Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự (5 mẫu)
Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự lớp 7 gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 7 hay hơn.
Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự - Ngữ văn 7
Dàn ý:
A. Mở bài:
- Giới thiệu (tưởng tượng) về câu chuyện mà em định kể (Lượm hay Đêm nay Bác không ngủ).
- Lưu ý xác định ngôi kể ngay từ đầu (đóng vai nhân vật người chú hoặc nhân vật anh lính – ngôi thứ nhất; đóng vai một người đứng ngoài câu chuyện để kể lại – ngôi thứ ba).
B. Thân bài:
1. Kể lần lượt các chi tiết, các sự kiện diễn ra trong câu chuyện:
Ví dụ: Với chuyện Lượm, ta lần lượt kể:
- Chi tiết người chú gặp Lượm.
- Ấn tượng của người chú về hình dáng và tính cách Lượm.
- Chi tiết Lượm đi chuyển thư.
- Lượm hi sinh,…
2. Suy nghĩ của người kể và con người Lượm hoặc về Hồ Chí Minh.
C. Kết bài:
Tưởng tượng về kết thúc của câu chuyện,
Ví dụ:
- Sau ngày giải phóng, người chú về thăm mộ Lượm.
- Anh lính sau đó được đi làm cùng Bác.
Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự (mẫu 1)
Trong cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta chống quân xâm lược, tôi đã biết nhiều trường hợp hi sinh. Trong số đó, sự hi sinh của các em thiếu nhi làm tôi rất xúc động.
Ngày ấy, khi giặc Pháp đánh đến Huế, thì tôi vừa ở Hà Nội về, tình cờ gặp cháu Lượm. Đó là chú bé nhỏ loắt choắt, đeo cái xắc bé xíu. Đặc biệt chú thích đội nghiêng chiếc mũ calô trên đầu, vừa huýt sáo, vừa nhảy chân sáo, nom hệt như một chú chim chích trên đường những buổi sớm mai.
Tôi hỏi:
– Cháu đi làm liên lạc cho cơ quan kháng chiến, có nhớ nhà không?
Cháu cười rạng rỡ, hai mắt híp lại, hai má đỏ hồng như trái bồ quân, nói:
– Ở đồn Mang Cá vui lắm chú ạ, còn vui hơn ở nhà nhiều!
Tôi từ biệt cháu, lại lên đường ra Bắc, còn cháu lại trở về Mang Cá. Từ đó công việc liên miên tôi không còn dịp nào trở về Huế nữa.
Một hôm, tôi gặp một người quen từ Huế ra công tác. Trong giờ nghỉ, người ấy nói:
– Cháu Lượm hi sinh rồi, anh biết không?
– Sao? Lượm hi sinh rồi sao, trong trường hợp nào? Tôi hấp tấp hỏi đôi mắt như nhòa đi.
Người quen ấy kể:
– Cháu Lượm vẫn làm liên lạc cho cơ quan chúng tôi. Một hôm có công văn khẩn phải đưa đi gấp. Đường đi băng qua đồn địch, rất nguy hiểm. Chúng tôi căn dặn:
– Phải cẩn thận, đường nguy hiểm lắm đấy, qua đồn cháu phải coi chừng mới được.
Cháu mỉm cười, bừng đỏ đôi má bồ quân.
– Nguy hiểm cháu cũng không sợ, việc cần thì phải đi.
Nói rồi cháu bỏ thư vào bao, đội mũ ca lô ra đi. Từ xa tôi trông theo vẫn thấy cái mũ ca lô nhấp nhô trên đồng lúa như thể cháu vừa đi vừa nhảy, vừa huýt sáo vậy. Bỗng từ phía đồn địch một chớp đỏ lóe lên rồi một tiếng nổ vọng lại. Cái mũ ca lô biến mất. Khi chúng tôi tìm đến thì cháu đã hi sinh. Máu đỏ thấm ướt ngực cháu, nhưng nét mặt thanh thản như là đang ngủ, một tay nắm chặt bụi lúa bên đường. Đồng lúa đang trổ đòng đòng, hương thơm ngào ngạt như đang ấp cho cháu ngủ.
Tin cháu Lượm hi sinh làm tôi xót xa bàng hoàng. Từ độ kháng chiến đến nay, tôi đã nghe nhiều tin tức hi sinh của đồng bào đồng chí, nhưng tin cháu Lượm bỏ mình làm tim tôi xao xuyến mãi. Cháu còn bé bỏng quá, vô tư quá, đã hiểu thế nào là sống chết đâu. Trước mắt tôi bỗng xuất hiện lên hình ảnh một chú Lượm nhỏ bé, đeo cái xắc xinh xinh, đội cái mũ ca lô lệch, vừa huýt sáo vừa nhảy tâng tâng như con chim chích của vườn ruộng Việt Nam.
Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự (mẫu 2)
Năm 1946, thực dân Pháp trở mặt xâm lược nước ta một lần nữa. Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, động viên nhân dân quyết hi sinh để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do chúng ta đã phải đổ bao xương máu mới giành lại được. Từ Hà Nội, tôi trở về quê hương, đúng lúc gặp giặc Pháp tấn công vào Huế. Không khí những ngày đó thật sôi sục. Người dân xứ Huế không phân biệt già trẻ, gái trai, đồng lòng đánh giặc, bảo vệ quê hương.
Đang rảo bước trên đường Hàng Bè, tôi chợt nghe tiếng gọi vô cùng quen thuộc: "Ôi chú Lành! Chú về hồi nào vậy?". Tôi ngẩng lên nhìn. Một chú bé loắt choắt, da sạm nắng, trên đầu là chiếc mũ ca nô đội lệch, trông mới tinh nghịch làm sao. Cháu cười, phô hàm răng trắng đều, sải bước thật nhanh về phía tôi, hai tay dang rộng, chiếc xắc cốt nhún nhảy trên lưng theo nhịp bước.
Ồ! Lượm! Đứa cháu bé bỏng của tôi! Xa cháu chưa lâu mà tôi thấy cháu khác trước nhiều quá! Cháu chững chạc hẳn lên, trông như một anh bộ đội thực thụ. Tôi ôm chặt Lượm vào lòng, vội vã hỏi thăm về những người thân. Cháu vui vẻ khoe:
– Cháu làm liên lạc. Ở với các chú bộ đội trong đồn Mang Cá, cháu được các chú ấy dạy chữ, dạy hát, dạy bắn súng, dạy cách làm việc… Vui lắm chú à!
Lượm hào hứng kể rồi cười thích thú, mắt sáng ngời, đôi má ứng đỏ như trái bồ quân chín. Tôi cũng vui lây trước niềm vui trẻ thơ, hồn nhiên của Lượm. Cháu giơ tay lên mũ, đứng nghiêm chào tôi: "Thôi, chào đồng chí!" kèm theo nụ cười tinh nghịch. Tôi đứng lặng nhìn theo bóng cháu đang thoăn thoắt nhảy chân sáo trên đường. Tiếng huýt sáo vui vẻ của Lượm vẫn còn văng vẳng bên tai. Tôi rất vui vì Lượm đã trở thành đồng đội của tôi, một đồng đội tí hon.
Ngày tháng trôi qua, hai chú cháu tôi chiến đấu trên hai mặt trận khác nhau. Vào một ngày hè tháng sáu, tôi bàng hoàng khi nhận được tin Lượm đã hi sinh trong một trận tấn công đồn giặc. Giữa lúc cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, Lượm nhận nhiệm vụ chuyển thư thượng khẩn ra mặt trận. Trong lửa đạn mịt mù, cháu lao lên như một mũi tên, không sợ hiểm nguy, quyết trao tận tay người chỉ huy trận đánh lệnh của cấp trên. Một viên đạn thù đã bắn vào cháu. Lượm ngã xuống trên quê hương, giữa đồng lúa thơm mùi sữa lên đòng. Lượm đã hi sinh ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Cháu ra đi mãi mãi, để lại niềm thương cảm khôn nguôi trong lòng tôi…
Mỗi khi nghĩ đến Lượm, trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh một chú bé loắt choắt, vai đeo chiếc xắc cốt đựng tài liệu, đầu đội lệch chiếc mũ ca lô, miệng huýt sáo vang, vừa đi vừa nhảy chân sáo trên con đường chan hòa ánh nắng.
Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự (mẫu 3)
Một ngày cuối năm 1947, nhà thơ Tố Hữu có chuyến công tác đến tình Thừa Thiên Huế. Hôm ấy đến đồn Mang Cá, ông thấy không khí chiến đấu của anh em rất sôi nổi nên rất vui mừng.
Sau khi báo cáo tình hình của đồn, các đồng chí chỉ huy đồn mời nhà thơ đi tham quan tình hình xung quanh. Bất chợt, ông nhìn thấy một chú bé chừng hơn 10 tuổi trông rất lanh lẹ và hoạt bát đang lúi húi xem xét những bao thư trong túi xắc. Tố Hữu nhìn chú bé rất chăm chú. Dẫu vậy, ông cũng không biết ràng chú bé này rồi sẽ bất tử trong những vần thơ của mình.
Cậu bé ấy có dáng người loắt choắt nhưng đôi chân cứ thoăn thoắt chạy đi chạy lại hỏi han những người xung quanh điều gì đó. Bên hông chú, chiếc xắc nhỏ xinh cứ lắc lắc đập dập tung tẩy. Đôi mắt cậu mở to, trong sáng, hồn nhiên rất hợp với chiếc ca lô xinh xắn đội lệch trên đầu. Nhà thơ Tố Hữu hỏi một đồng chí cùng đi về chú bé ấy thì được trả lời:
– Báo cáo hai đồng chí, đó là em Lượm, liên lạc viên xuất sắc nhất của đồn hiện nay. Có lẽ em đang hỏi để đưa thư cho mọi người.
Nhà thơ Tố Hữu vui vẻ lại gần chú bé Lượm hỏi chuyện:
– Thế cháu mấy tuổi rồi.
– Dạ cháu 12 tuổi ạ!
– Đi liên lạc cháu thấy thế nào?
– Dạ vui lắm chú ạ! Mọi người ai ai cùng vui vẻ, hăng hái. Ở đồn Mang Cá, cháu còn thích hơn ở nhà nữa cơ!
– Nếu thành Huế ai ai cũng như cháu thì thằng Pháp sẽ nhanh chóng bại trận trong một ngày không xa.
Nhà thơ chưa kịp hỏi chuyện thêm thì Lượm đã cất tiếng chào để tiếp tục đi làm nhiệm vụ.
Bẵng đi một vài tháng, một hôm nhà thơ Tố Hữu đang làm việc ở cơ quan thì có một đồng chí trong ban chỉ huy ở đồn Mang Cá xin được vào báo cáo. Sau khi làm việc xong, nhân được gặp người quen, Tố Hữu và đồng chí ở đồn Mang Cá ngồi hàn huyên nói chuyện. Nghe hỏi đến tình hình anh em trong đồn, đồng chí ở đồn Mang Cá chợt trầm xuống, ngậm ngùi:
– Anh có nhớ chú bé Lượm liên lạc không? Cháu bé mà anh rất thích ấy… Cháu đã hi sinh rồi!
Tố Hữu sững người.
– Hôm ấy, như mọi ngày Lượm nhận công văn của đồn triển khai công tác bố phòng đến những vùng ngoại ô. Em tức tốc đi ngay. Không ngờ trên đường đi, em gặp ngay một ổ phục kích của quân thù. Em vội lánh chạy nhưng không kịp, giặc đà bắn theo tới tấp. Lượm hy sinh. Khi chúng tôi nhận được tin rồi cùng dân làng chạy tới thi thấy người em đã lạnh, riêng làn môi vẫn còn mỉm một nụ cười. Một tay chú giữ chiếc ca lô, tay kia bám chặt một bông lứa sữa. Cách đó không xa, dưới lòng mương, những mảnh vụn của tờ điện khẩn ướt sũng…
Đồng chí ấy vừa kể xong thì oà khóc. Nhà thơ Tố Hữu nghẹn lời.
Sau ngày hôm ấy, bài thơ “Lượm” được ra đời và nhanh chóng lan truyền rộng rãi trong các đội thiêu niên nhi đồng. Bài thơ cất lên nhắc nhỡ chung ta phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Nhất là phải sống sao cho xứng đáng với những anh hùng thiếu niên, các anh ấy tuy nhỏ tuổi nhưng dũng cảm vô cùng. Và nếu không có chiến tranh thì các anh các chị cũng hạnh phúc như chúng ta bây giờ.
Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự (mẫu 4)
Năm 1946, thực dân Pháp trở mặt xâm lược nước ta một lần nữa. Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, động viên nhân dân quyết hi sinh để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do chúng ta đã phải đổ bao xương máu mới giành lại được. Từ Hà Nội, tôi trở về quê hương, đúng lúc gặp giặc Pháp tấn công vào Huế. Không khí những ngày đó thật sôi sục. Người dân xứ Huế không phân biệt già trẻ, gái trai, đồng lòng đánh giặc, bảo vệ quê hương.
Đang rảo bước trên đường Hàng Bè, tôi chợt nghe tiếng gọi vô cùng quen thuộc: "Ôi chú Lành! Chú về hồi nào vậy?". Tôi ngẩng lên nhìn. Một chú bé loắt choắt, da sạm nắng, trên đầu là chiếc mũ ca nô đội lệch, trông mới tinh nghịch làm sao. Cháu cười, phô hàm răng trắng đều, sải bước thật nhanh về phía tôi, hai tay dang rộng, chiếc xắc cốt nhún nhảy trên lưng theo nhịp bước.
Ồ! Lượm! Đứa cháu bé bỏng của tôi! Xa cháu chưa lâu mà tôi thấy cháu khác trước nhiều quá! Cháu chững chạc hẳn lên, trông như một anh bộ đội thực thụ. Tôi ôm chặt Lượm vào lòng, vội vã hỏi thăm về những người thân. Cháu vui vẻ khoe:
- Cháu làm liên lạc. Ở với các chú bộ đội trong đồn Mang Cá, cháu được các chú ấy dạy chữ, dạy hát, dạy bắn súng, dạy cách làm việc... Vui lắm chú à!
Lượm hào hứng kể rồi cười thích thú, mắt sáng ngời, đôi má ứng đỏ như trái bồ quân chín. Tôi cũng vui lây trước niềm vui trẻ thơ, hồn nhiên của Lượm. Cháu giơ tay lên mũ, đứng nghiêm chào tôi: "Thôi, chào đồng chí!" kèm theo nụ cười tinh nghịch. Tôi đứng lặng nhìn theo bóng cháu đang thoăn thoắt nhảy chân sáo trên đường. Tiếng huýt sáo vui vẻ của Lượm vẫn còn văng vẳng bên tai. Tôi rất vui vì Lượm đã trở thành đồng đội của tôi, một đồng đội tí hon.
Ngày tháng trôi qua, hai chú cháu tôi chiến đấu trên hai mặt trận khác nhau. Vào một ngày hè tháng sáu, tôi bàng hoàng khi nhận được tin Lượm đã hi sinh trong một trận tấn công đồn giặc. Giữa lúc cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, Lượm nhận nhiệm vụ chuyển thư thượng khẩn ra mặt trận. Trong lửa đạn mịt mù, cháu lao lên như một mũi tên, không sợ hiểm nguy, quyết trao tận tay người chỉ huy trận đánh lệnh của cấp trên. Một viên đạn thù đã bắn vào cháu. Lượm ngã xuống trên quê hương, giữa đồng lúa thơm mùi sữa lên đòng. Lượm đã hi sinh ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Cháu ra đi mãi mãi, để lại niềm thương cảm khôn nguôi trong lòng tôi...
Mỗi khi nghĩ đến Lượm, trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh một chú bé loắt choắt, vai đeo chiếc xắc cốt đựng tài liệu, đầu đội lệch chiếc mũ ca lô, miệng huýt sáo vang, vừa đi vừa nhảy chân sáo trên con đường chan hòa ánh nắng.
Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự (mẫu 5)
Đó là những ngày ở Huế bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1947. Tôi lúc bấy giờ ở Hà Nội nhận lệnh khẩn cấp về Huế. Trên đường đi, tôi tình cờ gặp một chú bé giao liên tên Lượm, ở Hàng Bè. Lượm là một chú bé có dáng người nhỏ nhắn mà nhanh nhẹn. Chú đeo một cái túi xinh xinh bên mình. Chú có một đôi chân thoăn thoắt và cái đầu nghênh nghênh. Vẻ hồn nhiên và vui tươi ấy càng được tôn thêm bởi chiếc ca lô đội lệch, và mồm luôn huýt sáo như chú chim chích nhảy trên đường vàng.
Giữa những ngày kháng chiến toàn dân, chú bé liên lạc như làm tăng thêm niềm tin trong lòng người lính chúng tôi. Tranh thủ phút rảnh rỗi, tôi lại gần hỏi han, trò chuyện với chú. Chú vừa cười vừa nói với tôi:
"Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà"
Tôi thật sự xúc động trước sự vô tư và hồn nhiên của chú bé. Cháu cười mà hai mí híp cả lại, má đỏ nâu như trái bồ quân chín tới. Chiến tranh còn dài, chúng tôi chia tay nhau, mỗi người đều quyết tâm làm tròn bổn phận của mình. Tôi lưu luyến nhìn theo bóng Lượm xa dần mà lòng thầm mong gặp lại cháu trong ngày khải hoàn ca chiến thắng.
Nhưng chiến tranh vẫn chứa nhiều tàn nhẫn. Vào một ngày tháng sáu, cô giao liên đem tin đến, tôi bàng hoàng được tin Lượm đã hi sinh! Mắt tôi nhoà đi theo lời kể của người liên lạc.
"Lượm hi sinh khi đang làm nhiệm vụ. Cháu bị một viên đạn địch bắn tỉa. Nhìn cháu nằm trên lúa, tay còn nắm chặt bông, lá thư đề "Thượng khẩn" còn nằm trong cái xắc mọi người không cầm được nước mắt..."
Cổ họng tôi nghẹn lại, hình ảnh yêu thương ngày nào của cháu hiện lên rõ mồn một:
"Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng"
Tôi giật mình tỉnh giấc, nước mắt còn đẫm trên mi. Giấc mơ trôi qua mà lòng tôi mãi còn bồi hồi xúc động. Khói lửa chiến tranh đã tắt hẳn lâu rồi. Lớp trên chúng tôi đang sống những ngày tháng thanh bình và có thể nói là đầy đủ, sung túc. Tất cả là do cha mẹ đã không quản công lao chăm chút, nhưng không thể không kể đến sự hi sinh to lớn của những người anh hùng, trong đó có Lượm - chú giao liên quả cảm!
Hãy ngủ yên Lượm ơi! Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để gìn giữ và xây dựng đất nước này. Giữa những ngày tháng thanh bình, trang viết của tôi thay nén hương thơm, xin được tri ân những người anh hùng vị quốc vong thân.
Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 7 hay, chi tiết khác:
Giải thích câu nói Học đi đôi với hành
Suy nghĩ về câu ca dao Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Xem thêm các chương trình khác: