Nghị định 76/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ
Số hiệu: | 76/2018/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 15/05/2018 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2018 |
Ngày công báo: | 05/06/2018 | Số công báo: | Từ số 679 đến số 680 |
Lĩnh vực: | Công nghệ thông tin, Sở hữu trí tuệ | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn Luật chuyển giao công nghệ.
Trong đó, doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao từ tổ chức khoa học và công nghệ được nhận nhiều hỗ trợ, cụ thể:
- Được cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ;
- Hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp.
Mức kinh phí dành cho những hỗ trợ nêu trên được quy định như sau:
- Mức hỗ trợ theo những quy định hiện hành đối với các nguồn kinh phí quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 8 Nghị định này;
- Được hỗ trợ tối đa 2%/năm lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
- Được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của các quỹ, tổ chức tín dụng đối với các khoản vay thực hiện chuyển giao công nghệ.
Xem chi tiết tại Nghị định 76/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018).
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 9, 10, 11, 27, 31, khoản 3 Điều 32, Điều 35, 36, 40, 42, 43, khoản 3 Điều 48 của Luật Chuyển giao công nghệ liên quan đến Danh mục công nghệ, quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ; tổ chức đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ; hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Hình thức, phương thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp quy định tại khoản 2, 3 Điều 52 Luật Chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định khác của Chính phủ.
1. Ban hành kèm theo Nghị định này các danh mục công nghệ sau:
a) Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao (Phụ lục I);
b) Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao (Phụ lục II);
c) Danh mục công nghệ cấm chuyển giao (Phụ lục III).
2. Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ xem xét, đề xuất và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung công nghệ thuộc các danh mục công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này.
1. Các bên tham gia hợp đồng có thể thỏa thuận thanh toán theo một hoặc một số phương thức sau đây:
a) Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa trong đó bao gồm cả hình thức trả được tính theo từng đơn vị sản phẩm sản xuất ra từ công nghệ chuyển giao;
b) Chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp.
Trường hợp góp vốn bằng công nghệ có sử dụng vốn nhà nước (công nghệ được tạo ra bằng vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước để mua công nghệ) phải thực hiện thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật;
c) Trả theo phần trăm (%) giá bán tịnh.
Giá bán tịnh được xác định bằng tổng giá bán sản phẩm, dịch vụ mà trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ được chuyển giao (tính theo hóa đơn bán hàng) trừ đi các khoản sau: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu (nếu có); chi phí mua bán các thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện được nhập khẩu, mua ở trong nước; chi phí mua bao bì, chi phí đóng gói, chi phí vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ, chi phí quảng cáo;
d) Trả theo phần trăm (%) doanh thu thuần.
Doanh thu thuần được xác định bằng doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao, trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu gồm chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại;
đ) Trả theo phần trăm (%) lợi nhuận trước thuế.
Lợi nhuận trước thuế được xác định bằng doanh thu thuần trừ đi tổng chi phí hợp lý để sản xuất sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ chuyển giao đã bán trên thị trường. Các bên cũng có thể thỏa thuận thanh toán theo phần trăm lợi nhuận sau thuế;
e) Kết hợp hai hoặc các phương thức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này hoặc các hình thức thanh toán khác bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
2. Trường hợp công nghệ chuyển giao (công nghệ được tạo ra bằng vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước để mua công nghệ) giữa các bên mà một hoặc nhiều bên có vốn nhà nước, việc định giá thực hiện dựa trên tư vấn thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp công nghệ chuyển giao giữa các bên có quan hệ theo mô hình công ty mẹ - công ty con và các bên có quan hệ liên kết theo quy định của pháp luật về thuế, việc kiểm toán giá thực hiện thông qua hình thức thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
1. Đối với chuyển giao công nghệ không thuộc trường hợp quy định phải đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký chuyển giao công nghệ, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ và quy định của Nghị định này.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản này do các bên thỏa thuận. Trường hợp tính đến thời điểm đăng ký chuyển giao công nghệ, nếu các bên chưa thực hiện hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
2. Bên nhận công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ trong nước hoặc bên giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài thay mặt các bên gửi hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ quy định tại Điều 6 của Nghị định này.
3. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có văn bản đề nghị bên đăng ký chuyển giao công nghệ bổ sung;
c) Trường hợp hồ sơ có nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền có văn bản đề nghị bên đăng ký chuyển giao công nghệ sửa đổi, bổ sung;
d) Trường hợp từ chối, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Mẫu Đơn đăng ký chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ theo Mẫu số 01 và Mẫu số 02 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Đối với chuyển giao công nghệ thông qua thực hiện dự án đầu tư:
a) Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư tại Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công và dự án đầu tư ra nước ngoài;
b) Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công; dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thuộc trường hợp phải có quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; trường hợp tự nguyện đăng ký theo khoản 2 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ.
2. Đối với chuyển giao công nghệ độc lập và hình thức khác theo quy định của pháp luật:
a) Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
b) Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước và trường hợp tự nguyện đăng ký theo khoản 2 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ trong nước.
3. Đối với chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng hoặc chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách đặc biệt cho quốc phòng, Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
4. Đối với đăng ký gia hạn chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 42 Nghị định này, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình đăng ký chuyển giao công nghệ về Bộ Khoa học và Công nghệ, số liệu báo cáo tính từ ngày 15 tháng 12 của năm trước năm báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của năm báo cáo. Báo cáo tình hình đăng ký chuyển giao công nghệ theo Mẫu số 10 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Tổ chức, cá nhân được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi từ việc chuyển giao công nghệ có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước toàn bộ các khoản hỗ trợ, ưu đãi đã hưởng nếu bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Chuyển giao công nghệ.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, cá nhân, cơ quan thực hiện chức năng quản lý tài chính cùng cấp, các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc hỗ trợ, ưu đãi cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của cơ quan.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, cơ quan thực hiện chức năng quản lý tài chính, cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, ưu đãi cho tổ chức, cá nhân gửi thông báo đến tổ chức, cá nhân đề nghị hoàn trả đầy đủ kinh phí đã hỗ trợ, ưu đãi theo quy định.
3. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo đề nghị hoàn trả kinh phí đã hỗ trợ, ưu đãi, các tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ phải hoàn trả đầy đủ kinh phí cho Ngân sách nhà nước qua hệ thống kho bạc nhà nước.
Quá thời hạn quy định, nếu tổ chức, cá nhân không thực hiện việc hoàn trả kinh phí đã được hỗ trợ, ưu đãi sẽ chịu xử lý theo các quy định của pháp luật có liên quan.
4. Các tổ chức tổng hợp tình hình thực hiện việc hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước vào báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính hàng năm của mình theo quy định của pháp luật.
1. Điều kiện được hỗ trợ:
a) Có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
b) Có hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ);
c) Công nghệ được chuyển giao thuộc dự án quy định tại điểm a khoản này.
2. Hình thức hỗ trợ:
a) Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ;
b) Hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp.
3. Nội dung hỗ trợ đối với điểm b khoản 2 Điều này để phục vụ hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, sử dụng tối đa hiệu suất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ bao gồm:
a) Được ưu tiên đưa vào danh mục nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp và được hỗ trợ theo quy định của chương trình, quỹ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
b) Được hỗ trợ thuê chuyên gia tư vấn phục vụ đánh giá hiệu chỉnh thiết bị, quy trình công nghệ, dây chuyền sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ cho doanh nghiệp đối với hỗ trợ trực tiếp.
4. Nguồn kinh phí hỗ trợ:
a) Đối với hỗ trợ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí từ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác;
b) Đối với hỗ trợ trực tiếp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này, nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
5. Mức hỗ trợ:
Ngoài hưởng các ưu đãi đối với ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp được hưởng các mức hỗ trợ sau:
a) Mức hỗ trợ áp dụng theo quy định hiện hành đối với các nguồn quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
b) Được hỗ trợ tối đa 2%/năm lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với khoản vay thực hiện chuyển giao công nghệ trong dự án;
c) Được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của các quỹ, tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi đối với khoản vay thực hiện chuyển giao công nghệ trong dự án.
1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí:
a) Đối với đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động chuyển giao công nghệ, hồ sơ gồm:
- Tài liệu theo quy định của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ).
b) Đối với đề nghị cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay đối với phần chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư, hồ sơ gồm:
- Tài liệu theo quy định của tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay;
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ);
- Báo cáo thuyết minh dự kiến hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ bao gồm các báo cáo về hiệu quả kinh tế và hiệu quả khác từ chuyển giao công nghệ (đối với hỗ trợ lãi suất vay sau khi thực hiện dự án đầu tư).
2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện
a) Đối với nguồn hỗ trợ từ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
b) Đối với nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của địa phương, thẩm quyền, trình tự, thủ tục hỗ trợ được thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương;
c) Đối với nguồn hỗ trợ hợp pháp khác, thẩm quyền, trình tự, thủ tục hỗ trợ được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Nội dung hoạt động đầu tư của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Chuyển giao công nghệ bao gồm:
a) Đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo;
b) Đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
c) Giải mã công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động giải mã công nghệ;
d) Thuê tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài để tư vấn, quản lý hoạt động đầu tư của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo hợp đồng giữa các bên.
2. Hoạt động đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo được thực hiện theo các hình thức sau:
a) Góp vốn thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;
b) Mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;
c) Góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;
d) Hợp tác kinh doanh.
3. Hoạt động đầu tư, đối ứng vốn đầu tư quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp và tuân theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định pháp luật khác có liên quan.
4. Doanh nghiệp nhà nước thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này phải tuân theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
1. Các đối tượng sau đây được dùng làm tài sản bảo đảm cho giao dịch vay vốn để thực hiện các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ:
a) Quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật khoa học và công nghệ, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công có thể xác định được giá trị là quyền tài sản;
b) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị là quyền tài sản;
c) Quyền khác phát sinh từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật có thể xác định được giá trị là quyền tài sản.
2. Điều kiện, thủ tục sử dụng quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều này làm tài sản bảo đảm cho các giao dịch vay vốn đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và quy định quản lý, quy chế hoạt động của tổ chức cho vay vốn.
1. Doanh nghiệp hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai dự án đầu tư đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo được hưởng các ưu đãi sau:
a) Được hỗ trợ theo quy định tại Điều 8 Nghị định này đối với dự án đầu tư đổi mới công nghệ có hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ) và thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư;
b) Hưởng các hỗ trợ theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 15 Nghị định này đối với cá nhân tham gia dự án đầu tư đổi mới công nghệ;
c) Ưu tiên đưa nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào danh mục nhiệm vụ của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các chương trình khoa học và công nghệ có nội dung hỗ trợ đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
d) Thuê lao động kỹ thuật, khảo sát nhu cầu thị trường, thuê trang thiết bị, sử dụng phòng thí nghiệm, cơ sở kỹ thuật để hoàn thiện, phát triển sản phẩm, mô hình kinh doanh đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã nhận được khoản đầu tư ban đầu từ nhà đầu tư hoặc tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
2. Doanh nghiệp hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ được hưởng các ưu đãi sau:
a) Được ưu tiên đầu tư vào khu công nghệ cao đối với các dự án đáp ứng điều kiện về lĩnh vực công nghệ cao;
b) Được khuyến khích thực hiện theo hình thức đối tác công tư và được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với dự án thực hiện các hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thử nghiệm, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Việc triển khai dự án được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
c) Được hỗ trợ kinh phí sửa chữa và sử dụng, khai thác cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung với mức giá ưu đãi cho hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư trang thiết bị dùng chung cho hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp sáng tạo; lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin và cung cấp miễn phí các dịch vụ internet cho cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung.
3. Doanh nghiệp hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai dự án nghiên cứu chung được hưởng các ưu đãi sau:
a) Ưu tiên đưa vào danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các chương trình hợp tác song phương và đa phương đối với hợp tác nghiên cứu chung có tổ chức hoặc cá nhân ở nước ngoài tham gia;
b) Hỗ trợ công bố công nghệ mới, sản phẩm mới từ kết quả hợp tác nghiên cứu được quy định tại Điều 26 Nghị định này;
c) Hỗ trợ khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo Điều 24 Nghị định này;
d) Được xem xét hỗ trợ kinh phí nếu đáp ứng các quy định tại Điều 19 Nghị định này.
1. Đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động giải mã công nghệ gồm: Đầu tư cho phòng thí nghiệm, phân tích mẫu, mô hình hóa và mô phỏng, kiểm chuẩn, xưởng chế thử, kiểm nghiệm và tạo mẫu.
2. Doanh nghiệp thực hiện một trong các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ sau:
a) Hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng;
b) Được ưu tiên đầu tư vào khu công nghệ cao.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động giải mã công nghệ được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi sau:
a) Hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng;
b) Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng; vật mẫu trong nước chưa sản xuất được để sử dụng trực tiếp cho hoạt động giải mã công nghệ được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế;
c) Sản phẩm hình thành từ hoạt động giải mã công nghệ được khuyến khích sử dụng trong dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước, ưu tiên trong đấu thầu mua sắm, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;
d) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp;
đ) Dự án thực hiện việc giải mã công nghệ được ưu tiên đưa vào danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tuyển chọn, giao trực tiếp của chương trình, đề án, quỹ về khoa học và công nghệ.
4. Điều kiện để được hưởng hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân thực hiện giải mã công nghệ:
a) Công nghệ cần giải mã là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ mục tiêu chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, ngành, vùng, địa phương;
b) Đối với hoạt động giải mã công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh, thực hiện theo các quy định pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
5. Nội dung hỗ trợ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ:
a) Mua sắm, nhập khẩu vật mẫu (sản phẩm, công nghệ, thiết kế, thiết bị, hệ thống cần được giải mã) phục vụ hoạt động giải mã công nghệ;
b) Thuê chuyên gia thực hiện hoạt động tư vấn, tìm kiếm, hỗ trợ kỹ thuật, lao động kỹ thuật phục vụ hoạt động giải mã công nghệ;
c) Sử dụng hệ thống các phòng thí nghiệm, đo lường, thử nghiệm, đánh giá tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ hoạt động giải mã công nghệ;
d) Các nội dung hỗ trợ khác theo văn bản hướng dẫn hoạt động đối với các nguồn kinh phí quy định tại khoản 6 Điều này.
6. Nguồn kinh phí hỗ trợ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ được bố trí từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
7. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hỗ trợ từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ đối với kinh phí huy động từ nguồn hợp pháp khác được hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Tổ chức khoa học và công nghệ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có hoạt động liên kết với tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương được hỗ trợ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ những nội dung sau:
a) Tìm kiếm, thuê chuyên gia để phân tích, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bảo đảm ứng dụng, chuyển giao theo đặc thù của địa phương;
b) Nghiên cứu thử nghiệm, khảo nghiệm để hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; xây dựng quy trình công nghệ và dây chuyền sản xuất;
c) Các nội dung hỗ trợ khác theo văn bản hướng dẫn hoạt động đối với các nguồn kinh phí quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
2. Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ:
a) Nguồn kinh phí hỗ trợ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ được bố trí từ các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác;
b) Mức hỗ trợ áp dụng theo văn bản hướng dẫn đối với các nguồn kinh phí quy định tại điểm a khoản này.
3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục:
a) Hồ sơ hỗ trợ gồm:
- Tài liệu theo quy định của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
- Tài liệu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hoặc văn bản cam kết trong trường hợp không có tài liệu chứng minh.
b) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ từ nguồn hợp pháp khác được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành,
4. Tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương có trách nhiệm điều tra, khảo sát, tổng hợp, lựa chọn nhu cầu cần hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp đặc thù của địa phương.
1. Cá nhân thuộc các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học thực hiện hoạt động nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được hưởng các hỗ trợ như sau:
a) Trong thời gian làm việc tại doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục công nghệ cao, được hưởng ưu đãi dành cho nhân lực công nghệ cao của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 10 Điều 3 của Luật Công nghệ cao;
b) Được ưu tiên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ;
c) Được ưu tiên đưa vào cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ;
d) Đối với cá nhân thuộc cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, thời gian làm việc tại doanh nghiệp được tính vào quỹ thời gian dành cho nghiên cứu khoa học.
2. Cá nhân thuộc các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học thực hiện hoạt động nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước trong các trường hợp sau:
a) Đối với cá nhân thuộc cơ sở nghiên cứu đạt các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ từ nhóm chức danh nghiên cứu viên, kỹ sư hoặc kỹ thuật viên trở lên theo quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ;
b) Đối với cá nhân thuộc cơ sở giáo dục đại học đạt các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ từ nhóm chức danh giảng viên trở lên theo quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học.
1. Kết quả xác định giá trị tài sản của kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phần sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giao quyền sở hữu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
2. Trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Việc phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tạo ra bằng ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:
1. Đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mức thù lao trả cho tác giả thực hiện theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
2. Đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mức thù lao trả cho tác giả thực hiện theo quy định của pháp luật khoa học và công nghệ.
3. Tổ chức trung gian, người môi giới được hưởng mức phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không quá 10%, trường hợp các bên không có thỏa thuận thì áp dụng mức 10%.
4. Trường hợp giao quyền sử dụng có yêu cầu trả một phần lợi nhuận cho nhà nước, việc phân chia lợi nhuận cho Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
5. Sau khi phân chia cho các bên liên quan, tổ chức chủ trì được sử dụng phần lợi nhuận còn lại như sau:
a) Dành đến 50% đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, trích lập hoặc bổ sung quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
b) Phần lợi nhuận còn lại sử dụng cho khen thưởng, phúc lợi và đầu tư phát triển của tổ chức chủ trì.
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền (01 bản giấy và 01 bản điện tử). Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tổ chức, cá nhân;
b) Tài liệu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hoặc văn bản cam kết trong trường hợp không có tài liệu chứng minh;
c) Tài liệu mô tả đặc tính, hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, môi trường của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (bản vẽ, thiết kế, quy trình, sơ đồ, kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá, thử nghiệm);
d) Tài liệu thể hiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn;
đ) Các tài liệu sau (nếu có): Văn bản nhận xét của tổ chức, cá nhân về hiệu quả ứng dụng thực tiễn, giải thưởng, tài liệu về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tài liệu khác.
2. Cơ quan có thẩm quyền công nhận là bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được chuyển giao, ứng dụng.
3. Trình tự xem xét, đánh giá hồ sơ được thực hiện theo quy định tương ứng tại khoản 6 Điều 20 Nghị định này.
4. Nội dung đánh giá hồ sơ đề nghị của tổ chức, cá nhân:
a) Việc tuân thủ các quy định pháp luật về quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
b) Nội dung, phương pháp thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao, ứng dụng; đặc tính, hiệu quả về kỹ thuật của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực cụ thể;
c) Phạm vi, quy mô ứng dụng, chuyển giao; giá trị kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh trong điều kiện cụ thể của đất nước, địa phương.
5. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi văn bản công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các trường hợp sau:
a) Phát hiện thông tin không trung thực, tài liệu giả mạo trong hồ sơ hoặc có vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
b) Có vi phạm trong quá trình xem xét, công nhận.
6. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành biểu mẫu để thực hiện thủ tục quy định tại Điều này.
1. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tổ chức, cá nhân đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan có thẩm quyền công nhận và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương và quốc phòng, an ninh được Nhà nước xem xét mua theo quy định của pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước.
2. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kinh phí khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
b) Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn trong thời gian không quá 03 năm kể từ thời điểm ứng dụng, chuyển giao;
c) Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao;
d) Tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ có phương án khả thi về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
3. Việc hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân có kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này thông qua các hình thức:
a) Hỗ trợ kinh phí;
b) Hỗ trợ thông qua nhiệm vụ khoa học và phát triển công nghệ.
4. Nguồn kinh phí hỗ trợ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ ngân sách nhà nước, chương trình, đề án do bộ, ngành, địa phương quản lý.
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền (01 bản giấy và 01 bản điện tử).
2. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:
a) Văn bản đề nghị kèm theo thuyết minh;
b) Văn bản công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ quan có thẩm quyền;
c) Tài liệu thể hiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được đưa vào ứng dụng, chuyển giao không quá 03 năm.
3. Hồ sơ đề nghị mua:
a) Các tài liệu quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều này;
b) Văn bản kiến nghị của cơ quan, tổ chức về sự cần thiết mua và phương án quản lý, khai thác, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
4. Nội dung đánh giá hồ sơ đề nghị của tổ chức, cá nhân trước khi xem xét hỗ trợ, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ:
a) Đối với hồ sơ đề nghị mua: Điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định này; tính khả thi của phương án quản lý, khai thác, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
b) Đối với hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí: Điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này.
5. Cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá hồ sơ là bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ứng dụng.
6. Trình tự xem xét, đánh giá:
a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền gửi thông báo cho tổ chức, cá nhân về kết quả xem xét hồ sơ và yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có). Trường hợp hồ sơ không đáp ứng yêu cầu phải có văn bản thông báo, nêu rõ lý do;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá hồ sơ thông qua hội đồng đánh giá. Hội đồng đánh giá có từ 07 đến 09 thành viên, gồm đại diện của các cơ quan quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan;
c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả đánh giá hồ sơ của hội đồng, người có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ để xem xét hỗ trợ, mua. Trường hợp hồ sơ không được phê duyệt phải có văn bản thông báo, nêu rõ lý do;
d) Kinh phí đánh giá hồ sơ được dự toán trong ngân sách của bộ, ngành, địa phương.
7. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được phê duyệt để xem xét mua, hỗ trợ được công bố trên Cổng thông tin điện tử và gửi cho tổ chức, cá nhân có hồ sơ đề nghị, cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ ở địa phương.
8. Phương thức mua, hỗ trợ:
a) Phương thức mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước và pháp luật khác có liên quan;
b) Phương thức hỗ trợ được thực hiện theo quy định của pháp luật khoa học và công nghệ và các chương trình, đề án liên quan.
9. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành biểu mẫu để thực hiện thủ tục quy định tại Điều này.
1. Sáng chế, sáng kiến đã được ứng dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ được Nhà nước xem xét mua để chuyển giao cho doanh nghiệp áp dụng, phổ biến cho công chúng theo quy định của pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân có sáng chế, sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ được ưu tiên tham gia chương trình, đề án do bộ, ngành, địa phương quản lý để nghiên cứu hoàn thiện, chuyển giao, mở rộng quy mô áp dụng.
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị Nhà nước mua sáng chế, sáng kiến nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền (01 bản giấy và 01 bản điện tử). Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị Nhà nước mua sáng chế, sáng kiến;
b) Văn bằng bảo hộ sáng chế, giấy chứng nhận sáng kiến;
c) Tài liệu thể hiện hiệu quả áp dụng sáng chế, sáng kiến trong thực tiễn và khả năng mở rộng quy mô áp dụng;
d) Văn bản kiến nghị của cơ quan, tổ chức về sự cần thiết mua sáng chế, sáng kiến và phương án quản lý, khai thác, chuyển giao.
2. Nội dung đánh giá hồ sơ đề nghị của tổ chức, cá nhân trước khi xem xét mua sáng chế, sáng kiến:
a) Hiệu lực, phạm vi bảo hộ, nội dung giải pháp của sáng chế được bảo hộ; nội dung sáng kiến được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
b) Hiệu quả ứng dụng thực tiễn của sáng chế, sáng kiến; nhu cầu của doanh nghiệp, công chúng; điều kiện, khả năng mở rộng quy mô áp dụng sáng chế, sáng kiến;
c) Khả năng ứng dụng sáng chế, sáng kiến phục vụ lợi ích xã hội trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công; phục vụ quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân;
3. Thẩm quyền, trình tự xem xét, đánh giá hồ sơ thực hiện theo quy định tương ứng tại các khoản 5, 6 Điều 20 Nghị định này.
4. Trách nhiệm công bố sáng chế, sáng kiến đáp ứng điều kiện xem xét mua được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 20 của Nghị định này.
5. Phương thức mua sáng chế được thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
6. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành biểu mẫu để thực hiện thủ tục quy định tại Điều này.
1. Việc thu thập, đánh giá, lựa chọn, công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ.
2. Việc công nhận đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
3. Nguồn kinh phí thu thập, đánh giá, lựa chọn, công nhận, công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được dự toán trong ngân sách của bộ, ngành, địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác.
1. Nhà nước cung cấp thông tin miễn phí về khoa học và công nghệ cho các đối tượng sau:
a) Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân thực hiện dự án khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;
c) Tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được ưu tiên tham gia các chương trình, đề án hỗ trợ khai thác thông tin khoa học và công nghệ, khai thác sáng chế, phát hiện tài sản trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ưu tiên xem xét:
1. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thành lập, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
2. Công nhận, đăng ký, lưu hành cho tổ chức cá nhân có sản phẩm mới, công nghệ mới để ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa.
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá, thẩm định công nghệ mới, sản phẩm mới nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền (01 bản giấy và 01 bản điện tử). Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị đánh giá, thẩm định công nghệ mới, sản phẩm mới;
b) Tài liệu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với công nghệ mới, sản phẩm mới hoặc văn bản cam kết trong trường hợp không có tài liệu chứng minh;
c) Tài liệu mô tả đặc tính, hiệu quả về kỹ thuật, chất lượng, so sánh với tính năng tương ứng của công nghệ, sản phẩm nhập khẩu tương đương hoặc đang được sử dụng tại nước khác;
d) Báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới;
đ) Các tài liệu sau (nếu có): Văn bản nhận xét của tổ chức, cá nhân về hiệu quả ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới; giải thưởng; tài liệu về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và tài liệu liên quan khác.
2. Nội dung đánh giá, thẩm định:
a) Việc tuân thủ các quy định pháp luật về quyền sở hữu; quyền sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; kết quả kiểm nghiệm, điều kiện lưu hành;
b) So sánh về giá của công nghệ mới, sản phẩm mới so với công nghệ, sản phẩm nhập khẩu;
c) Đặc tính, hiệu quả về kỹ thuật, chất lượng, so sánh với tính năng tương ứng của công nghệ, sản phẩm nhập khẩu tương đương hoặc đang được sử dụng tại nước khác;
d) Phạm vi, quy mô ứng dụng, chuyển giao; giá trị kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh trong điều kiện cụ thể của đất nước, địa phương.
3. Trình tự, thủ tục xem xét, đánh giá hồ sơ được thực hiện theo quy định tương ứng tại khoản 6 Điều 20 Nghị định này.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công bố công nghệ mới, sản phẩm mới được tạo ra tại Việt Nam có giá, chất lượng tương đương với công nghệ, sản phẩm nhập khẩu và đăng trên Cổng thông tin điện tử.
5. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức sử dụng công nghệ mới, sản phẩm mới tạo ra tại Việt Nam đã được công bố theo quy định tại khoản 4 Điều này trong dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước, ưu tiên trong đấu thầu mua sắm, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
6. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành biểu mẫu để thực hiện thủ tục quy định tại Điều này.
1. Tổ chức, cá nhân trong nước tạo ra công nghệ từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để sản xuất sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực được xem xét hỗ trợ kinh phí hoặc mua theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Nghị định này.
2. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao công nghệ tạo ra để phát triển công nghệ và hoàn thiện sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực được ưu tiên xem xét thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để phát triển công nghệ và hoàn thiện sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực ngoài các nội dung chi theo quy định hiện hành, được hỗ trợ kinh phí để mua bản quyền và công cụ phần mềm; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, tài liệu kỹ thuật, thông tin sở hữu trí tuệ, bí quyết công nghệ; nhập khẩu sản phẩm mẫu để phân tích và giải mã công nghệ; thuê chuyên gia tư vấn trong nước, nước ngoài để đánh giá và giải mã công nghệ.
4. Tổ chức, cá nhân chuyển giao, ứng dụng và hoàn thiện công nghệ tạo ra sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực được hưởng ưu đãi về tín dụng, thuế, sử dụng đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển thị trường theo quy định tại các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ và các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý.
5. Nguồn kinh phí:
a) Nguồn kinh phí hỗ trợ hoặc mua quy định tại khoản 1 Điều này được bố trí từ ngân sách nhà nước, chương trình, đề án do bộ, ngành, địa phương quản lý;
b) Nguồn kinh phí hỗ trợ quy định tại khoản 3 Điều này được bố trí từ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ; các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý và các nguồn hợp pháp khác.
6. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục:
a) Đối với nội dung quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định này;
b) Đối với nội dung quy định tại khoản 2 và 3 Điều này thực hiện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
c) Đối với nội dung hỗ trợ từ các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Nội dung đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ bao gồm: Đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ, cập nhật công nghệ mới, tìm kiếm công nghệ; đàm phán và chuyển giao công nghệ; kỹ năng vận hành, khai thác hiệu quả các công nghệ; thích nghi, cải tiến công nghệ, giải mã công nghệ; bồi dưỡng chuyên sâu về thiết kế, phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ và nội dung khác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
2. Hoạt động hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ cho doanh nghiệp:
a) Điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của doanh nghiệp; khảo sát, đánh giá tác động và hiệu quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các hoạt động để quản lý, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc;
b) Thiết kế khung chương trình đào tạo bồi dưỡng về các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo và biên soạn nội dung, tài liệu đào tạo, in ấn giáo trình, tài liệu phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng;
d) Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cộng tác viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nghiệp.
3. Hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng gồm đào tạo, bồi dưỡng tập trung, tại doanh nghiệp, qua mạng và các hình thức khác.
4. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia và các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý.
5. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ đối với kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng:
a) Tổ chức, cá nhân có kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có khả năng thương mại hóa;
b) Tổ chức, cá nhân hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
c) Tổ chức, cá nhân làm công tác quản lý hoạt động thương mại hóa và hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
2. Điều kiện đối với tổ chức đào tạo, bồi dưỡng:
a) Tổ chức có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ;
b) Có đội ngũ cán bộ, chuyên gia, cộng tác viên có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung đào tạo về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ;
c) Có khung chương trình đào tạo, giảng dạy phù hợp với mục đích, nhu cầu thực tiễn của đối tượng đào tạo được bộ, ngành, địa phương phê duyệt hoặc chấp thuận.
3. Nội dung hỗ trợ:
a) Thuê chuyên gia trong nước, nước ngoài; mua bản quyền, phần mềm, dữ liệu phục vụ các khóa đào tạo về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ;
b) Biên soạn, phát hành tài liệu kỹ thuật, tài liệu mẫu, tài liệu hướng dẫn về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ;
c) Đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước, nước ngoài, qua mạng thông tin điện tử về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ.
4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông qua hỗ trợ tổ chức các cuộc thi, tôn vinh và trao giải thưởng cho tổ chức, cá nhân đạt kết quả cao trong ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
5. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ và các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý.
6. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ đối với kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Đối tượng hỗ trợ:
a) Tổ chức cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ;
b) Tổ chức cung cấp dịch vụ kết nối hỗ trợ bên khác trong giao dịch liên quan đến công nghệ, bao gồm: dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa công nghệ; dịch vụ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; tư vấn đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp; tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; liên minh hợp tác xã; hiệp hội ngành nghề.
2. Nội dung hỗ trợ:
a) Được sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
b) Tra cứu, thu thập và cung cấp thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, chuyên gia công nghệ, nhu cầu công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ khai thác cơ sở dữ liệu về thị trường khoa học và công nghệ phục vụ quản lý nhà nước;
c) Môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ; phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ý tưởng công nghệ;
d) Tổ chức, tham gia sự kiện trong nước, ngoài nước về xúc tiến phát triển thị trường công nghệ, thương mại hóa sáng chế, khởi nghiệp sáng tạo;
đ) Thuê chuyên gia tư vấn trong nước, nước ngoài; tổ chức đào tạo về môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ; đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ; quản trị tài sản trí tuệ; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
3. Hình thức hỗ trợ: Thông qua dự án nâng cao năng lực của tổ chức trung gian.
4. Nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ và các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý.
5. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ đối với kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, đề án khác do bộ, ngành, địa phương quản lý được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Phát triển các nguồn thông tin công nghệ bao gồm:
a) Thông tin về sở hữu trí tuệ;
b) Các cơ sở dữ liệu thông tin công nghệ và các công cụ phân tích, đánh giá công nghệ, trình độ công nghệ, dự báo xu hướng công nghệ, xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ;
c) Cơ sở dữ liệu chuyên gia tư vấn về khoa học và công nghệ theo chuyên ngành phục vụ cho nhu cầu tư vấn chuyên sâu theo yêu cầu.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nội dung tại khoản 1 Điều này;
b) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hiệp hội của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã; các tổ chức về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tiếp cận và khai thác thông tin công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước.
3. Hình thức cung cấp thông tin công nghệ bao gồm:
a) Cung cấp thông tin công nghệ trực tiếp tại trụ sở cơ quan, hội chợ công nghệ; hội nghị, hội thảo chuyên ngành, diễn đàn công nghệ; đào tạo, tập huấn; liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp;
b) Cung cấp thông tin trực tuyến và các hình thức khác.
1. Tổ chức thực hiện hoạt động thẩm định giá công nghệ cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá đối với doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với tổ chức khoa học và công nghệ;
b) Có ít nhất 02 thẩm định viên về giá hành nghề đã hoàn thành chương trình cập nhật kiến thức về định giá công nghệ, định giá tài sản trí tuệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hoặc công nhận.
2. Chứng thư thẩm định giá về công nghệ của tổ chức thẩm định giá công nghệ do thẩm định viên về giá đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trên Cổng thông tin điện tử danh sách các tổ chức đáp ứng đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá công nghệ.
Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ khi đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Được thành lập, đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Có ít nhất 02 chuyên gia có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công nghệ cần đánh giá, có kinh nghiệm làm việc từ 03 năm trở lên trong lĩnh vực công nghệ cần đánh giá.
Trường hợp bổ sung lĩnh vực công nghệ đánh giá, phải có ít nhất 02 chuyên gia đánh giá công nghệ của tổ chức trong lĩnh vực công nghệ đánh giá, đáp ứng điều kiện quy định tại khoản này.
3. Có phương pháp, quy trình đánh giá công nghệ do tổ chức ban hành.
1. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ:
a) Tổ chức đăng ký hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ tới cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này;
b) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đề nghị tổ chức sửa đổi, bổ sung hồ sơ;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ theo Mẫu số 06 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
2. Sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ:
a) Việc sửa đổi, bổ sung được áp dụng đối với trường hợp tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ bổ sung, mở rộng, thu hẹp lĩnh vực công nghệ đánh giá hoặc thay đổi chuyên gia đánh giá công nghệ;
b) Trình tự cấp Giấy chứng nhận thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này. Giấy chứng nhận theo Mẫu số 06 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ:
a) Việc cấp lại áp dụng đối với trường hợp tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đánh giá công nghệ bị mất, hư hỏng Giấy chứng nhận hoặc thay đổi tên, địa chỉ của tổ chức;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 06 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này cho tổ chức, trường hợp không đáp ứng yêu cầu thì thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
1. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ theo Mẫu số 03 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trường hợp nộp trực tiếp: Nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu; trường hợp gửi qua đường bưu điện: Gửi bản sao có chứng thực);
c) Danh sách các chuyên gia đánh giá công nghệ, trong đó thể hiện các thông tin về tên, năm sinh, trình độ, lĩnh vực đào tạo, số năm công tác trong lĩnh vực công nghệ cần đánh giá; kèm theo tài liệu liên quan đối với mỗi đánh giá viên công nghệ gồm: Thỏa thuận hợp tác giữa chuyên gia với tổ chức; bản sao chứng thực bằng cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này, tóm tắt kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ và tài liệu chứng minh kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ của chuyên gia.
Danh sách chuyên gia đánh giá công nghệ của tổ chức và Tóm tắt kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ của chuyên gia theo Mẫu số 07 và Mẫu số 08 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Tài liệu thuyết minh phương pháp, quy trình đánh giá công nghệ tương ứng với từng lĩnh vực công nghệ cần đánh giá.
2. Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ gồm:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ theo Mẫu số 04 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Danh sách sửa đổi, bổ sung các chuyên gia đánh giá công nghệ, trong đó thể hiện các thông tin về tên, năm sinh, trình độ, lĩnh vực đào tạo, số năm công tác trong lĩnh vực công nghệ cần đánh giá, kèm theo các tài liệu liên quan đối với mỗi chuyên gia đánh giá công nghệ gồm: Thỏa thuận hợp tác giữa chuyên gia với tổ chức; bản sao chứng thực bằng cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này; tóm tắt quá trình công tác, kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ và tài liệu chứng minh kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ của chuyên gia.
Danh sách chuyên gia đánh giá công nghệ bổ sung, sửa đổi của tổ chức và tóm tắt kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ của chuyên gia đánh giá công nghệ bổ sung, sửa đổi theo Mẫu số 07 và Mẫu số 08 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ theo Mẫu số 05 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính Giấy chứng nhận bị hư hỏng (nếu có) đối với trường hợp Giấy chứng nhận bị hư hỏng.
Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ khi đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ giám định công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Được thành lập, đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật;
2. Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17020:2012 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020:2012 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với giám định chuyên ngành.
3. Có ít nhất 02 giám định viên chính thức trong lĩnh vực công nghệ giám định của tổ chức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn), đáp ứng điều kiện:
a) Tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công nghệ cần giám định;
b) Được đào tạo về tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17020:2012 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020:2012 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với giám định chuyên ngành;
c) Có kinh nghiệm làm việc từ 03 năm trở lên trong lĩnh vực công nghệ cần giám định.
Trường hợp bổ sung lĩnh vực công nghệ giám định, phải có ít nhất 02 giám định viên trong lĩnh vực công nghệ giám định, đáp ứng điều kiện quy định tại khoản này.
1. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ giám định công nghệ:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ giám định công nghệ theo Mẫu số 03 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trường hợp nộp trực tiếp: Nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu; trường hợp gửi qua đường bưu điện: Gửi bản sao có chứng thực);
c) Tài liệu chứng minh năng lực hoạt động giám định đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định này;
d) Danh sách các giám định viên công nghệ; kèm theo các tài liệu liên quan đối với mỗi giám định viên công nghệ gồm: Bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động, bản sao chứng thực bằng cấp, chứng chỉ theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 36 của Nghị định này, tóm tắt kinh nghiệm hoạt động giám định công nghệ và tài liệu chứng minh kinh nghiệm hoạt động giám định công nghệ của giám định viên.
Danh sách giám định viên công nghệ của tổ chức và tóm tắt kinh nghiệm hoạt động giám định công nghệ của giám định viên công nghệ theo Mẫu số 07 và Mẫu số 08 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Tài liệu thuyết minh phương pháp, quy trình giám định công nghệ tương ứng với từng lĩnh vực công nghệ cần giám định;
e) Mẫu chứng thư giám định của tổ chức.
2. Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ giám định công nghệ:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ giám định công nghệ theo Mẫu số 04 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Danh sách sửa đổi, bổ sung các giám định viên công nghệ, trong đó thể hiện các thông tin về tên, năm sinh, trình độ, lĩnh vực đào tạo, số năm công tác trong lĩnh vực công nghệ cần giám định, kèm theo các tài liệu liên quan đối với mỗi giám định viên công nghệ gồm: Bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động; bản sao chứng thực bằng cấp theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 36 của Nghị định này; tóm tắt quá trình công tác, kinh nghiệm hoạt động giám định công nghệ và tài liệu chứng minh kinh nghiệm hoạt động giám định công nghệ của giám định viên.
Danh sách giám định viên công nghệ bổ sung, sửa đổi của tổ chức và tóm tắt kinh nghiệm hoạt động giám định công nghệ của giám định viên công nghệ bổ sung, sửa đổi theo Mẫu số 07 và Mẫu số 08 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ giám định công nghệ:
a) Đơn đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ giám định công nghệ theo Mẫu số 05 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính Giấy chứng nhận bị hư hỏng (nếu có) đối với trường hợp Giấy chứng nhận bị hư hỏng.
1. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ đối với trường hợp đăng ký hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của một bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ đối với trường hợp đăng ký hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của từ hai bộ quản lý ngành, lĩnh vực trở lên.
1. Tổ chức đánh giá, giám định công nghệ có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đánh giá, giám định công nghệ về cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm. Số liệu báo cáo tính từ ngày 15 tháng 12 của năm trước năm báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của năm báo cáo.
Báo cáo tình hình hoạt động đánh giá, giám định công nghệ của tổ chức theo Mẫu số 09 tại Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định này.
2. Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ gửi báo cáo tình hình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ về Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất quản lý và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ trước ngày 31 tháng 01 hằng năm. Số liệu báo cáo tính từ ngày 15 tháng 12 của năm trước năm báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của năm báo cáo.
Báo cáo tình hình thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ theo Mẫu số 11 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 và thay thế Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Nghị định số 103/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 120/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.
1. Đối với thỏa thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày 01 tháng 7 năm 2018, sau khi Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực, nếu các bên gia hạn nội dung chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp phải đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ, trình tự, thủ tục đăng ký gia hạn thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 33 của Luật Chuyển giao công nghệ và quy định của Nghị định này.
2. Đối với thỏa thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày 01 tháng 7 năm 2018, sau khi Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực, nếu các bên có nhu cầu đăng ký chuyển giao công nghệ, trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ và quy định của Nghị định này.
Nếu đăng ký gia hạn chuyển giao công nghệ, trình tự, thủ tục đăng ký gia hạn thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 33 của Luật Chuyển giao công nghệ và quy định của Nghị định này.
1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn thi hành các điều được giao trong Nghị định này.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện điểm d khoản 1 Điều 15 của Nghị định này.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình khoa học và công nghệ, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và huy động các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ các hoạt động quy định tại Nghị định này;
b) Điều chỉnh, bổ sung văn bản hướng dẫn hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, các chương trình khoa học và công nghệ, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các chương trình, đề án khác có liên quan phù hợp với các quy định của Nghị định này.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sau khi được hỗ trợ hoàn thiện.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp kết quả ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại địa phương, báo cáo về Bộ Khoa học và Công nghệ.
5. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./
|
TM. CHÍNH PHỦ |
DANH MỤC CÔNG NGHỆ KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN GIAO
(Kèm theo Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)
A. CÁC CÔNG NGHỆ CAO THUỘC DANH MỤC CÔNG NGHỆ CAO ĐƯỢC ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CÔNG NGHỆ CAO.
B. CÔNG NGHỆ KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN GIAO KHÁC:
1. Công nghệ chế tạo thiết bị quang điện tử hồng ngoại.
2. Công nghệ chế tạo các thiết bị đo, cảm biến chính xác kỹ thuật số.
3. Công nghệ chế tạo ăng ten mảng pha.
4. Công nghệ mã hóa, xác thực, đo lường sinh trắc học, đo lường tâm lý học.
5. Công nghệ nhận dạng giọng nói.
6. Công nghệ ứng dụng mạng nơron trong xử lý các dạng tín hiệu.
7. Công nghệ viễn thám, lidar, hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ các ngành, lĩnh vực.
8. Công nghệ tính toán, xử lý song song ứng dụng trong ngân hàng.
9. Công nghệ sản xuất màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ (OLED, AMOLED), màn hình đi-ốt phát quang (LED) và các màn hình tương tác.
10. Công nghệ sử dụng vật liệu biomass hiệu năng cao.
11. Công nghệ sản xuất pin lithium- ion, pin nhiên liệu, tấm pin quang điện mặt trời, nguyên liệu điện cực.
12. Công nghệ sản xuất điện sử dụng năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, điện tử rác thải sinh hoạt, khí sinh học có quy mô công nghiệp.
13. Công nghệ lưới điện thông minh (Smart grids).
14. Công nghệ tiên tiến trong lưu trữ năng lượng.
15. Công nghệ sản xuất thiết bị sạc điện nhanh.
16. Công nghệ sản xuất acid phosphoric (H3PO4) thế hệ MARK IV.
17. Công nghệ sản xuất DAP - (NH4)2HPO4 kết hợp giữa công nghệ phản ứng tiền trung hòa và công nghệ phản ứng ống.
18. Công nghệ sản xuất methanol từ khí thiên nhiên, đặc biệt các nguồn khí thiên nhiên có hàm lượng tạp chất (CO2, N2...) cao.
19. Công nghệ tiên tiến sản xuất biodiezen từ thực vật.
20. Công nghệ sản xuất H2 sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (địa nhiệt, gió, quang năng, năng lượng mặt trời...).
21. Công nghệ tăng sản lượng khai thác dầu nhờ bơm các thành phần không có tính axít.
22. Công nghệ tiên tiến làm sạch các tháp phản ứng trong dây chuyền chế biến dầu khí.
23. Công nghệ ngăn ngừa và loại bỏ lắng đọng nhựa paraffin - asphalt ở các giếng Gaslift bằng phương pháp hóa lý trong khai thác dầu khí.
24. Công nghệ nâng cao sản lượng khai thác dầu bằng dung môi chất xúc tác enzyme.
25. Công nghệ xử lý vùng cận đáy giếng bằng hợp chất Chelate tự nhiên tổng hợp.
26. Công nghệ dập giếng khi sửa chữa lớn giếng khoan trong điều kiện áp suất vỉa dị thường thấp.
27. Công nghệ nâng cao chất lượng gia cố ống chống lửng khi xây dựng giếng khoan dầu khí.
28. Công nghệ chẩn đoán bằng hình ảnh - thiết bị nội soi (bore scope) khi kiểm tra các động cơ, thiết bị quay cơ khí.
29. Công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực phun phủ, xử lý bề mặt trong chế tạo máy, cơ khí.
30. Công nghệ tuyển nổi và tự động hóa quá trình tuyển; tuyển trọng lực quặng hạt mịn; tuyển từ có từ trường siêu mạnh trong tuyển quặng kim loại màu.
31. Công nghệ tuyển và làm giàu, quặng hiếm (Liti, đất hiếm); công nghệ tuyển và chế biến quặng đất hiếm.
32. Công nghệ tuyển quặng apatit loại II, loại IV, quặng nghèo, quặng crômit có thu hồi Ni, Co, quặng sắt laterit vùng Tây Nguyên.
33. Công nghệ khí hóa than ngầm (UCG - Underground Coal Gasification).
34. Công nghệ nấu luyện và tinh luyện kim loại, hợp kim từ quặng nghèo, quặng đa kim.
35. Công nghệ thu hồi quặng sắt và sản xuất thép từ bùn đỏ.
36. Công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường trong thu hồi kim loại quý từ các nguồn rác thải điện tử.
37. Công nghệ sản xuất alumin phẩm cấp hóa chất (CGA);
38. Công nghệ nung tầng sôi tuần hoàn CFB và giảm áp, tách hơi tiên tiến trong sản xuất alumin.
39. Công nghệ sản xuất các loại hợp kim ferro: Ferro Molipden (FeMo), Ferro Wonfram (FeW); các loại hợp kim ferro cacbon thấp, cực thấp.
40. Công nghệ khai thác và tuyển quặng titan trong tầng cát đỏ.
41. Công nghệ chế biến cát xây dựng từ đuôi thải tuyển titan trong tầng cát đỏ.
42. Công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo chống bằng giàn mềm tại các mỏ hầm lò.
43. Công nghệ cơ giới hóa khấu than đồng bộ, chống giữ bằng giàn tự hành.
44. Công nghệ cơ giới hóa khấu than bằng máy kết hợp chống giữ bằng giá khung hoặc giá xích.
45. Công nghệ đào chống lò bằng vì neo.
46. Công nghệ tự động hóa trong điều độ giám sát tập trung trong các mỏ (nhà máy) than.
47. Công nghệ tự động hóa hầm bơm trung tâm mỏ than hầm lò.
48. Công nghệ tuyển sâu các loại khoáng sản bauxite, sắt, đồng, titan.
49. Công nghệ than sạch CCT (Clean Coal Technology).
50. Công nghệ tổng hợp và bán tổng hợp các sản phẩm hóa dược từ nguồn nguyên liệu động thực vật có sẵn trong nước.
51. Công nghệ sản xuất xỉ titan bằng lò điện một chiều hai giai đoạn.
52. Công nghệ sản xuất pigment titan bằng phương pháp clorua hóa.
53. Công nghệ sản xuất titan xốp bằng phương pháp Kroll.
54. Công nghệ luyện cốc không thu hồi sản phẩm phụ và dập cốc khô.
55. Công nghệ thải khô bùn đỏ trong sản xuất alumin.
56. Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng từ bùn đỏ trong sản xuất alumin.
57. Công nghệ tiên tiến xử lý tro, xỉ, thạch cao phốt pho từ nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, nhà máy phân bón, hóa chất làm vật liệu xây dựng.
58. Công nghệ thuộc da thân thiện với môi trường.
59. Công nghệ tự động hóa trong quá trình thuộc da, quá trình sản xuất nguyên phụ liệu và các sản phẩm da - giầy.
60. Công nghệ sản xuất và thi công bê tông nhựa ấm.
61. Công nghệ cào bóc, tái chế kết cấu áo đường mềm, mặt đường bê tông nhựa, mặt đường bê tông xi măng tại chỗ.
62. Công nghệ BIM (Building Information Modeling).
63. Công nghệ chế tạo, sản xuất phương tiện giao thông chạy điện quy mô công nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
64. Công nghệ tiên tiến phục vụ kiểm tra, kiểm định các công trình cầu hầm, đê, đập; gia cố, sửa chữa vỏ hầm.
65. Công nghệ tiên tiến phát hiện, cảnh báo sớm trượt lở đất.
66. Công nghệ cảnh báo tự động về mức độ an toàn của các công trình đập.
67. Công nghệ hiện đại quan trắc các công trình giao thông trong giai đoạn vận hành khai thác.
68. Công nghệ chế tạo các chủng loại động cơ sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo có hiệu suất cao, thân thiện với môi trường.
69. Công nghệ thiết kế, chế tạo tàu đa năng sử dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng.
70. Công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp đầu máy - toa xe chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
71. Công nghệ truyền tin sử dụng sóng thủy âm, định vị dưới sông, biển (sonar) phục vụ khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ lãnh hải, cứu hộ, cứu nạn.
72. Công nghệ tiên tiến phục vụ đo đạc và lập bản đồ địa hình đáy biển.
73. Công nghệ tiên tiến phục vụ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên dưới đáy biển.
74. Công nghệ tiên tiến sản xuất các thiết bị tự hành trên sông, biển hoặc dưới biển.
75. Công nghệ tiên tiến trong thi công công trình biển, công trình ngập trong nước; sản xuất bê tông từ cát biển, nước biển.
76. Công nghệ cắt, hàn dưới nước.
77. Công nghệ chế tạo thiết bị điều chỉnh tự động từ xa (nhiệt độ, áp suất, điện áp, lưu lượng, vòng quay) trên tàu thủy.
78. Công nghệ chế tạo nghi khí hàng hải cho tàu thủy và công trình biển.
79. Công nghệ tự động hóa trong chẩn đoán và điều trị, sản xuất dược, trang thiết bị y tế.
80. Công nghệ nuôi cấy sinh khối tổng hợp các chất có hoạt tính sinh học giá trị cao.
81. Công nghệ tiên tiến sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế.
82. Công nghệ sản xuất thuốc mới, biệt dược gốc, thuốc generic, thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo, bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm.
83. Công nghệ gen và công nghệ di truyền sản xuất các chế phẩm dùng chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh tật.
84. Công nghệ trong kiểm nghiệm dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
85. Công nghệ tiên tiến chiết xuất các hoạt chất hữu ích từ nguyên liệu nông, lâm, thủy, hải sản, dược liệu, vi sinh vật phục vụ cho các ngành, lĩnh vực.
86. Công nghệ sản xuất chế phẩm enzym.
87. Công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật có nguồn gốc bản địa, có hoạt tính sinh học tốt, an toàn ứng dụng cho các sản phẩm lên men.
88. Công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.
89. Công nghệ nông nghiệp chính xác (Precision Agriculture).
90. Công nghệ sấy thóc siêu tốc dùng môi chất sấy nhiệt độ cao.
91. Công nghệ tiên tiến sản xuất thức ăn phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sử dụng protein, enzym, vi sinh vật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
92. Công nghệ tiên tiến chế biến, bảo quản nguyên liệu, phụ gia phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản không sử dụng hóa chất.
93. Công nghệ sản xuất phân bón thế hệ mới có hiệu quả sử dụng cao hơn (tối thiểu 10%), ít tác động tiêu cực đến môi trường đất, nông sản so với phân bón cùng loại phổ biến, cùng thời điểm trên thị trường.
94. Công nghệ nuôi nhân tế bào và tế bào gốc côn trùng phục vụ sản xuất thuốc sinh học bảo vệ thực vật vi rút.
95. Công nghệ sinh lý và sinh hóa côn trùng.
96. Công nghệ tiên tiến trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản năng suất, chất lượng cao, có sức kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
97. Công nghệ sản xuất giống, nuôi cá ngừ đại dương, tôm hùm, san hô.
98. Công nghệ sản xuất giống tôm sú, tôm chân trắng bố, mẹ sạch bệnh.
99. Công nghệ sinh học trong giám định, chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị sinh vật hại cho cây trồng, vật nuôi.
100. Công nghệ sản xuất các bộ KIT chẩn đoán nhanh bệnh hại cây trồng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong nông sản thu hoạch.
101. Công nghệ tiên tiến bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản quy mô công nghiệp theo chuỗi giá trị (bao gồm cả khai thác, chế biến phụ phẩm nông nghiệp và thủy sản).
102. Công nghệ chế biến gỗ và lâm sản đạt tiêu chuẩn các nước, vùng lãnh thổ có công nghệ tiên tiến, phát triển (Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản...).
103. Công nghệ chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đem lại giá trị gia tăng cao (từ 15% trở lên).
104. Công nghệ CAS (Cells Alive System) bảo quản nông sản, thực phẩm quy mô công nghiệp.
105. Công nghệ biến tính gỗ, công nghệ nano, công nghệ sấy sinh thái, công nghệ ngâm, tẩm thân thiện với môi trường để bảo quản gỗ, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
106. Công nghệ bảo quản lạnh trứng, tinh trùng, hợp tử động vật.
107. Công nghệ cấy truyền phôi.
108. Công nghệ gen/ADN phục vụ cho quản lý, bảo tồn động thực vật, đa dạng sinh học.
109. Công nghệ lưu giữ, bảo tồn, sản xuất giống và nuôi các loài thủy sản bản địa quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
110. Công nghệ điều khiển thời gian ra hoa, kết trái và thu hoạch của các loại cây trồng.
111. Công nghệ tự động hóa quá trình chăn nuôi, trồng trọt và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.
112. Công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất quy mô công nghiệp các loại nguyên, vật liệu phụ trợ: Keo dán, sơn phủ bề mặt, phụ kiện cơ khí, chế tạo máy và thiết bị.
113. Công nghệ vật liệu mới trong tạo vỏ bầu tự hủy, ruột bầu ươm cây giống.
114. Công nghệ phát hiện sớm túi nước, túi khí CnH2n+2.
115. Công nghệ tưới tiết kiệm nước, bổ sung dinh dưỡng, vi lượng, điều khiển tự động.
116. Công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt công suất trên 2000 lít/giờ.
117. Công nghệ sản xuất nguyên liệu in 3D.
118. Công nghệ chế tạo các vật liệu composite dạng dẻo, dạng bimetal, thrimetal.
119. Công nghệ sản xuất sợi, vải carbon và các loại sợi gia cường composite.
120. Công nghệ sản xuất chất lỏng thủy lực, chất lỏng gia công kim loại thân thiện môi trường.
121. Công nghệ sản xuất bao bì dễ phân hủy, an toàn, thân thiện môi trường.
122. Công nghệ tái chế tiên tiến và tái sử dụng chất thải.
123. Công nghệ sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường.
124. Công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp kết hợp thu hồi năng lượng, không sinh ra sản phẩm phụ, chất thải độc hại.
125. Công nghệ thu gom, lưu giữ và xử lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs).
126. Công nghệ xử lý, tái sử dụng nước thải công nghiệp không sinh ra chất độc hại.
127. Công nghệ cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái bị ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng; ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.
128. Công nghệ chế tạo thiết bị xử lý nước và môi trường quy mô nhỏ, áp dụng cho các khu vực dân cư miền núi, vùng ven biển và vùng ngập mặn.
129. Công nghệ tự động hóa trong kiểm soát, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh.
130. Công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát khí thải độc hại từ xa bằng phương pháp phổ hồng ngoại (FTIR).
131. Công nghệ thu hồi và lưu giữ cacbon.
132. Công nghệ làm sạch biogas.
133. Công nghệ quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học.
134. Công nghệ đo đạc các yếu tố khí tượng thủy văn.
135. Công nghệ tự động hóa truyền dữ liệu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu tới người dùng.
136. Công nghệ giám sát, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
137. Công nghệ giám sát, đo đạc phát thải nhà kính.
138. Công nghệ chế tạo các thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn tự động và truyền tin thời gian thực.
139. Công nghệ tiên tiến phục vụ dự báo bão, lũ, động đất, sóng thần và các hiện tượng thiên tai khác.
140. Công nghệ tác động vào thời tiết.
141. Công nghệ tiên tiến trong lưu giữ, bảo quản, phục chế tài liệu, hiện vật bảo tàng.
142. Công nghệ sản xuất thang máy điện có vận tốc trên 2.5m/s.
143. Các công nghệ hiện đại hóa ngành nghề truyền thống.
DANH MỤC CÔNG NGHỆ HẠN CHẾ CHUYỂN GIAO
(Kèm theo Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)
I. CÔNG NGHỆ CHUYỂN GIAO TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM VÀ TRONG LÃNH THỔ VIỆT NAM
1. Công nghệ sản xuất đèn chiếu sáng bằng sợi đốt trong khí trơ.
2. Công nghệ sản xuất linh kiện điện tử chân không, linh kiện bán dẫn mức độ tích hợp thấp.
3. Công nghệ sản xuất các loại mạch in 1 lớp, 2 lớp.
4. Công nghệ truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh không tương thích tiêu chuẩn của DVB; công nghệ truyền hình tương tự.
5. Công nghệ chế tạo, thiết kế hệ thống thông tin - tín hiệu bằng rơ le.
6. Công nghệ làm giàu các chất phóng xạ đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
7. Công nghệ sản xuất thép bằng lò cảm ứng, lò chuyển, lò điện hồ quang dung lượng lò nhỏ dưới 70 tấn/mẻ.
8. Công nghệ luyện thép có dây chuyền cán không liên tục.
9. Công nghệ nhiệt điện sử dụng dầu, than.
10. Công nghệ làm sạch vỏ tàu bằng hạt Nix.
11. Công nghệ sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.
12. Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng Amiăng trắng.
13. Công nghệ sản xuất gạch gốm ốp lát có công suất nhỏ hơn 3 triệu m2/năm.
14. Công nghệ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuynel sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
15. Công nghệ sản xuất kính nổi có mức tiêu hao nhiên liệu và năng lượng như sau: Dầu FO lớn hơn 160 kg/tấn sản phẩm; dầu DO lớn hơn 0,5 kg/tấn sản phẩm; điện lớn hơn 100 KWh/tấn sản phẩm.
16. Công nghệ sản xuất phát sinh chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs).
17. Công nghệ sản xuất phân bón hóa học thông thường có công suất dưới 1.000 tấn/năm.
18. Công nghệ đồng phân hóa sử dụng các axit flohydric, axit sulfuric làm xúc tác.
19. Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi, trồng, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
20. Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa chất độc hại thạch tín (arsenic).
21. Công nghệ sản xuất các loại thuốc sát trùng gia dụng, thuốc diệt côn trùng, diệt chuột bằng phương pháp sinh học gây độc hại cho con người và môi trường.
22. Công nghệ sử dụng các loài sinh vật phi bản địa có nguy cơ xâm lấn chưa rõ nguồn gốc, đặc tính bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ thực vật và các lĩnh vực khác.
23. Công nghệ tạo giống cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp biến đổi gen trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy hải sản.
24. Công nghệ sử dụng giống biến đổi gen.
25. Công nghệ sản xuất các giống cây trồng nhiễm sinh vật gây hại (sâu, bệnh) nặng.
26. Công nghệ sản xuất ván dăm, ván sợi theo phương pháp ướt/công suất nhỏ hơn 100.000 m3/năm.
27. Công nghệ sản xuất vật liệu trang sức đồ gỗ, bảo quản lâm sản chứa lưu huỳnh hoặc dư lượng hợp chất hữu cơ bay hơi hàm lượng cao.
28. Công nghệ nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm, thủy hải sản sử dụng chất bảo quản thực phẩm, chất kích thích tăng trưởng chưa được phép sử dụng.
29. Công nghệ chế biến bột cá dạng hở không gây ô nhiễm môi trường.
30. Công nghệ in, đúc tiền; công nghệ sản xuất giấy in tiền, mực in tiền.
31. Công nghệ in tráng phim sử dụng hóa chất độc hại đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
32. Công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất phim, chiếu phim bằng chất liệu nhựa 35 mm.
33. Công nghệ tái chế dầu nhờn đã qua sử dụng bằng phương pháp xử lý nhiệt, hấp phụ và/hoặc dung môi.
34. Công nghệ hạn chế chuyển giao theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
II. CÔNG NGHỆ CHUYỂN GIAO TỪ VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
1. Công nghệ sản xuất giống, nuôi, trồng sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực.
2. Công nghệ sản xuất, nhân, nuôi trồng các giống cây trồng, vật nuôi quý hiếm thuộc danh mục quý hiếm hạn chế xuất khẩu.
3. Công nghệ sản xuất giống, các đối tượng sinh vật bản địa có nguồn gen quý, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm quốc gia, các đối tượng sinh vật bản địa có nguy cơ tuyệt chủng, nguy cấp cần bảo vệ.
4. Công nghệ sản xuất thực phẩm thuộc ngành nghề truyền thống có sử dụng các chủng giống vi sinh vật có đặc tính quý hiếm.
5. Công nghệ chế biến sản phẩm nông sản, thủy sản, dược phẩm của Việt Nam có thương hiệu và giá trị gia tăng cao.
6. Công nghệ hạn chế chuyển giao theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
DANH MỤC CÔNG NGHỆ CẤM CHUYỂN GIAO
(Kèm theo Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)
I. CÔNG NGHỆ CHUYỂN GIAO TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM VÀ TRONG LÃNH THỔ VIỆT NAM
1. Công nghệ điều chế chất ma túy.
2. Công nghệ nhân bản vô tính phôi người.
3. Công nghệ in, sắp chữ bằng bản chì.
4. Công nghệ sản xuất pin bằng phương pháp hồ điện dịch.
5. Công nghệ điện phân dùng điện cực thủy ngân.
6. Công nghệ sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng quy mô nhỏ.
7. Công nghệ sản xuất sơn chống hà sử dụng thủy ngân.
8. Công nghệ sản xuất điện thoại công nghệ PHS.
9. Công nghệ DECT sử dụng tần số không phù hợp với quy hoạch tần số của Việt Nam.
10. Công nghệ sản xuất modem tương tự và dial-up, ADSL.
11. Công nghệ thông tin di động CDMA 2000-1X.
12. Công nghệ sản xuất tivi, máy tính cá nhân sử dụng tia điện tử để tạo hình ảnh theo công nghệ analog.
13. Công nghệ vô hiệu hóa chức năng an toàn thông tin hoặc tấn công/xâm nhập hệ thống thông tin trừ trường hợp phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh.
14. Công nghệ phá sóng, chèn sóng vô tuyến điện (trừ trường hợp chuyển giao phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh).
15. Công nghệ chặn thu, giải mã các hệ thống thông tin (trừ trường hợp chuyển giao phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh).
16. Công nghệ vô hiệu hóa các thiết bị ghi âm, ghi hình, đo, đếm, tính tải trọng, tốc độ phương tiện giao thông, trừ trường hợp phục vụ nhu cầu an ninh.
17. Công nghệ vô hiệu hóa thiết bị đo, đếm, tính lượng điện năng sử dụng.
18. Công nghệ vô hiệu hóa thiết bị tính thời gian sử dụng điện thoại.
19. Công nghệ sản xuất động cơ 2 kỳ dùng cho xe cơ giới.
20. Công nghệ sản xuất xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 3 và không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
21. Công nghệ động cơ điện sức kéo dùng điện 1 chiều đối với đầu máy toa xe đường sắt.
22. Công nghệ sử dụng mạch điện đường ray đối với hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu trên đường sắt đô thị.
23. Công nghệ có hệ thống cung cấp điện sức kéo cấp điện áp 3kV một chiều đối với đường sắt.
24. Công nghệ sản xuất các sản phẩm hóa nổ bằng phương pháp thủ công.
25. Công nghệ sản xuất các loại vũ khí, khí tài, vật liệu nổ các loại trừ vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị kỹ thuật quốc phòng, an ninh (trừ trường hợp chuyển giao phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh).
26. Công nghệ chế tạo công cụ hỗ trợ, phương tiện, phần mềm có khả năng vô hiệu hóa các thiết bị phát hiện việc truy cập, đánh cắp dữ liệu mạng máy tính điện tử (trừ trường hợp chuyển giao phục vụ nhu cầu an ninh, quốc phòng, an ninh).
27. Công nghệ vô hiệu hóa thiết bị kiểm tra, phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, ma túy và đồ vật nguy hiểm khác (trừ trường hợp chuyển giao phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh).
28. Công nghệ tuyển, luyện kim, tinh chế kim loại, sản xuất vật liệu sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, gây ô nhiễm môi trường.
29. Công nghệ sản xuất xi măng lò đứng.
30. Công nghệ sản xuất xi măng lò quay bằng phương pháp ướt.
31. Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng Amiăng Amfibole (Amiăng nâu và xanh).
32. Công nghệ sản xuất xi măng lò quay có công suất lò nung nhỏ hơn 4.000 tấn clanhke/ngày.
33. Công nghệ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng, lò vòng cải tiến (kiểu lò Hoffman) sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí).
34. Công nghệ xử lý chất thải bằng phương pháp đốt một cấp hoặc công nghệ đốt chất thải không có hệ thống xử lý khí thải.
35. Công nghệ xử lý chất thải nguy hại chứa các thành phần halogen hữu cơ vượt ngưỡng chất thải nguy hại bằng công nghệ một buồng và hai buồng có nhiệt độ khói buồng 2 thấp hơn 1200°C.
36. Công nghệ sử dụng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt có quy mô công suất nhỏ hơn 300 kg/h.
37. Công nghệ sản xuất keo gỗ và chất phụ gia có hại cho sức khỏe và môi trường Urea-Formaldehyde, keo Phenol-Formaldehyde, sản phẩm có hàm lượng Formaldehyde tự do vượt quá giới hạn (Formaldehyde class > E2).
38. Công nghệ nhân giống cây trồng, gây trồng, sử dụng các loài sinh vật ngoại lai (động vật, thực vật và vi sinh vật) thuộc danh mục các loài ngoại lai xâm hại.
39. Công nghệ sử dụng các loài sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật thuộc Danh mục các loài ngoại lai xâm hại.
40. Công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam.
41. Công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK theo phương pháp thủ công (chảo quay, trộn thô).
42. Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa chất độc hại cho sức khỏe và môi trường Pentachlorophenol (PCP), Dichloro Diphenyl Trichloroethane (DDT).
43. Công nghệ sản xuất axit sulfuric bằng phương pháp tiếp xúc đơn, hấp thụ đơn.
44. Công nghệ sử dụng chất CFC và HCFC.
45. Công nghệ sử dụng các hợp chất hữu cơ khó phân hủy POPs.
46. Công nghệ sử dụng thủy ngân nằm trong công ước hạn chế thủy ngân Minamata.
47. Công nghệ thi công nền mặt đường sử dụng các hóa chất, phụ gia độc hại ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
48. Công nghệ cấm chuyển giao theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
II. CÔNG NGHỆ CHUYỂN GIAO TỪ VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
1. Công nghệ cấm chuyển giao theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước.
CÁC MẪU
(Kèm theo Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)
Mẫu số 01 |
Đơn đăng ký chuyển giao công nghệ |
Mẫu số 02 |
Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ |
Mẫu số 03 |
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ |
Mẫu số 04 |
Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ |
Mẫu số 05 |
Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ |
Mẫu số 06 |
Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ |
Mẫu số 07 |
Danh sách chuyên gia đánh giá/giám định viên công nghệ của tổ chức |
Mẫu số 08 |
Tóm tắt kinh nghiệm hoạt động đánh giá/giám định công nghệ của chuyên gia đánh giá/giám định viên công nghệ |
Mẫu số 09 |
Báo cáo tình hình hoạt động đánh giá, giám định công nghệ |
Mẫu số 10 |
Báo cáo tình hình đăng ký chuyển giao công nghệ |
Mẫu số 11 |
Báo cáo tình hình thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Tỉnh (thành phố), ngày tháng năm
ĐƠN ĐĂNG KÝ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Kính gửi: |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
I. CÁC BÊN THAM GIA CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
1. Bên giao công nghệ:
- Tên (tổ chức, cá nhân):
- Địa chỉ:
- Điện thoại (tel): Email:
Fax: Website:
- Người đại diện: Chức danh:
- Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính:
2. Bên nhận công nghệ:
- Tên (tổ chức, cá nhân):
- Địa chỉ:
- Điện thoại (tel): Email:
Fax: Website:
- Người đại diện: Chức danh:
- Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính:
II. NỘI DUNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
1. Công nghệ chuyển giao
- Tên công nghệ:
- Lĩnh vực công nghệ chuyển giao:
- Thời hạn văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ:
2. Đối tượng công nghệ chuyển giao
Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ |
□ |
|
Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu |
□ |
|
Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ |
□ |
|
Máy móc, thiết bị đi kèm các đối tượng nêu trên |
□ |
|
Chuyển giao quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp - Số văn bằng bảo hộ hoặc số đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp (trường hợp chưa được cấp văn bằng bảo hộ):... (số, ngày cấp, ngày gia hạn) - Số giấy chứng nhận chuyển giao quyền sở hữu/quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp:... (số, ngày cấp, ngày gia hạn) |
Sáng chế |
□ |
Giải pháp hữu ích |
□ |
|
Kiểu dáng công nghiệp |
□ |
3. Hình thức chuyển giao công nghệ
Chuyển giao công nghệ độc lập |
□ |
|
Dự án đầu tư |
□ |
|
Góp vốn bằng công nghệ |
Vào dự án đầu tư |
□ |
Hình thức khác (ghi tên hình thức khác nếu có) |
□ |
|
Nhượng quyền thương mại |
□ |
|
Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ |
□ |
|
Mua bán máy móc, thiết bị đi kèm đối tượng công nghệ chuyển giao |
Theo hợp đồng mua bán độc lập |
□ |
Theo dự án đầu tư |
□ |
|
Hình thức khác (ghi tên hình thức khác nếu có) |
□ |
4. Phương thức chuyển giao công nghệ
Chuyển giao tài liệu về công nghệ |
□ |
Đào tạo |
□ |
Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật |
□ |
Chuyển giao máy móc, thiết bị đi kèm đối tượng công nghệ và theo các phương thức: Chuyển giao tài liệu về công nghệ; đào tạo; cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật. |
□ |
Phương thức chuyển giao khác (ghi tên phương thức khác nếu có) |
□ |
5. Phạm vi quyền chuyển giao công nghệ
Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ |
□ |
|
Chuyển giao quyền sử dụng công nghệ |
Được quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ cho tổ chức, cá nhân khác |
□ |
Không được quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ |
□ |
|
Chuyển giao độc quyền sử dụng công nghệ |
□ |
|
Chuyển giao không độc quyền sử dụng công nghệ |
□ |
6. Giá trị chuyển giao công nghệ
TT |
Nội dung |
Giá trị |
|
1 |
Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ; phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ |
|
|
2 |
Chuyển giao quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp |
Sáng chế |
|
Giải pháp hữu ích |
|
||
Kiểu dáng công nghiệp |
|
||
3 |
Đào tạo |
|
|
3.1 |
Đào tạo nước ngoài |
|
|
3.2 |
Đào tạo trong nước |
|
|
4 |
Hỗ trợ kỹ thuật |
|
|
5 |
Máy móc, thiết bị |
|
|
Tổng: |
|
7. Phương thức thanh toán chuyển giao công nghệ
Trả một lần bằng tiền hoặc hàng hóa |
□ |
|
Trả nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa (số lần………) |
□ |
|
Trả theo phần trăm (%) giá bán tịnh |
□ |
|
Trả theo phần trăm (%) doanh thu thuần |
□ |
|
Trả theo phần trăm (%) lợi nhuận |
Trước thuế của bên nhận |
□ |
Sau thuế của bên nhận |
□ |
|
Phương thức thanh toán khác (nêu tên phương thức) |
□ |
8. Sản phẩm công nghệ tạo ra:
- Tên, ký hiệu sản phẩm:
- Tiêu chuẩn chất lượng (theo TCVN, tiêu chuẩn cơ sở, quốc tế,...):
- Sản lượng:
- Tỷ lệ xuất khẩu (nếu xác định được):
9. Vai trò của công nghệ với ứng phó biến đổi khí hậu (với công nghệ chuyển giao phục vụ cho các chương trình, dự án có mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu)
Công nghệ hỗ trợ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính |
□ |
Công nghệ hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu |
□ |
III. CÁC VĂN BẢN KÈM THEO ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực Hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt |
□ |
Bản dịch sang tiếng Việt có công chứng hoặc chứng thực đối với Hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng tiếng………… (nước ngoài) |
□ |
Bản sao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấp phép kinh doanh,...) của các bên tham gia chuyển giao công nghệ |
□ |
Giấy xác nhận tư cách pháp lý của người đại diện các bên tham gia hợp đồng |
□ |
Bản sao chứng thực Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với chuyển giao công nghệ có sử dụng vốn nhà nước |
□ |
Giấy ủy quyền (trong trường hợp bên thứ ba được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ) |
□ |
Chúng tôi xin cam kết các thông tin được nêu trên đây là đúng sự thực và nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật, nếu sai chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
|
TM. CÁC BÊN |
Lưu ý: Đối với ô trống □, nếu có (hoặc đúng) thì đánh dấu “ √”vào trong ô trống.
QUY ĐỊNH SỬ DỤNG GIẤY CHỨNG NHẬN Bên giao và bên nhận công nghệ phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định sau: 1. Xuất trình Giấy chứng nhận khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 2. Không được sửa chữa, tẩy xóa nội dung trong Giấy chứng nhận. 3. Không được cho mượn, cho thuê Giấy chứng nhận. 4. Làm thủ tục đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung tại cơ quan cấp Giấy chứng nhận theo đúng quy định. 5. Thực hiện cấp lại Giấy chứng nhận khi bị mất hoặc rách, nát. |
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
TÊN CƠ QUAN CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ
CHỨNG NHẬN Số: .../GCN-... cấp ngày... tháng... năm... 1. Bên giao công nghệ: Tên: Trụ sở chính: Số điện thoại: fax: Email: Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc Giấy Chứng nhận đăng ký doanh,...) số.... ngày... tháng... năm... do.... (tên cơ quan) cấp. Mã số doanh nghiệp/thuế: 2. Bên nhận công nghệ: Tên: Trụ sở chính: Số điện thoại: fax: Email: Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc Giấy Chứng nhận đăng ký doanh,...) số.... ngày... tháng... năm... do....(tên cơ quan) cấp. Mã số doanh nghiệp/thuế:
|
|
Đăng ký chuyển giao công nghệ: 1. Tên văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ (tên, số, ngày ký): 2. Tên công nghệ chuyển giao: 3. Hình thức chuyển giao công nghệ (dự án đầu tư/mua bán độc lập/hình thức khác): 4. Đối tượng công nghệ chuyển giao: 5. Thời hạn văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ: 6. Tên sản phẩm (do công nghệ chuyển giao tạo ra): Số đăng ký: .../ĐK-…… Quyển số: …… ngày... tháng... năm...
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Tỉnh (thành phố), ngày tháng năm
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐÁNH GIÁ/GIÁM ĐỊNH CÔNG NGHỆ 1
Kính gửi: ……………………………….
1. Tên tổ chức: ......................................................................................
2. Địa chỉ liên lạc: ..................................................................................
Điện thoại:…………………. Fax:…………………. E-mail: .........................
3. Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số………….. Cơ quan cấp: ………………… cấp ngày………….. tại .........................................................................................................
4. Sau khi nghiên cứu quy định tại Nghị định số ………./2018/NĐ-CP ngày.... tháng.... năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, chúng tôi nhận thấy có đủ các điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ đối với ngành……………2, trong lĩnh vực …………..3
5. Hồ sơ kèm theo:
- ...........................................................................................................
- ...........................................................................................................
Đề nghị (tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận) xem xét và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ nêu trên.
Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ, các quy định có liên quan của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khai báo nói trên./.
|
LÃNH ĐẠO TỔ CHỨC |
____________
1 Đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động nào thì ghi tên hoạt động đó (ví dụ, đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định công nghệ thì ghi “Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định công nghệ”).
2 Ghi theo ngành (ví dụ: ngành y tế, xây dựng, công thương, giao thông vận tải...).
3 Cách ghi như sau: Hóa học/Sinh học/Cơ lý/Dược phẩm/Điện-điện tử/Vật liệu xây dựng/An toàn sinh học,...). Trường hợp số liệu nhiều thì tổ chức lập thành Phụ lục kèm theo.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Tỉnh (thành phố), ngày tháng năm
ĐƠN ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐÁNH GIÁ/GIÁM ĐỊNH CÔNG NGHỆ1
Kính gửi: ………………………..
1. Tên tổ chức: ......................................................................................
2. Địa chỉ liên lạc: ..................................................................................
Điện thoại:…………………. Fax:…………………. E-mail: .........................
3. Đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ số: …………ngày .../.../20.... của (tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận) đối với ngành……….2, trong lĩnh vực................3
4. Hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ đề nghị sửa đổi, bổ sung (nêu cụ thể ngành …………4, lĩnh vực ……………5 đề nghị bổ sung) hoặc danh sách chuyên gia đánh giá/giám định công nghệ sửa đổi, bổ sung (họ tên, năm sinh, trình độ đào tạo, ngành, lĩnh vực thực hiện đánh giá/giám định viên công nghệ tại tổ chức).
5. Hồ sơ kèm theo:
- ...........................................................................................................
Đề nghị (tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận) xem xét để (tên tổ chức) được sửa đổi, bổ sung điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ đối với………….. (nêu cụ thể ngành, lĩnh vực đề nghị bổ sung, sửa đổi).
Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ, các quy định có liên quan của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khai báo nói trên./.
|
LÃNH ĐẠO TỔ CHỨC |
______________
1 Đề nghị sửa đổi, bổ sung hoạt động nào thì ghi tên lĩnh vực hoạt động đó (ví dụ: “Đơn đề nghị bổ sung hoạt động đánh giá công nghệ”).
2 Ghi theo ngành (ví dụ: ngành y tế, xây dựng, công thương, giao thông vận tải...).
3 Cách ghi như sau: Hóa học/Sinh học/Cơ lý/Dược phẩm/Điện - điện tử/Vật liệu xây dựng/An toàn sinh học,...). Trường hợp số liệu nhiều thì tổ chức lập thành Phụ lục kèm theo.
4 Ghi theo ngành (ví dụ: ngành y tế, xây dựng, công thương, giao thông vận tải...).
5 Cách ghi như sau: Hóa học/Sinh học/Cơ lý/Dược phẩm/Điện - điện tử/Vật liệu xây dựng/An toàn sinh học,...). Trường hợp số liệu nhiều thì tổ chức lập thành Phụ lục kèm theo.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Tỉnh (thành phố), ngày tháng năm
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐÁNH GIÁ/GIÁM ĐỊNH CÔNG NGHỆ1
Kính gửi: ………………………………………..
1. Tên tổ chức: ......................................................................................
2. Địa chỉ liên lạc: ..................................................................................
Điện thoại:…………………. Fax:…………………. E-mail: .........................
3. Đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ số:……………………… ngày .../.../20.... của (tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận) đối với ngành …………………2, trong lĩnh vực…………………3
4. Lý do đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ: ..........................................
5. Hồ sơ kèm theo:
- ...........................................................................................................
- ...........................................................................................................
Đề nghị (tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận) xem xét cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ cho ……………(tên tổ chức).
Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ, các quy định có liên quan của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khai báo nói trên./.
|
LÃNH ĐẠO TỔ CHỨC |
______________
1 Đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động nào thì ghi tên hoạt động đó (ví dụ: “Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định công nghệ”).
2 Ghi theo ngành (ví dụ: ngành y tế, xây dựng, công thương, giao thông vận tải...).
3 Cách ghi như sau: Hóa học/Sinh học/Cơ lý/Dược phẩm/Điện - điện tử/Vật liệu xây dựng/An toàn sinh học,...). Trường hợp số liệu nhiều thì tổ chức lập thành Phụ lục kèm theo.
(TÊN CƠ QUAN CẤP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………… |
Tỉnh (thành phố), ngày tháng năm |
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐÁNH GIÁ/GIÁM ĐỊNH CÔNG NGHỆ1
Căn cứ Nghị định số ..../2018/NĐ-CP ngày... tháng... năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;
Căn cứ Nghị định/Quyết định số……………………… quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của (tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận);
Xét đề nghị của (tên đơn vị được giao thẩm xét hồ sơ) và/hoặc (tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận), chứng nhận:
1. (Tên tổ chức đánh giá/giám định công nghệ) .......................................
2. Địa chỉ liên lạc: ..................................................................................
Điện thoại:…………………. Fax:…………………. E-mail: .........................
Đã đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá/giám định công nghệ đối với ngành …………………………2, trong lĩnh vực…………………………… 3
2. Số đăng ký: .......................................................................................
|
LÃNH ĐẠO CƠ QUAN |
_____________
1 Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động nào thì ghi tên hoạt động đó (ví dụ: “Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đánh giá công nghệ”).
2 Ghi theo ngành (ví dụ: ngành y tế, xây dựng, công thương, giao thông vận tải...).
3 Cách ghi như sau: Hóa học/Sinh học/Cơ lý/Dược phẩm/Điện - điện tử/Vật liệu xây dựng/An toàn sinh học,...). Trường hợp số liệu nhiều thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận lập thành Phụ lục kèm theo.
TÊN TỔ CHỨC:…………………
DANH SÁCH
CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ/GIÁM ĐỊNH VIÊN CÔNG NGHỆ
CỦA TỔ CHỨC
Danh sách chuyên gia đánh giá/giám định viên công nghệ (đối với tổ chức đánh giá/giám định công nghệ):
STT |
Họ và tên/năm sinh |
Chuyên môn được đào tạo |
Kinh nghiệm công tác (ghi số năm) |
Kinh nghiệm đánh giá/giám định công nghệ (ghi số cuộc) |
Thỏa thuận hợp tác hoặc quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng đã ký |
Ngành, lĩnh vực sẽ thực hiện đánh giá, giám định công nghệ tại tổ chức |
Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
(Tên tổ chức) gửi kèm theo các tài liệu chứng minh năng lực của……………………… (chuyên gia đánh giá/giám định viên công nghệ) đáp ứng yêu cầu quy định tại Nghị định số ……./2018/NĐ-CP ngày.... tháng ….. năm 2018 của Chính phủ và cam đoan các nội dung khai trên là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai./.
|
……….., ngày …… tháng …… năm …… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
TÓM TẮT KINH NGHIỆM HOẠT ĐỘNG ĐÁNH GIÁ/GIÁM ĐỊNH CÔNG NGHỆ
CỦA CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ/GIÁM ĐỊNH VIÊN CÔNG NGHỆ1
1. Họ và tên: ........................................................................................
Địa chỉ liên lạc: ......................................................................................
Điện thoại:…………………. Fax:…………………. E-mail: .........................
2. Quá trình công tác:
TT |
Thời gian |
Nhiệm vụ chuyên môn |
Đơn vị công tác |
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá/giám định công nghệ:
TT |
Thời gian |
Tên tổ chức, doanh nghiệp đã đánh giá/giám định |
Địa chỉ liên hệ, điện thoại, Fax, người đại diện của tổ chức, doanh nghiệp |
Lĩnh vực đánh giá/giám định công nghệ1 |
Kết quả đánh giá/ giám định công nghệ |
|
Từ năm... đến năm... |
|
|
|
|
|
Từ năm... đến năm... |
|
|
|
|
Thông tin khác: .....................................................................................
Tôi cam đoan các thông tin trên là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khai báo nói trên./.
|
………, ngày …… tháng …… năm …… |
______________
1 Đăng ký hoạt động nào thì ghi hoạt động đó (ví dụ: “Tóm tắt kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ của đánh giá viên công nghệ”).
(TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN1) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Tỉnh (thành phố), ngày tháng năm |
BÁO CÁO TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG ĐÁNH GIÁ/GIÁM ĐỊNH CÔNG NGHỆ2
(Từ ngày ..../..../20... đến ngày ..../..../20....)
Kính gửi: Bộ Khoa học và Công nghệ.
1. Tên tổ chức đánh giá/giám định công nghệ: ........................................
2. Địa chỉ: .............................................................................................
3. Điện thoại:…………………. Fax:…………………. E-mail: .....................
4. Tình hình hoạt động
(Tên tổ chức đánh giá/giám định công nghệ) báo cáo tình hình hoạt động đánh giá/giám định công nghệ từ ngày .../..../20... đến ngày ..../..../20... như sau:
a) Nhân sự thực hiện đánh giá/giám định công nghệ:
Chỉ tiêu |
Số lượng |
|
Trong kỳ báo cáo |
Cùng kỳ năm trước |
|
Tổng số chuyên gia đánh giá/giám định công nghệ |
|
|
Kèm theo chi tiết danh sách chuyên gia đánh giá/giám định công nghệ đã tham gia thực hiện đánh giá/giám định công nghệ tại tổ chức.
b) Hoạt động đánh giá/giám định công nghệ trong kỳ báo cáo:
- Tên ngành ………..3, trong lĩnh vực …………………4 đã thực hiện đánh giá/giám định công nghệ trong kỳ báo cáo: .........................
- Số lượng (tương ứng với từng ngành, lĩnh vực chuyên ngành), nội dung công việc đã tiến hành đánh giá/giám định công nghệ: ........
5. Các kiến nghị, đề xuất (nếu có)
a) Những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình đánh giá/giám định công nghệ: ............................................................................................
b) Đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá/giám định công nghệ: ..............................
(Tên tổ chức đánh giá/giám định công nghệ) báo cáo để quý Bộ Khoa học và Công nghệ được biết./.
|
LÃNH ĐẠO TỔ CHỨC |
____________
1 Ghi tên cơ quan chủ quản đối với tổ chức (nếu có)
2 Báo cáo hoạt động nào thì ghi tên hoạt động đó (ví dụ: Báo cáo tình hình hoạt động giám định công nghệ).
3 Ghi theo ngành (ví dụ: ngành y tế, xây dựng, công thương, giao thông vận tải...).
4 Cách ghi như sau: Hóa học/Sinh học/Cơ lý/Dược phẩm/Điện - điện tử/Vật liệu xây dựng/An toàn sinh học,...).
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH…… |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………/…….. |
………., ngày …. tháng … năm …. |
BÁO CÁO TÌNH HÌNH
ĐĂNG KÝ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
(từ ngày... tháng... năm... đến ngày... tháng... năm...)
Thực hiện quy định của Nghị định số .../2018/NĐ-CP ngày...tháng...năm 2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ... xin gửi quý bộ báo cáo tình hình đăng ký chuyển giao công nghệ trong thời gian từ ngày... tháng... năm.... đến ngày... tháng... năm... như sau:
1. Thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ:
a) Tổng số lượng:
b) Tổng giá trị (quy đổi về VNĐ):
2. Thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký sửa đổi, bổ sung chuyển giao công nghệ:
a) Tổng số lượng:
b) Tổng giá trị (quy đổi về VNĐ):
3. Thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn chuyển giao công nghệ:
a) Tổng số lượng:
b) Tổng giá trị (quy đổi về VNĐ):
Chi tiết các thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp Giấy chứng nhận xin gửi kèm theo Công văn này.
4. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất, kiến nghị (nếu có):
Trên đây là báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ..., xin gửi quý bộ để tổng hợp./.
|
GIÁM ĐỐC |
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ: ……………..
CHI TIẾT CÁC THỎA THUẬN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ ĐÃ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ
(từ ngày... tháng... năm... đến ngày... tháng... năm…)
Kèm theo Công văn số: .../... ngày... tháng... năm....
1. Đối với thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ:
TT |
Tên văn bản thỏa thuận CGCN |
Bên giao công nghệ (tên, địa chỉ) |
Bên nhận công nghệ (tên, địa chỉ) |
Tổng giá trị công nghệ chuyển giao (quy đổi về VNĐ) |
Hình thức chuyển giao (dự án đầu tư/mua bán độc lập/hình thức khác (ghi tên hình thức khác) |
Đối tượng công nghệ chuyển giao |
Lĩnh vực công nghệ chuyển giao |
Sản phẩm của công nghệ chuyển giao |
Thời hạn văn bản thỏa thuận CGCN |
Số Giấy chứng nhận.../ ngày cấp |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Đối với thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký sửa đổi, bổ sung chuyển giao công nghệ:
TT |
Tên văn bản thỏa thuận CGCN |
Bên giao công nghệ (tên, địa chỉ) |
Bên nhận công nghệ (tên, địa chỉ) |
Tổng giá trị công nghệ chuyển giao (quy đổi về VNĐ) |
Hình thức chuyển giao (dự án đầu tư/mua bán độc lập/hình thức khác (ghi tên hình thức khác) |
Đối tượng công nghệ chuyển giao |
Lĩnh vực công nghệ chuyển giao |
Sản phẩm của công nghệ chuyển giao |
Thời hạn văn bản thỏa thuận CGCN |
Số Giấy chứng nhận.../ ngày cấp |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Đối với thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn chuyển giao công nghệ:
TT |
Tên văn bản thỏa thuận CGCN |
Bên giao công nghệ (tên, địa chỉ) |
Bên nhận công nghệ (tên, địa chỉ) |
Tổng giá trị công nghệ chuyển giao (quy đổi về VNĐ) |
Hình thức chuyển giao (dự án đầu tư/mua bán độc lập/hình thức khác (ghi tên hình thức khác) |
Đối tượng công nghệ chuyển giao |
Lĩnh vực công nghệ chuyển giao |
Sản phẩm của công nghệ chuyển giao |
Thời hạn văn bản thỏa thuận CGCN |
Số Giấy chứng nhận.../ ngày cấp |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: Giá trị văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ đề nghị quy đổi về đơn vị VNĐ.
TÊN CƠ QUAN BÁO CÁO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……/…….. |
…….., ngày ….. tháng …. năm 20…. |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐÁNH GIÁ, GIÁM ĐỊNH CÔNG NGHỆ
(Từ ngày ... tháng... năm... đến ngày... tháng... năm...)
Kính gửi: Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thực hiện quy định của Nghị định số …/2018/NĐ-CP ngày...tháng...năm 2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, (tên cơ quan báo cáo) xin gửi quý bộ báo cáo tình hình thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ cho các tổ chức trong thời gian từ ngày... tháng… năm.... đến ngày... tháng... năm... như sau:
1. Tổ chức được cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ:
TT |
Tên tổ chức |
Địa chỉ liên hệ (địa chỉ, số điện thoại, email, website,...) |
Đánh giá công nghệ |
Giám định công nghệ |
||
Số Giấy chứng nhận/ngày cấp |
Lĩnh vực |
Số Giấy chứng nhận/ngày cấp |
Lĩnh vực |
|||
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
2. Tổ chức được cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ:
TT |
Tên tổ chức |
Địa chỉ liên hệ (địa chỉ, số điện thoại, email, website,...) |
Đánh giá công nghệ |
Giám định công nghệ |
||
Số Giấy chứng nhận/ngày cấp |
Lĩnh vực |
Số Giấy chứng nhận/ngày cấp |
Lĩnh vực |
|||
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
3. Tổ chức được cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ:
TT |
Tên tổ chức |
Địa chỉ liên hệ (địa chỉ, số điện thoại, email, website,...) |
Đánh giá công nghệ |
Giám định công nghệ |
||
Số Giấy chứng nhận/ngày cấp |
Lĩnh vực |
Số Giấy chứng nhận/ngày cấp |
Lĩnh vực |
|||
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
4. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất, kiến nghị (nếu có):
Trên đây là báo cáo của (tên cơ quan báo cáo), xin gửi quý bộ để tổng hợp./.
|
LÃNH ĐẠO CƠ QUAN BÁO CÁO |
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No: 76/2018/ND-CP |
Hanoi May 15, 2018 |
PROVIDING GUIDELINES FOR CERTAIN ARTICLES OF THE LAW ON TECHNOLOGY TRANSFER
Pursuant to the Law on Organizing the Government dated June 19, 2015;
Pursuant to the Law on Science and Technology dated June 18, 2013;
Pursuant to the Law on Technology Transfer dated June 19, 2017;
Pursuant to the Law on Intellectual Property dated November 29, 2005 and the Law on Amendments to the Law on Intellectual Property dated June 19, 2009;
Pursuant to the Law on Management and Use of Public Property dated June 21, 2017;
At the request of the Minister of Science and Technology;
The Government promulgates the Decree on providing guidelines for certain articles of the Law on Technology Transfer.
GENERAL PROVISIONS
This Decree provides guidelines for Articles 9, 10, 11, 27, 31, clause 3, Article 32, Article 35, 36, 40, 42, 43, clause 3, Article 48 of the Law on Technology Transfer relating to the List of technologies and the management of technology transfer; technology valuation, appraisal and assessment; supporting and encouraging technology transfer and developing the market of science and technology transfer.
The forms and specific methods of technology transfer in agriculture which are specified in clause 2, 3, Article 52 of the Law on Technology Transfer shall be carried out in accordance with other regulations of the Government.
This Decree shall apply to the agencies, organizations and individuals who participate in the technology transfer activities specified in Article 1 of the Law on Technology Transfer.
LIST OF TECHNOLOGIES AND THE MANAGEMENT OF TECHNOLOGY TRANSFER
Article 3. List of technologies encouraged for transfer, list of technologies restricted from transfer and list of technologies banned from transfer.
1. This Decree is enclosed with the following lists of technologies:
a. List of technologies encouraged for transfer (Appendix I);
b. List of technologies restricted from transfer (Appendix II);
c. List of technologies banned from transfer (Appendix III);
2. Based on the economic and social development process and the governance management requirements; the ministries and ministerial agencies shall make and send lists of technologies specified in clause 1 of this Article to the Ministry of Science and Technology in order to have them consolidated by the Ministry and then amended by the Government;
Article 4. Price and payment methods for technology transfer
1. Contracting parties may sign the agreement on one of or certain payment methods as follows:
a. Payment in lump sum or installments in cash or in kind, including the payment method of paying for each unit of issue which is produced by using the transferred technology.
b. Conversion of the technology value into contributions as capital to an investment project or to an enterprise.
If the capital contribution is made by using technology funded by the State (for the technology produced by using state fund or bought by using state fund), the technology shall be valuated in accordance with laws.
c. Payment by percentage (%) of the net selling price.
Net selling price means the total selling price of the product or service produced by using transferred technology (determined based on the sale invoices); less VAT, excise tax, export duty (if any); expenditure on finished–products, spare parts which are imported or bought domestically; expenditure on packages, packaging expenditure, expenditure on transportation of the products to the market and advertising expenditure.
d. Payment by percentage (%) of the net revenue.
The net revenue is determined by using revenues from selling products or services produced by using the transferred technology and by deducting the revenues such as trade discounts, sales discounts and sales returns.
dd. Payment by percentage (%) of the earnings before income taxes.
Earnings before income taxes means the net revenue less the total reasonable expenses associated with production of products or services using the transferred technology sold in the market. Contracting parties may sign the agreement on payment method of using the earnings after income taxes.
e. Contracting parties may combine two or all of the methods specified in clause a, b, c, d and dd of this clause, or use other payment methods which comply with the regulations on technology transfer.
2. If the technology is transferred (the technology is produced by using state fund or bought by using state fund) between contracting parties with one or multiple parties use the state fund, the valuation shall be carried out based on technology valuation consultancy as prescribed by laws.
3. If the technology transfer is carried out between the parties having parent company - subsidiary company relationship and the parties having association relationship as prescribed by the law on taxation, the audit of prices shall be carried out by using the technology valuation method as prescribed by laws and as required by the tax authority.
Article 5. Registration of technology transfer
1. If the technology transfer is not required to be registered according to the regulations in clause 1, Article 31 of the Law on Technology Transfer, but the organizations or individuals still have the need to register for the technology transfer, they shall complete the procedures prescribed in the regulations in clauses 3, 4, 5 and 6 of Article 31 of the Law on Technology Transfer and the regulations hereof.
The effective date of the technology transfer agreement which is specified in this clause shall be agreed by contracting parties. If the parties have not executed this agreement by the time of registration for the technology transfer, this agreement shall come into effect from the date on which the Technology Transfer Registration Certificate is issued.
2. The transferee receiving technology transfer from a foreign country or within Vietnam, or the transferor who transfers technology from Vietnam to a foreign country shall represent both parties to submit the application for registering the technology transfer to the competent authority mentioned in Article 6 hereof.
3. The time limit for issuing the Technology Transfer Registration Certificate:
a. Within 05 working days from the date on which the completed application documents are received as prescribed in clause 3, Article 31 of the Law on Technology Transfer, the competent authority mentioned in Article 6 hereof shall issue a Technology Transfer Registration Certificate to the applicant.
b. If the application is deemed incomplete, within 03 working days from the date on which the application is received, the competent authority shall send a written request to the applicant for providing additional documents.
c. If the contents in the application are required to be amended, within 05 working days from the date on which the application is received, the competent authority shall send a written request to the applicant for additional documents.
d. If the competent authority refuses to issue the certificate, within 05 working days from the date on which the application is received, it shall provide explanation in writing to the parties.
4. The Registration Forms for technology transfer and the Technology Transfer Registration Certificate shall be issued using form No. 1 and form No. 02 in Appendix IV hereto.
Article 6. The authority to issue Technology Transfer Registration Certificate
1. As for the technology transfer through carrying out investment project:
a. The Ministry of Science and Technology shall issue a Technology Transfer Registration Certificate to an investment project in Vietnam which is under the decision on policy of investment of the National Assembly, Prime Minister, ministries and central government authorities as prescribed in the regulations of the law on investment, of the law on public investment and the law on outward investment projects.
b. The Department of Science and Technology shall issue a Technology Transfer Registration Certificate to an investment project within the areas managed in accordance with the decision on policy of investment of the People’s Councils, People’s Committees, Manage Boards of industrial parks, of export processing zones, of hi-tech parks and of economics zones as prescribed in the law on investment and the law on public investment; to the project required to register for Technology Transfer Registration Certificate but is not required to obtain a decision on policy of investment of the regulatory agency; to the cases where the applicants choose to register in accordance with clause 2, Article 31 of the Law on Technology Transfer.
2. As for the independent technology transfer and other forms as prescribed by laws:
a. The Ministry of Science and Technology shall issue a Technology Transfer Registration Certificate to the applicant who transfers technology from a foreign country to Vietnam or from Vietnam to a foreign country.
b. The Department of Science and Technology shall issue a Technology Transfer Registration Certificate to the applicant who transfers technology within Vietnam by using state fund or state budget, and to the applicant who falls into the case mentioned in clause 2 Article 31 of the Law on Technology.
3. The Ministry of National Defense shall issue the Technology Transfer Registration Certificate to the cases where the technology transfer is on the list of national defense secrets or on the list of properties procured by using national defense's special budget.
4. The authority to issue the Certificate of Registration of Technology Transfer Extension (hereinafter referred to as "Extension Certificate”) to the cases mentioned in clause 1 and clause 2, Article 42 hereof shall be carried out in accordance with the regulations in clause 1, 2 and 3 hereof.
5. The Department of Science and Technology shall send a report on the technology transfer process to the Ministry of Science and Technology before December 31 every year; the reporting data shall be made from December 15 of the previous year to December 14 of the reporting year. The report on the technology transfer process shall be made by using form No. 10 in Appendix IV hereto.
Article 7. Reimbursement of supports or incentives
1. The organizations or individuals who received supports or incentives through technology transfer shall reimburse these supports or incentives to the state budget if the Technology Transfer Registration Certificate is nullified in accordance with clause 2, Article 32 of the Law on Technology Transfer.
2. Within 05 working days from the date on which the Technology Transfer Registration Certificate is nullified, the agency that issues this certificate shall send a written notification to the organizations or individuals, financial management agencies at the same level and the competent agencies which make decisions on providing supports or incentives to the organizations or individuals as prescribed by laws, and shall post this notification on its website.
Within 05 working days from the date on which the notification of nullification of the Technology Transfer Registration Certificate is received, the financial management agency and the competent authority which provide supports or incentives for the organizations or individuals shall send a notification to the aforesaid organizations or individuals to request for the reimbursement of supports and incentives as prescribed by laws.
3. Within 20 working days from the date on which the notification of the reimbursement of supports or incentives is received, the organizations or individuals who have the Technology Transfer Registration Certificate nullified shall reimburse the fund in full to the State Budget through the state treasury.
If the organizations or individuals do not reimburse the supports or incentives on time, this case shall be handled in accordance with the relevant regulations of laws.
4. The relevant organizations shall include the report on the process of reimbursement to the state fund budget in their annual final accounts and/or annual financial statements as prescribed by laws.
MEASURES FOR SUPPORTING AND ENCOURAGING TECHNOLOGY TRANSFER, APPLICATION AND INNOVATION, AND SCIENCE AND TECHNOLOGY MARKET DEVELOPMENT
Section 1. SUPPORTING TECHNOLOGY TRANSFER, APPLICATION AND INNOVATION
Article 8. Supports and incentives for enterprises that have projects in investment incentive sectors or geographical areas
1. Conditions for receiving supports:
a. Having a project which belongs to a sector or a geographical area entitled to investment incentives as prescribed in the law on investment;
b. Having a technology transfer agreement or Technology Transfer Registration Certificate (if the enterprise is an entity required to register for the technology transfer);
c. Having the technology transfer which is under the project specified in point a of this clause.
2. Types of support:
a. Lending loans with preferential interest rate and/or granting interest subsidies to the enterprises for carrying out technology transfer.
b. Providing supportive fund for performing science and technology tasks or direct support.
3. The type of supports specified in point b, clause 2 of this Article is used to support the activities in developing and innovating technology, using maximum performance; improving performance and product quality during technology transfer process, including:
a. Being prioritized to be included in the list of tasks carried out to select and provide technology directly, and being prioritized to be supported in accordance with the regulations of the program or fund through science and technology tasks.
b. Being supported for hiring counselors to evaluate the adjustments made to equipment, technology process and production line; to train and improve the enterprise's capacity to adopt and absorb technologies, applicable to direct supports
4. Funding sources:
a. The fund for performing science and technology tasks specified in point a, clause 3 of this Article is allocated from national science and technology programs; from the funds used for developing science and technology of enterprises, ministries, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies or agencies of central-affiliated cities; from the state budget used for science and technology and from other funding sources.
b. The direct funding specified in point b, clause 3 of this Article is allocated from science and technology development funds of ministries, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies and agencies of central-affiliated cities; from the state budget used for science and technology and other legal funding sources.
5. Levels of funding sources:
Aside from being entitled to investment incentives which are provided for a sector or a profession as prescribed in the law on investment, the enterprise shall be entitled to the following levels of funding sources:
a. The levels of funding sources prescribed in current regulations shall apply to the sources specified in point a, clause 4 of this Article.
b. The loans used for transferring technology of the project shall be granted an interest subsidy of up to 2% per year by the National Technology Innovation Fund or Science and Technology Development Fund of the ministries, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies or agencies of central-affiliated cities,
c. If an enterprise takes out loans to transfer technology of a project, it shall receive loans with preferential interest rates as prescribed in the regulations of the funds or credit institutions which provide concessional loans.
Article 9. Authorization and procedures for assisting enterprises that have projects belonging to investment incentive sectors and geographical areas to receive technology transfer from science and technology organization.
1. Application documents for financial supports:
a. As for the financial support request regarding science and technology tasks carried out to transfer technology, the application documents shall include:
- Documents as prescribed in the Law on Science and Technology and the documents on providing guidelines for science and technology tasks.
- A technology transfer agreement or Technology Transfer Registration Certificate (if the entity must register for the technology transfer).
b. As for the request for receiving preferential loans or interest subsidies regarding the technology transfer of an investment project, the application documents shall include:
- The documents prescribed in the regulations of the credit institution which provides concessional loans and interest subsidies.
- A technology transfer agreement or Technology Transfer Registration Certificate (if the entity must register for the technology transfer).
- An explanation report on the expected technology transfer efficiency including the reports on the economic effects and other effects from the technology transfer (applicable to the interest subsidies provided after carrying out the investment project)
2. Authorization and procedures:
a. As for the supports from the national science and technology programs, science and technology development funds of enterprises, departments, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies or agencies of central-affiliated cities; state budget fund used for science and technology, the authorization and procedures for receiving these supports shall be carried out in accordance with the Law on Science and Technology and with the documents on providing guidelines for science and technology tasks.
b. As for the funding allocated from the local budget, the authorization and procedures for receiving supports shall be carried out in accordance with the regulations of the regulatory agency of the province.
c. As for other legal funding sources, the authorization and procedures shall be carried out in accordance with the current laws.
Article 10. Science and Technology Development Funds of the enterprises
1. The investment contents of the science and technology development fund of the enterprise mentioned in clause 2, Article 35 of the Law on Technology Transfer shall include:
a. Investment in and counterpart funds for innovative startups.
b. Technology innovation, technology incubation, science and technology business incubation, and commercialization of findings on scientific research and technological development.
c. Reverse engineering and investment in technical facilities for reverse engineering.
d. The hire of domestic or foreign organizations or individuals for counseling and managing the investment activities of the enterprise's science and technology development fund as prescribed in the agreement between both parties.
2. The investment and counterpart fund for innovative startups shall be carried out under the following forms:
a. Contribute capital for establishing an innovative startup enterprise.
b. Purchase holdings and contributed capital of the innovative startup enterprise.
c. Contribute capital to the innovative startup investment fund.
d. Cooperate in business.
3. The activities of investment and counterpart fund specified in clause 2 of this Article shall be carried out in the main field or business lines of the enterprise and shall comply with the regulations in the Law on Investment, Law of Enterprises and the Law on Provision of Assistance for Small and Medium-seized Enterprises, and other relevant laws.
4. The State Enterprise shall carry out the activities specified in clause 2 of this Article and shall comply with the regulations on managing and using state budget to invest in the enterprise's production and business.
Article 11. Using property rights in loan transactions
1. The following rights may be put up as a security for a loan to execute the projects of science and technology, start an innovative business, develop production and business based on the R&D findings (hereinafter referred to as “R&D findings”).
a. The ownership right and the right to use science and technology task outcomes as prescribed by the law on science and technology, the law on managing and using public properties whose value may be determined are considered as property rights.
b. The right to own or the right to use objects of intellectual property in accordance with laws on intellectual property may be valuated is considered as property right.
c. Other rights arising from science and technology task outcomes and intellectual property objects whose value may be determined are considered as property rights.
2. Conditions and procedures for using property rights as prescribed in clause 1 of this Article as a security for loan transactions shall be implemented in accordance with the law on secured transactions, the law on management and the operation regulation of the institutional lenders.
Article 12. Encouraging cooperation between enterprises and authorities or organizations or individuals in developing technology innovation projects, innovative startups, or upgrading infrastructure facilities to serve science and technology development and general research activities.
1. Enterprises that cooperate with the authorities, organizations or individuals to develop technology innovation projects or innovative startups shall:
a. Be supported as prescribed in Article 8 hereof for the technology innovation projects having a technology transfer agreement or a Technology Transfer Registration Certificate (if the entities must register for technology transfer) and belonging to investment incentive sectors and geographical areas.
b. Be entitled to the supports which are specified in point a, b, c, clause 1, Article 15 hereof and are given to the individuals who participate in technology innovation projects
c. Be prioritized to include science and technology task in the list of tasks of National Technology Innovation Program, science and technology programs which support technology innovation and innovative startups, and science and technology development funds of departments, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies and agencies of central-affiliated cities.
d. Be allowed to hire technological labor, carry out a survey on market demand, hire equipment, use laboratories and technical bases for completing and developing products and business model for innovative startups which receive initial investments from the investors or organizations supporting the startups.
2. Enterprises that cooperate with the authorities, organizations or individuals to execute the project on investing and developing infrastructure facilities to serve science and technology development shall:
a. Be prioritized to invest in high-tech park under the projects which satisfy the conditions for high technology.
b. Be encouraged to engage in public-private partnership and be entitled to incentives as prescribed in the law on investment regarding the projects on research activities, manufacture, experimental production, technology incubation, and science and technology business incubation. The project execution shall be carried out in accordance with the law on investment and under the form of public-private partnership.
c. Be entitled to financial supports for repairing and using incubation facilities, technical facilities, common working areas in innovative incubation and startups; investment in equipment commonly used for innovative incubation and startups; installation of information technology infrastructure and internet services free of charge for incubation and technical facilities, common working areas.
3. Enterprises that cooperate with the authorities, organizations or individuals to develop general research projects shall:
a. Be prioritized to include the bilateral or multilateral cooperation programs in the list of science and technology tasks regarding the general cooperation research whose participated entities are foreign organizations or individuals.
b. Be supported to announce new technologies and new products from the outcomes of general cooperation research which is stipulated in Article 26 hereof.
c. Be supported to develop and use the R&D findings as prescribed in Article 24 hereof.
d. Be considered for receiving financial supports if they satisfy the regulations in Article 19 hereof.
Article 13. Providing supports and incentives for enterprises that invest in material - technological facilities to serve reverse engineering and for organizations or individuals who carry out reverse engineering.
1. Investment in material - technical facilities for reverse engineering, including: Investment in laboratories, specimen analysis, modeling and simulation, experiment evaluation, mechanical factory, testing and modeling
2. The enterprises that carry out one of the activities specified in clause 1 of this Article shall be entitled to the following incentives and supports:
a. Receive financial supports, guarantees for loans or interest subsidies from the National Technology Innovation Fund or credit institutions.
b. Be prioritized to invest in high-tech park.
3. The organizations or individuals who carry out the reverse engineering activities shall be entitled to the following supports and incentives:
a. Receive financial supports, guarantees for loans or interest subsidies from the National Technology Innovation Fund or credit institutions.
b. Receive incentives as prescribed in the law on taxation for the machines, equipment, components, materials, specimens which are not yet created domestically with the aim to directly serve reverse engineering.
c. The products created from reverse engineering shall be encouraged to use in the investment project funded by state budget and shall be prioritized in bidding for purchase and supply of public products and services.
d. Receive training support to improve the enterprises' capacity to absorb and acquire technology.
dd. The project on reverse engineering shall be prioritized to be included in the list of science and technology tasks of the program, scheme, science and technology fund.
4. Eligible conditions for receiving supports or incentives of the organizations or individuals who carry out inverse engineering activities:
a. The technology required to perform reverse engineering shall be high technology, advanced technology and clean technology which serve the implementation of national and regional social-economic development plans and/or strategies. <0
b. The reverse engineering serving national defense and security tasks shall be carried out in accordance with the regulations on national defense and security tasks.
5. Supports for performing science and technology tasks:
a. Purchase and import specimens (products, technologies, designs, equipment and systems which are required to perform reverse engineering) for serving reverse engineering.
b. Hire professionals for carrying out counseling, searching and providing technical support and technical labor to serve reverse engineering.
c. Use laboratory system, perform measurement, experiment and evaluation of standards and technical regulations for serving reverse engineering.
d. Other supports prescribed in the document on guiding the funding sources specified in clause 6 of this Article.
6. The funding sources for performing science and technology tasks shall be allocated from the National Technology Innovation Program, science and technology funds of enterprises, departments, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies and agencies of central-affiliated cities, state budget used for science and technology and other fundings from legal sources.
7. The funding sources through science and technology tasks shall be allocated from the National Technology Innovation Program, science and technology funds of enterprises, departments, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies and agencies of central-affiliated cities, state budget used for science and technology and other fundings from legal sources.
Authority, procedures and support levels of fundings allocated from legal sources shall be carried out in accordance current regulations.
Article 14. Science and technology organizations which associate with local organizations to apply or transfer technology for developing findings from scientific research and technology development in conformity with local features
1. Science and technology organizations which own the R&D findings and associate with local organizations for applying or transferring technology shall receive supports through science and technology tasks such as:
a. Searching and hiring professionals to analyze and evaluate the R&D findings and ensuring that the technology transfer and application are in conformity with local features.
b. Carrying out research or experiment to develop R&D findings; develop technology process and production lines.
c. Other supports prescribed in the document on guiding the funding sources specified in point a, clause 2 of this Article.
2. Funding sources and support levels:
a. The funding sources for performing science and technology tasks shall be allocated from national science and technology programs, science and technology funds of enterprises, departments, ministerial agencies, governmental agencies. provincial agencies and agencies of central-affiliated cities, from state budget used for science and technology and fundings from other legal sources.
b. The support levels shall apply in accordance with the document on guiding the funding sources specified in point a of this clause.
3. Authorization and procedures:
a. Application shall consist of:
- The documents prescribed in the Law on Science and Technology and documents on providing guidelines on science and technology tasks.
- Proof of the legal ownership right to R&D findings, if there is a proof.
b. Authority and procedures shall be carried out in accordance with the Law on Science and Technology and other documents on providing guidelines for science and technology tasks.
The authority, procedures and support levels from other legal sources shall be carried out in accordance with current regulations.
4. Science and technology organizations which associate with local organizations to apply or transfer technology for bringing R&D findings into conformity with local features.
Article 15. Supporting individuals who work at research institutions and higher educational institutions and do research on technology transfer, application and/or innovation at manufacturing facilities and business establishments
1. Individuals who work at research institutions and higher educational institutions and do research on technology transfer, application and innovation at the manufacturing facilities and business establishments shall receive the following supports:
a. Receive the same incentives as high-tech labor force of enterprises as prescribed in the regulations of clause 10, Article 3 of the Law on High Technology while working at the enterprises which manufacture the products on the list of high technology.
b. Be prioritized to participate in the training courses in improving the capacity to absorb and acquire technology.
c. Be prioritized to be included in the professional database of science and technology.
d. As for the individuals who work at research institutions or higher educational institutions, their time working at the enterprises shall be included in the time-fund for scientific research.
2. Individuals who work at research institutions or higher educational institutions and do research on technology transfer, application and innovation at the manufacturing facilities and business establishments shall receive incentives and supports from the State if they:
a. Work at research institutions and satisfy the training standards and receive professional qualifications to become researchers, engineers or technicians or above as prescribed in the regulations on codes and standards of occupational title for officers of science and technology.
b. Work at research institutions and satisfy the training standards and receive professional qualifications to become lecturers or above as prescribed in the regulations on codes and standards of occupational title for professors working at higher educational institutions.
Section 2. SUPPORTING AND ENCOURAGING THE DEVELOPMENT OF SCIENCE AND TECHNOLOGY MARKET
Article 16. Handing over the ownership right of science and technology task outcomes which are funded by the State
1. The asset valuation results determined from science and technology task outcomes which are owned by the State as prescribed in the law on managing and using public property, are the bases for the competent authority to consider the decision on handing over the ownership right of science and technology task outcomes.
2. Procedures for handing over science and technology task outcomes funded by the State shall be carried out as prescribed in the law on managing and using public property.
Article 17. Dividing profits accrued from the commercialization of R&D findings funded by state budget
Profits accrued from the commercialization of R&D findings funded by state budget shall be divided as follows:
1. As for the R&D findings which are subjected to intellectual property rights protection, the payment for the authors shall be made in accordance with the law on intellectual property.
2. As for the findings from scientific research and technology development which are not subjected to intellectual property rights protection, the payment for the authors shall be made in accordance with the law on science and technology.
3. The intermediaries and agents shall receive the divided profits agreed between both parties but these profits shall not exceed 10%. If both parties do not make an agreement on the profits, they shall receive a level of 10%.
4. If the parties are requested to distribute a part of their profits to the State while handing over the ownership rights, these profits shall be divided in accordance with the law on managing and using public property.
5. After dividing the profits to relevant parties, the presiding entity shall be allowed to use the remained profits as follows:
a. Use up to 50% of the profits to invest in science and technology activities; provide or add them to science and technology development funds.
b. The remained profits shall be used for commendation, benefits and development investment of the presiding entity.
Article 18. Recognizing findings from scientific research and technology development which have been self-financed and performed by organizations or individuals
1. The organizations or individuals who request the recognition of R&D findings shall send an application in person or by post to the competent authority (01 written application and 01 electronic application) The application shall consist of:
a. An application form of the organizations or individuals requesting recognition of R&D findings.
b. A proof of the legal ownership to R&D findings, or a written commitment in case where there is no proof.
c. A description of the characteristics, technical, economic-social and environmental effects of the R&D findings (drawings, designs, process description, maps, survey results, analysis and evaluation and experiment results).
d. Documents on the R&D findings which have been transferred and applied successfully in reality.
dd. The following documents (if any): A document on the onions of organizations or individuals on the effects of technology application in reality, rewards; documents on intellectual property rights, standards, measures and quality, and other documents.
2. The authorities competent to recognize the findings are ministries and ministerial agencies by their fields of management or People’s Committees of provinces where the findings are transferred or applied.
3. Procedures for considering and evaluating application shall be carried out in accordance with the regulations in clause 6, Article 20 hereof.
4. The evaluation contents regarding the applications of the organizations or individuals:
a. The compliance with regulations on ownership of R&D findings.
b. The contents and measures for doing research and experiment, for transferring and applying technologies; characteristics and technical effects of the R&D findings in specific fields.
c. Scope, application scale, transfer; economic-social values, environment, national defense and security in specific conditions of the whole country or the provinces.
5. The competent authority shall revoke the document on recognizing R&D findings if:
a. There is untrue information or falsified document attached in the application; or there is violation of the intellectual property rights or ownership rights regarding the R&D findings.
b. There is violation during the consideration and recognition processes.
6. The Ministry of Science and Technology promulgates the forms for completing the procedures specified in this Article.
Article 19. Providing financial supports and purchasing the R&D findings which have been self-financed or performed by the organizations or individuals
1. The R&D findings which have been performed, transferred and applied effectively in reality by organizations or individuals, approved by the competent authority and are significant in the economic-social development process of the country, province, national defense and security shall be considered and purchased in accordance with the regulations on procurement funded by the state budget.
2. The R&D findings shall be considered and supported financially by the competent authority if:
a. The R&D findings are transferred and applied effectively in reality and approved by the competent authority.
b. The R&D findings are transferred and applied effectively in reality within 03 years from the moment they are applied and transferred. .
c. If the R&D findings are included in the list of technologies encouraged for transfer.
d. The organizations or individuals requesting the supports now have a plan on commercializing the R&D findings.
3. The supports provided for organizations or individuals who own the R&D findings shall satisfy the regulations in clause 2 of this Article under the following forms:
a. Financial supports
b. Supports provided through performing science and technology tasks.
4. Supportive funding sources or purchase of R&D findings funded by state budget; programs and schemes managed by departments, sectors and localities.
Article 20. Authorization and procedures for providing financial supports and purchasing R&D findings
1. The organizations or individuals who request the State to provide financial supports and purchase the R&D findings shall send an application in person or by post to the competent authority (01 written application and 01 electronic application)
2. Application documents for financial supports:
a. An application form, enclosed with a written explanation.
b. A document of a competent authority recognizing the R&D findings.
c. Documents specifying the R&D findings which have been applied and transferred within 03 years.
3. Application documents for purchase of technologies:
a. The documents specified in point a, b, clause 2 of this Article.
b. A recommendation document of the agencies and/or organizations on the necessary to make purchases and the plan for managing, developing and transferring the R&D findings.
4. Evaluating the application of organizations or individuals before considering the financial supports and purchasing the R&D findings:
a. The recommending application shall satisfy the conditions specified in clause 1, Article 19 hereof; the practicality of the plan on managing, developing and transferring the R&D findings.
b. The application for financial supports shall satisfy the conditions specified in clause 2, Article 19 hereof.
5. The competent authorities who consider and evaluate the application shall be ministries, ministerial agencies by their areas of management; People’s Committees of the provinces where the R&D findings are applied.
6. The procedures for consideration and evaluation:
a. Within 03 working days from the date on which the application is received, the competent authority shall send a notification of the evaluation results and a request for amendments (if any) to the applicants. If the application is deemed unsatisfied, there must be a written explanation.
b. Within 15 working days, the competent authority shall evaluate the application through the evaluation council. The evaluation council shall be comprised of 07 to 09 members, including the representatives of the managing agencies and professionals in relevant fields.
c. Within 07 working days from the date on which the evaluation result of the council is received, the competent person shall approve the application for providing supports and making purchases. If the application cannot be approved, there must be a written explanation.
d. The costs for evaluating applications shall be estimated in the budget of departments, sectors and localities.
7. The R&D findings which have been approved to be purchased or supported shall be published on website and sent to the applicants and the local agencies managing science and technology.
8. Purchases and supports:
a. The purchases of R&D findings shall be carried out in accordance with the regulations on purchase funded by the state and other relevant regulations.
b. Financial supports shall be provided in accordance with the law on science and technology and other relevant programs and/or schemes.
9. The Ministry of Science and Technology promulgates the forms for completing the procedures specified in this Article.
Article 21. Purchasing and doing research on perfecting inventions or initiatives which have been transferred to enterprises for applying them in reality and disseminated to people.
1. Inventions or initiatives which have been applied effectively in small scale shall be considered for purchasing by the State and transferred to enterprises for applying them in reality and disseminated to people in accordance with the law on purchases funded by the state.
2. The organizations or individuals who have inventions or initiatives which have been applied effectively in a small scale shall be prioritized to participate in research programs or schemes which are managed by departments, sectors or localities for perfecting, transferring and expanding scale.
Article 22. Procedures for purchasing inventions or initiatives
1. The organizations or individuals who request the State to purchase inventions or initiatives shall send an application in person or by post to the competent authority (01 written application and 01 electronic application) The application shall consist of:
a. An application form for requesting the State to purchase inventions or initiatives.
b. A patent and a certificate of initiative.
c. Documents proving the effective application of the inventions or initiatives in reality and the capacity to expand the applying scale.
d. A recommendation document of the agencies or organizations on the necessity to purchase inventions or initiatives and a plan on managing, developing and transferring them.
2. Evaluating applications from organizations or individuals before considering to purchase the inventions or initiatives:
a. Validity, scope of protection, contents of measures of protected inventions; contents of initiatives recognized by competent authority.
b. Actual application effects of inventions or initiatives; demand of the enterprises or publics; conditions and inventions’ or initiatives' capacity to expand application scale.
c. The ability to apply inventions or initiatives to provide social benefits in production, provide products and public services; serve national defense and security; protect environment and people's health;
3. Authority and procedures for considering and evaluating applications shall be carried out in accordance with clause 5, 6, Article 20 hereof.
4. The responsibility to announce inventions or initiatives satisfying the conditions for making purchases shall be taken in accordance with clause 7, Article 20 hereof.
5. The purchase of inventions shall be carried out in accordance with the law on purchases funded by the state and other relevant laws
6. The Ministry of Science and Technology promulgates the forms for completing the procedures specified in this Article.
Article 23. Collecting, evaluating, selecting, recognizing and announcing the R&D findings to serve the demand for innovation of organizations or individuals who work in decentralization careers
1. The collection, evaluation, selection and announcement of R&D findings shall be carried out in accordance with the law on science and technology information activities to serve the demand for innovation of organizations or individuals.
2. The recognition of R&D findings which are funded by state budget shall be granted in accordance with the law on science and technology; as for the R&D findings which have been self-financed and performed by organizations or individuals, the recognition of these findings shall be granted in accordance with the regulations in Article 18 hereof.
3. The funding sources for collecting, evaluating, selecting, recognizing and announcing R&D findings shall be estimated in the budgets of departments, sectors or localities and other legal funding sources.
Article 24. Encouraging the development and use of R&D findings and technological ideas
1. The State shall provide information on science and technology free of charge for the following entities:
a. Science and Technology enterprises and hi-tech enterprises
b. Individuals, groups of individuals who carry out the project on innovative startups, and innovative start-up enterprises.
c. Organizations that support innovations and innovative start-ups; technology incubators; science and technology business incubators and high-tech business incubators.
2. The entities specified in clause 1 of this Article shall be prioritized to participate in programs or schemes supporting the collection of information about science and technology, development of inventions, discover of intellectual property and commercialization of R&D findings.
Article 25. Priority to establish industrial property rights, certification and registration of new products or new technologies
The regulatory agencies shall have the authority to make priority consideration when they:
1. Establish industrial property rights for organizations or individuals who own the R&D findings for establishing and developing science and technology enterprises, high-tech enterprises, and innovative start-up enterprises.
2. Issue certificates and approve registrations of new products or new technologies for organizations or individuals who conduct application, transfer and commercialization.
Article 26. Announcing new technologies and new products which are produced in Vietnam based on the R&D findings
1. The organizations or individuals who request the evaluation and assessment of new technologies and new products shall send an application in person or by post to the competent authority (01 written application and 01 electronic application). The application shall consist of:
a. An application form requesting the evaluation and assessment of new technologies and new products,
b. A proof of the legal ownership rights to new technologies or new products, or a written commitment if there is no proof.
c. A description of characteristics, technical effects, quality, comparison on features of technologies, imported products with the same quality or are used in foreign countries.
d. A report on the application results of new technologies or new products.
dd. The following documents (if any): A document on the opinions of organizations or individuals on the actual application effects and rewards, documents on intellectual property rights, standards, measures and quality, and other documents.
2. The evaluation and assessment contents are about:
a. The compliance with regulations on ownership rights, intellectual property rights; standards, measures and quality; testing results; and conditions of registration.
b. Comparison on the prices between new technologies or new products and imported technologies or imported products.
c. Characteristics, technical effects, quality, comparison on features of technologies, imported products with the same quality or are used in foreign countries.
c. Scope, application scale, transfer; economic-social values, environment, national defense and security in specific conditions of the whole country or the provinces.
3. Procedures for considering and appraising application shall be carried out in accordance with the regulations in clause 6, Article 20 hereof.
4. The Ministry of Science and Technology shall decide to announce new technologies or new products which are produced in Vietnam but have the same quality with imported technologies or imported products and shall post this announcement on its website.
5. Encouraging agencies and organizations to use new technologies or new products, which are produced in Vietnam and announced in accordance with clause 4 of this Article, in the investment project funded by state budget; in procurement and when providing public products and services.
6. The Ministry of Science and Technology promulgates the forms for completing the procedures specified in this Article.
Article 27. Developing created technologies and improving national key products
1. Domestic organizations or individuals who produce technologies based on the R&D findings to produce national key products shall be considered for receiving financial supports or having their findings purchased in accordance with Article 19 and Article 20 hereof.
2. Transferees of created technologies for developing technologies and improving national key products shall be prioritized to carry out science and technology tasks.
3. Aside from the expenditures specified in current regulations, organizations or individuals who carry out science and technology tasks for developing technologies and finishing national key products shall also be provided with financial supports for purchasing copyrights and software tools; plans, domestic animals; equipment, technical documents, information on intellectual property rights; technical know-how; importing prototypes for analysis and reverse engineer performance; hiring domestic or foreign professionals for evaluating technologies and performing reverse engineering.
4. Organizations or individuals who transfer, apply and perfect technologies for producing national key products shall receive incentives on credits, tax and land use, and supports for commercial enhancement and market development as prescribed in the regulations of national science and technology programs and of other programs or schemes managed by departments, sectors or localities.
5. Funding sources:
a. The fundings used for providing financial supports or purchasing findings and are specified in clause 1 of this Article shall be allocated from state budget and programs or schemes managed by departments, sectors or localities.
b. The fundings specified in clause 3 of this Article shall be allocated from state budget used for science and technology activities and from science and technology development funds of departments, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies and agencies of central-affiliated cities; from national programs for science and technology; from other programs or schemes which are managed by departments, sectors or localities and from other legal funding sources.
6. Authorization and procedures:
a. The regulations specified in clause 1 of this Article shall be implemented in accordance with the regulations in Article 20 hereof.
b. The regulations specified in clause 2 and 3 of this Article shall be implemented in accordance with the Law on Science and Technology and documents providing guidelines for science and technology tasks.
c. The regulations of other programs or schemes managed by departments, sectors or localities shall be implemented in accordance with current regulations.
Article 28. Providing training support to improve enterprises' capacity to absorb and acquire technology
1. Training support provided to improve enterprises’ capacity to absorb and acquire technology includes: technology management training, new technologies updates and technology search; technology negotiation and transfer; operator skills; effective technology development; technology adaptation and innovation; reverse engineering; professional development on designing; product development using technology and other contents complying with the process of economic-social development.
2. Support activities carried out to train and improve the enterprises' capacity to absorb and acquire technology:
a. Inspecting, surveying and evaluating the training demand of enterprises; surveying and evaluating the impacts and effects of training activities; carrying out activities to manage, inspect, evaluate the training process of enterprises nationwide.
b. Designing framework of training programs for the contents specified in clause 1 of this Article.
c. Developing training programs and plans, and writing training contents and materials; printing textbooks to serve the training activities.
d. Training lecturers and freelancers who participate in training courses for enterprises.
3. Types of training including concentrated training provided in enterprises, on the internet or other types.
4. The supportive fundings shall be allocated from science and technology career funds, science and technology development funds of enterprises, departments, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies, agencies of central-affiliated cities; from national science and technology programs and other programs or schemes managed by departments, sectors or localities.
5. Authority, procedures and support levels shall comply with the regulations of the Law on Science and Technology and the documents which provide guidelines for fundings used for science and technology career, science and technology development funds of departments, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies and agencies of central-affiliated cities; and national science and technology programs.
Authority, procedures and support levels of supportive fundings of other programs or schemes managed by departments, sectors or localities shall comply with the current regulations.
Article 29. Training and encouraging organizations or individuals to participate in the commercialization of R&D findings, and in the development of science and technology market
1. Entities eligible for training:
a. Organizations or individuals who own the R&D findings and can be used for commercialization.
b. Organizations or individuals who support the commercialization of R&D findings.
c. Organizations or individuals who manage the commercialization activities and support the commercialization of R&D findings.
2. Conditions for the organizations providing trainings:
a. The organizations shall train and provide knowledge relating to the commercialization of R&D findings and relating to the development of science and technology market.
b. Having personnel, professionals and freelancers who have suitable qualifications for the training which is provided to commercialize the R&D findings and to develop science and technology market.
c. Having suitable frameworks of training programs for serving the purposes and actual needs of the entities receiving the trainings who are approved by the departments, sectors or localities.
3. Supports:
a. Hire domestic or foreign professionals; purchase copyrights, software and data for serving the training programs which are provided to commercialize the R&D findings, to consult, promote technology transfer, evaluate technology, make valuation and carry out technology assessment.
b. Write and publish technical documents, forms and guidelines on the commercialization of R&D findings and of intellectual property; provide consultancy, promote technology transfer, evaluate technology, make valuation and carry out technology assessment.
c. Provide trainings in Vietnam or in foreign countries and on the internet for commercializing the R&D findings and intellectual property; provide consultancy, promote technology transfer, evaluate technology, make valuation and carry out technology assessment.
4. Encouraging organizations or individuals to participate in the commercialization of R&D findings by supporting the competitions, celebrations for honoring and giving awards to the organizations or individuals who have great achievements in applying, transferring and innovating technology, who have innovative start-ups and commercialize the R&D findings.
5. Fundings shall be allocated from science and technology funds, national science and technology programs and other programs or schemes managed by departments, sectors or localities.
6. Authority, procedures and support levels shall comply with the regulations of the Law on Science and Technology and the documents providing guidelines for science and technology career funds, and national science and technology programs.
Authority, procedures and support levels of supportive fundings of other programs or schemes managed by departments, sectors or localities shall comply with the current regulations.
Article 30. Supporting the development of intermediaries of science and technology market
1. Entities eligible for supports:
a. Organizations that provide the following services: consultancy, promotion of technology transfer, appraisal, valuation and assessment.
b. Organizations that provide connection services to support other parties in technology-related transactions including: R&D support, technology commercialization; intellectual property, standards, measurement, quality; investment consultancy, trade promotion, startup support, technology incubation, enterprise incubation; SMEs’ support; cooperatives alliance; industry associations.
2. Contents of supports:
a. Allowed to use national database of technology, technology products, R&D findings, intellectual property, startup ecosystem and innovation ecosystem.
b. Look up, collect and provide technology information, intellectual property, standards, measures, quality, technology professionals and technology demand; build database and data mining equipment for science and technology serving the state management.
c. Provide consultancy and encourage technology transfer; disseminate R&D findings, technological ideas.
d. Hold and participate in events in Vietnam or in foreign countries for encouraging technology market development and commercializing inventions and innovative startups.
dd. Hire domestic or foreign professional consultants; provide trainings for intermediaries, encourage technology transfer; carry out appraisal and assessment for technology and provide technology assessment; manage intellectual property; commercialize R&D findings; support innovative startups.
3. The supports shall be carried out through the project on improving capability of intermediaries.
4. Fundings shall be allocated from science and technology career funds, national science and technology programs, and other programs or schemes managed by departments, sectors or localities.
5. Authority, procedures and support levels shall comply with the regulations of the Law on Science and Technology and the documents providing guidelines for science and technology career funds, and national science and technology programs.
Authority, procedures and support levels of fundings of other programs or schemes managed by departments, sectors or localities shall comply with the current regulations.
Article 31. Supporting and improving information exploitation ability to serve the organizations that provide technology transfer services
1. Developing technology information sources, including:
a. Information on intellectual property;
b. Information technology database and tools used for analysis, technology appraisal, technological levels, forecast of technology trends, building technology map, technology roadmap.
c. Database of science and technology experts sorted by specialties for intensive consultancy upon requests.
2. Ministry of Science and Technology shall:
a. Take charge and cooperate with departments, sectors or localities to implement the regulations in point 1 of this Article.
b. Enable enterprises, business associations, industry associations, cooperatives; service providers of intellectual property, technology transfer, investment promotion or trade promotion to access and exploit technology information and is funded by state budget.
3. Procedures for providing technology-related information:
a. Provide technology-related information in person at the head offices, technology trade fairs; conferences, specialized seminars and technology forums; provide trainings and contact the enterprises directly in person.
b. Provide information online and in other forms.
AUTHORIZATION, PROCEDURES AND OPERATING CONDITIONS OF THE ORGANIZATIONS CARRYING OUT TECHNOLOGY APPRAISAL, VALUATION AND ASSESSMENT.
Article 32. Specific conditions for the organizations making technology valuation
1. The organization making technology valuation shall satisfy the following conditions:
a. Has a Certificate of eligibility to provide technology valuation service proving the organization's ability to make valuations in accordance with the law on business valuation for enterprises; a certificate of science and technology operation registration.
b. Have at least 02 valuers who have completed the program for updating information on technology valuation and intellectual property valuation provided or approved by the Ministry of Science and Technology.
2. A certificate of valuation made by the valuer who satisfies the conditions in clause 1 of this Article.
3. The Ministry of Science and Technology shall post the list of organizations which satisfy the conditions for carrying out business valuation on its website.
Article 33. Conditions for issuing Certificate of eligibility to provide technology appraisal service
When applying for the business valuation certificate, the science and technology enterprises or organizations shall satisfy the following conditions:
1. Be established and registered for business operation as prescribed by laws.
2. Have at least 02 professionals who have 3 years of experience or more in a suitable technology filed for carrying out appraisal for the provided technology.
If there is a need to add more suitable technology fields, the organizations or enterprises shall have at least 02 professionals who have experience in these fields for carrying out appraisal and satisfying the conditions specified in this clause.
3. Have their own technology valuation measures and process.
Article 34. Procedures for issuing the Certificate of eligibility to provide technology appraisal service
1. Issuing the Certificate of eligibility to provide technology appraisal service
a. The organization that registers for the Certificate of eligibility to provide technology appraisal service shall send 01 set of application to the competent authority mentioned in Article 39 hereof in person or by post.
b. If the application is deemed incomplete, within 03 working days from the date on which the application is received, the competent authority shall send a written notification to the applicant requesting the amended documents.
c. Within 10 working days from the date on which the completed application is received, the competent authority shall issue the Certificate of eligibility to provide technology appraisal service to the applicant, using form No. 06 in Appendix IV hereto; if the application is refused, the competent authority shall provide explanation in writing.
2. Amendments to Certificate of eligibility to provide technology appraisal service:
a. The amendments shall be made if the organization which is issued with the Certificate of eligibility to provide technology appraisal service add, expand or narrow the suitable technology fields or change their professionals.
b. The procedures for registering the Certificate of eligibility to provide technology appraisal service shall comply with the regulations in clause 1 of this Article. The certificate shall be issued using form No. 06 in Appendix IV hereto.
3. Re-issuance of Certificate of eligibility to provide technology appraisal service:
a. The reissuance shall be carried out for the organization which has been issued with the Certificate of eligibility to provide technology appraisal service but has lost it or damaged it or changed their name or address.
b. Within 10 working days from the date on which the completed application is received, the competent authority shall reissue the Certificate to the applicant, using form No. 06 in Appendix IV hereto; if the application is refused, the competent authority shall provide explanation in writing.
Article 35. Application documents required for the issuance of Certificate of eligibility to provide technology appraisal service
1. Application documents required for issuance of the Certificate of eligibility to provide technology appraisal service:
a. An application form for the Certificate of eligibility to provide technology appraisal service, using form No. 03 in Appendix IV hereto.
b. The establishment license of the applicant, business registration certificate or investment license (if
the applicant sends the application in person, he/she shall submit the certified true copies of these licenses or certificate, or the copies enclosed with the originals; if the application is sent via post office, the applicant shall submit the certified true copies).
c. A list of professionals who carry out technology appraisal, in which there is information about their names, dates of birth, education, training fields and the number of years working in technology appraisal field; enclosed with the following documents which are related to each professional: An agreement between the professional and the organization; a certified true copy of his/her degree as prescribed in clause 2, Article 33 hereof; a summary of his/her experience in carrying out appraisal and documents proving his/her experience in carrying out appraisal.
A list of professionals who carry out technology appraisal and a summary of their experience in providing such appraisal service, using form No. 07 and No. 08 in Appendix IV hereto.
d. A description of technology appraisal measures or process related to each technology field which requires technology appraisal.
2. Additional documents provided for amending the Certificate of eligibility to provide technology appraisal, including:
a. An application form requesting amendments to the Certificate of eligibility to provide technology appraisal, using form No. 04 in Appendix IV hereto.
b. An amended list of professionals who carry out technology appraisal, in which there is information about their names, dates of birth, education, training fields and the number of years working as certified valuation analysts; enclosed with the following documents which are related to each professional: An agreement between the professional and the organization; a certified true copy of his/her degree as prescribed in clause 2, Article 33 hereof; a summary of his/her experience in making valuation and documents proving his/her experience in making valuation.
An amended list of the organization's professionals who evaluate technology and an amended summary of their experience in providing such appraisal service, using form No. 07 and No. 08 in Appendix IV hereto.
3. Application documents required for issuance of Certificate of eligibility to provide technology appraisal, including:
a. An application form for re-issuance of the Certificate of eligibility to provide technology appraisal, using form No. 05 in Appendix IV hereto.
b. An original of the damaged Certificate (if any) shall be provided if the Certificate is damaged.
Article 36. Conditions for issuing the Certificate of eligibility to provide technology assessment service
When apply for the Certificate of eligibility to provide technology assessment service, science and technology enterprises or organizations shall satisfy the following conditions:
1. Be established and registered for business operation as prescribed by laws.
2. Have a management system and an operation capacity which satisfy the requirements specified in the national standards TCVN ISO/IEC 17020:2012 or in the international standards ISO/IEC 17020:2012 or in the national or international standards for specialized assessment.
3. Have at least 02 official assessors who are qualified in technology assessment field (an official or an employee signing a contract of 12 months or more, or signing a permanent contract) and satisfy the following conditions:
a. Graduate with a bachelor's degree or higher and specialize in a suitable filed with the technology field requiring the assessment.
b. Be trained in accordance with the national standards TCVN ISO/IEC 17020:2012 or international standards ISO/IEC 17020:2012 or the national or international standards for specialized assessment
c. Have at least 03 years of experience or more in the suitable technological field requiring the assessment.
If there is a need to add more suitable technology fields, the organizations or enterprises shall have at least 02 professionals who have experience in these fields for carrying out the assessment and satisfying the conditions specified in this clause.
Article 37. Procedures for issuing the Certificate of eligibility to provide technology assessment service
The procedures for issuing the Certificate of eligibility to provide technology assessment service shall be carried out in accordance with the regulations in Article 34 hereof. The Certificate of eligibility to provide technology assessment service shall be issued using form No. 06 in Appendix IV hereto.
Article 38. Application documents required for the issuance of Certificate of eligibility to provide technology assessment service
1. Application documents required for issuance of the Certificate of eligibility to provide technology assessment service shall include:
a. An application form requesting the Certificate of eligibility to provide technology assessment service, using form No. 03 in Appendix IV hereto.
b. The establishment license of the applicant, business registration certificate or investment license (if
the applicant sends the application in person, he/she shall submit the certified true copies of these licenses or certificate, or the copies enclosed with the originals; if the application is sent via post office, the applicant shall submit the certified true copies).
c. Documents proving the potential to carry out assessments and satisfying the regulations in clause 2, Article 36 hereof.
d. A list of technology assessors; enclosed with the documents related to each technology assessor, including: A copy of the recruitment decision or the labor contract; a certified true copy of the degree or certificate specified in point a and b, clause 3, Article 36 hereof; a summary of the assessor’s experience in carrying out technology assessment and documents proving his/her experience in carrying out such assessment.
A list of assessors of the organization and a summary of their experience in carrying out technology assessments, using form No. 07 and No. 08 in Appendix IV hereto.
dd. A description of technology assessment measures or process relating to each technology field which requires technology assessment.
e. Form of assessment certificate for organizations
2. Additional documents provided for amending the Certificate of eligibility to provide technology assessment, including:
a. An application form requesting amendments to the Certificate of eligibility to provide technology assessment, using form No. 04 in Appendix IV hereto.
c. An amended list of professionals who carry out technology assessment, in which there is information about their names, dates of birth, education, training fields and the number of years working in the technology field which requires assessment; enclosed with the following documents which are related to each assessor: A copy of the recruitment decision or of the labor contract; a certified true copy of the assessor’s degree as prescribed in point a and b, clause 3, Article 36 hereof; a summary of his/her experience in carrying out technology assessment and documents proving his/her experience in carrying out such assessment.
A list of assessors of the organization and a summary of their experience in carrying out technology assessment, using form No. 07 and No. 08 in Appendix IV hereto.
3. Application documents required for issuance of the Certificate of eligibility to provide technology assessment service shall include:
a. An application form requesting the Certificate of eligibility to provide technology assessment service, using form No. 05 in Appendix IV hereto.
b. An original of the damaged Certificate (if any) shall be provided if the Certificate is damaged.
Article 39. Authorization to issue the Certificate of eligibility to provide technology appraisal or assessment service
1. The supervisory ministries shall be assigned to issue the Certificate of eligibility to provide technology appraisal or assessment service to the applicants who register for the specialized technology appraisal or assessment which is under the management of the supervisory ministries.
2. The Ministry of Science and Technology shall issue the Certificate of eligibility to provide technology appraisal or assessment service to the applicants who register for the technology appraisal or assessment service which is under the management of two supervisory ministries or more.
Article 40. Reporting obligations of the organizations carrying out appraisal or assessment service or of the supervisory ministries
1. The organizations carrying out appraisal or assessment service shall send a report on the appraisal or assessment process to the competent agency which approves the eligibility to provide technical appraisal or assessment service before December 31 every year. The reporting data shall be determined from December 15 of the previous year to December 14 of the reporting year.
Use form No. 9 in Appendix IV hereto to report the organization’s process of technology appraisal and assessment.
2. The competent agency which issues the Certificate of eligibility to provide technology appraisal or assessment shall send a report on the process for issuing such certificate to the Ministry of Science and Technology in order that this Ministry may manage and announce such process on its website before January 31 every year. The reporting data shall be determined from December 15 of the previous year to December 14 of the reporting year.
The report on the process for issuing the Certificate of eligibility to provide technology appraisal or assessment service shall be made by using form No. 11 in Appendix IV hereto.
IMPLEMENTATION
This Decree shall come into force from July 01, 2018 and replace the Government’s Decree No. 133/2008/ND-CP dated December 31, 2008, Decree No. 103/2011/ND-CP dated November 15, 2011, and Decree No. 120/2014/ND-CP dated December 17, 2014.
Article 42. Transitional provisions
1. After the Law on Technology Transfer comes into effect, if the parties who signed the technology transfer agreement before July 01, 2018 now register for the extension of technology transfer contents required to be registered in accordance with the regulations in clause 1, Article 31 of the Law on Technology Transfer, the procedures for extending such contents shall be carried out in accordance with clause 2, 3 and 4 of Article 33 of the Law on Technology Transfer and the regulations hereof.
2. After the Law on Technology Transfer comes into effect, if the parties register for technology transfer, the registration procedures shall be carried out in accordance with the clause 3 and 5 of Article 3 of the Law on Technology Transfer and the regulations hereof.
If the parties register for the extension of technology transfer, the procedures for extending such transfer shall be carried out in accordance with the regulations in clause 2, 3, and 4 in Article 33 of the Law on Technology Transfer and the regulations hereof.
Article 43. Implementation responsibilities
1. The Ministry of Science and Technology shall provide guidelines on the regulations hereof.
2. The Ministry of Education and Training shall provide guidelines on the regulations in point d, clause 1, Article 15 hereof.
3. The departments, ministerial agencies, governmental agencies and provincial agencies shall:
a. Provide fundings allocated from state budget, National Technology Innovation Fund and science and technology programs, and science and technology funds of departments, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies or agencies of central-affiliated cities, and raise other fundings for supporting the activities specified in this Decree.
b. Make amendments to the documents which provide guidelines on the activities of the National Technology Innovation Fund, science and technology programs, science and technology funds of departments, ministerial agencies, governmental agencies, provincial agencies or agencies of central-affiliated cities, and other programs or schemes related to the regulations hereof
4. The People’s Committees of the province shall assign the Department of Science and Technology to take charge and cooperate with relevant units in monitoring, summing up and evaluating the application effects of the R&D findings after being supported to perfect these findings.
Annually, the People’s Committees of the provinces shall sum up the application and transfer results of R&D findings of their provinces, and send the report on these results to the Ministry of Science and Technology.
5. The Minister of Science and Technology, the Ministers and Heads of ministerial agencies, Heads of governmental agencies, and Chairpersons of People’s Committees of the provinces and central-affiliated cities shall implement this Decree./.
|
PP. THE GOVERNMENT |
FORMS
(Enclosed with the Government’s Decree No. 76/2018/ND-CP dated May 15, 2018)
Form No. 01 |
Technology Transfer Registration Form |
Form No. 02 |
Technology Transfer Registration Certificate |
Form No. 03 |
Application form for the Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service |
Form No. 04 |
Application form requesting the amendments to the Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service |
Form No. 05 |
Application form for re-issuance of the Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service |
Form No. 06 |
Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service |
Form No. 07 |
List of technology appraisers/assessors of the organization. |
Form No. 08 |
Summary of the experience of the appraisers and assessors |
Form No. 09 |
Report on the provision of technology of appraisal/assessment |
Form No. 10 |
Report on the technology transfer registration process |
Form No. 11 |
Report on the issuance of Certificates of eligibility to provide technology appraisal/assessment service |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness
---------------
Province (city), date………….
TECHNOLOGY TRANSFER REGISTRATION FORM
To: |
Ministry of Science and Technology |
I. PARTIES PARTICIPATING IN TECHNOLOGY TRANSFER
1. Transferor:
- Name (organization or individual):
- Address:
- Telephone: Email:
Fax: Website:
- Representative: Position:
- Main production and business field:
2. Receiver:
- Name (organization or individual):
- Address:
- Telephone: Email:
Fax: Website:
- Representative: Position:
- Main production and business field:
II. CONTENTS OF TECHNOLOGY TRANSFER
1. Transferred technology
- Name of technology:
- The transferred technology’s field:
- Term of technology transfer agreement:
2. Transferred technologies
Technical and technology methods |
□ |
|
Technology plan and process; solutions, specifications, drawings, technical maps; formulas, computer software, information data |
□ |
|
Methods for rationalizing technology production and innovation |
□ |
|
Machinery and equipments attached with the above technologies |
□ |
|
Transfer the rights of industrial property owners - Patents or registration form for industrial property rights (if such entities do not have a patent) etc. (number, date of issue, date of extension) - Certificate of transfer of ownership/use right of industrial owners, etc. (number, date of issue, date of extension) |
Invention |
□ |
Effective solutions |
□ |
|
Industrial styles |
□ |
3. Forms of technology transfer
Independent technology transfer |
□ |
|
Investment project |
□ |
|
Technology used as capital contribution |
In investment project |
□ |
In other forms (specify the names of other forms (if any)) |
□ |
|
Franchising |
□ |
|
Transfer intellectual property rights |
□ |
|
Sell and purchase machinery and equipment together with transferred technologies |
According to an independent business contract |
□ |
According to an investment project |
□ |
|
Other forms (specify the names of other forms (if any)) |
□ |
4. Methods of technology transfer
Transfer documents on technology |
□ |
Provide trainings |
□ |
Assign technical consultants |
□ |
Transfer machinery and equipment together with transferred technologies according to the following methods: Transfer documents on technology; provide trainings; assign technical consultants. |
□ |
Other transfer methods (specify other methods (if any)) |
□ |
5. Scope of technology transfer rights
Transfer technology ownership rights |
□ |
|
Transfer the right to use technology |
Can continue to transfer the right to use technology to other organizations and individuals |
□ |
Cannot continue to transfer the right to use technology |
□ |
|
Transfer the exclusive right to use technology |
□ |
|
Transfer the unexclusive right to use technology |
□ |
6. Value of technology transfer
No. |
Contents |
Value |
|
1 |
Technical know-how and technology know how; technology plans and process; methods, specifications, drawings, technical maps; formulas, computer software, data and information; methods for legalizing technology production and innovation. |
|
|
2 |
Transfer the rights of industrial property owners. |
Invention |
|
Effective solutions |
|
||
Industrial styles |
|
||
3 |
Provide trainings |
|
|
3.1 |
Provide overseas trainings |
|
|
3.2 |
Provide in-country trainings |
|
|
4 |
Provide technical support |
|
|
5 |
Machinery and equipment |
|
|
Total: |
|
7. Payment methods for technology transfer
One-off payment by cash or by goods |
□ |
|
Multiple-time payment by cash or by goods (number of times…………..) |
□ |
|
Payment by percentage (%) of the net selling price |
□ |
|
Payment by percentage (%) of the net revenue |
□ |
|
Payment by percentage (%) of the earnings |
Before tax of the receiver |
□ |
After tax of the receiver |
□ |
|
Other payment methods (specify the names of the methods) |
□ |
8. Technology products:
- Name and symbol of the product:
- Quality standards (according to Vietnamese Standards, standards of the facilities, international standards, etc.)
- Quantity
- Export ratio (if being determined)
9. Roles of the technologies in responding to climate change (for the technologies that are used in the programs and projects which aim to control climate change)
Technologies used to reduce greenhouse gas emissions |
□ |
Technologies used to adapt to climate change |
□ |
III. DOCUMENTS ENCLOSED WITH THE REGISTRATION FORM FOR TECHNOLOGY TRANSFER
An original or a certified true copy of the Technology Transfer Agreement in Vietnamese |
□ |
A certified true translation in Vietnamese of the Technology Transfer Agreement in ………..(foreign language) |
□ |
A copy of the Investment Registration Certificate (or the Enterprise Registration Certificate or the Business Registration Certificate, etc.) of the parties participating in the technology transfer |
□ |
A Legal Status Certificate of the representatives of the parties signing the agreement. |
□ |
A certified true copy of the Approval Document of the competent authority who decides the technology transfer investment funded by state budget. |
□ |
An authorization document (if the authorized third party completes the procedures for registering for technology transfer) |
□ |
We hereby commit that the above information is true and the contents of the contract comply with the regulations of the laws, if not, we will take all responsibility before the law.
|
PP. THE PARTIES |
Note: Tick into this blank if the information is provided (or true).
REGULATIONS ON THE USE OF THE CERTIFICATE The technology transferor and receiver shall strictly implement the following regulations: 1. Submit the Certificate as required by the competent authority. 2. Do not modify or amend the contents of the Certificate. 3. Do not lend or lease the Certificate 4. Complete the procedures for registering for the extension, amendment and supplement at the agency issuing the Certificate according to the regulations. 5. Reissue the Certificate if it is lost, torn or damaged. |
|
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
CERTIFICATE OF REGISTRATION OF TECHNOLOGY TRANSFER
|
NAME OF THE AGENCY ISSUING THE TECHNOLOGY TRANSFER REGISTRATION CERTFICATE
TECHNOLOGY TRANSFER REGISTRATION CERTFICIATE No.: .../GCN…issued on date…………. 1. Transferor: Name: Head office: Telephone: Fax: Email: Investment Registration Certificate (or Business Registration Certificate, ect.) No.: ..., date………………by.......... (Name of the issuing agency). Enterprise number/tax number: 2. Receiver: Name: Head office: Telephone: Fax: Email: Investment Registration Certificate (or Business Registration Certificate, etc.) No…..date………….by..............(name of the issuing agency). Enterprise number/tax number:
|
|
Technology transfer registration: 1. Name of the technology transfer agreement 2. Names of the transferred technologies: 3. Form of technology transfer (investment project/independent sale and purchase/other forms): 4. Transferred technologies: 5. Term of technology transfer agreement: 6. Names of the products (produced by transferred technologies): Registration No.: ..../Book No...........date...............
|
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness
---------------
Province (city), date………….
APPLICATION FORM FOR THE CERTFICATE OF ELIGIBILITY TO PROVIDE TECHNOLOGY APPRAISAL/ASSESSMENT SERVICE
To:……………………………………
1. Name of the organization: ..................................................................
2. Address: ...........................................................................................
Telephone:.......................................................................... Fax: E-mail: .............................................................................................................
3. Establishment Certificate/ Enterprise Registration Certificate/ Investment Registration Certificate No………………………. Issuing Agency:.........................date.....................at....................... .......................
4. After studying the regulations specified in the Government’s Decree No………………./2018/ND-CP dated ………………providing guidelines for certain articles of the Law on Technology Transfer, we realized that we are eligible to provide technology appraisal/assessment service for the sector..............2, and the field of..................3
5. Attached documents:
- ...........................................................................................................
- ...........................................................................................................
Request (name of the agency issuing the Certificate) to consider and issue the above Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service.
We hereby commit to fully implement the law regulations on the provision of technology appraisal/assessment service and other related laws. Also, we will take all responsibility before the law for the information declared above./.
|
DIRECTOR OF THE ORGANIZATION |
____________
1 Specify the name of the service if the application requests the Certificate of such service (e.g.: if the application requests for the Certificate of eligibility to provide technology assessment service, then write “Application form for the Certificate of eligibility to provide technology assessment service").
2 Specify the sector (e.g: health sector, construction sector, industry and trade sector, transport sector, etc.).
3 Specify as follows: Chemistry/Biology/Physico-mechanical/Pharmacy/Electricty—Electronic/Construction Materials/Biological Safety, etc.). If there are multiple data, the organization shall specify them in an enclosed Appendix.
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness
---------------
Province (city), date………….
APPLICATION FORM REQUESTING THE AMENDMENTS TO THE CERTIFICATE OF ELIGIBILITY TO PROVIDE TECHNOLOGY APPRAISAL/ASSESSMENT SERVICE
To:……………………………………
1. Name of the organization: ..................................................................
2. Address: ...........................................................................................
Telephone: Fax: E-mail: .........................................................................
3. Has been issued with the Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service No. ………………….date …………../……./20......of (name of the issuing agency) in the sector ...........2, and the field of .................3
4. The technology appraisal/assessment service required to be amended (specify the sector...4, field…………5 required to be amended) or the list of technology appraisers and assessors which is required to be amended (full name, date of birth, qualifications, sector, field in which the technology appraisal/assessment service is carried out at the organization).
5. Attached documents:
- ...........................................................................................................
Request (name of the issuing agency) to consider permitting the (name of the organization) to amend the conditions of the technology appraisal/assessment service for……….. (name of the sector and field require the amendments).
We hereby commit to fully implement the law regulations on the provision of technology appraisal/assessment service and other related laws. Also, we will take all responsibility before the law for the information declared above./.
|
DIRECTOR OF THE ORGANIZATION |
______________
1 Specify the name of the service if the application requests the Certificate of such service (e.g: “Application form for the Certificate of eligibility to provide technology appraisal."
2 Specify the sector (e.g: health sector, construction sector, industry and trade sector, transport sector, etc.).
3 Specify as follows: Chemistry/Biology/Physico-mechanical/Pharmacy/Electricty—Electronic/Construction Materials/Biological Safety, etc.). If there are multiple data, the organization shall specify them in an enclosed Appendix.
4 Specify the sector (e.g: health sector, construction sector, industry and trade sector, transport sector, etc.).
5 Specify as follows: Chemistry/Biology/Physico-mechanical/Pharmacy/Electricty—Electronic/Construction Materials/Biological Safety, etc.). If there are multiple data, the organization shall specify them in an enclosed Appendix.
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness
---------------
Province (city), date………….
APPLICATION FORM FOR THE RE-ISSUANCE OF THE CERTFICATE OF ELIGIBILITY TO PROVIDE TECHNOLOGY APPRAISAL/ASSESSMENT SERVICE
To:……………………………………
1. Name of the organization: ..................................................................
2. Address: ...........................................................................................
Telephone: Fax: E-mail: .........................................................................
3. Has been issued with the Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service No. ………………….date …………../……./20......of (name of the issuing agency) in the sector ...........2, and the field of .................3
4. Reasons for requesting the re-issuance of the Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service: .............
5. Attached documents:
- ...........................................................................................................
- ...........................................................................................................
Request (name of the agency issuing the Certificate) to consider and issue the above Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service for………………. (Name of the organization).
We hereby commit to fully implement the law regulations on the provision of technology appraisal/assessment service and other related laws. Also, we will take all responsibility before the law for the information declared above./.
|
DIRECTOR OF THE ORGANIZATION |
______________
1 Specify the name of the service if the application requests the Certificate of such service (e.g: “Application form for the re-issuance of the Certificate of eligibility to provide technology assessment service").
2 Specify the sector (e.g: health sector, construction sector, industry and trade sector, transport sector, etc.).
3 Specify as follows: Chemistry/Biology/Physico-mechanical/Pharmacy/Electricty—Electronic/Construction Materials/Biological Safety, etc.). If there are multiple data, the organization shall specify them in an enclosed Appendix.
(NAME OF AGENCY ISSUING THE CERTIFICATE) |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No:……….. |
Province (city), date…………. |
CERTFICATE OF ELIGIBILITY TO PROVIDE TECHNOLOGY APPRAISAL/ASSESSMENT SERVICE
Pursuant to the Government’s Decree No......../2018/ND-CP dated .............2018 on providing guidelines for certain Articles of the Law on Technology Transfer.
Pursuant to eth Decree/Decision No…………………..on defining functions, tasks, powers and organizational structure of (name of the agency issuing the Certificate).
Consider the request of (name of the unit assigned to appraise the documents) and/or (name of the agency issuing the Certificate):
1. (Name of the technology appraisal/assessment organization) ...............
2. Address: ...........................................................................................
Telephone: Fax:…………………. E-mail: ................................................
Is eligible to provide technology appraisal/assessment service in the sector.............................2, and the field of ...................................3
2. Registration No.: ................................................................................
|
DIRECTOR OF ISSUING AGENCY |
_____________
1 Specify the name of the service if the application requests the Certificate of such service (e.g: “Application form for the Certificate of eligibility to provide technology assessment service").
2 Specify the sector (e.g: health sector, construction sector, industry and trade sector, transport sector, etc.).
3 Specify as follows: Chemistry/Biology/Physico-mechanical/Pharmacy/Electricty—Electronic/Construction Materials/Biological Safety, etc.). If there are multiple data, the agency issuing the Certificate shall specify them in an enclosed Appendix.
ORGANIZATION NAME: ………………..
LIST OF TECHNOLOGY APPRAISERS/ASSESSORS OF THE ORGANIZATION
List of technology appraisers/assessors (for the organization that provides technology appraisal/assessment service)
No. |
Full name/ date of birth |
Specialty |
Experience (Number of years) |
Experience in providing technology appraisal/assessment service (number of services) |
Signed Cooperation Agreement or Signed Recruitment Decision or Signed Contract |
Sector and field in which the technology appraisal/assessment is carried out at the organization |
Note |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
(Organization name) enclosed with documents proving the potential of………………… (Technology appraiser/assessor) who satisfy the requirements specified in the Government’s Decree No. …………../2018/ND-CP dated……………………2018. The Organization hereby commit that the information declared above is true and will take all responsibility before the law for such declared information./.
|
Dated………………… |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness
SUMMARY OF THE EXPERIENCE OF TECHNOLOGY APPRAISERS/ASSESSORS
1. Full name: ........................................................................................
Address: ...............................................................................................
Telephone: Fax:…………………. E-mail: ................................................
2. Employment history:
No. |
Time |
Specialized tasks |
Company |
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Experience in the field of technology appraisal/assessment:
No. |
Time |
Name of the organization or enterprise which carry out the appraisal/assessment service |
Address, telephone, Fax number, representative of the organization or enterprise |
The field of technology appraisal/assessment |
Results from technology appraisal/assessment |
|
From year.......to year......... |
|
|
|
|
|
From year.......to year......... |
|
|
|
|
Other information: .................................................................................
We hereby commit that the above information is true and will take all responsibility before the law for the information declared above./.
|
Date………………. |
______________
1 Specify the name of the service being registered (e.g: "Summary of the experience of technology appraisers”).
(SUPERVISORY AGENCY NAME1) (NAME OF THE TECHNOLOGY APPRAISAL/ASSESSMENT ORGANIZATION) |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
|
Province (city), date…………. |
REPORT ON THE PROVISION OF TECHNOLOGY OF APPRAISAL/ASSESSMENT
(From date…… to date…)
To: Ministry of Science and Technology
1. Name of the technology appraisal/assessment organization: ...............
2. Address: ...........................................................................................
3. Telephone: Fax:…………………. E-mail: .............................................
4. Operation process
(Name of the technology appraisal/assessment organization) reports the process of technology appraisal/assessment from (date) .........to (date)...............as follows:
‘Technology appraisers/assessors:
Target |
Quantity |
|
Report period |
Same period in the previous year |
|
Total number of technology appraisers/assessors |
|
|
Enclosed with the list of technology appraisers/assessors who participated in providing technology appraisal/assessment service at the organization.
b. Technology appraisal/assessment service provided during the report period:
- Name of the sector........3, in the field of....................... 4 which has been appraised/assessed. .........................................................
- Quantity (in accordance with each sector or each specialized field), contents of the activities which receive technology appraisal/assessment service:
5. Suggestions (if any)
a. Problems that occur during the process of technology appraisal/assessment: ..........................................................................
b. Suggestions provided to the competent authorities for improving the quality of technology appraisal/assessment service: ..........................................
(Name of the technology appraisal/assessment organization) hereby reports the above information to the Ministry of Science and Technology.
|
DIRECTOR OF THE ORGANIZATION |
____________
1 Specify the name of the supervisory agency (if any)
2 Specify the name of the service being reported (e.g: Report on the provision of technology assessment).
3 Specify the sector (e.g: health sector, construction sector, industry and trade sector, transport sector, etc.).
4 Specify as follows: Chemistry/Biology/Physico-mechanical/Pharmacy/Electricty—Electronic/Construction Materials/Biological Safety, etc.).
PEOPLE’S COMMITTEE OF THE PROVINCE ……… |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No: ………/…….. |
date…………………….. |
REPORT ON TECHNOLOGY TRANSFER REGISTRATION PROCESS
(from (date)..................to (date)....................)
Implement the regulations of the Decree No. ………./2018/ND-CP dated ………on providing guidelines for certain Articles of the Law on Technology Transfer, the Department of Science and Technology hereby sends the report on the registration process of technology transfer to the Ministry. Such process is carried out from ……….. to…………..as follows:
1. The Agreement is issued with a Technology Transfer Registration Certificate:
a. Total quantity:
b. Total quality (exchange to VND):
2. The Agreement is issued with the Certificate for amending the technology transfer:
a. Total quantity:
b. Total quality (exchange to VND):
3. The Agreement is issued with a Technology Transfer Extension Certificate:
a. Total quantity:
b. Total quality (exchange to VND):
Details of the technology transfer agreements which receive the Certificates shall be enclosed with this Official Dispatch.
4. Problems that occur during the implementation process and suggestions (if any):
The above report shall be sent to the Department of Science and Technology for summarization./.
|
DIRECTOR |
DEPARTMENT OF SCIENCE AND TECHNOLOGY:………….
DETAILS OF THE TECHNOLOGY TRANSFER AGREEMENTS WHICH RECEIVED THE CERTIFICATES
(from (date)…………..to (date)………..)
Enclosed with the Official Dispatch No. ……/…..date…………..
1. For the technology transfer agreement which is issued with a new Technology Transfer Registration Certificate:
No. |
Name of the agreement |
Transferor |
Receiver (name, address) |
Total value of the transferred technology (exchange to VND) |
Form of transfer (investment project/independent sale and purchase/other forms (specify the names of other forms)): |
Transferred technologies |
The transferred technology’s field: |
Products of transferred technologies |
Term of the Agreement |
Registration No. …/date of issue |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. For the technology transfer agreements which receive the Certificate for amending technology transfer:
No. |
Name of the Agreement |
Transferor |
Receiver (name, address) |
Total value of the transferred technology (exchange to VND) |
Form of transfer (investment project/independent sale and purchase/other forms (specify the names of other forms)): |
Transferred technologies |
The transferred technology’s field: |
Products of transferred technologies |
Term of the Agreement |
Registration No. …/date of issue |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3. For the technology transfer agreements which receive the Technology Transfer Extension Certificate:
No. |
Name of the Agreement |
Transferor |
Receiver (name, address) |
Total value of the transferred technology (exchange to VND) |
Form of transfer (investment project/independent sale and purchase/other forms (specify the names of other forms)): |
Transferred technologies |
The transferred technology’s field: |
Products of transferred technologies |
Term of the Agreement |
Registration No. …/date of issue |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Note: The value of the technology transfer agreement must be exchanged to VND.
REPORTING AGENCY NAME |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No:……….. |
Date…………………………….. |
REPORT ON THE ISSUANCE OF CERTIFICATES OF ELIGIBILITY TO PROVIDE TECHNOLOGY APPRAISAL/ASSESSMENT SERVICE
(From (date)…………..to (date)………….)
To: Ministry of Science and Technology
Implement the regulations of the Decree No. ………./2018/ND-CP dated ………on providing guidelines for certain Articles of the Law on Technology Transfer, (name of the reporting agency) hereby sends the report on the issuance of Certificates of eligibility to provide technology appraisal/assessment service, to the organizations. Such process is carried out from ……….. to…………..as follows:
1. The organizations which are issued with the Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service:
No. |
Organization’s name: |
Address (address, phone number, email, website, etc.) |
Technology appraisal |
Technology assessment |
||
No. of registration document …/date of issue |
Field |
No. of registration document …/date of issue |
Field |
|||
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
2. The organizations which are permitted to amend the Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service:
No. |
Organization’s name: |
Address (address, phone number, email, website, etc.) |
Technology appraisal |
Technology assessment |
||
No. of registration document …/date of issue |
Field |
No. of registration document …/date of issue |
Field |
|||
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
3. The organizations which are issued with a new Certificate of eligibility to provide technology appraisal/assessment service:
No. |
Organization’s name |
Address (address, phone number, email, website, etc.) |
Technology appraisal |
Technology assessment |
||
No. of registration document …/date of issue |
Field |
No. of registration document …/date of issue |
Field |
|||
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
4. Problems that occur during the implementation process and suggestions (if any):
The above report shall be sent to the Department of Science and Technology for summarization./.
|
DIRECTOR OF THE ORGANIZATION |