Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14
Số hiệu: | 07/2017/QH14 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành: | 19/06/2017 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2018 |
Ngày công báo: | 25/07/2017 | Số công báo: | Từ số 515 đến số 516 |
Lĩnh vực: | Thương mại, Công nghệ thông tin, Sở hữu trí tuệ | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Quy định mới về Hợp đồng chuyển giao công nghệ
Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau:
- Hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng;
(Luật hiện hành 2006 chỉ yêu cầu các bên ký kết, đóng dấu và có chữ ký tắt của các bên, đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng và phụ lục nếu một trong các bên là tổ chức khi có nhu cầu đăng ký hợp đồng)
- Ngôn ngữ trong hợp đồng do các bên thỏa thuận (không còn quy định trường hợp cần giao dịch tại Việt Nam thì phải có hợp đồng bằng tiếng Việt).
Ngoài ra, hợp đồng chuyển giao thuộc một trong các trường hợp sau phải đăng ký với cơ quan nhà nước (trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao):
- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài;
- Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn hoặc NSNN, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Luật Chuyển giao công nghệ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 07/2017/QH14 |
Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017 |
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Chuyển giao công nghệ.
Luật này quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bí quyết là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ. Bí quyết bao gồm bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ.
2. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.
3. Công nghệ tiên tiến là công nghệ có trình độ công nghệ cao hơn trình độ công nghệ cùng loại hiện có tại Việt Nam, đã được ứng dụng trong thực tiễn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội và thân thiện với môi trường.
4. Công nghệ mới là công nghệ lần đầu tiên được tạo ra hoặc ứng dụng tại Việt Nam hoặc trên thế giới, có trình độ cao hơn trình độ công nghệ cùng loại hiện có tại Việt Nam, thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng trong thực tiễn và khả năng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
5. Công nghệ sạch là công nghệ phát thải ở mức thấp chất gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng ít tài nguyên không tái tạo hơn so với công nghệ hiện có.
6. Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.
7. Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
8. Chuyển giao công nghệ trong nước là việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam.
9. Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là việc chuyển giao công nghệ qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam.
10. Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài là việc chuyển giao công nghệ từ lãnh thổ Việt Nam qua biên giới ra nước ngoài.
11. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là hoạt động khai thác, hoàn thiện, ứng dụng, chuyển giao, hoạt động khác có liên quan đến kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm mục đích thu lợi nhuận.
12. Ươm tạo công nghệ là quá trình nhằm tạo ra, hoàn thiện, thương mại hóa công nghệ từ ý tưởng công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hoặc từ công nghệ chưa hoàn thiện thông qua các hoạt động trợ giúp về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ cần thiết.
13. Ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ là quá trình hình thành, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động trợ giúp về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ cần thiết.
14. Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ là cơ sở cung cấp các điều kiện theo quy định của pháp luật về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ cần thiết phục vụ việc ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
15. Đổi mới công nghệ là hoạt động thay thế một phần hoặc toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một phần hoặc toàn bộ công nghệ khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
16. Giải mã công nghệ là quá trình tìm nguyên lý công nghệ thông qua nghiên cứu, phân tích cấu trúc, thiết kế, chức năng và hoạt động của một thiết bị, đối tượng, hệ thống cần giải mã nhằm bảo trì, khai thác, cải tiến hoặc tạo ra thiết bị, đối tượng, hệ thống mới có tính năng tương đương hoặc đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
17. Đánh giá công nghệ là hoạt động xác định trình độ, hiệu quả kinh tế, tác động của công nghệ đến môi trường, kinh tế - xã hội.
18. Thẩm định giá công nghệ là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá công nghệ xác định giá trị bằng tiền của công nghệ phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.
19. Giám định công nghệ là hoạt động xác định các chỉ tiêu của công nghệ đạt được trong quá trình ứng dụng so với các chỉ tiêu đã được các bên thỏa thuận.
20. Môi giới chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển giao công nghệ.
21. Tư vấn chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ lựa chọn, ứng dụng công nghệ; khai thác thông tin công nghệ, thông tin sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đàm phán, ký kết và thực hiện chuyển giao công nghệ.
22. Xúc tiến chuyển giao công nghệ là hoạt động thúc đẩy cơ hội chuyển giao công nghệ; cung ứng dịch vụ quảng cáo, trưng bày, giới thiệu công nghệ; tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ, điểm kết nối cung cầu công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ.
1. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm; nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội.
2. Đa dạng hóa hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ nhiều nguồn khác nhau.
3. Ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước; bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
4. Hỗ trợ ý tưởng công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, liên kết giữa tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất; chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước; phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.
5. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân.
6. Ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người.
1. Công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây:
a) Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;
b) Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
c) Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;
d) Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
2. Trường hợp đối tượng công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
1. Chuyển giao công nghệ độc lập.
2. Phần chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư;
b) Góp vốn bằng công nghệ;
c) Nhượng quyền thương mại;
d) Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;
đ) Mua, bán máy móc, thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này.
3. Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.
4. Việc chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này phải được lập thành hợp đồng; việc chuyển giao công nghệ tại các điểm a, c, d và đ khoản 2 và khoản 3 Điều này được thể hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư có các nội dung quy định tại Điều 23 của Luật này.
1. Chuyển giao tài liệu về công nghệ.
2. Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận.
3. Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận.
4. Chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này kèm theo các phương thức quy định tại Điều này.
5. Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận.
1. Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
2. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng công nghệ được chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác khi chủ sở hữu công nghệ đồng ý.
3. Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm:
a) Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ;
b) Quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba.
1. Công nghệ cao; máy móc, thiết bị đi kèm công nghệ cao được khuyến khích chuyển giao theo pháp luật về công nghệ cao.
2. Công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam được khuyến khích chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao trong nước khi đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:
a) Tạo ra sản phẩm có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm được tạo ra từ công nghệ cùng loại hiện có;
b) Tạo ra sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước;
c) Tạo ra dịch vụ, ngành, nghề sản xuất, chế tạo, chế biến sản phẩm mới; nuôi, trồng giống mới đã qua kiểm nghiệm;
d) Tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nguyên liệu so với công nghệ cùng loại hiện có ở Việt Nam;
đ) Sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; lưu trữ năng lượng hiệu suất cao;
e) Tạo ra máy móc, thiết bị nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; máy móc, thiết bị y tế, dược phẩm phục vụ khám, điều trị, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao chất lượng thể chất người Việt Nam;
g) Phát hiện, xử lý, dự báo để phòng chống thiên tai, dịch bệnh; cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính;
h) Sản xuất đồng bộ theo chuỗi có hiệu quả kinh tế - xã hội cao;
i) Tạo ra sản phẩm sử dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng;
k) Phát triển, hiện đại hóa nghề thủ công truyền thống.
3. Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật này hiện có ở Việt Nam trừ công nghệ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, khoản 2 Điều 10 của Luật này; công nghệ sử dụng nguyên liệu là sản phẩm, bán sản phẩm, vật tư sản xuất trong nước được khuyến khích chuyển giao ra nước ngoài.
4. Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao.
1. Hạn chế chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước trong trường hợp sau đây:
a) Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia công nghiệp phát triển;
b) Sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
c) Tạo ra sản phẩm bằng phương pháp biến đổi gen;
d) Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ mà đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
đ) Sử dụng tài nguyên, khoáng sản hạn chế khai thác trong nước;
e) Công nghệ nhân giống, nuôi, trồng giống mới chưa được kiểm nghiệm;
g) Tạo ra sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán, truyền thống và đạo đức xã hội.
2. Hạn chế chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài trong trường hợp sau đây:
a) Tạo ra các sản phẩm truyền thống, sản xuất theo bí quyết truyền thống hoặc sử dụng, tạo ra chủng, loại giống trong nông nghiệp, khoáng chất, vật liệu quý hiếm đặc trưng của Việt Nam;
b) Tạo ra sản phẩm xuất khẩu vào thị trường cạnh tranh với mặt hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia của Việt Nam.
3. Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao.
1. Cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước công nghệ sau đây:
a) Không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học;
b) Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội;
c) Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
d) Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
đ) Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
2. Cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước, trừ trường hợp luật khác cho phép chuyển giao.
3. Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cấm chuyển giao.
1. Lợi dụng chuyển giao công nghệ làm ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, sức khỏe con người, môi trường, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
2. Chuyển giao công nghệ cấm chuyển giao; chuyển giao trái phép công nghệ hạn chế chuyển giao.
3. Vi phạm quy định về quyền chuyển giao công nghệ.
4. Lừa dối, giả tạo trong việc lập, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung công nghệ trong hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư.
5. Cản trở, từ chối cung cấp thông tin về hoạt động chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Tiết lộ bí mật công nghệ trái quy định của pháp luật, cản trở hoạt động chuyển giao công nghệ.
7. Sử dụng công nghệ không đúng với công nghệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.
1. Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, việc thẩm định công nghệ dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
2. Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, dự án đầu tư sau đây phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ:
a) Dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao;
b) Dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường có sử dụng công nghệ.
3. Trong giai đoạn quyết định đầu tư, việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ được thực hiện như sau:
a) Dự án đầu tư xây dựng sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường có sử dụng công nghệ phải được thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định của Luật này;
b) Dự án đầu tư xây dựng có công nghệ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này được thẩm định về công nghệ theo quy định của pháp luật về xây dựng;
c) Dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công không có cấu phần xây dựng được thẩm định về công nghệ theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
4. Trường hợp triển khai thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt, nếu có điều chỉnh, thay đổi nội dung công nghệ đã được thẩm định hoặc có ý kiến thì chủ đầu tư phải báo cáo cơ quan đã thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ để tiến hành thủ tục thẩm định hoặc có ý kiến về việc điều chỉnh, thay đổi công nghệ.
1. Thẩm quyền thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư có sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
2. Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này, dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao được thực hiện như sau:
a) Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;
b) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
c) Cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
3. Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 của Luật này được thực hiện như sau:
a) Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;
b) Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
c) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
1. Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ của dự án quy định tại điểm a khoản 3 Điều 13 của Luật này được thực hiện như sau:
a) Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định về công nghệ đối với dự án quan trọng quốc gia;
b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cùng cấp thẩm định về công nghệ đối với dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
c) Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác.
2. Thẩm quyền thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 của Luật này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Thẩm quyền thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 của Luật này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
1. Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, nội dung giải trình về sử dụng công nghệ trong hồ sơ dự án đầu tư bao gồm:
a) Phân tích và lựa chọn phương án công nghệ;
b) Tên, xuất xứ, sơ đồ quy trình công nghệ; dự kiến danh mục, tình trạng, thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ thuộc phương án công nghệ lựa chọn;
c) Tài liệu chứng minh công nghệ đã được kiểm chứng (nếu có);
d) Dự kiến kế hoạch đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để vận hành dây chuyền công nghệ (nếu có);
đ) Điều kiện sử dụng công nghệ;
e) Đánh giá sơ bộ tác động của công nghệ đến môi trường (nếu có);
g) Dự thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ trong trường hợp góp vốn bằng công nghệ.
2. Trong giai đoạn quyết định đầu tư, nội dung giải trình về sử dụng công nghệ trong hồ sơ dự án đầu tư bao gồm:
a) Tên, xuất xứ, sơ đồ quy trình công nghệ; danh mục, tình trạng, thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị trong dây chuyền công nghệ;
b) Sản phẩm, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm;
c) Khả năng đáp ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho dây chuyền công nghệ;
d) Chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để vận hành dây chuyền công nghệ;
đ) Chi phí đầu tư cho công nghệ, máy móc, thiết bị, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật.
Trình tự thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư thực hiện như sau:
1. Đối với dự án đầu tư có sử dụng vốn đầu tư công, trình tự thẩm định công nghệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công;
2. Đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, trình tự thẩm định công nghệ thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư;
3. Đối với dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án đầu tư đến Bộ Khoa học và Công nghệ để có ý kiến về công nghệ;
4. Đối với dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án đầu tư đến cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh để có ý kiến về công nghệ;
5. Đối với dự án đầu tư quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 của Luật này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án đầu tư đến Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để có ý kiến về công nghệ;
6. Đối với dự án đầu tư quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 của Luật này không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án đầu tư đến cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh để có ý kiến về công nghệ;
7. Thời hạn có ý kiến về công nghệ quy định tại Điều này là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
1. Trình tự thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong giai đoạn quyết định đầu tư đối với dự án quy định tại điểm a khoản 3 Điều 13 của Luật này thực hiện như sau:
a) Đối với dự án quan trọng quốc gia, trình tự thẩm định về công nghệ thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và đầu tư công;
b) Đối với dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án, cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo trích lục hồ sơ có liên quan đến cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước cùng cấp về ngành, lĩnh vực để có ý kiến về công nghệ;
c) Đối với dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác, chủ đầu tư gửi hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án tới cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng để thẩm định thiết kế cơ sở, trừ việc thẩm định phần thiết kế công nghệ; đồng thời gửi tới cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước cùng cấp về ngành, lĩnh vực với cơ quan chuyên môn về xây dựng để có ý kiến về thiết kế công nghệ.
Trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng đồng thời là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thì cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định về thiết kế cơ sở bao gồm cả thiết kế công nghệ;
d) Thời gian có ý kiến về công nghệ là 20 ngày đối với dự án nhóm A, 15 ngày đối với dự án nhóm B, 10 ngày đối với dự án nhóm C kể từ ngày nhận đủ hồ sơ; trường hợp cần gia hạn thời gian có ý kiến về công nghệ thì thời gian gia hạn không quá thời hạn tương ứng quy định tại điểm này. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo cho cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc chủ đầu tư về việc gia hạn bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng đồng thời là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thì thời hạn thẩm định thiết kế công nghệ được tính trong thời hạn thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Trình tự thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 của Luật này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Trình tự thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 của Luật này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
1. Nội dung thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư được quy định như sau:
a) Sự phù hợp của phương án công nghệ được lựa chọn;
b) Việc kiểm chứng sử dụng công nghệ tại các quốc gia phát triển (nếu có);
c) Việc đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho vận hành dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư (nếu có);
d) Việc đáp ứng các điều kiện sử dụng công nghệ;
đ) Sơ bộ tác động ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường;
e) Dự thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ (nếu có);
g) Đối với dự án đầu tư trong khu công nghệ cao, nội dung thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ thực hiện theo quy định tại khoản này và đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
2. Nội dung thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong giai đoạn quyết định đầu tư được quy định như sau:
a) Sự phù hợp của công nghệ, máy móc, thiết bị với phương án được lựa chọn trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Sản phẩm, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm;
c) Sự phù hợp, khả năng đáp ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho việc vận hành công nghệ, máy móc, thiết bị;
d) Chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để vận hành dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị;
đ) Chi phí đầu tư cho công nghệ, máy móc, thiết bị, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật.
1. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư thực hiện thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư; trường hợp cần tham vấn chuyên môn thì thực hiện thông qua các hình thức sau đây:
a) Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ;
b) Lấy ý kiến tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập.
2. Hội đồng tư vấn do cơ quan chủ trì có ý kiến về công nghệ quyết định thành lập. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, trung thực, tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Hội đồng tư vấn chịu trách nhiệm về kết luận và kiến nghị trước cơ quan thành lập hội đồng. Kết luận và kiến nghị của hội đồng phải được lập thành văn bản.
3. Thành viên hội đồng tư vấn chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình và giữ bí mật thông tin liên quan đến dự án đầu tư. Ý kiến của các thành viên hội đồng phải được lập thành văn bản.
4. Kinh phí tổ chức lấy ý kiến về công nghệ trong dự án đầu tư được thực hiện như sau:
a) Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước;
b) Trong giai đoạn quyết định đầu tư do chủ đầu tư chịu trách nhiệm và được tính trong tổng mức đầu tư.
1. Việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư theo quy định tại Điều 13 của Luật này phải được kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, thực hiện.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ trong các trường hợp sau đây:
a) Theo kế hoạch;
b) Khi có dấu hiệu vi phạm về ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai, thực hiện dự án đầu tư và hoạt động chuyển giao công nghệ.
1. Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng.
2. Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận.
3. Hợp đồng chuyển giao công nghệ được giao kết và thực hiện theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Tên công nghệ được chuyển giao.
2. Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
3. Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
4. Phương thức chuyển giao công nghệ.
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên.
6. Giá, phương thức thanh toán.
7. Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
8. Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).
9. Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.
10. Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.
11. Phạt vi phạm hợp đồng.
12. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
13. Cơ quan giải quyết tranh chấp.
14. Nội dung khác do các bên thỏa thuận.
1. Thời hạn thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận.
2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm giao kết, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp đăng ký theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 31 của Luật này có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; trường hợp gia hạn, sửa đổi, bổ sung thì hợp đồng gia hạn, sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung chuyển giao công nghệ.
1. Bên giao công nghệ có quyền sau đây:
a) Yêu cầu bên nhận công nghệ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng;
b) Được thanh toán đầy đủ và hưởng quyền, lợi ích khác theo thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Được thuê tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;
d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến công nghệ được chuyển giao;
đ) Yêu cầu bên nhận công nghệ áp dụng biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên nhận công nghệ không thực hiện đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Bên giao công nghệ có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm quyền chuyển giao công nghệ là hợp pháp và không bị hạn chế bởi bên thứ ba, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
b) Thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho bên nhận công nghệ, bên thứ ba do vi phạm hợp đồng;
c) Giữ bí mật thông tin về công nghệ và thông tin khác trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;
d) Thông báo cho bên nhận công nghệ và thực hiện các biện pháp thích hợp khi phát hiện có khó khăn về kỹ thuật của công nghệ được chuyển giao làm cho kết quả chuyển giao công nghệ có khả năng không đúng cam kết trong hợp đồng;
đ) Đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
e) Thực hiện nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
1. Bên nhận công nghệ có quyền sau đây:
a) Yêu cầu bên giao công nghệ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng;
b) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến công nghệ được chuyển giao;
c) Được thuê tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;
d) Yêu cầu bên giao công nghệ áp dụng biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên giao công nghệ không thực hiện đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Bên nhận công nghệ có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho bên giao công nghệ, bên thứ ba do vi phạm hợp đồng;
b) Giữ bí mật thông tin về công nghệ và thông tin khác trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;
c) Đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
d) Thực hiện nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
1. Giá công nghệ chuyển giao do các bên thỏa thuận.
2. Việc thanh toán được thực hiện bằng phương thức sau đây:
a) Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa;
b) Chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
c) Trả theo phần trăm (%) giá bán tịnh;
d) Trả theo phần trăm (%) doanh thu thuần;
đ) Trả theo phần trăm (%) lợi nhuận trước thuế của bên nhận;
e) Phương thức thanh toán khác do các bên thỏa thuận.
3. Giá công nghệ chuyển giao phải được kiểm toán và thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và giá trong trường hợp sau đây:
a) Giữa các bên mà một hoặc nhiều bên có vốn nhà nước;
b) Giữa các bên có quan hệ theo mô hình công ty mẹ - công ty con;
c) Giữa các bên có quan hệ liên kết theo quy định của pháp luật về thuế.
1. Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao quy định tại Điều 10 của Luật này phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
2. Việc cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ được thực hiện theo trình tự sau đây:
a) Chấp thuận chuyển giao công nghệ.
Đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư đã được thẩm định, lấy ý kiến công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư thì không phải chấp thuận chuyển giao công nghệ;
b) Cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
3. Hằng năm, bên nhận công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ trong nước; bên giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài phải thực hiện báo cáo việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ;
b) Văn bản về tư cách pháp lý của bên đề nghị;
c) Tài liệu giải trình về công nghệ;
d) Tài liệu giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ theo quy định của pháp luật;
đ) Tài liệu giải trình về việc phù hợp với quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
2. Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao gửi hồ sơ đến Bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xem xét hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo quy định.
4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ, ngành có liên quan ra văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ; trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành mẫu văn bản đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ, mẫu tài liệu giải trình về công nghệ.
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;
b) Văn bản về tư cách pháp lý của các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ;
c) Bản gốc bằng tiếng Việt hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao công nghệ; trường hợp không có hợp đồng bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực;
d) Danh mục tài liệu công nghệ, máy móc, thiết bị (nếu có) kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ;
đ) Bản sao có chứng thực văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (nếu có);
e) Tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ do ứng dụng công nghệ chuyển giao;
g) Giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ;
h) Văn bản thẩm định giá công nghệ được chuyển giao trong trường hợp bên nhận chuyển giao công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
2. Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ tiến hành ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ.
3. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ đến Bộ Khoa học và Công nghệ.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xem xét hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo quy định.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung, các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu hoặc có văn bản đề nghị gia hạn thời gian việc sửa đổi, bổ sung. Thời gian gia hạn không quá 60 ngày, hết thời hạn này, nếu các bên không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu thì Bộ Khoa học và Công nghệ ra thông báo từ chối cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ và trả lại hồ sơ nếu có yêu cầu.
5. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ; trường hợp từ chối cấp Giấy phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
6. Trường hợp cần thay đổi nội dung ghi trong Giấy phép chuyển giao công nghệ thì phải đề nghị cấp Giấy phép mới.
7. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành mẫu văn bản đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, mẫu Giấy phép chuyển giao công nghệ.
1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:
a) Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;
b) Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
c) Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ không thuộc trường hợp phải đăng ký quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị đăng ký chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;
b) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực văn bản giao kết chuyển giao công nghệ thể hiện nội dung theo quy định tại Điều 23 của Luật này; trường hợp không có văn bản giao kết bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực.
4. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký văn bản giao kết chuyển giao công nghệ, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
6. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
a) Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao;
b) Hợp đồng không có đối tượng công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ;
c) Nội dung hợp đồng trái với quy định của Luật này.
1. Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ có hiệu lực kể từ ngày cấp.
2. Cơ quan cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
a) Vi phạm nội dung trong Giấy phép chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
b) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ hoặc đăng ký chuyển giao công nghệ;
c) Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ và được hưởng hỗ trợ, ưu đãi theo quy định của pháp luật mà Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ bị hủy bỏ hiệu lực thì phải hoàn trả Nhà nước các khoản hỗ trợ, ưu đãi đã được nhận theo quy định của Chính phủ.
1. Các bên có thỏa thuận gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thì phải gửi hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ.
2. Hồ sơ đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ;
b) Bản gốc bằng tiếng Việt hoặc bản sao có chứng thực văn bản gia hạn, sửa đổi, bổ sung; trường hợp không có văn bản bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực.
3. Trình tự, thủ tục gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ được thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 31 của Luật này.
4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành mẫu văn bản đề nghị gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ, mẫu Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ.
Cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong việc cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ có trách nhiệm giữ bí mật thông tin hồ sơ.
1. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ với tổ chức khoa học và công nghệ.
2. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình và thực hiện nội dung chi khác theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
3. Quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị là quyền tài sản.
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng được nhận quyền tài sản quy định tại khoản này để bảo đảm cho giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
4. Nhà nước khuyến khích các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu chung.
5. Doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở vật chất - kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ, tổ chức, cá nhân thực hiện việc giải mã công nghệ được hưởng các ưu đãi sau đây:
a) Hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng;
b) Các hỗ trợ, ưu đãi khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
6. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo chức năng nhiệm vụ của mình tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
1. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc tài sản công được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thì việc giao quyền sở hữu được thực hiện như sau:
a) Trường hợp Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho tổ chức đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài chính, đồng thời là tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thì Nhà nước giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho tổ chức đó;
b) Trường hợp Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên cơ sở hợp tác giữa tổ chức đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài chính và tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ thì Nhà nước giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo thỏa thuận giữa các bên.
3. Việc phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước phải bảo đảm lợi ích của chủ sở hữu, tác giả, tổ chức chủ trì, tổ chức trung gian, tổ chức, cá nhân tham gia thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định của pháp luật có liên quan.
4. Tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sau khi có kết quả được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ công nhận thì được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước; trường hợp kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh thì Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả đó.
Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có trách nhiệm tổ chức thu thập, đánh giá, lựa chọn, công nhận, công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân trong các ngành, nghề, lĩnh vực theo phân cấp quản lý.
5. Tổ chức khoa học và công nghệ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có hoạt động liên kết với tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ để hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp đặc thù của địa phương.
6. Cá nhân thuộc các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học thực hiện hoạt động nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ, từ nguồn hợp pháp khác.
7. Việc quản lý và sử dụng tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi kết thúc nhiệm vụ được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.
8. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới cho tổ chức, cá nhân thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ.
1. Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu sau đây:
a) Nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ;
b) Phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực;
c) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ;
d) Tăng cường nguồn lực công nghệ tại vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
2. Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia.
1. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập nhằm thực hiện mục đích sau đây:
a) Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao quy định tại Điều 9 của Luật này;
b) Thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
c) Hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, giải mã công nghệ;
d) Hỗ trợ đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
2. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ thông qua các hình thức sau đây:
a) Cho vay ưu đãi;
b) Hỗ trợ lãi suất vay;
c) Bảo lãnh để vay vốn;
d) Hỗ trợ vốn.
3. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được hình thành từ các nguồn sau đây:
a) Đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;
b) Lãi của vốn vay;
c) Hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước;
d) Các nguồn hợp pháp khác.
4. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Những đối tượng sau đây được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế:
1. Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, vật mẫu, công nghệ trong nước chưa tạo ra được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, giải mã, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; tài liệu, sách báo khoa học phục vụ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
2. Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ có thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ;
3. Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ tại doanh nghiệp;
4. Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao.
1. Ưu tiên chuyển giao công nghệ để tạo ra các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước.
2. Khuyến khích phát triển các công nghệ tạo ra và hoàn thiện sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.
3. Nhà nước có chính sách và biện pháp đẩy mạnh việc hoàn thiện thiết kế, chế tạo máy móc, thiết bị do Việt Nam tạo ra đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
4. Doanh nghiệp, tổ chức chuyển giao, ứng dụng và hoàn thiện công nghệ tạo ra sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.
1. Nhà nước có chính sách và biện pháp hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển thị trường khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động phát triển nguồn cung, nguồn cầu công nghệ và tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Luật này.
2. Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình để phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia.
Phát triển nguồn cung, nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động sau đây:
1. Nhập khẩu, giải mã, làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng, địa phương;
2. Mua, nghiên cứu hoàn thiện sáng chế, sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ để chuyển giao cho doanh nghiệp áp dụng, phổ biến cho công chúng;
3. Thúc đẩy việc khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ý tưởng công nghệ phục vụ doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;
4. Đánh giá, thẩm định công nghệ mới, sản phẩm mới tạo ra tại Việt Nam từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có giá, chất lượng tương đương với công nghệ, sản phẩm nhập khẩu để khuyến khích sử dụng trong dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước, ưu tiên trong đấu thầu mua sắm, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;
5. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; liên kết, hợp tác trao đổi nhân lực khoa học và công nghệ giữa cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo với cơ sở sản xuất, kinh doanh;
6. Khai thác, cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội của doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại;
1. Tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ là tổ chức cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ, dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong giao dịch liên quan đến công nghệ.
2. Nhà nước thực hiện biện pháp sau đây để phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ:
a) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ quốc gia trong giai đoạn 05 năm đầu hoạt động;
b) Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian;
c) Hỗ trợ, nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước và ngoài nước cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá và giám định công nghệ.
3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn và xúc tiến chuyển giao công nghệ trong các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo; hình thành mạng lưới liên kết hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước.
1. Chợ công nghệ, hội chợ công nghệ, triển lãm công nghệ, điểm kết nối cung cầu công nghệ, sàn giao dịch công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ là nơi trưng bày, giới thiệu, mua, bán công nghệ, xúc tiến chuyển giao công nghệ.
2. Trong việc công bố, trình diễn, giới thiệu công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền có trách nhiệm sau đây:
a) Hằng năm, công bố danh mục công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân công bố công nghệ mới do mình tạo ra.
3. Nhà nước có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ mới được tạo ra trong nước công bố, trình diễn, giới thiệu công nghệ, tham gia chợ, hội chợ công nghệ trong nước, ngoài nước.
1. Môi giới chuyển giao công nghệ.
2. Tư vấn chuyển giao công nghệ.
3. Đánh giá công nghệ.
4. Thẩm định giá công nghệ.
5. Giám định công nghệ.
6. Xúc tiến chuyển giao công nghệ.
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ;
b) Hưởng thu nhập từ kinh doanh dịch vụ và lợi ích khác từ việc cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;
c) Sử dụng cộng tác viên, chuyên gia phục vụ hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ;
d) Hưởng quyền sử dụng cơ sở dữ liệu về công nghệ theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu người sử dụng dịch vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của người sử dụng dịch vụ gây ra;
e) Hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ;
g) Tham gia hội nghề nghiệp trong nước, quốc tế theo quy định của pháp luật;
h) Các quyền khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ có các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và được hưởng lợi nhuận từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ đã giao kết;
b) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ của mình;
c) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho bên sử dụng dịch vụ chuyển giao công nghệ;
d) Bảo quản, giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu, phương tiện được giao sau khi hoàn thành dịch vụ theo thỏa thuận;
đ) Thông báo kịp thời cho bên sử dụng dịch vụ về thông tin, tài liệu không đủ để hoàn thành dịch vụ;
e) Giữ bí mật thông tin theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ;
g) Thực hiện nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ, ngoài nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này còn có nghĩa vụ sau đây:
a) Đăng ký đáp ứng điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ theo quy định của pháp luật;
b) Hằng năm, gửi báo cáo kết quả hoạt động đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ tới cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
1. Tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ là tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ.
2. Tổ chức thực hiện hoạt động thẩm định giá công nghệ phải đáp ứng điều kiện được quy định tại pháp luật về giá và quy định điều kiện đặc thù về nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật.
3. Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ; điều kiện đặc thù về nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật đối với tổ chức thực hiện hoạt động thẩm định giá công nghệ.
Công nghệ quy định tại Điều 9 của Luật này và công nghệ sau đây được khuyến khích chuyển giao cho vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn:
1. Công nghệ trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn gen; chọn tạo, nâng cao giá trị kinh tế của giống cây trồng, giống vật nuôi;
2. Công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, cây dược liệu, nấm, vi sinh vật nông nghiệp, thủy sản;
3. Công nghệ phòng, chống dịch bệnh cho giống cây trồng, giống vật nuôi, cây dược liệu;
4. Công nghệ tạo ra, khai thác và sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch; công nghệ xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản;
5. Công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm truyền thống của làng nghề, địa phương.
1. Chương trình, dự án phổ biến giống cây trồng, giống vật nuôi hoặc công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp phải có nội dung chuyển giao công nghệ.
2. Tổ chức, cá nhân khi phổ biến, chuyển giao công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ tại địa phương nơi thực hiện chuyển giao công nghệ.
3. Tổ chức, cá nhân cung cấp giống cây trồng, giống vật nuôi, chuyển giao công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến cho người sử dụng và phải bồi thường thiệt hại phát sinh do việc cung cấp giống cây trồng, giống vật nuôi, chuyển giao công nghệ gây ra.
4. Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
1. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phổ biến, chuyển giao giống cây trồng, giống vật nuôi hoặc công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp; thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ tại địa phương; kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc phổ biến, cung cấp giống cây trồng, giống vật nuôi, công nghệ gây thiệt hại cho người sử dụng.
2. Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan đánh giá hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
1. Khuyến khích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, sản phẩm, quy trình sản xuất, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý trong nông nghiệp.
2. Chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được thực hiện theo hình thức quy định tại Luật này hoặc theo hình thức đặc thù bao gồm chương trình, kế hoạch khuyến nông; chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được thực hiện theo phương thức quy định tại Luật này hoặc theo phương thức đặc thù bao gồm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền.
4. Chính phủ quy định chi tiết hình thức, phương thức đặc thù quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; đối tượng nhận chuyển giao, đối tượng thực hiện chuyển giao theo hình thức, phương thức đặc thù theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.
5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục tiến bộ kỹ thuật về giống, sản phẩm, quy trình sản xuất, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý khuyến khích chuyển giao trong nông nghiệp; tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận tiến bộ kỹ thuật.
1. Thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ.
2. Chỉ đạo, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
3. Phân công, phân cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ.
4. Ban hành Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao.
1. Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.
2. Chủ trì xây dựng chương trình, đề án, chính sách về nhập khẩu công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Xây dựng Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, Danh mục công nghệ cấm chuyển giao trình Chính phủ ban hành.
4. Cấp, thu hồi Giấy phép chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao.
5. Thẩm định, có ý kiến, kiểm tra, giám sát về công nghệ của dự án đầu tư theo thẩm quyền.
6. Hướng dẫn việc đánh giá trình độ công nghệ, năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của từng thời kỳ.
7. Tổ chức đánh giá, lựa chọn, công bố công nghệ tạo ra từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
8. Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, nghiệp vụ trong hoạt động chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
9. Tổ chức thực hiện công tác thống kê về chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ theo quy định của pháp luật, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ.
10. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về chuyển giao công nghệ.
11. Hợp tác quốc tế về hoạt động chuyển giao công nghệ theo thẩm quyền.
12. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chuyển giao công nghệ.
13. Lập báo cáo Chính phủ về hoạt động chuyển giao công nghệ và định kỳ 05 năm lập báo cáo về đổi mới công nghệ trên cả nước.
14. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ như sau:
a) Đề xuất công nghệ để xây dựng Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, Danh mục công nghệ cấm chuyển giao;
b) Xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình, biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ;
c) Kiểm tra, giám sát công nghệ, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tạo ra từ việc chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ.
2. Tổ chức đánh giá, lựa chọn, công bố công nghệ tạo ra từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ đó trong lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền.
3. Tạo điều kiện cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ được khuyến khích chuyển giao và việc chuyển giao công nghệ ở các địa bàn được khuyến khích chuyển giao công nghệ.
4. Tổ chức thẩm định, có ý kiến, kiểm tra, giám sát về công nghệ của dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật.
5. Hợp tác quốc tế về hoạt động chuyển giao công nghệ theo thẩm quyền.
6. Hằng năm, thống kê về tình hình chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ có trách nhiệm sau đây:
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch về chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại địa phương;
2. Tổ chức thẩm định, có ý kiến về công nghệ của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật;
3. Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại địa phương;
4. Ngăn chặn kịp thời việc chuyển giao giống cây trồng, giống vật nuôi chưa được công nhận tiến bộ kỹ thuật; vật tư nông nghiệp chưa được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng, lưu hành theo quy định của pháp luật;
5. Tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động chuyển giao công nghệ tại địa phương; xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, thống kê về chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; báo cáo số liệu thống kê chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền;
6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện pháp luật về chuyển giao công nghệ;
7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về chuyển giao công nghệ theo thẩm quyền.
Việc thống kê chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thống kê và các quy định sau đây:
1. Thống kê chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ là một nội dung trong báo cáo thống kê hàng năm của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ thống kê chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong phạm vi cả nước;
2. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với cơ quan thống kê trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và tổ chức thu thập thông tin thống kê về chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan quản lý thuế và hải quan ở trung ương trực thuộc Bộ Tài chính thực hiện việc kết nối và chia sẻ dữ liệu thống kê về chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ;
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện thống kê chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ thuộc địa bàn quản lý;
4. Tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin về chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan thực hiện thống kê;
5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc triển khai thu thập số liệu thống kê về chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ.
Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm tìm kiếm công nghệ, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
2. Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
1. Thỏa thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực, trường hợp có nhu cầu gia hạn thỏa thuận đó sau ngày Luật này có hiệu lực thì thực hiện thủ tục đăng ký, gia hạn theo quy định của Luật này.
2. Hồ sơ đề nghị đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa được giải quyết thì áp dụng theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11.
3. Tổ chức thực hiện dịch vụ đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ được thành lập và hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải tiến hành đăng ký đủ điều kiện hoạt động tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2017.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Law No.: 07/2017/QH14 |
Hanoi, June 19, 2017 |
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
The National Assembly promulgates the Law on Technology Transfer.
This Law deals with the transfer of technologies in Vietnam, from foreign countries to Vietnam and vice versa; rights and obligations of organizations and individuals participating in technology transfer activities; appraisal of technology applied to investment projects; technology transfer agreements; measures to encourage the technology transfer, development of the science and technology market; state management of technology transfer.
Article 2. Interpretation of terms
For the purpose of this law, these terms are construed as below:
1. Know-how means the information that is gathered and obtained from the research, manufacturing and trading, and is decisive factor in determining the quality and competitive ability of technology and technological products. Know-how includes technical know-how and technological know-how.
2. Technology refers to a solution, process or know-how with or without accompanying instruments and facilities to convert resources into products.
3. Advanced technology refers to the technology which has a technological level higher than the current technological level of the same type in Vietnam and has been applied to the reality to improve the productivity and quality of products, and produce high-quality and eco-friendly products.
4. New technology refers to the technology which is developed or applied in Vietnam or in the world for the first time with the technological level higher than the current technological level of the same type in Vietnam, eco–friendly, applied to the reality and capable of improving the productivity and quality of products.
5. Clean technology refers to the technology that generates less environmental pollutants as defined in the law on technical standards and regulations, and uses less non-renewable resources than existing technology.
6. High technology means the technology with a high content of scientific research and technological development; which is integrated from modern scientific and technological achievements; creates high-quality and eco-friendly products with high added value and significant features; plays key role in forming new manufacturing or service industry or modernizing an existing manufacturing or service industry.
7. Technology transfer refers to the transfer of the ownership or the right to use a given technology from the party that has the right to transfer such technology to the transferee.
8. Domestic technology transfer refers to the transfer of technology which is made within the territory of Vietnam.
9. Transfer of technology from foreign countries to Vietnam refers to the transfer of a given technology across border to Vietnam.
10. Transfer of technology from Vietnam to foreign countries refers to the transfer of a given technology which is developed within the territory of Vietnam across border to a foreign country.
11. Commercialization of findings on scientific research and technological development refers to the development, finishing, application, transfer or other activities related to findings on scientific research and technological development for profit purpose.
12. Technology incubation means a process to create, finish and commercialize technology from technology ideas, findings of scientific research and technological development or incomplete technology by means of assistance activities in technical infrastructure, resources and necessary services.
13. Science and technology business incubation means a process to establish and develop science and technology enterprises by means of assistance activities in technical infrastructure, resources and necessary services.
14. Technology incubator or science and technology business incubator is a facility that provides conditions as required by law such as technical infrastructure, resources and necessary services to serve the technology incubation or the science and technology business incubation.
15. Technology innovation refers to the partial or full replacement of existing technology by another one with the aims of improving the productivity, quality and competitiveness of products.
16. Reverse engineering is the process of discovering technological principles of a device, object or system through research and analysis of its structure, design, function and operation in order to maintain, operate, improve or make a new device, object or system that does the same thing with the original or meets requirements defined in the national technical standards and regulations.
17. Technology appraisal refers to the evaluation of level and economic effects of a given technology, its environmental and socio-economic impacts.
18. Technology valuation is the process of estimating the monetary value of a technology by a technology valuation authority or organization in conformity with the market price at a given place and time to serve specific purposes as defined in the applicable valuation standards.
19. Technology assessment refers to the process of identifying criteria of a given technology which have been satisfied through its applications against those agreed upon by the parties.
20. Technology transfer brokerage refers to a set of activities which provide assistance in seeking parties interested in technology transfer.
21. Technology transfer consultancy refers to a set of activities which provide assistance in selecting and applying technology; collecting information about technology, patients and/or findings on scientific research and technological development; negotiating, concluding and performing technology transfer agreements.
22. Promotion of technology transfer refers to a set of activities which create and improve the transfer of technology; provide services of advertising, exhibition and introduction of technology; organize technology markets, trade fairs and exhibitions, points of technology supply and demand, and technology transfer centers.
Article 3. State policies on technology transfer
1. Ensure rights and legal interests and facilitate organizations and individuals in carrying out technology transfer; develop science and technology market and the national innovative system which focuses on enterprises; improve the national technological level and potential with the aims of protecting the national defense and security and ensuring rapid and sustainable socio-economic development.
2. Diversify technology transfer forms and methods; encourage the technology transfer from various sources.
3. Give priority to the transfer of high technology, advanced technology, new technology, clean technology and technology serving the development of national key products, and technology serving national defense and security tasks both from foreign countries into Vietnam and domestic transfer of such technology; allocate adequate resources for technology transfer activities in agriculture and rural development; attach special importance to technology transfer activities performed at regions facing difficult or extremely difficult socio-economic conditions.
4. Assist technology ideas, innovative startups, technology incubation, and science and technology business incubation; assist application and innovation of technology, connection between scientific research and technological development organizations and training facilities or manufacturing facilities; attach special importance to the commercialization of domestic findings on scientific research and technological development; develop science and technology market intermediaries.
5. Speed up the transfer of advanced technology and high technology from foreign countries to Vietnam; encourage the transfer of technology from Vietnam to foreign countries; attach special importance to the development of advanced technology and high technology in a large scale from foreign-invested enterprises to domestic enterprises; speed up innovative operations of organizations and individuals.
6. Prevent and eliminate obsolete technologies and other technologies that may adversely influence on socio-economic development, national defense and security, environment and human health.
Article 4. Transferable technologies
1. One or some of the following technologies are transferable:
a) Technical know-how and technological know-how;
b) Technology plans or processes; engineering solutions, parameters, drawings or diagrams; formula, computer software and database;
c) Solutions for rationalization of production and technology innovation;
d) Accompanying machinery and/or equipment of transferable technologies mentioned in Points a, b and c of this Clause.
2. In case transferable technologies specified in Clause 1 of this Article are subject to intellectual property (IP) rights protection, the transfer of the intellectual property rights shall be carried out in accordance with regulations of the Law on intellectual property.
Article 5. Forms of technology transfer
1. Independent technology transfer contract.
2. Part of technology transfer in the following cases:
a) Investment project;
b) Making capital contribution by technology;
c) Franchise agreement;
d) Transfer of IP rights;
dd) Purchase or sale of machinery/ equipment mentioned in Point d Clause 1 Article 4 herein.
3. Technology transfer may be implemented under other forms as regulated by law.
4. The technology transfer prescribed in Clause 1 and Point b Clause 2 of this Article must be implemented under written agreements; the technology transfer prescribed in Points a, c, d and dd Clause 2 and Clause 3 of this Article may be implemented under contracts or terms or provisions or appendixes of contract or dossier of the investment project which must include all of contents mentioned in Article 23 herein.
Article 6. Methods of technology transfer
1. Transfer of documents concerning technology.
2. Provision of training to the transferee within a given period as agreed upon by the parties in order to enable the transferee to properly understand and master the transferred technology.
3. Appointment of expert(s) to provide technical support to the transferee in order that the transferee may apply or put the transferred technology into operation to achieve criteria of product quality or progress as agreed upon by the parties.
4. Transfer of accompanying machinery/ equipment of the technology prescribed in Point d Clause 1 Article 4 herein under the methods specified in this Article.
5. Other technology transfer methods as agreed upon by the parties.
Article 7. Rights to make technology transfer
1. A technology owner shall have the right to transfer the ownership or the right to use such technology.
2. An organization or individual that is entitled to use a given technology may transfer the right to use such technology to another one but it requires the technology owner's approval.
3. The scope of transfer of the right to use a technology shall be agreed upon by the parties. To be specific:
a) Exclusive or non-exclusive right to use such technology;
b) The transferee’s right to re-transfer the right to use such technology to a third party.
Article 8. Capital contribution by technology to investment projects
An organization or individual that has the right to transfer technology as prescribed in Article 7 herein is entitled to make capital contribution by technology to investment projects; in case of investment project funded by the State, the technology which is used to make capital contribution to such project must be valued in accordance with regulations of law.
Article 9. Technologies encouraged for transfer
1. High technologies; accompanying machinery/ equipment of high technologies the transfer of which is encouraged under regulations of the law on high technologies.
2. Advanced technologies, new technologies and clean technologies that are suitable for socio-economic conditions of Vietnam shall be encouraged for transfer from foreign countries to Vietnam or domestically if any of the following requirements is satisfied:
a) Produce high-quality and highly competitive products against those produced by the existing technology of the same type;
b) Produce national key products from domestic findings on scientific research and technological development;
c) Generate new manufacturing and processing services/ industries/ sectors; breed/ cultivate new varieties which have been tested;
d) Save resources, energy or fuels in comparison with the existing technology of the same type in Vietnam;
dd) Generate or use new or renewable energy; store energy in highly efficient way;
e) Generate machinery/ equipment to improve educational and training quality; medical machinery/equipment and pharmaceutical products serving medical diagnosis and treatment, protection of human health and improve the physical strength for Vietnamese people;
g) Discover, handle or forecast natural disasters or epidemic diseases; serve search and rescue activities; protect environment and cope with climate change and reduce the greenhouse gas emission;
h) Assist the consistent production according production chains with high socio-economic efficiency;
i) Create products which concurrently serve national defense, security and civil purposes;
k) Develop and modernize traditional handicrafts.
3. Technologies; machinery/equipment accompanying the technologies which are mentioned in Point d Clause 1 Article 4 herein and exist in Vietnam, excluding the technologies prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article, Clause 2 Article 10 herein; technologies operated by fuels which are domestically produced products or haft-way products are encouraged for transfer to foreign countries.
4. The Government is responsible for promulgating the List of technologies encouraged for transfer.
Article 10. Technologies restricted from transferring
1. The transfer of the following technologies from foreign countries to Vietnam or domestically shall be restricted:
a) Technologies that are no longer popular in industrialized countries; accompany machinery/equipment of such technologies;
b) Technologies that use toxic chemicals or generate hazardous waste in conformity with the national technical standards and regulations;
c) Technologies that make products by adopting genetic engineering;
d) Technologies that use or create radioactive substances in conformity with the national technical standards and regulations;
dd) Technologies that use resources or minerals the extraction of which is limited domestically;
e) Technologies that are employed to propagate, raise or cultivate new varieties which are not yet tested;
g) Technologies that are employed to create products adversely influencing on customs and habits, traditions and social ethnics.
2. The transfer of the following technologies from Vietnam to foreign countries shall be restricted:
a) Technologies that are employed to create traditional products or perform production activities according to traditional know-how or use or create categories/ species of agricultural varieties, minerals or typical precious materials of Vietnam;
b) Technologies that are employed to create products to export to the markets in which there are products competitive with the main export products of Vietnam.
3. The Government is responsible for promulgating the List of technologies restricted from transferring.
Article 11. Technologies banned from transferring
1. The transfer of the following technologies from foreign countries to Vietnam or domestically shall be banned:
a) Technologies that fail to satisfy regulations of laws on occupational safety and sanitation, protection of human health, resources and environment protection, and biodiversity;
b) Technologies that are employed to create products adversely influencing on social – economic development or adversely influencing on the national defense and security or social order and security;
c) Technologies that are no longer popularly used and transferred in developing countries and fail to satisfy national technical standards and regulations;
d) Technologies that use toxic chemicals or generate hazardous waste that fails to satisfy the national technical standards and regulations on environment;
dd) Technologies that use or create radioactive substances that fail to satisfy the national technical standards and regulations.
2. The transfer of technologies on the List of state secrets from Vietnam to foreign countries is also banned, unless otherwise stipulated by law.
3. The Government is responsible for promulgating the List of technologies banned from transferring.
Article 12. Prohibited acts in technology transfer
1. Abusing technology transfer activities to harm national defense, security interests, human health, environment, social ethnics, customs and habits; harm the lawful rights and interests of an organization or individual; deteriorate natural resources or biodiversity.
2. Carrying out the transfer of technologies which are banned from transferring; illegally transferring technologies which are restricted from transferring.
3. Committing violations against regulations on rights to transfer technology.
4. Committing deceits or frauds in making and performing technology transfer agreements, technology transfer service contracts, and technology-related contents specified in contracts or investment project dossiers.
5. Obstructing the provision of, or refusing to provide information concerning technology transfer activities upon requests of regulatory authorities.
6. Disclosing technological secrets inconsistently with the law or obstructing technology transfer activities.
7. Using/ applying technologies other than those approved or permitted by regulatory authorities.
APPRAISAL OF TECHNOLOGY APPLIED TO INVESTMENT PROJECT
Article 13. Appraisal or comment on technology applied to investment project
1. In course of issuing investment policies, the appraisal of technologies which are applied to the investment projects funded by public budget shall be performed under regulations of the law on public investments.
2. In course of issuing investment policies under regulations of the Law on investment, investors must ask regulatory authorities for appraisal or comment on the technologies applied to the following investment projects:
a) Investment project that applies technology on the List of technologies restricted from transferring;
b) Investment project that applies technology and may pose risk of adversely influencing on the environment under regulations of the law on environment protection.
3. When making decision on investment policies, the appraisal or comment on technologies is performed as follows:
a) The technologies applied to investment projects that apply technologies restricted from transferring or investment projects that apply technologies and may pose risk of adversely influencing on the environment under regulations of the law on environment protection must be appraised or commented in accordance with regulations herein;
b) Technologies applied to investment projects which are not defined in Point a of this Clause shall be appraised in accordance with regulations of the Law on Construction;
c) Technologies applied to investment projects that use public investment and do not have project components shall be appraised in accordance with regulations of the law on public investment.
4. In course of implementation of an approved investment project, if there is change in the technology applied to such investment project, the investor must submit report to the authority that has appraised or commented on such technology on such change for consideration.
Article 14. Power to appraise or comment on technology in the phase of issuing investment policy
1. The power to appraise technology applied to the investment project that uses public investment shall comply with regulations of the law on public investment.
2. The power to appraise or comment on the technologies applied the projects mentioned in Point a Clause 2 Article 13 herein or projects that use technologies restricted from transferring and may pose risk of adversely influencing on the environment is stipulated as below:
a) The State appraisal board shall be responsible for carrying out the appraisal of technologies applied to investment projects the investment policies of which are subject to decision of the National Assembly;
b) The Ministry of Science and Technology shall take charge and cooperate with relevant authorities and organizations to comment on technologies applied to investment projects the investment policies of which are subject to decision by the Prime Minister;
c) Specialized science and technology agencies affiliated to the Provincial-level People’s Committees shall take charge and cooperate with relevant authorities and organizations to comment on technologies applied to investment projects which require decision on investment policies and are not subject to the cases defined in Point a and Point b of this Clause.
3. The power to appraise or comment on the technologies applied the projects mentioned in Point b Clause 2 Article 13 herein is stipulated as below:
a) The State appraisal board shall be responsible for carrying out the appraisal of technologies applied to investment projects the investment policies of which are subject to decision of the National Assembly;
b) Supervisory ministries shall take charge and cooperate with the Ministry of Science and Technology, relevant authorities and organizations to comment on technologies applied to investment projects the investment policies of which are subject to decision by the Prime Minister;
c) Specialized agencies affiliated to the Provincial-level People’s Committees shall take charge and cooperate with relevant authorities and organizations to comment on technologies applied to investment projects which require decision on investment policies and are not subject to cases defined in Point a and Point b of this Clause.
Article 15. Power to appraise or comment on technology in the phase of making investment decision
1. The power to appraise or comment on the technologies applied the projects mentioned in Point a Clause 3 Article 13 herein is stipulated as below:
a) The State appraisal board shall appraise the technologies applied to nationally significant projects;
b) Specialized construction agencies as defined by the Law on Construction shall take charge and cooperate with the same-level agencies performing state management of industries/ sectors shall appraise technologies applied to group-A, B and C state-funded investment projects;
c) Agencies performing state management of industries/ sectors shall appraise or comment on technologies applied to group-A, B and C projects using non-state budget funding and other funding sources.
2. The power to appraise the technologies applied the investment projects mentioned in Point b Clause 3 Article 13 herein shall comply with regulations of the Law on Construction.
3. The power to appraise the technologies applied the investment projects mentioned in Point c Clause 3 Article 13 herein shall comply with regulations of the Law on Public Investment.
Article 16. Explanation about application of technology in investment project dossier
1. In course of issuing investment policies, the technology-related contents explained in the investment project dossier include:
a) Analysis and selection of technology plans;
b) Name and origin of technology, technology process diagram; list of main machinery/ equipment of technology lines in the selected technology plan, their status and specifications;
c) Documents proving that the technology has been verified (if any);
d) Plan for training or giving technical assistance in operating technology lines (if any);
dd) Technology application conditions;
e) Preliminary environmental impact assessment (if any);
g) Technology transfer agreement draft (if the contribution in form of technology is included).
2. When applying for investment decision, the technology-related contents explained in the investment project dossier include:
a) Name and origin of technology, technology process diagram; list of main machinery/ equipment of technology lines, their status and specifications;
b) Products and their quality standards;
c) The possibility of supplying materials, fuels to technology lines;
d) Training or providing technical assistance for operating technology lines;
dd) Costs of investment in technology, machinery, equipment, training and technical assistance.
Article 17. Procedures for appraisal or comment on technology applied to investment project in the phase of making decision on investment policy
Procedures for appraisal or comment on applied technology in the phase of issuing investment policy are stipulated as follows:
1. Procedures for appraisal of technology applied to the investment project that uses public investment shall comply with regulations of the Law on Public Investment;
2. Procedures for appraisal of technologies applied the investment projects mentioned in Clause 2 Article 13 herein of which investment policies are subject to decision of the National Assembly shall comply with regulations of the Law on Investment;
3. With regard to the investment projects mentioned in Point a Clause 2 Article 13 herein of which investment policies are subject to decision of the Prime Minister, within a duration of 03 days as from the receipt of sufficient project dossier, the investment registration agency shall send such investment project dossier to the Ministry of Science and Technology for comment on technology;
4. With regard to investment projects mentioned in Point a Clause 2 Article 13 herein of which investment policies are subject to decision of neither the National Assembly nor the Prime Minister, within a duration of 03 days as from the receipt of sufficient project dossiers, the investment registration agencies shall send such investment project dossiers to specialized science and technology agencies affiliated to the Provincial-level People's Committees for comment on technologies;
5. With regard to the investment projects mentioned in Point b Clause 2 Article 13 herein of which investment policies are subject to decision of the Prime Minister, within a duration of 03 days as from the receipt of sufficient project dossiers, the investment registration agencies shall send such investment project dossiers to supervisory ministries for comment on technology;
6. With regard to investment projects mentioned in Point b Clause 2 Article 13 herein of which investment policies are subject to decision of neither the National Assembly nor the Prime Minister, within a duration of 03 days as from the receipt of sufficient project dossiers, the investment registration agencies shall send such investment project dossiers to specialized agencies affiliated to the Provincial-level People's Committees for comment on technologies;
7. The duration for comment on technology applied to an investment project as prescribed in this Article is 15 days from the receipt of sufficient project dossier.
Article 18. Procedures for appraisal or comment on technology applied to investment project in the phase of making investment decision
1. The procedures for appraisal or comment on the technologies applied the projects mentioned in Point a Clause 3 Article 13 herein in the phase of making investment decision is stipulated as below:
a) Procedures for appraisal of technologies applied to nationally significant projects shall comply with regulations of the Law on Investment and the Law on Public Investment;
b) With regard to group-A, B and C state-funded investment projects, within a duration of 05 working days from the receipt of sufficient project dossiers, specialized construction agencies as defined by the Law on Construction shall send written requests enclosed with copies of relevant documents to the same-level agencies performing state management of industries/ sectors for comment on technologies;
c) With regard to group-A, B and C projects using non-state budget funding and other funding sources, the investors shall simultaneously send fundamental designs to specialized construction agencies as defined by the Law on Construction for appraising fundamental designs, excluding appraisal of technological design, and agencies performing state management of industries/ sectors at the same level with specialized construction agencies for comment on technological design.
In case a specialized construction agency performs state management of industry/sector, such specialized construction agency shall take charge of appraising the project’s fundamental design which includes technological design.
d) The duration for comment on technology shall be 20 days for Group-A project, 15 days for Group-B project and 10 days for Group-C project from the receipt of sufficient project dossier; the comment on technology may be extended for a period not exceeding the duration prescribed hereto. Regulatory authorities shall give written notification of extension stating extension reasons to specialized construction agencies or investors.
In case a specialized construction agency performs state management of industry/sector, the duration for appraising technological design shall be included in the duration for appraising fundamental design as prescribed by the Law on Construction.
2. Procedures for appraisal of technologies applied the investment projects mentioned in Point b Clause 3 Article 13 herein shall comply with regulations of the Law on Construction.
3. Procedures for appraisal of technologies applied the investment projects mentioned in Point c Clause 3 Article 13 herein shall comply with regulations of the Law on Public Investment.
Article 19. Elements of appraisal or requiring comment on technology applied to investment project
1. Elements of appraisal or requiring comment on technology in the phase of issuing investment policy include:
a) The rationality of selected technology plan;
b) Technology verification in developed countries (if any);
c) Training or provision of technical assistance for operating technology lines of the investment project (if any);
d) The satisfaction of requirements for application of technology;
dd) Preliminary environmental impact assessment;
e) Technology transfer agreement draft (if any);
g) With regard to an investment project in the high-tech park, elements of appraisal or requiring comment on technology shall comply with provisions in this clause and satisfy criteria or standards under regulations of the law on high technology.
2. Elements of appraisal or requiring comment on technology in the phase of making investment decision include:
a) The consistency of technology, machinery, equipment with the plan selected in the phase of issuing investment policy; national technical standards/ regulations and other regulations of relevant laws;
b) Products and their quality standards;
c) The compatibility and possibility of supplying materials and fuels to operate technology line, machinery, equipment;
d) Training or providing technical assistance for operating technology line, machinery, equipment;
dd) Costs of investment in technology, machinery, equipment, training and technical assistance.
Article 20. Processes of appraisal or giving opinion about technology applied to investment project
1. Agencies that have the power to appraise or comment on technologies applied to investment projects as prescribed by law shall take charge of holding appraisal of or comment on technologies applied to investment projects; where necessary, the consultation may be held in any of the following methods:
a) Setting up a science and technology consulting board;
b) Collecting opinions from independent consultants.
2. The consulting board is established according to decision of the presiding agency in charge of commenting on technology. The consulting board must work on a democratic, impartial and fair manner in conformity with the laws and professional ethics. The consulting board shall be responsible for its conclusion and proposals to the establishing agency. Such conclusion and proposals must be made in writing.
3. Members of the consulting board shall assume liabilities before the law for their opinions and keep secret of information concerning the investment project. They must give written opinions.
4. Funding for collecting opinions on technology applied to an investment project:
a) In the phase of issuing investment policy, the collection of opinion on technology shall be funded by state budget;
b) In the phase of issuing investment decision, expenditure for collecting opinion on technology shall be covered by the investor and included in the project’s total investment.
Article 21. Inspection of technology applied to investment project and technology transfer
1. The application and transfer of technology to an investment project under regulations in Article 13 herein must be properly inspected.
2. Investment authorities shall take charge of and cooperate with specialized authorities in inspecting technologies applied to investment projects when conducting the investment inspection under regulations of law.
3. Science and technology authorities shall take charge of and cooperate with relevant authorities to inspect the technology transfer in the following cases:
a) According to plans;
b) Upon detection of signs of violations against regulations on application and transfer of technologies in course of implementation of investment projects and technology transfer.
Article 22. Conclusion and performance of technology transfer agreement
1. A technology transfer agreement must be concluded in writing or in any forms which are considered as written transactions under regulations of the Civil Code. The agreement must be signed and sealed (if any) by the parties; all pages of the agreement or its appendixes must be initialed and sealed (if any).
2. The language used in the agreement shall be agreed upon by the parties.
3. The technology transfer agreement is concluded and performed in accordance with regulations of this Law, the Civil Code, and the Law on Commerce, the Law on Intellectual Property, the Competition Law and relevant laws.
Article 23. Contents of a technology transfer agreement
1. Name of technology to be transferred.
2. Technologies to be transferred, products created by the transferred technology, their quality standards.
3. Transfer of the ownership and/or the right to use technology.
4. Method of technology transfer.
5. Rights and obligations of the parties.
6. Price and method of payment.
7. Duration and effective date of the technology transfer agreement.
8. Definitions and terms used in the technology transfer agreement (if any).
9. Technology transfer plan or schedule, and location.
10. Warranty on transferred technology.
11. Penalty for breach of agreement.
12. Liability for breach of agreement.
13. Dispute resolution authority.
14. Other contents agreed upon by the parties.
Article 24. Duration and effective date of the technology transfer agreement
1. Duration of a technology transfer agreement shall be agreed upon by the parties.
2. The effective date of a technology transfer agreement shall be agreed upon by the parties. In case the parties fail to agree on the effective date, the technology transfer agreement shall become effective as from the date on which it is signed, excluding the cases prescribed in Clause 3 of this Article.
3. An agreement for transfer of technology restricted from transferring shall become effective as from the issued date of the technology transfer permit.
The technology transfer agreement which must be registered under regulations in Clause 1 and Clause 2 Article 31 herein shall become effective as from the issued date of Certificate of registration of technology transfer. If a technology transfer agreement is extended or revised, the written agreement on extension or revision shall become effective as from the issued date of Certificate of registration of technology transfer extension or revision.
Article 25. Rights and obligations of the transferor
1. The transferor has the following rights:
a) Request the transferee to strictly comply with provisions of the technology transfer agreement;
b) Receive full payment and enjoy other rights and interests as specified in the technology transfer agreement;
c) Hire an organization or individual to make technology transfer as regulated by law;
d) Request regulatory authorities to protect rights and legal interests related to the transferred technology;
dd) Request the transferee to implement corrective measures and make compensation for damage in case the transferee fails to fulfill its obligations specified in the technology transfer agreement, unless otherwise agreed;
e) Have other rights as defined by law.
2. The transferor must discharge the following obligations:
a) Ensure that the right to transfer technology is legal and not limited by the third party, unless otherwise agreed;
b) Comply with provisions specified in the technology transfer agreement; make compensation for damage caused to the transferee and/or the third party due to the transferor’s breach of agreement;
c) Keep secret of technology-related information and other information in course of negotiation, conclusion and performance of the technology transfer agreement;
d) Give a notification to the transferee and implement appropriate measures upon discovery of any technical difficulties which may result in the transferred technology fails to satisfy requirements specified in the agreement;
dd) Apply for permit to transfer technology which is restricted from transferring from Vietnam to foreign countries, unless otherwise agreed upon by the parties;
e) Fulfill financial obligations and other obligations as regulated by law.
Article 26. Rights and obligations of the transferee
1. The transferee has the following rights:
a) Request the transferor to strictly comply with provisions of the technology transfer agreement;
b) Request regulatory authorities to protect rights and legal interests related to the transferred technology;
c) Hire an organization or individual to make technology transfer as regulated by law;
d) Request the transferor to implement corrective measures and make compensation for damage in case the transferor fails to fulfill its obligations specified in the technology transfer agreement, unless otherwise agreed;
dd) Have other rights as defined by law.
2. The transferee must discharge the following obligations:
a) Comply with provisions specified in the technology transfer agreement; make compensation for damage caused to the transferor and/or the third party due to the transferee’s breach of agreement;
b) Keep secret of technology-related information and other information in course of negotiation, conclusion and performance of the technology transfer agreement;
c) Apply for permit to transfer technology which is restricted from transferring from a foreign country to Vietnam, unless otherwise agreed upon by the parties;
d) Fulfill financial obligations and other obligations as regulated by law.
Article 27. Price for technology transfer and payment method
1. The price for transferring technology shall be subject to agreement between the parties.
2. The payment may be made by adopting any of the following methods:
a) One-off or multiple payments in cash or by goods;
b) Transfer of technology value as capital contribution to the investment project or enterprise under regulations of law;
c) Payment by percentage (%) of the net selling price;
d) Payment by percentage (%) of the net revenue;
dd) Payment by percentage (%) of the earnings before income taxes of the transferee;
e) Other payment method as agreed upon by the parties.
3. The price of transferred technology must be audited and applied in accordance with regulations of the Law on taxation and prices in the following cases:
a) Technology is transferred between the parties among which one or both parties have state funding;
v) Technology is transferred between the parties having parent company-subsidiary company relationship;
c) Technology is transferred between the parties having association relationship as prescribed by the law on taxation.
4. The Government shall promulgate detailed regulations on this Article.
Article 28. Transfer of technology restricted from transferring
1. An organization or individual that wants to transfer any of the technologies restricted from transferring as prescribed in Article 10 herein must apply for a technology transfer permit.
2. The issuance of technology transfer permit must comply with the following order:
a) Giving approval for technology transfer.
The transfer of technologies applied to investment projects which have been appraised or given opinions in the phase of issuing investment policies or investment decisions is exempted from approval for technology transfer;
b) Issuing technology transfer permit.
3. Transferees of technologies which are transferred from foreign countries to Vietnam or transferred domestically and transferors of technologies which are transferred from Vietnam to foreign countries must prepare annual reports on their performance of technology transfer agreements under regulations by the Ministry of Science and Technology.
Article 29. Application and procedures for approval for technology transfer
1. An application for an approval for technology transfer includes:
a) The application form for an approval for technology transfer;
b) Proof of legal status of the applicant;
c) Written explanation for technology to be transferred;
d) Written explanation for conditions for applying transferred technology in accordance with regulations of law;
dd) written explanation for the consistency of transferred technology with laws on technical standards and regulations.
2. The organization or individual that wants to make transfer of technology restricted from transferring shall send an application for approval for technology transfer to the Ministry of Science and Technology.
3. Within 03 working days from the receipt of application, the Ministry of Science and Technology shall consider and request the applicant to supplement the application in accordance with regulations.
4. Within 30 days from the receipt of sufficient application, the Ministry of Science and Technology shall take charge of and cooperate with relevant ministries to give a written approval for technology transfer. If the application is refused, a written response which specifies reasons for refusal shall be given to the applicant.
5. Minister of Science and Technology is responsible for promulgating the templates of the application form for approval for technology transfer and explanation for technology.
Article 30. Application and procedures for issuance of technology transfer permit
1. An application for a technology transfer permit includes:
a) The application form for a technology transfer permit, which specifies the parties’ responsibility to ensure the compliance of contents of the technology transfer agreement with relevant laws;
b) Proof of legal status of the parties entering into the technology transfer agreement;
c) The original in Vietnamese or the certified copy of the technology transfer agreement. In case of unavailability of the technology transfer agreement in Vietnamese language, the notarized or certified translation into Vietnamese language shall be submitted;
d) The list of documents concerning technology, machinery, equipment (if any) enclosed with the technology transfer agreement;
dd) The certified copy of IP Rights Certificate for objects subject to IP Rights protection (if any);
e) Quality standards of products created by applying the transferred technology;
g) Explanation for conditions for using technology;
h) The written record of valuation of transferred technology in case the transferee uses state funding.
2. Upon the receipt of approval for technology transfer from the Ministry of Science and Technology, the parties shall conclude a technology transfer agreement.
3. Within 60 days from the conclusion of the technology transfer agreement, the party that is obliged to apply for a technology transfer permit shall send an application for a technology transfer permit to the Ministry of Science and Technology.
4. Within 05 working days from the receipt of application, the Ministry of Science and Technology shall consider and request the applicant to supplement the application in accordance with regulations.
Within 60 days from the receipt of the written request for supplementation of the application, the applicant must supplement required documents or submit an application for extension of deadline for supplementing documents. The extension given to supplement the application shall not exceed 60 days. Over this period, if the applicant fails to supplement required documents, the Ministry of Science and Technology shall give a written notification of refusal to issue the technology transfer permit and return the application as requested.
5. Within 15 working days from the receipt of sufficient application, the Ministry of Science and Technology shall process the application and grant a technology transfer permit to the applicant. If the application is refused, a written response which specifies reasons thereof shall be given.
6. In case of change in contents of a technology transfer permit, the applicant must carry out procedures for a new permit.
7. Minister of Science and Technology is responsible for promulgating the template of the application form for a technology transfer permit and the technology transfer permit template.
Article 31. Registration of technology transfer
1. Technology transfer agreement and part of technology transfer laid down in Clause 2 Article 5 herein must be registered with science and technology authorities in the following cases, excluding the transfer of technologies restricted from transferring which have been granted technology transfer permit:
a) Transfer of technology from a foreign country to Vietnam;
b) Transfer of technology from Vietnam to a foreign country;
c) Domestic technology transfer with use of state funding or state budget, excluding cases where Certificate of registration of science and technology task outcomes is available.
2. The Government encourages organizations and individuals to carry out the registration of technology transfer agreement in cases other than those prescribed in Clause 1 of this Article.
3. An application for registration of technology transfer includes:
a) The application form for registration of technology transfer, which specifies the parties’ responsibility to ensure the compliance of contents of the technology transfer agreement with relevant laws;
b) The original or the certified copy of the technology transfer agreement which includes all of contents prescribed in Article 23 herein. In case of unavailability of an agreement in Vietnamese language, the notarized or certified translation of the technology transfer agreement into Vietnamese language shall be submitted.
4. Within 90 days from the conclusion of the technology transfer agreement, the party that is obliged to apply for registration of technology transfer shall send an application for Certificate of registration of technology transfer to the science and technology authority.
5. Within 05 working days from the receipt of sufficient application, the science and technology authority shall process the application and grant a Certificate of registration of technology transfer to the applicant. If an application is refused, a written response which specifies reasons thereof shall be given to the applicant.
6. Science and technology authorities are entitled to refuse applications for Certificate of registration of technology transfer in the following cases:
a) A technology transfer agreement which is made for transfer of technology restricted from transferring;
b) An agreement which does not specify transferable technology or technology transfer contents;
c) An agreement whose contents are in contravention to regulations of this law.
7. The Government shall promulgate detailed regulations on this Article.
Article 32. Validity of technology transfer permit/ Certificate of registration of technology transfer
1. Technology transfer permit/ Certificate of registration of technology transfer shall become effective as from the issued date.
2. Issuing authorities shall have the power to nullify the issued technology transfer permit/ Certificate of registration of technology transfer in the following cases:
a) Failing to comply with provisions in the technology transfer permit or Certificate of registration of technology transfer;
b) Forging the application for the technology transfer permit or Certificate of registration of technology transfer;
c) At the request of a regulatory authority in case the holder commits violations against regulations of relevant laws.
3. If an organization or individual has been granted the Certificate of registration of technology transfer and enjoyed supports or incentives under regulations of law but such Certificate is nullified, the Certificate holder is responsible for returning received supports or incentives to the Government in accordance with the Government's regulations.
Article 33. Extension and revisions to technology transfer
1. If the parties reach an agreement on extension or revisions to the technology transfer of which Certificate of registration has been granted, the parties must submit the application prescribed in Clause 2 of this Article to the issuing authority of Certificate of registration of technology transfer for Certificate of registration of extension or revisions to the technology transfer under regulations of law.
2. An application for extension or revisions to technology transfer includes:
a) The application form for extension or revisions to technology transfer;
b) The original in Vietnamese language or the certified copy of the written agreement on extension or revisions. In case of unavailability of an agreement in Vietnamese language, the notarized or certified translation of such agreement into Vietnamese language shall be submitted.
3. Procedures for extension or revisions to technology transfer shall comply with regulations in Clauses 4, 5 and 6 Article 31 of this Law.
4. Minister of Science and Technology shall assume responsibility to promulgate the template of the application form for extension or revisions to technology transfer and the template of Certificate of registration of extension or revisions to technology transfer.
Article 34. Responsibility to keep secret in the course of issuing technology transfer permit or Certificate of registration of technology transfer
Authorities and/or individuals responsible for issuing the technology transfer permit or Certificate of registration of technology transfer shall assume responsibility to keep secret of application-related information.
MEASURES TO PROMOTE TECHNOLOGY TRANSFER AND SCIENCE AND TECHNOLOGY MARKET DEVELOPMENT
Section 1. PROMOTION OF TECHNOLOGY APPLICATION AND INNOVATION
Article 35. Supports and incentives for enterprises to develop technology application and innovation
1. The Government shall give supports to enterprises that have projects in regions or sectors eligible for investment incentives to carry out technology transfer activities with science and technology organizations.
2. Enterprises may use funding from their science and technology development funds to make investment, provide or receive counterpart funds for developing technology innovation, technology incubation, science and technology business incubation, innovative startups, commercialization of their findings on scientific research and technological development and covering other expenditures under regulations of the law on science and technology.
3. The ownership, the right to use and other rights that arise from findings on scientific research and technological development or intellectual property objects whose value may be determined are considered as property rights.
The National Foundation for Science and Technology Development, the National Technology Innovation Fund or credit institutions may receive the property rights as prescribed in this Clause as collaterals for loans for investment in science and technology projects, innovative startups, or development of findings on scientific research and technological development.
4. The Government encourages the cooperation under any forms between enterprises and authorities, organizations or individuals in developing technology innovation projects, innovative startups, or upgrading infrastructure facilities to serve science and technology development and general research activities.
5. Enterprises that make investment in material – technical facilities to serve reverse engineering, organizations or individuals that carry out the reverse engineering are entitled to the following incentives:
a) Receive supports, guarantee for loans or preferential loan interest rate from the National Technology Innovation Fund or credit institutions;
b) Enjoy other supports or incentives in accordance with regulations herein and relevant laws.
6. Socio-political organizations, social organizations and socio-professional organizations shall, within the ambit of their assigned functions and duties, facilitate organizations, individuals and enterprises in performing technology transfer activities.
7. The Government shall promulgate detailed regulations on this Article.
Article 36. Promoting commercialization of findings on scientific research and technological development
1. Findings on scientific research and technological development which are considered as public property shall be managed and used in accordance with regulations of the law on management and use of public property.
2. The ownership of findings on scientific research and technological development which have been funded by the Government shall comply with the following regulations:
a) If the Government provides funding for performing scientific research and technology development tasks for an entity that makes investment in material - technical facilities and/or financial investment and concurrently acts as the presiding entity of such scientific research and technology development tasks, the ownership of findings on such scientific research and technology development tasks shall be given to this entity.
b) If the Government provides funding for performing scientific research and technology development tasks on the basis of cooperation between an entity that makes investment in material - technical facilities and/or financial investment and the presiding entity of such scientific research and technology development tasks, the ownership of findings on such scientific research and technology development tasks shall be given under the agreement between the parties.
3. Profits accrued from the commercialization of findings on scientific research and technological development funded by state budget must be divided so as to ensure interests of owners, authors, presiding entity, intermediaries, organizations and individuals involved in such commercialization activities in accordance with relevant laws.
4. If findings on scientific research and technological development which have been self-financed and performed by an organization or individual are effectively transferred and applied, and recognized by science and technology authorities, such organization or individual may get financial supports from state budget. In case such findings are found important for the socio-economic development as well as national defense and security, the Government shall consider purchasing such findings.
Science and technology authorities shall assume responsibility to collect, appraise, select, recognize and announce findings on scientific research and technological development to serve demands for innovation of organizations and individuals.
5. Science and technology organizations that own findings on scientific research and technological development and associate with local organizations applying or transferring technology may receive funding from state budget to develop such findings in conformity with local features.
6. Individuals that work at research institutions or higher education institutions and do research on technology transfer, application and/or innovation at production and/or business establishment may receive funding for science and technology activities from state budget and other lawful funding sources.
7. Facilities and equipment serving the performance of science and technology tasks shall be managed, used and settled in accordance with regulations of the law on management of public property.
8. The Government shall facilitate the establishment of industrial property rights, certification and registration of new products or new technologies by organizations or individuals conducting commercialization of findings on scientific research and technological development or technology transfer activities.
9. The Government shall promulgate detailed regulations on this Article.
Article 37. National technology innovation program
1. Objectives of the National technology innovation program:
a) Improve the national technological capacity and technology transfer efficiency;
b) Serve the development of national key products;
c) Facilitate small-size and medium-size enterprises’ application of technologies, commercialization of findings on scientific research and technological development and/or technology innovation;
d) Intensify technological resources in rural regions, mountainous regions, and regions facing difficult or extremely difficult socio-economic conditions.
2. Based on the national socio-economic development tasks in each period, Ministry of Science and Technology shall take charge of and cooperate with relevant ministries, ministerial-level agencies and the Government's affiliates to formulate and submit the National technology innovation program to the Prime Minister for approval.
Article 38. National Technology Innovation Fund
1. Objectives of the National Technology Innovation Fund:
a) Assist enterprises in transferring, innovating or finishing technologies encouraged for transfer as prescribed in Article 9 herein;
b) Promote the transfer of technologies serving agricultural development in rural regions, mountainous regions and regions facing difficult or extremely difficult socio-economic conditions;
c) Assist technology incubation, science and technology business incubation and reverse engineering activities;
d) Assist training for science and technology personnel to serve the transfer, innovation and finishing of technologies.
2. The National Technology Innovation Fund shall provide assistance in the following forms:
a) Give concessional loans;
b) Grant loan interest rate subsidy;
c) Give loan guarantee;
d) Give financial support.
3. The National Technology Innovation Fund is established from the following sources of funding:
a) Voluntary contributions by domestic and foreign entities and individuals;
b) Loan interests;
c) Charter capital supported by state budget;
d) Other lawful funding sources.
4. The Prime Minister shall make decision on establishment, management and use of funding from the National Technology Innovation Fund.
Article 39. Tax policies aimed at promoting technology transfer, application and innovation
The following entities are eligible for tax incentives in accordance with regulations of the law on taxation:
1. Machinery, equipment, components, materials, specimens or technologies which are not yet created domestically and are imported to directly serve research and development, reverse engineering, technology innovation and technology transfer; scientific documents, books and journals that serve innovative startups and science and technology business development;
2. Technology incubators, science and technology business incubators, organizations or individuals investing in and supporting innovative startups; science and technology market intermediaries that have earnings from provision of technology transfer services;
3. Transferors of technology from Vietnam to foreign countries; organizations or individuals carrying out scientific research and technology development activities, technology transfer and/or reverse engineering at enterprises;
4. Organizations or individuals that make transfer of technologies encouraged for transfer.
Article 40. Developing technologies that create and finish national key products
1. Prioritize the transfer of technologies which are adopted to create national key products from findings on domestic scientific research and technological development.
2. Encourage the development of technologies which are adopted to create and finish national key products that are highly competitive in both domestic and foreign market.
3. The Government adopts specific policies and measures to step up the completion of Vietnam’s machinery and equipment design and/or manufacturing in order produce competitive products.
4. Enterprises and entities that transfer, apply and perfect technologies which are adopted to create national key products are entitled to enjoy preferential treatment under regulations of law.
5. The Government shall promulgate detailed regulations on this Article.
Section 2. SCIENCE AND TECHNOLOGY MARKET DEVELOPMENT
Article 41. Science and technology market development strategies
1. The Government adopts specific policies and measures to support or make investment in the science and technology sector with funding from state budget, and mobilize other lawful funding sources to develop the science and technology market by means of developing sources of technological supply and demand, and science and technology market intermediaries as prescribed Article 42 and Article 43 herein.
2. Based on the national socio-economic development tasks in each period, Ministry of Science and Technology shall take charge of and cooperate with relevant ministries and ministerial-level agencies to formulate and submit national technology innovation programs to the Prime Minister for approval.
Article 42. Developing sources of supply and demand in science and technology market
Sources of supply and demand in science and technology market may be developed by means of the following activities:
1. Importing, reverse-engineering or owning high technology, advanced technology and/or clean technology to serve the implementation of national and regional socio-economic development plans and/or strategies;
2. Purchasing and doing research on perfecting inventions or initiatives which have been effectively applied in a small scale and then transferring them to enterprises or disseminating them to people;
3. Improving the extraction and application of findings on scientific research and technological development, technological ideas by science and technology businesses, high technology enterprises, innovative startups, entities supporting innovation or innovative startups, technology incubators, science and technology business incubators, and high-tech business incubators;
4. Evaluating new technologies and new products which are generated in Vietnam from findings on scientific research and technological development with price and quality equivalent to those of the imported ones in order to encourage the application of such new technologies/ products to investment projects funded by state budget or give priority to them in course of bidding for purchase and supply of public products and services;
5. Training and improving enterprises’ capacity for adopting and owning technologies; carrying out the commercialization of findings on scientific research and technological development; associating, cooperating or exchanging science and technology personnel between research institutes or training institutions and production and business establishments;
6. Collecting and providing technology-related information to enterprises, business associations, industry associations, cooperatives, intellectual property, investment promotion or trade promotion service providers;
7. The Government shall promulgate detailed regulations on this Article.
Article 43. Development of science and technology market intermediaries
1. Science and technology market intermediaries provide technology transfer brokerage, consultancy and promotion services, technology appraisal, valuation and assessment services, connection and assistance services for suppliers, demanders and other parties in technology-related transactions.
2. The Government implements the following measures to develop science and technology market intermediaries:
a) Building technical infrastructure facilities and assisting operation of national technology transfer center and technology business startup support center within 05 first operating years;
b) Supporting training for personnel of intermediaries;
c) Assisting and improving the capacity of providers of technology transfer consultancy, brokerage and/or promotion services, technology appraisal, valuation and assessment services for exploitation of information concerning technology, intellectual property, findings on domestic and foreign scientific research and technological development.
3. Organizations and individuals are encouraged to provide technology transfer brokerage, consultancy and promotion services in research institutes or training institutions; a network of domestic and foreign technology transfer consultancy organizations shall be established.
4. The Government shall promulgate detailed regulations on this Article.
Article 44. Announcement, performance and introduction of technology
1. Technologies are exhibited, introduced, traded and transferred under promotion at technology markets, trade fairs and exhibitions, points of technology supply and demand, technology exchanges or transfer centers.
2. In course of announcement, performance and introduction of technologies, science and technology authorities shall assume responsibility to:
a) Every year, announce the list of technologies created with funding from state budget on their websites, unless otherwise prescribed by law;
b) Encourage and assist enterprises, organizations and individuals in announcing their new technologies.
3. The Government shall adopt measures to support domestic enterprises, organizations or individuals that create new technologies in their announcement, performance and introduction of technology in both domestic and foreign technology markets and/or fairs.
Section 3. TECHNOLOGY TRANSFER SERVICES
Article 45. Types of technology transfer services
1. Technology transfer brokerage.
2. Technology transfer consultancy.
3. Technology appraisal.
4. Technology valuation.
5. Technology assessment.
6. Promotion of technology transfer.
Article 46. Rights of technology transfer service provider
1. Each technology transfer service provider shall have the following rights:
a) Request service users to provide necessary information and/or documents to serve the provision of technology transfer services;
b) Receive income and other interests from provision of technology transfer services as agreed;
c) Hire collaborators and/or experts to serve the provision of technology transfer services;
d) Have the right to use technology database in accordance with regulations of law;
dd) Request service users to make compensation for damage caused by their mistake;
e) Cooperate or form joint-ventures with other entities or individuals to develop technology transfer services;
g) Participate in domestic and/or international industry associations in accordance with regulations of law;
h) Exercise other rights in accordance with regulations herein and relevant laws.
2. Providers of technology transfer brokerage, consultancy and/or promotion services shall have the rights mentioned in Clause 1 of this Article and be entitled to earn profits from the application, transfer of right to use of, transfer or capital contribution by findings on scientific research and technological development funded by state budget.
Article 47. Obligations of technology transfer service provider
1. Each technology transfer service provider shall discharge the following obligations:
a) Perform the signed technology transfer service contracts;
b) Assume responsibility for the provision of technology transfer services;
c) Make compensation for damage to service users due to its mistake;
d) Maintain and return documents and/or facilities to service users upon the completion of service provision as agreed;
dd) Timely inform service users of insufficient information and/or documents resulting in failure to provide services;
e) Keep secret of information as agreed upon in the technology transfer service contract;
g) Fulfill financial obligations and other obligations as regulated by law.
2. In addition to the fulfillment of obligations prescribed in Clause 1 of this Article, providers of technology appraisal, valuation or assessment services must discharge the following obligations:
a) Apply for certificate of eligibility to provide technology appraisal, valuation and/or assessment services as regulated by law;
b) Send annual reports on provision of technology appraisal, valuation and/or assessment services to science and technology authorities.
Article 48. Providers of technology appraisal, valuation and assessment services
1. Technology appraisal, valuation and/or assessment services shall be provided by science and technology organizations or enterprises running technology appraisal, valuation and/or assessment services.
2. A technology valuation organization is required to meet eligibility requirements laid down in the pricing law and specific requirements for personnel, material – technical facilities.
3. The Government shall stipulate the power, procedures and requirements for issuance of Certificate of eligibility to provide technology appraisal and assessment services; specific requirements for personnel, material – technical facilities which must be satisfied by technology valuation organizations.
Section 4. TECHNOLOGY TRANSFER IN RURAL REGIONS, MOUNTAINOUS REGIONS, ISLANDS AND REGIONS FACING DIFFICULT OR EXTREMELY DIFFICULT SOCIO-ECONOMIC CONDITIONS
Article 49. Technologies encouraged to be transferred to rural regions, mountainous regions, islands and regions facing difficult or extremely difficult socio-economic conditions
Technologies prescribed in Article 9 herein and the following technologies are encouraged to be transferred to rural regions, mountainous regions, islands and regions facing difficult or extremely difficult socio-economic conditions:
1. Technologies applied to the conservation and development of genetic resources; selection, generation and improvement of economic value of plant varieties and domestic animal breeds;
2. Technologies for cultivation/raising/ production, maintenance and processing of agricultural, forest and salt products, medicinal plants, fungi, and beneficial microorganisms for agriculture and aquaculture;
3. Technologies for prevention and control of pests and diseases of plant varieties, domestic animal breeds or medicinal plants;
4. Technologies for production, extraction and thriving use of clean water sources; technologies for water treatment in aquaculture industry;
5. Technologies for improvement of productivity, quality and efficiency of traditional products of local handicraft villages.
Article 50. Responsibility of organizations and individuals for technology transfer to rural regions, mountainous regions, islands and regions facing difficult or extremely difficult socio-economic conditions
1. Programs or projects for introduction of plant varieties, domestic animal breeds or technologies for cultivation/raising/ production, maintenance and processing of agricultural, forest, aquatic or salt products must include technology transfer contents.
2. Before introducing or transferring technology for cultivation/raising/ production, maintenance and processing of agricultural, forest, aquatic or salt products, organizations or individuals must report to the science and technology authority at locality where such technology transfer is made.
3. Organizations or individuals that provide plant varieties and/or domestic animal breeds and transfer technologies for cultivation/raising/ production, maintenance and processing of agricultural, forest, aquatic or salt products must provide instructions on transferred technologies to users and make compensation for damage caused by their provision of plant varieties and/or domestic animal breeds and technology transfer.
4. Other responsibility is prescribed by law.
Article 51. Responsibility of regulatory authorities for technology transfer to rural regions, mountainous regions, islands and regions facing difficult or extremely difficult socio-economic conditions
1. Local science and technology authorities are responsible for instructing and facilitating the introduction and transfer of plant varieties or domestic animal breeds or technologies for cultivation/raising/ production, maintenance and processing of agricultural, forest, aquatic or salt products; promoting local technology transfer activities; inspecting and preventing the introduction or provision of plant varieties or domestic animal breeds or technologies that cause damage to users.
2. Every year, the Ministry of Science and Technology shall take charge of and cooperate with relevant ministries, ministerial-level agencies and the Government's affiliates to appraise the technology transfer activities conducted at rural regions, mountainous regions, islands or regions facing difficult or extremely difficult socio-economic conditions.
Article 52. Technology transfer in agriculture
1. The transfer of technological advances in varieties, products, production process, technical solutions and management solutions in the field of agriculture is encouraged.
2. The agricultural technology transfer may be carried out under forms prescribed in this Law or other specific forms including agricultural extension programs or plans, or other technology transfer programs or plans given approval by regulatory authorities.
3. The agricultural technology transfer may be carried out by adopting methods prescribed in this Law or other specific methods including training, improvement, performance models or propagation activities.
4. The Government shall promulgate detailed regulations on specific forms and methods of agricultural technology transfer prescribed in Clause 2 and Clause 3 of this Article; transferors and transferees according to specific forms and methods of agricultural technology transfer prescribed in Clause 2 and Clause 3 of this Article; policies on technology transfer in agriculture.
5. Minister of Agriculture and Rural Development shall promulgate the List of technological advances in varieties, products, production process, technical solutions and management solutions encouraged for transfer in the field of agriculture; criteria, formalities and procedures for certification of technological advances.
STATE MANAGEMENT OF TECHNOLOGY TRANSFER
Article 53. Responsibility of the Government
1. Carry out the consistent state management of technology transfer activities.
2. Instruct, promulgate and organize the implementation of legislative documents, strategies, plans, mechanisms, policies and measures to improve technology transfer and innovation activities in conformity with each national socio-economic development period.
3. Assign and authorize regulatory authorities to perform state management of technology transfer activities.
4. Promulgate the List of technologies encouraged for transfer, the List of technologies restricted from transferring and the List of technologies banned from transferring.
Article 54. Responsibility of Ministry of Science and Technology
1. Take charge of assisting the Government in carrying out the consistent state management of technology transfer activities.
2. Preside over the formulation of programs, projects and policies on import of technologies, science and technology market development, promotion of technology transfer, application and innovation, and then submit them to the Prime Minister for consideration.
3. Compile and submit the List of technologies encouraged for transfer, the List of technologies restricted from transferring and the List of technologies banned from transferring to the Government for promulgation.
4. Issue and revoke technology transfer permits with respect to technologies on the List of technologies restricted from transferring.
5. Appraise, comment on and inspect technologies applied to investment projects within its competence.
6. Instruct the evaluation of technological level and competence in industries/ sectors according to requirements for socio-economic development and international economic integration in each period.
7. Organize the appraisal, selection and announcement of technologies which are created from findings on scientific research and technological development.
8. Organize training and retraining courses to improve capacity and professional skills in performing transfer and commercialization of findings on scientific research and technological development, technology application and innovation.
9. Organize statistical works on technology transfer, application and innovation in accordance with regulations of law, and establish technology database.
10. Inspect and resolve complaints or denunciations or violations against regulations of the law on technology transfer.
11. Implement international cooperation programs on technology transfer within its competence.
12. Propagate and disseminate the law on technology transfer.
13. Prepare the Government's reports on technology transfer and every 05 years, prepare reports on nationwide technology innovation.
14. Fulfill other duties as prescribed by law.
Article 55. Responsibility of ministries and ministerial-level agencies
1. Ministries and ministerial-level agencies shall, within their competence, cooperate with Ministry of Science and Technology in performing state management of technology transfer. To be specific:
a) Propose technologies to the List of technologies encouraged for transfer, the List of technologies restricted from transferring and the List of technologies banned from transferring;
b) Formulate plans, schemes, programs, measures, mechanisms and/or policies on promotion of technology transfer, application and innovation;
c) Inspect technologies and quality of products, commodities or services created from the technology transfer, application and/or innovation.
2. Organize the appraisal, selection and announcement of technologies created from findings on scientific research and technological development, and facilitate enterprises’ receipt of transfer of such technologies in sectors under their management.
3. Facilitate technology transfer activities, especially technologies encouraged for transfer and technology transfer activities performed in regions where the technology transfer is encouraged.
4. Appraise, comment on and inspect technologies applied to investment projects and technology transfer as regulated by law.
5. Implement international cooperation programs on technology transfer within their competence.
6. Make annual statistics on technology transfer, application and innovation, and send them to the Ministry of Science and Technology.
Article 56. Responsibility of Provincial-level People’s Committees
Each Provincial-level People’s Committee shall, within the ambit of its assigned functions and powers, perform state management of technology transfer activities and assume responsibility to:
1. Promulgate within its competence or request the competent authorities to promulgate, and organize the implementation of legislative documents, strategies, policies, schemes, programs and/or plans on technology transfer, application and/or innovation in the province;
2. Appraise or comment on technologies applied to investment projects in accordance with regulations of law;
3. Facilitate local organizations and individuals' technology transfer, application and innovation activities;
4. Timely prevent the transfer of plant varieties or domestic animal breeds which are not yet recognized as technological advances; agricultural materials which are not allowed to be manufactured, traded or sold under regulations of law;
5. Organize the inspection or appraisal of local technology transfer activities; establish and manage database, information and statistics on technology transfer, application and innovation activities; submit statistics on technology transfer, application and innovation activities to competent science and technology authorities;
6. Propagate, disseminate and instruct the implementation of the law on technology transfer;
7. Inspect and resolve complaints or denunciations or violations against regulations of the law on technology transfer within its competence.
Article 57. Statistics on technology transfer, application and innovation
The statistical works on technology transfer, application and innovation are performed in accordance with regulations of the law on statistics and the following provisions:
1. Statistics on technology transfer, application and innovation are included in annual statistics and reports of science and technology authorities.
Every year, Ministry of Science and Technology shall take charge of and cooperate with ministries and ministerial-level agencies to make statistics on technology transfer, application and innovation nationwide;
2. Ministry of Science and Technology shall cooperate with the central statistics office affiliated to the Ministry of Planning and Investment to establish the statistical indicator system and collect statistical information about enterprises’ technology transfer, application and innovation; cooperate with central tax agency and central customs agency affiliated to the Ministry of Finance to make connection and sharing of statistical data on technology transfer, application and innovation;
3. Each Provincial-level People’s Committee shall make statistics on technology transfer, application and innovation in such province;
4. Organizations and individuals that are requested to provide information about technology transfer, application and innovation must provide accurate, correct and sufficient information within the time limit prescribed by statistics offices;
5. Ministry of Science and Technology shall promulgate detailed regulations on statistics on technology transfer, application and innovation.
Article 58. Responsibility of representative missions of Vietnam in foreign countries for technology transfer
Representative missions of Vietnam in foreign countries shall search for technologies, support and promote technology transfer activities, and facilitate transfer of technologies from foreign countries to Vietnam and vice versa.
1. This Law shall take effect as of July 01, 2018.
2. The Law on Technology Transfer No. 80/2006/QH11 shall be null and void from the date of entry into force of this Law.
1. In case technology transfer agreements which have been concluded before the date of entry into force of this Law require an extension after the date of entry into force of this Law, procedures for registration of extension shall be carried out in accordance with this Law.
2. Applications for registration of technology transfer agreements which have been submitted before the date of entry into force of this Law but not yet processed shall be treated in accordance with regulations of the Law on Technology Transfer No. 80/2006/QH11.
3. Organizations that provide technology appraisal, valuation and/or assessment services and are established before the date of entry into force of this Law must carry out procedures for certificate of operation eligibility with regulatory authorities within 12 months from the date of entry into force of this Law.
This Law has been ratified in the 3rd session of the 14th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam dated June 19, 2017.
|
CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY |
Văn bản liên quan
Cập nhật
Điều 9. Công nghệ khuyến khích chuyển giao
Điều 11. Công nghệ cấm chuyển giao
Điều 27. Giá, phương thức thanh toán chuyển giao công nghệ
Điều 31. Đăng ký chuyển giao công nghệ
Điều 32. Hiệu lực Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ
Điều 35. Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ
Điều 36. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Điều 40. Phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực
Điều 42. Phát triển nguồn cung, nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ
Điều 43. Phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ
Điều 48. Tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ