Luật Dạy nghề 2006 số 76/2006/QH11
Số hiệu: | 76/2006/QH11 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Phú Trọng |
Ngày ban hành: | 29/11/2006 | Ngày hiệu lực: | 01/06/2007 |
Ngày công báo: | 23/06/2007 | Số công báo: | Từ số 406 đến số 407 |
Lĩnh vực: | Lao động - Tiền lương, Giáo dục | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/07/2015 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Luật này quy định về tổ chức, hoạt động của cơ sở dạy nghề; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề.
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động dạy nghề tại Việt Nam.
1. Hoạt động dạy nghề và quản lý dạy nghề phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Mục tiêu dạy nghề là đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dạy nghề là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học nghề để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khoá học.
2. Mô-đun là đơn vị học tập được tích hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp một cách hoàn chỉnh nhằm giúp cho người học nghề có năng lực thực hành trọn vẹn một công việc của một nghề.
3. Chương trình khung quy định về cơ cấu nội dung, số lượng, thời lượng các mô-đun, môn học, tỷ lệ thời gian giữa lý thuyết và thực hành, bảo đảm mục tiêu cho từng ngành nghề đào tạo.
4. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quy định về mức độ thực hiện và yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ cần có để thực hiện các công việc của một nghề.
Dạy nghề có ba trình độ đào tạo là sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Dạy nghề bao gồm dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên.
1. Đầu tư mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề góp phần bảo đảm cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông; tạo điều kiện phổ cập nghề cho thanh niên và đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động; đào tạo nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy nghề, phát triển đội ngũ giáo viên, hiện đại hoá thiết bị, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề; tập trung xây dựng một số cơ sở dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; chú trọng phát triển dạy nghề ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đầu tư đào tạo các nghề thị trường lao động có nhu cầu, nhưng khó thực hiện xã hội hoá.
3. Thực hiện xã hội hoá hoạt động dạy nghề, khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở dạy nghề và tham gia hoạt động dạy nghề. Khuyến khích nghệ nhân và người có tay nghề cao tham gia dạy nghề; khuyến khích, hỗ trợ dạy các nghề truyền thống và ngành nghề ở nông thôn. Các cơ sở dạy nghề bình đẳng trong hoạt động dạy nghề và được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng theo quy định của pháp luật.
4. Hỗ trợ các đối tượng được hưởng chính sách người có công, quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người tàn tật, khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác và các đối tượng chính sách xã hội khác nhằm tạo cơ hội cho họ được học nghề để tìm việc làm, tự tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp.
1. Liên thông trong đào tạo được thực hiện căn cứ vào chương trình đào tạo; người học nghề khi chuyển từ trình độ đào tạo thấp lên trình độ cao hơn cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang học ngành nghề, trình độ đào tạo khác thì không phải học lại những nội dung đã học.
2. Hiệu trưởng các trường quy định tại Điều 22 và Điều 29 của Luật này căn cứ vào chương trình dạy nghề để quyết định mô-đun, môn học hoặc nội dung mà người học nghề không phải học lại.
3. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương chỉ đạo xây dựng chương trình dạy nghề bảo đảm liên thông giữa các trình độ đào tạo trong dạy nghề.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương quy định việc thực hiện liên thông giữa trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với trình độ đại học cùng ngành nghề đào tạo.
1. Lợi dụng hoạt động dạy nghề để trục lợi, lạm dụng sức lao động.
2. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên của cơ sở dạy nghề và người học nghề.
3. Gian lận trong tuyển sinh, thi, kiểm tra, cấp bằng, chứng chỉ nghề.
Dạy nghề trình độ sơ cấp nhằm trang bị cho người học nghề năng lực thực hành một nghề đơn giản hoặc năng lực thực hành một số công việc của một nghề; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ, tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
Dạy nghề trình độ sơ cấp được thực hiện từ ba tháng đến dưới một năm đối với người có trình độ học vấn, sức khoẻ phù hợp với nghề cần học.
1. Nội dung dạy nghề trình độ sơ cấp phải phù hợp với mục tiêu dạy nghề trình độ sơ cấp, tập trung vào năng lực thực hành nghề, phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của khoa học, công nghệ.
2. Phương pháp dạy nghề trình độ sơ cấp phải chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề và phát huy tính tích cực, tự giác của người học nghề.
1. Chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp thể hiện mục tiêu dạy nghề trình độ sơ cấp; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức dạy nghề; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với mỗi mô-đun, mỗi nghề.
2. Chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp do người đứng đầu cơ sở dạy nghề quy định tại Điều 15 của Luật này tổ chức biên soạn và duyệt.
Giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp cụ thể hoá yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của mỗi mô-đun trong chương trình dạy nghề, tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Người đứng đầu cơ sở dạy nghề quy định tại Điều 15 của Luật này tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.
1. Trung tâm dạy nghề.
2. Trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có đăng ký dạy nghề trình độ sơ cấp.
3. Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học, cơ sở giáo dục khác có đăng ký dạy nghề trình độ sơ cấp.
Dạy nghề trình độ trung cấp nhằm trang bị cho người học nghề kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề; có khả năng làm việc độc lập và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ, tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
Dạy nghề trình độ trung cấp được thực hiện từ một đến hai năm học tuỳ theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ ba đến bốn năm học tuỳ theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
1. Nội dung dạy nghề trình độ trung cấp phải phù hợp với mục tiêu dạy nghề trình độ trung cấp, tập trung vào năng lực thực hành các công việc của một nghề, nâng cao trình độ học vấn theo yêu cầu đào tạo, bảo đảm tính hệ thống, cơ bản, phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của khoa học, công nghệ.
2. Phương pháp dạy nghề trình độ trung cấp phải kết hợp rèn luyện năng lực thực hành nghề với trang bị kiến thức chuyên môn và phát huy tính tích cực, tự giác, khả năng làm việc độc lập của người học nghề.
1. Chương trình dạy nghề trình độ trung cấp thể hiện mục tiêu dạy nghề trình độ trung cấp; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức dạy nghề; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với mỗi mô-đun, môn học, mỗi nghề.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan tổ chức xây dựng chương trình khung trung cấp nghề.
3. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương quyết định thành lập hội đồng thẩm định chương trình khung trung cấp nghề; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động và số lượng thành viên của hội đồng; ban hành chương trình khung trung cấp nghề trên cơ sở kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định chương trình khung trung cấp nghề.
4. Căn cứ vào chương trình khung, hiệu trưởng các trường quy định tại Điều 22 của Luật này tổ chức biên soạn và duyệt chương trình dạy nghề của trường mình.
Giáo trình dạy nghề trình độ trung cấp cụ thể hoá yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của mỗi mô-đun, môn học trong chương trình dạy nghề, tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Hiệu trưởng các trường quy định tại Điều 22 của Luật này tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.
1. Trường trung cấp nghề.
2. Trường cao đẳng nghề có đăng ký dạy nghề trình độ trung cấp.
3. Trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học có đăng ký dạy nghề trình độ trung cấp.
Dạy nghề trình độ cao đẳng nhằm trang bị cho người học nghề kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và tổ chức làm việc theo nhóm; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc; giải quyết được các tình huống phức tạp trong thực tế; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ, tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
Dạy nghề trình độ cao đẳng được thực hiện từ hai đến ba năm học tuỳ theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ một đến hai năm học tuỳ theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cùng ngành nghề đào tạo.
1. Nội dung dạy nghề trình độ cao đẳng phải phù hợp với mục tiêu dạy nghề trình độ cao đẳng, tập trung vào năng lực thực hành các công việc của một nghề, nâng cao kiến thức chuyên môn theo yêu cầu đào tạo của nghề, bảo đảm tính hệ thống, cơ bản, hiện đại, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng sự phát triển của khoa học, công nghệ.
2. Phương pháp dạy nghề trình độ cao đẳng phải kết hợp rèn luyện năng lực thực hành nghề với trang bị kiến thức chuyên môn và phát huy tính tích cực, tự giác, năng động, khả năng tổ chức làm việc theo nhóm.
1. Chương trình dạy nghề trình độ cao đẳng thể hiện mục tiêu dạy nghề trình độ cao đẳng; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức dạy nghề; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với mỗi mô-đun, môn học, mỗi nghề.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan tổ chức xây dựng chương trình khung cao đẳng nghề.
3. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương quyết định thành lập hội đồng thẩm định chương trình khung cao đẳng nghề; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động và số lượng thành viên của hội đồng; ban hành chương trình khung cao đẳng nghề trên cơ sở kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định chương trình khung cao đẳng nghề.
4. Căn cứ vào chương trình khung, hiệu trưởng các trường quy định tại Điều 29 của Luật này tổ chức biên soạn và duyệt chương trình dạy nghề của trường mình.
Giáo trình dạy nghề trình độ cao đẳng cụ thể hoá yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của mỗi mô-đun, môn học trong chương trình dạy nghề, tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Hiệu trưởng các trường quy định tại Điều 29 của Luật này tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.
1. Trường cao đẳng nghề.
2. Trường cao đẳng, trường đại học có đăng ký dạy nghề trình độ cao đẳng.
1. Dạy nghề thường xuyên được thực hiện với các chương trình dạy nghề quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.
2. Dạy nghề thường xuyên được thực hiện linh hoạt về thời gian, địa điểm, phương pháp đào tạo để phù hợp với yêu cầu của người học nghề nhằm tạo điều kiện cho người lao động học suốt đời, nâng cao trình độ kỹ năng nghề thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động, tạo cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm.
1. Chương trình dạy nghề thường xuyên bao gồm:
a) Chương trình bồi dưỡng, nâng cao, cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề;
b) Chương trình dạy nghề theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề;
c) Chương trình chuyển giao công nghệ;
d) Chương trình dạy nghề quy định tại các điều 13, 20 và 27 của Luật này được thực hiện theo hình thức vừa làm vừa học hoặc tự học có hướng dẫn để được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề.
2. Phương pháp dạy nghề thường xuyên phải phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học và kinh nghiệm của người học nghề.
3. Người đứng đầu cơ sở dạy nghề quy định tại Điều 15 của Luật này xây dựng chương trình dạy nghề thường xuyên quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, tổ chức thực hiện và cấp chứng chỉ cho người học nghề. Chứng chỉ phải ghi rõ nội dung và thời gian khoá học.
Người dạy các chương trình dạy nghề thường xuyên quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này là nhà giáo, nhà khoa học, nghệ nhân, người có tay nghề cao.
4. Cơ sở dạy nghề quy định tại các điều 15, 22 và 29 của Luật này chỉ được tổ chức thực hiện các chương trình dạy nghề quy định tại điểm d khoản 1 Điều này sau khi đã bảo đảm thực hiện nhiệm vụ dạy nghề chính quy.
1. Tuyển sinh sơ cấp nghề được thực hiện theo hình thức xét tuyển.
2. Tuyển sinh trung cấp nghề được thực hiện theo hình thức xét tuyển.
3. Tuyển sinh cao đẳng nghề được thực hiện theo hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển.
4. Các trường hợp được tuyển thẳng vào cao đẳng nghề bao gồm:
a) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề loại khá trở lên đăng ký học cùng ngành nghề đào tạo;
b) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề đăng ký học cùng ngành nghề đào tạo nếu có ít nhất hai năm làm việc theo nghề đã được đào tạo.
5. Tuyển sinh học nghề được thực hiện một hoặc nhiều lần trong năm, tuỳ theo khả năng đào tạo của cơ sở dạy nghề, thời gian của khoá học và nhu cầu của người học nghề, của doanh nghiệp.
6. Quy chế tuyển sinh học nghề do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương ban hành.
1. Hợp đồng học nghề là sự thoả thuận về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở dạy nghề với người học nghề.
2. Hợp đồng học nghề phải được giao kết bằng văn bản trong các trường hợp sau đây:
a) Doanh nghiệp tuyển người vào học nghề để làm việc cho doanh nghiệp;
b) Học nghề tại cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài.
3. Hợp đồng học nghề được giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản trong các trường hợp sau đây:
a) Truyền nghề;
b) Kèm cặp nghề tại doanh nghiệp.
4. Hợp đồng học nghề được giao kết trực tiếp giữa người đứng đầu cơ sở dạy nghề với người học nghề. Trường hợp giao kết bằng văn bản thì hợp đồng học nghề được lập thành hai bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ một bản.
1. Hợp đồng học nghề phải có các nội dung sau đây:
a) Tên nghề học, kỹ năng nghề đạt được;
b) Nơi học và nơi thực tập;
c) Thời gian hoàn thành khoá học;
d) Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;
đ) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
e) Các thoả thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
2. Trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào học nghề để làm việc cho doanh nghiệp thì hợp đồng học nghề ngoài những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này còn có các nội dung sau đây:
a) Cam kết của người học nghề về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;
b) Cam kết của doanh nghiệp về việc giao kết hợp đồng lao động sau khi học xong;
c) Trả công cho người học nghề trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian học nghề.
3. Hợp đồng học nghề theo hình thức kèm cặp nghề tại doanh nghiệp ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, phải có thỏa thuận thời gian bắt đầu được trả công và mức tiền công trả cho người học nghề theo từng thời gian.
1. Người học nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề thì không được trả lại học phí. Trường hợp người học nghề đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, tai nạn, thai sản không đủ sức khoẻ hoặc gia đình có khó khăn không thể tiếp tục học nghề thì được trả lại phần học phí đã đóng của thời gian học còn lại.
2. Cơ sở dạy nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề thì phải báo cho người học nghề biết trước ít nhất ba ngày làm việc và trả lại toàn bộ học phí đã thu, trừ những sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật dân sự.
3. Trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào học nghề để làm việc cho doanh nghiệp, nếu người học nghề không làm việc theo cam kết thì phải bồi hoàn chi phí dạy nghề. Mức bồi hoàn do hai bên thoả thuận theo hợp đồng học nghề.
Chi phí dạy nghề gồm các khoản chi phí hợp lý cho người dạy, tài liệu, vật liệu thực hành, chi phí khấu hao nhà xưởng, máy móc thiết bị và các chi phí khác đã chi cho người học nghề.
1. Thi, kiểm tra trong trong quá trình học nghề gồm kiểm tra định kỳ; kiểm tra kết thúc mô-đun, môn học theo chương trình đã ban hành; thi tốt nghiệp hoặc kiểm tra kết thúc khoá học.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương ban hành quy chế thi, kiểm tra.
1. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.
2. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề tư thục do các tổ chức hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.
3. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài do tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.
1. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề được thành lập khi có đề án bảo đảm các điều kiện chủ yếu sau đây:
a) Có trường sở, khả năng tài chính và thiết bị dạy lý thuyết, thực hành phù hợp với nghề, trình độ và quy mô đào tạo;
b) Có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ chuẩn và kỹ năng nghề bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình dạy nghề.
2. Điều kiện cụ thể thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương quy định.
1. Thẩm quyền thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề công lập và cho phép thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề tư thục được quy định như sau:
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề công lập thuộc tỉnh và cho phép thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề tư thục trên địa bàn;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội quyết định thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề trực thuộc;
c) Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương quyết định thành lập trường cao đẳng nghề công lập; cho phép thành lập trường cao đẳng nghề tư thục.
2. Người có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập thì có quyền đình chỉ hoạt động dạy nghề, sáp nhập, chia, tách, giải thể trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề.
3. Thủ tục thành lập, cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động dạy nghề, sáp nhập, chia, tách, giải thể trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề và đăng ký hoạt động dạy nghề do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương quy định.
1. Đình chỉ hoạt động dạy nghề của cơ sở dạy nghề quy định tại các điều 15, 22 và 29 của Luật này khi có hành vi vi phạm pháp luật về dạy nghề gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Đình chỉ hoạt động dạy nghề đối với từng nghề của cơ sở dạy nghề quy định tại các điều 15, 22 và 29 của Luật này khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về dạy nghề sau đây:
a) Không bảo đảm các điều kiện về trường sở, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Luật này;
b) Không bảo đảm các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 của Luật này;
c) Không bảo đảm các điều kiện về chương trình, giáo trình dạy nghề quy định tại các điều 13, 14, 20, 21, 27 và 28 của Luật này.
3. Thời hạn đình chỉ hoạt động dạy nghề được thực hiện theo các quy định sau đây:
a) Đình chỉ hoạt động dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề cho đến khi khắc phục xong vi phạm, nhưng tối đa không quá 24 tháng. Trường hợp quá thời hạn này mà vẫn chưa khắc phục xong vi phạm thì cơ sở dạy nghề quy định tại khoản 3 Điều 15, khoản 3 Điều 22 và khoản 2 Điều 29 của Luật này không được tiếp tục hoạt động dạy nghề; cơ sở dạy nghề quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15, khoản 1 và khoản 2 Điều 22, khoản 1 Điều 29 của Luật này bị giải thể theo quy định tại Điều 43 của Luật này;
b) Đình chỉ hoạt động dạy nghề đối với từng nghề của cơ sở dạy nghề cho đến khi khắc phục xong vi phạm, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Trường hợp quá thời hạn này mà vẫn chưa khắc phục xong vi phạm thì cơ sở dạy nghề không được tiếp tục hoạt động dạy nghề đối với nghề chưa khắc phục xong vi phạm.
1. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Có hành vi vi phạm pháp luật về dạy nghề gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động dạy nghề mà vẫn chưa khắc phục xong vi phạm;
c) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề;
d) Khi trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề hết thời hạn hoạt động được ghi trong quy chế, điều lệ.
2. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề bị giải thể phải xây dựng phương án giải quyết quyền lợi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động, người học nghề và thực hiện nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật, trình người có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề xem xét, quyết định.
1. Quy chế mẫu của trung tâm dạy nghề có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nhiệm vụ và quyền hạn của trung tâm dạy nghề;
b) Nhiệm vụ và quyền của giáo viên dạy nghề, người học nghề;
c) Tổ chức, hoạt động và quản lý trung tâm dạy nghề;
d) Quan hệ giữa trung tâm dạy nghề với doanh nghiệp và xã hội.
2. Điều lệ mẫu của trường trung cấp nghề, Điều lệ mẫu của trường cao đẳng nghề có nội dung chủ yếu theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật giáo dục.
3. Quy chế mẫu trung tâm dạy nghề, Điều lệ mẫu trường trung cấp nghề, Điều lệ mẫu trường cao đẳng nghề do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương ban hành.
4. Trung tâm dạy nghề căn cứ vào Quy chế mẫu để xây dựng Quy chế của trung tâm mình. Trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề căn cứ vào Điều lệ mẫu để xây dựng Điều lệ của trường mình.
1. Giám đốc trung tâm dạy nghề phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất, đạo đức tốt;
b) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên;
c) Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý;
d) Đủ sức khoẻ theo quy định.
2. Thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận giám đốc trung tâm dạy nghề được quy định như sau:
a) Người có thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm dạy nghề công lập bổ nhiệm giám đốc trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc;
b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận giám đốc trung tâm dạy nghề tư thục trên địa bàn theo đề nghị của tổ chức hoặc những người góp vốn thành lập trung tâm hoặc cá nhân là chủ sở hữu trung tâm.
3. Giám đốc trung tâm dạy nghề có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Quản lý, điều hành các hoạt động của trung tâm dạy nghề;
b) Cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.
4. Thủ tục bổ nhiệm, công nhận giám đốc trung tâm dạy nghề được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương.
1. Hiệu trưởng trường trung cấp nghề, hiệu trưởng trường cao đẳng nghề phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất, đạo đức tốt, đã qua giảng dạy hoặc tham gia quản lý dạy nghề ít nhất là 5 năm;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với hiệu trưởng trường trung cấp nghề; có bằng thạc sỹ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng nghề;
c) Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý;
d) Đủ sức khoẻ theo quy định.
2. Thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trường trung cấp nghề, hiệu trưởng trường cao đẳng nghề được quy định như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội bổ nhiệm hiệu trưởng trường trung cấp nghề, hiệu trưởng trường cao đẳng nghề công lập trực thuộc;
b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận hiệu trưởng trường trung cấp nghề tư thục trên địa bàn theo đề nghị của hội đồng quản trị hoặc cá nhân là chủ sở hữu trường;
c) Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng nghề tư thục theo đề nghị của hội đồng quản trị hoặc cá nhân là chủ sở hữu trường.
3. Hiệu trưởng trường trung cấp nghề, hiệu trưởng trường cao đẳng nghề có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường;
b) Hiệu trưởng trường trung cấp nghề cấp bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp nghề; hiệu trưởng trường cao đẳng nghề cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp nghề.
4. Thủ tục bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trường trung cấp nghề, hiệu trưởng trường cao đẳng nghề được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương.
1. Hội đồng trường được thành lập đối với trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề công lập; hội đồng quản trị được thành lập đối với trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề tư thục có từ hai thành viên góp vốn trở lên (sau đây gọi chung là hội đồng trường).
2. Hội đồng trường có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Quyết nghị về phương hướng, mục tiêu, kế hoạch và các dự án phát triển của trường;
b) Quyết nghị về điều lệ hoặc sửa đổi, bổ sung điều lệ của trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Quyết nghị về huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực của trường;
d) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường, quy chế dân chủ trong các hoạt động của trường.
3. Thủ tục thành lập, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của hội đồng trường được quy định trong Điều lệ mẫu của trường trung cấp nghề, Điều lệ mẫu của trường cao đẳng nghề.
Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn thể, tổ chức xã hội trong trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề hoạt động theo Điều lệ của tổ chức mình và theo quy định của pháp luật.
1. Hội đồng tư vấn trong trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề do giám đốc, hiệu trưởng thành lập để lấy ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý, đại diện các tổ chức trong trung tâm, trường nhằm thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của giám đốc, hiệu trưởng.
2. Hội đồng thẩm định chương trình, giáo trình dạy nghề là tổ chức tư vấn giúp giám đốc, hiệu trưởng duyệt chương trình, giáo trình. Hội đồng thẩm định gồm giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật và người sử dụng lao động am hiểu về nghề. Hội đồng thẩm định có từ năm đến chín thành viên tuỳ theo từng chương trình, giáo trình được thẩm định.
3. Tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tư vấn và Hội đồng thẩm định chương trình, giáo trình dạy nghề do giám đốc, hiệu trưởng quy định.
1. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có nhiệm vụ, quyền hạn, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm quy định tại các điều 58, 59 và 60 của Luật giáo dục.
2. Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề còn có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Tư vấn học nghề, tư vấn việc làm miễn phí cho người học nghề;
b) Tổ chức cho người học nghề tham quan, thực tập tại doanh nghiệp;
c) Liên doanh, liên kết hoạt động dạy nghề với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài;
d) Được thành lập doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật;
đ) Đưa nội dung giảng dạy về ngôn ngữ, phong tục tập quán, pháp luật có liên quan của nước mà người lao động đến làm việc và pháp luật có liên quan của Việt Nam vào chương trình dạy nghề khi tổ chức dạy nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
1. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động dạy nghề theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên;
b) Có trường sở, thiết bị dạy lý thuyết, thực hành phù hợp với nghề, trình độ và quy mô đào tạo;
c) Có văn bản chứng nhận của ngân hàng về vốn điều lệ.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư cho trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và có văn bản thoả thuận của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề có thẩm quyền.
1. Nhà nước có chính sách giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất, ưu đãi về tín dụng, miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật đối với cơ sở dạy nghề; miễn thuế theo quy định của pháp luật đối với sản phẩm được tạo ra từ hoạt động dạy nghề phục vụ cho cơ sở dạy nghề.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo khác, các nhà khoa học phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực về nông, lâm, ngư nghiệp.
3. Cơ sở dạy nghề tư thục được hưởng các chính sách quy định tại các điều 65, 66, 67 và 68 của Luật giáo dục.
1. Nhà nước có chính sách đầu tư bảo đảm các điều kiện cho cơ sở dạy nghề tiếp nhận học sinh phổ thông dân tộc nội trú khi ra trường được vào học nghề.
2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề phát triển các nghề đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
1. Được thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề để đào tạo nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cho xã hội.
2. Được tổ chức dạy nghề cho người lao động để làm việc cho doanh nghiệp; được Nhà nước hỗ trợ khi tiếp nhận người tàn tật, khuyết tật vào học nghề và làm việc cho doanh nghiệp.
3. Được liên doanh, liên kết với cơ sở dạy nghề để tổ chức dạy nghề cho người lao động; tổ chức nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Được cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề, cơ sở dạy nghề mời tham gia hội đồng thẩm định chương trình, giáo trình dạy nghề; giảng dạy, hướng dẫn thực tập nghề và đánh giá kết quả học tập của người học nghề; tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Được trừ để tính thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật đối với các khoản chi phí sau đây:
a) Các khoản đầu tư, chi phí hợp lý của doanh nghiệp để duy trì hoạt động của cơ sở dạy nghề trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Chi phí dạy nghề của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc cho doanh nghiệp.
1. Cung cấp thông tin về ngành nghề, nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.
2. Tiếp nhận người học nghề đến tham quan, thực tập kỹ năng nghề tại doanh nghiệp thông qua hợp đồng với cơ sở dạy nghề.
3. Trả công cho người học nghề khi họ trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp. Mức tiền công do hai bên thỏa thuận.
1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực và đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
2. Tạo điều kiện cho người lao động của doanh nghiệp vừa làm, vừa học để nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
3. Đào tạo lại nghề cho người lao động khi chuyển sang làm công việc khác của doanh nghiệp. Chi phí đào tạo lại và tiền lương, tiền công cho người lao động trong thời gian học nghề do doanh nghiệp chi trả.
1. Giáo viên dạy nghề là người dạy lý thuyết, dạy thực hành hoặc vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trong các cơ sở dạy nghề.
2. Giáo viên dạy nghề phải có những tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật giáo dục.
3. Trình độ chuẩn của giáo viên dạy nghề được quy định như sau:
a) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ sơ cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;
b) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ trung cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;
c) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ cao đẳng nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;
d) Trường hợp giáo viên dạy nghề quy định tại các điểm a, b và c của khoản này không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ đào tạo sư phạm.
1. Giáo viên dạy nghề có các nhiệm vụ quy định tại Điều 72 của Luật giáo dục.
2. Giáo viên dạy nghề có các quyền quy định tại Điều 73 của Luật giáo dục và các quyền sau đây:
a) Được đi thực tế sản xuất, tiếp cận với công nghệ mới;
b) Được sử dụng các tài liệu, phương tiện, đồ dùng dạy học, thiết bị và cơ sở vật chất của cơ sở dạy nghề để thực hiện nhiệm vụ được giao;
c) Được tham gia đóng góp ý kiến về chủ trương, kế hoạch của cơ sở dạy nghề, xây dựng chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của giáo viên.
1. Tuyển dụng giáo viên dạy nghề ở cơ sở dạy nghề công lập phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật này và được thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về lao động.
2. Tuyển dụng giáo viên dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề tư thục phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật này và được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Việc bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên dạy nghề thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương.
1. Cơ sở dạy nghề được mời người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật này đến giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng.
2. Người được mời thỉnh giảng phải thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 72 của Luật giáo dục.
3. Người được mời thỉnh giảng là cán bộ, công chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác.
1. Được hưởng chính sách bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chính sách tiền lương, chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại các điều 80, 81 và 82 của Luật giáo dục.
2. Được hưởng phụ cấp khi dạy thực hành các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Chính phủ và được hưởng các chính sách khác đối với nhà giáo.
1. Người tốt nghiệp các khoá học nghề theo chế độ cử tuyển, theo các chương trình do Nhà nước đặt hàng, cấp học bổng, chi phí dạy nghề hoặc do nước ngoài tài trợ theo hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của Nhà nước; trường hợp không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí dạy nghề.
2. Người tốt nghiệp các khoá học nghề do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí dạy nghề phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng học nghề; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí dạy nghề.
1. Người học nghề được hưởng chính sách học bổng và trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục, chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên quy định tại các điều 89, 90, 91 và 92 của Luật giáo dục.
2. Học sinh tốt nghiệp trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi được tuyển thẳng vào học trường trung cấp nghề.
3. Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi chuyển sang học nghề được hưởng chính sách như học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú.
4. Trong quá trình học nghề nếu người học nghề đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, tai nạn, thai sản không đủ sức khoẻ hoặc gia đình có khó khăn không thể tiếp tục học nghề hoặc đi làm thì được bảo lưu kết quả học nghề và được trở lại tiếp tục học tập để hoàn thành khóa học. Thời gian được bảo lưu kết quả học nghề không quá bốn năm.
1. Nhà nước có chính sách tổ chức dạy nghề cho người lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài.
2. Trường hợp người đang học nghề mà đi làm việc ở nước ngoài thì được bảo lưu kết quả học nghề. Thời gian được bảo lưu kết quả học nghề không quá bốn năm.
1. Nhà nước khuyến khích người học nghề tham gia thi học sinh giỏi nghề để nâng cao năng lực thực hành nghề. Người đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi nghề quốc gia, quốc tế được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
2. Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi học sinh giỏi nghề quốc gia, nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp nghề được tuyển thẳng vào trường cao đẳng, trường cao đẳng nghề để học ngành nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
3. Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi học sinh giỏi nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp nghề thì được tuyển thẳng vào trường đại học để học ngành nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
Dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật nhằm giúp họ có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm, ổn định đời sống và hoà nhập cộng đồng.
1. Cơ sở dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 40 của Luật này và các điều kiện sau đây:
a) Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; giáo trình, phương pháp và thời gian dạy nghề phù hợp với người tàn tật, khuyết tật;
b) Giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy cho người tàn tật, khuyết tật.
2. Các công trình xây dựng phục vụ cho người tàn tật, khuyết tật học nghề phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
1. Nhà nước khuyến khích các cơ sở dạy nghề tuyển người tàn tật, khuyết tật vào học hòa nhập; khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dạy nghề dành cho người tàn tật, khuyết tật.
2. Cơ sở dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật được hưởng các chính sách quy định tại Điều 53 của Luật này và được Nhà nước hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; được giao đất không thu tiền hoặc thuê đất ở nơi thuận lợi cho việc học nghề của người tàn tật, khuyết tật.
1. Được hưởng học bổng và trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục, chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên quy định tại các điều 89, 90, 91 và 92 của Luật giáo dục.
2. Được tư vấn học nghề, tư vấn việc làm miễn phí.
3. Được giảm hoặc miễn học phí.
4. Người tàn tật, khuyết tật học nghề thuộc hộ nghèo được miễn học phí, được cấp học bổng và hỗ trợ ăn, ở, đi lại theo quy định của pháp luật.
1. Nhà nước đầu tư đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp dạy nghề đối với giáo viên dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật.
2. Giáo viên dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật được hưởng chế độ đối với giáo viên dạy nghề quy định tại Điều 62 của Luật này và được hưởng phụ cấp đặc thù theo quy định của Chính phủ.
1. Kiểm định chất lượng dạy nghề nhằm đánh giá, xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề.
2. Kiểm định chất lượng dạy nghề được thực hiện định kỳ đối với cơ sở dạy nghề trong phạm vi cả nước. Kết quả kiểm định được công bố công khai để người học nghề, xã hội biết và giám sát.
1. Nội dung kiểm định chất lượng đối với cơ sở dạy nghề bao gồm các tiêu chí sau đây:
a) Mục tiêu và nhiệm vụ;
b) Tổ chức và quản lý;
c) Hoạt động dạy và học;
d) Giáo viên và cán bộ quản lý;
đ) Chương trình, giáo trình;
e) Thư viện;
g) Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học;
h) Quản lý tài chính;
i) Các dịch vụ cho người học nghề.
2. Các hình thức kiểm định chất lượng dạy nghề bao gồm:
a) Tự kiểm định chất lượng dạy nghề của cơ sở dạy nghề;
b) Kiểm định chất lượng dạy nghề của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.
Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình kiểm định chất lượng dạy nghề, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề.
1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm về nâng cao chất lượng dạy nghề.
2. Tổ chức tự kiểm định chất lượng dạy nghề theo tiêu chuẩn, quy trình kiểm định chất lượng dạy nghề.
3. Cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề khi cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề thực hiện kiểm định tại cơ sở mình.
4. Trong trường hợp không đồng ý với kết luận kiểm định thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
1. Cơ sở dạy nghề đã được kiểm định chất lượng nếu đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề. Giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn năm năm.
2. Cơ sở dạy nghề không duy trì được chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề thì bị thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề.
3. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương có thẩm quyền cấp và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề.
Cơ sở dạy nghề được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề;
2. Hằng năm báo cáo kết quả tự kiểm định với cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề;
3. Được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư để nâng cao chất lượng dạy nghề và được tham gia đấu thầu thực hiện chỉ tiêu dạy nghề theo đơn đặt hàng của Nhà nước.
1. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được xây dựng theo bậc trình độ kỹ năng nghề cho mỗi nghề. Số lượng bậc trình độ kỹ năng nghề đối với từng nghề phụ thuộc vào mức độ phức tạp của nghề đó.
2. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia là cơ sở để người lao động phấn đấu nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất, kinh doanh và để người sử dụng lao động bố trí công việc, trả lương hợp lý cho người lao động; góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp; là căn cứ để xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp với yêu cầu của sản xuất, kinh doanh.
1. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở trung ương ban hành nguyên tắc, quy trình và tổ chức chỉ đạo việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan, hội nghề nghiệp có liên quan tổ chức xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho từng nghề sau khi có văn bản thoả thuận của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở trung ương.
1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức chỉ đạo việc thực hiện đánh giá kỹ năng nghề quốc gia của người lao động.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở trung ương thực hiện quản lý việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
1. Người lao động có kỹ năng nghề tích luỹ được trong quá trình học tập, làm việc có quyền tham dự đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
2. Người lao động có quyền đề nghị phúc khảo kết quả đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
3. Người lao động đạt yêu cầu ở bậc trình độ kỹ năng nghề nào thì được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ đó. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có giá trị trong phạm vi cả nước.
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển dạy nghề.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dạy nghề.
3. Quy định mục tiêu, nội dung, phương pháp, chương trình dạy nghề; tiêu chuẩn giáo viên dạy nghề; danh mục nghề đào tạo ở các cấp trình độ; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị; quy chế tuyển sinh và cấp bằng, chứng chỉ nghề.
4. Tổ chức thực hiện việc kiểm định chất lượng dạy nghề.
5. Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động dạy nghề.
6. Tổ chức bộ máy quản lý dạy nghề.
7. Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.
8. Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để phát triển dạy nghề.
9. Tổ chức, chỉ đạo công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về dạy nghề.
10. Tổ chức, quản lý công tác hợp tác quốc tế về dạy nghề.
11. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dạy nghề; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về dạy nghề.
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dạy nghề.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề theo thẩm quyền.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề theo phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm đầu tư phát triển dạy nghề đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của địa phương.
Các nguồn tài chính đầu tư cho dạy nghề, ngân sách nhà nước chi cho dạy nghề, ưu tiên đầu tư tài chính và đất đai xây dựng cơ sở dạy nghề, khuyến khích đầu tư cho dạy nghề, học phí, lệ phí tuyển sinh học nghề, ưu đãi về thuế trong xuất bản giáo trình dạy nghề, sản xuất thiết bị dạy nghề được thực hiện theo quy định tại các điều 101, 102, 103, 104, 105 và 106 của Luật giáo dục.
1. Quỹ hỗ trợ học nghề được thành lập để hỗ trợ cho người học nghề.
2. Nguồn tài chính của Quỹ hỗ trợ học nghề bao gồm đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp cho Quỹ hỗ trợ học nghề.
3. Quỹ hỗ trợ học nghề hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn thuế. Việc quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ học nghề phải đúng mục đích và theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ học nghề.
1. Thanh tra dạy nghề là thanh tra chuyên ngành.
2. Việc thanh tra về hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
3. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của thanh tra dạy nghề.
1. Cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dạy nghề được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động dạy nghề thực hiện theo quy định của pháp luật.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2007.
Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động dạy nghề thì áp dụng theo quy định của Luật này.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều 62, 72, 84, 86, 88 và 89 của Luật này.
THE NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No: 76/2006/QH11 |
Hanoi, November 29, 2006 |
Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No.51/2001/QH10 of December 25, 2001, of the Xth National Assembly, the 10th session;
This Law provides for vocational training.
This Law provides for the organization and operation of vocational training institutions; rights and obligations of organizations and individuals participating in vocational training activities.
Article 2.- Subjects of application
This Law applies to organizations and individuals participating in vocational training activities and organizations and individuals involved in vocational training activities in Vietnam.
Article 3.- Application of the Law on Vocational Training
1. Vocational training activities and management of vocational training comply with the provisions of this Law and relevant laws.
2. Where treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party contain provisions different from those of this Law, the provisions of such treaties prevail.
Article 4.- Objectives of vocational training
Vocational training aims to train technical personnel directly involved in production or services to have professional-practice capabilities commensurate to the training degrees, to possess professional ethics and conscience, sense of discipline, industrial working style and good health with a view to creating conditions for trainees to find jobs after their graduation, to create jobs for themselves or to further their study, meeting the requirements of national industrialization and modernization.
Article 5.- Interpretation of terms
In this Law, the terms below are construed as follows:
1. Vocational training means activities of teaching and learning, which aim to equip trainees with necessary professional knowledge, skills and attitudes so that they can find jobs or self-employ after the completion of their training courses.
2. Modules means study units integrated comprehensively between professional knowledge, practicing skills and professional behaviors with a view to helping trainees acquire the capability to practice completely a job of a profession.
3. Framework programs provide for the content structure, quantity and time volume of modules, study subjects, time ratios between theory and practice, ensuring the objectives of each training discipline.
4. Professional skills standards set the performance extent and the knowledge, skills and attitudes needed for the performance of different jobs of a profession.
Article 6.- Vocational training degrees
There are three degrees in vocational training: the elementary degree, the intermediate degree and the collegial degree. The vocational training covers formal training and continuing training.
Article 7.- State policies on vocational training development
1. To invest in the expansion of a network of vocational training institutions and raise the quality of vocational training, contributing to assuring human resources in service of national industrialization and modernization; contributing to the specialization of lower or upper secondary education graduates; creating conditions for the universalization of vocations for youths and meeting the job-learning demands of laborers; providing vocational training for laborers going to work overseas.
2. To make focal and key investments so as to renew vocational training contents, programs and methods, develop a contingent of trainers, modernize equipment and intensify scientific research with a view to raising the quality of vocational training; to concentrate on building a number of vocational training institutions up to the advanced levels of the region and the world; to attach importance to developing vocational training in areas facing exceptionally difficult socio-economic conditions; to invest in training in vocations demanded by the labor market, which is hardly socialized.
3. To socialize vocational training activities, encouraging Vietnamese and foreign organizations and individuals as well as overseas Vietnamese to set up vocational training institutions and participate in vocational training activities. To encourage artisans and persons with high professional skills to participate in vocational training; to encourage and support training in traditional and rural crafts. Vocational training institutions are equal in vocational training activities and enjoy land, tax and credit incentives according to law.
4. To support policy beneficiaries including people with meritorious services to the country, demobilized armymen, ethnic minority people, members of poor households, disabled or handicapped persons, supportless orphans, direct laborers in agricultural households with farm land recovered and other social- policy beneficiaries with a view to creating opportunities for them to learn vocations in order to find jobs or self-employ, earn their living and make a fortune.
Article 8.- Transferability in training
1. Transferability in training is realized, based on training programs; trainees who further their study from lower to higher degree in the same disciplines or shift to other disciplines or other training degrees are not required to re-study the contents they have learned.
2. Principals of schools specified in Articles 22 and 29 of this Law shall base themselves on vocational training programs to decide on modules, study subjects or contents which trainees shall re-study.
3. The head of the central agency in charge of state management of vocational training shall direct the formulation of vocational training programs to ensure transferability between different degrees in vocational training.
4. The Education and Training Minister shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the head of the central agency in charge of state management of vocational training in, providing for transferability between the intermediate and collegial levels and the university level of the same disciplines.
Article 9.- Prohibited acts in vocational training
1. Taking advantage of vocational training activities to seek personal profits, abuse labor force.
2. Hurting the honor or dignity, infringing upon the bodies of trainers, administrators or staff members of vocational training institutions or of trainees.
3. Committing fraudulence in enrolment of trainees, examinations, tests, grant of professional diplomas and certificates.
Section 1. ELEMENTARY VOCATIONAL TRAINING DEGREE
Article 10.- Elementary degree vocational training objectives
Elementary-degree vocational training aims to equip trainees with the capability to practice a simple profession or the capability to practice a number of jobs of a profession; with professional ethics and conscience, sense of discipline, industrial working style, good health, creating conditions for graduating trainees to find jobs, self-employ or further their study to higher levels.
Article 11.- Elementary-degree vocational training duration
Elementary-degree vocational training is conducted for between three months and less than one year for persons with educational level and health suitable to the occupations they need to learn.
Article 12.- Requirements on elementary-degree vocational training contents and methods
1. Elementary-degree vocational training contents must be compatible with the elementary-degree vocational training objectives, focus on practicing capabilities and be suitable to reality and scientific and technological development.
2. Elementary-degree vocational training methods must attach importance to training in practicing skills and promote dynamism and voluntariness of trainees.
Article 13.- Elementary-degree vocational training programs
1. Elementary-degree vocational training programs reflect the elementary-degree vocational training objectives; specify the knowledge and skill standards, the scope and structure of vocational training contents, methods and forms; ways of assessing the study results for each module or each discipline.
2. Elementary-degree vocational training programs shall be elaborated and approved by heads of vocational training institutions defined in Article 15 of this Law.
Article 14.- Elementary-degree vocational training syllabuses
Elementary-degree vocational training syllabuses detail the requirements on knowledge, skills of each module in the vocational training program, creating conditions for the application of active teaching methods. Heads of vocational training institutions defined in Article 15 of this Law shall organize the compilation of and approve the syllabuses, which serve as official teaching and learning documents.
Article 15.- Elementary-degree vocational training institutions
1. Vocational training centers.
2. Intermediate vocational-training schools and colleges which register for elementary-degree vocational training.
3. Enterprises, cooperatives, other production, business or service establishments (below collectively referred to as enterprises), professional secondary schools, colleges, universities and other educational institutions which register for elementary-degree vocational training.
Article 16.- Elementary-degree professional certificates
Trainees who finish an elementary-degree vocational training program and fully meet the conditions may sit for examinations; if passing such examinations, they are granted elementary-degree professional certificates by heads of vocational training institutions defined in Article 15 of this Law under the regulations of the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
Section 2. INTERMEDIATE VOCATIONAL TRAINING DEGREE
Article 17.- Intermediate-degree vocational training objectives
Intermediate-degree vocational training aims to equip trainees with professional knowledge and capabilities to practice jobs of a profession, who can work independently and apply techniques and technologies to their work; have professional ethics and conscience, sense of discipline, industrial working styles and good health, and to create conditions for graduates to find jobs, self-employ or further their study to higher levels.
Article 18.- Intermediate-degree vocational training duration
Intermediate-degree vocational training is conducted for between one and two years, depending on the disciplines, for persons who possess an upper secondary education diploma; between three and four years, depending on the disciplines, for persons who possess a lower secondary education diploma.
Article 19.- Requirements on intermediate-degree vocational training contents and methods
1. Intermediate-degree vocational training contents must comply with the intermediate-degree vocational training objectives, focusing on the capabilities to practice jobs of a profession, raising the educational levels required by the training, ensuring their systematicity, fundamentals and suitability to reality and scientific and technological development.
2. Intermediate-degree vocational training methods must combine training in practicing capability with supply of professional knowledge and promote trainees' dynamism, voluntariness and capability to work independently.
Article 20.- Intermediate-degree vocational training programs
1. Intermediate-degree vocational training programs must reflect the intermediate-degree vocational training objectives; define the standards on knowledge, skills, scope and structure of vocational training contents, methods and forms as well as ways of assessing the study results for each module, study subject or discipline.
2. The head of the central agency in charge of state management of vocational training shall coordinate with relevant ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of government-attached agencies in organizing the formulation of framework programs on vocational training.
3. The head of the central agency in charge of state management of vocational training shall decide to set up a council for appraisal of vocational training framework programs; define the tasks, powers, operation mode and membership of the council; promulgate vocational training framework programs on the basis of the results of appraisal by the council for appraisal of intermediate-degree vocational training framework programs.
4. Based on the framework programs, principals of schools defined in Article 22 of this Law shall organize the elaboration of and approve vocational training programs for their respective schools.
Article 21.- Intermediate-degree vocational training syllabuses
Intermediate-degree vocational training syllabuses must detail the requirements on knowledge, skills of each module, each study subject in the vocational training program, creating conditions for the application of active teaching methods. Principals of schools defined in Article 22 of this Law shall organize the elaboration of and approve teaching syllabuses for use as official teaching and learning documents.
Article 22.- Intermediate-degree vocational training institutions
1. Professional secondary schools.
2. Vocational training colleges registering for intermediate-degree vocational training,
3. Professional secondary schools, colleges and universities registering for intermediate-degree vocational training.
Article 23.- Intermediate-degree vocational training diplomas
Trainees who finish a intermediate-degree vocational training program and fully meet the prescribed conditions may sit for examinations; if passing such examinations, they are granted intermediate-degree vocational training diplomas by principals of schools defined in Article 22 of this Law according to regulations of the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
Section 3. VOCATIONAL- TRAINING COLLEGES
Article 24.- Collegial-degree vocational training objectives
Collegial-degree vocational training aims to equip trainees with professional knowledge and capabilities to practice jobs of a profession, who are capable of working independently and in groups, have the capability to create and apply techniques and technologies to their work and settle complicated circumstances in reality; have professional ethics and conscience, sense of discipline, industrial working styles and good health, and aims to create conditions for graduates to find jobs, self-employ or further their study at higher levels.
Article 25.- Collegial-degree vocational training duration
Collegial-degree vocational training is conducted for between two and three years, depending on the training disciplines, for persons possessing an upper secondary school diploma; between one and two years, depending on the disciplines, for persons possessing an intermediate professional degree in the same disciplines.
Article 26.- Requirements on collegial-degree vocational training contents and methods
1. Collegial-degree vocational training contents must be compatible with the collegial-degree vocational training objectives, focusing on capabilities to practice various jobs of a profession, to raise the professional knowledge according to the vocational training requirements, ensuring their systematicity, fundamentals, modernity, practicality and satisfy the scientific and technological development.
2. Collegial-degree vocational training methods must combine training in practicing capabilities with supply of professional knowledge, and promote activity, voluntariness, dynamism, and capability to organize group work.
Article 27.- Collegial-degree vocational training programs
1. Collegial-degree vocational training programs reflect the collegial-degree vocational training objectives; provide the standards on knowledge, skills, scope and structure of vocational training contents, methods and forms; ways of assessing the study results for each module, study subject and or discipline.
2. The head of the central agency in charge of state management of vocational training shall coordinate with relevant ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of government-attached agencies in organizing the formulation of collegial-degree vocational training programs.
3. The head of the central agency in charge of state management of vocational training shall decide to set up a council for appraisal of the collegial-degree vocational training framework program; define the tasks, powers, operation modes and membership of the council; promulgate the collegial-degree vocational training framework program on the basis of the results of appraisal by the council for appraisal of the collegial-degree vocational training framework program.
4. Based on the framework programs, principals of schools defined in Article 29 of this Law shall organize the elaboration of, and approve the vocational training programs for their respective schools.
Article 28.- Collegial-degree vocational training syllabuses
Collegial-degree vocational training syllabuses must detail the requirements on knowledge contents, skills of each module, study subject in the vocational training program, creating conditions for application of active teaching methods. Principals of schools defined in Article 29 of this Law shall organize the compilation of and approve the teaching syllabuses for use as official teaching and learning documents.
Article 29.- Collegial-degree vocational training institutions
1. Vocational training colleges.
2. Colleges and universities registering for collegial-degree vocational training.
Article 30.- Collegial-degree vocational training diplomas
Trainees who finish a collegial-degree vocational training program and satisfy the prescribed conditions may sit for examinations; if passing such examinations, they are granted collegial-degree vocational training diplomas by principals of schools defined in Article 29 of this Law under the regulations of the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
Section 4. FORMAL VOCATIONAL TRAINING AND CONTINUING VOCATIONAL TRAINING
Article 31.- Formal vocational training
Formal vocational training applies to elementary, intermediate and collegial vocational training programs at vocational training institutions specified in Articles 15, 22 and 29 of this Law in formal and continuing training courses.
Article 32.- Continuing vocational training
1. Continuing vocational training applies to vocational training programs defined in Clause 1, Article 33 of this Law.
2. Continuing vocational training is conducted in a flexible manner in terms of time, venue and training methods to suit trainees' needs with a view to creating conditions for laborers to study all their lives and raise their professional skills compatible with the labor market's requirements, giving them opportunities to find jobs or self-employ.
Article 33.- Continuing vocational training programs and methods
1. Continuing vocational training programs include:
a/ Programs on fostering, raising, updating professional knowledge and skills;
b/ Programs on vocational training in forms of apprentice, hand-down of professions;
c/ Programs on technology transfer;
d/ Vocational training programs specified in Articles 13, 20 and 27 of this Law are conducted in the form of in-service training or guided self-training in order to be granted elementary vocational training certificates, intermediate vocational training diplomas or collegial-level vocational training diplomas.
2. Continuing vocational training methods must promote trainees' active roles, self-training capacity and experience.
3. Heads of vocational training institutions defined in Article 15 of this Law shall formulate continuing vocational training programs specified at Points a, b and c, Clause 1 of this Article, organize the implementation thereof and grant vocational training certificates to trainees. A certificate must clearly state the contents and duration of the training course.
Lecturers on continuing vocational training programs defined at Point a, b and c, Clause 1 of this Article are teachers, scientists, artisans and professionally skilled persons.
4. Vocational training institutions defined in Article 15, 22 and 29 of this Law may organize the implementation of vocational training programs defined at Point d, Clause 1 of this Article only after ensuring the performance of the task of formal vocational training.
ENROLMENT OF TRAINEES, VOCATIONAL TRAINING CONTRACTS, EXAMS AND TESTS
Article 34.- Enrolment of trainees
1. Enrolment of elementary vocational trainees is carried out in the form of consideration and enrolment.
2. Enrolment of intermediate vocational trainees is carried out in the form of consideration and enrolment.
3. Enrolment of collegial vocational trainees is carried out in the form of consideration and enrolment or exams and enrolment.
4. Cases entitled to direct enrolment into vocational training colleges cover:
a/ Persons holding intermediate vocational training diplomas of satisfactory or higher levels and registering to study the same disciplines;
b/ Persons holding intermediate vocational training diplomas and registering to study the same disciplines if they have worked on their trained vocations for at least two years.
5. Enrolment of vocational trainees is carried out once or many times in a year, depending on the training capability of vocational training institutions, the duration of training courses and the demands of trainees or enterprises.
6. The Regulation on enrolment of vocational trainees is promulgated by the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
Article 35.- Vocational training contracts
1. Vocational training contract mean the agreement on the rights and obligations between the head of a vocational training institution and a trainee.
2. Vocational training contracts must be concluded in writing in the following cases:
a/ Enterprises recruit people for vocational training to work for them;
b/ Vocational training is conducted at foreign-invested vocational training institutions.
3. Vocational training contracts are concluded verbally or in writing in the following cases of:
a/ Hand-down of professions;
b/ Professional apprentice at enterprises.
4. Vocational training contracts are concluded directly between heads of vocational training institutions and trainees. If a contract is concluded in writing, it must be made in two copies of equal validity, each kept by a contracting party.
Article 36.- Contents of vocational training contracts
1. A vocational training contract contains the following details:
a/ The name of the training discipline, professional skills expected to reach.
b/ The venues of training and practice;
c/ The completion time of the training course;
d/ The training charge and mode of payment;
e/ Each contracting party's liabilities to pay damages upon contractual breach;
f/ Other agreements not contrary to law and social ethics.
2. If enterprises recruit people for training to work for them, apart from the contents specified in Clause 1 of this Article, a vocational training contract must also cover the following contents:
a/ Trainee's commitment on the duration of working for the enterprise;
b/ The enterprise's commitment to conclude a labor contract after completing the training course;
c/ Remuneration paid to trainee who directly turns out or participates in turning out products for the enterprise during his/her vocational training.
3. Contracts on vocational training in the form of professional apprentice at enterprises must, apart from the contents defined in Clause 1 of this Article, contain agreements on the time of commencing payment of remuneration and the levels of remuneration according to each period of time.
Article 37.- Termination of vocational training contracts
1. Trainees who unilaterally terminate their vocational training contracts shall not be refunded their school fees. If trainees leave for the reasons of performance of their military service obligations or ailment, accidents or maternity which render them poor health or difficulties confronting their families which make them unable to continue their vocational training, they shall be refunded a school fee amount corresponding to the remaining study duration.
2. Vocational training institutions that unilaterally terminate vocational training contracts shall notify trainees thereof at least three working days in advance and fully refund the collected school fee amounts, except for force majeure cases provided by civil law.
3. If trainees are recruited for vocational training to work for enterprises but decline to work as committed, they shall repay vocational training expenses. The repayment levels shall be agreed upon by the two parties under vocational training contracts.
Vocational training expenses cover reasonable expenses for lecturers, documents, expenses for practice materials, workshop and machinery amortization and other expenses already paid for trainees.
1. Exams and tests in the vocational training process cover periodical tests; tests at the end of modules or study subjects under the promulgated programs; graduation exams or course-end tests.
2. The head of the central agency in charge of state management of vocational training shall promulgate regulations on exams and tests.
VOCATIONAL TRAINING INSTITUTIONS
Section 1. ORGANIZATION AND OPERATION OF VOCATIONAL TRAINING CENTERS, PROFESSIONAL SECONDARY SCHOOLS, VOCATIONAL- TRAINING COLLEGES
Article 39.- Types of vocational training centers, professional secondary schools, vocational training colleges
1. Public vocational-training centers, professional secondary schools and vocational training colleges which are established, materially invested and supplied with funds for regular tasks by the State.
2. Private vocational-training centers, professional secondary schools and vocational training colleges which are established, materially invested and supplied with funds for regular tasks by organizations or individuals.
3. Vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges which are foreign-invested and established in the form of joint venture or with 100% foreign capital with foreign organizations or individuals, overseas Vietnamese investing in the construction of material foundations and supplying funds for regular tasks.
Article 40.- Conditions for establishment of vocational training centers, professional secondary schools, vocational training colleges
1. Vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges may be established when the blueprints thereon satisfy the following principal conditions:
a/ Having school establishments, classrooms, financial capability and equipment for theoretical teaching and practice suitable to training disciplines, levels and scale;
b/ Having a contingent of lecturers and administrators enough in quantity, synchronous in structure, meeting the criteria on quality, standard levels and professional skills to attain the vocational training objectives and realize the vocational training programs.
2. Specific conditions for establishment of vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges shall be set by the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
Article 41.- Competence and procedures to establish, to permit the establishment of, to suspend vocational training activities of, to permit the merger, division, separation or dissolution of, vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges
1. The competence to establish public vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges and permit the establishment of private vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges is provided as follows:
a/ Presidents of provincial/municipal People's Committees (below collectively referred to as presidents of provincial-level People's Committees) decide to establish public vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges of their respective provinces and permit the establishment of private vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges in their localities;
b/ Ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of central bodies of socio-political organizations decide to establish their attached vocational training centers and professional secondary schools;
c/ The head of the central agency in charge of state management of vocational training decides to establish public vocational training colleges and permits the establishment of private vocational training colleges.
2. Persons competent to decide on or permit the establishment of vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges are competent to suspend vocational training activities of, to merge, divide, separate or dissolve such centers, schools and colleges.
3. The procedures to establish, permit the establishment of, to suspend vocational training activities of, to merge, divide, separate or dissolve vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges, and the registration of their vocational training activities shall be specified by the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
Article 42.- Suspension of vocational training activities
1. Vocational training activities of vocational training institutions defined in Articles 15, 22 and 29 of this Law are suspended when the violations of law on vocational training cause serious consequences.
2. Vocational training activities for every discipline of vocational training institutions defined in Articles 15, 22 and 29 of this Law are suspended when one of the following acts of violating the law on vocational training is committed:
a/ Failing to satisfy the conditions on school establishments and classrooms, finance, material foundations, vocational training equipment, which are specified at Point a, Clause 1, Article 40 of this Law;
b/ Failing to satisfy the conditions on the contingent of administrators and vocational trainers, which are specified at Point b, Clause 1, Article 40 of this Law.
3. The vocational training suspension duration complies with the following regulations:
a/ The suspension of vocational training activities of vocational training institutions lasts until the violations are addressed, but must not exceed 24 months. If past this time limit the violations are not yet addressed, the vocational training institutions defined in Clause 3 of Article 15, Clause 3 of Article 22 and Clause 2 of Article 29 of this Law may not continue their vocational training activities; the vocational training institutions defined in Clauses 1 and 2 of Article 15, Clauses 1 and 2 of Article 22 and Clause 1 of Article 29 of this Law shall be dissolved under the provisions of Article 43 of this Law;
b/ The suspension of vocational training activities for any discipline of vocational training institutions lasts until the violations are addressed, but must not exceed 12 months. If past this time limit the violations are not yet addressed, the vocational training institutions may not continue their vocational training activities for the discipline where the violations are not yet addressed.
Article 43.- Dissolution of vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges
1. Vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges are dissolved in the following cases:
a/ Their acts of violating the law on vocational training cause particularly serious consequences;
b/ Upon the expiration of the vocational training suspension, the vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges still fail to address their violations;
c/ At the request of organizations or individuals that have established them;
d/ When the operation duration stated in the regulations or charters of vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges expire.
2. The dissolved vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges must draw up plans to settle the interests of their officials, lecturers, employees, laborers and trainees and fulfill the financial obligations according to law and submit them to persons competent to decide on or permit the establishment of vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges for consideration and decision.
Article 44.- Regulations of vocational training centers, charters of professional secondary schools, charters of vocational training colleges
1. The model regulation of vocational training centers contains the following principal details:
a/ Tasks and powers of the vocational training center;
b/ Tasks and rights of trainers and trainees;
c/ The organization, operation and management of the vocational training center;
d/ The relationship between the vocational training center and enterprises as well as the society.
2. The model charter of professional secondary schools and the model charter of vocational training colleges contain the principal details specified in Clause 2, Article 52 of the Education Law.
3. The model regulation of vocational training centers, the model charter of professional secondary schools and the model charter of vocational training colleges shall be promulgated by the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
4. Vocational training centers shall base on the model regulation to formulate their respective regulations. Professional secondary schools and vocational training colleges shall base on the model charters to formulate their respective charters.
Article 45.- Directors of vocational training centers
1. The director of a vocational training center must fully meet the following criteria:
a/ Possessing good quality and morals;
b/ Possessing a college diploma or higher degree;
c/ Being trained and fostered in management operation;
d/ Being physically fit according to regulations.
2. Competence to appoint or recognize a director of a vocational training center is provided for as follows:
a/ The person competent to decide on the establishment of a public vocational training center shall appoint the director of the attached public vocational training center;
b/ Presidents of provincial-level People's Committees shall recognize directors of private vocational training centers in their respective localities at the proposal of organizations or persons contributing capital to the establishment of such centers or individuals owning such centers.
3. Directors of vocational training centers have the following tasks and powers:
a/ To manage and administer activities of their vocational training centers;
b/ To grant elementary vocational training certificates.
4. Procedures for appointing or recognizing directors of vocational training centers comply with the regulations of the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
Article 46.- Principals of professional secondary schools or vocational training colleges
1. The principal of a professional secondary school or vocational training college must fully meet the following criteria:
a/ Possessing good quality and morals; having practiced the vocational training or participated in vocational training administration for at least 5 years;
b/ Possessing a university diploma or higher degree, for principals of professional secondary schools; a master or higher degree, for principals of vocational training colleges;
c/ Having been trained or fostered in management operation;
d/ Being physically fit according to regulations.
2. Competence to appoint and recognize principals of professional secondary schools and principals of vocational training colleges is provided for as follows:
a/ Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, presidents of provincial/municipal People's Committees, heads of central bodies of socio-political organizations appoint principals of their attached public professional secondary schools and principals of their attached public vocational training colleges.
b/ Provincial-level People's Committee presidents recognize principals of private professional secondary schools in their respective localities at the proposal of the managing boards or individuals being owners of those schools;
c/ The head of the central agency in charge of state management of vocational training recognizes principals of private vocational training colleges at the proposal of the managing boards or individuals being owners of the schools.
3. Principals of professional secondary schools and principals of vocational training colleges have the following tasks and powers:
a/ To manage and administer activities of their schools;
b/ Principals of professional secondary schools grant intermediate vocational training diplomas and elementary vocational training certificates; principals of vocational training colleges grant college diplomas, intermediate vocational training diplomas and elementary vocational training certificates.
4. Procedures for appointment and recognition of principals of professional secondary schools and principals of vocational training colleges comply with the regulations of the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
1. A school council shall be set up for public professional secondary schools and vocational training colleges; a management council shall be set up for private professional secondary schools and vocational training colleges with two or more capital-contributing members (below collectively referred to as school councils).
2. A school council has the following tasks and powers:
a/ To decide on school development orientations, objectives, plans and projects;
b/ To decide on the school's charter or on the amendment and supplementation thereof for submission to competent authorities for approval;
c/ To decide to mobilize and supervise the use of school resources.
d/ To supervise the materialization of its resolutions, regulations on democracy in activities of the school.
3. Procedures for establishment, the organizational structure, specific tasks and powers of school councils are provided in the model charter of professional secondary schools and model charter of vocational training colleges.
Article 48.- Party organizations, mass organizations, social organizations in vocational training centers, professional secondary schools, vocational training colleges
Communist Party of Vietnam organizations, mass organizations and social organizations in vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges operate under their respective charters and the provisions of law.
Article 49.- Advisory councils, vocational training program- and syllabus- appraising councils in vocational training centers, professional secondary schools, vocational training colleges
1. Advisory councils in vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges are set up by their directors or principals to gather comments of trainers, administrators and representatives of various organizations in those centers or schools in order to perform a number of tasks and powers of the directors or principals.
2. A vocational training program- and syllabus- appraising council is an advisory council assisting the director or principal in approving the program and syllabuses. An appraising council comprises vocational trainers, administrators, scientists, technicians and employers knowledgeable about vocations. It is composed of between five and nine members, depending on the to-be-appraised programs or syllabuses.
3. The organization, operation, tasks and powers of advisory councils and vocational training program- and syllabus- appraising councils are provided by the directors or principals.
Article 50.- Tasks and powers of vocational training centers, professional secondary schools, vocational training colleges
1. Vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges have the tasks, powers, autonomy and accountability prescribed in Articles 58, 59 and 60 of the Education Law.
2. Apart from the tasks and powers defined in Clause 1 of this Article, vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges also have the following tasks and powers:
a/ To provide free-of-charge consultancy on vocational training and employment for trainees;
b/ To organize study tours and practice at enterprises for trainees;
c/ To enter into vocational training joint ventures or associations with enterprises, domestic organizations and individuals, foreign organizations and individuals;
d/ To set up enterprises and organize production, business or service activities under provisions of law;
e/ To integrate the teaching of languages, customs and relevant law of the countries where laborers go to work and relevant Vietnamese law into vocational training programs when organizing vocational training for laborers who go to work overseas.
Section 2. FOREIGN-INVESTED VOCATIONAL TRAINING CENTERS, PROFESSIONAL SECONDARY SCHOOLS, VOCATIONAL TRAINING COLLEGES
Article 51.- Foreign-invested vocational training centers, professional secondary schools, vocational training colleges
1. Foreign-invested vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges have their legitimate rights and interests protected by the Vietnamese State under Vietnamese law and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.
2. Foreign-invested vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges shall conduct vocational training activities under the provisions of this Law and relevant laws.
Article 52.- Establishment of foreign-invested vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges
1. Foreign-invested vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges may be set up when the following conditions are fully met:
a/ Having an adequate contingent of administrators and trainers;
b/ Having school establishments, equipment for theoretical teaching and practice suitable to the training vocations, levels and scale;
c/ Having bank's written certification of the charter capital.
2. Competent state management agencies in charge of investment shall grant investment certificates to foreign-invested vocational training centers, professional secondary schools or vocational training colleges when the conditions specified in Clause 1 of this Article are fully met and the written agreement of competent state management agencies in charge of vocational training is available.
Section 3. POLICIES TOWARD VOCATIONAL TRAINING INSTITUTIONS
Article 53.- Policies toward vocational training institutions
1. The State adopts policies on assignment or lease of land or material foundations, on credit incentives, tax exemption or reduction for vocational training institutions under the provisions of law; exempts taxes under the provisions of law for products created from vocational training activities in service of vocational training establishments.
2. People's Committees at all levels shall create favorable conditions for vocational training institutions, other training institutions and scientists to disseminate scientific and technical advances and to transfer technologies, especially in the domains of agriculture, forestry and fishery.
3. Private vocational training institutions enjoy policies specified in Articles 65, 66, 67 and 68 of the Education Law.
Article 54.- Policies toward vocational training institutions which admit boarding pupils of ethnic minority and vocational training institutions which train Vietnamese laborers who go to work overseas
1. The State adopts investment policies to ensure conditions for vocational training institutions to receive boarding pupils of ethnic minority for vocational training after their graduation from general education schools.
2. The State adopts policies to support vocational training institutions in developing vocations to meet the vocational training demand of laborers who go to work overseas.
RIGHTS AND OBLIGATIONS OF ENTERPRISES IN VOCATIONAL TRAINING ACTIVITIES
Article 55.- Rights of enterprises in vocational training activities
1. To set up vocational training centers, professional secondary schools and vocational training colleges for training human resources directly engaged in their production and business activities and human resources for the society.
2. To organize vocational training for laborers they will employ; to be supported by the State when they admit disabled people for vocational training and employ them.
3. To enter into joint venture or association with vocational training institutions in organizing vocational training for laborers; organizing research, production, application and transfer of technologies under the provisions of this Law and other relevant laws.
4. To be invited by state management agencies in charge of vocational training or by vocational training institutions to participate in vocational training program- and syllabus-appraising councils; to instruct and guide professional apprentice and evaluate the study results of trainees; to participate in formulating national standards on professional skills and assessment of professional skills with regard to vocations related to production and business activities of enterprises.
5. To exclude the following expenses for the purpose of calculation of taxable incomes according to law:
a/ Investment amounts and reasonable expenses of enterprises for maintenance of operation of vocational training institutions in direct service of their production and business activities;
b/ Vocational training expenses for laborers recruited to work for enterprises.
Article 56.- Obligations of enterprises in vocational training activities
1. To supply information on their training disciplines, training and employment demands to vocational training state management agencies.
2. To receive trainees who come to enterprises for visits, professional skill practice under contracts signed with vocational training institutions.
3. To pay remuneration to trainees who directly turn out or participate in turning out products for enterprises. Remuneration levels shall be agreed upon by two parties.
Article 57.- Obligations of enterprises providing skills training and fostering and retraining for their laborers
1. To formulate and implement training and fostering plans to raise their laborers' professional skills in order to meet their human resource demands and renew production and business technologies.
2. To create conditions for their laborers to take on-the-job training courses in order to raise their professional skills.
3. To provide vocational re-training for their laborers when they are transferred to perform other jobs in the enterprises. Training expenses, wages and remuneration for laborers during their vocational training shall be paid by enterprises.
VOCATIONAL TRAINERS AND TRAINEES
Section 1. VOCATIONAL TRAINERS
Article 58.- Vocational trainers
1. Vocational trainers are those who teach theories and practice or both in vocational training institutions.
2. Vocational trainers must meet the criteria specified in Clause 2, Article 70 of the Education Law.
3. The standard qualifications of vocational trainers are provided for as follows:
a/ Elementary vocational training theory teachers must possess intermediate vocational training diplomas or higher degrees; practice trainers must possess intermediate vocational training diplomas or higher degrees or be artisans or persons with high professional skills;
b/ Intermediate vocational training theory teachers must possess diplomas of technical teachers' training universities or specialized universities or higher levels; practice trainers must possess professional college diplomas or be artisans or persons with high professional skills;
c/ College theory teachers must possess diplomas of technical teachers' training universities or specialized universities or higher degrees; practice trainers must possess diplomas of vocational training colleges or be artisans or persons with high professional skills;
d/ Where vocational trainers defined at Points a, b or c of this Clause do not possess diplomas of technical teachers' training colleges or universities, they must possess teachers' training certificates.
Article 59.- Tasks and rights of vocational trainers
1. Vocational trainers have the tasks defined in Article 72 of the Education Law.
2. Vocational trainers have the rights defined in Article 73 of the Education Law and the following rights:
a/ To go on field trips to production establishments, approaching new technologies;
b/ To use documents, means, teaching aids and equipment and material foundations of vocational training institutions for the performance of their assigned tasks;
c/ To contribute opinions on undertakings and plans of vocational training institutions, on the formulation of programs, syllabuses and teaching methodology and matters related to their interests.
Article 60.- Recruitment and professional fostering of vocational trainers
1. Recruited vocational trainers at public vocational training institutions must satisfy the criteria specified in Clauses 2 and 3, Article 58 of this Law and comply with the provisions of law on public servants and labor law.
2. Recruited vocational trainers at private vocational training institutions must satisfy the criteria specified in Clauses 2 and 3, Article 58 of this Law and comply with the provisions of labor law.
3. The fostering for standardization, the fostering to raise professional and pedagogical qualifications, professional skills, informatics and foreign languages for vocational trainers comply with regulations of the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
1. Vocational training institutions may invite persons who meet the criteria specified in Clauses 2 and 3, Article 58 of this Law to give lectures under the guest-lecturing regime.
2. Guest lecturers shall perform the tasks defined in Article 72 of the Education Law.
3. Guest lecturers who are public servants shall fulfill the tasks at their work places.
Article 62.- Policies toward vocational trainers
1. To enjoy policies on professional training and fostering, policies on wage and policies towards teachers working in special schools, areas meeting with exceptional socio-economic difficulties specified in Articles 80, 81 and 82 of the Education Law.
2. To enjoy allowances when instructing practice in heavy, hazardous or dangerous jobs under the Government's regulations and enjoy other policies toward teachers.
Article 63.- Tasks and rights of trainees
Trainees have the tasks and rights defined in Articles 85 and 86 of the Education Law.
Article 64.- Trainees' obligation to work for a definite term
1. Graduates from vocational training courses who are enrolled by nomination or under State-ordered programs and granted scholarships, vocational training expenses or foreign funds under agreements signed with the Vietnamese State must abide by the State's mobilization for work for a definite term; if not, they must refund scholarships and vocational training expenses.
2. Graduates from vocational training courses who are granted scholarships and vocational training expenses by employers must work for the latter for a duration committed in their vocational training contracts; if failing to fulfill their commitment, they must refund scholarships and vocational training expenses.
Article 65.- Policies toward trainees
1. Trainees are entitled to scholarship and social relief policies, nomination-based enrolment regime, education credit policies, public service charge reduction or exemption policies applicable to pupils and students under the provisions of Articles 89, 90, 91 and 92 of the Education Law.
2. Graduates from boarding ethnic minority lower secondary schools or upper secondary schools, including boarding schools financed by people, are entitled to be enrolled directly into intermediate vocational training schools.
3. When switching to vocational training, pupils of boarding ethnic minority general education schools are entitled to policies applicable to pupils of boarding ethnic minority general education schools.
4. In the course of vocational training, if trainees cannot continue their study due to the performance of military service, ailments, accidents, maternity or difficulties met by their families, they are entitled to reserve their study results and may resume their vocational training to accomplish the training courses. The time for reserve of vocational training results does not exceed four years.
Article 66.- Policies toward trainees to-be-guest workers
1. The State adopts policies to organize vocational training for to-be-guest workers.
2. If trainees leave to work overseas midway, they are entitled to the reserve of their vocational training results. The time for reserve of vocational training results does not exceed four years.
Article 67.- Policies toward prize winners at trainees' contests
1. The State encourages trainees to participate in trainees' contests in order to raise their professional practice capability. Prize winners at national or international trainees' contests are commended according to the law on emulation and commendation.
2. First-, second- or third-prize winners at national trainees' contests are enrolled directly into colleges, vocational training colleges for training in disciplines compatible with those on which they have won prizes, if they possess general education diplomas or intermediate vocational training diplomas.
3. First-, second- or third-prize winners at international trainees' contests are enrolled directly into universities for training in disciplines compatible with those on which they have won prizes, if they possess general education diplomas or intermediate vocational training diplomas.
VOCATIONAL TRAINING FOR DISABLED AND HANDICAPPED PERSONS
Article 68.- Objectives of vocational training for disabled and handicapped persons
Vocational training for disabled and handicapped persons aims to assist them in acquiring professional practice capability suitable to their working capacity in order to employ themselves or find jobs, stabilize their lives and integrate themselves into the community.
Article 69.- Establishments providing vocational training for disabled and handicapped persons
1. Establishments providing vocational training for disabled and handicapped persons must satisfy the conditions specified in Article 40 of this Law and the following conditions:
a/ Their material foundations, vocational training equipment, teaching syllabuses, methodology and training duration are suitable to disabled and handicapped persons;
b/ Trainers possess the qualifications and skills of training disabled and handicapped persons.
2. Works built in service of disabled and handicapped persons must meet the criteria provided for by the Minister of Construction.
Article 70.- Policies toward establishments providing vocational training for disabled and handicapped persons
1. The State encourages vocational training institutions to enroll disabled and handicapped persons for integrated training; encourages organizations and individuals to set up vocational training institutions reserved for disabled and handicapped persons.
2. Establishments providing vocational training for disabled and handicapped persons are entitled to policies specified in Article 53 of this Law and financed by the State for investment in material foundations and vocational training equipment; are assigned land without collection of levies or leased residential land convenient for vocational training of disabled and handicapped persons.
Article 71.- Policies toward disabled and handicapped trainees
1. To enjoy scholarship and social relief, the nomination-based enrolment regime, education credit policies, public service charge reduction and exemption policies applicable to pupils and students as provided for in Articles 89, 90, 91 and 92 of the Education Law.
2. To be provided with vocational training and employment consultancy free of charge.
3. To be entitled to tuition fee reduction or exemption.
4. Poor disabled or handicapped trainees are entitled to tuition fee exemption, provided with scholarship and support in meals, lodging and travel under the provisions of law.
Article 72.- Policies toward vocational trainers for disabled and handicapped persons
1. The State invests in training and fostering in professions, skills, and teaching methods for vocational trainers for disabled and handicapped persons.
2. Vocational trainers for disabled and handicapped persons enjoy regimes applicable to vocational trainers specified in Article 62 of this Law and enjoy particular allowances according to the Government's regulations.
VOCATIONAL TRAINING QUALITY TESTING
Article 73.- Vocational training quality testing
1. Vocational training quality testing aims to assess and determine the attainment of vocational training objectives as well as the realization of vocational training programs and contents by vocational training institutions.
2. Vocational training quality testing is conducted periodically for vocational training institutions throughout the country. Testing results are publicized for trainees and people to know and supervise.
Article 74.- Contents and forms of vocational training quality testing
1. The contents of vocational training quality testing for vocational training institutions cover the following criteria:
a/ Objectives and tasks;
b/ Organization and management;
c/ Teaching and learning activities;
d/ Trainers and administrators;
e/ Curricula and syllabuses;
f/ Libraries;
g/ Material foundations, equipment, teaching aids;
h/ Financial management;
i/ Services provided for trainees.
2. Forms of vocational training quality testing include:
a/ Self-testing of vocational training quality by vocational training institutions;
b/ Vocational training quality testing by state management agencies in charge of vocational training.
Article 75.- Management and organization of vocational training quality testing
The head of the central agency in charge of state management of vocational training provides for vocational training quality testing standards and procedures, directs and organizes vocational training quality testing.
Article 76.- Tasks and powers of vocational training institutions in the implementation of vocational training quality testing
1. To formulate and implement long-term and annual plans to raise the vocational training quality.
2. To organize self-testing of vocational training quality according to vocational training quality testing standards and procedures.
3. To supply information and documents in service of vocational training quality testing activities when state management agencies in charge of vocational training conduct testing at their respective establishments.
4. In case of disagreement with testing conclusions, to lodge complaints according to law.
Article 77.- Recognition of attainment of vocational training quality testing standards
1. If quality-tested vocational training institutions satisfy the requirements, they are granted certificates of vocational training quality testing standards. Such a certificate is valid for five years.
2. If vocational training institutions fail to maintain their quality according to vocational training quality testing standards, their certificates of vocational training quality testing standards will be withdrawn.
3. The head of the central agency in charge of state management of vocational training is competent to grant and withdraw certificates of vocational training quality testing standards.
Article 78.- Tasks and rights of vocational training institutions recognized to have achieved vocational training quality testing standards
Vocational training institutions recognized to have achieved vocational training quality testing standards have the following tasks and rights:
1. To maintain and heighten the vocational training quality;
2. To annually report on the self-testing results to state management agencies in charge of vocational training.
3. To enjoy policies on investment supports for raising the vocational training quality and participate in bidding for performance of vocational training under quotas ordered by the State.
ASSESSMENT AND GRANT OF NATIONAL CERTIFICATES OF VOCATIONAL SKILLS
Article 79.- National standards on vocational skills
1. National standards on vocational skills are formulated according to degrees of professional skills for each vocation. The number of professional skill degrees for each vocation depends on the complexity of such occupation.
2. National standards on vocational skills serve as a basis for laborers to endeavor to heighten their qualifications to meet higher and higher production and business requirements and for employers to assign jobs and rationally pay wages to laborers; contribute to raising enterprises' competitiveness and international integration in the vocational domain; and serve as a basis for the formulation of vocational training curricula suitable to production and business requirements.
Article 80.- Formulation and promulgation of national standards on vocational skills
1. The head of the central agency in charge of state management of vocational training shall promulgate principles and procedures for, and direct the formulation of national standards on vocational skills.
2. Ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of government-attached agencies shall assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant agencies and professional associations in, organizing the formulation and promulgation of national standards on vocational skills for each vocation after getting the written approval of the head of the central agency in charge of state management of vocational training.
Article 81.- Organization of the assessment and the grant of national vocational skills certificates
1. The central agency in charge of state management of labor shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies in, directing the organization of assessment of national vocational skills of laborers.
2. The central agency in charge of state management of labor shall manage the assessment and the grant of national vocational skill certificates.
Article 82.- Laborers' rights to attend the assessment of national vocational skills
1. Laborers with vocational skills acquired in the course of their study and working may attend the assessment of national vocational skills.
2. Laborers may request re-examination of results of assessment of national vocational skills; denounce acts of violating the law on assessment and grant of national vocational skill certificates and take responsibility before law for their untrue denunciations.
3. Laborers attainting certain degrees of vocational skills are granted certificates of national vocational skills at such degrees. National vocational skill certificates are valid nationwide.
STATE MANAGEMENT OF VOCATIONAL TRAINING
Article 83.- Contents of state management of vocational training
1. Formulating and organizing the implementation of strategies, planning, plans and policies on vocational training development.
2. Promulgating and organizing the implementation of normative documents on vocational training.
3. Providing vocational training objectives, contents, methods and curricula; vocational trainers' criteria; lists of vocations to be trained at different levels; criteria on material foundations and equipment; regulations on enrolment, grant of diplomas and certificates.
4. Organizing vocational training quality testing.
5. Conducting statistical and information work on vocational training organization and operation.
6. Organizing the vocational training management apparatus.
7. Organizing and directing the training and fostering for vocational trainers and administrators.
8. Mobilizing, managing and use resources for vocational training development.
9. Organizing and directing research into, and application of, vocational training science and technology.
10. Organizing and managing international cooperation on vocational training.
11. Inspecting and examining the observance of law on vocational training; settling complaints and denunciations and handling violations of the law on vocational training.
Article 84.- Agencies performing the state management of vocational training
1. The Government shall perform the unified state management of vocational training.
2. The central agency in charge of state management of vocational training is answerable to the Government for the performance of the state management of vocational training.
3. Ministries, ministerial-level agencies shall coordinate with the central agency in charge of state management of vocational training in performing the state management of vocational training according to their respective competence.
4. People's Committees at all levels shall perform the state management of vocational training according to the Government's decentralization and have the responsibility to invest in developing vocational training to meet their local demands for human resources.
Article 85.- Investment in vocational training
Financial sources invested in vocational training, state budget expenditures on vocational training, financial investment priority and land for the construction of vocational training establishments, encouragement of investment in vocational training, tuition fees, enrolment fees, tax incentives for the publication of teaching syllabuses, production of vocational training equipment comply with the provisions of Articles 101, 102, 103, 104, 105 and 106 of the Education Law.
Article 86.- Vocational training support funds
1. Vocational training support funds are set up to support vocational trainees.
2. Financial sources for vocational training support funds cover voluntary contributions of enterprises, agencies, organizations and individuals; supports from the state budget and other lawful sources. The State encourages enterprises, organizations and individuals to contribute to vocational training support funds.
3. Vocational training support funds operate for non-profit purposes and are exempt from taxes. Vocational training support funds must be managed and used for proper purposes and in accordance with law.
4. The Government shall specify the establishment, management and use of vocational training support funds.
Article 87.- International cooperation on vocational training
International cooperation on vocational training complies with the provisions of Articles 108 and 109 of the Education Law.
Article 88.- Vocational training inspectorate
1. The vocational training inspectorate is a specialized inspectorate.
2. Inspection of vocational training activities complies with the provisions of law on inspection.
3. The Government shall specify the organization and operation of the vocational training inspectorate.
Article 89.- Handling of violations
1. Individuals violating the provisions of this Law shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability; if causing damage, they must pay compensations according to law.
2. Organizations violating the provisions of this Law shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively sanctioned; if causing damage, they must pay compensations according to law.
3. Administrative sanctioning of violations of the law on vocational training complies with the provisions of law.
Article 90.- Complaints, denunciations and settlement of complaints and denunciations
Complaints and denunciations about vocational training and the settlement thereof comply with the provisions of law.
Article 91.- Implementation effect
This Law takes effect on June 1, 2007.
In case of disparity between provisions of this Law and provisions of other laws regarding the same contents related to vocational training activities, the provisions of this Law prevail.
Article 92.- Implementation guidance
The Government shall detail and guide the implementation of Articles 62, 72, 84, 86, 88 and 89 of this Law.
This Law was passed on November 29, 2006, by the XIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 10th session.
|
THE NATIONAL ASSEMBLY |