TOP 10 mẫu bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (2024) SIÊU HAY

Hãy bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn lớp 7 gồm dàn ý và 4 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 7 hay hơn.

1 8,570 22/01/2024
Tải về


Hãy bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

TOP 10 mẫu bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Dàn ý bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tốt gỗ: vẻ đẹp bên trong, bền bỉ, trường tồn với thời gian, ý chỉ phẩm chất, tính cách tốt đẹp của con người.

Tốt nước sơn: vẻ đẹp hình thức bên ngoài, ý chỉ ngoại hình của con người, những người có ngoại hình xinh đẹp khiến người khác ngất ngây.

Con người có ngoại hình là một điểm cộng, một lợi thế nhưng không quan trọng bằng việc chúng ta có một phẩm chất, một nhân cách tốt đẹp, biết đối nhân xử thế, sống với trái tim trọn vẹn yêu thương.

b. Phân tích

Vẻ đẹp ngoại hình có thể phôi pha theo thời gian, rồi chúng ta sẽ già đi, không thể trẻ mãi, đẹp mãi được. Nhưng nếu chúng ta có một tấm lòng nhân hậu, một nhân cách tốt đẹp thì những phẩm chất này sẽ đi theo con người xuyên suốt cuộc đời, giúp con người sống tốt và được mọi người yêu quý.

Phẩm chất là thước đo chính xác nhất trong mọi thời đại để đánh giá con người. Con người sống và đối xử với nhau bằng phẩm chất, tính cách, chính vì thế chúng ta cần phải rèn luyện cho bản thân mình những tính cách tốt đẹp nhất có thể.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, được nhiều người biết đến.

d. Mở rộng vấn đề

Trong cuộc sống có những con người đẹp người đẹp nết, họ không chỉ có ngoại hình xinh đẹp mà còn có một nhân cách thanh cao, những người này xứng đáng là tấm gương để ta học tập và noi theo.

Vẫn còn có nhiều người coi trọng ngoại hình, sống và đối xử với người khác dựa vào hình thức, lại có những người mải chăm lo hình thức mà không tích cực trau dồi nhân phẩm.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (mẫu 1)

Từ xưa tới nay, tục ngữ vẫn luôn là hành trang, túi khôn của con người. Tục ngữ cho ta biết bao lời khuyên, biết bao kinh nghiệm quý giá. Một trong số vô vàn các câu tục ngữ là: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Câu tục ngữ này đã nói lên quan hệ giữa nội dung bên trong và hình thức bên ngoài, nội dung bao giờ cũng tốt hơn, có giá trị hơn hình thức, đồng thời khuyên chúng ta đừng quá coi trọng hình thức mà bỏ qua nội dung. Để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ cùng nhau giải thích câu tục ngữ này.

Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Nghệ sĩ dân gian đã đưa ra hai hình ảnh cụ thể là gỗ và nước san. Giữa gỗ và nước sơn có từ so sánh “hơn” để làm nổi bật ý nghĩa rằng: gỗ bao giờ cũng tốt hơn, bền hơn nước sơn. Cũng chính vì vậy mà khi đi mua tủ, mua bàn ghế bằng gỗ, người khôn ngoan không bao giờ nhìn nước sơn đẹp hay xấu, nhìn hình thức bóng bẩy bề ngoài mà họ thường quan tâm đến loại gỗ làm ra vật đó, gỗ lim, gỗ trắc hay loại gỗ gì? Bởi vì: nước sơn tuy đẹp thật nhưng theo năm tháng sẽ dần dần phai nhạt đi, mờ đi, còn gỗ thì vẫn bền lâu. Từ việc “gỗ” và “nước sơn”, ta suy nghĩ đến con người. Con người cũng cần ở cái nết, phẩm chất chứ con người không phải chỉ cần có cái đẹp bên ngoài. Ông cha ta từng nói “cái nết đánh chết cái đẹp” mà. Khi chọn vợ, chọn chồng cho con, cha mẹ ít khi cho rằng: người vợ, người chồng của con phải thật đẹp, mà họ thường để ý xem người đó phẩm chất, nhân cách thế nào? Bởi vì, con người ta làm sao mà trẻ đẹp mãi được, con người sẽ dần già đi, sắc đẹp sẽ dần tàn phai, ai mà giữ mãi được tuổi thanh xuân của mình. Tuy sắc đẹp của con người tàn phai, nhưng phẩm chất, nhân cách của con người vẫn còn đó, không bị mất đi.

Chúng ta đã hiểu được câu tục ngữ nhưng vì sao ta lại nói như vậy? Vì đầy là lời khuyên của ông cha ta, nó đã tồn tại rất nhiều năm, được mọi người chấp nhận, làm theo, và nó đã được truyền từ đời này sang đời khác. Hơn nữa, ta hiểu được vì thực tế hàng ngày diễn ra trước mắt ta. Cạnh nhà tôi có một chị tên là Phương, chị rất xinh đẹp, nhà giàu, lúc nào cũng ăn mặc sang trọng, vòng vàng, nhẫn vàng, hoa tai vàng, nhưng chị chẳng biết làm gì cả, suốt ngày chỉ mắng chị Lan, làm thuê trong nhà. Có hôm chị Lan về quê, mẹ chị đi vắng, bố chị bảo chị nấu cơm, nhưng khi về thì nồi cơm điện không ấn nút cắm điện, nên gạo hoàn gạo, thịt kho cháy, rau thì sống sượng chẳng ăn được gì. Bố chị lại phải đưa chị đi ăn ngoài hàng. Cả xóm tôi đều cười chê chị. Chị thi đại học ba, bôn năm nay mà chẳng năm nào đỗ cả. Thử hỏi, người như chị rời bố mẹ thì làm ăn được gì, sắc đẹp đâu có làm ra cơm, gạo, thức ăn, làm ra tiền cho chị? Muốn có kiến thức thì phải học, phải lao động. Ngược lại với chị Phương, chị Vân là con nhà nông dân chân lấm tay bùn, nhà chị chẳng giàu có gì lại có tới ba chị em gái; chị là cả phải vừa giúp bố mẹ làm việc đồng áng, vừa nội trợ, vừa trông em, vừa học, thế mà năm nào chị cũng đạt học sinh xuất sắc, chị đã giành được bao nhiêu giải của quận, của thành phố trong suốt 12 năm học. Chị lại rất ngoan ngoãn, chăm chỉ, đảm đang và hiếu thảo, nên được mọi người yêu mến, chị thi một lúc đỗ cả ba trường đại học, mẹ tôi thường bảo tôi học tập chị. Đó là những tấm gương rất rõ để tôi hiểu được câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” này. Người nào nết na, đảm đang, ngoan ngoãn luôn được mọi người yêu quý, kính trọng dù họ xấu hay đẹp. Đó, nội dung bên trong bao giờ cũng có giá trị hơn, quan trọng hơn là hình thức bề ngoài. Hiểu như vậy, tôi và các bạn, chúng ta phải làm gì nào? Chúng ta phải chăm chỉ học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi. Ngoài việc học ta phải tham gia các hoạt động thể thao cho cơ thể khỏe mạnh, ta phải giúp đỡ bố mẹ mọi công việc nhà như nấu cơm, rửa bát, rửa ấm chén, quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Ta phải tu dưỡng đạo đức tốt, chứ đừng bỏ ra quá nhiều thời gian để ngắm vuốt trước gương, trang điểm son phấn. Câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” ngày nay vẫn đúng, nhưng ở năm 2003 này, khi đời sống vật chất đầy đủ và sinh hoạt tinh thần phong phú, con người càng cần tu dưỡng đạo đức, tuy để khỏi bị gọi là lạc hậu, hiệu quả giao tiếp trong cuộc sống cao hơn thì mọi người. cũng cần chọn cho mình quần áo đẹp, lịch sự, hợp với bản thân.

Như vậy, câu tục ngữ của ông cha ta ngày nay vẫn đúng là “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Dân tộc ta hiện nay đã có điều kiện để làm cho hình thức cuộc sống bên ngoài đẹp lên, song chúng ta cũng không nên nhầm lẫn, không lóa mắt vì hình thức. Ta vẫn coi trọng nội dung bên trong – phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người. Các bạn hãy phấn đấu để đạt mục tiêu thế nhé!

Hãy bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (4 mẫu) (ảnh 1)

Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (mẫu 2)

Kho tàng dân ca, ca dao có rất nhiều câu nói hay về đánh giá con người và đồ vật. Một trong số đó là câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” để lại những bài học giá trị.

Câu tục ngữ đưa ra hai hình ảnh gần gũi đó là “gỗ” và “nước sơn”. “Gỗ” là vật liệu làm thành các đồ dùng, còn “nước sơn” thì dùng quét lên trên bề mặt của gỗ giúp gỗ trở nên đẹp, bền hơn. Mà gỗ tốt thì sẽ làm nên những đồ dùng tốt và ngược lại khi gỗ xấu thì dù quét lên lớp sơn đẹp đẽ nhất, tốt nhất thì nó cũng sẽ nhanh hỏng. Mọi vật tồn tại trên đời đều có hai mặt đó là nội dung và hình thức. Hình thức là bên ngoài trực tiếp nhìn thấy bằng mắt thường. Nội dung là bên trong, chất lượng phải kiểm định trong thời gian dài mới thấy được. Bên cạnh đó, nội dung và hình thức không phải lúc nào cũng tương đồng cùng nhau. Một vật có hình thức đẹp nhưng chưa chắc chất lượng. Nhận biết tốt xấu như thế nào thì quan niệm của cha ông ta đã đưa ra là rất hữu ích cho cuộc sống chúng ta.

Qua câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhằm khẳng định muốn đánh giá một thứ là tốt hay xấu thì chúng ta cần phải xem xét kỹ cái chất lượng bên trong chứ không phải hình thức bên ngoài. Ông cha ta đã đề cao phẩm chất đạo đức hơn là vẻ đẹp đẹp bên ngoài. Câu tục ngữ đã được rút ra từ kinh nghiệm sống, người có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ hiểu biết cao tất sẽ là người làm được việc, mọi người tin cậy. Phẩm chất đạo đức tốt nếu được giao công việc họ sẽ cố gắng, chăm chỉ để hoàn thành công việc. Trái lại khi giao việc cho một người có bề ngoài hào nhoáng, lời nói hoa mỹ, họ chỉ thực sự giỏi nói chứ làm thì còn phải xem lại.

Trong thực tế hình thức và nội dung có thể không thống nhất với nhau. Nhiều khi chúng ta thấy một đồ vật đẹp, lung linh nhưng thực chất lại làm từ nguyên liệu dễ hỏng và độc hại. Nhất là con người, khi mà cuộc sống ngày càng hiện đại khoảng cách con người càng lớn, giản dị, chất phác thời xưa dần dần suy thoái và gần như biến mất. Con người ngày càng giả tạo, che giấu bản chất bên trong. Vì vậy trước khi đánh giá một ai đó chúng ta luôn phải tỉnh táo suy xét và không nên vội vàng đưa nhận định qua dáng vẻ bề ngoài.

Như vậy, câu tục ngữ trên đã để lại bài học cho chúng ta. Mỗi người hãy ghi nhớ rằng phẩm chất và đạo đức, tài năng thực sự mới là điều quan trọng chứ không hẳn là vẻ đẹp bên ngoài.

Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (mẫu 3)

Những câu tục ngữ của ông cha ta chính là những bài học quý giá nhắc nhở con cháu. Trong đó, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” chính là lời nhắn nhủ về cách nhìn nhận, đánh giá con người hay đồ vật cần coi trọng bản chất, nhân cách.

Câu tục ngữ nói lên một sự việc thường ngày trong đời sống. “Gỗ” được sử dụng để tạo thành nhiều vật dụng cần thiết hoặc dùng để trang trí trong gia đình. “Nước sơn” chính là màu được tô vẽ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm phần màu sắc và thẩm mỹ. Như vậy, “gỗ” là nói tới chất lượng bên trong của đồ vật còn “nước sơn” là hình thức bên ngoài. Và câu tục ngữ đã khuyên răn chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Mở rộng nghĩa, chúng ta có thể hiểu lời khuyên từ câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua vẻ bề ngoài của người đó.

Câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng với hoàn cảnh xã hội. Bởi gỗ có tốt ta mới có thể dùng lâu, dùng bền. Dù cho nước sơn có phai mờ dần theo thời gian. Nếu gỗ xấu, bị mối mọt, dùng nước sơn và sự khéo léo của bàn tay người tô để che đi khuyết điểm thì sau một thời gian sử dụng, đồ gỗ đó cũng sẽ hư hỏng. Lớp sơn khi đó dù đẹp đến đâu cũng không còn giá trị. Con người chúng ta cũng vậy, nếu hình thức bên ngoài dù có đẹp đẽ mà trình độ, năng lực kém cỏi thì cũng chỉ là người vô dụng. Giống như bông hoa hữu sắc vô hương vậy, luôn rực rỡ sắc màu, thu hút mọi ánh nhìn nhưng rồi cũng sẽ nhanh phai tàn và bị quên lãng. Con người có thực lực tốt và nhân cách sống cao đẹp, luôn trung thực, khiêm tốn học hỏi, nhân ái, biết yêu thương và chia sẻ thì đó là một tâm hồn đáng trân trọng. Chúng ta cần luôn tự học hỏi, tự bồi dưỡng để làm giàu tâm hồn mình, tự nâng cao giá trị của bản thân. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không cần “nước sơn” để tô vẽ cho bản thân, vẻ bề ngoài cũng vô cùng quan trọng vì nó sẽ thể hiện cho phong cách và cá tính của bản thân mình. “Người đẹp vì lụa” - con người vẫn cần cần biết chăm chút ngoại hình của chính mình từ dáng vẻ, quần áo, đầu tóc, ngôn ngữ… bởi có như vậy cũng chính là bạn biết trân trọng và yêu quý bản thân mình.

Câu tục ngữ đã trở thành lời khuyên ý nghĩa của mỗi người. Từ đó chúng ta hiểu hơn về tầm quan trọng của việc rèn luyện nhân cách, đạo đức tốt đẹp.

TOP 10 mẫu bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (mẫu 4)

Từ xưa đến nay, ông cha ta đã gửi gắm những kinh nghiệm quý báu của mình vào những câu ca dao, tục ngữ. Một trong số đó là câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Câu tục ngữ có hai lớp nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng. Đầu tiên về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là màu được tô vẽ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm phần màu sắc và thẩm mỹ. Còn nếu xét về nghĩa bóng, “gỗ” là nói tới chất lượng bên trong của đồ vật còn “nước sơn” là hình thức bên ngoài. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Suy rộng ra có thể hiểu lời khuyên từ câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua vẻ bề ngoài của người đó.

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta sử dụng những đồ vật được làm bằng gỗ. Nếu làm bằng loại gỗ tốt thì sẽ sử dụng được lâu bền. Còn nếu làm bằng gỗ xấu thì mau hư mục, cho dù được sơn phết đẹp đẽ. Điều đó cũng phù hợp khi đánh giá một con người. Con người có đạo đức tốt, có năng lực cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nếu có hình thức tốt nữa (dáng vẻ, quần áo, đầu tóc, ngôn ngữ, tác phong...) thì giá trị càng tăng. Nhưng con người dù có hình thức bên ngoài đẹp đẽ (tốt mã) mà trình độ, năng lực kém cỏi, tư cách không tốt thì cũng chỉ là loại người vô dụng.

Chính vì vậy, mỗi học sinh cần chú ý rèn luyện bản thân từ tri thức cho đến kĩ năng hay đạo đức. Vẻ bề ngoài chỉ có thể gây ấn tượng cho người khác trong một thời gian ngắn. Cái chinh phục phải đến từ tâm hồn tốt đẹp bên trong.

Như vậy, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một lời khuyên giàu ý nghĩa. Hình thức bên ngoài rất quan trọng, nhưng tâm hồn bên trong, nhân cách tốt đẹp mới khiến người khác yêu mến, kính phúc.

Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (mẫu 5)

Đánh giá về một đồ vật là một việc không dễ dàng, đánh giá cho được một con người là điều còn khó khăn hơn. Cha ông ta đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc nhìn nhận này mà có lẽ chúng ta rất cần phải học hỏi. Kinh nghiệm đó chú trọng đến hai mặt: nội dung và hình thức. Hãy xem câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, chúng ta sẽ hiểu được nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Trong thời đại của chúng ta hiện nay, câu tục ngữ này vẫn còn nguyên giá trị. Muốn biết câu tục ngữ đúng hay sai, trước hết chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của nó. Hiểu theo nghĩa đen, ở đây, gỗ là chất liệu bên trong để làm nên đồ vật, nước sơn là hình thức bên ngoài, góp phần làm cho đồ vật làm bằng gỗ thêm bền, thêm đẹp. Theo quan điểm của người xưa, gỗ là yếu tố quyết định giá trị của đồ vật hơn là nước sơn. Mặt khác, hiểu theo nghĩa bóng, gỗ ở đây có thể xem như là nội dung, còn nước sơn là hình thức bên ngoài. Tương ứng với nét nghĩa trên thì nội dung là khía cạnh quan trọng và quyết định hình thức. Vậy, ta phải hiểu thế nào là đúng về ý nghĩa của câu tục ngữ mà cha ông ta đã chắt chiu để lại?

Rõ ràng, với đồ vật bằng gỗ, gỗ là chất liệu để tạo thành. Nếu gỗ tốt, chắc chắn đồ vật ấy sẽ bền. Còn nếu gỗ xấu, đồ vật sẽ chóng hư hỏng. Nước sơn chỉ là lớp phủ bên ngoài để trang trí cho đồ vật. Nước sơn có tốt mấy nhưng nếu cái cốt bên trong là gỗ bị mục thì sơn ấy cũng không thể cứu được sự vỡ nát của đồ vật. Chúng ta ai cũng đã một lần nhìn ngắm chiếc tủ thờ bằng gỗ tốt, chỉ cần đánh một lớp vec-ni nhưng tồn tại rất nhiều năm, hoặc được ngả lưng trên một bộ phản lim láng bóng thì không còn sung sướng nào bằng. Đó là những đồ vật thật sự tốt, bởi chất liệu làm nên nó là gỗ tốt. Thế nhưng ngày nay có những bộ bàn ghế, những chiếc giường, chiếc tủ tuy bên ngoài sơn hoặc bọc mica hào nhoáng nhưng dùng chẳng bao lâu thì đã hỏng. Lúc bấy giờ, lớp sơn hoặc lớp mica hoàn toàn chỉ là lớp vỏ vô dụng. Nói về đồ vật thì vậy, còn với con người thì sao? Chúng ta dễ dàng nhận thấy, trong xã hội có nhiều loại người, nhiều tầng lớp, nhưng đánh giá đồ vật thì còn có quy luật, còn đánh giá con người quả là việc làm khó.

Nhìn chung, có lẽ nên căn cứ vào tư cách và phẩm chất đạo đức, vào năng lực làm việc để nhìn nhận con người. Đó là nội dung. Còn hình thức là vẻ đẹp biểu hiện qua cử chỉ, ngôn ngữ, cách ăn mặc… Một người có thể ăn mặc chải chuốt, chưng diện, nhưng tư cách xấu, trình độ văn hóa thấp kém thì không thể xem là người toàn diện. Vì vậy, không nên căn cứ vào hình thức bên ngoài để nhận xét con người. Câu tục ngữ mang ý nghĩa đúng đắn, trong đó cha ông ta đề cao giá trị của nội dung, coi trọng cái chất bên trong hơn cái vỏ bên ngoài. Chẳng phải cũng đã có một câu tục ngữ tương tự: Cái nết đánh chết cái đẹp đó hay sao? Vậy, mở rộng vấn đề từ ý tưởng của câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, ta hiểu: muốn đánh giá cho chính xác một con người, chúng ta cần căn cứ vào năng lực làm việc, vào tư cách, vào đạo đức của người đó. Ngoài ra, còn cần phải căn cứ vào mối quan hệ tốt đẹp của người đó với mọi người xung quanh…

Tuy nhiên, coi trọng nội dung chúng ta không nên coi nhẹ hình thức. Bởi lẽ hình thức cũng góp phần không nhỏ trong công việc hoàn chỉnh một đồ vật hay một con người. Chính cha ông đã từng nhận định: Cái răng cái tóc là gốc con người, nhìn con người qua hình thức phần nào cũng sẽ hiểu được nội dung của họ. Nói cách khác, hình thức góp phần nâng cao giá trị của nội dung: đồ vật tốt, hình thức đẹp thì được ưa chuộng hơn; một người vừa giỏi giang vừa xinh đẹp và lịch sử sẽ được quý mến và trân trọng hơn. Tóm lại, cần xác định mối quan hệ tác động giữa nội dung và hình thức. Chúng bổ sung và hoàn chỉnh lẫn nhau. Bác Hồ khi bàn về tiêu chuẩn đánh giá cán bộ đã nói: Có tài mà không có đức thì là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Đó cũng chính là quan hệ của nội dung và hình thức, về các mặt đối lập để hoàn thiện một con người.

Đứng ở vị trí của thời đại mới, chúng ta vẫn xác định tính đúng đắn của câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Là học sinh, chúng ta xem đây là bài học quý giá cho chúng ta trong việc nhìn nhận và đánh giá con người. Biết nhận xét chính xác về người khác, cũng có nghĩa là chúng ta sẽ có định hướng tốt trong việc tự rèn luyên mình. Xin cám ơn cha ông xưa để lại cho con cháu đời nay nhiều lời khuyên bổ ích.

Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (mẫu 6)

Từ thực tế cuộc sống vất vả, gian nan và đầy thử thách, nhân dân ta đã rút ra cách đánh giá, nhìn nhận sự vật và con người. Người xưa thường Ăn lấy chắc, mặc lấy bền và coi trọng phẩm chất bên trong hơn là hình thức bên ngoài. Điều đó thể hiện qua câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Quan điểm đấy đúng hay không đúng? Trong hoàn cảnh ngày nay, nó có còn giữ nguyên giá trị hay không? Chúng ta hãy thử cùng nhau bình luận.

Tất cả các sự vật đều có hai mặt: nội dung và hình thức. Mặt nội dung còn gọi là chất lượng của sản phẩm thường được đánh giá cao.

Thực tế cho thấy các đồ vật (giường, tủ, bàn ghế,...) làm bằng gỗ tốt, gỗ quý có thời gian sử dụng rất lâu dài và càng về sau càng đẹp. Người ta chỉ cần bào nhẵn rồi đánh bóng chúng bằng một lớp véc-ni là đủ. Trong khi đó, những đồ dùng bằng gỗ xấu, gỗ tạp bên ngoài lại hay được sơn phết hào nhoáng. Dù có đẹp đến đâu chăng nữa thì chúng cũng rất mau hỏng. Vì thế cho nên mọi người chuộng tốt, chuộng bền mà coi nhẹ hình thức của đồ vật. Nghĩa đen của câu tục ngữ trên là như vậy.

Nhưng cũng như bao câu tục ngữ khác, câu Tốt gỗ hơn tốt nước sơn còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là lời khuyên thiết thực, đúng đắn về cách nhìn nhận, đánh giá con người. Chúng ta thấy rõ tính nhất quán trong việc khẳng định sự hơn hẳn của nội dung bên trong so với hình thức bên ngoài.

Lời khuyên này rất đúng vì nó được đúc kết từ kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ. Đánh giá một con người cần phải trải qua thời gian khá dài, không thể chủ quan, hồ đồ, rất dễ dẫn đến sai lầm, thậm chí gây nên những hậu quả tai hại khó lường.

Tại sao người xưa cho rằng nội dung bên trong (phẩm chất tốt) hơn hẳn hình thức bên ngoài?

Điều mà ai cũng phải thừa nhận là người có đạo đức tốt, trình độ hiểu biết sâu rộng, năng lực làm việc cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, không có được những phẩm chất tốt đẹp ấy thì khó có thể thành công trên đường đời, cho dù con người ấy hình thức bên ngoài có hào nhoáng, đẹp đẽ đến đâu chăng nữa. Người xưa đã dùng cách gọi hàm ý châm biếm những kẻ chỉ có hình thức bên ngoài, hay dùng hình thức bên ngoài để lừa bịp người khác, để che giấu những xấu xa, khuyết điểm bên trong... là loại Tốt mã giẻ cùi, nói thẳng ra là vô dụng, chẳng có giá trị gì.

Trên cơ sở quan điểm của người xưa, ngày nay chúng ta nên đánh giá con người như thế nào cho đúng? Chúng ta đều biết là giữa nội dung và hình thức có mối tương quan với nhau. Nội dung quyết định hình thức, hình thức làm tăng thêm giá trị cho nội dung. Vì vậy, khi nhận xét đánh giá về một người nào đó, chúng ta hãy bình tĩnh, sáng suốt tìm hiểu, phân tích để có được những kết luận đúng đắn và chính xác nhất.

Thống nhất với quan điểm của người xưa, chúng ta vẫn lấy phẩm chất (đạo đức, tài năng,...) làm tiêu chuẩn cơ bản, làm thước đo giá trị con người. Hãy căn cứ vào chất lượng và mục đích của công việc mà đánh giá người tốt, kẻ xấu và hãy đặt người ấy vào mối quan hệ với gia đình, nhà trường, xã hội. Người tốt là người có lương tâm và trách nhiệm với bản thân, với mọi người.

Chú trọng nội dung nhưng chúng ta cũng không nên xem nhẹ hình thức, bởi hình thức phần nào phản ảnh nội dung. Xưa nay, các bậc vĩ nhân, các nhà bác học... thường rất giản dị. Giản dị nhưng nghiêm túc và tôn trọng mình, tôn trọng người khác. Trái lại, những kể thích phô trương hình thức thì bên trong lại hời hợt và trống rỗng. Nếu kết hợp được một cách hài hòa giữa nội dung và hình thức, tất nhiên giá trị con người sẽ tăng lên rất nhiều.

Tuy câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" xuất hiện đã khá lâu nhưng cho đến nay nó vẫn giữ nguyên giá trị. Câu tục ngữ là một lời khuyên sáng suốt, thiết thực trong cách đánh giá sự vật và con người trong mọi hoàn cảnh, đồng thời đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai chỉ chạy theo hình thức hào nhoáng bên ngoài mà quên đi phẩm chất tốt đẹp - yếu tố cơ bản tạo nên giá trị đích thực của một con người.

Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (mẫu 7)

Ca dao tục ngữ Việt Nam là một kho từ điển đúc kết kinh nghiệm của ông cha ta qua hàng ngàn năm lao động. Từ thực tế cuộc sống vất vả, gian lao và đầy thử thách, nhân dân ta đã rút ra cách đánh giá, nhìn nhận sự vật và con người. Trong cách sống, chọn lựa ông cha ta đã khuyên bảo con cháu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Câu tục ngữ đến nay vẫn mang những giá trị quý báu cho thế hệ chúng ta.

Câu tục ngữ là một lời dạy đúng đắn và sâu sắc. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn được hiểu một cách đơn giản đó là xuất phát từ người làm gỗ quan trọng là gỗ tốt hơn là nước sơn đẹp, bóng bẩy mà chất lượng kém. Trong cuộc sống hàng ngày, khi chọn lựa, đừng quá coi trọng mẫu mã mà hãy xem xét chất liệu của nó. Nước sơn có thể xóa đi những khuyết điểm, mang lại hào nhoáng cho mọi vật nhưng sẽ mau hỏng, nhanh xuống cấp. Tuy nhiên câu tục ngữ còn mang nghĩa khái quát, rộng lớn mà sâu sắc. Xuất phát từ việc chọn gỗ mà câu nói nhằm khuyên người ta trong cách nhìn người, quan sát cuộc sống. Tốt “gỗ” ở đây là cái bản chất, bên trong, là vẻ đẹp tâm hồn con người mà không dễ dàng nhìn thấy khi quan sát hời hợt. Chẳng hạn như một cô gái nhan sắc bình thường mà đức hạnh tốt sẽ đáng quí hơn là những người xinh đẹp, lộng lẫy mà có những hành động suy nghĩ xấu xa, lười biếng, nhỏ nhen.

Lời khuyên này rất đúng vì nó được đức kết từ kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ. Đánh giả một con người cần phải trải qua thời gian khá dài, không thể chủ quan, hồ đồ, rất dễ dẫn đến sai lầm, thậm chí gây nên những hậu quả tai hại khó lường. Vì sao vậy?

Trước tiên những người có tài, có đức sẽ đóng góp những giá trị tốt đẹp cho bản thân gia đình và xã hội, trong khi những kẻ kém cỏi sẽ khó có được thành công trong sự nghiệp hay cuộc sống. Nhiều người còn lợi dụng vẻ hào nhoáng bên ngoài để trục lợi cá nhân, lừa bịp kẻ khác. Người xưa có câu “Dụng nhân như dụng mộc” phải chăng cũng là cách nói tốt gỗ hơn tốt nước sơn như thế. Suy cho cùng, trong cách nhìn người nếu chân giá trị của vật dụng là chất gốc thì chân giá trị của con người chính là đạo đức tài năng và trí tuệ.

Tuy nhiên, coi trọng nội dung không có nghĩa là không cần đến hình thức. Một người tài năng, đức độ giỏi giang trong công việc nhưng không thể đến công ty với mái tóc bù xù, cái áo nhăn nhúm. Khi gặp một ai đó trong lần phỏng vấn, ấn tượng ban đầu rất quan trọng, nhà tuyển dụng sẽ xem xét trang phục, cử chỉ, nếu chỉ chăm chăm vào hồ sơ hay kỹ năng mà không chuẩn bị tốt ngoại hình thì có thể bạn sẽ tự đánh mất cơ hội của mình. Như vậy, coi trọng cái nội dung, cái đẹp bản chất nhưng đồng thời cũng cần lựa chọn, chăm chút để hình thức trở nên tương xứng.

Để đánh giá và nhận xét một vật dụng, một con người, chúng ta dựa trên cơ sở cả nội dung lẫn hình thức. Hai mặt này kết hợp và bổ sung cho nhau làm nên giá trị của vật dụng ấy, con người ấy, trong đó nội dung giữ vai trò quyết định. Khi đánh giá, ta cần coi trọng chất lượng của sự vật cũng như đạo đức, tài năng trí tuệ của con người.

Như vậy “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không những chỉ giúp ta một phương châm đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá, chọn lọc ở đời mà còn giúp ta một phương châm trong cách đối nhân xử thế. Mỗi người cần tự rèn luyện cho bản thân những phẩm chất cần thiết để hoàn thiện bản thân và đạt được những thành công trong cuộc sống.

Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (mẫu 8)

Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” ngắn gọn nhưng để lại bài học sâu sắc. Xét về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là lớp sơn được phủ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm thẩm mỹ. Khi lựa chọn một sản phẩm làm từ gỗ, chúng ta cần chú trọng đến chất lượng của gỗ hơn là hình thức của sản phẩm. Còn xét về nghĩa bóng, “gỗ” muốn nói tới phẩm chất, nhân cách của con người; “nước sơn” ý chỉ hình thức của con người. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rộng ra lời khuyên từ câu tục ngữ là nên coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua hình thức bên ngoài. Hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ, chúng ta cần tích cực rèn luyện để ngày càng hoàn thiện bản thân.

Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (mẫu 9)

Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” gửi gắm bài học đến mỗi người. Đầu tiên, về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là lớp sơn được phủ bên ngoài để bảo vệ lớp gỗ, cũng như tăng thêm tính thẩm mĩ. Còn xét về nghĩa bóng, “gỗ” muốn nói tới phẩm chất, nhân cách của con người; “nước sơn” ý chỉ hình thức của con người. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp giá trị. Hình thức bên ngoài không tồn tại mãi với thời gian, chỉ có một nhân cách tốt đẹp, một tấm lòng cao cả mới để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người.

Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn (mẫu 10)

Tục ngữ là sản phẩm được đúc kết từ kinh nghiệm của ông cha ta. Và câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là lời khuyên nhủ sâu sắc dành cho con người trong cuộc sống.

Ông cha ta đã mượn hình ảnh vô cùng quen thuộc với cuộc sống của con người. Chắc hẳn trong mỗi gia đình đều có ít nhất một vật dụng được làm bằng gỗ như chiếc bàn, chiếc ghế, chiếc tủ… Chúng được con người làm ra từ gỗ, phủ lên những lớp sơn láng bóng để có tính thẩm mĩ cao. Nhiều người chỉ chú ý đến lớp nước sơn bóng nhoáng bề ngoài mà mà không chú ý đến lớp gỗ bên trong. Sau khi sử dụng một thời gian thì sản phẩm đã bị hư hại. Thế mới thấy gỗ tốt hơn là một lớp sơn bóng nhoáng, đẹp đẽ. Cũng giống như con người, khi nhìn vào hình thức bên ngoài thì không thể biết người đó là tốt hay xấu. Mà phải đánh giá phẩm chất, đạo đức và tâm hồn bên trong.

Câu tục ngữ vô cùng đúng đắn khi khuyên nhủ mỗi người về cách đánh giá người khác. Không thể phủ nhận được vai trò của ngoại hình trong cuộc sống. Khi nhìn thấy một người ăn mặc chỉn chu và sạch sẽ, chắc chắn mọi người đều sẽ có ấn tượng tốt đẹp. Nhưng đó yếu tố quyết định tất cả, mà còn phải xem đến cách hành động, cách cư xử của người đó. Có những người bên ngoài ăn mặc giản dị, nhưng họ lại có tấm lòng cao quý, đẹp đẽ. Có những người bên ngoài ăn mặc sang trọng, nhưng họ lại có tấm lòng xấu xa, ích kỷ. Cũng giống như chiếc bàn gỗ vậy, lớp sơn bao phủ bên ngoài khiến cho chiếc bàn trở nên sang trọng hơn. Nhưng nếu như bóc hết lớp sơn đó ra, bên trong sẽ chỉ thấy được lớp gỗ mục rũa mà thôi. Hình thức bên ngoài không tồn tại mãi với thời gian, chỉ có một nhân cách tốt đẹp, một tấm lòng cao cả mới để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chính là tấm gương cho một lối sống giản dị mà cao đẹp. Cách Bác đã sống một cuộc sống không giống với bất kì một vị chủ tịch hay tổng thống nào. Nơi ở của Bác - mà nhà văn gọi là “cung điện” của một vị Chủ tịch nước chỉ là một chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh cái ao. Chỉ vẻn vẹn có vài phòng để “tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ nghỉ”, đồ đạc trong đó cũng “rất mộc mạc, đơn sơ”. Từ nơi ở đến trang phục cũng “hết sức giản dị” - Bác chỉ có bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ. Cuối cùng là việc ăn uống của Bác cũng thật đam bạc, món ăn toàn là : cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa… những món ăn dân dã của vùng quê Việt Nam. Một con người giản dị, nhưng lại có trái tim yêu thương rộng lớn, nhân cách vĩ đại. Bác được cả thế giới biết đến, yêu thương và kính trọng.

Như vậy, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã giúp tôi nhận ra một bài học ý nghĩa. Mỗi người không nên quá chú trọng hình thức bên ngoài mà cần phải tích cực rèn luyện phẩm chất, đạo đức bên trong.

Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 7 hay, chi tiết khác:

Chứng minh câu tục ngữ Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Giải thích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

Giải thích câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân"

1 8,570 22/01/2024
Tải về