Kinh tế Pháp luật 10 Bài 1 (Cánh diều ): Các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội

Với giải bài tập Giáo dục Kinh tế Pháp luật 10 Bài 1: Các hoạt động kinh tế cơ bản trong đời sống xã hội sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10 Bài 1.

1 14,509 16/11/2022
Tải về


Giải KTPL 10 Bài 1: Các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội

Video giải KTPL 10 Bài 1: Các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội

Mở đầu trang 6 KTPL 10: Em hãy quan sát các hình ảnh sau và chỉ ra mối liên hệ giữa các hoạt động trong hình ảnh đó.

Kinh tế 10 Bài 1: Các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội - Cánh diều (ảnh 1)

Trả lời:

- Hình ảnh 1: hoạt động sản xuất nông sản

- Hình ảnh 2: hoạt động phân phối mặt hàng nông sản

- Hình ảnh 3: hoạt động tiêu dùng

=> Nhận xét: các hoạt động sản xuất - phân phối và tiêu dùng có mối quan hệ mật thiết với nhau.

1. Hoạt động sản xuất và vai trò của hoạt động sản xuất

Câu hỏi trang 7 KTPL 10:

a) Em hãy cho biết hoạt động sản xuất trong mỗi thông tin trên có vai trò gì đối với đời sống của con người và xã hội.

b) Em hãy xác định điểm giống nhau và điểm khác biệt trong hoạt động ở thông tin 1, thông tin 3 với hoạt động ở thông tin 2.

Trả lời:

* Yêu cầu a)

- Thông tin 1: Hoạt động sản xuất ở thông tin này, góp phần tạo ra các sản phẩm vật chất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người, đồng thời tạo ra thu nhập cho chủ thể sản xuất.

- Thông tin 2: Hoạt động sản xuất ở thông tin 2 tạo ra các sản phẩm tinh thần đáp ứng nhu cầu của con người, góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Từ đó, giúp con người sống tốt hơn, nhân văn hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn.

- Thông tin 3: Hoạt động sản xuất ở thông tin 3 không chỉ đảm bảo an ninh lương thực ở trong nước, mà còn góp phần khẳng định vị thế xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới của Việt Nam.

* Yêu cầu b)

- Điểm giống nhau: đều là hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm để đáp ứng các nhu cầu của con người.

- Điểm khác nhau:

+ Hoạt động sản xuất ở thông tin 1 (làng gốm Bát Tràng) và thông tin 3 (sản xuất gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long) tạo ra những sản phẩm vật chất.

+ Hoạt động sản xuất ở thông tin 2 tạo ra sản phẩm tinh thần.

2. Hoạt động phân phối, trao đổi và vai trò của hoạt động phân phối, trao đổi

Câu hỏi trang 8 KTPL 10:

a) Từ thông tin trong trường hợp trên, em hãy cho biết anh Nam và đồng nghiệp nhận được những gì sau quá trình thực hiện dự án tại công ty?

b) Kết quả nhận được của người lao động có tác dụng như thế nào đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo?

Trả lời:

Yêu cầu a) Anh Nam và đồng nghiệp đã nhận được tiền lương hàng tháng (theo hợp đồng lao động) và tiền thưởng thêm từ kết quả của dự án

- Yêu cầu b) Kết quả nhận được đã khích lệ anh Nam và các đồng nghiệp trong công ty tích cực, chủ động và sáng tạo hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở giai đoạn tiếp theo.

Câu hỏi trang 9 KTPL 10:

a) Em có nhận xét gì về vai trò của hoạt động trao đổi trong thông tin trên?

b) Ngoài hình thức kể trên, em có thể mua và bán bằng những hình thức nào nữa?

Trả lời:

Yêu cầu a) Hoạt động trao đổi trong thông tin trên giúp đưa sản phẩm sau khi sản xuất đến với người tiêu dùng, có vai trò kết nối sản xuất với người tiêu dùng, giúp người sản xuất bán được sản phẩm của mình, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm phù hợp với nhu cầu, điều kiện của bản thân.

Yêu cầu b) Em có thể mua và bán hàng hóa thông qua hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể là:

- Mua/ bán trực tiếp tại các đại lí, siêu thị, chợ truyền thống…

- Mua/ bán gián tiếp thông qua các sàn thương mai điện tử trên Internet, như: Tiki, Shoppe, Lazada…

3. Hoạt động tiêu dùng và vai trò của hoạt động tiêu dùng

Câu hỏi trang 10 KTPL 10:

a) Em hãy cho biết các sản phẩm tiêu dùng nào được nhắc đến ở thông tin và hình ảnh trên. Hoạt động tiêu dùng đó có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người?

b) Theo em, hoạt động tiêu dùng có vai trò gì đối với sản xuất?

c) Em hãy kể thêm các hoạt động tiêu dùng khác mà em biết.

Trả lời:

Yêu cầu a)

- Các sản phẩm tiêu dùng được nhắc đến trong đoạn thông tin và hình ảnh trên là: thực phẩm, bánh kẹp, mứt tết, đồ uống…

- Ý nghĩa: hoạt động tiêu dùng có vai trò thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người

Yêu cầu b) Ý nghĩa: Hoạt động tiêu dùng là mục đích, là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, có tiêu dùng thì mới có sản xuất.

Yêu cầu c) Một số hoạt động tiêu dùng khác mà em biết:

- Đi xem phim

- Mua đồ ăn vặt, nước ngọt

- Mua lương thực, thực phẩm

- Mua quần áo, đồ trang sức…

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 10 KTPL 10: Em hãy cho biết nhận định nào dưới đây đúng hoặc sai và giải thích vì sao:

A. Hoạt động sản xuất nông nghiệp là một trong những cơ sở cho sự tồn tại của con người.

B. Kết quả của hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm phục vụ hoạt động tiêu dùng. 

C. Tiêu dùng tạo ra nhu cầu và mục đích cho sản xuất.

D. Hoạt động mua và bán không liên quan tới hoạt động sản xuất.

E. Hoạt động mua và bán có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất và hoạt động tiêu dùng.

Trả lời:

- Nhận định A. Đúng. Vì hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm là: lương thực - thực phẩm để phục vụ cho nhu cầu ăn uống, phát triển thể chất của con người. Vì vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp là một trong những cơ sở cho sự tồn tại của con người.

- Nhận định B. Đúng. Vì hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần đáp ứng các nhu cầu của con người.

- Nhận định C. Đúng. Vì: hoạt động tiêu dùng là việc sử dụng các sản phẩm sản xuất ra để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Khi con người có nhu cầu sử dụng một sản phẩm vật chất hoặc tinh thần nào đó, thì chính nhu cầu tiêu dùng đó sẽ là tạo ra mục đích và động lực để thúc đẩy sản xuất phát triển.

- Nhận định D. Sai. Vì: hoạt động mua - bán có vai trò kết nối sản xuất với tiêu dùng, giúp người sản xuất bán được sản phẩm của mình, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm phù hợp với nhu cầu của bản thân.

- Nhận định E. Sai. Vì: hoạt động mua - bán giữ vai trò kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Việc thúc đẩy hay hạn chế hoạt sản xuất/ tiêu dùng không phụ thuộc vào việc mua - bán; mà chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu của con người.

+ Khi con người muốn sử dụng một sản phẩm nào đó để thỏa mãn nhu cầu của bản thẩn => tăng nhu cầu tiêu dùng => thúc đẩy sản xuất phát triển.

+ Khi con người không muốn sử dụng sản phẩm nào đó => nhu cầu tiêu dùng giảm => sản xuất sẽ bị thu hẹp.

Luyện tập 2 trang 10 KTPL 10: Em hãy phân loại các hoạt động kinh tế sau đây. Hoạt động nào có thể xếp được vào nhiều nhóm? Tại sao?

A. Một thanh niên đang sử dụng máy tính cá nhân tại nhà.

B. Nhóm bạn nhỏ đang xem phim tại rạp chiếu phim.

C. Một người đang thả thức ăn cho tôm xuống đầm nuôi tôm, thức ăn đóng trong bao có nhãn hiệu nơi sản xuât.

D. Một người đang trả tiền mua hoa tại cửa hàng hoá.

Trả lời:

- Hoạt động A. Một thanh niên đang sử dụng máy tính cá nhân tại nhà.

+ Đây là hoạt động tiêu dùng. Vì người thanh niên này đã sử dụng sản phẩm (chiếc máy tính) để phục vụ nhu cầu cá nhân.

+ Đây cũng có thể là hoạt động sản xuất, trong trường hợp, người thanh niên này sử dụng máy tính để tạo ra các sản phẩm khác, ví dụ: sản xuất một đoạn video; lập trình để tạo ra một trang web…

- Hoạt động B. Nhóm bạn nhỏ đang xem phim tại rạp chiếu phim.

=> Đây là hoạt động tiêu dùng. Vì nhóm bạn nhỏ đã sử dụng sản phẩm (bộ phim) để thỏa mãn nhu cầu giải trí.

- Hoạt động C. Một người đang thả thức ăn cho tôm xuống đầm nuôi tôm, thức ăn đóng trong bao có nhãn hiệu nơi sản xuất.

=> Đây là hoạt động sản xuất, đồng thời cũng là hoạt động tiêu dùng. Vì:

+ Sử dụng thức ăn chăn nuôi => là hoạt động tiêu dùng (sử dụng sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu)

+ Nuôi tôm => là hoạt động sản xuất, tạo ra sản phẩm (tôm) để bán ra thị trường.

- Hoạt động D. Một người đang trả tiền mua hoa tại cửa hàng hoa.

=> Đây là hoạt động trao đổi.

Luyện tập 3 trang 10 KTPL 10: Em hãy vẽ sơ đồ mô tả mối quan hệ giữa các hoạt động sản xuất, hoạt động mua và bán, hoạt động tiêu dùng. Lấy ví dụ một sản phẩm cụ thể để minh họa mối quan hệ trên.

Trả lời:

- Sơ đồ mô tả mối quan hệ giữa các hoạt động kinh tế:

Kinh tế 10 Bài 1: Các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội - Cánh diều (ảnh 1)

- Ví dụ:

+ Hoạt động sản xuất: Ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng. Gốm Bát Tràng đa phần đều được sản xuất thủ công với nhiều mặt hàng phong phú về kiểu dáng và chủng loại, trong đó có các mặt hàng mỹ nghệ như con giống, tượng, phù điêu, đĩa treo tường…

+ Hoạt động phân phối, trao đổi: Các sản phẩm của làng gốm Bát Tràng không chỉ dừng lại ở các đơn hàng đặt trước trong nước, phân phối tới các đại lý, cửa hàng gốm sứ trên cả nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước khác trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, liên minh châu Âu…

+ Hoạt động tiêu dùng: Bình hoa, ấm chén là một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của làng gốm được mọi người sử dụng để trang trí trong gia đình.

Luyện tập 4 trang 10 KTPL 10: Em hãy kể lại những việc em đã làm khi tham gia vào các hoạt động kinh tế. Em đã điều chỉnh như thế nào với những việc làm chưa phù hợp? Theo em, học sinh trung học phổ thông cần thể hiện trách nhiệm gì khi tham gia các hoạt động kinh tế hằng ngày?

Trả lời:

- Một số việc em đã làm khi tham gia vào các hoạt động kinh tế:

+ Hoạt động sản xuất: trồng rau, cấy lúa, làm đồ handmade…

+ Hoạt động phân phối, trao đổi: bán hàng qua mạng, mua đồ online (qua các sàn thương mại điện tử)…

+ Hoạt động tiêu dùng: đi xem phim, đọc sách…

- Đối với những việc làm chưa phù hợp, em đã xem xét lại và lập kế hoạch cụ thể cho các thói quen tiêu dùng của mình để tránh gây lãng phí. Đối với việc tiêu dùng, em sẽ xem xét cái gì cần thiết để sử dụng một cách thông minh, hiệu quả.

- Theo em, học sinh trung học phổ thông cần thể hiện trách nhiệm:

+ Mua bán phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình; 

+ Bảo quản, tôn trọng, giữ gìn đối với các sản phẩm, hàng hóa trong việc tiêu dùng khi tham gia các hoạt động kinh tế hằng ngày

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 11 KTPL 10: Em hãy tìm hiểu về các hoạt động kinh tế tại địa phương nơi em sinh sống và viết một bài thu hoạch ngắn theo yêu cầu sau:

- Mô tả hoạt động kinh tế đang diễn ra.

- Nêu nhận xét của em về những hoạt động kinh tế mà học sinh lứa tuổi trung học phổ thông có thể tham gia.

Trả lời:

(*) Bài tham khảo: hoạt động kinh tế tại làng gốm Bát Tràng

Ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng. Đây là làng nghề truyền thống nổi tiếng và lâu đời nhất ở Việt Nam về các sản phẩm từ gốm sứ của Đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, gốm Bát Tràng đa phần đều được sản xuất thủ công với nhiều mặt hàng phong phú về kiểu dáng và chủng loại, trong đó có các mặt hàng mỹ nghệ như con giống, tượng, phù điêu, đĩa treo tường…  Quá trình làm ra sản phẩm bao gồm hai giai đoạn chỉnh: một là tạo cốt gổm, trang trí hoạ tiết, hai là phủ men lớp ngoài sản phẩm. Ở mỗi công đoạn đều cần sự khéo léo của người thợ để sản phẩm.

Các sản phẩm của làng gốm Bát Tràng không chỉ dừng lại ở các đơn hàng đặt trước trong nước, phân phối tới các đại lý, cửa hàng gốm sứ trên cả nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước khác trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, liên minh châu Âu… Bình hoa, ấm chén là một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của làng gốm được mọi người sử dụng để trang trí trong gia đình.

Các hoạt động kinh tế mà học sinh phổ thông có thể tham gia tại làng gốm Bát Tràng là: hoạt động sản xuất (tham gia vào việc tạo hình các sản phẩm theo ý tưởng và bản sắc của cá nhân); hoạt động trao đổi (khi mua hoặc bán các sản phẩm gốm Bát Tràng) và hoạt động tiêu dùng (sử dụng sản phẩm gốm Bát Tràng để phục vụ nhu cầu cá nhân).

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Vận dụng 2 trang 11 KTPL 10: Em hãy cùng bạn xây dựng kịch bản và tổ chức một buổi tọa đàm về chủ đề “Tiêu dùng xanh” để góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh khi tham gia vào các hoạt động kinh tế.

Trả lời:

a) Kế hoạch

- Mục đích:

+ Tuyên truyền về việc “tiêu dùng xanh”

+ Nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh khi tham gia vào các hoạt động kinh tế

- Nội dung:

+ Phổ biến kiến thức về các hoạt động kinh tế của con người bao gồm: hoạt động sản xuất, hoạt động phân phối, trao đổi và hoạt động tiêu dùng.

+ Nâng cao hiểu biết của mọi người về “tiêu dùng xanh” và vai trò của “tiêu dùng xanh” đối với cá nhân và đời sống xã hội.

+ Đưa ra giải pháp để các bạn học sinh có thể “tiêu dùng xanh”

+ Nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh khi tham gia vào các hoạt động kinh tế

- Hình thức: Tổ chức dưới hình thức tọa đàm trực tiếp qua nền tảng Zoom

- Thời gian: 8h - 10h ngày 10/2/2022

b) Kịch bản cho buổi tọa đàm về chủ đề “Tiêu dùng xanh”

* Phần mở đầu: 

- Giới thiệu thành phần tham dự.

- Nêu lí do thực hiện buổi tọa đàm: xuất phát từ thói quen sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa của người dân vẫn còn rất phổ biến, trong đó có thanh niên. Thanh niên là lực lượng xung kích cần phải tiên phong thay đổi, tuyên truyền và lan tỏa hành vi tiêu dùng có trách nhiệm để bảo vệ môi trường (BVMT).

* Nội dung chính:

- Các yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng của thanh niên:

+ Thói quen tiêu dùng của thế hệ trẻ: sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa của người dân vẫn còn rất phổ biến.

+ Tình hình hiện này: lượng rác thải của người tiêu dùng thải ra tại Việt Nam cũng như trên thế giới những năm gần đây rất lớn và đang có xu hướng gia tăng.

- Đề xuất giải pháp:

+ Thành lập câu lạc bộ tiêu dùng hay làm các sản phẩm handmade, đồ tái chế từ vỏ nhựa trong trường học.

+ Thay đổi thói quen tiêu dùng bằng cách tuyên truyền thông qua bài viết trên mạng xã hội vì có nhiều người sử dụng. 

* Kết thúc: Cùng nhau phát động phong trào “Tiêu dùng xanh”.

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác: 

Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế

Bài 3: Thị trường

Bài 4: Cơ chế thị trường

Bài 5: Ngân sách nhà nước

Bài 6: Thuế

1 14,509 16/11/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: