Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3 (Kết nối tri thức): Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Tóm tắt lý thuyết Sinh học lớp 10 Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống ngắn gọn, chi tiết sách Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Sinh học 10.

1 10,553 05/01/2023


Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

A. Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

I. Các cấp độ tổ chức sống

1. Khái niệm cấp độ tổ chức sống

Cấp độ tổ chức sống là cấp độ tổ chức có biểu hiện đầy đủ chức năng của sự sống như sinh trưởng, phát triển, sinh sản, cảm ứng, chuyển hóa vật chất và năng lượng …

2. Các cấp độ tổ chức sống cơ bản

  • Cấp độ tổ chức sống cơ bản là cấp độ tổ chức mà ở đó biểu hiện đầy đủ các đặc điểm của sự sống.
  • Các cấp độ cơ bản của tổ chức sống bao gồm:
Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3 (Kết nối tri thức): Các cấp độ tổ chức của thế giới sống (ảnh 2)

3. Mối quan hệ giữa các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Tế bào là đơn vị tổ chức nhỏ nhất có đầy đủ các đặc điểm của sự sống, được tổ chức từ các bậc nhỏ hơn là bào quan, phân tử, nguyên tử.

Quần thể là tập hợp các cá thể (cơ thể sinh vật) cùng loài sống trong một khu vực địa lí nhất định và vào thời điểm nhất định.

Quần xã là tập hợp các quần thể của nhiều loài khác nhau cùng tồn tại trong một khu vực địa lý ở cùng một thời điểm.

Quần xã tương tác với nhau và với môi trường tạo nên cấp tổ chức hệ sinh thái.

Mối quan hệ hữu cơ giữa các cấp độ tổ chức dựa trên các hoạt động sống ở cấp độ tế bào.

Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3 (Kết nối tri thức): Các cấp độ tổ chức của thế giới sống (ảnh 3)

Ví dụ:

  • Các cấp độ tổ chức sống còn liên hệ với nhau bởi quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng trong thế giới sống.
  • Nguồn năng lượng cung cấp cho thế giới sống chủ yếu đến từ mặt trời và được truyền từ cấp độ tổ chức này sang cấp độ tổ chức khác của thế giới sống, cùng với sự chuyển hóa của vật chất.
Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3 (Kết nối tri thức): Các cấp độ tổ chức của thế giới sống (ảnh 4)

II. Đặc điểm chung của thế giới sống

1. Thế giới sống được tổ chức theo thứ bậc

  • Tổ chức theo thứ bậc từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Cấp tổ chức thấp làm nền tảng cấu thành nên cấp cao hơn.
  • Vật không sống cũng có thể được tổ chức theo các cấp độ, nhưng chững không thể thực hiện các chức năng sống cơ bản như sinh trưởng, sinh sản, chuyển hóa…

2. Các cấp độ tổ chức sống là những hệ mở tự điều chỉnh

  • Các cấp độ tổ chức sống đều là những hệ thống mở (không ngừng trao đổi vật chất và năng lượng với môi trường).

Ví dụ: Tế bào chỉ tồn tại, lớn lên và phân chia khi thường xuyên thu nhận các chất hóa học từ bên ngoài, biến đổi chúng tạo thành các chất sống, đồng thời loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. 

  • Cơ thể được cấu tạo nên từ một hay nhiều tế bào, cơ thể cũng không ngừng trao đổi khí, trao đổi nước, lấy thức ăn và thải chất thải ra ngoài môi trường trong quá trình sống.
Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3 (Kết nối tri thức): Các cấp độ tổ chức của thế giới sống (ảnh 5)

Các hệ thống sống có khả năng tự điều chỉnh duy trì ổn định các thông số trong hệ thống không phụ thuộc vào sự thay đổi của môi trường.

  • Sự duy trì ổn định môi trường nội môi được gọi là sự cân bằng nội môi.

Ví dụ: Cơ thể con người có có các cơ chế duy trì thân nhiệt, pH, đường huyết… ở mức tương đối ổn định. Nếu khả năng tự điều chỉnh bị trục trặc, chúng ta có thể bị bệnh, thậm chí tử vong.

3. Thế giới sống liên tục tiến hóa

  • Tiến hóa xảy ra nhờ phát sinh đột biến trong quá trình truyền đạt thông tin di truyền (ADN) từ thế hệ tế bào này sang thế hệ tế bào khác.
  • Điều kiện môi trường sống khác nhau làm nhiệm vụ lựa chọn những thể đột biến có kiểu hình thích nghi nhất với môi trường.
Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3 (Kết nối tri thức): Các cấp độ tổ chức của thế giới sống (ảnh 6)
 
Sơ đồ tư duy các cấp độ tổ chức của thế giới sống:
Lý thuyết Sinh học 10 Bài 3 (Kết nối tri thức): Các cấp độ tổ chức của thế giới sống (ảnh 1)

B. Bài tập trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Câu 1: Cho các cấp độ tổ chức cơ bản của thế giới sống: (1) cơ thể, (2) tế bào, (3) quần thể, (4) quần xã, (5) hệ sinh thái. Các cấp độ tổ chức sống cơ bản trên được sắp xếp theo đúng nguyên tắc thứ bậc là

A. 2 → 1 → 3 → 4 → 5.

B. 1 → 2 → 3 → 4 → 5.

C. 5 → 4 → 3 → 2 → 1.

D. 2 → 3 → 4 → 5 → 1.

Đáp án đúng là: A

Các cấp độ tổ chức sống cơ bản trên được sắp xếp theo đúng nguyên tắc thứ bậc là: (2) tế bào → (1) cơ thể → (3) quần thể → (4) quần xã → (5) hệ sinh thái.

Câu 2: Tất cả cấp độ tổ chức cơ bản của thế giới sống đều được cấu tạo từ

A. một tế bào.

B. nhiều tế bào.

C. một hoặc nhiều tế bào.

D. một hoặc nhiều mô.

Đáp án đúng là: C

Tất cả cấp độ tổ chức cơ bản của thế giới sống đều được cấu tạo từ một hoặc nhiều tế bào.

Câu 3: Mối quan hữu cơ giữa các cấp độ tổ chức dựa trên

A. hoạt động sống ở cấp độ tế bào; sự truyền năng lượng và vật chất giữa các cấp độ.

B. hoạt động sống ở cấp độ cơ thể; sự truyền năng lượng và vật chất giữa các cấp độ.

C. hoạt động sống ở cấp độ quần thể; sự truyền năng lượng và vật chất giữa các cấp độ.

D. hoạt động sống ở cấp độ quần xã; sự truyền năng lượng và vật chất giữa các cấp độ.

Đáp án đúng là: A

Mối quan hữu cơ giữa các cấp độ tổ chức dựa trên hoạt động sống ở cấp độ tế bào; sự truyền năng lượng và vật chất giữa các cấp độ.

Câu 4: Cấp độ tổ chức sống là

A. cấp độ tổ chức của vật chất có biểu hiện đầy đủ đặc tính của sự sống.

B. cấp độ tổ chức của tế bào có biểu hiện đầy đủ đặc tính của sự sống.

C. cấp độ tổ chức của cơ thể có biểu hiện đầy đủ đặc tính của sự sống.

D. cấp độ tổ chức của quần thể có biểu hiện đầy đủ đặc tính của sự sống.

Đáp án đúng là: A

Cấp độ tổ chức sống là cấp độ tổ chức của vật chất có biểu hiện đầy đủ đặc tính của sự sống.

Câu 5: Các cấp độ tổ chức cơ bản của thế giới sống bao gồm

A. nguyên tử, phân tử, bào quan, mô, tế bào.

B. phân tử, bào quan, mô, tế bào, cơ thể, quần thể.

C. mô, tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã và hệ sinh thái.

D. tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã và hệ sinh thái.

Đáp án đúng là: D

Các cấp độ tổ chức cơ bản của thế giới sống bao gồm tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã và hệ sinh thái.

Câu 6: "Đàn cá chép sống ở hồ Tây" thuộc cấp độ tổ chức sống là

A. cá thể.

B. hệ sinh thái.

C. quần xã.

D. quần thể.

Đáp án đúng là: D

"Đàn cá chép sống ở hồ Tây" là tập hợp các cá thể của cùng một loài sống trong cùng một khu vực địa lí nhất định, có thể sinh ra thế hệ mới → "Đàn cá chép sống ở hồ Tây" thuộc cấp độ tổ chức sống là quần thể.

Câu 7: Đặc điểm nào sau đây không phải là đặc điểm chung của các cấp tổ chức sống?

A. Liên tục tiến hóa.

B. Là hệ thống mở và tự điều chỉnh.

C. Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc.

D. Tồn tại ổn định và bền vững qua các thế hệ.

Đáp án đúng là: D

Đặc điểm chung của các cấp tổ chức sống:

- Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc.

- Là hệ thống mở và tự điều chỉnh.

- Liên tục tiến hóa.

Câu 8: Thế giới sống liên tục tiến hóa dựa trên cơ sở là

A. sự truyền đạt thông tin di truyền.

B. sự biến dị thông tin di truyền.

C. sự biến đổi kiểu hình của sinh vật.

D. sự truyền đạt kiểu hình của sinh vật.

Đáp án đúng là: B

Thế giới sống liên tục tiến hóa nhờ thông tin di truyền trong các phân tử DNA được truyền từ tế bào này sang tế bào khác, từ thế này sang thế hệ khác một cách tương đối chính xác nhưng cũng luôn phát sinh những đột biến.

Câu 9: Nếu tế bào cơ tim, mô cơ tim, quả tim và hệ tuần hoàn bị tách ra khỏi cơ thể thì cơ thể sẽ không hoạt động co rút bơm máu, tuần hoàn máu vì thiếu sự phối hợp điều chỉnh của các hệ cơ quan khác (hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh,...). Điều này chứng tỏ tổ chức sống

A. có khả năng tự điều chỉnh.

B. liên tục tiến hóa.

C. được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc.

D. là hệ mở.

Đáp án đúng là: C

Điều này chứng tỏ tổ chức sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc, cấp tổ chức nhỏ hơn làm nền tảng để xây dựng nên tổ chức sống cấp trên, tổ chức sống cấp trên vừa có đặc điểm của tổ chức sống cấp dưới vừa có những đặc tính nổi trội mà tổ chức sống cấp dưới không có được. Do đó, để các hoạt động trong hệ cơ quan được diễn ra bình thường phải có sự phối hợp hoạt động của các mô, các cơ quan trong hệ cơ quan đó.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Sinh học 10 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 4: Các nguyên tố hóa học và nước

Lý thuyết Bài 5: Các phân tử sinh học

Lý thuyết Bài 7: Tế bào nhân sơ

Lý thuyết Bài 8: Tế bào nhân thực

Lý thuyết Bài 10: Trao đổi chất qua màng tế bào

1 10,553 05/01/2023


Xem thêm các chương trình khác: