dự án, phi dự án;
b) Quyết định chủ trương thực hiện đối với dự án, phi dự án quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này;
c) Thẩm định, phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án;
d) Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về việc phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án và đề nghị xem xét tài trợ;
đ) Tùy thuộc quy định của nhà tài trợ nước ngoài, thực hiện một trong các thủ tục sau: Ký kết điều ước quốc tế; ký thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại; ký văn bản trao đổi về dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án;
e) Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;
g) Hoàn thành, chuyển giao kết quả.
3. Đối với khoản hỗ trợ ngân sách:
a) Lập hồ sơ, tài liệu Khoản hỗ trợ ngân sách;
b) Quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách;
c) Ký kết điều ước quốc tế, ký thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho khoản hỗ trợ ngân sách;
d) Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;
đ) Hoàn thành, chuyển giao kết quả.
4. Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn theo cơ chế hoà trộn: Cơ quan chủ quản thực hiện trình tự, thủ tục đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Chương trình, dự án thực hiện thủ tục rút gọn:
a) Dự án đầu tư khẩn cấp sử dụng vốn ODA không hoàn lại thực hiện theo quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư công;
b) Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại; dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại chuẩn bị dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại điểm c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này.
1. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách chung được quy định như sau:
a) Bộ Tài chính chủ trì xây dựng tài liệu về khoản hỗ trợ ngân sách, trong đó nêu rõ nội dung tình hình cân đối ngân sách trung ương, dự kiến phương án bù đắp bội chi ngân sách; đảm bảo nguyên tắc vay hỗ trợ ngân sách để chi cho đầu tư phát triển, lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan;
b) Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan, Bộ Tài chính chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết, mục tiêu, hiệu quả kinh tế - xã hội, tổng vốn, nguồn và cơ cấu vốn, điều kiện tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách, quyền lợi và nghĩa vụ, phương thức tài trợ và hình thức tổ chức quản lý;
c) Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách làm cơ sở cho việc ký kết, tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách chung theo quy định.
2. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách trung ương cho Chương trình mục tiêu quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt được quy định như sau:
a) Căn cứ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia của cấp có thẩm quyền, cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính kèm theo tài liệu về khoản hỗ trợ ngân sách trong đó nêu rõ bối cảnh, sự cần thiết, mục tiêu, tổng vốn, nguồn và cơ cấu vốn, các nguồn lực khác; điều kiện tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách, quyền lợi và nghĩa vụ; phương thức tài trợ và hình thức tổ chức quản lý, phương án sử dụng vốn cho các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia; nguyên tắc, tiêu chí, danh mục dự án sử dụng khoản hỗ trợ ngân sách, phương án bố trí kế hoạch vốn cho các bộ, ngành, địa phương làm căn cứ bố trí vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm;
b) Bộ Tài chính đánh giá mức độ ưu đãi của khoản vay, tác động nợ công, cơ chế tài chính; khả năng tiếp nhận hỗ trợ ngân sách để thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia; các điều kiện nhận khoản hỗ trợ ngân sách và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
c) Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính theo quy định tại điểm b khoản này và ý kiến các cơ quan có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách trung ương cho Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm nguyên tắc, tiêu chí, cơ chế tài chính, danh mục dự án sử dụng khoản hỗ trợ ngân sách, phương án bố trí kế hoạch vốn cho các bộ, ngành, địa phương;
d) Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách, nguyên tắc, tiêu chí, cơ chế tài chính, danh mục dự án cụ thể, phương án phân bổ vốn cho các bộ, ngành, địa phương;
đ) Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ quản dự án thực hiện thủ tục thẩm định, quyết định đầu tư đối với dự án cụ thể sử dụng khoản hỗ trợ ngân sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật có liên quan.
1. Trường hợp chưa xác định được cơ quan chủ quản của chương trình, dự án khu vực: Trên cơ sở đề xuất tham gia chương trình, dự án khu vực của nhà tài trợ nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương Việt Nam tham gia chương trình, dự án khu vực và cơ quan chủ quản của chương trình, dự án đó.
2. Trường hợp xác định được cơ quan chủ quản của chương trình, dự án khu vực: Cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo tài liệu chương trình, dự án khu vực của nhà tài trợ nước ngoài, trong đó nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương tham gia chương trình, dự án khu vực.
3. Trường hợp nhà tài trợ nước ngoài cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi để xây dựng và thực hiện chương trình, dự án trong khuôn khổ chương trình, dự án khu vực: Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương Việt Nam tham gia chương trình, dự án khu vực theo quy định tại khoản 1, 2 Điều này, cơ quan chủ quản thực hiện lập, thẩm định, quyết định phê duyệt Văn kiện dự án đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại theo quy định tại Chương III của Nghị định này; lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định tại Chương II của Nghị định này.
1. Phù hợp với chính sách cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, khu vực tư nhân được tiếp cận vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
2. Hình thức tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân bao gồm:
a) Tiếp cận vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng làm vốn chuẩn bị dự án và hỗ trợ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, phần nhà nước tham gia trong dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo quy định hiện hành của pháp luật về PPP và điều ước quốc tế cụ thể, thoả thuận cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
b) Tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thông qua việc tham gia thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản.
1. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 17 của Luật Đầu tư công.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:
a) Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, trừ chương trình, dự án quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong các trường hợp sau: chương trình, dự án nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép;
c) Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư.
3. Người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại nhóm CBổ sung
1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án.
2. Trình tự, thủ tục phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án:
a) Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật; giải trình rõ lý do đề xuất vay theo điều kiện ràng buộc của nhà tài trợ (nếu có);
b) Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan liên quan về Đề xuất chương trình, dự án. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính theo quy định tại điểm b khoản này và ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá sự cần thiết của chương trình, dự án; đánh giá sơ bộ tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội; sơ bộ tác động môi trường (nếu có) và tác động của chương trình, dự án đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn; lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án phù hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
d) Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án với các nội dung: Tên chương trình, dự án; tên nhà tài trợ, đồng tài trợ nước ngoài (nếu có); tên cơ quan chủ quản; điều kiện ràng buộc của nhà tài trợ nước ngoài (nếu có), mục tiêu, quy mô dự kiến; thời gian thực hiện dự kiến; tổng mức đầu tư dự kiến và cơ cấu nguồn vốn; cơ chế tài chính trong nước; phương thức cho vay lại; đề xuất sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi cho vật tư, thiết bị dự phòng trong trường hợp đặc thù (nếu có) và các nội dung khác có liên quan;
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chính thức cho nhà tài trợ về quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án.
3. Hồ sơ và thời gian xem xét Đề xuất chương trình, dự án:
a) Hồ sơ: Đề xuất chương trình, dự án theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này; văn bản của cơ quan chủ quản đề nghị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án; các tài liệu liên quan khác (nếu có);
b) Số lượng hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 08 bộ;
c) Số lượng hồ sơ gửi Bộ Tài chính là 03 bộ;
d) Thời gian xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về Đề xuất chương trình, dự án kể từ ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính nhận đủ hồ sơ hợp lệ là không quá 45 ngày.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc nội dung Đề xuất chương trình, dự án không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này, trong thời hạn 05 ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính có ý kiến bằng văn bản đề nghị cơ quan chủ quản hoàn thiện nội dung Đề xuất chương trình, dự án.
4. Tiêu chí lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án:
a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ; định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi; chính sách, định hướng ưu tiên cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
b) Bảo đảm hiệu quả và bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường;
c) Phù hợp với khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng;
d) Không trùng lặp với nội dung chương trình, dự án đã có đề xuất, chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệtBổ sung
1. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 25 của Luật Đầu tư công.
2. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền của Chính phủ thực hiện theo quy định tại Điều 22 và khoản 6 Điều 25 của Luật Đầu tư công.
3. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại Điều 23 và khoản 7 Điều 25 của Luật Đầu tư công.
4. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án nhóm A, thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 25 của Luật Đầu tư công, cụ thể như sau:
a) Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trình Thủ tướng Chính phủ;
c) Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
5. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan chủ quản thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 25 của Luật Đầu tư công, cụ thể như sau:
a) Cơ quan chủ quản lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;
b) Căn cứ ý kiến của các cơ quan, cơ quan chủ quản tổ chức thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư.Bổ sung
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình, dự án và đề nghị xem xét tài trợ.
7. Trường hợp các nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư có thay đổi so với nội dung Đề xuất chương trình, dự án đã được phê duyệt: Cơ quan chủ quản bổ sung báo cáo cụ thể các nội dung thay đổi so với Đề xuất chương trình, dự án đã được phê duyệt tại Tờ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo quy định tạiBổ sungđiểm b khoản 1 Điều 15 của Nghị định này.
8. Việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một nội dung trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Cấp có thẩm quyền căn cứ đánh giá sơ bộ tác động môi trường để quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 99 của Luật Đầu tư công. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
1. Hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:
a) Tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo mẫu tại Phụ lục IVa kèm theo Nghị định này;
b) Văn bản phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án của cấp có thẩm quyền;
c) Báo cáo kết quả thẩm định nội bộ của cơ quan chủ quản về chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
d) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo mẫu tại Phụ lục IIIa, Phụ lục Illb, Phụ lục IIIc kèm theo Nghị định này;
đ) Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án trong giai đoạn trước (đối với các chương trình, dự án thực hiện giai đoạn trước, tiếp tục thực hiện trong giai đoạn mới);
e) Ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với dự án nhóm A sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư công;
g) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).
2. Số lượng hồ sơ thẩm định gửi Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định tối thiểu là 10 bộ.
3. Nội dung thẩm định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:
a) Sự phù hợp với các tiêu chí xác định chương trình đầu tư công;
b) Sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong nội dung hồ sơ trình thẩm định;
c) Sự phù hợp với các mục tiêu chiến lược; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ; quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;
d) Các nội dung quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư công, trong đó thẩm định cụ thể những nội dung cơ bản của chương trình, bao gồm: mục tiêu, phạm vi, quy mô, đối tượng đầu tư, thời gian, tiến độ thực hiện và dự kiến bố trí vốn; các nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; huy động các nguồn vốn và nguồn lực khác;
đ) Hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
4. Nội dung thẩm định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:
a) Sự cần thiết đầu tư;
b) Sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong nội dung hồ sơ trình thẩm định;
c) Sự phù hợp với các mục tiêu chiến lược; kế hoạch và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;
d) Sự phù hợp với tiêu chí phân loại dự án theo quy định của Luật Đầu tư công;
đ) Các nội dung quy định tại các Điều 30, 31 Luật Đầu tư công, trong đó thẩm định cụ thể những nội dung cơ bản của dự án, bao gồm mục tiêu, quy mô, hình thức đầu tư, phạm vi, địa điểm, diện tích đất cần sử dụng, thời gian, tiến độ thực hiện, phương án lựa chọn công nghệ chính, giải pháp bảo vệ môi trường, các nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; khả năng thu hồi vốn và trả nợ trong trường hợp sử dụng vốn vay; dự kiến bố trí vốn;
e) Hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
5. Cơ quan chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan được giao thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án theo quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư công trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án.
6. Thời gian thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chương trình, dự án kể từ ngày Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
a) Chương trình mục tiêu quốc gia: Không quá 60 ngày;
b) Chương trình đầu tư công (không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia): Không quá 45 ngày;
c) Dự án nhóm A: Không quá 45 ngày;
d) Dự án khác không quy định tại điểm a, b, c của khoản này: Không quá 30 ngày;
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án không phù hợp với các quy định tại Điều 29, 30, 31 Luật Đầu tư công, trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan trình thẩm định bổ sung hồ sơ hoặc hoàn chỉnh nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án.
7. Trường hợp cần gia hạn thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án, Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định phải:
a) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
b) Báo cáo người đứng đầu cơ quan chủ quản cho phép gia hạn thời gian thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan chủ quản;
c) Thời gian gia hạn không quá thời gian thẩm định tương ứng được quy định tại khoản 6 Điều này.
8. Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án gửi báo cáo thẩm định theo quy định sau:
a) Đối với chương trình đầu tư công: Gửi cơ quan chủ quản và cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư;
b) Đối với dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Đầu tư công để trình Thủ tướng Chính phủ;
c) Đối với dự án khác không quy định tại điểm a, b của khoản này: Gửi cơ quan trình thẩm định và cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
1. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:
a) Các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này; trong đó các nội dung trong tờ trình và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 của Nghị định này đã được hoàn thiện theo báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định;
b) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định về chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo mẫu tại Phụ lục IVb kèm theo Nghị định này.
2. Số lượng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án quy định tại khoản 1 Điều này là 05 bộ tài liệu.
3. Thời gian quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
a) Chương trình đầu tư công (không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia): Không quá 20 ngày;
b) Dự án nhóm A: Không quá 15 ngày;
c) Dự án khác không quy định tại điểm a, b của khoản này: Không quá 10 ngày.
4. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các hoạt động thực hiện trước trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn chuẩn bị đầu tư, bao gồm:
1. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khung chính sách tái định cư trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, văn kiện chương trình, dự án và quyết định đầu tư;
2. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
1. Tên chương trình, dự án.
2. Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ nước ngoài.
3. Tên cơ quan chủ quản.
4. Mục tiêu, quy mô.
5. Địa điểm.
6. Thời gian thực hiện dự án.
7. Tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn (tính theo đồng Việt Nam, quy đổi nguyên tệ) gồm:
a) Vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
b) Vốn đối ứng.
8. Cơ chế tài chính trong nước và phương thức cho vay lại.
9. Phương thức thực hiện (đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại).
10. Các hoạt động sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi ngoài phạm vi quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định này (nếu có).
1. Thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư công.
2. Đối với chương trình đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia:
a) Chương trình đầu tư công có điều chỉnh dẫn tới thay đổi nội dung chính của Quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 18 của Nghị định này: Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 Luật Đầu tư công;
b) Dự án quan trọng quốc gia có điều chỉnh dẫn tới thay đổi nội dung chính của Quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 18 của Nghị định này: Thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
3. Đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ:
a) Trường hợp điều chỉnh thời gian thực hiện dự án không làm thay đổi các nội dung chính còn lại của Quyết định chủ trương đầu tư; điều chỉnh giảm vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nhưng phát sinh nghĩa vụ tài chính và không làm thay đổi nội dung chính còn lại của Quyết định chủ trương đầu tư: Cơ quan chủ quản gửi văn bản và báo cáo về lý do điều chỉnh để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
b) Trường hợp điều chỉnh chương trình, dự án dẫn tới thay đổi các nội dung chính của Quyết định chủ trương đầu tư không quy định tại điểm a khoản 3 Điều này: Cơ quan chủ quản thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 4 Điều 14 của Nghị định này.
Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền và thời gian quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại Điều 15, 16 của Nghị định này, trong hồ sơ làm rõ các nội dung: Lý do điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án; các nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án tương ứng với các nội dung chủ yếu của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
4. Đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của người đứng đầu cơ quan chủ quản điều chỉnh dẫn tới thay đổi các nội dung chính của Quyết định chủ trương đầu tư: Cơ quan chủ quản thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 5 Điều 14 của Nghị định này.
5. Trường hợp chương trình, dự án có điều chỉnh tổng mức đầu tư do thay đổi tỷ giá; giảm vốn ODA, vốn vay ưu đãi không làm phát sinh nghĩa vụ tài chính và không dẫn đến thay đổi các nội dung còn lại của Quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 18 của Nghị định này, cơ quan chủ quản không phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi sau đây:
a) Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
b) Chương trình đầu tư công đã được Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;
c) Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo và các chương trình, dự án khác theo quy định của Chính phủ.
2. Người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi không quy định tại khoản 1 Điều này và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư chương trình, dự án.
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Đầu tư công.
2. Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án được lập theo quy định tại Điều 44 Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan có tính đến các nội dung theo mẫu của nhà tài trợ nước ngoài, bảo đảm thống nhất với những nội dung của Quyết định chủ trương đầu tư và hài hoà quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài.
3. Hồ sơ, nội dung, thời gian thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại Điều 45 Luật Đầu tư công và quy định của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công, trong đó:
a) Trường hợp chương trình, dự án vay lại toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách nhà nước, chủ dự án gửi kèm theo các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, phương án trả nợ và các tài liệu khác theo hướng dẫn của pháp luật về quản lý nợ công;
b) Các tài liệu có liên quan đến chương trình, dự án bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo;
c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành quyết định đầu tư chương trình, dự án, cơ quan chủ quản thông báo cho nhà tài trợ nước ngoài và chủ dự án về quyết định đầu tư chương trình, dự án, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan Quyết định đầu tư chương trình, dự án (bản chính hoặc bản sao có công chứng) kèm theo Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án đã được phê duyệt có đóng dấu giáp lai của cơ quan chủ quản để giám sát và phối hợp thực hiện.
1. Thẩm quyền quyết định điều chỉnh chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công.
2. Việc điều chỉnh chương trình, dự án được thực hiện trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 43 Luật Đầu tư công.
3. Đối với dự án quan trọng quốc gia: Thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Đầu tư công và Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
4. Đối với chương trình, dự án nhóm A, B, C:
a) Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Đầu tư công và Nghị định của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;
b) Trường hợp điều chỉnh nội dung chương trình, dự án trong quá trình thực hiện dẫn đến thay đổi nội dung chính của Quyết định chủ trương đầu tư: Cơ quan chủ quản thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này trước khi thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chương trình, dự án.
5. Trường hợp điều chỉnh nội dung chương trình, dự án trong quá trình thực hiện dẫn đến sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi:
a) Trên cơ sở Quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, cơ quan chủ quản phối hợp với cơ quan đề xuất ký kết thực hiện sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
b) Trường hợp điều chỉnh nội dung chương trình, dự án không dẫn đến điều chỉnh nội dung chính của Quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan chủ quản điều chỉnh Quyết định đầu tư trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong các trường hợp sau: Dự án kèm theo khung chính sách; dự án, phi dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo; mua sắm các loại hàng hóa thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Người đứng đầu cơ quan chủ quản:
a) Phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án trên cơ sở Quyết định chủ trương thực hiện của Thủ tướng Chính phủ đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tham gia chương trình, dự án khu vực;
b) Phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án đối với các trường hợp không quy định tại khoản 1 Điều này và không phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương thực hiệnBổ sung
1. Cơ quan chủ quản có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thực hiện kèm theo Văn kiện dự án, phi dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan được lấy ý kiến có văn bản góp ý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản góp ý của các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương thực hiện dự án, phi dự án gồm các nội dung sau:
a) Tên dự án, phi dự án;
b) Nhà tài trợ, đồng tài trợ (nếu có);
c) Mục tiêu;
d) Tổng mức và cơ cấu nguồn vốn (vốn ODA không hoàn lại và vốn đối ứng);
đ) Phương thức thực hiện.
5. Trường hợp sau khi tổng hợp ý kiến các cơ quan có liên quan, nội dung Văn kiện dự án, phi dự án chưa hoàn chỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản đề nghị cơ quan chủ quản hoàn thiện nội dung Văn kiện dự án, phi dự án.
1. Đối với dự án, phi dự án quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này: Cơ quan chủ quản không tổ chức thẩm định. Người đứng đầu cơ quan chủ quản căn cứ Quyết định chủ trương thực hiện để quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án.
2. Đối với dự án, phi dự án không quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này:
a) Cơ quan chủ quản chủ trì thẩm định; có văn bản gửi lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan kèm theo Văn kiện dự án, phi dự án và các tài liệu liên quan khác (nếu có);
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có văn bản góp ý về những nội dung của Văn kiện dự án, phi dự án và những vấn đề cần thiết có liên quan, trong đó lưu ý các nội dung: sự cần thiết và các mục tiêu, kết quả chủ yếu; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, cơ chế tài chính; điều kiện của nhà tài trợ nước ngoài (nếu có) và khả năng đáp ứng của phía Việt Nam;
c) Nội dung thẩm định dự án, phi dự án gồm: sự phù hợp của dự án, phi dự án với mục tiêu phát triển cụ thể của bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện và thụ hưởng; sự phù hợp của phương thức tổ chức thực hiện; vốn và khả năng cân đối vốn, cơ chế tài chính; tính hợp lý trong cơ cấu ngân sách dành cho các hạng mục chủ yếu; cam kết, điều kiện tiên quyết và các điều kiện khác của nhà tài trợ nước ngoài và các bên tham gia (nếu có); hiệu quả, khả năng vận dụng kết quả vào thực tiễn và tính bền vững sau khi kết thúc; những ý kiến đã được thống nhất hoặc còn khác nhau giữa các bên;
d) Hồ sơ thẩm định dự án, phi dự án bao gồm: Văn bản trình phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án của chủ dự án; dự thảo Văn kiện dự án, phi dự án; văn bản góp ý của các cơ quan liên quan; các tài liệu liên quan khác (nếu có) như: văn bản của nhà tài trợ thống nhất với nội dung dự án, phi dự án, thông báo hoặc cam kết xem xét tài trợ, văn bản ghi nhớ với nhà tài trợ, báo cáo của đoàn chuyên gia thẩm định thực hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ;
đ) Căn cứ kết quả thẩm định, người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án;
e) Thời hạn thẩm định Văn kiện dự án, phi dự án là không quá 20 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
g) Trường hợp dự án, phi dự án có quy mô vốn ODA không hoàn lại từ 200.000 đô la Mỹ trở xuống, người đứng đầu cơ quan chủ quản phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án và không bắt buộc phải lấy ý kiến của các cơ quan liên quan.
3. Sau khi Văn kiện dự án, phi dự án được phê duyệt, cơ quan chủ quản thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan kèm theo Văn kiện dự án, phi dự án đã được phê duyệt có đóng dấu giáp lai của cơ quan chủ quản và các tài liệu liên quan để giám sát và phối hợp thực hiện.
4. Nội dung chính của Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án:
a) Tên dự án, phi dự án;
b) Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ nước ngoài (nếu có);
c) Tên cơ quan chủ quản, chủ dự án;
d) Thời gian, địa điểm thực hiện;
đ) Mục tiêu, hoạt động và kết quả;
e) Tổ chức quản lý;
g) Phương thức thực hiện;
h) Tổng mức vốn và cơ cấu nguồn vốn gồm: vốn ODA không hoàn lại (nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam) và vốn đối ứng (đồng Việt Nam);
i) Các nội dung khác.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài và đề nghị xem xét tài trợ.
1. Đối với Quyết định chủ trương thực hiện:
a) Cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những thay đổi so với nội dung của Quyết định chủ trương thực hiện được quy định tại khoản 4 Điều 25 của Nghị định này kèm theo Văn kiện dự án, phi dự án điều chỉnh;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan về các nội dung thay đổi có liên quan, trao đổi với nhà tài trợ nước ngoài về thay đổi quy mô vốn ODA không hoàn lại (nếu có), tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ;
c) Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương thực hiện dự án, phi dự án.
2. Đối với Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án:
a) Cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan về những thay đổi so với nội dung Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án kèm theo Văn kiện dự án, phi dự án điều chỉnh;
b) Trên cơ sở ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định phê duyệt điều chỉnh Văn kiện dự án, phi dự án;
c) Trường hợp dự án, phi dự án có quy mô vốn ODA không hoàn lại từ 200.000 đô la Mỹ trở xuống, người đứng đầu cơ quan chủ quản điều chỉnh Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án và không bắt buộc phải lấy ý kiến của các cơ quan liên quan;
d) Trường hợp nội dung Văn kiện dự án, phi dự án thay đổi dẫn đến vượt thẩm quyền phê duyệt quy định tại Điều 23 của Nghị định này, cơ quan chủ quản thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương thực hiện quy định tại Điều 25 của Nghị định này;
đ) Đối với dự án, phi dự án quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này: Người đứng đầu cơ quan chủ quản căn cứ Quyết định điều chỉnh chủ trương thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này để quyết định phê duyệt điều chỉnh Văn kiện dự án, phi dự án và không phải lấy ý kiến các cơ quan liên quan.
1. Cơ sở đề xuất ký kết điều ước quốc tế khung về vốn ODA, vốn vay ưu đãi là kết quả vận động, chiến lược và chính sách hợp tác phát triển, lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài hoặc quyết định chủ trương đầu tư của chương trình, dự án nếu gắn với chương trình, dự án cụ thể.
2. Cơ sở đề xuất ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi:
a) Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại: Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án được phê duyệt; quyết định đầu tư chương trình, dự án; quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt cho vay lại (đối với chương trình, dự án vay lại);
b) Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại: Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án và Văn kiện dự án, phi dự án.
1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA không hoàn lại cho chương trình, dự án thuộc cơ quan mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Bộ Tài chính là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế khung và cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn ODA không hoàn lại cho chương trình, dự án hỗn hợp có sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, trừ vốn ODA không hoàn lại được quy định tại các khoản 3, 4 Điều này.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA không hoàn lại không gắn với khoản vay của các tổ chức tài chính tiền tệ và ngân hàng quốc tế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế khung và cụ thể về vốn ODA không hoàn lại cho chương trình, dự án không quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
1. Trình tự, thủ tục ký kết sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định của Luật Điều ước quốc tế.
2. Trường hợp vì yêu cầu cấp thiết phải ký điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhân danh Chính phủ và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nhân danh Chính phủ được thực hiện như sau:
a) Căn cứ quy định tại Điều 28 của Nghị định này và đề nghị của cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính đề nghị nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài gửi dự thảo điều ước quốc tế về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
b) Bộ Tài chính lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan đối với dự thảo điều ước quốc tế về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Các cơ quan được lấy ý kiến trả lời Bộ Tài chính bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ lấy ý kiến;
c) Căn cứ ý kiến các cơ quan có liên quan, Bộ Tài chính xây dựng và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án đàm phán điều ước quốc tế về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Hồ sơ trình về việc đàm phán điều ước quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 11 Luật Điều ước quốc tế;
d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan đàm phán với nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài về dự thảo điều ước quốc tế về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề phát sinh trong quá trình đàm phán và kiến nghị biện pháp xử lý;
đ) Căn cứ kết quả đàm phán, Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định việc ký điều ước quốc tế về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Hồ sơ trình về đề xuất ký điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 6 Điều 17 Luật Điều ước quốc tế;
e) Trên cơ sở quyết định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc người được Chính phủ ủy quyền ký điều ước quốc tế về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi với nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài;
g) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày điều ước quốc tế hai bên được ký ở trong nước hoặc kể từ ngày đoàn ký điều ước quốc tế ở nước ngoài về nước, cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao bản chính điều ước quốc tế; bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài.
3. Trường hợp việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nhân danh Chính phủ liên quan tới các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư; không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ Việt Nam, hoặc không ký kết điều ước quốc tế mới để sửa đổi, bổ sung: Bộ Tài chính quyết định việc không lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan khi trình Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế. Hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 54 Luật Điều ước quốc tế, trừ ý kiến của các cơ quan có liên quan. Trường hợp được lấy ý kiến, các cơ quan liên quan có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến.
4. Trường hợp chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi ký kết thành nhiều điều ước quốc tế theo tiến độ phân kỳ của dự án:
a) Đối với điều ước quốc tế ký cho khoản vay đầu tiên: Thực hiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này;
b) Đối với điều ước quốc tế ký cho khoản vay tiếp theo: Căn cứ đề xuất của cơ quan chủ quản về nhu cầu khoản vay tiếp theo; hạn mức vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại quyết định đầu tư; tiến độ dự án và kết quả giải ngân các điều ước quốc tế đã ký, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan xác định giá trị khoản vay tiếp theo, trao đổi, thống nhất với nhà tài trợ và thực hiện trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.
5. Trường hợp điều ước quốc tế có yêu cầu ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp: Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật hiện hành về cấp ý kiến pháp lý, Bộ Tư pháp làm thủ tục cấp ý kiến pháp lý theo quy định của pháp luật.
1. Đối với thỏa thuận khung về vốn ODA, vốn vay ưu đãi: Cơ sở đề xuất ký kết là kết quả vận động, chiến lược và chính sách hợp tác phát triển, lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài hoặc quyết định đầu tư của chương trình, dự án nếu gắn với chương trình, dự án cụ thể.
2. Đối với thỏa thuận cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi: Cơ sở đề xuất ký kết là điều ước quốc tế khung hoặc thỏa thuận khung về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi (trong trường hợp có ký kết điều ước quốc tế khung hoặc thỏa thuận khung) và quyết định đầu tư chương trình, dự án.
3. Đối với thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại: Trong trường hợp nhà tài trợ yêu cầu ký kết, cơ sở đề xuất ký kết thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại là điều ước quốc tế khung về vốn ODA không hoàn lại (trong trường hợp có ký kết điều ước quốc tế) và Văn kiện dự án, phi dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi (đối với dự án đầu tư) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại cho chương trình, dự án thuộc cơ quan mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Bộ Tài chính là cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận khung và thỏa thuận cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn ODA không hoàn lại tài trợ cho chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, trừ vốn ODA không hoàn lại được quy định tại các khoản 3 Điều này.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận khung và thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại cho chương trình, dự án không quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.
1. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện như sau:
a) Căn cứ quy định tại Điều 31 của Nghị định này và đề nghị của cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính đề nghị nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài gửi dự thảo thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
b) Bộ Tài chính lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đối với dự thảo thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Các cơ quan được lấy ý kiến trả lời Bộ Tài chính bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và tài liệu liên quan;
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác có liên quan đàm phán với nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài về dự thảo thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
d) Căn cứ kết quả đàm phán, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi với nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài;
đ) Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc người được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền ký thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi với nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài;
e) Đối với thỏa thuận về vốn theo cơ chế hòa trộn: Bộ Tài chính thực hiện trình tự, thủ tục ký kết quy định tại khoản này;
g) Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi ký kết thành nhiều thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi theo tiến độ phân kỳ của dự án: Căn cứ giá trị khoản vay được xác định tại điều ước quốc tế khung đã ký tương ứng, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục ký kết quy định tại khoản này.
2. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện như sau:
a) Cơ quan chủ quản gửi Bộ Tài chính văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
b) Bộ Tài chính lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác có liên quan về đề nghị sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Các cơ quan được lấy ý kiến trả lời bằng văn bản cho Bộ Tài chính trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và tài liệu liên quan;
c) Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
d) Căn cứ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi với nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài;
đ) Trường hợp sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi do thay đổi các nội dung của Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Cơ quan chủ quản thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 19 và điều chỉnh Quyết định đầu tư theo Điều 22 của Nghị định này trước khi thực hiện trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định tại điểm a, c, d khoản này;
e) Trường hợp sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi gắn liền với nội dung sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế khung tương ứng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính thực hiện trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định tại điểm c, d khoản này.
3. Trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại thực hiện như sau:
a) Cơ quan đề xuất ký kết thảo luận và thống nhất với nhà tài trợ nước ngoài về dự thảo thỏa thuận;
b) Cơ quan đề xuất ký kết lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đối với dự thảo thỏa thuận. Các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và tài liệu liên quan;
c) Cơ quan đề xuất ký kết trao đổi lại với bên nước ngoài để hoàn chỉnh dự thảo thỏa thuận và trình Thủ tướng Chính phủ việc ký kết;
d) Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép ký, người đứng đầu cơ quan được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền tiến hành ký thỏa thuận với nhà tài trợ nước ngoài;
đ) Đối với sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại: Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, cơ quan đề xuất ký kết trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Trường hợp thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi có yêu cầu ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp, sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật hiện hành về cấp ý kiến pháp lý, Bộ Tư pháp làm thủ tục cấp ý kiến pháp lý theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp nhà tài trợ không yêu cầu ký thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại: Trên cơ sở Văn kiện dự án, phi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ quản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đối với các tổ chức tài chính tiền tệ và ngân hàng quốc tế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện) và nhà tài trợ trao đổi văn bản về việc cam kết và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại để thực hiện dự án, phi dự án phù hợp với các quy định pháp luật liên quan; sao y bản chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để giám sát và phối hợp thực hiện.
6. Trường hợp nhà tài trợ yêu cầu ký thỏa thuận thực hiện dự án, phi dự án: Cơ quan chủ quản xây dựng, đàm phán nội dung và ký với nhà tài trợ trên nguyên tắc không trái với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và các quy định của pháp luật liên quan.
Căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện cụ thể, năng lực tổ chức quản lý chương trình, dự án của đơn vị mình và quy định về tổ chức quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý chương trình, dự án sau:
1. Đối với chương trình, dự án đầu tư: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công và quản lý đầu tư xây dựng.
2. Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại:
a) Cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý, điều hành thực hiện hoặc giao cho một đơn vị thuộc thẩm quyền làm chủ dự án trực tiếp quản lý, điều hành thực hiện chương trình, dự án, phi dự án. Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án có quy mô vốn ODA không hoàn lại từ 200.000 đô la Mỹ trở xuống, cơ quan chủ quản, chủ dự án không bắt buộc phải lập Ban quản lý dự án mà có thể sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý, điều hành thực hiện dự án, phi dự án;
b) Nhà tài trợ nước ngoài trực tiếp quản lý toàn bộ chương trình, dự án, phi dự án: Trường hợp nội dung Văn kiện chương trình, dự án, phi dự án hoặc điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi quy định nhà tài trợ nước ngoài trực tiếp quản lý toàn bộ chương trình, dự án, phi dự án, người đứng đầu cơ quan chủ quản, chủ dự án giao nhiệm vụ cho đơn vị trực thuộc phối hợp với nhà tài trợ nước ngoài giám sát tiến độ và chất lượng, khai thác và sử dụng các kết quả đầu ra của chương trình, dự án, phi dự án;
c) Nhà tài trợ nước ngoài trực tiếp quản lý một phần chương trình, dự án, phi dự án: Trường hợp nội dung Văn kiện chương trình, dự án, phi dự án hoặc điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi quy định nhà tài trợ nước ngoài trực tiếp quản lý một phần chương trình, dự án và phía Việt Nam quản lý phần còn lại, cơ quan chủ quản, chủ dự án quyết định thành lập Ban quản lý dự án để quản lý phần việc do phía Việt Nam đảm nhận theo quy định hiện hành của Việt Nam và cam kết với nhà tài trợ nước ngoài.
3. Đối với chương trình, dự án khác, cơ quan chủ quản quyết định một trong các hình thức sau:
a) Thành lập Ban quản lý dự án mới;
b) Sử dụng Ban quản lý dự án đang hoạt động để quản lý, thực hiện chương trình, dự án mới: Cơ quan chủ quản, chủ dự án phải ban hành Quyết định bổ sung nhiệm vụ quản lý thực hiện chương trình, dự án mới cho Ban quản lý dự án đang hoạt động;
c) Chủ dự án tự quản lý, thực hiện chương trình, dự án.
4. Thành lập Ban quản lý dự án để quản lý, thực hiện một chương trình, dự án có quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, liên quan đến an ninh, quốc phòng; chương trình, dự án có đặc thù về nguồn vốn hoặc mô hình quản lý thực hiện cần phải thành lập Ban quản lý dự án; chương trình, dự án có quy định phải thành lập Ban quản lý dự án theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
5. Chủ dự án sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực quản lý và thực hiện dự án đối với dự án quy mô nhỏ; dự án có sự tham gia của cộng đồng.
6. Thuê tư vấn quản lý một phần hoặc toàn bộ công việc thực hiện chương trình, dự án
1. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt văn kiện dự án, người đứng đầu cơ quan chủ quản ban hành quyết định thành lập Ban quản lý dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục VII kèm theo Nghị định này. Trường hợp chủ dự án có đầy đủ tư cách pháp nhân, người đứng đầu cơ quan chủ quản có thể ủy quyền cho chủ dự án ban hành quyết định thành lập Ban quản lý dự án (trừ trường hợp Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực thành lập theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng).
2. Trường hợp thành lập Ban quản lý dự án mới theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 của Nghị định này: Quyết định thành lập Ban quản lý dự án phải kèm theo văn bản quy định cơ cấu tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; trách nhiệm, quyền hạn và ủy quyền; đề cương giao việc đối với một số chức danh chủ chốt của Ban quản lý dự án.
3. Trường hợp sử dụng Ban quản lý dự án đang hoạt động để quản lý chương trình, dự án mới theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 34 của Nghị định này: Căn cứ quyết định thành lập Ban quản lý dự án hiện hành, người đứng đầu cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án tiến hành bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý dự án đang hoạt động, lập tài khoản và con dấu mới để quản lý chương trình, dự án mới.
4. Trường hợp chủ dự án tự quản lý chương trình, dự án theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 34 của Nghị định này: Trên cơ sở quyết định của người đứng đầu cơ quan chủ quản giao chủ dự án chịu trách nhiệm quản lý việc thực hiện dự án, trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định đầu tư, chủ dự án ban hành quyết định phân công và giao nhiệm vụ bổ sung cho đơn vị, cá nhân trực thuộc thực hiện các hoạt động quản lý chương trình, dự án theo quy định hiện hành của pháp luật, theo đó tối thiểu phải có một cán bộ đầu mối về quản lý và một cán bộ đầu mối theo dõi tài chính, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách và phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí đảm nhận.
5. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Ban quản lý dự án, người đứng đầu cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án có tư cách pháp nhân được người đứng đầu cơ quan chủ quản ủy quyền ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án. Trong trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án có quy định về cơ cấu tổ chức quản lý dự án, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý dự án, những quy định này phải được cụ thể hóa và thể hiện đầy đủ trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án.
1. Quyết định tổ chức bộ máy quản lý thực hiện chương trình, dự án, bao gồm: Chủ dự án; Ban Chỉ đạo chương trình, dự án (trong trường hợp cần thiết).
2. Phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án; tổng hợp và phê duyệt kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình, dự án.
3. Chỉ đạo công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành, điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi về đấu thầu.
4. Tổ chức theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch; giám sát và đánh giá tình hình thực hiện, tình hình giải ngân, đảm bảo chương trình, dự án thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và đạt mục tiêu đề ra theo quy định của pháp luật về đầu tư công và những quy định về giám sát và đánh giá của Nghị định này.
5. Chịu trách nhiệm về chi phí phát sinh do các nguyên nhân chủ quan, thất thoát, lãng phí, tham nhũng và các sai phạm trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
6. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án.
1. Tổ chức bộ máy quản lý và thực hiện chương trình, dự án trên cơ sở quyết định của cơ quan chủ quản.
2. Chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng của chương trình, dự án từ khi chuẩn bị, thực hiện đến khi đưa chương trình, dự án vào khai thác, sử dụng.
3. Giải ngân, quản lý tài chính và tài sản của chương trình, dự án trong trường hợp chủ dự án tự quản lý, thực hiện chương trình, dự án.
4. Lập và trình cơ quan chủ quản phê duyệt kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình, dự án.
5. Xây dựng kế hoạch hoạt động cho hằng quý, phục vụ công tác điều hành, giám sát và đánh giá chương trình, dự án.
6. Thực hiện công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu, điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
7. Đàm phán, ký kết, giám sát việc thực hiện các hợp đồng và xử lý vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền.
8. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án (đối với dự án đầu tư xây dựng).
9. Thực hiện giám sát và đánh giá chương trình, dự án theo quy định của pháp luật về giám sát, đánh giá đầu tư công và những quy định của Nghị định này, đảm bảo chương trình, dự án thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và đạt mục tiêu đề ra.
10. Thực hiện hạch toán, kế toán, quyết toán, kiểm toán chương trình dự án theo quy định của pháp luật; lập báo cáo kết thúc và báo cáo quyết toán chương trình, dự án; kiểm toán và bàn giao tài sản, tài liệu đầu ra của chương trình, dự án và tuân thủ quy định về đóng cửa dự án tại điều ước quốc tế, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án.
11. Chịu trách nhiệm toàn diện về thất thoát, lãng phí, tham nhũng và sai phạm thuộc thẩm quyền trong công tác tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án gây thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến mục tiêu và hiệu quả chung của chương trình, dự án.
12. Đối với chương trình, dự án vay lại toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách nhà nước, chủ dự án có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ và kịp thời vốn vay lại theo các Hợp đồng vay lại đã ký kết với Bộ Tài chính hoặc cơ quan cho vay lại.
13. Nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án.
14. Chịu trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính về ngân hàng phục vụ được lựa chọn để Bộ Tài chính thực hiện thủ tục rút vốn, giải ngân cho dự án.
15. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan chủ quản trong phạm vi quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý dự án do chủ dự án giao theo Quyết định thành lập Ban quản lý dự án. Chủ dự án có thể ủy quyền cho Ban quản lý dự án quyết định hoặc ký kết văn bản thuộc thẩm quyền của mình trong quá trình quản lý thực hiện chương trình, dự án. Việc ủy quyền phải được quy định tại Quyết định thành lập Ban quản lý dự án hoặc tại văn bản ủy quyền cụ thể của chủ dự án.
2. Ban quản lý dự án có thể được giao nhiệm vụ quản lý nhiều chương trình, dự án nhưng phải được chủ dự án chấp thuận và phải đảm bảo nguyên tắc từng chương trình, dự án không bị gián đoạn, được quản lý và quyết toán theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Trong trường hợp không có đủ điều kiện thực hiện một số phần việc về quản lý và giám sát, Ban quản lý dự án có thể thuê tư vấn thực hiện các công việc này với sự chấp thuận của chủ dự án.
3. Ban quản lý dự án có nhiệm vụ thực hiện các công việc do chủ dự án giao để báo cáo chủ dự án, bao gồm:
a) Lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình, dự án;
b) Chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án;
c) Thực hiện các hoạt động liên quan đến đấu thầu, quản lý hợp đồng và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
d) Giải ngân, quản lý tài chính và tài sản của chương trình, dự án;
đ) Theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án;
e) Chuẩn bị để nghiệm thu và bàn giao kết quả đầu ra của chương trình, dự án sau khi hoàn thành; hoàn tất công tác thanh toán, quyết toán, kiểm toán, bàn giao tài sản của chương trình, dự án; lập báo cáo kết thúc theo mẫu tại Phụ lục X kèm theo Nghị định này và báo cáo quyết toán chương trình, dự án; thực hiện quy định về đóng dự án tại điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác trong khuôn khổ chương trình, dự án do chủ dự án giao.
4. Nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án.
5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan chủ quản trong phạm vi quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý dự án, Giám đốc Ban quản lý dự án trình cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án được cơ quan chủ quản ủy quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 35 phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án theo mẫu tại Phụ lục VIII kèm theo Nghị định này. Cơ quan chủ quản, chủ dự án gửi Quy chế này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và nhà tài trợ nước ngoài trong thời hạn 05 ngày kể từ khi Quy chế được phê duyệt.
2. Đối với chương trình, dự án đầu tư xây dựng, quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý dự án:
a) Các chức danh chủ chốt của Ban quản lý dự án do cơ quan chủ quản bổ nhiệm trong quyết định thành lập Ban quản lý dự án gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc (nếu có), Kế toán trưởng hoặc Phụ trách kế toán. Giám đốc Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước chủ dự án, cơ quan chủ quản về việc tổ chức, điều hành Ban quản lý dự án, tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật và điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký;
b) Trường hợp Ban quản lý dự án thành lập mới: Căn cứ nội dung, quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động, phương thức tổ chức quản lý thực hiện, cơ cấu tổ chức Ban quản lý dự án phải có đủ nhân sự với năng lực, kinh nghiệm phù hợp đảm bảo việc quản lý thực hiện dự án hiệu quả và bền vững. Giám đốc Ban quản lý dự án đề xuất cơ cấu tổ chức của Ban quản lý dự án, có thể bao gồm các đơn vị chức năng về hành chính, nhân sự và đào tạo, kế hoạch, đấu thầu, tài chính, theo dõi và giám sát trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án;
c) Trường hợp Ban quản lý dự án đang hoạt động được giao quản lý chương trình, dự án mới: Giám đốc Ban quản lý dự án bổ sung và điều chỉnh các nhiệm vụ trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án, đáp ứng nhiệm vụ được giao, trình cơ quan chủ quản, chủ dự án quyết định;
d) Trường hợp Chủ dự án tự quản lý chương trình, dự án: Chủ dự án có văn bản giao nhiệm vụ cho cán bộ trực thuộc tham gia quản lý và thực hiện chương trình, dự án.
4. Nhân sự của Ban quản lý dự án do Giám đốc Ban quản lý dự án tuyển chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ (lương, thưởng, phụ cấp,...) được quy định cụ thể trong điều khoản giao việc phù hợp với vị trí công tác và quy định của pháp luật có liên quan. Việc lựa chọn, thuê tuyển, điều động cán bộ không thuộc biên chế của chủ dự án hoặc cơ quan chủ quản làm việc cho Ban quản lý dự án thực hiện theo nội dung văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.
5. Con dấu và tài khoản của Ban quản lý dự án:
a) Ban quản lý dự án được phép sử dụng con dấu riêng theo quy định của pháp luật hoặc con dấu của cơ quan chủ quản, chủ dự án theo quy định của cơ quan chủ quản, chủ dự án để phục vụ công tác quản lý và thực hiện chương trình, dự án;
b) Ban quản lý dự án được mở tài khoản tiền đồng Việt Nam, tài khoản ngoại tệ của chương trình, dự án tại ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước đối với từng nguồn vốn của chương trình, dự án phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ nước ngoài.
6. Kinh phí hoạt động của Ban quản lý dự án: Kinh phí hoạt động của Ban quản lý dự án được bố trí từ nguồn vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án quy định tại khoản 2 Điều 44 của Nghị định này hoặc sử dụng kinh phí từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ nước ngoài
7. Quản lý và sử dụng tài sản do cơ quan chủ quản, chủ dự án giao cho Ban quản lý dự án để phục vụ công tác quản lý và thực hiện chương trình, dự án:
a) Tài sản trong khuôn khổ chương trình, dự án do cơ quan chủ quản, chủ dự án giao cho Ban quản lý dự án quản lý để phục vụ công tác quản lý và thực hiện chương trình, dự án phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật và văn kiện dự án, điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ nước ngoài;
b) Trường hợp tư vấn hoặc tổ chức tư vấn, nhà thầu bàn giao, tặng, chuyển quyền sở hữu tài sản cho Ban quản lý dự án, Ban quản lý dự án có văn bản đề nghị cơ quan chủ quản, chủ dự án cho phép quản lý, sử dụng trong thời gian thực hiện chương trình, dự án và bàn giao lại cho cơ quan chủ quản, chủ dự án sau khi chương trình, dự án kết thúc.
8. Kết thúc chương trình, dự án và giải thể Ban quản lý dự án:
a) Thời điểm kết thúc chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được quy định tại Quyết định đầu tư, Quyết định phê duyệt văn kiện dự án, điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ nước ngoài;
b) Trong thời hạn 06 tháng kể từ khi kết thúc chương trình, dự án, Ban quản lý dự án phải lập và gửi cơ quan chủ quản, chủ dự án Báo cáo kết thúc chương trình, dự án để chủ dự án trình cơ quan chủ quản. Báo cáo kết thúc chương trình, dự án được xây dựng trên cơ sở Báo cáo đánh giá kết thúc chương trình, dự án theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
c) Ban quản lý dự án bàn giao các tài sản của chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền giao quản lý, sử dụng cho cơ quan chủ quản, chủ dự án theo quy định của pháp luật;
d) Sau khi Báo cáo kết thúc và Báo cáo quyết toán chương trình, dự án được cơ quan chủ quản, chủ dự án phê duyệt và việc bàn giao các tài sản cho cơ quan chủ quản, chủ dự án đã hoàn thành, cơ quan chủ quản ban hành quyết định kết thúc chương trình, dự án và quyết định giải thể Ban quản lý dự án;
đ) Trường hợp cần thời gian để quyết toán và hoàn thành các thủ tục kết thúc dự án, Ban quản lý dự án trình cơ quan chủ quản, chủ dự án ban hành quyết định cho phép gia hạn hoạt động của Ban quản lý dự án và đảm bảo kinh phí cho các hoạt động này;
e) Đối với trường hợp Ban quản lý dự án quản lý nhiều chương trình, dự án, cơ quan chủ quản, chủ dự án ban hành Quyết định kết thúc từng chương trình, dự án cụ thể đồng thời điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ tương ứng của Ban quản lý dự án.
1. Tổ chức tư vấn quản lý chương trình, dự án có trách nhiệm thực hiện các công việc và cam kết theo hợp đồng ký kết với chủ dự án và tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
2. Chủ dự án thực hiện lựa chọn tư vấn quản lý chương trình, dự án thông qua đấu thầu và ký hợp đồng tư vấn theo các quy định hiện hành. Khi áp dụng hình thức thuê tư vấn quản lý chương trình, dự án, chủ dự án chỉ định đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của mình hoặc đầu mối thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của tư vấn.
1. Lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho các dự án đầu tư công thực hiện theo quy định tại Chương III Luật Đầu tư công và quy định của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công.
2. Vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài áp dụng cơ chế tài chính trong nước cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vay ưu đãi, quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm. Trường hợp không đáp ứng thời hạn trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương.
Thời gian thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi được tính từ thời điểm chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn.
1. Kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án được lập cho toàn bộ thời gian thực hiện chương trình, dự án và phải bao gồm tất cả hợp phần, hạng mục, nhóm hoạt động, nguồn vốn tương ứng (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng) và tiến độ thực hiện dự kiến kèm theo.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, căn cứ Báo cáo nghiên cứu khả thi, Văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định đầu tư chương trình, dự án và điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án, chủ dự án phối hợp với nhà tài trợ nước ngoài lập hoặc rà soát, cập nhật kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án, trình cơ quan chủ quản xem xét và phê duyệt.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án, cơ quan chủ quản chương trình, dự án, gửi Quyết định phê duyệt kèm theo kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan và nhà tài trợ nước ngoài phục vụ công tác giám sát, đánh giá và phối hợp thực hiện chương trình, dự án.
1. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án đã được cơ quan chủ quản phê duyệt; căn cứ tình hình giải ngân thực tế và kế hoạch giải ngân theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án, chủ dự án xem xét và trình người đứng đầu cơ quan chủ quản phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hằng năm. Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi hằng năm là một phần kế hoạch đầu tư công hằng năm của cơ quan chủ quản.
2. Nội dung của kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hằng năm gồm thông tin chi tiết về các hợp phần (chia theo hợp phần hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư xây dựng), các hạng mục và hoạt động chính, các nguồn vốn, bao gồm cả vốn đối ứng và tiến độ thực hiện dự kiến kèm theo.
3. Sau khi được cơ quan chủ quản phê duyệt, kế hoạch hằng năm là cơ sở để chủ dự án xây dựng kế hoạch thực hiện hàng quý phục vụ công tác điều hành, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án.
4. Hằng năm, vào thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành, cơ quan chủ quản tổng hợp kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hằng năm vào kế hoạch đầu tư công và kế hoạch ngân sách hàng năm của cơ quan chủ quản. Trên cơ sở kế hoạch ngân sách hằng năm của cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư công và phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách hàng năm để trình Quốc hội thông qua.
5. Quy trình, thủ tục giao nhiệm vụ kế hoạch hằng năm về thực hiện chương trình, dự án thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về giao nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hằng năm, chủ dự án gửi cơ quan chủ quản và thông qua cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan và nhà tài trợ nước ngoài Quyết định phê duyệt kèm theo kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hằng năm phục vụ công tác giám sát, đánh giá và phối hợp thực hiện chương trình, dự án.
7. Đối với chương trình, dự án vay lại toàn bộ từ ngân sách nhà nước: Hằng năm, vào cùng thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, chủ dự án lập kế hoạch thực hiện chương trình, dự án trình cơ quan chủ quản phê duyệt kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan được ủy quyền cho vay lại để theo dõi, giám sát tình hình thực hiện. Cơ quan chủ quản, chủ dự án có trách nhiệm tự cân đối đủ vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện của chương trình, dự án.
8. Đối với chương trình, dự án vay lại một phần từ ngân sách nhà nước: Tùy theo tính chất của từng hợp phần chương trình, dự án (cấp phát toàn bộ hay cho vay lại), chủ dự án áp dụng quy trình lập và trình duyệt kế hoạch của chương trình, dự án tương ứng với từng hợp phần của chương trình, dự án theo quy định tại khoản 1, 2, 7 Điều này
1. Vốn đối ứng phải được đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng tiến độ để chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án (bao gồm cả các hoạt động thực hiện trước, nếu có). Nguồn, mức vốn và cơ chế vốn đối ứng phải phù hợp với nội dung chi tiêu của chương trình, dự án đã được thống nhất giữa cơ quan chủ quản và nhà tài trợ nước ngoài và được thể hiện trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư.
2. Vốn đối ứng được sử dụng cho các khoản chi phí sau:
a) Chi phí hoạt động cho Ban quản lý dự án (lương, thưởng, phụ cấp, văn phòng, phương tiện làm việc, chi phí hành chính);
b) Chi phí thẩm định thiết kế, duyệt tổng dự toán, hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng và thủ tục hành chính cần thiết khác;
c) Chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu;
d) Chi phí cho hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý và thực hiện chương trình, dự án;
đ) Chi phí tiếp nhận và phổ biến công nghệ, kinh nghiệm, kỹ năng quốc tế;
e) Chi phí tuyên truyền, quảng cáo chương trình, dự án và các hoạt động cộng đồng;
g) Chi trả các loại thuế, phí hải quan, phí bảo hiểm theo quy định hiện hành;
h) Tiền trả lãi, tiền đặt cọc, phí cam kết và các loại phí liên quan khác phải trả cho phía nước ngoài;
i) Chi phí tiếp nhận thiết bị và vận chuyển nội địa (nếu có);
k) Chi phí quyết toán, thẩm tra quyết toán hoàn thành;
l) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
m) Chi phí thực hiện một số hoạt động cơ bản của chương trình, dự án (khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công; xây dựng một số hạng mục công trình, mua sắm một số trang thiết bị);
n) Chi phí cho hoạt động giám sát và đánh giá; giám sát và kiểm định chất lượng, nghiệm thu, bàn giao, quyết toán, kiểm toán chương trình, dự án;
o) Chi phí dự phòng và các chi phí hợp lý khác.
3. Đối với chương trình, dự án được cấp phát toàn bộ từ ngân sách nhà nước: Cơ quan chủ quản có trách nhiệm cân đối vốn đối ứng trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan chủ quản theo phân cấp quản lý ngân sách và từ các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật và phân định rõ theo nguồn vốn xây dựng cơ bản, hành chính sự nghiệp tương ứng với nội dung chi tiêu của chương trình, dự án; bảo đảm bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời, phù hợp với tiến độ quy định trong báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quyết định đầu tư, phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án.
4. Đối với chương trình, dự án vay lại toàn bộ:
a) Đối với địa phương vay lại toàn bộ: vốn đối ứng do địa phương bố trí từ nguồn ngân sách địa phương;
b) Đối với trường hợp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập vay lại toàn bộ: Chủ dự án tự bố trí vốn đối ứng hoặc trình cơ quan chủ quản quyết định để bảo đảm đủ vốn đối ứng cho chương trình, dự án theo quy định trước khi ký hợp đồng vay lại.
5. Đối với chương trình, dự án có cơ chế tài chính hỗn hợp (cấp phát từ ngân sách nhà nước và vay lại): Cơ quan chủ quản, chủ dự án bố trí đủ vốn đối ứng phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan trước khi ký hợp đồng vay lại.
6. Đối với chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách nhà nước có thời điểm phê duyệt hoặc ký kết không trùng với kỳ lập dự toán ngân sách hàng năm, chưa được bố trí vốn đối ứng: Cơ quan chủ quản có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung vào dự toán ngân sách hằng năm.
Trường hợp thời điểm lập kế hoạch vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án được xem xét tài trợ không trùng với kỳ lập kế hoạch ngân sách hằng năm, cơ quan chủ quản cân đối trong tổng vốn đã được phân bổ. Trong trường hợp không tự cân đối được, cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định việc tạm ứng vốn và sau đó khấu trừ vào kế hoạch năm tiếp theo.
7. Định mức chi tiêu đối với các khoản chi từ nguồn vốn đối ứng thực hiện theo chế độ chi tiêu ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
Chính sách thuế, phí và lệ phí áp dụng đối với chương trình, dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế, phí và lệ phí, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đã ký kết về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong thực hiện chương trình, dự án thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đã ký kết về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
1. Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế giữa Việt Nam với nhà tài trợ nước ngoài; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về lựa chọn nhà thầu khác với quy định của Luật Đấu thầu thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế không có quy định về việc áp dụng thủ tục lựa chọn nhà thầu, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.
2. Thủ tục phân cấp trình, thẩm định và phê duyệt các nội dung trong đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam. Nội dung thẩm định, phê duyệt tuân thủ quy định của điều ước quốc tế theo nguyên tắc nêu tại khoản 1 Điều này.
1. Vốn dư chỉ được sử dụng sau khi đã bố trí đầy đủ vốn để hoàn thành các mục tiêu của dự án hoặc các hạng mục trong phân kỳ đầu tư đối với dự án gồm nhiều khoản vay phân kỳ.
2. Trường hợp thực sự cần thiết sử dụng vốn dư để phát huy hiệu quả và không dẫn đến thay đổi mục tiêu chính tại Quyết định chủ trương đầu tư của chương trình, dự án đang thực hiện:
a) Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về sự cần thiết, tính hiệu quả của việc sử dụng vốn dư; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư văn bản đề xuất sử dụng vốn dư, ý kiến chấp thuận sử dụng vốn dư của nhà tài trợ nước ngoài và các tài liệu có liên quan;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và nhà tài trợ nước ngoài, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
3. Trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn dư để thực hiện chương trình, dự án mới: Cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan làm việc với nhà tài trợ nước ngoài để thống nhất việc sử dụng vốn dư, cơ chế tài chính áp dụng theo quy định hiện hành và thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư quy định tạiBổ sungĐiều 14, 15, 16, 17, 18 của Nghị định này.
4. Hủy vốn dư: Cơ quan chủ quản tổng hợp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị Bộ Tài chính hủy vốn dư của chương trình, dự án. Trên cơ sở đề xuất hủy vốn dư của cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính thông báo hủy vốn dư cho nhà tài trợ.
Trường hợp phát sinh phí hủy vốn hoặc các loại phí khác, cơ quan chủ quản tổng hợp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị Bộ Tài chính hủy vốn dư của chương trình, dự án. Trên cơ sở đề xuất của cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép hủy vốn dư trước khi thông báo hủy vốn dư cho nhà tài trợ.
1. Đối với dự án đầu tư xây dựng, việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng; cấp phép xây dựng; quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo hiểm công trình xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý xây dựng và điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đã ký kết về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
2. Đối với chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, sau khi hoàn thành, cơ quan chủ quản tổ chức nghiệm thu và tiến hành các biện pháp cần thiết để tiếp tục khai thác và phát huy kết quả đạt được cũng như thực hiện quy định của pháp luật hiện hành về quản lý tài chính và tài sản của chương trình, dự án.
3. Việc kiểm toán, quyết toán chương trình, dự án phải được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đã ký kết về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
1. Theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi:
a) Công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại các Điều 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77 của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đã ký kết về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức xây dựng, quản lý, triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công; hệ thống thông tin về giám sát đánh giá đầu tư;
c) Bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai ứng dụng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công; hệ thống thông tin về giám sát đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý.
2. Theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại độc lập không gắn với khoản vay, phi dự án:
a) Theo dõi, kiểm tra chương trình, dự án, phi dự án: Chủ dự án có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình, dự án, phi dự án trên cơ sở văn kiện chương trình, dự án, phi dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảm chương trình, dự án, phi dự án đạt các mục tiêu kết quả đề ra, định kỳ báo cáo cơ quan chủ quản về kết quả theo dõi, kiểm tra;
b) Đánh giá chương trình, dự án, phi dự án: Trong vòng 03 tháng kể từ ngày kết thúc thực hiện chương trình, dự án, phi dự án, chủ dự án hoàn thành báo cáo đánh giá kết thúc chương trình, dự án, phi dự án gồm các nội dung sau: Quá trình thực hiện; kết quả thực hiện các mục tiêu; các nguồn lực đã huy động; các lợi ích do chương trình, dự án, phi dự án mang lại cho những đối tượng thụ hưởng; các tác động, tính bền vững; bài học rút ra sau quá trình thực hiện và đề xuất các khuyến nghị cần thiết; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
c) Chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án của cơ quan chủ quản, chủ dự án: Cơ quan chủ quản, chủ dự án có trách nhiệm gửi báo cáo theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Doanh nghiệp nhà nước được sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để đầu tư dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên quy định tại Điều 5 của Nghị định này phù hợp với ngành, nghề kinh doanh trong quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều kiện sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài:
a) Doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b) Doanh nghiệp nhà nước vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài phù hợp với các quy định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;
c) Doanh nghiệp nhà nước chấp nhận ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với vốn ODA không hoàn lại đi kèm khoản vay ODA, vay ưu đãi (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.
1. Trình tự, thủ tục phê duyệt; hồ sơ và thời gian xem xét; tiêu chí lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
2. Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
3. Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 29 Luật Quản lý nợ công và khoản 1 Điều 13 của Nghị định này.
6. Căn cứ quyết định phê duyệt Đề xuất dự án của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ quản giao cơ quan, tổ chức phù hợp chuẩn bị Dự án theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước vay lại toàn bộ thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, xây dựng, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định của pháp luật liên quan.
Việc cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo Luật Quản lý nợ công và quy định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
1. Việc điều chỉnh dự án thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Đầu tư và quy định của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
2. Trường hợp điều chỉnh chương trình, dự án dẫn đến làm tăng tổng mức vốn vay ODA, vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài: Cơ quan chủ quản thực hiện thủ tục điều chỉnh Đề xuất dự án và chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 52, 53 của Nghị định này.
Việc xây dựng hạn mức cho vay lại 5 năm, xây dựng kế hoạch và hạn mức cho vay lại hằng năm thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định pháp luật khác có liên quan.
1. Tài khoản nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi:
a) Các khoản vốn vay ODA và vay ưu đãi của ngân sách nhà nước được quản lý, hạch toán theo dõi trên tài khoản của từng cấp ngân sách;
b) Chủ dự án mở tài khoản nguồn vốn của dự án tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng phục vụ để tiếp nhận nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chi cho các hoạt động của chương trình, dự án.
2. Tài khoản vốn đối ứng: Chủ dự án mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện giao dịch (sau đây gọi là Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch) để thực hiện việc kiểm soát, thanh toán đối với nguồn vốn đối ứng (nguồn vốn trong nước) của dự án hoặc ngân hàng do chủ dự án lựa chọn (trong trường hợp doanh nghiệp vay lại toàn bộ).
1. Là một ngân hàng được lựa chọn trong các ngân hàng có kinh nghiệm quản lý rút vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi căn cứ trên cơ sở xếp hạng của cơ quan có thẩm quyền, đáp ứng các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngân hàng, các quy định về giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.
2. Có hệ thống chi nhánh phù hợp với yêu cầu của chương trình, dự án.
3. Chấp nhận các trách nhiệm của ngân hàng phục vụ quy định tại các Điều 60, 62, 63, 64, 78, 89 của Nghị định này.
1. Làm thủ tục cho Bộ Tài chính hoặc chủ dự án mở tài khoản vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho chương trình, dự án theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã được cấp có thẩm quyền ký kết và phù hợp với quy định tại Chương VII, VIII của Nghị định này.
2. Theo dõi, quản lý tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng và thu phí theo quy định, báo cáo thông tin về tài khoản chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi theo quy định tại Chương VII, VIII của Nghị định này.
1. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc ngân hàng phục vụ làm thủ tục mở tài khoản tạm ứng (tài khoản giao dịch) cho chủ dự án hoặc Bộ Tài chính phù hợp với yêu cầu thanh toán của dự án, đảm bảo luân chuyển vốn tài trợ trực tiếp đến dự án, không bố trí qua tài khoản trung gian. Trường hợp dự án có nhiều khoản tài trợ, phải mở các tài khoản riêng để theo dõi từng nguồn vốn rút về.
2. Trường hợp cơ quan chủ quản giao nhiều đơn vị thực thi, chủ dự án mở tài khoản nhánh tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc chi nhánh ngân hàng phục vụ.
3. Đồng tiền của tài khoản là đồng ngoại tệ vay nước ngoài (trừ trường hợp được Bộ Tài chính chấp thuận mở tài khoản bằng đồng Việt Nam).
4. Quản lý lãi tài khoản tạm ứng:
a) Lãi phát sinh trên tài khoản tạm ứng phải được hạch toán theo dõi riêng và được sử dụng để thanh toán phí dịch vụ ngân hàng theo quy định. Phí dịch vụ ngân hàng là khoản chi thuộc dự án. Trường hợp số lãi phát sinh không đủ để thanh toán phí dịch vụ ngân hàng, chủ dự án lập dự toán và bố trí vốn đối ứng để chi trả;
b) Khi kết thúc hoạt động chi tiêu trên tài khoản tạm ứng, đối với dự án do ngân sách cấp phát toàn bộ, chủ dự án nộp số dư lãi phát sinh trên tài khoản này vào ngân sách nhà nước. Đối với dự án vay lại toàn bộ, số dư lãi phát sinh là nguồn thu của chủ dự án. Đối với dự án vay lại theo tỷ lệ, số dư lãi phát sinh được phân bổ theo tỷ lệ tương ứng.
1. Theo đề nghị của chủ dự án là chủ tài khoản, Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng phục vụ hướng dẫn hồ sơ và thủ tục mở các tài khoản thanh toán của dự án và thực hiện các giao dịch thanh toán, rút vốn và các nghiệp vụ khác theo quy định hiện hành.
2. Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng phục vụ có trách nhiệm hướng dẫn và cung cấp cho chủ dự án đầy đủ thông tin để thực hiện giao dịch thanh toán qua hệ thống Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng phục vụ.
3. Định kỳ hàng tháng theo thỏa thuận giữa cơ quan giữ tài khoản và chủ tài khoản và khi chủ tài khoản có yêu cầu, cơ quan giữ tài khoản có trách nhiệm gửi báo cáo sao kê tài khoản tạm ứng cho chủ tài khoản, chi tiết số tiền nguyên tệ, người thụ hưởng và ngày giao dịch, tỷ giá áp dụng và giá trị đồng Việt Nam tương đương, số dư đầu kỳ, số chi trong kỳ và số dư cuối kỳ.
4. Định kỳ hàng tháng theo thỏa thuận giữa cơ quan giữ tài khoản và chủ tài khoản và khi chủ tài khoản có yêu cầu, cơ quan giữ tài khoản thông báo cho chủ tài khoản số lãi phát sinh trên tài khoản tạm ứng của dự án (nếu có); số phí dịch vụ ngân hàng đã thu; số chênh lệch giữa lãi và phí; số dư đầu kỳ, cuối kỳ.
5. Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo có số tiền giải ngân từ nhà tài trợ nước ngoài, cơ quan giữ tài khoản thực hiện ghi có vào tài khoản của dự án và thông báo cho chủ tài khoản biết.
6. Trước ngày 10 hằng tháng, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng phục vụ tổng hợp báo cáo gửi Bộ Tài chính tình hình hoạt động trong tháng trước đó của các tài khoản nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi mở trên toàn hệ thống. Báo cáo chi tiết theo tên dự án, chủ dự án, tài khoản, tiểu khoản (mỗi tài khoản, tiểu khoản sử dụng cho một nguồn tài trợ), báo cáo tách riêng nguồn vốn ODA không hoàn lại, nguồn vốn vay; báo cáo chi tiết số dư tài khoản đầu kỳ, tổng số rút vốn từ nhà tài trợ nước ngoài trong kỳ, tổng số chi trong kỳ, số dư cuối kỳ, các giao dịch hoàn trả tiền cho nhà tài trợ nước ngoài (nếu có); báo cáo số liệu lãi phát sinh trên các tài khoản nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi trong kỳ, số lãi đã sử dụng trang trải phí dịch vụ ngân hàng, số dư lãi cuối kỳ.
7. Hàng năm, kết thúc năm ngân sách thực hiện đối chiếu số dư tài khoản với chủ dự án
1. Trên cơ sở kế hoạch trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ quản lập kế hoạch tài chính hằng năm cho chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
2. Kế hoạch tài chính hằng năm lập chi tiết cho từng chương trình, dự án, từng điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết, bao gồm vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương, vốn nước ngoài cho vay lại, vốn đối ứng cấp phát từ ngân sách trung ương, vốn đối ứng bố trí từ ngân sách địa phương. Trường hợp dự án áp dụng vay lại theo tỷ lệ, kế hoạch vốn phần cấp phát và vay lại phải đảm bảo đúng tỷ lệ theo cơ chế tài chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Mức bố trí vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng trong dự toán ngân sách hằng năm đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đã ký kết, phù hợp với khả năng giải ngân thực tế của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
4. Việc lập kế hoạch tài chính hằng năm cho chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi tuân thủ quy trình lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan.
1. Đối với chương trình, dự án chi đầu tư phát triển được ngân sách nhà nước cấp phát, Bộ, cơ quan trung ương và địa phương dự kiến kế hoạch đầu tư công gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
2. Đối với khoản vay lại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch rút vốn vay lại, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý nợ của chính quyền địa phương gửi Bộ Tài chính để tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Đối với dự án cho vay lại của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chủ dự án gửi Bộ Tài chính, đồng gửi cơ quan chủ quản và cơ quan được ủy quyền cho vay lại đăng ký kế hoạch giải ngân vốn vay lại hằng năm. Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ quyết định hạn mức vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi để cho vay lại hằng năm theo quy định.
1. Đối với ngân sách trung ương, căn cứ dự toán ngân sách được Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ giao, cơ quan chủ quản, thực hiện phân bổ, nhập để Bộ Tài chính kiểm tra phê duyệt dự toán từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn ODA không hoàn lại gắn liền khoản vay của các nhà tài trợ nước ngoài trên TABMIS theo quy định về tổ chức vận hành, khai thác (TABMIS) và văn bản hướng dẫn có liên quan.
2. Đối với ngân sách địa phương, căn cứ dự toán ngân sách được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao, Sở Tài chính thực hiện nhập và xác nhận kế hoạch vốn đầu tư, dự toán chi thường xuyên từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi, vốn ODA không hoàn lại gắn liền khoản vay và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương; vốn vay ODA, vốn ODA không hoàn lại gắn liền khoản vay và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài của Chính phủ về cho ngân sách địa phương vay lại trên TABMIS theo quy định hiện hành.
3. Việc nhập dự toán vào TABMIS phải đảm bảo đúng mã nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cấp phát, vốn ODA và vốn vay ưu đãi bổ sung có mục tiêu cho địa phương và ODA cho địa phương vay lại; đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi bổ sung có mục tiêu cho địa phương, đúng theo danh mục, mức vốn được cấp có thẩm quyền giao.
Việc kiểm soát và thanh toán vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi (sau đây gọi tắt là kiểm soát chi) áp dụng theo các quy định hiện hành đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước.
1. Kiểm soát chi áp dụng đối với mọi hoạt động chi của dự án từ nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, kể cả các khoản chi theo phương thức thư tín dụng hoặc ủy quyền cho bên nước ngoài chi trực tiếp, đảm bảo trên cơ sở có dự toán và việc chi tiêu của chương trình, dự án phù hợp với điều ước quốc tế thỏa thuận về vốn vay ODA, vay ưu đãi đã ký kết và tuân thủ các quy định về quản lý tài chính trong nước hiện hành.
2. Kiểm soát chi chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài được ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ hoặc áp dụng vay lại một phần theo tỷ lệ thực hiện theo quy định hiện hành đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán vốn nước ngoài, kế hoạch vốn cho vay lại hàng năm được duyệt, dự toán vốn điều chỉnh, bổ sung trong năm (nếu có) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Trình tự, thủ tục, hồ sơ kiểm soát chi, giấy đề nghị xác nhận chi phí hợp lệ vốn sự nghiệp và giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư của chủ dự án thực hiện theo quy định pháp luật về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
4. Thời hạn kiểm soát chi các khoản chi tạm ứng, thanh toán trong năm ngân sách:
a) Các khoản tạm ứng theo chế độ: Kiểm soát chi chậm nhất là đến ngày 31 tháng 12 năm kế hoạch, chủ dự án gửi hồ sơ chứng từ đến cơ quan kiểm soát chi trước ngày 31 tháng 12 hàng năm;
b) Các khoản thanh toán khối lượng hoàn thành được kiểm soát chi đến ngày 31 tháng 01 năm sau.
5. Đối với các dự án, hợp phần cho vay lại theo hạn mức tín dụng áp dụng cho các Hiệp định vay ký từ năm 2017 trở về trước: Hồ sơ và thủ tục kiểm soát chi đối với các dự án, hợp phần cho vay lại theo hạn mức tín dụng thực hiện theo quy định của các tổ chức tín dụng sử dụng vốn vay lại và phù hợp với quy định của điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết. Tổ chức tín dụng vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn và hợp lệ của các khoản cho vay tín dụng và các khoản chi phí tín dụng trong sao kê chi tiêu gửi Bộ Tài chính, khi lập và gửi bộ hồ sơ rút vốn ngoài nước.
6. Hồ sơ và thủ tục kiểm soát chi dự án hoặc hợp phần dự án cho vay lại toàn bộ: Cơ quan cho vay lại áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều này và Hợp đồng cho vay lại.
7. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị kiểm soát chi của chủ dự án cho mọi hình thức rút vốn, cơ quan kiểm soát chi căn cứ vào điều ước quốc tế và thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký, các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng (số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán và các điều kiện thanh toán) hoặc dự toán được duyệt đối với trường hợp thanh toán không theo hợp đồng và giá trị từng lần thanh toán, để thực hiện kiểm soát chi cho chủ dự án. Chủ dự án chịu trách nhiệm về phương thức lựa chọn nhà thầu, tính chính xác, hợp pháp của khối lượng nghiệm thu thanh toán, định mức, đơn giá, dự toán các loại công việc, chất lượng công trình và việc tuân thủ quy định hiện hành. Chủ dự án chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả. Chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính của nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
1. Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của dự án hoặc hợp phần dự án được ngân sách nhà nước cấp phát; dự án áp dụng cơ chế cấp phát một phần, vay lại một phần theo tỷ lệ và dự án vay lại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của dự án hoặc hợp phần dự án áp dụng cơ chế vay lại toàn bộ.
3. Đối với các chương trình, dự án khác chưa được xác định theo các khoản 1, 2 Điều này, Bộ Tài chính xác định cơ quan kiểm soát chi phù hợp, đảm bảo nguyên tắc không có hai cơ quan kiểm soát chi cùng kiểm soát một hoạt động chi tiêu của dự án.
1. Kiểm soát chi trước là việc cơ quan kiểm soát chi kiểm tra, xác nhận tính hợp pháp, hợp lệ của khoản chi trước khi chủ dự án rút vốn thanh toán cho nhà thầu, người thụ hưởng. Kiểm soát chi trước áp dụng đối với các khoản chi không thuộc phạm vi quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Kiểm soát chi sau là việc cơ quan kiểm soát chi kiểm tra, xác nhận tính hợp pháp, hợp lệ của khoản chi sau khi chủ dự án đã rút vốn thanh toán cho nhà thầu, người thụ hưởng. Kiểm soát chi sau áp dụng với các trường hợp sau:
a) Thanh toán từ tài khoản tạm ứng cho nhà thầu, nhà cung cấp, trừ tài khoản tạm ứng do Bộ Tài chính là chủ tài khoản áp dụng kiểm soát chi trước;
b) Chuyển tạm ứng từ tài khoản tạm ứng cho các tài khoản cấp hai đối với dự án có nhiều cấp quản lý;
c) Các khoản chi từ tài khoản cấp hai cho hoạt động quản lý dự án thuộc dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Thanh toán theo hình thức thư tín dụng (L/C) cho mua sắm hàng hóa thiết bị, trừ lần thanh toán cuối cùng.
3. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày rút vốn thanh toán, chủ dự án hoàn tất hồ sơ thanh toán gửi cơ quan kiểm soát chi xác nhận để làm cơ sở thực hiện lần thanh toán kế tiếp. Trường hợp thấy cần thiết, chủ dự án có quyền thỏa thuận với nhà thầu áp dụng hình thức kiểm soát chi trước đối với các khoản chi nêu tại khoản 2 Điều này và gửi cơ quan kiểm soát chi để phối hợp thực hiện.
Các hình thức rút vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi bao gồm:
1. Rút vốn về ngân sách: Vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi được giải ngân về ngân sách nhà nước đối với khoản hỗ trợ ngân sách trực tiếp hoặc phương thức tài trợ dựa trên kết quả.
2. Rút vốn theo chương trình, dự án: Rút vốn theo chương trình, dự án áp dụng một hoặc một số các hình thức rút vốn sau đây: Thanh toán trực tiếp, thanh toán theo thư tín dụng, hoàn vốn, tài khoản tạm ứng.
1. Thời gian xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính là 04 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Thời gian xử lý đơn báo cáo chi tiêu là 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
2. Trường hợp chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi kết thúc thực hiện đợt giải ngân cuối cùng vào năm kết thúc dự án, chủ dự án gửi Bộ Tài chính đơn rút vốn trước ngày 31 tháng 12 (năm kế hoạch) để đảm bảo thời gian giải ngân trước ngày 31 tháng 01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng không giải ngân trước ngày 31 tháng 01 năm sau (bao gồm trường hợp đã kiểm soát chi và gửi đơn rút vốn trước ngày 31 tháng 01 năm sau nhưng nhà tài trợ chưa thông báo rút vốn), thực hiện theo quy định về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm tại khoản 2 Điều 68 của Luật Đầu tư công.
1. Trình tự, thủ tục rút vốn theo hình thức hỗ trợ ngân sách:
a) Cơ quan chủ quản, chủ dự án có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để thực hiện các cam kết của phía Việt Nam theo thỏa thuận với bên cho vay nước ngoài, đảm bảo thỏa mãn điều kiện tiên quyết về rút vốn nêu trong điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết;
b) Đối với hình thức hỗ trợ ngân sách chung: Bộ Tài chính lập đơn rút vốn gửi bên cho vay nước ngoài và chuyển các khoản rút vốn về ngân sách nhà nước để sử dụng theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết;
c) Đối với hình thức hỗ trợ ngân sách trung ương cho Chương trình mục tiêu quốc gia: Cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia sau khi thống nhất với cơ quan chủ quản dự án thành phần có trách nhiệm thống nhất với Bộ Tài chính về thời điểm rút vốn, số tiền rút vốn, đảm bảo khoản tiền giải ngân đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công và dự toán hằng năm của Chương trình, các dự án thành phần; lập hồ sơ đề nghị đơn rút vốn gửi Bộ Tài chính theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký;
Vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi giải ngân về ngân sách nhà nước được phân bổ cho các dự án thành phần để sử dụng theo đúng quy trình quản lý vốn ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Trình tự và thủ tục rút vốn theo phương thức tài trợ dựa trên kết quả:
a) Chủ dự án, cơ quan chủ quản có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ số giải ngân liên quan theo thỏa thuận với bên cho vay nước ngoài để làm cơ sở rút vốn. Chủ dự án được tiếp nhận vốn tạm ứng theo quy định của bên cho vay nước ngoài để thực hiện các công việc đã thỏa thuận nhằm đạt được cam kết gắn với chỉ số giải ngân;
b) Chủ dự án, cơ quan chủ quản có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan lập báo cáo, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu chứng minh việc hoàn thành các tiêu chí giải ngân quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký để gửi bên cho vay nước ngoài. Chủ dự án lập hồ sơ và đơn rút vốn gửi Bộ Tài chính theo quy định của bên cho vay nước ngoài;
c) Nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi giải ngân được chuyển về tài khoản của đơn vị thực hiện chương trình, dự án mở tại Kho bạc Nhà nước theo thỏa thuận với nhà tài trợ. Việc chi tiêu tuân thủ quy trình quản lý vốn ngân sách nhà nước hiện hành. Hết niên độ ngân sách, số dư dự toán nguồn vốn ngoài nước được xử lý theo các quy định quản lý vốn ngân sách nhà nước hiện hành; số dư tiền mặt trên tài khoản tạm ứng được tiếp tục sử dụng cho các hoạt động của chương trình, dự án trong niên độ tiếp theo theo quy định;
d) Khi rút vốn theo phương thức tài trợ dựa trên kết quả, chủ dự án sử dụng tỷ giá giữa Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) với đồng Việt Nam (VNĐ) thông báo trên Cổng thông tin điện tử của nhà tài trợ tại thời điểm làm đơn rút vốn.
3. Trình tự và thủ tục rút vốn đối với khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi theo phương thức tài trợ dự án:
a) Các hình thức rút vốn:
Thanh toán trực tiếp: Chuyển tiền thanh toán trực tiếp cho nhà thầu, nhà cung cấp của dự án;
Thanh toán theo hình thức Thư tín dụng (L/C): Là hình thức thanh toán bằng thư tín dụng do ngân hàng phát hành theo yêu cầu của chủ dự án cam kết với nhà thầu hoặc nhà cung cấp về việc thanh toán một khoản tiền nhất định nếu nhà thầu hoặc nhà cung cấp xuất trình được một bộ chứng từ hợp lệ, đúng theo quy định trong L/C;
Hoàn vốn: Là hình thức nhà tài trợ nước ngoài thanh toán tiền để hoàn lại các khoản chi hợp lệ do chủ dự án đã chi cho dự án;
Tài khoản tạm ứng: Là hình thức nhà tài trợ nước ngoài tạm ứng trước một khoản tiền vào một tài khoản mở riêng cho dự án tại ngân hàng phục vụ hoặc Kho bạc Nhà nước để chủ dự án chủ động trong việc thanh toán cho các khoản chi tiêu và hợp lệ của dự án, giảm bớt số lần rút vốn vay;
Đối với phương thức rút vốn về tài khoản đặc biệt, chủ đầu tư (chủ dự án) có trách nhiệm báo cáo chi tiêu và gửi đơn hoàn chứng từ hàng tháng. Thời hạn hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính đối với các khoản chi tiêu từ tài khoản đặc biệt không vượt quá 06 tháng. Trường hợp sau 06 tháng chủ đầu tư (chủ dự án) không thực hiện hoàn chứng từ, các khoản giải ngân tiếp theo áp dụng hình thức thanh toán trực tiếp.
b) Sau khi nhà tài trợ nước ngoài thông báo phía Việt Nam đã hoàn thành các điều kiện tiên quyết để rút vốn theo quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án lập bộ hồ sơ đề nghị rút vốn theo mẫu của bên cho vay nước ngoài và theo từng hình thức rút vốn gửi Bộ Tài chính;
c) Trường hợp bên cho vay nước ngoài yêu cầu tài liệu bổ sung hoặc chỉ chấp thuận một phần đơn rút vốn, Bộ Tài chính hoặc bên cho vay nước ngoài thông báo cho chủ dự án để phối hợp xử lý kịp thời các yêu cầu hợp lý của bên cho vay nước ngoài;
d) Hồ sơ rút vốn gửi Bộ Tài chính: Đối với mỗi đợt rút vốn, chủ dự án hoặc đơn vị được ủy quyền lập và gửi Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ rút vốn theo từng hình thức rút vốn. Hồ sơ rút vốn quy định tại Phụ lục IX kèm theo Nghị định này. Chủ dự án chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lệ về hồ sơ rút vốn bao gồm: số kiểm soát chi bảo đảm một khoản chi không được kiểm soát và thanh toán hai lần, khối lượng nghiệm thu thanh toán, định mức, đơn giá, dự toán các loại công việc, các thông tin chỉ dẫn thanh toán cho các nhà thầu và hồ sơ phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính của nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi;
đ) Thủ tục rút vốn trên môi trường điện tử khi đủ điều kiện được thực hiện trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính theo quy định của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử.
4. Giới thiệu chữ ký mẫu, hủy chữ ký mẫu ký đơn rút vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi: Cơ quan chủ quản gửi văn bản cho Bộ Tài chính giới thiệu chữ ký mẫu, thông báo hủy chữ ký mẫu đại diện của chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án do chủ dự án ủy quyền đối với dự án áp dụng cơ chế tài chính cấp phát, cho vay lại theo tỷ lệ; bên vay lại gửi văn bản cho Bộ Tài chính giới thiệu chữ ký mẫu, thông báo hủy chữ ký mẫu đại diện của chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án do chủ dự án ủy quyền đối với dự án áp dụng cơ chế tài chính cho vay lại toàn bộ.
1. Nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi bù đắp bội chi ngân sách nhà nước phải được hạch toán đầy đủ, chính xác vào ngân sách nhà nước.
2. Đối với các chương trình, dự án áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ hoặc một phần theo tỷ lệ được kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước, việc hạch toán ngân sách nhà nước phần vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi theo cơ chế cấp phát và phần vốn cho vay lại theo tỷ lệ (đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) do Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện.
3. Hạch toán ngân sách nhà nước được thực hiện trên cơ sở chứng từ giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng do nhà tài trợ nước ngoài thông báo. Đối với hình thức chi từ tài khoản tạm ứng, chủ dự án lập Giấy đề nghị hạch toán vốn vay ODA, vay ưu đãi gửi Kho bạc Nhà nước xác nhận đồng thời với thủ tục kiểm soát chi. Đối với các hình thức rút vốn khác, chủ dự án lập Giấy đề nghị hạch toán vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi gửi Kho bạc Nhà nước xác nhận trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được chứng từ giải ngân của nhà tài trợ nước ngoài và gửi Bộ Tài chính để theo dõi.
Căn cứ vào chứng từ nhận tiền hoặc giấy báo có của ngân hàng phục vụ, Kho bạc Nhà nước hạch toán ghi nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi, hạch toán ghi thu của ngân sách nhà nước vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định; trường hợp chuyển ngoại tệ vào Quỹ Ngoại tệ tập trung thì Kho bạc Nhà nước hạch toán theo quy định đối với các khoản thu hoặc khoản vay của ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ.
Kho bạc Nhà nước hạch toán ghi thu, ghi chi cho dự án vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đối với nguồn vốn cấp phát từ ngân sách trung ương và nguồn vốn cho vay lại cho chương trình, dự án được kiểm soát chi tại hệ thống Kho bạc Nhà nước, cụ thể như sau:
1. Hạch toán theo đúng mã nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách trung ương, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi cho địa phương vay lại và hạch toán chi tiết theo vốn ODA không hoàn lại gắn với khoản vay.
2. Các khoản tạm ứng theo chế độ thực hiện hạch toán ghi chi tạm ứng. Các khoản thu hồi tạm ứng thực hiện hạch toán giảm ghi chi tạm ứng.
3. Các khoản thanh toán khối lượng hoàn thành hạch toán ghi thu ghi chi thực chi và thực hiện quyết toán ngân sách hàng năm.
4. Các khoản chi thuộc kế hoạch năm đã được kiểm soát chi và thực hiện giải ngân trước ngày 31 tháng 01 năm sau, Kho bạc Nhà nước hạch toán ghi thu ghi chi vào niên độ năm thực hiện. Các khoản chi đã được kiểm soát chi trước ngày 31 tháng 01 năm sau và thực hiện giải ngân sau ngày 31 tháng 01 năm sau, chủ dự án bố trí kế hoạch năm sau để hạch toán ghi thu ghi chi.
5. Hồ sơ hạch toán ghi thu ghi chi thực hiện theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. Chủ dự án gửi hồ sơ đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để xác nhận hạch toán chậm nhất trước ngày 01 tháng 02 năm sau.
1. Đối với vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ được Bộ Tài chính cho vay lại; vốn vay do Bộ Tài chính ủy quyền cho tổ chức tài chính, tín dụng là cơ quan cho vay lại để cho vay lại các chương trình, dự án đầu tư: Căn cứ thông báo giải ngân của nhà tài trợ, báo cáo sao kê giải ngân của chủ dự án, Bộ Tài chính hạch toán nghĩa vụ nợ theo quy định về hướng dẫn chế độ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.
2. Đối với các chương trình, dự án do Bộ Tài chính thực hiện hạch toán ngân sách nhà nước, khi thực hiện điều chỉnh, căn cứ thông báo giải ngân của nhà tài trợ, Bộ Tài chính lập Phiếu điều chỉnh hạch toán và gửi các liên Phiếu điều chỉnh số liệu cho cơ quan cho vay lại và chủ dự án để điều chỉnh các số liệu hạch toán tương ứng trên các báo cáo kế toán và quyết toán vốn nước ngoài.
1. Các khoản tiền nhà tài trợ trực tiếp giải ngân và thanh toán Thư tín dụng bằng ngoại tệ cho nhà thầu, nhà cung cấp, việc hạch toán bằng đồng Việt Nam áp dụng tỷ giá mua chuyển khoản đầu ngày của ngân hàng phục vụ, ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản, hoặc tỷ giá mua chuyển khoản đầu ngày của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam trong trường hợp không có ngân hàng phục vụ tại ngày nhà tài trợ ghi nợ cho Chính phủ.
2. Đối với các khoản tiền nhà tài trợ thanh toán trực tiếp bằng đồng tiền khác đồng tiền nhận nợ, áp dụng tỷ giá thanh toán thực tế của nhà tài trợ giữa đồng tiền nhận nợ và đồng tiền thanh toán.
3. Trường hợp dự án thực hiện chi từ tài khoản tạm ứng, các khoản chi từ tài khoản tạm ứng bằng đồng tiền khác đồng tiền vay và chi bằng ngoại tệ áp dụng tỷ giá mua chuyển khoản đồng ngoại tệ tương ứng của ngân hàng phục vụ hoặc ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại thời điểm thanh toán.
4. Trường hợp chuyển khoản ghi thu ghi chi tạm ứng sang thực chi khi thanh toán khối lượng hoàn thành áp dụng tỷ giá mua chuyển khoản đầu ngày của ngân hàng phục vụ, ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại thời điểm hạch toán ghi thu ghi chi tạm ứng để hạch toán thu hồi tạm ứng.
5. Chủ dự án chịu trách nhiệm về việc xác định và áp dụng tỷ giá quy đổi khi đề nghị Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kiểm soát chi hoặc đề nghị hạch toán ghi thu ghi chi các khoản chi bằng ngoại tệ theo quy định.
6. Chủ dự án thực hiện đánh giá lại tỷ giá đối với các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ của hoạt động dự án vào cuối kỳ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính và khi có yêu cầu của nhà tài trợ, các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phải đánh giá lại tỷ giá theo quy định của chế độ kế toán mà đơn vị áp dụng.
1. Các khoản chi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi được xác nhận kiểm soát chi và giải ngân trước ngày 31 tháng 01 năm sau; trong vòng 05 ngày làm việc thực hiện hạch toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
2. Kho bạc Nhà nước hoàn thành hạch toán các khoản chi nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi trong niên độ thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày 31 tháng 01.
3. Trình tự, thủ tục quản lý hạch toán ngân sách nhà nước vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo các quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
1. Cơ quan chủ quản đăng tải thông tin về Đề xuất chương trình, dự án, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Văn kiện dự án, Báo cáo nghiên cứu khả thi được cấp thẩm quyền phê duyệt trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, Trang thông tin của Bộ Tài chính. Thời hạn báo cáo trong vòng 10 ngày kể từ ngày có văn bản quyết định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
2. Chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án gửi báo cáo trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, Trang thông tin của Bộ Tài chính các thông tin về Kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án, dự kiến nhu cầu giải ngân hằng năm, kế hoạch vốn được giao hàng năm và kế hoạch bổ sung, điều chỉnh (nếu có), tình hình giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
a) Đối với kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án và kế hoạch bổ sung, điều chỉnh kế hoạch tổng thể (nếu có), chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án thực hiện báo cáo trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản do cơ quan chủ quản phê duyệt;
b) Đối với dự kiến nhu cầu giải ngân hằng năm, kế hoạch vốn được giao hàng năm và kế hoạch bổ sung, điều chỉnh (nếu có), chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án thực hiện báo cáo trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản do cơ quan chủ quản phê duyệt;
c) Đối với tình hình giải ngân vốn thực tế, chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án thực hiện báo cáo các thông tin về tình hình giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi trong tháng trong vòng 05 ngày kể từ ngày kết thúc tháng trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, Trang thông tin của Bộ Tài chính.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu biểu báo cáo thông tin quy định tại Điều này.
1. Trong vòng 15 ngày kể từ khi kết thúc quý, chủ dự án thực hiện kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước lập báo cáo gửi cơ quan chủ quản, đồng gửi cơ quan tài chính đồng cấp về tình hình giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi trong quý kèm các Phiếu hạch toán ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước được Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch xác nhận.
Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập nhận vay lại thực hiện quy định về chế độ báo cáo giải ngân theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại.
2. Trong vòng 30 ngày kể từ khi kết thúc giải ngân khoản vay ODA, vay ưu đãi, chủ dự án gửi Báo cáo kết thúc rút vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi cho Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản để làm cơ sở quyết toán dự án.
3. Chủ dự án lập và gửi các báo cáo tài chính cho nhà tài trợ nước ngoài theo quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết, báo cáo nghiên cứu khả thi, văn kiện dự án (nếu có) đồng gửi cho cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính đồng cấp để theo dõi và chỉ đạo kịp thời công tác quản lý tài chính đối với dự án.
4. Hằng năm, trong vòng 60 ngày kể từ khi kết thúc kỳ báo cáo, để phục vụ đối chiếu số liệu hạch toán và thực tế giải ngân, cơ quan chủ quản có trách nhiệm lập, tổng hợp và cung cấp cho Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước báo cáo tình hình giải ngân và hạch toán, ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
5. Bộ Tài chính hướng dẫn các mẫu biểu báo cáo giải ngân.
Chế độ kế toán, kiểm toán, quyết toán chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, phù hợp với các nội dung đặc thù đối với nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
Việc quản lý tài sản công hình thành từ nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
1. Mức vốn tạm ứng hợp đồng, việc thu hồi tạm ứng, tỷ lệ giữ lại chờ bảo hành thực hiện theo quy định tại hợp đồng giữa chủ dự án và nhà thầu phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng (chủ dự án được quyền thỏa thuận với nhà thầu bảo lãnh tạm ứng đối với hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng không quá 01 tỷ đồng). Chủ dự án có trách nhiệm quản lý và thu hồi vốn đã tạm ứng cho nhà thầu. Trường hợp không thu hồi được, chủ dự án có trách nhiệm tự bố trí nguồn hoàn trả nhà tài trợ.
2. Đối với mỗi lần đề nghị xác nhận và thanh toán số tiền bảo hành công trình để chuyển nhà thầu, chủ dự án lập biểu theo dõi tiến độ chuyển tiền bảo hành và lũy kế số tiền phải chuyển, gửi Kho bạc Nhà nước để đối chiếu và xác nhận số tiền bảo hành theo quy định hợp đồng để chủ dự án chuyển trả nhà thầu.
1. Chủ dự án lập kế hoạch giải ngân rút vốn trong năm kế hoạch và 02 năm tiếp theo cho từng chương trình, dự án trong đó chia ra vốn vay ODA, vay ưu đãi, vốn ODA không hoàn lại cho chi thường xuyên và vốn đối ứng gửi Bộ Tài chính.
2. Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch vốn vay ODA và vốn ODA không hoàn lại kèm khoản vay về chi thường xuyên cấp phát cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
3. Sau khi vốn chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan liên quan nhập kế hoạch vốn chi thường xuyên trên hệ thống TABMIS theo quy định hiện hành.
4. Kiểm soát chi cho dự án hoặc các hoạt động thuộc dự toán chi thường xuyên thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
5. Dự án có tính chất chi thường xuyên áp dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Dự án hỗn hợp chi đầu tư và chi thường xuyên, chủ dự án báo cáo cơ quan chủ quản quyết định áp dụng chế độ kế toán phù hợp.
6. Trong vòng 06 tháng kể từ ngày kết thúc giải ngân, đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được bố trí vốn chi thường xuyên, Ban quản lý dự án lập báo cáo quyết toán kết thúc dự án, chi tiết theo từng nguồn vốn (vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng) trên cơ sở tổng hợp toàn bộ kết quả số liệu quyết toán các năm trong thời gian thực hiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo xét duyệt quyết toán gửi cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản tổng hợp gửi Bộ Tài chính.
7. Chủ dự án (đơn vị sử dụng ngân sách) lập và gửi báo cáo quyết toán năm, báo cáo tài chính năm cho cơ quan chủ quản (đơn vị kế toán cấp trên trực tiếp), hoặc gửi cơ quan tài chính (trường hợp không có đơn vị kế toán cấp trên) theo pháp luật về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Việc xét duyệt, thẩm định, thông báo quyết toán năm thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm.
1. Vốn ODA không hoàn lại do phía Việt Nam thực hiện được dự toán, kiểm soát chi, hạch toán, ghi thu ghi chi, quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quản lý tài chính quy định tại Nghị định này. Trường hợp phát sinh mới chưa tổng hợp trong dự toán được cấp có thẩm quyền phân bổ và giao kế hoạch, chủ dự án lập dự toán bổ sung theo quy định pháp luật về quản lý nhà nước và pháp luật có liên quan.
2. Đối với khoản ODA không hoàn lại do nhà tài trợ trực tiếp quản lý, thực hiện: Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản lý theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về vốn ODA không hoàn lại đã ký kết, Văn kiện chương trình, dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án; thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; tuân thủ pháp luật hiện hành về tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại. Trường hợp nhà tài trợ bàn giao quyền sở hữu đối với các tài sản, trang thiết bị của chương trình, dự án cho chủ dự án, chủ dự án thực hiện việc xác lập sở hữu tài sản theo quy định hiện hành.
3. Đối với các khoản vốn ODA không hoàn lại theo cơ chế hoà trộn: Thực hiện theo quy định về quản lý tài chính vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi tại Chương VII của Nghị định này.
4. Đối với các khoản ODA không hoàn lại nhằm mục đích viện trợ khẩn cấp:
a) Đối với các khoản viện trợ không hoàn lại khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai: Thực hiện theo quy định của Chính phủ về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai;
b) Đối với các khoản viện trợ khẩn cấp khác thực hiện theo quy định của Nghị định này.
5. Trường hợp quy định về quản lý tài chính tại Chương này có sự khác biệt với điều ước quốc tế về vốn ODA không hoàn lại đã ký, áp dụng theo các quy định của điều ước quốc tế.
1. Tài khoản vốn đối ứng: Chủ dự án mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện việc kiểm soát, thanh toán đối với nguồn vốn đối ứng của dự án.
2. Tài khoản vốn ODA không hoàn lại: Chủ dự án mở tài khoản tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại tại hệ thống Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc ngân hàng thương mại. Trình tự, thủ tục mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và việc quản lý, sử dụng tài khoản thực hiện theo quy định hiện hành.
1. Căn cứ vào Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án hoặc Quyết định đầu tư chương trình, dự án; điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại (nếu có), chủ dự án lập kế hoạch thu chi vốn ODA không hoàn lại 03 năm và hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan gửi cơ quan chủ quản tổng hợp.
2. Việc lập dự toán thu chi vốn ODA không hoàn lại hằng năm được chi tiết theo từng nhà tài trợ, theo từng chương trình, dự án hoặc phi dự án, từng điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại.
3. Lập, tổng hợp, trình, phê duyệt, giao và điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn ODA không hoàn lại:
a) Vốn ODA không hoàn lại sử dụng cho chi đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công;
b) Vốn ODA không hoàn lại sử dụng cho chi thường xuyên thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
c) Đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại bằng hiện vật, việc lập kế hoạch, quyết định giao dự toán hoặc dự toán điều chỉnh bổ sung trong năm của cấp có thẩm quyền chỉ thực hiện trong trường hợp xác định được giá trị của tài sản, hàng hóa viện trợ.
4. Trên cơ sở hạn mức vốn hàng năm được cơ quan thẩm quyền giao, cơ quan chủ quản phân bổ chi tiết cho từng chương trình, dự án, phi dự án và thông báo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án phân bổ chi tiết.
5. Cơ quan chủ quản chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện dự toán và báo cáo việc thực hiện kế hoạch thu chi vốn ODA không hoàn lại theo quy định hiện hành.
1. Chủ dự án thực hiện kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước theo quy định về quản lý ngân sách nhà nước. Trình tự, thủ tục kiểm soát chi, hạch toán, ghi thu ghi chi thực hiện theo quy định pháp luật về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
2. Hồ sơ kiểm soát chi gửi đến Kho bạc Nhà nước lần đầu gồm:
a) Quyết định giao dự toán hoặc bổ sung giao dự toán của cấp có thẩm quyền;
b) Bản sao y bản chính Quyết định phê duyệt Văn kiện chương trình, dự án hoặc Quyết định đầu tư chương trình, dự án và Văn kiện chương trình, dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt;
c) Bản sao y bản chính Điều ước quốc tế cụ thể, Thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại, văn bản trao đổi về dự án ODA không hoàn lại;
d) Hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ liên quan (nếu có). Trường hợp ký bằng tiếng nước ngoài thì gửi kèm bản dịch sang tiếng Việt có chữ ký và đóng dấu của chủ dự án. Chủ dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, chính xác về nội dung bản dịch tiếng Việt;
đ) Giấy đề nghị xác nhận chi phí hợp lệ vốn sự nghiệp hoặc giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư của Chủ dự án theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
3. Hồ sơ từng lần thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước thực hiện theo quy định khoản chi nguồn vốn ngân sách nhà nước.
4. Giải ngân vốn ODA không hoàn lại bằng tiền cho chương trình, dự án: Căn cứ kết quả kiểm soát chi, trên cơ sở yêu cầu của chủ dự án, Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản dự án thực hiện giải ngân cho dự án theo quy định; hằng tháng, thông báo số giải ngân vốn ODA không hoàn lại của từng chủ tài khoản theo từng chương trình, dự án cho Bộ Tài chính.
5. Hạch toán ghi thu ghi chi cho dự án:
a) Hàng tháng hoặc theo từng lần phát sinh, trên cơ sở kết quả kiểm soát chi và giấy đề nghị ghi thu ghi chi vốn ODA không hoàn lại do chủ dự án gửi, Kho bạc Nhà nước đồng thời thực hiện ghi thu ghi chi theo quy định. Trường hợp chủ dự án mở tài khoản nguồn vốn ODA tại ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản dự án, ngoài hồ sơ nêu trên, chủ dự án gửi kèm theo bản sao kê chứng từ thanh toán từ tài khoản nguồn vốn ODA tại ngân hàng phục vụ;
b) Kho bạc Nhà nước hạch toán vào ngân sách nhà nước theo nội dung chi viện trợ tại mục lục ngân sách nhà nước theo quy định. Các khoản tạm ứng theo chế độ thực hiện hạch toán ghi chi tạm ứng. Các khoản thu hồi tạm ứng thực hiện hạch toán giảm ghi chi tạm ứng. Các khoản thanh toán khối lượng hoàn thành hạch toán ghi thu ghi chi thực chi và thực hiện quyết toán ngân sách hàng năm;
c) Thời gian hạch toán theo quy định hiện hành đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước.
6. Việc thanh toán tạm ứng, kiểm soát chi từ nguồn vốn ODA không hoàn lại bằng tiền thực hiện theo các quy định hiện hành đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước.
7. Lãi tiền gửi vốn ODA không hoàn lại phát sinh trên tài khoản tiền gửi phải được hạch toán theo dõi riêng và được sử dụng để thanh toán phí dịch vụ ngân hàng theo quy định. Phí dịch vụ ngân hàng là khoản chi thuộc dự án.
8. Khi kết thúc hoạt động chi tiêu trên tài khoản vốn ODA không hoàn lại tại ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản dự án, trường hợp không có cam kết tại điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại về sử dụng lãi tiền gửi viện trợ, chủ dự án nộp toàn bộ số dư tài phát sinh trên tài khoản tiền gửi vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành. Việc sử dụng số dư tài phát sinh thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước.
1. Việc tiếp nhận hàng viện trợ nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện theo Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Quản lý thuế. Ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hồ sơ gửi đến cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan hàng viện trợ nhập khẩu gồm:
a) Điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại, văn bản trao đổi về việc cam kết và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của đơn vị nhập khẩu;
b) Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án hoặc Quyết định đầu tư chương trình và Văn kiện dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan.
2. Hồ sơ hoàn thuế hoặc miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại gửi đến cơ quan thuế gồm:
a) Điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại, văn bản trao đổi về việc cam kết và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại: 01 bản chụp;
b) Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án hoặc Quyết định đầu tư chương trình và Văn kiện dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt: 01 bản chụp;
c) Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật liên quan tới hoàn thuế hoặc miễn thuế;
d) Giấy đề nghị xác nhận chi phí hợp lệ vốn sự nghiệp và giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư của chủ dự án theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (đối với vốn ODA không hoàn lại do bên Việt Nam trực tiếp quản lý, thực hiện).
3. Sau khi giao nhận hàng hóa, chủ dự án, phi dự án lập hồ sơ gửi Kho bạc Nhà nước để ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước theo quy định. Hồ sơ ghi thu ghi chi gồm có:
a) Điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại, văn bản trao đổi về việc cam kết và tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;
b) Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án hoặc Quyết định đầu tư chương trình và Văn kiện dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;
c) Giấy đề nghị ghi thu, ghi chi theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;
d) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu: Hợp đồng, vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương, hóa đơn thương mại hoặc tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với trường hợp không có hóa đơn thương mại: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan. Trường hợp hàng hóa mua trong nước: Hợp đồng mua bán, hóa đơn thuế giá trị gia tăng, biên bản bàn giao hàng hóa: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;
đ) Quyết định giao dự toán vốn ODA không hoàn lại hoặc dự toán điều chỉnh bổ sung trong năm của cấp có thẩm quyền trong trường hợp xác định được giá trị của hàng hóa, hiện vật.
4. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán ghi thu ghi chi giá hàng hóa nhập khẩu là giá không bao gồm các khoản thuế, phí và lệ phí theo quy định.
1. Chủ trì soạn thảo chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ nước ngoài; định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
2. Chủ trì soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo thẩm quyền.
3. Chủ trì xác định nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ các Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế khung, điều ước quốc tế cụ thể, thoả thuận khung về vốn ODA không hoàn lại quy định tại khoản 4 Điều 29 của Nghị định này; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận khung và thoả thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại quy định tại khoản 3 Điều 32 của Nghị định này.
6. Tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án nhóm A; gửi văn bản thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về Đề xuất chương trình, dự án được phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án và đề nghị xem xét tài trợ.
7. Tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; gửi văn bản thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về dự án, phi dự án đã được phê duyệt và đề nghị xem xét tài trợ sau khi chủ trương thực hiện, Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.
8. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng điều ước quốc tế khung và điều ước quốc tế cụ thể, thoả thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
9. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng điều ước quốc tế về vốn ODA không hoàn lại không gắn với khoản vay với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.
10. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình, dự án theo quy định của pháp luật.
11. Thực hiện giám sát, đánh giá, kiểm tra và thanh tra chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật về giám sát và đánh giá đầu tư công và quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
12. Làm đầu mối giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình, dự án, những vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành để đảm bảo tiến độ thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp xử lý các vấn đề về vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trong trường hợp cần thiết, chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với cơ quan chủ quản, chủ dự án, Ban quản lý dự án và nhà tài trợ nước ngoài để xem xét, đánh giá và giải quyết kịp thời những vướng mắc theo thẩm quyền.
13. Trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp theo định kỳ 6 tháng, một năm và đột xuất về tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.
1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ nước ngoài.
2. Chủ trì chuẩn bị nội dung liên quan đến điều kiện sử dụng vốn, cơ chế tài chính trong nước, quản lý tài chính của chương trình, dự án; công tác thẩm định tài chính các dự án vay lại.
3. Chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay ODA và vay ưu đãi đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế khung và cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn ODA không hoàn lại tài trợ cho chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 29 của Nghị định này; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận khung và thoả thuận cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn ODA không hoàn lại tài trợ cho chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 32 của Nghị định này.
5. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
6. Đại diện chính thức cho “bên vay” đối với các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ với nhà tài trợ nước ngoài.
7. Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc huỷ vốn dư; gửi văn bản thông báo chính thức cho nhà tài trợ về việc huỷ vốn dư quy định tại khoản 5 Điều 47 của Nghị định này.
8. Quản lý tài chính đối với chương trình, dự án:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn về quản lý tài chính đối với chương trình, dự án;
b) Hướng dẫn về biểu mẫu, báo cáo về quản lý tài chính của chương trình, dự án trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký với nhà tài trợ nước ngoài;
c) Bố trí vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để trả nợ các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi khi đến hạn;
d) Theo dõi, giám sát công tác quản lý tài chính vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tổ chức hạch toán ngân sách nhà nước đối với các nguồn vốn này;
đ) Thực hiện chế độ báo cáo về giải ngân, rút vốn và trả nợ đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quản lý nợ công và các quy định hiện hành;
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng nguồn hành chính sự nghiệp để chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách trung ương trong kế hoạch vốn hàng năm;
g) Tổ chức cho vay lại và thu hồi phần vốn cho vay lại của chương trình, dự án áp dụng cơ chế ngân sách nhà nước cho vay lại.
1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ nước ngoài, định hướng, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.
2. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng và khả năng cân đối các nguồn vốn này (đối với nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và ngân hàng quốc tế khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện).
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình cấp có thẩm quyền về việc ký kết điều ước quốc tế về vốn ODA không hoàn lại không gắn với khoản vay với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Nghị định này.
4. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc trình cấp có thẩm quyền về việc ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận khung và thoả thuận cụ thể về vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đối với các tổ chức tài chính tiền tệ và ngân hàng quốc tế mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện.
5. Cho ý kiến về ngân hàng đủ điều kiện làm ngân hàng phục vụ cho chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
1. Thẩm định dự thảo điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.
2. Tham gia đàm phán, góp ý xây dựng nội dung dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
3. Tham gia ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án hợp tác với nhà tài trợ nước ngoài về pháp luật.
4. Thẩm định Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án hợp tác với nhà tài trợ nước ngoài về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật; cho ý kiến đối với chương trình, dự án, phi dự án hợp tác pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản.
1. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, trên cơ sở chính sách đối ngoại chung, xây dựng và thực hiện chủ trương, phương hướng vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi, chính sách đối tác; tham gia vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
2. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan và chỉ đạo cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài hoặc tại tổ chức quốc tế tiến hành vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi, phù hợp với chủ trương, phương hướng vận động, định hướng, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong từng thời kỳ.
3. Tham gia đàm phán, góp ý kiến đối với dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; tham gia ý kiến đề xuất ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
4. Thực hiện các thủ tục đối ngoại về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; tổ chức lưu trữ, sao lục, công bố điều ước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của Luật Điều ước quốc tế.
5. Cấp ủy quyền ký thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
6. Tham gia đánh giá chương trình, dự án theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
7. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.
1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc lĩnh vực phụ trách.
2. Xây dựng Đề xuất chương trình, dự án, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Văn kiện dự án, phi dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo thẩm quyền.
3. Phối hợp với cơ quan đề xuất ký kết trong việc trình cấp có thẩm quyền về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án do mình làm chủ quản theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 29, khoản 2, 3 Điều 32 của Nghị định này và thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận đó theo quy định của pháp luật.
4. Đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA không hoàn lại theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định này và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế đó theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại quy định tại khoản 1 Điều 32 của Nghị định này và tổ chức thực hiện thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật.
6. Bảo đảm công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện, giải ngân chương trình, dự án, hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của chương trình, dự án do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.
1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xây dựng chiến lược, định hướng, kế hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh, thành phố.
2. Xây dựng Đề xuất chương trình, dự án, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Văn kiện dự án, phi dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo thẩm quyền.
3. Phối hợp với cơ quan đề xuất ký kết trong việc trình cấp có thẩm quyền về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án do mình làm chủ quản quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 29 và khoản 2, 3 Điều 32 của Nghị định này và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.
4. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA không hoàn lại quy định tại khoản 4 Điều 29 của Nghị định này và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế đó theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại quy định tại khoản 3 Điều 32 của Nghị định này và tổ chức thực hiện thỏa thuận đó theo quy định của pháp luật.
5. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
6. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
7. Bảo đảm công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện, giải ngân chương trình, dự án, hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của chương trình, dự án do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.
8. Bố trí vốn trả nợ ngân sách trung ương đầy đủ, đúng hạn để trả nợ nước ngoài đối với chương trình, dự án áp dụng cơ chế ngân sách trung ương cho ngân sách cấp tỉnh vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
1. Chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục, trong quá trình thực hiện cần sửa đổi, điều chỉnh thì thực hiện theo quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư của Nghị định này.
2. Chương trình, dự án đã được phê duyệt Đề xuất; chủ trương đầu tư chương trình, dự án trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo theo quy định của Nghị định này.
3. Chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư và dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại độc lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Văn kiện chương trình, dự án trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo theo quy định của Nghị định này.
4. Dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại đã được phê duyệt chủ trương thực hiện và phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án trước ngày Nghị định này có hiệu lực, trong quá trình thực hiện có điều chỉnh mà nội dung điều chỉnh không dẫn tới thay đổi thành các dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này, cơ quan chủ quản thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh Văn kiện dự án, phi dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Nghị định này. Trường hợp nội dung điều chỉnh dẫn tới thay đổi thành dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này, cơ quan chủ quản thực hiện trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh theo quy định tại Điều 25, 26, 27 của Nghị định này.
5. Đối với Điều ước quốc tế cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký, được tiếp tục thực hiện theo Điều ước quốc tế cụ thể đó. Trường hợp điều chỉnh, bổ sung thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
6. Đối với dự án ô đang triển khai: Cơ quan chủ quản dự án ô không có chức năng phân bổ, giao kế hoạch vốn cho các dự án thành phần.
7. Về điều chỉnh chủ trương đầu tư:
a) Đối với chương trình, dự án ô đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục tài trợ hoặc chủ trương đầu tư, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định của Nghị định này. Cơ quan chủ quản dự án thành phần thuộc chương trình, dự án ô gửi văn bản kèm báo cáo giải trình, hồ sơ và tài liệu có liên quan để cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô tổng hợp chung và tiến hành các trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định;
b) Đối với dự án cho doanh nghiệp nhà nước vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục tài trợ hoặc chủ trương đầu tư dự án trước khi Nghị định này có hiệu lực: Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, sử dụng vốn dư để nâng cao hiệu quả của dự án được thực hiện theo quy định tại Chương II của Nghị định này trên nguyên tắc cơ quan chủ quản trước đây là cơ quan đề xuất điều chỉnh; cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư trước đây là cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư. Trường hợp sử dụng vốn dư cho dự án mới, thực hiện theo quy định tại Chương VI của Nghị định này.
8. Đối với chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại được phê duyệt trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực, chế độ quản lý tài chính được thực hiện theo quy định pháp luật đang áp dụng về quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phú, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
1. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu trong Nghị định này được thay thế, sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản đã thay thế, sửa đổi, bổ sung đó.
2. Doanh nghiệp nhà nước vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thực hiện quy định tại Chương VI của Nghị định này.
3. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành và thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
PHƯƠNG PHÁP TÍNH THÀNH TỐ ƯU ĐÃI CỦA KHOẢN VAY
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
1. Thành tố ưu đãi được xác định trên cơ sở các yếu tố về đồng tiền vay, thời gian vay, thời gian ân hạn, lãi suất vay, phí, chi phí vay khác, khoản viện trợ kết cấu để tăng tính ưu đãi khoản vay (nếu có) và tỉ lệ chiết khấu tại thời điểm tính toán. Các khoản viện trợ để hỗ trợ kỹ thuật, thuê chuyên gia tư vấn thiết kế, xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi... sẽ không được tính.
2. Thành tố ưu đãi của khoản vay được tính theo công thức sau:
Trong đó:
GE: Thành tố ưu đãi của khoản vay (%)
G: Thời gian ân hạn (năm)
M: Thời hạn cho vay (năm).
r: Lãi suất vay (%) là lãi suất tính gộp của lãi suất danh nghĩa và toàn bộ các phí vay, chi phí vay khác theo thỏa thuận vay nước ngoài, bao gồm khoản ODA không hoàn lại kết cấu để tăng tính ưu đãi khoản vay (nếu có), được tính căn cứ theo phương pháp tỷ lệ hoàn vốn nội bộ của các dòng tiền giải ngân và dòng tiền trả nợ theo từng năm trong suốt thời gian vay của dự án.
a: Số lần trả nợ trong năm (theo điều kiện của nhà tài trợ)
d: Tỷ lệ chiết khấu của mỗi kỳ: d = [(1 + d’)(1/a)] - 1(%)
d’: Tỷ lệ chiết khấu (%) tương ứng lãi suất vay của Chính phủ Việt Nam trên thị trường tại thời điểm tính toán
3. Tỷ lệ chiết khấu tính tương ứng lãi suất vay của Chính phủ Việt Nam trên thị trường tại thời điểm tính toán (d’) nêu tại khoản 2 trên được xác định cụ thể như sau:
a) Trường hợp tại thời điểm tính toán Chính phủ Việt Nam có phát hành trái phiếu quốc tế thì tỷ lệ chiết khấu là mức lãi suất thấp hơn giữa lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ và lãi suất chiết khấu quy định tại khoản b Điều này.
b) Trường hợp tại thời điểm tính toán Chính phủ Việt Nam không phát hành trái phiếu quốc tế, đối với các khoản vay nước ngoài có thời gian vay dưới 15 năm, tỷ lệ chiết khấu là lãi suất chiết khấu (DDR) do OECD công bố hằng năm tương ứng với từng đồng tiền vay chủ yếu; đối với các khoản vay có thời gian vay từ 15 năm trở lên, tỷ lệ chiết khấu được tính bằng trung bình 10 năm gần nhất lãi suất thương mại tham chiếu (CIRR) do OECD công bố tương ứng với từng đồng tiền vay chủ yếu (USD, EUR và JPY và WON) cộng mức rủi ro kỳ hạn cũng do OECD công bố. Đối với các đồng tiền khác áp dụng lãi suất chiết khấu do OECD công bố áp dụng cho đồng USD.
PHỤ LỤC II
MẪU ĐỀ XUẤT CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
I. NHỮNG THÔNG TIN CHỦ YẾU
1. Tên chương trình, dự án (tiếng Việt và tiếng Anh).
2. Cơ quan chủ quản, đơn vị đề xuất và chủ chương trình/dự án (dự kiến): Tên, địa chỉ, thông tin liên quan khác.
3. Nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài (nếu có) dự kiến hỗ trợ thực hiện chương trình/dự án.
II. CƠ SỞ ĐỀ XUẤT
- Tầm quan trọng, sự cần thiết và khả thi của chương trình, dự án về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, khoa học, công nghệ, quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
- Những nỗ lực đã/đang được thực hiện để giải quyết những vấn đề đặt ra.
- Các chương trình, dự án đang triển khai cùng lĩnh vực (nếu có).
- Nhà tài trợ nước ngoài dự kiến (nêu rõ lý do sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ này).
III. NỘI DUNG ĐỀ XUẤT
1. Mục tiêu, phạm vi của chương trình, dự án: Mô tả mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và phạm vi của chương trình, dự án.
2. Dự kiến kết quả chính của chương trình, dự án: Tóm tắt kết quả chính dự kiến.
3. Dự kiến thời gian thực hiện của chương trình, dự án (trong đó xác định thời gian xây dựng và thời gian vận hành).
4. Dự kiến tổng mức, cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án và đề xuất cơ chế tài chính:
- Tổng mức vốn đầu tư: vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, vốn đối ứng chi tiết theo loại tiền nguyên tệ và quy giá trị tương đương theo đồng Việt Nam và USD (sử dụng tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm đề xuất).
- Điều kiện và điều khoản vay: Nêu rõ loại lãi suất dự kiến (thả nổi/cố định), mức lãi suất dự kiến và các loại phí (nếu có); đối với các chương trình dự án dự kiến sử dụng nguồn vay lãi suất thả nổi, mức lãi suất thả nổi trong nội dung đề xuất bao gồm lãi suất thả nổi cơ sở (Libor, Sibor, Eurobor...) và lãi suất biên tham chiếu trên thị trường tại thời điểm đề xuất khoản vay; dự kiến thời gian vay và thời gian ân hạn của khoản vay.
- Đề xuất cơ chế tài chính trong nước, dự kiến tiến độ giải ngân hàng năm (gắn với thời gian thực hiện chương trình, dự án).
- Phương án cân đối nguồn trả nợ.
5. Phương án sử dụng vốn vay, phương án sử dụng vốn đối ứng (bao gồm phương án bố trí vốn chủ sở hữu), phương án bảo đảm tiền vay, phương án trả nợ và đề xuất cơ quan được ủy quyền cho vay lại (chịu rủi ro tín dụng hoặc không chịu rủi ro tín dụng) trong trường hợp Đề xuất dự án là cho vay lại Doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
6. Đánh giá tác động:
- Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường (nếu có).
- Đánh giá sơ bộ tác động đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn của cơ quan đề xuất.
PHỤ LỤC IIIa
MẪU BÁO CÁO ĐỀ XUẤT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH ĐẦU TƯ CÔNG SỬ DỤNG VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
I. NHỮNG THÔNG TIN CHỦ YẾU
1. Tên chương trình (tiếng Việt và tiếng Anh).
2. Cơ quan chủ quản, đơn vị đề xuất và chủ chương trình (dự kiến): Tên, địa chỉ và các thông tin liên quan khác.
3. Nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài (nếu có) dự kiến hỗ trợ thực hiện chương trình.
II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Nội dung Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư công và bổ sung thêm các nội dung liên quan đến vốn ODA, vốn vay ưu đãi như sau:
1. Khái quát các chương trình, dự án khác đã và đang thực hiện bằng những nguồn vốn khác nhau (nếu có) nhằm mục đích hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan.
2. Nhu cầu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để hỗ trợ thực hiện chương trình; sự phù hợp đối với chính sách và ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ và của nhà tài trợ nước ngoài.
3. Dự kiến vốn của nhà tài trợ nước ngoài và mức vốn cụ thể theo từng nguồn (vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam và đô la Mỹ.
4. Dự kiến vốn đối ứng, nguồn cung cấp và mức vốn cụ thể theo từng nguồn gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn tự có của chủ dự án (dự kiến), vốn vay ngân hàng, các nguồn vốn hợp pháp khác, vốn đầu tư và vốn sự nghiệp (đồng Việt Nam và quy đổi ra đô la Mỹ).
5. Điều kiện ràng buộc về sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài: Giải trình về những điều kiện ràng buộc về sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (trường hợp vốn ODA, vốn vay ưu đãi có ràng buộc).
6. Cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình (cấp phát toàn bộ, cho vay lại toàn bộ, cho vay lại một phần với tỷ lệ cho vay lại cụ thể từ ngân sách nhà nước; điều khoản và điều kiện cho vay lại; phương án trả nợ vốn vay), phương thức tài trợ dự án hay giải ngân qua ngân sách nhà nước; phương thức cho vay lại qua ngân hàng thương mại hay vay lại trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
7. Đối tượng thụ hưởng trực tiếp và gián tiếp của chương trình.
8. Đánh giá sơ bộ chương trình, dự án về: tính hiệu quả (kinh tế, xã hội, môi trường), tính khả thi và tính bền vững của chương trình, dự án.
9. Đề xuất hình thức tổ chức quản lý thực hiện chương trình.
10. Các hoạt động thực hiện trước: Trên cơ sở thống nhất với nhà tài trợ nước ngoài, đề xuất các hoạt động thực hiện trước theo quy định tại Điều 17 của Nghị định, trong đó nêu rõ kinh phí dự kiến, khung thời gian, trách nhiệm của các cơ quan Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài.
PHỤ LỤC IIIb
MẪU BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA VÀ DỰ ÁN NHÓM A SỬ DỤNG VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
I. NHỮNG THÔNG TIN CHỦ YẾU
1. Tên dự án (tiếng Việt và tiếng Anh).
2. Cơ quan chủ quản, đơn vị đề xuất và chủ dự án (dự kiến): Tên, địa chỉ và các thông tin liên quan khác.
3. Nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài (nếu có) dự kiến hỗ trợ thực hiện chương trình.
II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ ÁN
Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định tại Điều 30 Luật Đầu tư công và bổ sung thêm các nội dung liên quan đến vốn ODA, vốn vay ưu đãi như sau:
1. Khái quát các chương trình, dự án khác đã và đang thực hiện bằng những nguồn vốn khác nhau (nếu có) nhằm mục đích hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan.
2. Nhu cầu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để hỗ trợ thực hiện chương trình; sự phù hợp đối với chính sách và ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ và của nhà tài trợ nước ngoài.
3. Dự kiến vốn của nhà tài trợ nước ngoài và mức vốn cụ thể theo từng nguồn (vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam và đô la Mỹ.
4. Dự kiến vốn đối ứng, nguồn cung cấp và mức vốn cụ thể theo từng nguồn gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn tự có của chủ dự án (dự kiến), vốn vay ngân hàng, các nguồn vốn hợp pháp khác, vốn đầu tư và vốn sự nghiệp (đồng Việt Nam và quy đổi ra đô la Mỹ).
5. Điều kiện ràng buộc về sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài: Giải trình về những điều kiện ràng buộc về sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (trường hợp vốn ODA, vốn vay ưu đãi có ràng buộc).
6. Cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình (cấp phát toàn bộ, cho vay lại toàn bộ, cho vay lại một phần với tỷ lệ cho vay lại cụ thể từ ngân sách nhà nước; điều khoản và điều kiện cho vay lại; phương án trả nợ vốn vay); phương thức tài trợ dự án hay giải ngân qua ngân sách nhà nước; phương thức cho vay lại.
7. Đối tượng thụ hưởng trực tiếp và gián tiếp của chương trình.
8. Đánh giá sơ bộ chương trình, dự án về: tính hiệu quả (kinh tế, xã hội, môi trường), tính khả thi và tính bền vững của chương trình, dự án.
9. Đề xuất hình thức tổ chức quản lý thực hiện chương trình.
10. Các hoạt động thực hiện trước: Trên cơ sở thống nhất với nhà tài trợ nước ngoài, đề xuất các hoạt động thực hiện trước theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, trong đó nêu rõ kinh phí dự kiến, khung thời gian, trách nhiệm của các cơ quan Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài.
PHỤ LỤC IIIc
MẪU BÁO CÁO ĐỀ XUẤT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
I. NHỮNG THÔNG TIN CHỦ YẾU
1. Tên chương trình, dự án (tiếng Việt và tiếng Anh).
2. Cơ quan chủ quản, đơn vị đề xuất và chủ dự án (dự kiến): Tên, địa chỉ và các thông tin liên quan khác.
3. Nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài (nếu có) dự kiến hỗ trợ thực hiện chương trình.
II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
Nội dung Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư công và bổ sung thêm các nội dung liên quan đến vốn ODA, vốn vay ưu đãi như sau:
1. Khái quát các chương trình, dự án khác đã và đang thực hiện bằng những nguồn vốn khác nhau (nếu có) nhằm mục đích hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan.
2. Nhu cầu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để hỗ trợ thực hiện chương trình; sự phù hợp đối với chính sách và ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ và của nhà tài trợ nước ngoài.
3. Dự kiến vốn của nhà tài trợ nước ngoài và mức vốn cụ thể theo từng nguồn (vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam và đô la Mỹ.
4. Dự kiến vốn đối ứng, nguồn cung cấp và mức vốn cụ thể theo từng nguồn gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn tự có của chủ dự án (dự kiến), vốn vay ngân hàng, các nguồn vốn hợp pháp khác, vốn đầu tư và vốn sự nghiệp (đồng Việt Nam và quy đổi ra đô la Mỹ).
5. Điều kiện ràng buộc về sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài: Giải trình về những điều kiện ràng buộc về sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (trường hợp vốn ODA, vốn vay ưu đãi có ràng buộc).
6. Cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình (cấp phát toàn bộ, cho vay lại toàn bộ, cho vay lại một phần với tỷ lệ cho vay lại cụ thể từ ngân sách nhà nước; điều khoản và điều kiện cho vay lại; phương án trả nợ vốn vay); phương thức tài trợ dự án hay giải ngân qua ngân sách nhà nước; phương thức cho vay lại.
7. Đối tượng thụ hưởng trực tiếp và gián tiếp của chương trình.
8. Đánh giá sơ bộ chương trình, dự án về: tính hiệu quả (kinh tế, xã hội, môi trường), tính khả thi và tính bền vững của chương trình, dự án.
9. Đề xuất hình thức tổ chức quản lý thực hiện chương trình.
10. Các hoạt động thực hiện trước: Trên cơ sở thống nhất với nhà tài trợ nước ngoài, đề xuất các hoạt động thực hiện trước theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, trong đó nêu rõ kinh phí dự kiến, khung thời gian, trách nhiệm của các cơ quan Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài.
PHỤ LỤC IVa
MẪU TỜ TRÌNH QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
TÊN CƠ QUAN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ........ |
..., ngày... tháng ... năm ... |
TỜ TRÌNH
Quyết định chủ trương đầu tư chương trình/dự án ............
Kính gửi: (Cơ quan quyết định chủ trương đầu tư chương trình/dự án).
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Các căn cứ pháp lý khác (có liên quan);
(Tên cơ quan) trình (Cơ quan quyết định chủ trương đầu tư chương trình/dự án) quyết định chủ trương đầu tư chương trình/dự án (Tên chương trình/dự án) với các nội dung chính sau:
I. THÔNG TIN CHUNG CHƯƠNG TRÌNH/DỰ ÁN
1. Tên chương trình/dự án:
2. Cơ quan chủ quản:
3. Chủ chương trình, dự án (dự kiến):
4. Nhà tài trợ, đồng tài trợ (nếu có):
5. Mục tiêu:
6. Quy mô và nội dung đầu tư:
7. Dự án nhóm:
8. Thời gian thực hiện:
9. Địa điểm thực hiện chương trình, dự án:
10. Tổng vốn thực hiện chương trình, dự án (trong đó làm rõ nguồn vốn đầu tư và mức vốn cụ thể theo từng nguồn, phân kỳ đầu tư sử dụng nguồn vốn theo thời gian cụ thể, dự kiến bố trí vốn) theo tiền đồng Việt Nam và quy đổi ra nguyên tệ và đô la Mỹ, gồm:
- Nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và mức vốn cụ thể theo từng nguồn (vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) theo nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam và đô la Mỹ;
- Nguồn vốn đối ứng và mức vốn cụ thể theo từng nguồn (vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) theo tiền đồng Việt Nam và quy đổi ra đô la Mỹ.
11. Cơ chế tài chính trong nước:
12. Các thông tin khác (nếu có):
II. QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI XÂY DỰNG BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI DỰ ÁN NHÓM A, BÁO CÁO ĐỀ XUẤT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
- Nội dung Đề xuất chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Nêu đầy đủ quá trình triển khai xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án và những nội dung có thay đổi so với Đề xuất chương trình, dự án đã được phê duyệt (nếu có).
- Đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án giai đoạn trước (nếu chuyển từ giai đoạn trước sang).
- Việc thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình/dự án.
- Các nội dung khác (nếu có).
III. DANH MỤC HỒ SƠ KÈM THEO
Kèm theo đầy đủ các hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định này.
(Tên cơ quan) trình (Cơ quan quyết định chủ trương đầu tư chương trình/dự án) xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình/dự án (Tên chương trình/dự án) giai đoạn (nêu rõ giai đoạn thực hiện chương trình/dự án).
Nơi nhận: |
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN |
PHỤ LỤC IVb
MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI, BÁO CÁO ĐỀ XUẤT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
CƠ QUAN THẨM ĐỊNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ........ |
..., ngày... tháng ... năm ... |
BÁO CÁO
Kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình/dự án ...
Kính gửi: (Tên cơ quan trình thẩm định).
Cơ quan (Tên cơ quan thẩm định) nhận được Tờ trình số .... ngày ... tháng ... năm ... của cơ quan (Tên cơ quan trình) trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình/dự án (Tên đề nghị thẩm định). Sau khi xem xét, tổng hợp ý kiến và kết quả thẩm định của các cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan (Tên cơ quan thẩm định) báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình/dự án (Tên) như sau:
Phần thứ nhất
TÀI LIỆU THẨM ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH
I. HỒ SƠ TÀI LIỆU THẨM ĐỊNH
1. Tờ trình cơ quan quyết định chủ trương đầu tư chương trình/dự án.
2. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
3. Báo cáo thẩm định nội bộ.
4. Ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của cơ quan thẩm định theo quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư công.
5. Các tài liệu liên quan khác (nếu có).
II. CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ THẨM ĐỊNH
2. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công.
3. Các căn cứ pháp lý khác (nếu có).
III. TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH
1. Đơn vị chủ trì thẩm định:
2. Đơn vị phối hợp thẩm định:
3. Hình thức thẩm định: Tổ chức họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản hoặc áp dụng cả hai hình thức (nếu cần thiết).
Phần thứ hai
Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH/DỰ ÁN ......
I. MÔ TẢ THÔNG TIN CHUNG VÀ ĐỀ XUẤT CỦA CƠ QUAN/HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH/DỰ ÁN .....
1. Tên chương trình/dự án:
2. Cơ quan chủ quản:
3. Chủ chương trình/dự án (dự kiến):
4. Nhà tài trợ, đồng tài trợ (nếu có):
5. Mục tiêu:
6. Quy mô và nội dung đầu tư:
7. Dự án nhóm:
8. Thời gian thực hiện (tiến độ và phân kỳ đầu tư):
9. Địa điểm thực hiện chương trình/dự án:
10. Tổng vốn thực hiện chương trình/dự án (trong đó làm rõ nguồn vốn đầu tư và mức vốn cụ thể theo từng nguồn, phân kỳ đầu tư sử dụng nguồn vốn theo thời gian cụ thể, dự kiến bố trí vốn) theo tiền đồng Việt Nam và quy đổi ra nguyên tệ và đô la Mỹ, gồm:
- Nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và mức vốn cụ thể theo từng nguồn (vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) theo nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam và đô la Mỹ;
- Nguồn vốn đối ứng và mức vốn cụ thể theo từng nguồn (vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) theo tiền đồng Việt Nam và quy đổi ra đô la Mỹ.
11. Cơ chế tài chính trong nước:
12. Nguồn vốn đề nghị thẩm định:
13. Các thông tin khác (nếu có):
II. TỔNG HỢP Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA CÁC ĐƠN VỊ PHỐI HỢP
Tổng hợp ý kiến của các đơn vị phối hợp thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định của Chính phủ.
III. Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA CƠ QUAN THẨM ĐỊNH
Việc thẩm định chủ trương đầu tư dự án phải phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định của Chính phủ.
Các ý kiến thẩm định tập trung vào các nội dung quy định tại Điều 15 của Nghị định này.
Các ý kiến khác (nếu có).
....................................................................................................................................
(Trong từng trường hợp cụ thể cơ quan/Hội đồng thẩm định có thể bổ sung hoặc điều chỉnh các nội dung thẩm định bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
IV. KẾT LUẬN
Chương trình/Dự án (Tên) đủ điều kiện (chưa đủ điều kiện) để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo.
Trên đây là ý kiến thẩm định của (Cơ quan thẩm định/Hội đồng thẩm định) về chủ trương đầu tư chương trình/dự án, đề nghị cơ quan (Tên cơ quan trình) xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh (nếu yêu cầu điều chỉnh) hoặc quyết định chủ trương đầu tư chương trình/dự án (nếu chấp thuận đề xuất của cơ quan trình).
Nơi nhận: |
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN THẨM ĐỊNH |
PHỤ LỤC IVc
MẪU NGHỊ QUYẾT (QUYẾT ĐỊNH) VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
CƠ QUAN RA NGHỊ QUYẾT (QUYẾT ĐỊNH) CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH/DỰ ÁN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ........ |
..., ngày... tháng ... năm ... |
NGHỊ QUYẾT (QUYẾT ĐỊNH)
Về chủ trương đầu tư chương trình/dự án ...........
THẨM QUYỀN BAN HÀNH
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công;
Căn cứ các văn bản liên quan khác (nếu có);
Theo đề nghị của cơ quan chủ quản (Tên)/Hội đồng thẩm định chương trình/dự án.
QUYẾT NGHỊ (QUYẾT ĐỊNH):
Điều 1. Phê duyệt (Quyết định) chủ trương đầu tư chương trình/dự án (Tên):
1. Cơ quan chủ quản:
2. Nhà tài trợ, đồng tài trợ (nếu có):
3. Mục tiêu, quy mô.
4. Địa điểm, thời gian.
5. Tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn (theo tiền đồng Việt Nam và quy đổi ra nguyên tệ và đô la Mỹ) gồm:
a) Vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi (theo nguyên tệ và quy đổi ra tiền đồng Việt Nam và đô la Mỹ);
b) Vốn đối ứng (theo tiền đồng Việt Nam và quy đổi ra đô la Mỹ).
6. Cơ chế tài chính trong nước và phương thức cho vay lại.
7. Các nội dung khác (nếu có).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Cơ quan chủ quản (Tên) chịu trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi của chương trình/dự án (Tên) trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan.
b) Các nội dung khác (nếu có).
2. Nhiệm vụ của các cơ quan khác (nếu có)
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Cơ quan chủ quản (Tên) và các cơ quan liên quan khác chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết/Quyết định này.
2. Cơ quan (Tên cơ quan được phân công kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết/Quyết định này) chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết/Quyết định này báo cáo cơ quan (Tên cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án) theo quy định của pháp luật.
Nơi nhận: |
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN |
PHỤ LỤC V
MẪU VĂN KIỆN DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT SỬ DỤNG VỐN ODA KHÔNG HOÀN LẠI
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DỰ ÁN
1. Tên dự án (tiếng Việt và tiếng Anh).
2. Cơ quan chủ quản, đơn vị đề xuất và chủ dự án (dự kiến): Tên, địa chỉ và các thông tin liên quan khác.
3. Nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài (nếu có) dự kiến hỗ trợ thực hiện chương trình.
4. Thời gian dự kiến thực hiện dự án.
5. Địa điểm thực hiện dự án.
II. BỐI CẢNH VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA DỰ ÁN
1. Sự phù hợp và các đóng góp của dự án vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
2. Mối quan hệ với các chương trình, dự án khác nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan của chương trình, dự án.
3. Sự cần thiết của dự án (nêu rõ những vấn đề cần giải quyết trong khuôn khổ dự án).
4. Nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật bằng vốn ODA không hoàn lại.
III. CƠ SỞ ĐỀ XUẤT NHÀ TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI
Nêu rõ tính phù hợp của dự án với định hướng hợp tác và lĩnh vực ưu tiên của nhà tài trợ nước ngoài; điều kiện cung cấp vốn ODA không hoàn lại của nhà tài trợ nước ngoài và khả năng đáp ứng của phía Việt Nam.
IV. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN
Nêu rõ các mục tiêu tổng quát và cụ thể của dự án.
V. MÔ TẢ DỰ ÁN
Các hợp phần, hoạt động và kết quả chủ yếu của hỗ trợ kỹ thuật; đánh giá khả năng vận dụng hỗ trợ kỹ thuật vào thực tế.
VI. ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG
Nêu rõ đối tượng thụ hưởng trực tiếp và gián tiếp của dự án.
VII. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN
1. Kế hoạch triển khai các hành động thực hiện trước (nếu có).
2. Kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết thực hiện dự án cho năm đầu tiên.
3. Kế hoạch giám sát và đánh giá dự án.
VIII. TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN
Nêu rõ hình thức tổ chức quản lý thực hiện; cơ chế phối hợp giữa các bên tham gia chuẩn bị thực hiện, thực hiện và quản lý dự án; năng lực tổ chức, quản lý thực hiện dự án của chủ dự án.
IX. TỔNG VỐN DỰ ÁN
Nêu chi tiết theo từng cấu phần, hạng mục và dòng ngân sách đầu tư phát triển, hành chính sự nghiệp, bao gồm:
1. Vốn ODA không hoàn lại (nguyên tệ và quy đổi ra đô la Mỹ).
2. Vốn đối ứng (đồng Việt Nam và quy đổi ra đô la Mỹ). Nêu rõ nguồn vốn đối ứng (ngân sách trung ương, địa phương), giá trị đóng góp bằng hiện vật. Trách nhiệm bố trí vốn đối ứng của các cấp ngân sách và các đối tượng tham gia thực hiện, đối tượng thụ hưởng dự án (nếu có).
3. Cơ chế tài chính.
X. ĐIỀU KIỆN RÀNG BUỘC VỀ SỬ DỤNG VỐN ODA KHÔNG HOÀN LẠI CỦA NHÀ TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI (NẾU CÓ)
Giải trình về những điều kiện ràng buộc về sử dụng vốn ODA không hoàn lại của nhà tài trợ nước ngoài (nếu có).
PHỤ LỤC VI
MẪU VĂN KIỆN PHI DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN ODA KHÔNG HOÀN LẠI
Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DỰ ÁN
1. Tên dự án (tiếng Việt và tiếng Anh).
2. Cơ quan chủ quản, đơn vị đề xuất và chủ dự án (dự kiến): Tên, địa chỉ và các thông tin liên quan khác.
3. Nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài (nếu có) dự kiến hỗ trợ thực hiện chương trình.
4. Thời gian dự kiến.
5. Địa điểm thực hiện.
II. NHU CẦU VỀ KHOẢN PHI DỰ ÁN
1. Nêu sự cần thiết và nhu cầu tài trợ đối với phi dự án.
2. Cơ sở đề xuất nhà tài trợ nước ngoài.
III. MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG CỦA PHI DỰ ÁN
Nêu rõ mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và nội dung của phi dự án.
IV. TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỰC HIỆN PHI DỰ ÁN
Nêu rõ cơ chế phối hợp giữa các bên tham gia chuẩn bị thực hiện, thực hiện và quản lý phi dự án; năng lực tổ chức, quản lý thực hiện khoản phi dự án của chủ dự án.
V. TỔNG VỐN CỦA PHI DỰ ÁN
1. Vốn ODA, vốn vay ưu đãi (nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam và đô la Mỹ).
2. Nguồn và vốn đối ứng (đồng Việt Nam và quy đổi ra đô la Mỹ).
3. Cơ chế tài chính.
VI. ĐIỀU KIỆN RÀNG BUỘC VỀ SỬ DỤNG VỐN ODA KHÔNG HOÀN LẠI CỦA NHÀ TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI
Giải trình về những điều kiện ràng buộc về sử dụng vốn ODA không hoàn lại của nhà tài trợ nước ngoài (nếu có).
PHỤ LỤC VII
MẪU QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
CƠ QUAN CHỦ QUẢN (HOẶC CHỦ DỰ ÁN) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ....../QĐ- |
..., ngày... tháng ... năm ... |
QUYẾT ĐỊNH
Thành lập Ban Quản lý dự án (Tên chương trình, dự án)
(TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN HOẶC CHỦ DỰ ÁN)
Căn cứ Nghị định số .../2021/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
Căn cứ (tên văn bản) số ... ngày ... tháng ... năm ... quyết định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của (Cơ quan chủ quản);
Căn cứ Quyết định số... ngày ... tháng ... năm ... của (Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt văn kiện chương trình, dự án) hoặc Quyết định số ngày ... tháng ... năm ... của (Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án) (trong trường hợp thực hiện hoạt động trước về việc thành lập trước Ban Quản lý dự án) (Tên Chương trình, dự án);
Căn cứ Quyết định số ... ngày ... tháng ... năm ... của (Cơ quan có thẩm quyền) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của (Chủ dự án);
Theo đề nghị của (Thủ trưởng cơ quan đơn vị được giao thực hiện chương trình, dự án với vai trò Ban Quản lý dự án) về việc thành lập Ban Quản lý dự án (Ban QLDA).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Ban QLDA (Tên chương trình, dự án và viện trợ phi dự án bằng tiếng Việt và tiếng Anh) do (tên nhà tài trợ) tài trợ. Chương trình, dự án và viện trợ phi dự án có tổng vốn (vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng), thực hiện trong thời gian từ ngày ... tháng ... năm ... đến ngày ... tháng ... năm ...
Điều 2. Ban QLDA có nhiệm vụ quản lý thực hiện chương trình, dự án và viện trợ theo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng và nguồn lực nêu trong văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và Điều ước quốc tế/thỏa thuận quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án, viện trợ phi dự án.
Điều 3. Ban QLDA được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại, được phép sử dụng con dấu riêng (hoặc sử dụng con dấu của cơ quan chủ quản hoặc Chủ dự án) để phục vụ cho việc chuẩn bị, chuẩn bị thực hiện án (trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện trước) và thực hiện chương trình, dự án.
Điều 4. Bổ nhiệm Ông/Bà ……… là Giám đốc Ban QLDA.
Điều 5. Bổ nhiệm Ông/Bà ……… là Phó Giám đốc Ban QLDA (nếu có).
Điều 6. Bổ nhiệm Ông/Bà ……….là Kế toán trưởng hoặc Cán bộ phụ trách kế toán của chương trình, dự án.
Điều 7. Giám đốc Ban QLDA có trách nhiệm xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban QLDA (Tên chương trình, dự án) trình (Cơ quan chủ quản hoặc Chủ dự án) phê duyệt trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi Quyết định này có hiệu lực.
Điều 8. Thời hạn hoạt động của Ban QLDA
Ban QLDA giải thể theo Quyết định của (Cơ quan chủ quản hoặc Chủ dự án) kể từ ngày báo cáo kết thúc và báo cáo quyết toán chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và việc xử lý tài sản của Ban QLDA đã hoàn thành.
Điều 9. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành. Giám đốc Ban QLDA, Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
CƠ QUAN CHỦ DỰ ÁN |
PHỤ LỤC VIII
MẪU QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
CƠ QUAN CHỦ QUẢN (HOẶC CHỦ DỰ ÁN) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ......... |
..., ngày... tháng ... năm ... |
QUY CHẾ
Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án
(Tên chương trình, dự án, phi dự án)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Cơ sở pháp lý
Việc thành lập Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) căn cứ vào các cơ sở pháp lý sau:
1. Nghị định số .../2021/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản, chủ dự án.
3. Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền (áp dụng đối với trường hợp Ban QLDA được thành lập trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện trước).
4. Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, phi dự án của cấp có thẩm quyền.
5. Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và các khoản vay ưu đãi của chương trình, dự án, phi dự án (nếu có).
6. Quyết định thành lập Ban QLDA của cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án.
Điều 2. Thông tin chung về chương trình, dự án
1. Tên chương trình, dự án.
2. Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ.
3. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của chương trình, dự án.
4. Thời gian bắt đầu và kết thúc chương trình, dự án.
5. Tổng vốn của chương trình, dự án, phi dự án (ODA viện trợ không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng).
6. Nguồn vốn và cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án.
Điều 3. Thông tin về Ban QLDA
1. Tên giao dịch của Ban Quản lý dự án: ............
2. Địa chỉ: ............
3. Điện thoại: ............
4. E-mail: ............
5. Số tài khoản: .................. (nếu có)
Kho bạc Nhà nước: ....................
Ngân hàng thương mại: ............
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban QLDA
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
Điều 5. Lập kế hoạch thực hiện chương trình, dự án
Điều 6. Thực hiện các hoạt động đấu thầu và quản lý hợp đồng
Điều 7. Quản lý tài chính, tài sản và giải ngân
Điều 8. Công tác hành chính, điều phối và trách nhiệm giải trình
Điều 9. Công tác giám sát, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án, phi dự án
Điều 10. Công tác nghiệm thu, bàn giao, quyết toán chương trình, dự án
Điều 11. Các nhiệm vụ đặc thù
Điều 12. Một số nhiệm vụ khác do cơ quan chủ quản, chủ dự án giao
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
Điều 13. Cơ cấu tổ chức Ban QLDA
Điều 14. Giám đốc Ban QLDA
Điều 15. Nhân sự của Ban QLDA
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
2. Các nhiệm vụ quản lý và thực hiện chương trình, dự án không được quy định cho Ban QLDA trong Quy chế này sẽ do cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Giám đốc Ban QLDA, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc (Chủ dự án) có trách nhiệm thi hành Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Ban QLDA có trách nhiệm đề xuất với (Chủ dự án) xem xét, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quy chế này.
|
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CHỦ QUẢN HOẶC CHỦ DỰ ÁN |
PHỤ LỤC IX
HỒ SƠ RÚT VỐN
(Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
I. RÚT VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI NƯỚC NGOÀI GỬI MỘT LẦN CHO BỘ TÀI CHÍNH
1. Chủ dự án hoặc đơn vị được ủy quyền gửi bộ hồ sơ pháp lý gửi một lần cho Bộ Tài chính bao gồm:
a) Bản chụp điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi ký với nhà tài trợ và sổ tay quản lý dự án (nếu có);
b) Bản chính Văn kiện chương trình, dự án và Quyết định phê duyệt đầu tư hoặc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của cấp có thẩm quyền; mã dự án đầu tư, mã đơn vị quan hệ ngân sách do cơ quan thẩm quyền cấp;
c) Hợp đồng ký giữa Chủ dự án với nhà thầu (Bản chụp);
d) Các thỏa thuận, thư hoặc văn bản "ý kiến không phản đối" của nhà tài trợ; thỏa thuận với nhà thầu về thực hiện dự án (danh mục chi phí hợp lệ, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng theo quy định cụ thể của hợp đồng) (Bản chụp);
đ) Bản chụp Giấy đăng ký sử dụng tài khoản và mẫu dấu có xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc xác nhận mở tài khoản của ngân hàng phục vụ (trường hợp có mở tài khoản thanh toán);
e) Vào lần rút vốn đầu tiên của năm tài chính, Chủ dự án hoặc đơn vị được ủy quyền gửi cho Bộ Tài chính quyết định của cấp có thẩm quyền giao dự toán năm cho nguồn vốn cấp phát, vốn vay lại của Dự án (Bản chụp).
2. Chủ dự án chỉ gửi một lần bản chính hoặc bản chụp và chủ dự án chịu trách nhiệm đóng dấu giáp lai vào bản chụp. Trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài, chủ dự án gửi cho Bộ Tài chính bản dịch sang tiếng Việt có chữ ký và dấu của Chủ dự án. Chủ dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các bản chụp và bản dịch.
II. HỒ SƠ RÚT VỐN THEO HÌNH THỨC THANH TOÁN TRỰC TIẾP
1. Chủ dự án hoặc đơn vị được ủy quyền lập và gửi cho Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ rút vốn như sau:
a) Văn bản đề nghị rút vốn kèm theo Đơn rút vốn, các sao kê theo mẫu và các chứng từ cần thiết theo quy định của nhà tài trợ;
b) Hoá đơn hoặc đề nghị thanh toán của nhà thầu, nhà cung cấp (Bản sao y bản chính);
c) Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận của cơ quan kiểm soát chi (Bản chính).
2. Ngoài các tài liệu nêu trên, đối với khoản chi tạm ứng hợp đồng ký với nhà thầu, nhà cung cấp, và tư vấn, Chủ dự án gửi Bộ Tài chính bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng của ngân hàng thương mại (Bản sao y bản chính). Giá trị bảo lãnh tạm ứng tối thiểu tương đương giá trị tạm ứng, thời gian bảo lãnh tạm ứng kéo dài cho đến khi chủ dự án thu hồi hết số vốn đã tạm ứng.
III. HỒ SƠ RÚT VỐN THEO HÌNH THỨC RÚT VỐN BẰNG THƯ TÍN DỤNG (L/C)
1. Hình thức rút vốn bằng L/C có thư cam kết:
a) Thủ tục phát hành L/C, thư cam kết:
Chủ dự án gửi Bộ Tài chính các tài liệu sau:
- Văn bản đề nghị phát hành, trong đó nêu rõ số vốn dự án đã giải ngân theo năm kế hoạch, kế hoạch dự kiến phân bổ cho L/C, thư cam kết đang đề nghị phát hành;
- Bản chụp hợp đồng ký kết hoặc Phụ lục hợp đồng (nếu có) với nhà thầu phù hợp với quy định; hợp đồng cần có điều khoản quy định một trong các điều kiện hoặc chứng từ thanh toán từng lần theo L/C là phải có xác nhận của cơ quan kiểm soát chi về tính hợp lệ của mọi khoản thanh toán L/C theo hình thức kiểm soát chi trước; riêng đối với mua sắm hàng hóa thiết bị được áp dụng hình thức kiểm soát chi sau nhưng không áp dụng cho lần thanh toán cuối cùng. Mỗi lần thanh toán L/C, chủ dự án cung cấp Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận của cơ quan kiểm soát chi của lần thanh toán đợt này hoặc trước đó tùy vào hình thức kiểm soát chi trước hoặc kiểm soát chi sau;
- Thư không phản đối của nhà tài trợ;
- Bộ hồ sơ phát hành thư cam kết theo mẫu của nhà tài trợ (trường hợp nhà tài trợ yêu cầu Bộ Tài chính gửi đề nghị phát hành thư cam kết).
b) Thủ tục sửa đổi L/C:
Chủ dự án gửi Bộ Tài chính các tài liệu sau:
- Văn bản đề nghị sửa đổi L/C hoặc thư cam kết, trong đó nêu rõ số vốn dự án đã giải ngân lũy kế đến thời điểm sửa đổi, kế hoạch dự kiến phân bổ cho L/C đang đề nghị sửa đổi;
- Bản chụp Phụ lục hợp đồng liên quan đến việc sửa đổi L/C hoặc thư cam kết (nếu có);
- Thư không phản đối của nhà tài trợ (Bản chụp).
2. Thinh thức rút vốn bằng thư tín dụng (L/C) từ tài khoản tạm ứng:
Chủ dự án gửi Bộ Tài chính hồ sơ để xem xét có ý kiến về việc mở L/C từ tài khoản tạm ứng. Bộ hồ sơ gồm các tài liệu sau:
- Văn bản đề nghị thanh toán theo hình thức L/C thanh toán từ tài khoản tạm ứng trong đó báo cáo rõ số vốn dự án đã giải ngân trong năm kế hoạch, kế hoạch dự kiến phân bổ cho L/C đang đề nghị phát hành trong đó nêu rõ giá trị L/C phát hành mới hoặc sửa đổi có giá trị tối đa băng kế hoạch năm chưa giải ngân được chủ dự án phân bổ cho thư cam kết L/C đó;
- Bản chụp hợp đồng ký kết hoặc Phụ lục hợp đồng (nếu có) với nhà thầu phù hợp với quy định; hợp đồng cần có điều khoản quy định một trong các điều kiện hoặc chứng từ thanh toán từng lần theo L/C là phải có xác nhận của cơ quan kiểm soát chi về tính hợp lệ của mọi khoản thanh toán L/C theo hình thức kiểm soát chi trước; riêng đối với mua sắm hàng hóa thiết bị được áp dụng hình thức kiểm soát chi sau nhưng không áp dụng cho lần thanh toán cuối cùng. Mỗi lần thanh toán L/C, chủ dự án cung cấp Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận của cơ quan kiểm soát chi của lần thanh toán đợt này hoặc trước đó tùy vào hình thức kiểm soát chi trước hoặc kiểm soát chi sau.
IV. HỒ SƠ RÚT VỐN THEO HÌNH THỨC HOÀN VỐN
1. Chủ dự án gửi Bộ Tài chính bộ hồ sơ rút vốn gồm các tài liệu sau:
a) Văn bản đề nghị rút vốn và Đơn rút vốn và sao kê theo mẫu của nhà tài trợ. Đơn rút vốn phải ghi rõ tên và số tài khoản của từng đơn vị đã ứng vốn. Đối với các khoản do ngân sách nhà nước ứng trước (vốn chuẩn bị dự án, vốn ứng trước để thực hiện dự án), văn bản đề nghị phải nêu rõ tên và số tài khoản của cấp ngân sách nơi ứng vốn;
b) Chứng từ chuyển tiền (bản in chứng từ điện tử hoặc chứng từ giấy) chứng minh khoản kinh phí đã được chủ dự án thanh toán cho nhà thầu, người thụ hưởng hoặc Bảng đối chiếu xác nhận công nợ giữa chủ dự án với nhà thầu, người thụ hưởng;
c) Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư có xác nhận của Cơ quan kiểm soát chi (bản chính);
d) Bảng kê các khoản chi khớp với kiểm soát chi và chứng từ chuyển tiền.
2. Trường hợp cần thiết theo yêu cầu của nhà tài trợ, Bộ Tài chính yêu cầu các tài liệu bổ sung.
V. HỒ SƠ RÚT VỐN THEO HÌNH THỨC RÚT VỀ TÀI KHOẢN TẠM ỨNG (TKTƯ)
1. Rút vốn lần đầu về tài khoản tạm ứng: Việc rút vốn lần đầu về TKTƯ được thực hiện căn cứ trên hạn mức (hoặc mức tối đa) của TKTƯ quy định trong điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết. Để thực hiện rút vốn lần đầu, chủ dự án gửi Bộ Tài chính các tài liệu sau để xem xét và ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ:
a) Văn bản đề nghị rút vốn;
b) Đơn rút vốn và các sao kê theo mẫu của nhà tài trợ;
c) Kế hoạch chi tiêu chi tiết cho giai đoạn tối đa 03 tháng tới.
2. Tạm ứng về tài khoản cấp 2:
a) Việc rút vốn về tài khoản cấp 2 phải thực hiện qua TKTƯ. Đồng tiền của tài khoản cấp 2 là ngoại tệ vay nước ngoài. Việc mở tài khoản cấp 2 bằng đồng Việt Nam (VNĐ) phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính;
b) Đối với các khoản tạm ứng bằng VNĐ cho tài khoản cấp 2, chủ tài khoản cấp 2 hạch toán theo tỷ giá của ngân hàng phục vụ vào thời điểm cấp tạm ứng và thực hiện chi tiêu, hạch toán vốn các lần tạm ứng theo nguyên tắc nhập trước - xuất trước.
3. Chi từ TKTƯ do Bộ Tài chính là chủ tài khoản: Chủ dự án gửi Bộ Tài chính các tài liệu sau:
a) Văn bản đề nghị thanh toán vốn của chủ chương trình, dự án;
b) Đề nghị thanh toán của nhà thầu, nhà cung cấp, người thụ hưởng;
c) Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận của cơ quan kiểm soát chi (bản chính) đối với mỗi đợt thanh toán (hình thức kiểm soát chi trước). Trường hợp thanh toán tạm ứng cần cung cấp các chứng từ bảo lãnh tạm ứng ngân hàng đối với khoản tạm ứng theo quy định. Giá trị bảo lãnh tạm ứng tương đương giá trị tạm ứng, thời gian bảo lãnh tạm ứng kéo dài cho đến khi chủ dự án thu hồi hết số vốn đã tạm ứng.
4. Chi từ TKTƯ do Chủ dự án là chủ tài khoản: Chủ dự án gửi Ngân hàng phục vụ/Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản các tài liệu sau:
a) Chứng từ chuyển tiền thanh toán cho nhà thầu, nhà cung cấp, người thụ hưởng theo mẫu của Ngân hàng phục vụ/Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản;
b) Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận của cơ quan kiểm soát chi (bản chính) đối với mỗi đợt thanh toán (hình thức kiểm soát chi trước). Trường hợp kiểm soát chi sau, Chủ dự án gửi Ngân hàng phục vụ/Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận của cơ quan kiểm soát chi (bản chính).
5. Rút vốn bổ sung TKTƯ: Để rút vốn bổ sung TKTƯ, báo cáo chi tiêu từ TKTƯ, Chủ dự án gửi các tài liệu sau cho Bộ Tài chính:
a) Đối với trường hợp rút vốn bổ sung: Để rút vốn bổ sung TKTƯ, Chủ dự án gửi Bộ Tài chính các tài liệu sau:
(i) Văn bản đề nghị rút vốn bổ sung TKTƯ và báo cáo chi tiêu từ TKTƯ chứng minh đã chi tiêu tối thiểu 70% số vốn đã rút về TKTƯ lần trước và chi tiêu 100% số vốn đã rút về TKTƯ các lần trước đó;
(ii) Đơn rút vốn hoặc thư đề nghị rút vốn, các sao kê theo mẫu của nhà tài trợ (nếu có) có xác nhận của Chủ dự án.
(iii) Kế hoạch chi từ TKTƯ chi tiết cho giai đoạn tối đa 03 tháng tới. Tỷ giá quy đổi để rút vốn về tài khoản tạm ứng là tỷ giá mua chuyển khoản đồng ngoại tệ tương ứng của ngân hàng phục vụ hoặc ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại thời điểm ngày lập đơn rút vốn.
b) Đối với trường hợp hoàn chứng từ:
Để rút vốn hoàn chứng từ, chủ dự án gửi các tài liệu sau cho Bộ Tài chính:
(i) Công văn đề nghị rút vốn hoàn chứng từ/báo cáo chi tiêu từ TKTƯ;
(ii) Đơn rút vốn và các sao kê theo quy định của nhà tài trợ có xác nhận của Chủ dự án;
(iii) Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư có xác nhận của cơ quan kiểm soát chi (bản chính hoặc bản đóng dấu treo của Chủ dự án nếu kiểm soát chi điện tử); Bảng hạch toán ghi ghi thu ghi chi vốn ODA, vốn vay ưu đãi (đối với dự án cấp phát). Đối với khoản chi tạm ứng hợp đồng ký với nhà thầu, nhà cung cấp, chủ dự án gửi Bộ Tài chính bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng của ngân hàng thương mại (Bản chụp); giá trị bảo lãnh tạm ứng tương đương giá trị tạm ứng, thời gian bảo lãnh tạm ứng kéo dài cho đến khi chủ dự án thu hồi hết số vốn đã tạm ứng;
(iv) Sao kê TKTƯ và ủy nhiệm chi đối với từng giao dịch của Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản hoặc ngân hàng phục vụ, chi tiết số tiền nguyên tệ, người thụ hưởng và ngày giao dịch, tỷ giá áp dụng và giá trị VNĐ tương đương, số dư đầu kỳ, số chi trong kỳ và số dư cuối kỳ; nếu có tài khoản cấp 2 thì gửi kèm sao kê.
c) Trường hợp rút vốn bổ sung TKTƯ và hoàn chứng từ: Chủ dự án nộp Bộ Tài chính các tài liệu quy định đối với trường hợp bổ sung TKTƯ và hoàn chứng từ tại mục a và b nêu trên”.
VI. KÝ ĐƠN RÚT VỐN
Sau khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét ký đơn rút vốn gửi nhà tài trợ. Việc chuyển đơn rút vốn hoặc thư đề nghị rút vốn cho nhà tài trợ thực hiện theo hình thức gửi thư hoặc ký điện tử theo quy định của nhà tài trợ.
PHỤ LỤC X
BÁO CÁO KẾT THÚC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
(Kèm theo Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)
I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
1. Tên chương trình, dự án (tiếng Việt):
2. Tên chương trình, dự án (tiếng Anh):
3. Địa điểm thực hiện chương trình, dự án:
4. Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ:
5. Cơ quan chủ quản:
6. Chủ chương trình, dự án:
7. Thời gian thực hiện:
8. Ngày ký quyết định chủ trương đầu tư và các quyết định điều chỉnh (nếu có).
9. Ngày ký quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt văn kiện dự án và các quyết định điều chỉnh (nếu có).
10. Ngày ký kết hiệp định, ngày hiệp định có hiệu lực, thời hạn hiệp định, ngày gia hạn hiệp định (nếu có).
11. Cơ cấu nguồn vốn: Tổng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng (nêu rõ các điều chỉnh, bổ sung nếu có).
II. MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
1. Mục tiêu và phạm vi chương trình, dự án
Theo quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt văn kiện dự án và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có).
2. Tổ chức thực hiện
Mô hình và cách thức tổ chức quản lý thực hiện dự án.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Đánh giá việc hoàn thành mục tiêu
Mức độ đạt được mục tiêu đề ra trong văn kiện của dự án được cấp có thẩm quyền duyệt.
2. Các hợp phần và đầu ra
Nêu các hợp phần và đầu ra chủ yếu của dự án và mức độ hoàn thành, những nội dung điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện (nếu có).
3. Kết quả thực hiện về tài chính
So sánh giữa tổng mức vốn trong Quyết định phê duyệt văn kiện dự án và tổng vốn giải ngân theo các nguồn vốn (vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng). Nêu những yếu tố tác động đến công tác giải ngân, dẫn đến phải điều chỉnh vốn trong quá trình thực hiện dự án.
IV. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN KẾT QUẢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
Nêu những yếu tố tác động đến kết quả thực hiện chương trình, dự án:
1. Chính sách và môi trường pháp lý:
- Chính sách của Chính phủ
- Chính sách của Nhà tài trợ
2. Công tác tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án:
- Đánh giá việc đảm bảo điều kiện về tài chính, kỹ thuật, nhân lực cho dự án trên cơ sở Hiệp định về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết và văn kiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án.
- Năng lực quản lý và thực hiện chương trình, dự án.
- Thực hiện chế độ báo cáo và các quy định về giám sát và đánh giá.
- Quản lý rủi ro và thay đổi.
3. Công tác đấu thầu, mua sắm.
4. Công tác hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tăng cường năng lực.
5. Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư (đối với các dự án đầu tư).
6. Các tác động về môi trường.
7. Các vấn đề về giới.
8. Những vấn đề về kỹ thuật, công nghệ
Ngoài việc nêu các yếu tố tác động, cần làm rõ các thuận lợi, khó khăn và các biện pháp khắc phục mà chủ dự án, Ban QLDA đã thực hiện.
9. Phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội
Phân tích các lợi ích và tác động về kinh tế, xã hội của chương trình, dự án trên cơ sở các kết quả và mục tiêu đạt được.
V. CÁC BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ
GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 114/2021/ND-CP |
Hanoi, December 16, 2021 |
ON MANAGEMENT AND USE OF OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE (ODA) AND CONCESSIONAL LOANS PROVIDED BY FOREIGN DONORS
Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on Amending and Supplementing certain Articles of the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;
Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;
Pursuant to the Law on Bidding dated November 26, 2013;
Pursuant to the Law on Construction dated June 18, 2014; the Law on Amendments and Supplements to several the Law on Construction dated June 17, 2020;
Pursuant to the Law on Management and Use of State Capital Invested in Production and Business Activities of Enterprises dated November 26, 2014;
Pursuant to the Law on Treaties dated April 9, 2016;
Pursuant to the Law on Management of Public Debts dated November 23, 2017;
Pursuant to the Law on Public Investment dated June 13, 2019;
Pursuant to the Law on Investment dated June 17, 2020;
Pursuant to the Law on Enterprises dated June 17, 2020;
Pursuant to the Law on Public – Private Partnership Investment dated June 18, 2020;
Pursuant to the Law on Environmental Protection dated November 17, 2020;
Upon the request of the Minister of Planning and Investment;
The Government herein issues the Decree on management and use of official development assistance (ODA) and concessional loans provided by foreign donors.
This Decree provides for the management and use of official development assistance (ODA) and concessional loans provided by foreign governments, international organizations, inter-government or international organizations, governmental organizations authorized by foreign governments (hereinafter referred to as foreign donors) to the State or the Government of Socialist Republic of Vietnam.
Article 2. Subjects of application
This Decree applies to agencies, organizations and individuals that participate in or are related to the management and use of ODA and concessional loans granted by foreign donors, and counterpart fund on the Vietnam’s side.
For the purposes of this Decree, terms used herein shall be construed as follows:
1. Steering Committee for programs or projects funded by ODA and concessional loans (hereinafter referred to as Steering Committee) means an organization established by the managing agency of a program/project funded by ODA or concessional loans (hereinafter referred to as “program/project”) in which an authorized representative of the relevant agency participates to take control of, cooperating in, and supervising the execution of the program/project. In some cases where necessary, under an agreement with the foreign donor, the Steering Committee may include the foreign donor’s representatives.
2. Management Unit of foreign aid program or project funded by ODA and concessional loans (hereinafter referred to as Project Management Unit) means an organization established to help the managing agency or the project owner in managing the execution of one or some programs/projects.
3. Program means a series of activities and projects funded by ODA or concessional loans that are interrelated and might be related to one or some different sectors, industries, territories or subjects with an aim of achieving one or some targets, and is executed in one or several phases.
4. Program associated with a policy framework means a program that is subject to conditions for disbursement of ODA or concessional loans of foreign donors associated with the commitment of Vietnam’s government to building and implementing policies, regulations, solutions for socio-economic development in accordance with the scale and schedule agreed upon among the parties.
5. Regional and global program/project (hereinafter referred to as regional program/project) means a program/project that is sponsored on a global scale or for which aid are received by a group of nations in the same region or different regions to engage in cooperation in achieving certain targets for the benefits of participating parties and in the common interests of the whole region or world. Vietnam’s participation in such a program/project can exist in either form as follow:
a) Participation in one or some activities readily designed by the foreign donor that are embraced in the regional program/project;
b) Execution of operations for which aid is provided for Vietnam in order to develop and execute the program/project within the framework of the regional program/project.
6. Sectoral approach program means a program funded by ODA or concessional loans in which the foreign donor provides assistance according to the development program of an industry or sector in order to ensure concerted, sustainable and effective development of such industry or sector.
7. Managing agency of a program/project funded by ODA and concessional loans (hereinafter referred to as Managing agency) means the central agency of a political organization; the People’s Supreme Procuracy; the People’s Supreme Court, an agency of the National Assembly; the National Assembly’s Office; the State Audit Agency; the President Office, a Ministry, ministerial agency or Governmental agency, the People’s Committee of a province or centrally-affiliated city (hereinafter referred to as provincial People’s Committee); the central agency of Vietnamese Fatherland Front, a socio-political organization, socio-political-professional organization, or socio-professional organization that performs the duty assigned by a competent state authority; other agency or organization assigned the public investment plan comprising the program/project funded by ODA and concessional loans.
8. Owner of a program/project funded by ODA and concessional loans means a unit assigned by the managing agency to directly manage or jointly execute that program/project.
9. Domestic financial mechanism applied to programs/projects funded by ODA and concessional loans (hereinafter referred to as domestic financial mechanism) means regulations on the use of ODA and concessional loans from the state budget for the program/project, including:
a) Full grant of 100% of the loan proceeds;
b) Partial on-lending at the predetermined rate;
c) Full on-lending.
The on-lending method is carried out according to the approach whereunder credit risk is borne or not.
10. Project means a set of proposals that correlate in order to achieve one or more specified goals, and is implemented in a specified area within a predetermined time period and based on defined resources.
Technical assistance project means a project aimed to assist in study into policies, institutions, professions, improvement of capacity through activities, such as provision of domestic and foreign experts, training, provision of equipment and materials, study visits, trips, domestic and overseas conventions, provision of equipment, development of demonstration model, preparation and support for execution of the investment project. Technical assistance projects are comprised of independent technical assistance projects and technical assistance projects making preparations for investment projects.
11. Program/project proposal means a document describing the setting, necessity, objectives, scope, main outcomes, expected execution duration, estimated total investment and capital structure, preliminary assessment of economic, social and environmental impacts (if any), proposed domestic financial mechanism, debt repayment plan; impacts on the mid-term investment plan of the managing agency (with respect to public investment programs/projects).
12. International treaty on ODA or concessional loans means an international treaty defined by the Law on Treaties on the receipt, management and use of ODA and concessional loans, which can be either:
a) Framework international treaty on ODA or concessional loan, which is an international convention related to a strategy, policy and framework for cooperation, prioritized fields; principles and standards binding upon the provision and use of ODA or concessional loans; commitment on ODA or concessional loans for one or several years, and other matters agreed upon between its signatories;
b) A specific international treaty on ODA or concessional loan, which is an international convention on specific matters related to the targets to be attained from, activities involved in, duration for implementation thereof, achievements; conditions for sponsoring, capital, capital structure, financial requirements of a loan and loan repayment schedule; management formalities; duties, responsibilities and powers of the parties towards management of the program/project funded by ODA or concessional loan, and other matters agreed upon between the signatories.
13. Agreement on ODA or concessional loan means a written arrangement on ODA or concessional loan concluded in the name of the Government of Socialist Republic of Vietnam and is not an international treaty. Such an agreement can be either:
a) A framework agreement, which is an agreement related to a strategy, policy and framework for cooperation, prioritized fields; principles and standards binding upon the provision and use of ODA or concessional loans; commitment on ODA or concessional loans for one or several years, and other matters agreed upon between its signatories;
b) A specific agreement, which is an agreement on ODA or concessional loan related to the targets to be attained from, activities involved in, duration for implementation thereof, attained outcomes; conditions for sponsoring, capital, capital structure, financial requirements of a loan and loan repayment schedule; management formalities; duties, responsibilities and powers of the parties towards management of execution of the program/project funded by ODA or concessional loan, and other matters agreed upon between the signatories.
14. Budget support means a method of provision where ODA or concessional loan is transferred directly to the state budget, managed and used in accordance with state budget regulations and procedures in order to achieve set targets in agreement with the foreign donor. Budget assistance can be general budget support or central budget support given to a national target program approved by the competent authority.
15. Service bank means a bank selected by the user (project owner) to perform business transactions for ODA or concessional loan-funded projects, based on judgements about banks that are qualified as service banks for projects run by the State Bank of Vietnam.
16. Non-project assistance means a method of providing the ODA grant in the form of a separate aid without constituting a single project. The aid can be cash, goods or experts carrying out one of the activities, such as conferences, seminars, training, research, and surveys.
17. Decision on implementation policy for a technical assistance project or a non-project assistance funded by the ODA grant (hereinafter referred to as execution policy) means a Prime Minister’s written decision on policy for execution of a technical assistance project or non-project assistance (except technical assistance projects funded by the ODA grant that make preparations and provide assistance for execution of investment projects). Such written decision should contain the following main information: name of the project/non-project assistance, the foreign donor or co-donor; name of the managing agency; targets; total investment amount. Implementation policy decision serves as a basis for the managing agency’s cooperation with the foreign donor on approval of technical assistance project or non-project documentation.
18. Document of a technical assistance project or non-project assistance funded by the ODA grant (hereinafter referred to as project document) means any document that describes the context, necessity, targets, content, primary activities, execution duration, expected economic, social and environmental effects, total capital, capital sources and structure, other resources, sponsoring method, the foreign donor’s conditions (if any), approaches for management of execution of projects approved by the managing agency as a basis for execution of the technical assistance project or non-project assistance.
19. ODA or concessional loan means capital provided by a foreign donor for the State or the Government of Socialist Republic of Vietnam to assist in development, assurance of welfare and social security, which is either:
a) ODA grant, which is an ODA financing, the refund of which to the foreign donor is not required, and which is provided in the form of an independent project or in combination with investment projects funded by ODA or foreign concessional loans;
b) ODA loan, which is a foreign loan with at least 35% grant element if the loan is tied to mandatory procurement of goods or services as required by the foreign donor, or at least 25% grant element if it is an untied aid. Calculation of the grant element is specified in Appendix I hereto;
c) Concessional loan, which is a foreign loan that sets terms and conditions that are more favorable than those of a commercial loan, but has the grant element of which is lower than that of an ODA loan mentioned in point b hereof.
20. Counterpart fund means capital contributed on the Vietnam’s side (in cash or in kind) in a program/project funded by ODA or concessional loan in order to prepare for and execute the program/project. Counterpart fund is provided by the central government budget, the local government budget or the project owner, or contributed by the beneficiary, or other lawful capital source.
21. Mixed capital means capital combined from various sources of ODA and concessional loans with different levels of concession to improve the technical and financial capacity in various forms to increase the grant element of loans for the programs and projects.
22. Surplus fund is the amount of ODA or concessional loan from the foreign donor that come into existence during the period of implementation of a program or project, including post-bidding excess capital, excess capital arising due to exchange rate changes, unused reserve capital and other excess funds.
23. Emergency aid means an ODA or concessional loan provided to Vietnam by the foreign donor for relief and mitigation of natural disaster consequences that are not covered by the Government's regulations on acquisition, management and utilization of international emergency aid for natural disaster relief and recovery; disaster relief, disease prevention; performance of urgent national defense, security and diplomatic tasks in accordance with decisions of competent authorities.
Article 4. Methods for provision of ODA and concessional loans
Methods for provision of ODA and concessional loans include:
1. Program.
2. Project.
3. Non-project.
4. Budget support.
Article 5. Priority use of ODA and concessional loans
1. ODA grants shall be prioritized for use to implement socio-economic infrastructure and capacity building programs/projects; formulate policies, institutions and reforms; prevent, combat, mitigate the risk of natural disasters, provide disaster relief, prevent and control diseases; adapt to climate change; ensure green growth, innovation, and social security; prepare investment projects or co-finance projects using concessional loans to increase the grant elements of the loan.
2. ODA loans shall be prioritized for programs and projects in the fields of health, education, vocational education, climate change adaptation, environmental protection, essential economic infrastructure with no direct cost recovery possibility.
3. Concessional loans are prioritized for on-lending programs and projects in accordance with the Government’s regulatory provisions on on-lending of foreign ODA and concessional loans; programs and projects funded by the state budget in the field of socio-economic infrastructure development.
4. Other priority cases shall comply with the Prime Minister’s decision on the Orientations to attract, manage and utilize foreign donors’ ODA and concessional loans from time to time.
Article 6. Contents and basic rules for state management of ODA and concessional loans
1. Scope of state management for ODA and concessional loans:
a) Formulate, promulgate and organize the implementation of legislative documents on management and use of ODA and concessional loans;
b) Formulate and implement Proposals for attracting, managing and using ODA and concessional loans in each stage to facilitate the implementation of 5-year socio-economic development plans; measures and policies to effectively manage and use such funding sources;
c) Supervise and provide information about management and use of ODA and concessional loans;
d) Monitor, evaluate, and inspect the management and use of ODA and concessional loans according to regulatory provisions.
2. Basic rules for state management of ODA and concessional loans:
a) ODA and concessional loans shall be used to finance capital expenditures only, and are not available for recurrent expenditures. Foreign loans must not be used to carry out activities, such as training or drilling for capacity building, except transfer of technologies and skills in operating equipment and machinery; make study visits or trips; pay taxes, fees, and interest expenses on loans; purchase cars, except for specialized cars decided by competent authorities, reserve supplies and equipment for operation phase after the project is completed, except for special ones decided by competent authorities in accordance with legislative regulations; pay compensation, support and resettlement expenses; pay operating expenses of the Project Management Unit;
b) The Government shall unify the state management of ODA and concessional loans on the basis of ensuring the effective use of capital and solvency; decentralization associated with accountability, power, managerial capability of ministries, central and local authorities; ensuring coordinated management, supervision and evaluation of concerned agencies in accordance with applicable laws;
c) Ensure information disclosure and transparency; promote accountability in terms of policies, procedures for raising, managing and using ODA and concessional loans among industries, sectors and localities; and the effectiveness of using ODA and concessional loans;
d) Disclose information about cooperation policies, priority fields of foreign donors on the Government's web portals (chinhphu.vn; mpi.gov.vn; mof.gov.vn; mofa.gov.vn);
dd) Prevent and combat corruption, losses and wastefulness in management and use of ODA and concessional loans; prevent and impose punishments for these acts in accordance with law;
e) Methods of determining capital expenditures funded by the state budget: Capital expenditures are determined in compliance with the provisions of the Law on Public Investment, the Law on State Budget, the Law on Construction and other relevant legislative documents.
Article 7. Principles of applying domestic financial mechanism for ODA and concessional loans
1. For programs/projects funded by central government budget, the method of full grant of foreign ODA loans and concessional loans from the central budget shall be applied.
2. For investment programs/projects funded by local government budget, the method of partial or full on-lending of foreign ODA and concessional loans as prescribed by legislation on on-lending of the Government’s foreign ODA loans and concessional loans shall be applied.
For investment programs/projects funded by local government budget that use foreign ODA and concessional loans to finance the locality's contribution in public-private partnership (PPP) projects, the method of full on-lending of foreign ODA and concessional loans as prescribed by legislation on on-lending of foreign ODA and concessional loans shall be applied.
3. For investment programs/projects with full or partial cost recoverability, the method of full or partial on-lending of foreign ODA and concessional loans from the central budget as prescribed by legislation on on-lending of the Government’s foreign loans shall be applied.
4. For ODA grants, including those associated with loans, ODA grants for investment projects, technical assistance projects (e.g. independent projects, preparatory and supporting projects), and non-projects, the method of full grant of 100% of the loan proceeds shall be applied.
Article 8. Order and procedures for management and use of ODA and concessional loans
1. For programs/projects funded by ODA and concessional loans:
a) Draft, select and approve the program/project proposal;
b) Send an official notice of the approved program/project proposal to the foreign donor;
c) Draft, appraise and decide on the investment policy for the program/project;
d) Officially notify the foreign donor of the investment policy decision of the program or project and the sponsoring request;
dd) Draft, appraise and decide on investment in the program/project;
e) Depending on donor regulations, one of the following procedures shall be performed: Sign international treaties, agreements on ODA and concessional loans;
g) Carry out the performance management and financial management;
h) Complete and transfer the results.
2. For technical assistance projects and non-project assistance funded by ODA grants:
a) Formulate project documents and non-project documents;
b) Decide on the implementation policy for projects and non-project assistance specified in clause 1 of Article 23 herein;
c) Appraise and approve project documents and non-project documents;
d) Officially notify the foreign donor of the approval the project/non-project document and the request for sponsoring;
e) Depending on foreign donor’s regulations, one of the following procedures shall be performed: Sign international treaties, agreements on ODA grants; sign aide memoire on technical assistance projects and non-project assistance;
e) Carry out the performance management and financial management;
g) Complete and transfer the results.
3. For budget support:
a) Make documents and records on the budget support;
b) Decide on the policy to receive the budget support;
c) Sign international treaties, agreements on ODA and concessional loans for the budget support;
d) Carry out the performance management and financial management;
dd) Complete and transfer the results.
4. For programs/projects funded by mixed capital: The managing agency shall follow the order and procedures applied to the programs and projects funded ODA and concessional loans as specified in clause 1 of this Article.
5. Programs/projects following streamlined procedures:
a) Emergency investment projects funded by ODA grants shall be subject to regulations laid down in Article 42 in the Law on Public Investment;
b) Investment programs/projects funded by ODA grants, and technical assistance projects funded by ODA grants to prepare for investment projects, shall be subject to regulations laid down in point c, d, dd, e, g and h of clause 1 of this Article.
Article 9. Policy to receive the budget support
1. Order and procedures for deciding the policy to receive general budget support are prescribed as follows:
a) The Ministry of Finance shall be in charge of formulating the document on budget support which specifies the central budget’s balance, proposed plans to cover budget deficit; shall adhere to the principles of budget support loans used as capital expenditures, and get comments from the Ministry of Planning and Investment and other concerned agencies;
b) On the basis of synthesizing these comments, the Ministry of Finance shall be in charge of reporting to the Prime Minister on the necessity, objectives, socio-economic efficiency, total capital, funding sources and structure, conditions for receiving budget support, benefits and obligations, funding methods and arrangements for management;
c) The Prime Minister shall consider and decide on the policy to receive the budget support, which will serve as a basis for negotiation, signing and receipt of the general budget support as per regulations.
2. Order and procedures for decision on the policy to receive the central budget support for implementation of the national target programs approved by competent authorities shall be subject to the following regulations:
a) Upon receipt of the decision on approval of the policy for investment in the national target program, the managing agency of the national target program sends an Official Letter to the Ministry of Planning and Investment and Ministry of Finance, enclosing the Document on the budget support, clearly specifying the context, necessity, targets, total fund, funding sources and structure, other resources; conditions for receiving the budget support, benefits and obligations; funding methods and arrangements for management; plans to use loans to serve the objectives of the national target program; principles, criteria, list of the projects funded by the budget support, plans to assign loan use plans to ministries, central and local authorities as a basis to allocate midterm and annual public investment capital;
b) The Ministry of Finance evaluates the level of concession, impacts, financial mechanism of the loan; capability to receive the budget support for accomplishment of targets determined in the national target program; conditions for receiving the budget support, and sends the evaluation report to the Ministry of Planning and Investment;
c) After incorporating opinions of the Ministry of Finance referred to in point b of this clause and opinions of concerned agencies, the Ministry of Planning and Investment takes the lead and send a report to the Prime Minister to seek consent to the policy to receive the central budget support for implementation of the national target program, including the principles, criteria, financial mechanism, list of projects funded by that budget support, plans to assign loan use plans to ministries, central and local authorities;
d) The Prime Minister considers approving the policy to receive the budget support, principles, criteria, financial mechanism, detailed list of projects, plans to allocate financing to ministries, central and local authorities;
dd) According to the Prime Minister’s decision, the managing agency of the project carries out procedures for appraising and deciding to invest in a particular project funded by the budget support that is part of the national target program as provided by relevant law.
Article 10. Participation in regional programs and projects
1. In cases where a managing agency of a regional program or project has not been identified, based on the foreign donors' proposal on the participation in regional programs and projects, the Ministry of Planning and Investment shall take the lead and cooperate with concerned agencies in seeking the Prime Minister’s approval of Vietnam’s participation in such regional programs/projects and designation of the managing agency in charge.
2. In cases where a managing agency of a regional program or project has been identified, the managing agency shall send the Ministry of Planning and Investment an official letter, enclosing the regional program/project document of the foreign donor, clearly specifying the interests and duties of Vietnam as a participant. The Ministry of Planning and Investment shall take the lead and cooperate with concerned agencies in seeking the Prime Minister’s approval of Vietnam’s participation in such regional program/project.
3. Where a foreign donor provides ODA or concessional loan to develop and implement a program/project within the framework of a regional program/project, based on the Prime Minister’s decision on Vietnam’s participation in regional programs/projects as per clause 1 and 2 of this Article, the managing agency shall elaborate, appraise and make investment policy decision and investment decision for the programs/projects funded by ODA and concessional loans in accordance with Chapter II herein.
Article 11. Private sector access to ODA and concessional loans
1. The private sector may access ODA and concessional loans in accordance with policies on provision of ODA and concessional loans of foreign donors.
2. Methods for the private sector to access and use ODA and concessional loans:
a) Access to ODA and concessional loans that ministries, central authorities and provincial People's Committees use to finance project preparation and bidding for investor selection, or finance the state contribution in PPP projects in accordance with applicable provisions on PPP and specific international treaties, specific agreements on ODA and concessional loans;
b) Access and use ODA and concessional loans through participation in private sector support programs/projects of managing agencies.
DRAFTING, APPRAISING, AND MAKING INVESTMENT POLICY DECISION AND INVESTMENT DECISION FOR PROGRAMS/PROJECTS FUNDED BY ODA, CONCESSIONAL LOANS; INVESTMENT PROGRAMS, PROJECTS FUNDED BY ODA GRANTS AND TECHNICAL ASSISTANCE PROJECTS FUNDED BY ODA GRANTS FOR INVESTMENT PROJECT PREPARATION
Section 1. DRAFTING, APPRAISING AND DECIDING ON INVESTMENT POLICY FOR THE PROGRAM/PROJECT
Article 12. Decision making authority on investment policy for the programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. a) The power to issue an investment policy decision for a national target program, project of national importance and public investment program funded by ODA and concessional loans shall be subject to the regulations laid down in clause 1 and 2 of Article 17 in the Law on Public Investment.
2. The Prime Minister shall be accorded authority to decide on investment policy for the following programs/projects:
a) Investment programs and projects funded by ODA loans and concessional loans, except for those specified in clause 1 of this Article;
b) Investment programs and projects funded by ODA grants in the following cases: Category A and Category B investment programs and projects; programs and projects accompanied by policy frameworks; programs and projects in the fields of security, national defense and religion; sector-wide approach programs; procurement of goods subject to permission of the Prime Minister;
c) Technical assistance projects funded by foreign donors’ ODA and concessional loans to prepare investment projects.
3. The head of the managing agency shall decide on investment policy for Category C investment programs/projects funded by ODA grants.
Article 13. Proposal for programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. The Prime Minister shall be accorded authority to approve program/project proposals.
2. Order and procedures for approval of a program/project proposal:
a) Ministries, central and local regulatory authorities prepare the proposal for the program/project funded by foreign ODA and concessional loan for submission to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and concerned agencies in accordance with law; and give clear explanations as to why they make the proposal for the tied loan of the foreign donor (if any);
b) The Ministry of Finance takes the lead for determining the grant elements, evaluating the impact of new loans on the public debt safety thresholds, determining applicable domestic financial mechanism, and reporting to the Prime Minister in accordance with the Law on Public Debt Management and concurrently send to the Ministry of Planning and Investment;
c) The Ministry of Planning and Investment sends a written request to consult concerned agencies on the program/project proposal. After incorporating the comments of the Ministry of Finance as prescribed in point b of this clause and the comments of concerned agencies, the Ministry of Planning and Investment evaluates the necessity of the programs/projects; makes the preliminary assessment of the feasibility, socio-economic effectiveness, environmental impacts (if any), and the impacts of the programs/projects on the midterm public investment plans; thereby selecting the suitable program/project proposals and submitting them to the Prime Minister for approval;
d) The Prime Minister considers and approves the program/project proposal against the following aspects: Name of the program/project; name of the foreign donor and co-donor (if any); name of the managing agency; binding terms and conditions of the foreign donor (if any), expected objectives and scale; expected duration; total estimated investment and fund structure; domestic financial mechanism; on-lending method; proposals to use ODA and concessional loan for purchase of reserve supplies and equipment (if any) and other relevant contents;
dd) The Ministry of Planning and Investment officially notifies the foreign donor of the Prime Minister’s decision on approval of the program/project proposal.
3. Dossier and time limit for reviewing the program/project proposal:
a) Dossier: Program/project proposal made by using the sample specified in Appendix II hereto; the written request that the managing agency submits to the competent authority for approval of the program/project proposal; other relevant documents (if any);
b) The number of dossiers to be submitted to the Ministry of Planning and Investment is 08 sets;
c) The number of dossiers to be submitted to the Ministry of Finance is 03 sets;
d) The time limit for review and submission of the program/project proposal to the Prime Minister is 45 days from the date that Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance receive complete and valid dossiers.
Where the dossier is invalid or the content of the program/project proposal does not conform to the provisions of clause 3 of this Article, the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance must send their written feedback to request the managing agency to fine tune the program/project proposal within 05 days.
4. Criteria for selection of the program/project proposal:
a) Compatibility with the relevant socio-economic development strategies or master plans in accordance with law on socio-economic development master plans and plans; public debt safety thresholds and repayment capacity; orientation for attraction of ODA and concessional loans; policies and orientations for priorities in ODA and concessional loan provision of foreign donors;
b) Assurance of socio-economic and environmental effectiveness and sustainability;
c) Compatibility with the availability of ODA, concessional loans, and counterpart fund;
d) No overlap with the contents of programs/projects whose proposals, investment policies or investment decisions have already been approved by competent authorities.
Article 14. Order and procedures for making investment policy decision for programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. Order and procedures for making investment policy decisions for national target programs or projects of national importance funded by ODA and concessional loans shall be subject to the regulations laid down in clause 5 of Article 25 in the Law on Public Investment.
2. Order and procedures for making investment policy decisions for public investment programs funded by ODA and concessional loans under the Government’s decision-making authority shall be subject to the regulations laid down in Article 22 and clause 6 of Article 25 in the Law on Public Investment.
3. Order and procedures for making investment policy decisions for category A projects funded by ODA and concessional loans shall be subject to the regulations laid down in Article 23 and clause 7 of Article 25 in the Law on Public Investment.
4. Order and procedures for making investment policy decisions for programs/projects funded by ODA and concessional loans under the Prime Minister’s decision-making authority, except category A projects, shall be subject to the regulations laid down in clause 8 of Article 25 in the Law on Public Investment, specifically as follows:
a) The managing agency sends the Ministry of Planning and Investment an investment policy proposal report;
b) The Ministry of Planning and Investment presides over evaluating the investment policy proposal report, funding sources and availability, and submitting it to the Prime Minister;
c) The Prime Minister considers granting the investment policy decision.
5. Order and procedures for making investment policy decisions for programs/projects under the decision-making authority of heads of managing agencies shall be subject to the regulations laid down in clause 9 of Article 25 in the Law on Public Investment, specifically as follows:
a) The managing agency consults the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and other concerned agencies about the investment policy proposal report;
b) Based on the comments of agencies, the managing agency undertakes the evaluation of the report and decides on the investment policy.
6. The Ministry of Planning and Investment officially notifies the foreign donor of the decision of approval of the investment policy for the program/project, and the funding request.
7. In case there are changes to the pre-feasibility study report and the report on investment policy proposal compared to the contents of the approved program/project proposal, the managing agency shall supplement explanation on the changes compared to the approved program/project proposal in the letter of transmittal for appraisal of the feasibility study report and report on investment policy proposal for the program/project as prescribed in point b of clause 1 of Article 15 in this Decree.
8. The preliminary assessment of environmental impacts is part of the pre-feasibility study report or investment policy proposal report. The competent authority shall consult that preliminary assessment of environmental impacts to decide on the investment policy in accordance with Article 99 in the Law on Public Investment. Preliminary environmental impact assessment shall be subject to the Government's regulations elaborating on implementation of several Articles of the Law on Public Investment.
Article 15. Dossiers, contents and time limit for appraisal of feasibility study reports and reports on investment policy proposals for the programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. Appraisal dossiers of feasibility study report and report on investment policy proposal for the program/project funded by ODA and concessional loan:
a) A letter of transmittal requesting the competent authority’s approval of the investment policy for the program/project using the sample given in Appendix IVa to this Decree;
b) The written approval of the program/project proposal from the competent authority;
c) Report on the internal appraisal results of the managing agency regarding the investment policy of the program/project funded by ODA or concessional loan;
d) The pre-feasibility study report or the report on investment policy proposal for the program/project that is prepared using the sample given in Appendix IIIa, IIIb and IIIc to this Decree;
dd) Reports on performance review of the program/project implementation in the previous period (for follow-up programs and projects in the new phase);
e) Comments of the provincial People’s Council on category A projects funded by ODA and concessional loans of which pre-feasibility study report is prepared by the provincial People’s Committee in accordance with point c of clause 1 of Article 23 in the Law on Public Investment;
g) Other relevant documents (if any).
2. The required minimum number of appraisal dossiers to be submitted to the Appraisal Council or the lead appraising agency is 10 sets.
3. Appraisal contents of the investment policy for public investment programs funded by ODA and concessional loans:
a) Alignment with criteria for determination of public investment program;
b) Regulatory conformance of the dossier submitted for appraisal;
c) Alignment with objectives of regional and territorial socio-economic development strategies, plans; relevant master plans in accordance with the laws on planning;
d) The contents specified in Article 29 of the Law on Public Investment, including basic details of the program as follows: objectives, scope, scale, beneficiaries, duration, time lines and fund allocation plan; funding sources and availability; mobilization of funding and other resources;
dd) Socio-economic effectiveness, environmental protection and sustainable development.
4. Appraisal contents of the investment policy for programs/projects funded by ODA and concessional loans:
a) Necessity of investment;
b) Regulatory conformance of the dossier submitted for appraisal;
b) Alignment with objectives of the relevant strategies, plans and master plans in accordance with law on planning;
d) Alignment with project classification criteria in accordance with the Law on Public Investment;
dd) The contents specified in Articles 30 and 31 of the Law on Public Investment, including appraisal of basic details of the project, such as objectives, scale, form of investment, scope, location, area of land to be used, duration, time lines, plan for selection of main technologies, environmental protection solution, funding sources and availability; cost recovery and debt repayment possibility for loans; and fund allocation plan;
e) Socio-economic effectiveness, environmental protection and sustainable development.
5. The lead appraising agency for the pre-feasibility study report and report on investment policy proposal for programs and projects shall consult agencies assigned to appraise funding sources and availability in accordance with Article 33 of the Law on Public Investment in the process of appraising pre-feasibility study report and report on investment policy proposal.
6. Time limits for appraising the report on investment policy proposal and pre-feasibility study report of the program or project from the date the Appraisal Council or the lead appraising agency receives complete and valid dossier are as follows
a) National target programs: No more than 60 days;
a) Public investment programs (except national target programs): No more than 45 days;
c) Category A projects: No more than 45 days;
d) Projects other than those prescribed in point a, b and c of this clause: No more than 30 days;
In case the dossier is invalid or the content of the pre-feasibility study report or report on investment policy proposal of the program or project does not conform with the provisions of Article 29, 30 and 31 of the Law on Public Investment, within no later than 10 days from the day on which the dossier is received, the Appraisal Council or the lead appraising agency shall send written feedback to request the proposing agency to fine tune the pre-feasibility study report or report on investment policy proposal.
7. Where it is necessary to extend time limit for appraisal of feasibility study report and report on investment policy proposal for the program/project, the Appraisal Council or the lead appraising agency shall:
a) Report to the Prime Minister to seek his consent to the extension of time limit for appraisal of pre-feasibility study reports and reports on investment policy proposal of programs and projects falling under the approving competence of the National Assembly, Government, and Prime Minister;
b) Report to the head of the managing agency to allow the extension of time limit for appraisal of the report on investment policy proposal for the programs/projects falling under the investment policy approving competence of the managing agency;
c) The extended period shall not exceed the corresponding appraisal time specified in clause 6 of this Article.
8. The Appraisal Council or the lead appraising agency for pre-feasibility study report of category A projects and the report on investment policy proposal for the program or project shall send the appraisal report as per the following regulations:
a) For public investment programs: Submit it to the managing agency and competent authority in charge of making investment policy decision;
b) For category A projects falling under the approving competence of the Prime Minister: Comply with the provisions of clause 4 of Article 23 in the Law on Public Investment to submit it to the Prime Minister;
c) For other projects not specified at point a and b of this clause: Submit it to the appraising agency and competent authority in charge of making investment policy decision.
Article 16. Dossiers submitted to the competent authority and time limit for making the investment policy decision for the program/project funded by ODA and concessional loan
1. Dossiers submitted to the competent authority for making the investment policy decision for the program/project funded by ODA and concessional loan, including:
a) Documents specified in clause 1 of Article 15 herein, including the letter of transmittal, the pre-feasibility study report and report on investment policy proposal specified at points a and b of clause 1 of Article 15 in this Decree have been fine tuned according to the appraisal report of the Appraisal Council or the lead appraising agency;
b) The appraisal report by the Appraisal Council or the lead appraising agency on investment policy for the program/project shall be prepared using the sample given in Appendix IVb enclosed with this Decree.
2. The required number of dossiers submitted to competent authorities to seek their decisions on investment policies for programs/projects, subject to clause 1 of this Article, shall be 05 sets.
3. From the date the competent authority deciding on investment policy receives complete and valid dossiers, the time limit for making the investment policy decision shall be as follows:
a) Public investment programs (except national target programs): No more than 20 days;
b) Category A projects: No more than 15 days;
c) Projects other than those prescribed in point a and b of this clause: No more than 10 days.
4. Within 15 days from the date the competent authority makes investment policy decision of the program or project, the managing agency shall send such approved investment policy to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance.
Prior activities performed in the phase of preparation for implementation of programs/projects funded by financing for investment preparation, including:
1. Formulate a resettlement policy framework and submit it to a competent authority for approval in the process of appraising the pre-feasibility study report or the program/project document, and making investment decision;
2. Prepare a contractor selection plan; prepare dossiers of invitation for expression of interest, dossiers of invitation for pre-qualification, bidding documents, and requests for proposals.
Article 18. Major contents of the investment policy for the programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. Name of the program/project.
2. Name of the project donor and co-donor.
3. Name of the managing agency.
4. Objectives and scale.
5. Location.
6. Project execution duration.
7. Total investment and fund structure (denominated in Vietnamese dong, converted into base currency), including:
a) ODA grants, ODA loans, concessional loans;
b) Counterpart fund.
8. Domestic financial mechanism and on-lending method.
9. Implementation method (as for projects funded by ODA grants).
10. Activities funded by ODA loans or concessional loans that are other than those prescribed in clause 2 of Article 6 herein (if any).
Article 19. Amendments to the investment policy for the programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. The competence to make amendments to investment policy for the programs/projects shall be subject to clause 1 of Article 34 in the Law on Public Investment.
2. For public investment programs, projects of national importance:
a) Public investment programs to which amendments lead to changes to major contents of the investment policy decision as provided in Article 18 herein: Comply with the regulations laid down in point a of clause 2 of Article 34 in the Law on Public Investment;
b) Projects of national importance to which amendments lead to changes to major contents of the investment policy decision as provided in Article 18 herein: Comply with the regulations of the Law on Public Investment and the Government’s Decree on order and procedures for appraisal of projects of national importance, supervision and assessment of investment.
3. For programs/projects falling under the Prime Minister's delegated authority to make investment policy decisions:
a) Where the adjustment of the project implementation duration does not change the remaining main contents of the investment policy decision; the decreasing adjustment of ODA loan or concessional loan incurs financial obligations and does not change the remaining main contents of the investment policy decision, the managing agency shall send a written document and report on the reasons for such adjustment in order for the Ministry of Planning and Investment to incorporate opinions of the Ministry of Finance for submission to the Prime Minister to seek his decision;
b) Where the amendment to a program or project leads to a change in the main contents of the decision on investment policy, other than provided in point a of clause 3 of this Article, the managing agency shall adjust the investment policy according to the order and procedures specified in clause 4 of Article 14 in this Decree.
Required components of the request dossier to be submitted to the competent authority and the time limit for making the decision on amendment to the investment policy for the programs/projects shall be subject to Article 15 and 16 herein. The followings should be clarified: Reasons for amendment to the investment policies for the program/project; amendments corresponding to main contents of the pre-feasibility study report or investment policy proposal report.
4. As for the program/project under the authority to decide on the investment policy of the head of the managing agency, if any amendment leads to any change in main contents of the investment policy decision, the managing agency shall amend the investment policy according to the order and procedures specified in clause 5 of Article 14 herein.
5. Where total investment in the program/project is adjusted due to exchange rate fluctuations; the reduction in ODA and concessional loan does not incur financial obligations and lead to any change in the remaining main contents of the investment policy decision referred to in Article 18 herein, the managing agency shall not follow the order and procedures for decision on amendment to the investment policy.
Section 2. DRAFTING, APPRAISING AND DECIDING ON INVESTMENT IN PROGRAMS/PROJECTS
Article 20. Decision-making authority on investment in the programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. The Prime Minister shall be accorded authority to issue the decision on investment in the following programs and projects funded by ODA and concessional loans:
a) National target programs and projects of national importance for which the investment policy decision is made by the National Assembly;
b) Public investment programs that have already obtained investment policy decisions from the Government;
c) Public investment programs and projects funded by ODA and concessional loans of foreign donors in the national defence, security and religion fields and other programs/projects subject to the Government’s regulations.
2. The head of the managing agency shall make investment decision for programs and projects funded by ODA or concessional loans that are not prescribed in clause 1 of this Article and take responsibility for the investment efficiency of programs and projects.
Article 21. Procedures for drafting, appraising and making decision on investment in the programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. Comply with the regulations laid down in Article 41 in the Law on Public Investment.
2. The feasibility study reports of the programs, projects are prepared in accordance with Article 44 of the Law on Public Investment and related regulations, taking into account the contents of the sample provided by foreign donors, while ensuring the consistency with the investment policy decision and harmonizing the procedures between Vietnam and foreign donors.
3. Dossiers, contents, time limit for appraisal and decision on investment in programs and projects shall comply with Article 45 of the Law on Public Investment and the Government's regulations detailing a number of articles of the Law on Public Investment, specifically as follows:
a) In case the program/project is eligible for full or partial on-lending of ODA or concessional loan from the state budget, the project owner shall enclose proofs of the financial capacity, debt repayment plans and other documents prescribed by regulations of law on public debt management;
b) Documents related to the program/project in foreign language must have attached Vietnamese translations;
c) Within 15 working days from the day on which a decision on investment in the program/project is issued by a competent authority, the managing agency shall notify the foreign donor and project owner of the decision, and send it to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant agencies (original or notarized copy) together with the feasibility study report which has been approved and bears the seal of the managing agency for their implementation supervision and cooperation.
Article 22. Amendments to the programs and projects funded by ODA and concessional loans
1. The competence to make amendments to programs/projects shall be subject to clause 3 of Article 43 in the Law on Public Investment.
2. Amendments to the programs and projects are made in the cases specified in clauses 1 and 2 of Article 43 in the Law on Public Investment.
3. For projects of national importance: Comply with the regulations of Article 43 in the Law on Public Investment and the Government’s Decree on the order and procedures for appraisal of projects of national importance, supervision and evaluation of investment.
4. For category A, B and C programs/projects:
a) Contents of, order and procedures for formulating and appraising amendments to the programs/projects shall comply with Article 43 in the Law on Public Investment and the Government's Decree elaborating on a number of Articles of the Law on Public Investment;
b) Where the amendment to a program/project in progress leads to a change in the main contents of the decision on investment policy, the managing agency shall adjust the investment policy according to Article 19 in this Decree before following the order and procedures for amendment to the programs/projects.
5. Where amendments to the contents of programs/projects in progress result in the amendment, complement or renewal of specific international treaties, agreements on ODA and concessional loans:
a) Based on the revised investment policy decision and investment decision in the program/project approved by the competent authority, the managing agency shall cooperate with the proposing agency to sign the updated specific international treaties and specific agreements on ODA and concessional loans;
b) Where amendments to the contents of programs/projects do not result in the amendment to the main content of the investment policy decision, the managing agency shall adjust the investment decision by incorporating opinions of the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, and relevant agencies as a basis to amend, update and renew specific international treaties and specific agreements on ODA and concessional loans.
FORMULATING, APPRAISING, DECIDING ON POLICY FOR IMPLEMENTATION AND APPROVING DOCUMENTS OF TECHNICAL ASSISTANCE PROJECTS AND NON-PROJECT ASSISTANCE FUNDED BY ODA GRANTS
Article 23. Authority to approve the policy for implementation and documents of the technical assistance project and non-project assistance
1. The Prime Minister shall be empowered to approve the policy for implementation of technical assistance projects and non-project assistance funded by ODA grants in the following cases: Projects associated with a policy framework; projects or non-project in the field of national defense, security and religion; procurement of goods subject to the Prime Minister’s permission in accordance with relevant law.
2. The head of the managing agency shall:
a) Approve the documents of the technical assistance project, non-project assistance based on the implementation policy decision of the Prime Minister for the cases specified in clause 1 of this Article; the Prime Minister’s decision on policy for participation in the regional programs/projects;
b) Approve the documents of the technical assistance project, non-project assistance for the cases that are not specified in clause 1 of this Article and not required to follow the order and procedures of the implementation policy decision.
Article 24. Preparation of documents of technical assistance projects and non-project assistance
The managing agency shall cooperate with foreign donors in formulating the documents of projects and non-projects by using the samples given in Appendix V and VI herein.
Article 25. Order and procedures for decision on investment policy for technical assistance projects and non-project assistance under the Prime Minister's decision-making authority
1. The managing agency shall send the competent authority a written request for approval of the policy, enclosing project or non-project documents sent to the Ministry of Planning and Investment.
2. Within 05 working days from the day on which valid documents prescribed in clause 1 of this Article are received, the Ministry of Planning and Investment shall send written enquiries to relevant authorities in order for them to respond within 10 days from the receipt of the enquiries.
3. Within 05 days from the day on which the written comments are received from concerned agencies, the Ministry of Planning and Investment shall incorporate them into a report to be submitted to the Prime Minister to seek his decision.
4. The Prime Minister shall consider granting the investment policy decision for the project or non-project, including the following information:
a) Name of the project or non-project;
b) Donor, co-donor (if any):
c) Objectives;
d) Total fund and funding structure (e.g. ODA grants and counterpart fund);
dd) Implementation method.
5. In case the project or non-project documents are found to be incomplete after incorporating those comments, the Ministry of Planning and Investment shall request the managing agency to complete them.
Article 26. Order and procedures for appraising and deciding approval of technical assistance project and non-project documents
1. Appraisal of the projects and non-projects referred to in clause 1 of Article 23 of this Decree by their managing agencies is not required. The head of the managing agency shall decide whether to approve the project or non-project documents according to the decision on implementation policy.
2. Regarding projects and non-project assistance other than those specified in clause 1 of Article 23 of this Decree:
a) The managing agency shall preside over the appraisal process; send written enquiries, enclosing project or non-project documents and other relevant documents (if any) to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and concerned authorities;
b) Within 10 days from the day on which valid documents are received, the consulted agencies shall send their written comments thereon, focusing on the following contents: necessity, key objectives and outcomes; funding sources and availability, financial mechanisms; conditions of the foreign donor (if any) and responding capacity of Vietnam;
c) The appraisal contents of the project or non-project assistance include: the compatibility of the project and non-project assistance with the specific development goals of ministries, agencies, localities, implementing agencies and beneficiaries; the appropriateness of the implementation method; fund and the availability of fund, financial mechanism; the rationality of funding structure for major categories; commitments, prerequisites and other conditions of the foreign donor and the stakeholders (if any); effectiveness, the ability to apply the results in real practices and sustainability beyond the project or non-project life cycle; unanimous opinions or discrepancies amongst the parties;
d) The appraisal dossiers include: The project or non-project owner’s letter of transmittal for approval of the project/non-project document; draft project or non-project document; written comments of concerned agencies; and other relevant documents (if any), such as the donor’s written endorsement for the project or non-project contents, notice of commitment to consider funding, memorandum of understanding with the donor, report of the appraisal mission prepared upon the request of the donor;
dd) Based on the appraisal results, the head of the managing agency shall decide whether the project or non-project documents are approved;
e) The appraisal time limit for the project or non-project document shall not exceed 20 days of receipt of completed and valid dossiers;
g) Where a project/non-project is funded by an ODA grant worth USD 200,000 or less, the head of the managing agency may approve the project or non-project document without having to consult concerned agencies.
3. After the project or non-project document has been approved, the managing agency shall inform the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and other concerned agencies, enclosing the approved project or non-project document bearing the affixed seal of the managing agency for implementation supervision and coordination.
4. Main contents of the decision on approval of technical assistance project and non-project document:
a) Name of the project or non-project;
b) Name of the donor and co-donor (if any);
c) Name of the managing agency and project owner;
d) Implementation duration and location;
dd) Objectives, activities and results;
e) Arrangements for management;
g) Implementation method;
h) Total fund and funding structure, including ODA grants (in base currency and VND equivalent) and counterpart funds (in VND);
i) Others.
5. The Ministry of Planning and Investment shall send an official notice and funding request to the foreign donor.
Article 27. Revision of the implementation policy decision and the decision on approval of technical assistance project and non-project documents
1. For the implementation policy decision:
a) The managing agency shall deliver to the Ministry of Planning and Investment the written documents informing the changes in the contents of the implementation policy decision prescribed in clause 4 of Article 25 herein, enclosing the revised project or non-project document;
b) The Ministry of Planning and Investment shall take the lead and consult concerned agencies on relevant changes, and discuss with the foreign donor on changes in the scale of ODA grant (if any), and incorporate the comments into a report submitted to the Prime Minister;
c) The Prime Minister shall consider granting the decision on the policy to implement the project or non-project assistance.
2. For the decision on approval of the project or non-project document:
a) The managing agency shall send the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant agencies a written document to inform them about changes in the contents of the decision on approval of the project or non-project document, enclosing the updated one;
b) On the basis of the comments of the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and concerned agencies, the head of the managing agency shall decide whether to approve these changes;
c) Where a project/non-project is funded by an ODA grant worth USD 200,000 or less, the head of the managing agency may revise the decision on approval of the project or non-project document without having to consult concerned agencies;
d) Where a change in the project or non-project document leads to disqualification of the approval competence specified in Article 23 herein, the managing agency shall follow the order and procedures for decision on the implementation policy stipulated in Article 25 herein;
dd) Regarding projects and non-project assistance specified in clause 1 of Article 23 of this Decree, the head of the managing agency shall consult the decision on revision of the implementation policy prescribed in clause 1 of this Article to decide to approve the changes to the project or non-project document without having to consult concerned agencies.
SIGNING OF INTERNATIONAL TREATIES, AGREEMENTS ON ODA AND CONCESSIONAL LOANS
Section 1. SIGNING OF INTERNATIONAL TREATIES ON ODA AND CONCESSIONAL LOANS
Article 28. Basis for proposal to sign international treaties on ODA and concessional loans
1. The basis for proposing the signing of a framework treaty on ODA or concessional loan is the result of mobilization, development and cooperation strategies and policies, priority areas for the use of ODA or concessional loans agreed between Vietnam and foreign donors, or decisions to approve the investment policy of programs/projects if specific programs/projects are involved.
2. Basis for proposal to sign specific international treaties on ODA and concessional loans:
a) For programs/projects funded by ODA, concessional loans, and programs/projects funded by ODA grants: The approved feasibility study reports; the decisions on investment in programs/projects; Prime Minister’s decisions on approval of on-lending (with respect to appropriate programs/projects);
b) For technical assistance projects and non-project assistance funded by ODA grants: The decision on approval of project or non-project documents, and project or non-project documents.
Article 29. Authorities proposing to sign international treaties on ODA and concessional loans
1. The People’s Supreme Court, the People’s Supreme Procuracy, State Audit Agency, Ministries, ministerial agencies, and Governmental agencies, may propose to the Government conclusion of specific international treaties on ODA grants for their programs and projects other than those specified in clause 3 of this Article.
2. The Ministry of Finance may propose to the Government conclusion of framework and specific international treaties on ODA loans, concessional loans or ODA grants for mixed programs/projects funded by ODA loans or concessional loans, except for ODA grants specified in clause 3 and 4 of this Article.
3. The State Bank of Vietnam may propose to the Government conclusion of specific international treaties on ODA grants that are not associated with loans granted by international banks and financial institutions represented by the State Bank of Vietnam.
4. The Ministry of Planning and Investment may propose to the Government conclusion of framework and specific international treaties on ODA grants for programs/projects not specified in clause 1, 2 and 3 of this Article.
Article 30. Order and procedures for signing, amending, supplementing and renewing international treaties on ODA and concessional loans
1. Order and procedures for signing, amending or renewing international treaties on ODA financing and concessional loans shall be subject to the regulations laid down in the Law on International Treaties.
2. In urgent cases where it is required that international treaties on ODA financing and concessional loans are signed for the Government and obtain consent from competent authorities, the negotiation and signing of international treaties on ODA loans , concessional loans for the Government shall be subject to the following regulations:
a) According to the provisions of Article 28 of this Decree and the request of the managing agency, the Ministry of Finance shall request the foreign donors or lenders to submit draft international treaties on ODA or concessional loans;
b) The Ministry of Finance shall consult the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and relevant agencies on the draft international treaties on ODA loans and concessional loans. The consulted agencies shall reply in writing to the Ministry of Finance within 05 days from the date of receipt of complete consulting dossiers;
b) Based on the comments of concerned agencies, the Ministry of Finance shall formulate the plans for negotiation of international treaties on ODA loans and concessional loans and submit them to the Prime Minister. Transmittal dossiers for negotiation of international treaties shall be subject to the regulations laid down in Article 11 in the Law on International Treaties;
d) The Ministry of Finance shall be in charge of, and coordinate with the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies in, negotiating with foreign donors or lenders about draft international treaties on ODA and concessional loans; promptly reporting to the Prime Minister on problems that arise in the course of negotiation and proposing remedial measures;
dd) Based on the negotiation results, the Ministry of Finance shall seek the Government’s decision to sign international treaties on ODA loans and concessional loans. Transmittal dossiers on proposal to sign international treaties shall be subject to the regulations laid down in clause 1, 2 and 6 of Article 17 in the Law on International Treaties;
e) Based on the Government’s decision, the Minister of Finance or the person authorized to act on the Government's behalf shall sign international treaties on ODA loans and concessional loans with foreign donors or lenders;
g) Within 10 days from the day on which the international treaty is signed domestically by both parties, or from the day on which the mission signing the international treaty abroad arrives in Vietnam, the proposing agency shall send the Ministry of Foreign Affairs an original copy of the international treaty; the Vietnamese translation in the event that the international treaty in foreign language is signed.
3. In case where the amendment, supplementation or renewal of a specific international treaty on ODA loan or concessional loan in the name of the Government is related to the contents already approved by the competent authority in the decision on revision of investment policy; does not give rise to more debt repayment obligations of the Government of Vietnam, or does not require a new international treaty to be signed for revision or amendment purposes, the Ministry of Finance may decide not to consult the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and other concerned agencies when seeking the Government’s decision on amendment, supplementation or renewal of the international treaty. Transmittal dossiers on revision, supplementation or renewal of the international treaty shall be subject to the regulations laid down in clause 6 of Article 54 in the Law on International Treaties, except for the comments of concerned agencies. When being consulted, concerned agencies shall reply in writing within the period of 05 days of receipt of complete consultation documents.
4. Where programs/projects funded by ODA or concessional loans, which are signed under multiple international treaties corresponding to the project’s phases:
a) For the international treaty signed for the first loan: Comply with the provisions of clause 1 or clause 2 of this Article;
b) For the international treaty signed for the subsequent loans: Based on the managing agency's proposal regarding necessity of the next loan; ODA loan and concessional loan limits approved by the competent authorities in the investment decision; project progress and disbursement results under the signed international treaties, the Ministry of Finance shall take the lead and coordinate with the managing agency and concerned agencies in determining the value of the next loan, discuss and agree with the donors and proceed with the order and procedures specified in clause 1 or clause 2 of this Article.
5. Where an international treaty requires the legal opinion of the Ministry of Justice, after receiving complete dossiers in accordance with existing regulatory provisions on granting legal opinions, the Ministry of Justice shall carry out procedures for granting legal opinions as per regulations.
Section 2. SIGNING OF AGREEMENTS ON ODA AND CONCESSIONAL LOANS
Article 31. Basis for proposal to sign agreements on ODA and concessional loans
1. For framework agreements on ODA and concessional loans: The basis for proposing the signing thereof is the result of mobilization, development and cooperation strategies and policies, priority areas for the use of ODA or concessional loans agreed between Vietnam and foreign donors, or investment decisions of programs/projects if specific programs/projects are involved.
2. For specific agreements on ODA and concessional loans: The basis for proposing the signing thereof is framework international treaties or framework agreements on ODA and concessional loans (if any) and the decision on investment in the program/project.
3. For specific agreements on ODA grants: In case the donor requests to sign, the basis for signing an agreement on ODA grant is the framework international treaty on ODA grant (if any) and project-non-project document or feasibility study report (for investment projects) approved by the competent authorities.
Article 32. Authorities proposing to sign agreements on ODA and concessional loans
1. The People’s Supreme Court, the People’s Supreme Procuracy, State Audit Agency, Ministries, ministerial agencies, and Governmental agencies, may propose to the Prime Minister the signing of specific agreements on ODA grants for their programs and projects, except for those specified in clause 3 of this Article.
2. The Ministry of Finance may propose to the Prime Minister the signing of framework and specific agreements on ODA loans, concessional loans or ODA grants for programs/projects funded by ODA loans or concessional loans, except for ODA grants specified in clause 3 of this Article.
3. The Ministry of Planning and Investment may propose to the Prime Minister the signing of framework and specific agreements on ODA grants for the programs/projects not specified in clause 1 and 2 of this Article.
Article 33. Order and procedures for signing, amending, supplementing and renewing agreements on ODA and concessional loans
1. Order and procedures for signing of agreements on ODA and concessional loans:
a) According to the provisions of Article 31 of this Decree and the request of the managing agency, the Ministry of Finance shall request the foreign donors or lenders to submit draft agreements on ODA or concessional loans;
b) The Ministry of Finance shall consult the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and relevant agencies on the draft agreements on ODA loans and concessional loans. The consulted agencies shall reply in writing to the Ministry of Finance within 05 days from the date of receipt of written requests for comments and relevant documents;
c) The Ministry of Finance shall be in charge of, and coordinate with the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies in, negotiating with foreign donors or lenders about draft agreements on ODA and concessional loans;
d) Based on the negotiation results, the Ministry of Finance shall submit proposal to the Prime Minister for decision on signing the agreement on ODA and concessional loans with the foreign donors or lenders;
dd) Based on the Prime Minister’s decision, the Minister of Finance or the person authorized to act on the Government's behalf shall sign agreements on ODA loans and concessional loans with the foreign donors or lenders;
e) Regarding agreements on mixed capital: The Ministry of Finance shall perform the order and procedures for signing prescribed under this clause;
g) For programs/projects funded by ODA and concessional loans, which are signed under multiple agreements corresponding to the project’s phases: Based on the loan value specified in the respective framework international treaty already signed, the Ministry of Finance shall be in charge of, and cooperate with the managing agency and concerned agencies in, performing the order and procedures for signing prescribed under this clause.
2. Order and procedures for amending, supplementing and renewing agreements on ODA and concessional loans shall be as follows:
a) The managing agency shall submit a request to the Ministry of Finance for amending, supplementing or renewing the agreement on ODA and concessional loans;
b) The Ministry of Finance shall consult the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies on the request for amending, supplementing or renewing agreements on ODA loans and concessional loans. The consulted agencies shall reply in writing to the Ministry of Finance within 05 days from the date of receipt of written requests for comments and relevant documents;
c) The Ministry of Finance shall report to the Prime Minister for approval of the content of amendments, supplements and renewal of the agreements on ODA and concessional loans;
d) Based on the Prime Minister’s decision, the Ministry of Finance shall proceed with procedures to amend, supplement and renew the agreement on ODA and concessional loans with foreign donors or lenders;
dd) In case amendments, supplements or renewal of agreements on ODA and concessional loans lead to changes to the contents of decision on investment policy for programs and projects that the competent authority has approved: The managing agency shall adjust the investment policy in accordance with Article 19 and the investment decision under Article 22 herein before proceeding with the order and procedures for amending, supplementing and renewing agreements on ODA loans and concessional loans as per point a, c and d of this clause;
e) In case amendment, supplementation or renewal of agreements on ODA and concessional loans is closely associated with the contents of amendments, supplements or renewal of the corresponding framework international treaty approved by the competent authority, the Ministry of Finance shall carry out the order and procedures for amending, supplementing or renewing agreements on ODA or concessional loans as per point c and d of this clause.
3. Order and procedures for amending, supplementing and renewing agreements on ODA and concessional loans shall be as follows:
a) The agency proposing the signing shall discuss and reach an agreement with the foreign donor on the draft agreement;
b) The agency proposing the signing shall consult the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies on the draft agreement. The consulted agencies shall reply in writing to the Ministry of Finance within 15 days after receiving written requests for comments and relevant documents;
c) The agency proposing the signing shall get back to the foreign donor to finalize the draft agreement and submit it to the Prime Minister for signing;
d) After obtaining the Prime Minister's approval of the signing, the head of the agency authorized by the Prime Minister shall sign the agreements with the foreign donors;
dd) For amendments and supplements to an agreement on ODA grant: On the basis of synthesizing the comments of the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and concerned agencies, the proposing agency shall submit the draft to the Prime Minister for decision.
4. Where an agreement on ODA and concessional loan requires the legal opinion of the Ministry of Justice, after receiving complete dossiers in accordance with existing regulatory provisions on granting legal opinions, the Ministry of Justice shall carry out procedures for granting legal opinions as per regulations.
5. In case the donor does not request to sign agreement on ODA grant, on the basis of the project/non-project document approved by the competent authority, on the basis of the project/non-project document approved by the competent authority, the managing agency or the State Bank of Vietnam (when it involves international financial institutions and banks where the State Bank of Vietnam acts as the representative) and the donor exchanges aide memoire on commitment to provide and receive ODA grant for project and non-project assistance implementation in accordance with applicable regulatory provisions; and concurrently send an original copy to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and concerned agencies for supervision and coordination.
6. If the donor requests to sign an agreement on implementation of the project or non-project assistance, the managing agency shall draft, negotiate and sign the agreement with the donor on the principle of no contradiction to international treaties, agreements on ODA and concessional loans and applicable regulatory provisions.
MANAGEMENT OF THE PROGRAM/PROJECT/NON-PROJECT ASSISTANCE
Article 34. Arrangements for management over programs/projects/non-project assistance
Depending on the scale, nature, and conditions, capacity for program/project management, regulations on management of ODA and concessional loans of the foreign donor, the investment decision maker shall decide on any of the following arrangements for program/project management:
1. For Investment programs/projects: Comply with the law on public investment management and construction investment management.
2. For technical assistance projects and non-project assistance funded by ODA grants:
a) The managing agency shall directly manage the project or assign an affiliated unit to act as the project owner and administer the implementation of the program, project or non-project assistance. For technical assistance projects and non-project assistance funded by an ODA grant worth USD 200,000 or less, the managing agency and project owner is not required to establish a Project Management Unit but may use their own human resource to manage and administer project and non-project assistance implementation;
b) Foreign donors directly manage the entire program/project or non-project assistance: Where the program or project documents or specific international treaties/agreements on ODA and concessional loans stipulate that foreign donors directly manage the entire programs/projects or non-project assistance, the head of the managing agency or project owner shall assign their subordinate units to coordinate with foreign donors in monitoring the progress and quality, leveraging and using the outputs of the programs/projects or non-project assistance;
c) Foreign donors directly manage a part of the programs/projects or non-project assistance: Where the program or project documents or specific international treaties/agreements on ODA and concessional loans stipulate that foreign donors directly manage a part of the programs/projects or non-project assistance and the Vietnamese side manage the rest, the managing agency or project owner shall decide to establish a Project Management Unit to manage the work undertaken by the Vietnamese side in accordance with Vietnam's applicable regulations and commitments with foreign donors.
3. For other programs and projects, the managing agency shall decide to apply one of these following forms:
a) Establishing a new Project Management Unit;
b) Using the existing Project Management Unit to manage new programs and projects: The managing agency and project owner must issue a decision on supplementing management task in relation to new programs and projects for the existing Project Management Unit;
c) The project owners manage the programs and projects themselves.
4. Establishing a Project Management Unit to manage and implement a large-scale program/project, involving high technology application or related to national defense and security; a program/project with special funding sources or management model that needs a Project Management Unit, a program/project that is required to establish a Project Management Unit under an international treaty or agreement on ODA and concessional loan.
5. Project owners shall employ capable personnel to manage and implement small-scale projects and projects participated by the community.
6. Hire consultants to manage a part of or the entire implementation of programs and projects.
Article 35. Project management
1. Within 30 days after the issuance of the investment decision or the decision on approval of the project document, the head of the managing agency shall issue a decision to establish a Project Management Unit by using the sample given in Appendix VII hereto. In cases where the project owner has full legal personality, the head of the managing agency may authorize the project owner to issue a decision on the establishment of the Project Management Unit (except for specialized Project Management Units, regional Project Management Units established under the regulations on management of construction investment).
2. Where a new Project Management Unit is established under the provisions of point a of clause 3 of Article 34 in this Decree, the decision to establish a project management unit shall be enclosed with documents specifying the organizational structure, functions, tasks, and entitlements of the project management unit; and job description of some key positions thereof.
3. In case of using the existing Project Management Unit for the new programs and projects according to the provisions of point b of clause 3 of Article 34 in this Decree: Pursuant to the decision on the establishment of the Project Management Unit, the head of the managing agency or the project owners shall complement and adjust the functions and tasks of the existing Project Management Unit, open new account and obtain new seal to manage new programs or projects.
4. Where the project owners manage the programs/projects on their own account as prescribed in point c of clause 3 of Article 34 herein, on the basis of the decision of the head of the managing agency to assign the project owner to manage the project implementation, within 30 days since the investment decision is issued, the project owner shall issue the decision to assign additional tasks to the subordinate unit, individual to perform the management activities in accordance with the existing regulatory provisions. Accordingly, there must be at least an officer in charge of management and an officer in charge of financial issues, who work on a part-time or full-time basis and must have professional skills and qualifications suitable for the position held.
5. Within 15 days after the decision to establish the project management unit is issued, the head of the managing agency or the project owner having legal personality shall be authorized by the head of the managing agency to issue the regulations on the organization and operation of the project management unit. Where an international treaty or agreement on ODA and concessional loan for the program/project provides for organizational structure, duties and entitlements of the project management unit, such provisions must be fully elaborated and reflected in the regulations on organization and operation of the project management unit.
Article 36. Responsibilities and authority of the managing agency in program/project management and implementation
1. The decision on organizational structure for the management and implementation of the program/project, including: project owner; steering committee of the program and project (if necessary).
2. Approve the 05-year implementation plan for the program/project; compile and approval annual plans for program/project implementation.
3. Direct the procurement process in accordance with applicable regulatory provisions, international treaties, agreements on ODA and concessional loans on procurement.
4. Organize the monitoring and inspection of the plan implementation; supervise and evaluate the performance of implementation and disbursement of funds; ensure progress, quality and achievement of set objectives in accordance with regulatory provisions on public investment and regulations on monitoring and evaluation under this Decree.
5. Bear the additional costs incurred because of human errors, wastefulness, corruption and misconducts in management and use of ODA and concessional loans under its management in accordance with regulations of law on public investment.
6. Perform other duties and entitlements in accordance with law, specific international treaties and agreements on ODA and concessional loans for programs/projects.
Article 37. Responsibilities and authority of project owners in program/project management and implementation
1. Organize the structure for program/project management and implementation according to the decision of the managing agency.
2. Take responsibility for effective management and use of ODA, concessional loans and counterpart funds of programs/projects from preparation and implementation through operation phase.
3. Disburse funds, manage funds and assets of the programs/projects in case where the project owners manage and implement the programs/projects by themselves.
4. Formulate and submit master plans and annual plans for program/project implementation.
5. Formulate quarterly operation plans serving the management, monitoring and evaluation of the program/project.
6. Carry out the procurement process in accordance with applicable regulatory provisions on procurement, specific international treaties on ODA and concessional loans.
7. Negotiate, conclude and supervise the implementation of contracts, and resolve difficulties within their competence.
8. Cooperate with the local government in compensation for site clearance and resettlement in accordance with law and the specific international treaty or agreement on ODA or concessional loan (for construction projects).
9. Organize the monitoring and assessment of the program/project in accordance with law on supervision and assessment of public investment and regulations of this Decree, ensuring progress, quality and achievement of set objectives.
10. Perform accounting, account finalization and audit of the program/project in accordance with regulatory provisions; make reports on closing and account finalization of the program/project; audit and hand-over assets and documents of the program/project, and ensure compliance with regulations on project closing of the specific international treaty or agreement on ODA and concessional loans.
11. Take full responsibility for every loss, wastefulness, corruption, and misconduct that occurs during the implementation of the program/project if they cause economic, social, environmental damage, or affect the overall effectiveness of the program/project.
12. Regarding a program/project eligible for full or partial on-lending from the state budget, the project owner shall repay the on-lent amount in full and on time in accordance with on-lending terms agreed with the Ministry of Finance or the on-lending agency.
13. Perform other duties and entitlements in accordance with law, specific international treaties and agreements on ODA and concessional loans for the programs/projects.
14. Take responsibility to notify the Ministry of Finance of the designated service banks for its fund withdrawal and disbursement.
15. Bear responsibility before law and the managing agency within their rights and obligations prescribed in this Decree and other regulatory provisions.
Article 38. Responsibilities and entitlements of project management units in program/project management and implementation
1. Responsibilities and entitlements of the project management unit are assigned by the project owner under the decision on project management unit establishment. The project owner may authorize the project management unit to issue decisions or sign documents within the project owner’s competence in the process of program/project management and implementation. The authorization must be specified in the decision to establish project management unit or made into a specific authorization letter by the project owner.
2. The project management unit may be assigned to manage multiple programs/projects as long as it is accepted by the project owner and ensure that: Each program/project is not interrupted and is managed and accounted for in accordance with applicable regulatory provisions. If the project management unit is not capable of some management and supervision tasks, they may hire consultants to perform such tasks provided that it is accepted by the project owner.
3. The project management unit shall perform the tasks assigned by the project owner and be accountable to the project owner, including:
a) Formulate and submit master plans and annual plans for program/project implementation;
b) Prepare and implement the program/project;
c) Carry out activities related to procurement, contract management and compensation for site clearance and resettlement;
d) Disburse funds, manage funds and assets of the program/project;
dd) Monitor and evaluate the implementation of the program/project;
e) Prepare the acceptance and transfer of the completed program/project; finish payment, account finalization and audit work, transfer assets of the program/project; prepare the completion report using the sample given in Appendix X hereto and account finalization report of the program/project; follow regulations on project closing in the applicable international treaty or agreement on ODA and concessional loan;
g) Perform other tasks assigned by the project owner within the framework of the program/project.
4. Perform other duties and entitlements in accordance with law, specific international treaties and agreements on ODA and concessional loans for the programs/projects.
5. Bear responsibility before law and the managing agency within their rights and obligations prescribed in this Decree and other regulatory provisions.
Article 39. Organization and operation regulations of the project management unit
1. Within 15 days from the day on which the competent authority issues the decision to establish the project management unit, the Director of the project management unit shall submit organization and operation regulations to the managing agency or the project owner authorized by the managing agency referred to in clause 1 of Article 35 for approval according to the sample given in Appendix VIII hereto. The managing agency and/or the project owner shall send these Regulations to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, concerned agencies and foreign donors within 05 days from the day on which the Regulations are approved.
2. With respect to construction investment programs and projects, the organization and operation Regulations of the managing agency shall be subject to legislative regulations on construction.
3. The organization structure of the project management unit:
a) Appointment to the key positions of the project management unit shall be made by the managing agency under the decision to establish the project management unit, including: Director, Deputy Director (if any), Chief Accountant or Accountant in charge. The Director of the project management unit shall be accountable to the project owner and/or the managing agency for management and administration of the project management unit, and implementation of the project in accordance with law and specific international treaties or agreements on ODA and concessional loans already signed;
b) Where a new project management unit is founded: Based on the contents, scale, nature, extent of its operation, and arrangements for management of implementation, the project management unit must be fully staffed by properly qualified and experienced members to ensure the effective and sustainable management of implementation of the projects. The Director of the project management unit shall propose the organization structure of the project management unit, which may be composed of functional units in charge of day-to-day administration, human resource and training, planning, procurement, finance, monitoring and supervision work in the organization and operation regulations of the project management unit;
c) Where the project management unit that is in operation is assigned to manage the new programs/projects: The Director of the project management unit shall complement and adjust the tasks in the organization and operation regulations of the project management unit to match assigned duties, and submit revised and updated tasks to the managing agency and the project owner to seek their decision;
d) Where the project owner manages the program/project on their own, the project owner shall assign duties in writing to subordinate officers to take part in management and implementation of the programs/projects.
4. Personnel of the project management unit shall be recruited, appointed and discharged. Functions, tasks, powers, remuneration package (salaries, bonuses, allowances,...) are specified according to terms of assignment of jobs appropriate for positions and relevant law. Nominating, hiring and appointing officeholders who are not on the payroll of the project owner or the managing agency to hold posts at the project management unit shall be aligned with the contents of the program/project document already approved by the competent authority and comply with relevant law.
5. Seal and account of the project management unit:
a) The project management unit shall be allowed to use its own seal according to the regulatory provisions or the seal of the managing agency or the project owner according to the regulations of the managing agency or the project owner to serve the management and maintenance of the program/project;
b) The project management unit shall be entitled to open Vietnamese dong and/or foreign currency accounts of the programs/projects at commercial banks or the State Treasury for respective funding sources of the programs/projects in accordance with regulations of law and specific international treaties, agreements on ODA and concessional loans already signed with foreign donors.
6. Operating budget of the project management unit: The operating budget of the project management unit shall be allocated by the counterpart fund for preparation and implementation of the programs or projects specified in clause 2 of Article 44 in this Decree, or funded by ODA grants in accordance with the provisions of law and specific international treaties, agreements on ODA and concessional loans already signed with foreign donors.
7. The management and use of assets assigned by the managing agency or project owner to the project management unit for management and implementation of projects/programs:
a) Assets of programs/projects assigned by the managing agency or project owner to the project management unit for management and implementation of these projects/programs must be used economically, effectively, and serve correct purposes and beneficiaries in accordance with law and project documents, specific international treaties or agreements on ODA and concessional loans already signed with foreign donors;
b) In case where the consultant or consulting organization or the contractor transferring, donating or assigning the assets to the project management unit, the project management unit shall send the managing agency or project owner a written request for management and use thereof during the course of implementation of the program/project, and transfer thereof to the managing agency or project owner after the program/project is completed.
8. Upon completion of the program/project and dissolution of the project management unit:
a) The deadline for completion of the program/project funded by ODA or concessional loan is prescribed in the investment decision, the decision on approval of project documents, specific international treaty or agreement on ODA and concessional loan already signed with the foreign donor;
b) Within the maximum duration of 06 months from completion of the program/project, the project management unit is obliged to prepare and send the managing agency or the project owner the report on completion of the program/project in order for the project owner to submit that report to the managing agency. Program/project completion report shall be made on the basis of the report on completion of the program/project under law and the specific international treaty or agreement on ODA and concessional loan;
c) The project management unit shall transfer assets of the program/project of which the custody is awarded the managing agency or the project owner by the competent authority in accordance with law;
d) After the completion report or the financial report of the program/project is approved by the managing agency or the project owner, and the transfer of assets to the managing agency or the project owner is completed, the managing agency shall issue the decision on completion of the program/project and the decision on resolution of the project management unit;
dd) In case where it is necessary to settle financial obligations and complete all required procedures, the project management unit shall send the managing agency or the project management unit the letter of transmittal to request the issuance of the decision to allow prolonging of the activities of the project management unit, and the provision of adequate budget for these activities;
e) Where the project management unit manages various programs/projects, the managing agency or the project owner shall issue the decision on completion of each program/project, and adjust the corresponding functions and duties of the project management unit.
Article 40. Hiring of consultants for program/project management
1. The program/project management consultant shall perform the tasks and commitments under the contract with the project owner while complying with relevant applicable regulatory provisions.
2. The project owner shall select program and project management consultants through bidding and signing consultancy contracts according to applicable regulations. When hiring a program/project management consultant, the project owner must designate an affiliated specialized unit or appoint a unit in charge of inspecting and supervising the consultant’s contract performance.
Article 41. Formulation, appraisal, approval and assignment of the public investment plans funded by foreign funding sources for programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. Formulation, appraisal, approval and assignment of the medium-term public investment plans funded by ODA and concessional loans shall be subject to the regulations laid down in Chapter III of the Law on Public Investment and the Government’s regulations detailing some articles of the Law on Public Investment.
2. ODA and concessional loans of foreign donors applying the domestic financial mechanism for on-lending thereof to domestic public non-business units shall comply with the provisions of international treaties, agreements on ODA and concessional loans, and the Law on Public Debt Management and other applicable regulatory provisions.
3. Programs and projects already obtaining investment policy decisions from competent authorities, and new projects, have to ensure that the time limit for disbursement of capital for implementation of category-A, category-B and category-C projects is 6, 4 and 3 years, respectively. In case of failing to meet the aforesaid time limit, the Prime Minister shall decide the implementation duration of projects funded by the central budget capital.
The implementation duration of a program/project funded by ODA or concessional loan is determined from the time of allocating fund to the program or project by a competent authority.
Article 42. Preparing and approving master plans for implementation of programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. The master plan for implementation of a program/project shall cover its entire duration, all components, items, activities, relevant funding sources (e.g. ODA, concessional loan, counterpart fund) and schedule.
2. Within 30 working days from the day on which the specific international treaty or agreement on ODA and concessional loans is signed, based on the feasibility study report, program/project document approved by a competent authority, the decision on investment in the program/project, and the specific international treaty or agreement on ODA and concessional loan, the project owner shall coordinate with the foreign donor in preparing or reviewing, updating the master plan for program/project implementation before submitting it to the managing agency for approval.
3. Within 05 working days from the day on which the master plan for program/project implementation is approved, the managing agency shall send the decision on approval enclosed with the master plan to the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, concerned agencies, and the foreign donor to facilitate their monitoring, evaluation, and cooperation in implementing the program/project.
Article 43. Preparing and approving annual plans for implementation of programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. Based on the master plan for the program/project implementation already approved by the managing agency; Based on the actual disbursement and disbursement plan specified in the applicable specific international treaties, agreements on ODA and concessional loans, the project owner shall review and submit annual implementation plan to the head of the managing agency for approval. The annual implementation plan for programs and projects funded by ODA and concessional loan is also part of the annual investment plan of the managing agency.
2. The content of the annual program/project implementation plan shall contain detailed information about its components (divided into technical assistance component and construction component), main activities, items, funding sources including counterpart fund, and tentative schedule.
3. The annual plan approved by the managing agency is the basis for the project owner to formulate quarterly plans serving the management, monitoring and evaluation of the program/project implementation.
4. Every year, when formulating the socio-economic development plan and state budget estimate in accordance with regulations in effect, the managing agency shall incorporate the annual program/project implementation plan in its annual public investment plan and annual budget plan. Based on the managing agency’s annual budget plan, the Ministry of Planning and Investment shall formulate the capital plan and coordinate with the Ministry of Finance in submitting the annual socio-economic development plan and annual budget plan to the National Assembly for approval.
5. Procedures for assigning tasks in the annual program/project implementation plan shall comply with applicable regulatory provisions on assigning annual socio-economic development tasks.
6. Within 05 working days from the day on which the annual plan for program/project implementation is approved, the project owner shall send the decision on approval enclosed with the annual program/project implementation plan to the managing agency and seek agreement from the managing agency to send it to Ministry of Planning and Investment, concerned agencies, and the foreign donor to facilitate their monitoring, evaluation, and cooperation in implementing the program/project.
7. Regarding a program/project eligible for full on-lending from the state budget: Every year when formulating the socio-economic development plan and state budget estimate, the project owner shall formulate the program/project implementation plan and submit it to the managing agency for approval of the ODA or concessional loan financing plan and submit it to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, and the authorized on-lending agency for supervision. The managing agency and the project owner shall provide sufficient counterpart fund according to the progress of the program/project.
8. Regarding a program/project eligible for partial on-lending from the state budget: Depending on the nature of each component (full grant or on-lending), the project owner shall apply the procedures for preparing and submitting the program/project plan for each component in accordance with clauses 1, 2, and 7 of this Article.
Article 44. Counterpart funds for preparing and implementing the program/project
1. The counterpart fund must be sufficiently provided in a timely manner and according to the set schedule to prepare and implement the program/project (including prior activities, if any). The funding sources, level, and mechanism of the counterpart fund must be suitable for the expenditures of the program/project agreed between the managing agency and the foreign donor, and specified in the feasibility study report and program/project document as appraised and approved by a competent authority.
2. Counterpart funds shall cover:
a) Operating costs of the project management unit (e.g. salaries, bonuses, allowances, offices, work equipment, administrative costs);
b) Costs of design appraisal, examination of overall budget estimates, completion of procedures for investment, construction and other necessary administrative procedures;
c) Costs of contractor selection;
d) Costs of workshops, conferences, training in management and implementation of the program/project;
dd) Costs of receiving and imparting international technologies, experience and skills;
e) Costs of communication, advertising and community activities;
g) Taxes, customs fees, insurance premiums according to applicable regulations;
h) Interest expenses, deposits, commitment fees and other relevant fees payable to the foreign donor;
i) Costs of receiving and transporting equipment domestically (if any);
k) Costs of account finalization and verification of final accounts;
l) Compensation, support and resettlement costs;
m) Costs of some basic activities of the program/project (e.g. survey, technical design, construction of certain items, procurement of certain equipment);
n) Costs of monitoring and evaluation; quality assurance and control, acceptance, hand-over and account finalization of the program/project;
o) Contingencies and other reasonable expenses.
3. Regarding a program/project eligible for full grant from the state budget: The managing agency shall allocate counterpart fund in its annual budget estimate based on budget decentralization arrangement and other legitimate financial sources, which are clearly classified into capital expenditures and recurrent expenditures corresponding to spending items of the program/project; ensuring sufficient and timely counterpart fund as specified in the feasibility study report and program/project document approved by a competent authority, the decision on investment, regulatory provisions on state budget and applicable specific international treaty or agreement on ODA and concessional loans.
4. Regarding a program/project eligible for full on-lending:
a) For localities eligible for full on-lending: The counterpart funds shall be provided by local government budgets;
b) For enterprises and public non-business units eligible for full on-lending: The project owner shall provide the counterpart fund at their own expense or seek the competent authority’s decision to ensure the adequate counterpart fund for the program/project according to regulations before signing the on-lending agreement.
5. For a programs/project with the hybrid financial mechanism (the combined grant and on-lending mechanism): The managing agency or the project owner shall allocate sufficient counterpart fund in accordance with applicable regulatory provisions before signing the on-lending agreement.
6. Regarding the program/project eligible for grant from the state budget that is not approved or concluded at the same time as the annual budget estimates, and hence not provided with counterpart fund: The managing agency shall request the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance in writing to take actions within their jurisdiction, or seek the competent authority’s decision on supplementation of the annual budget estimate.
If the counterpart fund plan is not made at the same time as the annual budget plan, the managing agency shall provide it from the allocated capital. If the managing agency is not able to provide counterpart fund, it shall request the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance in writing to seek approval of capital advance, which will be then deducted from the next year’s budget plan.
7. Norms of the counterpart fund shall be aligned with the state budget spending norms and conform to the regulations laid down in relevant legislation.
Article 45. Taxes and fees imposed upon programs/projects
Taxes and fees imposed upon programs and projects shall comply with applicable regulatory provisions on taxes and fees, and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory. Where there are discrepancies between Vietnam's domestic law and a signed international treaty on the same issue, the latter shall prevail.
Article 46. Compensation, support and resettlement
Compensation, support and resettlement in the course of implementation of programs/projects shall comply with applicable regulatory provisions and international treaties on ODA and concessional loan to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory. Where there are discrepancies between Vietnam's domestic law and a signed international treaty on the same issue, the latter shall prevail.
1. The contractor selection shall be carried out in accordance with the international treaty between Vietnam and the foreign donor; where there are discrepancies on contractor selection between the international treaty to which Vietnam is a signatory and the Law on Bidding, such international treaty shall prevail. If the international treaty does not provide for contractor selection procedures, the contractor selection process shall be carried out in accordance with the Law on Bidding.
2. Delegation procedures for submission, appraisal and approval of bidding contents shall comply with Vietnam's regulations on bidding. The content of appraisal and approval shall comply with the international treaty under the rules prescribed in clause 1 of this Article.
1. Surplus funds may be used only after capital is fully provided for successfully accomplishing the objectives of a project or project items at an investment stage with respect to the project involves various staged loans.
2. In cases where it is really necessary to use the surplus funds to promote the efficiency without altering major objectives specified in the investment policy decision of the ongoing program/project:
a) The managing agency shall be in charge of determining the necessity and efficiency to decide the use of the surplus funds; send the written proposal or agreement for use of the surplus funds of the foreign donor and other relevant documents to the Ministry of Planning and Investment;
b) The Ministry of Planning and Investment shall take the lead and incorporate the comments of the Ministry of Finance, other relevant agencies and foreign donors into a report prepared for submission to the Prime Minister to seek his decision.
3. Where there is the demand for the surplus funds for implementation of a new program/project, the managing agency shall send a letter of transmittal to the Ministry of Planning and Investment, enclosing the report on the investment policy proposal for that program/project. The Ministry of Planning and Investment shall take the lead and coordinate with concerned agencies in working with the foreign donor to reach agreement on use of the surplus funds and the applicable financial mechanism, and proceeding with the procedures for decision on the investment policy stipulated in Article 14, 15, 16, 17 and 18 herein.
4. Cancellation of surplus funds: The managing agency shall synthesize comments of the Ministry of Planning and Investment and request the Ministry of Finance to cancel the surplus funds of the program/project. Based on the proposal of canceling the surplus funds, the Ministry of Finance shall inform the donor of the cancellation of surplus funds.
In case the cancellation incurs fund cancellation or other fees, the managing agency shall synthesize the comments of the Ministry of Planning and Investment and request the Ministry of Finance to cancel the surplus funds of the program/project. Based on the managing agency's proposal, the Ministry of Finance shall report to the Prime Minister for permission to cancel the surplus funds before informing the donor of the cancellation.
Article 49. Construction management, acceptance, hand-over, audit and account finalization
1. Regarding a construction project, the appraisal of the feasibility study report; the approval of the investment project; the appraisal and approval of the construction design; the grant of construction permit, construction quality management, acceptance, hand-over, project warranty and insurance shall comply with applicable regulatory provisions on construction management and international treaties on ODA and concessional loan to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory. Where there are discrepancies between Vietnam’s domestic law and the international treaty already in effect on the same issue, then the international treaty shall prevail.
2. Regarding a technical assistance program/project, upon completion, the managing agency shall carry out the acceptance procedures and take necessary measures to continuously operate it and maximize the achievements, as well as comply with applicable regulatory provisions on financial and asset management of the program/project.
3. The audit and account finalization of the program/project shall be carried out in accordance with applicable regulatory provisions and international treaties on ODA and concessional loans to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory, or at the request of the foreign donor. Where there are discrepancies between Vietnam’s domestic law and the signed international treaty on the same issue, the international treaty shall prevail.
Article 50. Monitoring and evaluation of programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. Monitoring, evaluation and supervision of programs/projects funded by ODA and concessional loans:
a) Monitoring, evaluation and supervision of programs/projects funded by ODA and concessional loans shall be subject to the regulations laid down in Article 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76 and 77 of the Law on Public Investment and other relevant law. Where there are discrepancies between Vietnam’s domestic law and a signed international treaty on the same issue, the international treaty shall prevail;
b) The Ministry of Planning and Investment shall develop and run the national information system and database on public investment; the information system for monitoring of investment evaluation;
c) Ministries, central authorities and local authorities shall develop and run the national information system and database on public investment; the information system for monitoring of investment evaluation within their remit.
2. Monitoring, evaluation and supervision of programs/projects funded by stand-alone ODA grants independent of any loan and non-project assistance:
a) Monitoring and inspection of the programs/projects and non-project assistance: The project owner shall monitor and inspect the implementation of programs, projects and non-project assistance on the basis of program, project or non-project assistance documents approved by the competent authorities to ensure achievement of the set objectives, and periodically report to the managing agency on the monitoring and inspection results;
b) Evaluation of programs, projects and non-project assistance: Within 3 months from the end of the program, project or non-project assistance, the project owner shall complete the evaluation report for the program, project or non-project assistance, covering the following contents: Implementation process; implementation results of objectives; resources mobilized; benefits from the programs, projects and non-project assistance to beneficiaries; impacts, sustainability; lessons learned and necessary recommendations; responsibilities of concerned agencies, organizations and individuals;
c) Reporting requirements on the implementation of programs, projects and non-project assistance for managing agencies and project owners: Managing agencies and project owners shall send reports according to applicable regulatory provisions.
STATE ENTERPRISES' USE OF ODA AND CONCESSIONAL LOANS OF FOREIGN DONORS
Article 51. Areas needing and conditions for use of ODA and concessional loans of foreign donors
1. State enterprises may use ODA and concessional loans of foreign donors for investment in the projects in the priority areas referred to in Article 5 hereof according to the industries and business sectors specified in establishment decisions or enterprise registration certificates.
2. Conditions for use of ODA and concessional loans of foreign donors:
a) State enterprises eligible to use ODA and concessional loans of foreign donors must be enterprises of which charter capital is wholly held by the State and subsidiaries thereof;
b) State enterprises may be granted all foreign ODA and concessional loans on-lent in accordance with the Government’s regulations on on-lending of foreign ODA and concessional loans;
c) State enterprises shall agree to record increases in the state capital contributions in enterprises if the state uses ODA grants associated with ODA and concessional loans (if any) as such capital contributions for implementation of investment projects.
1. Order and procedures for approval; documentation requirements and time limits for considering; criteria for selecting the program/project proposal shall comply with the regulations laid down in Article 13 herein.
2. The managing agency shall send the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance the proposal for project funded by foreign ODA and concessional loan.
3. The Ministry of Finance shall take the lead for determining the grant elements, evaluating the impact of new loans on the public debt safety thresholds, and reporting to the Prime Minister in accordance with the Law on Public Debt Management and to the Ministry of Planning and Investment.
4. The Ministry of Planning and Investment shall incorporate the comments of the Ministry of Finance, other relevant agencies and foreign donors into a report to be submitted to the Prime Minister to seek his decision.
5. The Prime Minister shall consider approving the proposals for program/project funded by ODA and concessional loan of the state enterprises as per clause 1 and 2 of Article 29 in the Law on Public Debt Management and clause 1 of Article 13 herein.
6. Based on the decision on approval of the project proposal issued by the Prime Minister, the managing agency shall assign concerned agencies and organizations to prepare the project in accordance with relevant regulations.
Article 53. Assent to investment policy
1. Authority to grant assent to investment policy shall be subject to the regulations laid down in Article 30, 31 and 32 of the Law on Investment.
2. Documentation requirements, order and procedures for assent to the investment policy shall be subject to Article 33, 34, 35 and 36 of the Law on Investment.
Article 54. Investment decision
Authority, documentation requirements, order and procedures for decision on investment in the project funded by ODA and concessional loans of foreign donors that are fully on-lent to the state enterprises shall be subject to law on enterprises, construction, management and use of state capital invested in production and business activities at enterprises, and other relevant regulations.
Article 55. Signing, amending, supplementing and renewing international treaties or agreements on ODA and concessional loans
Signing, amending, supplementing or renewing international treaties on ODA and concessional loans shall comply with the regulations laid down in Chapter IV herein and Article 29 of the Law on Public Debt Management.
Article 56. On-lending of ODA and concessional loans
On-lending of ODA and concessional loans shall be subject to the Law on Public Debt Management and the Government’s regulations on on-lending of ODA and concessional loans of foreign donors.
Article 57. Project modification
1. Project modification shall comply with Article 41 in the Law on Investment and the Government's regulations elaborating on and providing instructions for implementation of a number of Articles of the Law on Investment.
2. Where modification of a program/project leads to any increase in total amount of ODA and concessional loan of the foreign donor, the managing agency shall carry out the procedures for modification of the project proposal and assent to the investment policy in accordance with Article 52 and 53 herein.
Article 58. Setting 5-year on-lending limits, developing annual on-lending plans and limits
Setting 5-year on-lending limits, developing annual on-lending plans and limits shall comply with the regulations laid down in the Law on Public Debt Management and relevant regulatory provisions.
Article 59. Management, implementation, supervision, evaluation and reporting regime
Management, implementation, supervision, evaluation and reporting regime shall be subject to regulations currently in force.
FINANCIAL MANAGEMENT OF ODA AND CONCESSIONAL LOANS
Section 1. OPENING AND MANAGEMENT OF PAYMENT ACCOUNTS
Article 60. Opening payment accounts for programs and projects funded by ODA or concessional loans at State Treasuries and service banks
1. Accounts for ODA and concessional loans:
a) ODA and concessional loans channeled to the state budget shall be managed, accounted for and monitored on the accounts of each budget level;
b) The project owner shall register the project's account opened at State Treasuries or service banks to receive ODA and concessional loans for activities of the programs or projects.
2. Accounts for counterpart funds: The project owner shall open accounts at the State Treasury that is convenient for their transactions (hereinafter referred to as transacting State Treasury) so as to control and payment of counterpart fund (domestic fund) for the project, or at the bank that they choose (if enterprises are fully on-lent these funds).
Article 61. Criteria for selection of service banks for programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. The bank designated as the service bank for the program/project must have experience in managing ODA and concessional loan withdrawal, based on the domestic credit rating of the competent authority, meeting banking professional standards and qualifications, complying with regulations on prudential ratios in banking operations.
2. Having a network of branches suitable to the requirements of the programs/projects.
3. Accepting the responsibilities of service banks as stipulated in Articles 60, 62, 63, 64, 78 and 89 herein.
Article 62. Responsibilities of service banks
1. Carry out the procedures for the Ministry of Finance or project owners to open ODA and concessional loan accounts for the programs or projects in accordance with the international treaties, agreements on ODA and concessional loans signed by the competent authorities, as well as regulations laid down in Chapter VI and VII of this Decree.
2. Monitor and manage accounts, conduct banking transactions and collect fees according to regulations, and report information on accounts of the programs or projects funded by ODA and concessional loans in accordance with Chapter VII and VIII of this Decree.
Article 63. Principles for opening and managing designated accounts for advance payment of ODA and concessional loans
1. The transacting State Treasury or the service bank shall carry out the procedures for opening designated accounts for advance payments (transaction accounts) for project owners or the Ministry of Finance in accordance with the project's payment requirements, ensuring the direct transfer of funds to the projects, not through intermediary accounts. In cases where a project is supported by multiple financial sources, separate accounts must be opened to monitor individual withdrawals.
2. Where the managing agency assigns several implementing units, the project owners shall open branch accounts at the transacting State Treasury or the service bank branch.
3. The currency of the account is the borrowing foreign currency (except for cases where the Ministry of Finance approves the opening of accounts in Vietnamese dong).
4. Management of interest earned on advance payment accounts:
a) Interest earned on advance payment accounts must be separately accounted and used for payment of banking service charges according to regulations. Banking service charges are considered project expenses. Where the amount of interest earned is not enough to cover banking service charges, the project owners shall make a budget estimate and earmark a part of counterpart fund for payment of the charges not yet fully paid.
b) Upon completion of all spending activities on the designated account, for projects eligible for full grant from the state budget, the project owners shall remit the amount of interest earned thereon into the state budget. For projects eligible for full on-lending, the amount of interest earned shall be the project owners’ revenue. For projects eligible for partial on-lending, the amount of interest earned shall be distributed on a pro rata basis.
Article 64. Responsibilities of the account opening institutions of programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. At the request of the project owners as the account holders, the State Treasury or the service bank shall provide guidance on documentation requirements and procedures for opening payment accounts of the projects and carrying out payment, fund withdrawal and other transactions according to the applicable regulations.
2. The State Treasury or the service bank shall guide and provide project owners with sufficient information for the payment transaction via the State Treasury or service bank system.
3. On a monthly basis, as agreed upon between the account opening institutions and the account holders, and upon the account holders’ request, the account opening institutions shall send the balance statements of the designated accounts to the account holders, including details of the amount in the base currency, the beneficiaries and transaction dates, applicable exchange rates and the equivalent value in VND, opening balance, outflows and the closing balance.
4. On a monthly basis, as agreed upon between the account opening institutions and the account holders, and upon the account holders’ request, the account opening institutions shall notify the account holders of the interest earned on the designated accounts of the projects (if any); banking service charges collected; the difference between interest earned and service fees paid; opening and closing balance.
5. Within 02 working days after being informed of the disbursement by the foreign donors, the account opening institutions shall credit to the accounts of the project and notify the account holders.
6. Before the 10th of each month, the State Treasury and the service bank shall submit a synthesis report to the Ministry of Finance on previous-month changes arising in the ODA, concessional loan accounts opened throughout the entire system. The report must detail project names, project owners, accounts, sub-accounts (each account or sub-account is used for a source of funding); must separate ODA grants and loans; must provide details about the opening balance, total withdrawal from foreign donors in the period, total expenditures in the period, the closing balance, repayments to foreign donors (if any); must provide data on interest earned on ODA and concessional loan accounts in the period, the amount of interest used to cover banking service charges, and closing interest balance.
7. At the end of every fiscal year, account balances shall be reconciled with the project owner.
Section 2. ANNUAL FINANCIAL PLANS FOR ODA AND CONCESSIONAL LOANS
Article 65. Principles of formulation of annual financial plans for programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. Based on the medium-term plans approved by the competent authorities, the managing agencies shall formulate annual financial plans for programs/projects funded by ODA and concessional loans.
2. The annual financial plan must be detailed by each program, project, international treaty, and agreement on ODA and concessional loans already signed, including foreign funds granted from the central budget, on-lent foreign funds, and counterpart fund granted from the central government budget, the local government budgets. In cases where the projects are funded according to the pro-rata on-lending approach, the financial plan must reflect the exact ratio of granted and on-lent amounts in line with the financial mechanism approved by the competent authorities.
3. The allocation level of ODA, concessional loans and counterpart fund in the annual budget estimates must be in line with international treaties and signed agreements on ODA and foreign concessional loans, and the actual disbursement capacity of programs and projects funded by ODA, concessional loans.
4. The formulation of annual financial plans for programs, projects funded by ODA and concessional loans shall adhere to regulatory procedures for formulation of annual state budget estimates under the provisions of the Law on State Budget and relevant legislation.
Article 66. Synthesis of financial plans for ODA and concessional loans in the annual state budget estimates
1. For capital investment programs/projects eligible for full grant from the state budget, Ministries, central and local authorities shall propose public investment plans in order for the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance to integrate them in the annual state budget estimates.
2. For on-lent loans to provincial People's Committees, the provincial People's Committees shall elaborate the withdrawal plans for on-lent fund, and report to competent authorities as required by the Government's Decree on the management of local governments’ debts, and deliver the plans to the Ministry of Finance to be incorporated into the State budget estimates and report to competent authorities for decision.
3. For on-lending projects of enterprises or public non-business units, the project owners shall deliver to the Ministry of Finance the registration of annual plans on disbursement of on-lent fund, and concurrently send these plans to the managing and authorized on-lending agencies. The Ministry of Finance shall synthesize and submit them to the Government for decision on the limit of ODA and concessional loans for annual on-lending as per regulations.
Article 67. Entry and approval of annual estimates on the Treasury and Budget Management Information System (TABMIS)
1. As for the central budget, based on the budget estimates approved by the National Assembly and assigned by the Prime Minister, the managing agency shall allocate and enter estimated fund for the Ministry of Finance's verification and approval of estimates comprising funds derived from ODA, concessional loans and ODA grants associated with foreign donors' loans on TABMIS as per regulations on TABMIS operation and applicable guiding documents.
2. As for local budget, based on the budget estimates approved by the provincial People's Councils and assigned by the provincial People's Committees, the provincial Departments of Finance shall enter and verify capital investment plans and recurrent expenditure estimates from ODA loans and ODA grants associated with foreign donors' loans and concessional loans as targeted local budget support; the Government's ODA loans and ODA grants associated with foreign donors' loans for on-lending to local budget on TABMIS according to applicable regulatory provisions.
3. The entry of estimates into TABMIS must ensure the correct source of granted ODA and concessional loans, targeted local budget support via on-lent ODA and concessional loans to localities as well as assigned portfolio and norms assigned by the competent authorities (for targeted local budget support).
Section 3. EXPENDITURE REVIEW OF ODA AND CONCESSIONAL LOANS
Article 68. Principles of expenditure review
The expenditure review and repayment of ODA and concessional loans (hereinafter referred to as expenditure review) shall comply with the applicable regulations on state budget fund.
1. Expenditure review applies to all expenditures of the project financed by ODA and concessional loans, including those in the form of L/C or direct payments authorized to foreign parties, ensuring that expenditures are based on estimates and in compliance with the signed international treaties on ODA and concessional loans and applicable domestic regulations on financial management.
2. Expenditure review for the programs and projects funded by foreign ODA and concessional loans that are eligible for full grant from the state budget or partial on-lending on a pro-rata basis are conducted in compliance with applicable regulations on state budget within the approved estimates of foreign fund, annual on-lending plan, or revisions thereof made in the year (if any) approved by the competent authorities.
3. Order, procedures, documentation requirements for expenditure review, the written request for certification of eligible non-business expenditures and the written request for payment of capital expenditures of the project owners shall comply with the regulatory provisions on administrative procedures in the field of state treasury.
4. Time limit for expenditure review of advances and payments in the fiscal year:
a) Statutory advances: Expenditure review must be conducted not later than December 31 of the planning year while the project owner shall send dossier and other evidencing documents to the expenditure review agency by December 31 every year;
b) Payments for completed quantities are subject to expenditure review until January 31 of the following year.
5. For on-lending projects and component subject to credit limits applicable to loan agreements signed in 2017 and earlier: Expenditure review dossiers and procedures for on-lending projects and components subject to credit limits shall follow regulations of credit institutions using on-lent loans and the signed specific international treaties and agreements on ODA and concessional loans. Credit institutions using on-lent ODA or concessional loans shall be legally responsible for the eligibility and validity of extended credit and fees in their statements of expenditures sent to the Ministry of Finance when preparing and submitting foreign fund withdrawal dossier.
6. Expenditure review dossiers and procedures for projects or project components applying the full on-lending mechanism: The on-lending agencies shall comply with clause 3 of this Article and on-lending agreements.
7. Based on the project owner's expenditure review request for all forms of withdrawal, the expenditure review agency shall consult the signed international treaties, agreements on ODA and concessional loans and payment terms set in the agreements (e.g. number of payments, payment period, time of payment and payment conditions) or the approved estimates for non-contractual payments, and the value of each payment, to effect expenditure review to the project owner. Project owners are responsible for the methods of contractor selection, the accuracy and legality of the accepted quantities eligible for payment, norms, unit prices, estimates for different types of work, project quality and compliance with applicable regulations. Project owners are responsible for managing and using funds for the right purposes, right subjects and ensuring cost efficiency and effectiveness. Project owners are responsible for strictly abiding by the legislative regulations on the regime for financial management of ODA and concessional loans.
Article 69. Expenditure review agencies
1. The State Treasuries at all levels shall control the payment dossiers of projects or project components eligible for full grant from the state budget; projects eligible for partial grant and pro-rata partial on-lending, and on-lending projects of provincial People's Committees.
2. The on-lending agencies authorized by the Ministry of Finance shall control the payment dossiers of the projects or the project components that apply full on- lending mechanism.
3. For other programs and projects which have not been specified in clause 1 and 2 of this Article yet, the Ministry of Finance shall determine the appropriate expenditure review agency, ensuring no overlap where two expenditure review agencies control the same expenditure activity of the project.
Article 70. Forms of expenditure review
1. Prior review of expenditures means that the expenditure review agency inspects and validates the legality and validity of the expenditures before the project owners withdraw fund to pay the contractors or beneficiaries. Prior review of expenditures shall apply to the expenditures not covered by clause 2 of this Article.
2. Post review of expenditures means that the expenditure review agency inspects and validates the legality and validity of the expenditures after the project owners withdraw fund to pay the contractors or beneficiaries. Prior review of expenditures shall apply in the following cases:
a) Payment from designated accounts to contractors or suppliers, except for designated accounts for advance payments owned by the Ministry of Finance that apply prior review of expenditures;
b) Advance payment transfer from designated accounts to secondary accounts for the projects having several management levels;
c) Expenditures from secondary accounts for the project management activities according to the estimates already approved by competent authorities;
d) Payment by L/C for procurement of goods and equipment, except for the last payment.
3. Within 30 days after the withdrawal of fund for payment, the project owner shall prepare the complete payment dossiers for submission to the expenditure review agency for validation as the basis for the next payment. Where it is deemed necessary, the project owner may reach an agreement with the contractor to apply the prior review of expenditures for the expenditures specified in clause 2 of this Article and deliver the agreement to the expenditure review agency for its coordinated implementation.
Section 4. WITHDRAWAL OF FUND, ACCOUNTING MANAGEMENT OF ODA AND CONCESSIONAL LOANS
Article 71. Forms of ODA and concessional loan withdrawal
Forms of ODA and concessional loan withdrawal are as follows:
1. Withdrawal of budget support: ODA and concessional loans shall be disbursed to the state budget for direct budget support or result-based funding.
2. Fund withdrawal for programs or projects: Fund withdrawal for programs or projects shall apply one or some of the following forms: Direct payment, payment by L/C, reimbursement, designated account for advance payment.
Article 72. Time limit for processing withdrawal applications for ODA and concessional loans
1. The time limit for processing withdrawal applications at the Ministry of Finance is 04 working days of receipt of the complete dossier required by law. The time limit for processing statements of expenditures is 07 working days of receipt of the complete dossier required by law.
2. In case where the programs and projects funded by ODA loans and concessional loans finish the last disbursement in the year of project closing, the project owner shall send the withdrawal application to the Ministry of Finance before December 31 (of the planning year) to ensure the disbursement to be completed before January 31 of the following year. In case of a force majeure event which results in failure to complete the disbursement before January 31 of the following year (regardless of the cases where the foreign donor has not notified fund withdrawal though expenditure review and submission of fund withdrawal application are completed before January 31 of the following year), extension of implementation duration and disbursement of medium-term and annual public investment capital shall be subject to clause 2 of Article 68 in the Law on Public Investment.
Article 73. Order and procedures for withdrawal of ODA and concessional loans
1. Order and procedures for fund withdrawal in the form of budget support:
a) The project owners and managing agencies shall take the lead or coordinate with the Ministry of Finance and concerned agencies in fulfilling Vietnam’s commitments as agreed upon with the foreign lenders to satisfy the prerequisites for withdrawal of fund stated in specific international treaties, agreements on ODA and concessional loans already signed;
b) For general budget support, the Ministry of Finance shall prepare withdrawal applications and send them to the foreign lenders, and transfer the withdrawn funds to the state budget for use according to the signed international treaties and agreements on ODA and concessional loans;
c) For central budget support for national target programs, after reaching an agreement with the agencies managing component projects, the agencies managing national target programs shall agree with the Ministry of Finance on the time and amount of ODA and concessional loan withdrawal, and ensure that the disbursed amount is incorporated in the annual financial plans and estimates of programs and component projects; prepare fund withdrawal applications for submission to the Ministry of Finance according to the signed international treaties or agreements on ODA and concessional loans;
ODA and concessional loans that are disbursed to the state budget shall be allocated to component projects for use in accordance with the applicable procedures on managing state budget fund.
2. Order and procedures for fund withdrawal in the form of result-based funding:
a) The project owners and managing agencies shall take the lead and cooperate with concerned agencies in implementing the relevant disbursement linked indicators as agreed upon with the foreign lenders as a basis for fund withdrawal. Project owners are entitled to receive advance fund in accordance with the regulations of the foreign lenders in order to carry out the agreed work towards achieving disbursement linked indicators;
b) The project owners and managing agencies shall take the lead or coordinate with concerned agencies in making reports, documents, or providing documents that prove the fulfillment of the disbursement criteria prescribed in the signed international treaties or agreements on ODA and concessional loans, and sending them through to the foreign lenders. The project owners shall submit fund withdrawal dossiers and applications to the Ministry of Finance according to the regulations of the foreign lenders;
c) The disbursed ODA and concessional loans shall be transferred to the accounts that the agencies implementing programs/projects have opened at the State Treasury as agreed upon with the donors. The spending shall be subject to the applicable state budget management procedures. At the end of each fiscal year, the balance in the estimates of foreign funding sources shall be handled according to the applicable regulations on state budget management; the cash balance on the designated account for advance payment shall continue to be used for activities of the program or project in the subsequent fiscal year according to the regulations;
d) When withdrawing funds under the results-based financing facilities, the project owner may use the exchange rate between Special Drawing Rights (SDR) and Vietnam Dong (VND) published on the donor’s website at the time of preparing withdrawal application.
3. Order and procedures for fund withdrawal in the form of project financing:
a) Forms of withdrawal:
Direct payment: Transfer money directly to the contractors and suppliers of the projects;
Payment by letter of credit (L/C): This payment method means payment by L/C issued by the bank at the request of the project owner under commitments to the contractor or supplier on payment of a certain amount if the contractor or supplier can present a set of valid documents as prescribed in the L/C;
Reimbursement: This method is a form in which a foreign donor pays to reimburse the eligible expenditures paid by the project owner for the project;
Designated account for advance payment: This is a form in which foreign donors pay in advance a sum of money into a designated account opened for the project at the service bank or the State Treasury so that the project owner can take initiative in paying for eligible recurrent expenditures of the project, thereby reducing the number of loan withdrawals;
For programs/projects funded in the form of fund withdrawal to the special account, the investor (project owner) shall report on expenditures and send the letter of transmittal to return proofs of these expenditures each month. Time limit for returning proofs of expenditures from the special account to the Ministry of Finance shall not exceed 06 months. After the 6-month time limit, if the investor (project owner) does not return these proofs, the method of direct payment for subsequent disbursements shall be applied.
b) After the foreign donors announce that they have fulfilled the prerequisites for fund withdrawal under international treaties, agreements on ODA and concessional loans, the project owners or the project management units shall submit the dossier on request for fund withdrawal in line with the sample dossier given by the foreign lenders and depending on specific forms of fund withdrawal to the Ministry of Finance;
c) In cases where the foreign lenders request additional documents or only approve part of the fund withdrawal application, the Ministry of Finance or the foreign lenders shall notify the project owner for timely coordination in handling reasonable requests of the foreign lenders;
d) The fund withdrawal dossier to be delivered to the Ministry of Finance: For each fund withdrawal transaction, the project owner or the authorized unit shall compile and deliver to the Ministry of Finance a fund withdrawal dossier in line with each form of fund withdrawal. The sample dossier on fund withdrawal is prescribed in the Appendix IX hereto. Project owners shall be responsible for accuracy and validity of the fund withdrawal dossier, including: expenditure review numbers that help prevent an expenditure from being reviewed or disbursed twice, quantities accepted for payment, norms, unit prices, estimates of costs of different types of work, instructional information about payment to contractors. This dossier must comply with regulatory provisions on financial management of ODA and concessional loans;
dd) Procedures for electronic fund withdrawal meeting prescribed conditions shall be carried out on the website of the Ministry of Finance in accordance with the Government's regulations on provision of online information and public services on websites or web portals.
4. Introduction and invalidation of specimen signature affixed to ODA and concessional loan withdrawal application: The managing agency shall send the Ministry of Finance the letter of introduction or the notice of invalidation of the specimen signature of the project owner or the project management unit authorized by the project owner for projects applying the pro-rata partial grant or on-lending mechanism; the party receiving on-lend fund shall send the Ministry of Finance the letter of introduction or the notice of invalidation of the specimen signature of the project owner or the project management unit authorized by the project owner for projects applying the full on-lending mechanism.
Article 74. Principles for management of accounting of ODA and concessional loans into the state budget
1. ODA and concessional loans to offset the state budget deficit must be fully and accurately accounted into the state budget.
2. For programs and projects that apply full or partial grant mechanism and subject to expenditure review at the State Treasury, the accounting of ODA and concessional loans fully granted or partially on-lent on a pro-rata basis (for provincial People's Committees) into the state budget shall be carried out by the state treasury where the transactions are conducted.
3. State budget accounting shall be carried out based on the disbursement documents of ODA and concessional loans transferred to agencies, organizations and units for use as notified by foreign donors. For the payment from designated accounts for advance payment, the project owners shall prepare written requests for accounting of ODA and concessional loans for submission to the State Treasury for validation when the expenditure review procedures are taking place. For other forms of fund withdrawal, the project owners shall prepare written requests for accounting of ODA and concessional loans for submission to the State Treasury for validation within 03 working days after receiving the disbursement documents from the foreign donors, and send them all to the Ministry of Finance for monitoring.
Article 75. Accounting of direct budget support
Based on cash receipts or credit advices of the service banks, the State Treasury shall debit ODA and concessional loans, and credit ODA and concessional loan revenues to the state budget as prescribed by regulations; In case of transferring foreign currencies to the centralized foreign currency reserve, the State Treasury shall account them according to regulations on revenues or loans of the state budget in foreign currencies.
Article 76. Accounting of ODA and concessional loans at the State Treasury
The State Treasury shall record revenues and expenditures for ODA and concessional loans eligible for grant and on-lending under programs and projects subject to expenditure review at the State Treasury, specifically as follows:
1. Keep the accounts under the correct source codes of ODA, concessional loans granted from the central budget; targeted local budget support from ODA, concessional loans; ODA, concessional loans on-lent to the localities and make detailed accounting entries by types of ODA grants associated with loans.
2. Permissible advances shall be accounted for as increase in advance expenditures. Recovered advances shall be accounted for as decrease in advance expenditures.
3. Payments for completed quantities are accounted for under actual revenues and expenditures for annual account finalization of the state budget.
4. For expenditures in the annual budget plan which have been reviewed and paid before January 31 of the following year, the State Treasury shall record any increase or decrease in these expenditures in the current year (transaction year). For expenditures which have been reviewed before January 31 of the following year and paid after January 31 of the following year, the project owner shall arrange the following year's plan to record any increase or decrease.
5. Accounting dossiers of such increase or decrease in expenditures shall be subject to the Government’s regulations on administrative procedures in the state treasury field. The project owner shall send the dossier to the transacting State Treasury to confirm the accounting before February 1 of the following year.
Article 77. Accounting of on-lent ODA and concessional loans at the Ministry of Finance
1. For the Government’s ODA and concessional loans on-lent by the Ministry of Finance; loans where the financial institutions and credit institutions are authorized by the Ministry of Finance to act as on-lending agencies to investment programs and projects: Based on the donor's disbursement notice and the project owner’s statement of disbursement, the Ministry of Finance shall account the debt obligations in accordance with the regulations on accounting regime applicable to the central and local governments’ loans and repayments; keep track of statistics of on-lent amounts and Government guarantee.
2. When adjusting accounting entries of programs and projects falling under the accounting mandate of the Ministry of Finance, based on the disbursement advice of the foreign donor, the Ministry of Finance shall make an entry adjustment and send copies thereof to on-lending agencies and project owners to adjust entry data accordingly on financial and account finalization reports on foreign capital.
Article 78. Accounting exchange rate and disbursement exchange rate
1. Direct payments and L/C payments made by the donor in foreign currencies to contractors and suppliers when being accounted in VND shall apply the transfer buying rate at the beginning of the day published by the service bank or the bank where the State Treasury opens the account, or the transfer buying rate at the beginning of the day published by Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam in the absence of a service bank on the date when the donor makes loan to the Government.
2. For direct payments made by the donor in other currencies other than the currency of indebtedness, the actual exchange rate shall be applied between the currency of indebtedness and the currency of payment.
3. In case the project expenditures are made from the designated account for advance payment, expenditures from the designated account for advance payment in VND and in foreign currency shall apply the transfer buying rates for the respective foreign currencies of the service bank or the bank where the State Treasury opens account at the time of payment.
4. When converting advance payment to actual payment for completed volume, the transfer buying rate at the beginning of the day published by the service bank or the bank where the State Treasury opens the account at the time of accounting advance payment shall be applied to account for the recovered advances.
5. The project owner is responsible for determining and applying the exchange rate when requesting the State Treasury where the transactions are conducted to review expenditures or requests accounting for any increase or decrease in expenditures in foreign currencies as per regulations.
6. The project owner shall revaluate the exchange rates for monetary items denominated in foreign currencies related to project activities at the end of the accounting period before preparing financial statements and upon request of the donors according to regulations of the accounting regime applied by the units.
Article 79. Time limit for state budget accounting
1. Expenditures from ODA and concessional loans validated under expenditure review procedures and disbursed until January 31 of the following year shall be accounted at the State Treasury where transactions are conducted before January 31 within 05 working days.
2. The State Treasury shall complete the accounting of expenditures from ODA and concessional loans in the implementation year within 30 days from January 31.
3. The order and procedures for managing the state budget accounting of ODA and concessional loans shall comply with the Government's regulations on administrative procedures in the state treasury field.
Section 5. REPORTING, ACCOUNTING, AUDITING, ACCOUNT FINALIZATION AND INSPECTION
Article 80. Electronic reporting on ODA and concessional loans
1. The managing agency shall publish information on the Program/Project Proposal, Report on investment policy proposal or Pre-feasibility study report, Project documents, Feasibility study report approved by the competent authorities on the National information system and database on public investment and the Ministry of Finance’s web portal. The time limit for reporting is not later than 10 days from the date of approval/decision by the competent authority.
2. The project owner or the project management unit shall submit an electronic report on the National Information System and Database on Public Investment, the Ministry of Finance's web portal on the Program/Project Implementation Master Plan, expected annual disbursement needs, annual allocated capital plans and revision thereof (if any), the disbursement of ODA and foreign concessional loans.
a) As for the Program/Project Implementation Master Plan and revision thereof (if any), the project owner or the project management unit shall submit a report within 10 days from the date of receiving the document approved by the managing agency;
b) As for the expected annual disbursement needs, annual allocated capital plans and revision thereof (if any), the project owner or the project management unit shall submit a report within 10 days from the date of receiving the document approved by the managing agency;
c) Regarding actual fund disbursement, the project owner or the project management unit shall submit a report on the disbursement of ODA and concessional loans in the month within 05 days from the end of the month on the National Public Information System and Database on Public Investment and the Ministry of Finance’s web portal.
3. The Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance shall provide guidelines on forms of electronic reports as prescribed in this Article.
Article 81. Report on disbursement and state budget accounting status
1. Within 15 days since each quarter end, the project owners shall carry out expenditure review at the State Treasury and send a report to the managing agencies and the financial institutions of the same level on disbursement of ODA and concessional loans in the quarter, together with the State budget revenue-expenditure accounting notes certified by the State Treasury where transactions are conducted.
Enterprises and public non-business units that receive the on-lent amount shall follow the regulations on the disbursement reporting requirements under the Government's Decree on on-lending.
2. Within 30 days from the closing date of the ODA and concessional loans, the project owner shall send a report on completion of the withdrawal of ODA and concessional loans to the Ministry of Finance and the managing agency as a basis for the project’s account finalization.
3. The project owner shall compile and deliver the financial reports to foreign donors according to the provisions at signed international treaties, agreements on ODA and concessional loans, feasibility study reports, project documents (if any) and concurrently send these reports to the managing agency and the financial institution of the same level to promptly monitor and direct the financial management of the project.
4. Annually, within 60 days from the end of the reporting period, to facilitate reconciliation between the accounted data and actual disbursement, the managing agencies shall compile, synthesize and provide the Ministry of Finance, the State Treasury with the disbursement reports and accounting notes of the state budget revenues and expenditures from ODA and concessional loans.
5. The Ministry of Finance shall provide guidance on the forms of disbursement report.
Article 82. Accounting, auditing and account finalization regimes
Regimes on accounting, auditing, and account finalization of programs and projects funded by ODA and concessional loans shall comply with the regulations applicable to state budget fund and the directions of the Ministry of Finance while ensuring compatibility with the unique contents of the ODA and concessional loans.
Article 83. Regulations on asset management
Management of public assets formed from foreign ODA and concessional loans shall be subject to regulatory provisions on management and use of public assets.
Section 6. OTHER REGULATIONS ON FINANCIAL MANAGEMENT
Article 84. Unique contents of programs/projects funded by ODA and concessional loans
1. Level of contractual advance, recovery of advances, withheld ratio pending for warranty shall comply with the contractual provisions between the project owner and the contractor in accordance with the regulatory provisions on contracts (the project owner may negotiate with contractors on advance guarantees for contracts with advance payment value not exceeding VND 1 billion). The project owners are responsible for managing and recovering the advances made to contractors. In case of failure to recover advances, the project owners shall be responsible for repaying the donors.
2. For every request for certification and payment of the warranty sums to transfer it to the contractors, the project owner shall send the State Treasury a schedule to monitor the progress of transfer of these sums and accumulated amounts to be transferred for reconciliation and confirmation of the warranty amount in accordance with the contractual provisions so that the project owner can make the payment to the contractor.
Article 85. Regulations on financial management of projects whose recurrent expenditures are prescribed in the signed international treaties and loan agreements
1. Project owners shall prepare disbursement plans in the planning year and 02 subsequent years for each program or project with breakdown by ODA loans, concessional loans, and ODA grants for recurrent expenditures and counterpart funds, and submit them to the Ministry of Finance.
2. The Ministry of Finance shall incorporate plans on ODA loans and ODA grants associated with the loans for recurrent expenditures granted to ministries, ministerial-level agencies, central agencies and provincial People's Committees into the annual budget estimates.
3. After the recurrent budget is approved by the competent authority, concerned agencies shall enter the recurrent expenditure plan on the TABMIS according to the applicable regulations.
4. Review of recurrent expenditures for projects or activities shall comply with the Law on State Budget and guiding documents.
5. Projects with recurrent expenditure nature shall apply the administrative and non-business accounting regime. As for projects with hybrid nature of recurrent and capital expenditure, the project owner shall report to the managing agency for decision on the application of suitable accounting regime.
6. Within 06 months from the end of the disbursement, for the projects funded by ODA and concessional loans and eligible for recurrent budget allocation, the project management unit shall prepare an account finalization report with detailed breakdown by each source of ODA funds (e.g. ODA grants, ODA loans, concessional loans, counterpart funds) on the basis of aggregating all account finalization data throughout the project implementation duration already approved by the competent agency and notified to the managing agency. The managing agency shall prepare a synthesis report for submission to the Ministry of Finance.
7. The project owners (spending units) shall prepare and submit annual account finalization reports, annual financial statements to the managing agencies (direct accounting supervisor), or send them to financial institutions (in the absence of any direct accounting supervisor) according to the guiding documents on administrative and non-business accounting regime. The approval, appraisal and notification of annual account finalization shall comply with the Ministry of Finance’s regulations on approval, appraisal, notification and synthesis of annual account finalization.
FINANCIAL MANAGEMENT FOR ODA GRANTS
Article 86. Principles of financial management for ODA grants
1. ODA grants as the state budget revenues on the Vietnam’s side shall be budgeted, reviewed, accounted, and finalized in accordance with the laws on state budget and financial management specified in this Decree. For new ODA grants that have not been incorporated in the budget estimates allocated and assigned by the competent authority, the project owners shall make additional estimates in accordance with the regulatory provisions on state management and relevant legislation.
2. For ODA grants directly made and managed by donors: The managing agencies are responsible for the tasks assigned under the signed international treaties, agreements on ODA grants, program/project documents or feasibility study reports; in line with their functions and mandates; in compliance with the regulatory provisions on acceptance of ODA grants. In case the donor transfers ownership of the assets and equipment of the program or project to the project owner, the project owner shall establish the ownership over the assets in accordance with applicable regulations.
3. For mixed ODA grants: Comply with the regulations on financial management for ODA and concessional loans prescribed in Chapter VII of this Decree.
4. For ODA grants serving as emergency aid:
a) For emergency ODA grants for disaster assistance and relief: Comply with the Government’s regulations on acceptance, management and use of international emergency aid for disaster relief and recovery;
b) For other emergency aid: Comply with the regulations of this Decree.
5. In the event of any discrepancies on financial management between this Chapter and the signed international treaties on ODA grants, the latter shall prevail.
Article 87. Opening of payment accounts for programs/projects funded by ODA grants
1. Accounts for counterpart funds: The project owners shall open accounts at the transacting State Treasury so as to effect the control and payment of counterpart fund of the projects.
2. Accounts for ODA grants: The project owner shall open an account to receive ODA grant at the service bank or the commercial bank. Order and procedures for opening of accounts at the State Treasury and management and use of accounts shall be subject to the applicable regulations.
Article 88. Preparation of financial plans for ODA grants
1. Pursuant to the Decision approving the project/non-project document, or the Investment Decision for the program or project; international treaty or agreement on ODA grant (if any), the project owner shall prepare 3-year and annual budget plans for the ODA grant in accordance with the Law on State Budget and relevant legislation and send them to the managing agency for incorporation.
2. The annual budget estimates for revenues and expenditures from ODA grants shall be detailed by each donor, program, project or non-project assistance, by each international treaty or agreement on ODA grant.
3. Formulation, synthesis, submission, approval, assignment and revision of ODA grant budget plan:
a) For ODA grant used for public capital expenditures, the regulatory provisions on public investment shall be applied;
b) For ODA grant used for recurrent expenditures, the regulatory provisions on state budget shall be applied;
c) For technical assistance projects and non-project assistance funded by ODA grants in kind, the formulation and decision on assignment of budget in the estimates or revised estimates in the year by the competent authorities shall be carried out only when value of aid assets or goods is determined.
4. Based on the annual budget limits assigned by the competent authority, the managing agency shall allocate funds with detailed breakdown by each program, project and non-project assistance and notify the Ministry of Finance and the Ministry of Planning and Investment of the detailed allocation plan.
5. The managing agencies shall direct, organize and report the implementation of budget estimates for the ODA grants in accordance with applicable regulations.
Article 89. Expenditure review, disbursement, and accounting of ODA grant in cash
1. Project owners shall perform expenditure review at the State Treasury according to the regulations on state budget management. The order and procedures for expenditure review and accounting shall comply with the regulatory provisions on administrative procedures in the state treasury field.
2. Expenditure review dossier sent to the State Treasury for the first time:
a) Decision to assign or supplement budget estimates by the competent authority;
b) Certified true copies of the Decision on approval of program/project documents or the Decision on investment in programs/projects and program/project documents or approved feasibility study reports;
c) Certified true copies of the international treaty or agreement on ODA grant or aide memoire on projects funded by ODA grants;
d) Procurement contract of related goods and services (if any). If the contract is executed in a foreign language, the Vietnamese translation with the project owner’s signature and stamp shall be enclosed. Project owners shall be legally responsible for the accuracy of the Vietnamese translation;
dd) The written request for certification of eligible recurrent expenditures or the written request for payment of capital expenditures of the project owners shall comply with the Government’s regulations on administrative procedures in the field of state treasury.
3. Each payment dossier submitted to the State Treasury shall comply with the regulations on expenditures from the state budget.
4. Disbursement of ODA grant in cash for programs/projects: Based on the expenditure review results and at the request of the project owner, the State Treasury or the commercial bank where the project account is opened shall disburse funds to the project as per regulations; notify the Ministry of Finance of the disbursed ODA grant of each account owner on a monthly basis for each program or project.
5. Accounting of revenues and expenditures for projects:
a) On a monthly basis or from time to time, based on the expenditure review results and the written request for accounting ODA grant sent by the project owner, the State Treasury shall keep records accordingly as per regulations. In case the project owner opens an ODA account at the commercial bank where the project account is opened, in addition to the above-mentioned dossier, the project owner needs to enclose a list of payment documents from the ODA account opened at the service bank;
b) The State Treasury shall account ODA grant into the state budget under grant item according to applicable regulations. Permissible advances shall be accounted for as increase in advance expenditures. Recovered advances shall be accounted for as decrease in advance expenditures. Payments for completed quantities are accounted for under actual revenues and expenditures for annual budget account finalization;
c) Time of accounting shall comply with applicable regulations on state budget funds.
6. The payment of advances and expenditure review from ODA grant in cash shall be made in conformance to applicable regulations on state budget.
7. Interest earned on ODA grant deposited in accounts must be separately accounted and used for payment of banking service charges according to the regulations. Banking service charges are considered project expenditures.
8. Upon completion of spending activities on ODA grant account at the commercial bank or the State Treasury where the project account is opened, if there is no commitment in international treaties and agreements on ODA grant on the use of interest earned on the grant, the project owner shall remit the whole interest balance earned on the grant account into the state budget according to applicable regulations. The use of such interest earned on the grant balance shall comply with the regulatory provisions on public investment and state budget.
Article 90. Receipt of ODA grant in kind and service support
1. The receipt of imported relief goods shall comply with the Law on Customs, the Law on Import and Export Tax and the Law on Tax Administration. In addition to import dossiers prescribed in law on customs, legislation on export and import tax, dossiers sent to customs authorities to carry out the customs clearance procedures for imported relief goods include:
a) Specific international treaties or agreements on ODA grants or aide memoire on commitment and receipt of ODA grants: 01 copy certified by the importer’s seal;
b) Decision on approval of the documents of the projects, non-project assistance or the decision on investment in programs and project documents or approved feasibility study reports: 01 copy certified as true copy by the competent authority in accordance with applicable regulatory provisions.
2. Tax refund or exemption dossier for goods and services purchased domestically by using ODA grant sent to the tax authorities include:
a) Specific international treaty or agreement on ODA grant or aide memoire on commitment and receipt of ODA grant: 01 copy;
b) Decision on approval of the documents of the projects, non-project assistance or the decision on investment in programs and project documents or approved feasibility study reports: 01 copy;
c) Other documents prescribed by laws related to tax refund or exemption;
d) The written request for certification of legitimate non-business expenditures or the written request for payment of investment capital of the project owner prescribed in the Government’s regulations on administrative procedures in the field of state treasury (with respect to ODA grant managed and carried out by Vietnam).
3. After the goods have been delivered, the project or non-project owner shall prepare a dossier for submission to the State Treasury for state budget accounting as per regulations. Accounting dossier of revenues and expenditures shall include:
a) Specific international treaty or agreement on ODA grant or aide memoire on commitment and receipt of ODA grant: 01 copy certified as true copy by the competent authority in accordance with relevant law;
b) Decision on approval of the documents of the projects or the decision on investment in programs and project documents or approved feasibility study reports: 01 copy certified as true copy by the competent authority in accordance with applicable regulatory provisions;
c) Written request for recording of revenues and expenditures prescribed in the Government’s regulations on administrative procedures in the state treasury field;
d) For imported goods: Contracts, bills of lading or other equivalent transport documents, commercial invoices or customs declarations of imported goods for cases where commercial invoices are not available: 01 copy certified as true copy of the competent authority in accordance with applicable regulatory provisions. For goods purchased domestically: Procurement contracts, VAT invoices, goods delivery records: 01 copy certified as true copy by the competent authority in accordance with applicable regulatory provisions;
dd) Decision on assignment of ODA grant estimates or revisions thereof in the year by the competent authorities that is required if value of the goods and items is determined.
4. When accounting for value of imported goods, the State Treasury shall record the price exclusive of taxes, fees and charges prescribed in applicable regulations.
DUTIES, ENTITLEMENTS AND RESPONSIBILITIES OF AGENCIES AND ORGANIZATIONS INVOLVED IN MANAGEMENT AND UTILIZATION OF ODA AND CONCESSIONAL LOANS
Article 91. Duties and entitlements of the Ministry of Planning and Investment
1. Take the lead in drafting cooperation strategies and policies with foreign donors; and orientations to attract, manage and use foreign donors’ ODA and concessional loans.
2. Take the lead in formulating, submitting for promulgation or promulgating legislative documents on management and use of ODA and concessional loans within its competence.
3. Take the lead in determining the capital investment needs to be financed by ODA and concessional loans; synthesizing and submitting to the Prime Minister proposals on programs and projects funded by ODA and concessional loans.
4. Take the lead and coordinate with concerned agencies in appraising funding sources and availability for investment projects funded by ODA or concessional loans.
5. Take the lead and coordinate with concerned agencies in proposing the Government to sign framework/specific international treaties and framework agreements on ODA grants defined in clause 4 of Article 29 of this Decree; seek the Prime Minister’s approval for signing of framework/specific agreements on ODA grants defined in clause 3 of Article 32 of this Decree.
6. Synthesize and propose the investment policy for programs and projects funded by ODA and concessional loans falling under the approving competence of the Prime Minister to seek his decision, except for Category A projects; send official notices to foreign donors on approval of the program/project proposal, decisions on investment policy, and request for support.
7. Synthesize and propose the implementation policy for technical assistance projects and non-project assistance funded by ODA and concessional loans falling under the approving competence of the Prime Minister; send official notices to foreign donors on approval of the technical assistance projects and non-project assistance, and request for support once the implementation policy and project/non-project documents have been approved by the competent authorities.
8. Coordinate with the Ministry of Finance in elaborating framework and specific international treaties, agreements on ODA and concessional loans.
9. Coordinate with the State Bank of Vietnam in formulating international treaties on ODA grant not associated with loans with international financial institutions.
10. Coordinate with the Ministry of Finance and concerned agencies in determining the grant elements, assessing the impacts of new loans on public debt safety thresholds and domestic financial mechanisms applicable to programs/projects in accordance with the regulatory provisions.
11. Monitor and evaluate programs/projects funded by ODA and concessional loans in accordance with regulatory provisions on monitoring and evaluation of public investment, management and use of ODA and concessional loans.
12. Act as the agency in charge of resolving bottlenecks arising in the course of program/project implementation; issues related to multiple ministries or agencies to ensure progress and accelerate disbursement of ODA and concessional loans; propose the Prime Minister to decide solutions for issues related to ODA and concessional loans falling under the approving competence of the Prime Minister.
Where necessary, establish an interdisciplinary working group to work directly with managing agencies, project owners, project management units, and foreign donors to review, assess, and promptly address the issues within its competence.
13. Submit biannual, annual, and ad-hoc reports on mobilization, management, and use of ODA and concessional loans to the Prime Minister; propose solutions for bottlenecks arising in the course of program/project implementation.
Article 92. Duties and entitlements of the Ministry of Finance
1. Coordinate with the Ministry of Planning and Investment and concerned agencies in developing cooperation strategies and policies with foreign donors.
2. Take charge of preparation of contents related to conditions for use of capital, domestic financial mechanism, financial management of programs and projects; financial appraisal of on-lending projects.
3. Take the lead in determining the grant elements, evaluating the impacts of ODA and concessional loans on public debt safety thresholds, determining domestic financial mechanisms for programs and projects funded by ODA and concessional loans.
4. Take the lead and coordinate with the concerned agencies in proposing the Government to sign framework and specific international treaties on ODA, concessional loans, and ODA grants for ODA and concessional loan-funded programs/projects specified in clause 2 of Article 29 of this Decree; propose the Prime Minister to sign framework and specific agreements on ODA, concessional loans, and ODA grants for ODA and concessional loan-funded programs/projects specified in clause 2 of Article 32 of this Decree.
5. Coordinate with the Ministry of Planning and Investment in appraising funding sources and availability for investment projects funded by ODA or concessional loans.
6. Officially represent the "borrower" for ODA and concessional loans in the name of the State or the Government to the foreign donors.
7. Synthesize and submit proposal to the Prime Minister for decision on cancellation the surplus funds; send an official written notice to the donor of the cancellation of the surplus funds as specified under clause 5 of Article 47 of this Decree.
8. Financial management of programs/projects:
a) Take the lead and coordinate with concerned agencies in providing instructions on financial management of programs and projects;
b) Provide instructions on the format and reports on financial management of programs and projects in accordance with applicable regulatory provisions and the international treaties and agreements on ODA and concessional loans signed with foreign donors;
c) Provide capital from state budget and other funding sources to repay ODA loans and concessional loans when they are due;
d) Monitor and inspect financial management in the use of ODA and concessional loans and organize accounting work for these funding sources into the state budget;
dd) Comply with the reporting regime on disbursement, fund withdrawal and repayment of ODA and concessional loans in accordance with the laws on public investment, public debt management and applicable regulations;
e) Take the lead and coordinate with the Ministry of Planning and Investment in promptly providing sufficient counterpart fund from administration funding sources for preparation and implementation of the programs and projects eligible for grant from central government budget in the annual budget plans;
g) Organize on-lending and on-lent fund collection activities of the programs/projects applying mechanism for on-lending of fund from the state budget.
Article 93. Duties and entitlements of the State Bank of Vietnam
1. Coordinate with the Ministry of Planning and Investment and concerned agencies in developing cooperation strategies and policies with foreign donors; developing master plans and plans for attraction, coordination, management, and use of ODA and concessional loans; analyzing and evaluating the effectiveness of such funding sources.
2. Coordinate with the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance in assessing sources of ODA, concessional loans, counterpart fund, and their availability (for capital provided by the World Bank, Asian Development Bank, international financial institutions, and other international banks in which the State Bank of Vietnam acts as a representative).
3. Take the lead and coordinate with concerned agencies in proposing the competent authorities to sign international treaties on ODA grants that are not associated with loans from international financial institutions, as stipulated in clause 3 of Article 29 of this Decree.
4. Coordinate with the Ministry of Finance in proposing the competent authorities to sign framework and specific international treaties and agreements on ODA and concessional loans for financial institutions and international banks in which the State Bank of Vietnam acts as a representative.
5. Provide comments on banks eligible to become service banks for the programs or projects funded by ODA and concessional loans.
Article 94. Duties and entitlements of the Ministry of Justice
1. Appraise the draft international treaties and agreements on ODA and concessional loans as prescribed by law.
2. Participate in negotiation and development of draft international treaties and agreements on ODA and concessional loans.
3. Provide comments on investment policy proposal reports for programs/projects for judicial cooperation with foreign donors.
4. Appraise documents of technical assistance projects, non-project assistance in cooperation with foreign donors falling under the approving competence of the Prime Minister in accordance with the law on management of international judicial cooperation; provide comments on the judicial cooperation programs/projects or non-project assistance falling under the approving competence of the managing agency.
Article 95. Duties and entitlements of the Ministry of Foreign Affairs
1. Coordinate with concerned agencies, based on general diplomatic policies, in developing and implementing policies on raising ODA and concessional loans, cooperation policies; participate in raising ODA and concessional loans.
2. Coordinate with the Ministry of Planning and Investment and concerned agencies in directing concerned agencies and diplomatic missions of Vietnam in other countries or at international organizations to raise ODA and concessional loans in accordance with policies and plans for attraction, coordination, management, and use of ODA and concessional loans in each period.
3. Participate in negotiation and provide comments on international treaties and agreements on ODA and concessional loans; provide inputs for proposals to sign international treaties and agreements on ODA and concessional loans.
4. Carry out foreign affairs procedures on the signing and implementation of international treaties; organize the filing, copy and publication of treaties on ODA and concessional loans in accordance with the Law on International Treaties.
5. Grant authorization to sign agreements on ODA and concessional loans.
6. Participate in evaluation of the programs and projects at the request of competent authorities.
7. Monitor and inspect compliance with procedures for signing and implementing international treaties and agreements on ODA and concessional loans as prescribed by law.
Article 96. Duties and entitlements of Ministries, Ministry-level agencies and Governmental bodies
1. Coordinate with the Ministry of Planning and Investment and concerned agencies in developing strategies and plans for attraction, coordination, management, and use of ODA and concessional loans; develop policies and measures on coordinating and improving the effectiveness of ODA and concessional loans under their mandate.
2. Formulate program/project proposals and reports on investment policy proposal or pre-feasibility study reports, documents of the projects or non-project assistance and submit them to the competent authorities for approval under their competence.
3. Coordinate with the proposing agency in proposing the competent authorities to sign specific international treaties and agreements on ODA, concessional loans for the programs or projects in which they act as the managing agency as stipulated in clauses 2, 3, and 4 of Article 29 and clauses 2 and 3 of Article 32 of this Decree, and execute such international treaties and agreements according to the regulatory provisions.
4. Propose the Government to sign specific international treaties on ODA grant as prescribed in clause 1 of Article 29 hereof and implement such international treaties in accordance with regulatory provisions on international treaties; propose the Prime Minister to sign agreements on ODA grant as prescribed in clause 1 of Article 32 hereof and implement such agreement as prescribed by law.
5. Perform state management tasks regarding ODA and concessional loans under their mandate as prescribed by law.
6. Ensure information disclosure, transparency and accountability for effectiveness of ODA and concessional loans provided for the programs and projects under their mandate.
Article 97. Duties and entitlements of provincial People’s Committees
1. Coordinate with the Ministry of Planning and Investment, other Ministries and concerned agencies in developing strategies and plans for attraction, coordination, management, and use of ODA and concessional loans; develop policies and measures on coordination and improvement of effectiveness of ODA and concessional loans within their provinces/cities.
2. Formulate program/project proposals and reports on investment policy proposal or pre-feasibility study reports, documents of the projects or non-project assistance and submit them to the competent authorities for approval under their competence.
3. Coordinate with the proposing agency in proposing the competent authorities to sign specific international treaties and agreements on ODA, concessional loans for the programs or projects in which they act as the managing agency as stipulated in clauses 2, 3, and 4 of Article 29 and clauses 2 and 3 of Article 32 of this Decree, and execute such international treaties and agreements according to the regulatory provisions.
4. Coordinate with the Ministry of Planning and Investment in proposing the Prime Minister to sign specific international treaties on ODA grants as prescribed in clause 4 of Article 29 hereof and implement such international treaties in accordance with regulatory provisions on international treaties; coordinate with the Ministry of Planning and Investment in proposing the Prime Minister to sign agreements on ODA grants as prescribed in clause 3 of Article 32 hereof and implement such agreements as prescribed by law.
5. Direct and organize land acquisition, site clearance, and compensation tasks of programs and projects in their provinces in accordance with law and international treaties on ODA and concessional loans to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
6. Perform state management tasks regarding ODA and concessional loans in their provinces as prescribed by law.
7. Ensure information disclosure, transparency and accountability for effectiveness of ODA and concessional loans provided for the programs and projects under their mandate.
8. Provide capital for central government budget to fully repay foreign lenders by due dates with regard to the programs and projects applying on-lending of ODA and concessional loans from the central government budget to the local government budgets.
Article 98. Transition provisions
1. For programs and projects funded by ODA loans and concessional loans whose portfolio of projects have been approved by the competent authorities, any amendments or supplements in the course of implementation shall follow the regulations on revising investment policy under this Decree.
2. Programs and projects whose Proposals and investment policies have been approved before the effective date of this Decree may proceed with subsequent order and procedures prescribed under this Decree.
3. Technical assistance programs/projects funded by ODA grants to prepare investment projects and technical assistance projects/non-project assistance funded by stand-alone ODA grants whose program/project documents have been approved before the effective date of this Decree may proceed with subsequent order and procedures prescribed under this Decree.
4. For technical assistance projects/non-project assistance funded by ODA grants whose implementation policies and project/non-project documents have been approved before the effective date of this Decree, if any amendments in the course of implementation does not lead to transformation into technical assistance projects or non-project assistance falling under the approving competence prescribed under clause 1 of Article 23 of this Decree, the managing agency shall proceed with the order and procedures for revising project/non-project documents prescribed under clause 2 of Article 27 of this Decree. If the amendment leads to transformation into technical assistance projects or non-project assistance falling under the approving competence prescribed under clause 1 of Article 23 of this Decree, the managing agency shall proceed with the order and procedures for approving and revising prescribed under Article 25, 26 and 27 of this Decree.
5. For specific international treaties on the signed ODA and concessional loans, these treaties shall continue to apply. In case of revision thereof, regulations laid down in this Decree shall prevail.
6. For currently ongoing umbrella projects, the managing agency of the umbrella project does not have the function of allocating and assigning fund plans to component projects.
7. Regarding revision of investment policies:
a) For umbrella programs and projects whose funding portfolios or investment policies are approved by competent authorities, amendments to investment policies shall be subject to the regulations laid down herein. Managing agencies of component projects of umbrella program or project shall send written documents, enclosing explanatory reports, relevant dossiers and documents, to the managing agency of the latter for compiling purposes, and proceed with the order and procedures for revision of investment policies in accordance with applicable regulations;
b) For projects where state enterprises are on-lent all ODA and concessional loans, if their funding portfolios or investment policies have been approved before the effective date of this Decree: Amendments to investment policies and use of surplus fund for improvement of their efficiency shall be subject to the regulations laid down in Chapter II herein according to the principles that the previous managing agency is the agency proposing revision or amendments; the level at which the authority previously decided investment policy and investment policy is the level at which the authority has the competence in deciding amendments to the investment policy or decision. In case of use of surplus fund for new projects, regulations laid down in Chapter VI hereof shall prevail.
8. As for programs/projects or non-project assistance funded by ODA grants, if they are approved before the effective date of this Decree, the financial management regime shall be subject to regulations of applicable law on financial state management for foreign grants classified as state budget revenues.
1. Ministers, Heads of Ministry-level agencies, Heads of Governmental bodies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and centrally-affiliated cities, other concerned organizations and individuals shall be responsible for implementing this Decree.
2. The Ministry of Planning and Investment shall lead and cooperate with concerned agencies in taking responsibility for implementation of this Decree.
1. In case where reference documents mentioned in this Decree are replaced or revised, the substitute or revised document shall prevail.
2. State enterprises using on-lent ODA and concessional loans of foreign donors shall be subject to Chapter VI herein.
3. This Decree shall take effect as from the signature date and replace the Government’s Decree No. 56/2020/ND-CP dated May 25, 2020, regarding management and use of the official development assistance (ODA) and concessional loans of foreign donors.
|
FOR GOVERNMENT |
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực