Giải thích câu nói Học đi đôi với hành (5 mẫu)

Giải thích câu nói Học đi đôi với hành lớp 7 gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 7 hay hơn.

1 3,577 30/03/2022
Tải về


Giải thích câu nói Học đi đôi với hành - Ngữ văn 7

Dàn ý:

a) Mở bài

- Nêu vấn đề nghị luận:

+ “Học đi đôi với hành” là một nguyên lý giáo dục quan trọng.

+ Suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành".

b) Thân bài

* Giải thích thế nào là học đi đôi với hành?

+ Học là tiếp thu tri thức về phương châm lý thuyết, lý luận.

+ Hành là sự vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn đời sống và lao động sản xuất.

=> Học “đi đôi” kết hợp với hành cho nhận thức và hành động của con người có tính thống nhất, bổ sung cho nhau, làm cho cái ta học được trở nên sâu sắc và vững chắc, hành động của ta có cơ sở khoa học, sẽ trôi chảy, dễ dàng, có thể logic và sáng tạo, để đạt tới kết quả cao.

* Vì sao học phải đi đôi với hành ?

+ Học đi đôi với hành là rất cần thiết và quan trọng với tất cả mọi người.

+ Hành mà không đi đôi với học thường có kết quả thấp hoặc thất bại.

+ Học lí thuyết mà không thực hành thì sẽ không hiểu được vấn đề, gây hậu quả lãng phí. Còn hành mà không học lí thuyết thì sẽ không đạt được kết quả cao.

* Lợi ích của "Học đi đôi với hành"

+ Hiệu quả trong học tập, giúp ta nắm chắc kiến thức hơn, nhớ lâu hơn và hiểu sâu hơn những điều được học.

+ Học đi đôi với hành sẽ soi sáng cho ta nhiều điều cụ thể và sinh động.

+ Đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả.

+ Có nhiều cơ hội trong cuộc sống mà ta có thể vận dụng để hành những điều học được.

+ Việc học sẽ không bị nhàm chán.

* Bài học nhận thức và hành động

- “Học đi đôi với hành” vừa là nguyên lý giáo dục vừa là phương pháp học tập hiệu quả.

- Để thực hiện nguyên lý này, mỗi người phải xác định cho mình mục đích học tập đúng đắn.

- UNESCO (Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục thuộc Liên hợp quốc) đã đề xướng “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

=> Học trở thành nhu cầu tự thân và chúng ta sẽ tìm mọi cách, mọi biện pháp, mọi cơ hội để vận dụng vào cuộc sống.

- Với động cơ, mục đích học tập đúng đắn, chúng ta mới có thể say mê học tập, nghiêm túc, chăm chỉ để tiếp thu đầy đủ nội dung, làm bài tập để củng cố, mở rộng bài học. Trên cơ sở nắm chắc bài học, chúng ta sẽ có điều kiện vận dụng vào thực tiễn.

- Học không chỉ ở trường lớp mà cả tự học, học bạn, học người thân, học đồng môn, đồng nghiệp. Hành không chỉ ở trong phòng thí nghiệm mà phải vận dụng vào cuộc sống hàng ngày, trong ăn ở, đi lại, giao tiếp và làm việc.

* Phản đề

- Phê phán lối học sai lầm:

+ Học chuộng hình thức

+ Học cầu danh lợi

+ Học theo xu hướng

+ Học vì ép buộc.

c) Kết bài

+ Khẳng định học đi đôi với hành là một phương pháp học hiệu quả

+ Liên hệ bản thân: Bản thân em đã, đang và sẽ làm gì để phát huy hiệu quả của phương châm “Học đi đôi với hành” ?

Giải thích câu nói Học đi đôi với hành (mẫu 1)

Lâu nay câu tục ngữ "Học đi đôi với hành" vẫn luôn được các thầy cô, các bậc phụ huynh lấy ra để khuyên dạy học trò, con của mình. Nó gần như là một chân lý, một sự thật không thể chối cãi. Tuy nhiên vẫn có một bộ phận không nhỏ những con người đang thầm bác bỏ hoặc đi ngược lại với câu nói ấy. Nhưng tôi cho rằng việc ấy là chưa đúng, là chưa thực sự thấu hiểu ý nghĩa của câu nói, cần phải giải thích cặn kẽ ý nghĩa của câu tục ngữ này thì mới mong cải thiện được những quan điểm hết sức sai lầm này.

Việc đầu tiên chúng ta cần phải nắm được ý nghĩa của "học" và "hành", đây là hai từ có nghĩa rất rộng, đi sánh đôi trong câu nói trên. Có thể hiểu một cách sơ bộ, học là quá trình con người tìm tòi, thu nạp kiến thức thông qua sách vở, thầy cô, bạn bè, kinh nghiệm của nhân loại,... Lứa tuổi học sinh chúng ta thì việc học chủ yếu diễn ra trên trường, chúng ta tích lũy kiến thức qua từng bài học, qua sách giáo khoa là chủ yếu. Nhưng tựu chung lại phần học thường nghiêng về lý thuyết, chúng ta tiếp thu những thành tựu đã có sẵn, đó là những kiến thức rập khuôn được truyền dạy lại. Tuy nhiên trong thực tế, những kiến thức này khi áp dụng lại sẽ có phần khác. Chính vì vậy, mới sinh ra chữ "hành" đi chung với chữ "học". Hành là thực hành, là hành động, là đưa lý thuyết vào thực tiễn. Đó là một cách mà con người kiểm tra, củng cố lại lý thuyết, đồng thời biến những thứ vốn chỉ tồn tại trên giấy vở thành sản phẩm hữu hình, thành kết quả có giá trị thực tiễn.

Qua định nghĩa hai từ đơn "học" và "hành" ta có thể suy ra nghĩa của cả câu ấy là một lời khuyên hữu ích, khuyên con người ta học xong thì phải bắt tay vào mà thực hành, để tạo ra thành quả từ những gì chúng ta đã học. Nếu không lý thuyết chỉ mãi nằm chết trên giấy, những bản thiết kế mãi chỉ là bản vẽ xinh đẹp mà không bao giờ thành những tòa nhà chọc trời vĩ đại, sẽ chẳng có một viên thuốc nào ra đời nếu như các nhà nghiên cứu chỉ mải miết học thuộc lý thuyết suông và vẽ công thức cho nhau xem mà chưa một lần khoác áo bluose trắng vào phòng thí nghiệm.

Con người thường tự tạo cho mình những lý do hài hước để không phải thực hành, họ cho rằng chúng quá "dễ", nhưng liệu họ đã nhìn nhận đúng chưa? Các bạn biết đấy bảo một sinh viên y đọc hết vài trăm cuốn sách y khoa và ghi nhớ nó thì rất dễ dàng, các thao tác phẫu thuật đều trở nên đơn giản trong sách, nhưng liệu đã có vị bác sĩ nào chỉ học lý thuyết mà dám cầm dao mổ chưa? Chắc chắn là không, cả nhân loại không cho phép điều đó, người làm bác sĩ đã phải lăn lộn thực tập hàng năm trời trên miếng da lợn, rồi mới dám khâu một vết thương nhỏ xíu trên bệnh nhân. Rồi một ví dụ đơn giản hơn, các sinh viên thường rất lười thực tập, họ thích chơi game và đọc truyện hơn. Khi kết thúc kỳ thi thực hành họ bước vào phòng thi với một tâm trạng hoang mang và liên tục hỏi nhau những câu đại loại như: Cái này làm thế nào, cái kia làm thế nào, tôi chưa từng làm,... Và kết quả họ thi rớt, bởi sai quy trình kỹ thuật! Thật hài hước, chưa tự tay làm bao giờ thì đừng nói 1 lý thuyết, có 100 lý thuyết cũng chẳng cứu nổi các bạn. Thực hành chính là bài học kinh nghiệm lớn nhất! Đấy là nói xa, nói gần thì, học sinh chúng ta cũng thường có tư tưởng ấy, học nói tiếng Anh nhưng chỉ đọc bằng mắt, tìm mọi cách ghi nhớ từ vựng, ngữ pháp có khi còn giỏi hơn cả người bản địa, nhưng đến khi gặp một vị khách Tây, câu duy nhất chúng ta phát ra được là "Hello,..." và không có sau đó nữa. Lý do là vừa chúng ta có học nhưng không hành, học ngôn ngữ thì trước tiên phải nghe và nói được, nhưng chúng ta thiếu cả hai vì không được luyện tập, không có phản xạ.

Rồi lại nói, học là một việc ai cũng có thể làm được, nhưng hành thì cần cả một quá trình lặp đi lặp lại, lần đầu là thử, lần thứ 2 là tìm sai sót, lần thứ ba đến lần thứ n là những lần luyện tập và củng cố. Một ví dụ lớn nhất, ấy là việc viết chữ, chữ đẹp hay xấu cốt ở cái thực hành nhiều hay ít, có đủ kiên nhẫn và chuyên chú hay không, chứ đừng đổi tại hoa tay ít hay nhiều. Hay việc chúng ta giải bài tập toán, sách giáo khoa sẽ cho ta các bước làm, nhưng không phải bài toán nào cũng làm như thế, toán học không phải như thế, toán học buộc người ta phải thực hành và sáng tạo, lô-gic, nếu cố áp lý thuyết cứng ngắc mà thì bạn sẽ chẳng bao giờ giải được một bài toán nào cả.

Tóm lại, học và hành là hai quá trình có mối liên hệ mật thiết với nhau, bỏ một trong hai đều không được. Ta cứ nghĩ rằng trong một căn nhà, thì lý thuyết sẽ là phần móng, còn thực hành sẽ là tường, cột, mái nhà và ti tỉ thứ khác. Cũng có thể ví dụ vui rằng học và hành là đôi bạn cùng tiến, cái này hỗ trợ bổ sung cho cái kia phát triển và tạo ra được những thành quả tốt đẹp, những thành công đáng có. Bản thân mỗi học sinh chúng ta cần nắm rõ câu nói "Học đi đôi với hành" để áp dụng vào quá trình học tập của bản thân và cuộc sống sao này. Kiến thức học vào mà để yên là kiến thức chết, là vô nghĩa, chỉ có thực hành mới làm chúng sống dậy để sáng tạo ra những điều kỳ diệu.

Giải thích câu nói  Học đi đôi với hành (5 mẫu) (ảnh 1)

Giải thích câu nói Học đi đôi với hành (mẫu 2)

Học tập vốn là một quá trình lâu dài và nhiều gian nan, vất vả. Bên cạnh sự chăm chỉ, cần cù, có một phương pháp học tập đúng đắn cũng là yếu tố giúp chúng ta đi đến thành công. Bàn về phương pháp học, mỗi người lại có một phương pháp khác nhau, phương pháp nào cũng đúc kết những kinh nghiệm quý báu hỗ trợ chúng ta trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Trong số đó, học đi đôi với hành là phương pháp đã có từ lâu nhưng lúc nào cũng đem lại kết quả cao.

Trước hết chúng ta cần hiểu: học và hành có nghĩa là gì? Học là hoạt động tiếp thu tri thức đã có từ sớm của con người. Lúc nhỏ ta học đi, học nói. Lớn hơn, ta dần dần tiếp cận với biển tri thức mênh mông của nhân loại. Chúng ta có thể học qua sự chỉ dạy của thầy cô giáo, học từ sách vở, bạn bè, học từ thực tế. Học bao giờ cũng là công việc khó khăn, vất vả để làm giàu tri thức, nâng cao hiểu biết, làm chủ bản thân và làm chủ cuộc sống. Còn hành là việc áp dụng những kiến thức học được vào thực tế, vào công việc cụ thể.

Học và hành có mối quan hệ mật thiết trong cuộc sống, luôn đi đôi với nhau. Chúng ta không thể có học mà không có hành hay ngược lại. Học là quá trình tích lũy tri thức, là nền tảng của mọi công việc, vấn đề trong cuộc sống. Có thể coi việc học như gốc rễ của một cái cây, rễ có vững chắc thì cây mới phát triển tốt, đâm cành đẻ nhánh, mạnh mẽ, cứng cáp trước sóng gió cuộc đời. Học sẽ là ngọn đèn soi sáng cho thực hành. Nhưng chỉ học thôi mà không áp dụng vào thực tế thì những kiến thức ấy sẽ trở thành vô ích, tốn công sức, tiền bạc, thời gian. Có câu nói: “Mọi lí thuyết đều là màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Thực hành sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện cho kiến thức. Nhất là trong thời đại khoa học công nghệ ngày nay, thực hành tốt là một yêu cầu quan trọng đối với người lao động.

Bác Hồ đã từng khẳng định: Lí luận phải đi đôi thực tiễn, lí luận mà không có thực tiễn chỉ là lí thuyết suông. Bác đã áp dụng sáng tạo và hiệu quả chủ nghĩa lí luận Mác- Lênin vào thực tế đấu tranh của dân tộc ta, dẫn dắt nhân dân ta ra khỏi vũng bùn nô lệ, thoát khỏi xiềng xích của áp bức bóc lột, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. UNESCO cũng đã đề xướng phương pháp: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Vì thế, chúng ta cần phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa học và hành để đem lại hiệu quả cao nhất trong công việc, chứng minh được năng lực của bản thân và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Một thực tế đáng buồn hiện nay là nền giáo dục nước ta còn coi trọng lí thuyết mà kém tính thực hành. Điều này làm cho nền giáo dục chưa phát triển, chưa đáp được nhu cầu của xã hội. Nguyên nhân của hiện trạng này là do học sinh chưa ý thức được cặn kẽ vai trò giữa học và hành. Mặt khác, nước ta còn nghèo nàn, chưa thể đầu tư nhiều dụng cụ, phòng thí nghiệm chất lượng cho các môn học.

Để thực hiện được phương pháp học đi đôi với hành, mỗi người học sinh cần xác định cho mình mục đích học tập đúng đắn. Có một mục đích học tập, học sinh sẽ chăm chỉ học hành, say mê tìm tòi kiến thức mới. Từ cơ sở kiến thức có sẵn, chúng ta cũng cần linh hoạt, khéo léo để áp dụng những kiến thức ấy vào thực tế, trong công việc.

Học và hành là hai phần không thể tách rời trong học tập cũng như trong bất cứ công việc nào của cuộc sống. Là người học sinh, chúng ta nên áp dụng học đi đôi với hành ngay trên ghế nhà trường, bao gồm cả kiến thức, văn hóa lẫn những kinh nghiệm từ thực tế đời sống.

Giải thích câu nói Học đi đôi với hành (mẫu 3)

Bàn về phương pháp học tập, xưa nay có rất nhiều ý kiến. Mỗi ý kiến đúc kết một kinh nghiệm quý báu góp phần rút ngắn khoảng cách trong hành trình chiếm lĩnh tri thức của nhân loại. Học đi đôi với hành là một trong những phương châm đó. Từ xưa tới nay, mối tương quan giữa học và hành được nhiều người quan tâm, bàn luận. Học quan trọng hơn hành hay hành quan trọng hơn học? Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu xem học là gì? Hành là gì ?

Học là hoạt động tiếp thu những tri thức cơ bản của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô giáo; học ở bạn bè; tự học qua sách vở và thực tế đời sống. Mục đích của việc học là để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết về nhiều mặt để có thể làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình, góp phần hữu ích vào việc xây dựng sự nghiệp riêng và sự nghiệp chung.

Hành là quá trình vận dụng những kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình học vào thực tế công việc hằng ngày. Ví dụ như người thầy thuốc đem hiểu biết của mình học được ở trường Đại học Y Dược trong suốt sáu năm để vận dụng vào việc chữa bệnh cứu người. Những kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng thiết kế và thi công bao công trình như nhà máy, bệnh viện, sân. bay, nhà ga, công viên, trường học… Những kĩ sư cơ khí chế tạo máy móc phục vụ sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp… Nông dân áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để thu hoạch với năng suất cao… Đó là hành.

Học để hành, có nghĩa là phải học để làm cho tốt. Thực tế cho thấy có học vẫn hơn. Ông cha chúng ta đã khẳng định: Bất học bất tri lí, có nghĩa là không học thì không biết đâu là phải, là đúng. Người có học khác hẳn người vô học không phải chỉ ở chữ nghĩa mà còn ở nhiều thứ khác như trình độ nhận thức, khả năng ứng xử trong giao tiếp xã hội, khả năng giải quyết công việc trong những tình huống phức tạp… Mục đích của việc học là để làm cho mọi công việc được thực hiện với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Nếu chúng ta học những lí thuyết dù cao siêu đến đâu mà không vận dụng được vào thực tế thì đó chỉ là lí thuyết suông, tốn thời gian, tiền bạc mà vô ích, giống như truyện ngụ ngôn ngày xưa kể về người đàn ông mất bao công phu tìm thầy học nghề giết rồng để rồi suốt đời chẳng tìm thấy một con rồng nào cả.

Ngược lại, hành mà không học thì không thể trôi chảy. Không có lí thuyết soi sáng, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong công việc. Nếu ta chỉ làm việc theo thói quen và kinh nghiệm thì tiến trình làm việc sẽ chậm và hiệu quả không cao. Cách làm việc cũ kĩ, lạc hậu ấy chỉ thích hợp với những hình thức lao động giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Trong thời đại công nghệ khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như ngày nay thì cung cách làm việc ấy không còn phù hợp nữa.

Muốn đạt được hiệu quả cao trong công việc, con người phải được đào tạo bài bản, nghiêm túc, đến nơi đến chốn theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập, học tập không ngừng. Nắm vững lí thuyết, chúng ta mới có thể làm được những công việc phức tạp và tránh được những sai lầm đáng tiếc. Lí thuyết dẫn đường cho thực hành; thực hành bổ sung, hoàn thiện cho lí thuyết… Vì thế chúng ta không thể coi nhẹ vai trò vô cùng quan trọng của việc học mà phải đánh giá đúng mức mối quan hệ hữu cơ khăng khít giữa học và hành.

Ngày nay, phương châm học đi đôi với hành luôn được đề cao trong các cấp học nhưng việc thực hiện thì còn nhiều hạn chế.

Khi nói học đi đôi với hành là chúng ta đề cập đến mối quan hệ giữa lí thuyết và thực tiễn, Học đi đôi với hành có ý nghĩa thực sự quan trọng. Để đạt được hiệu quả cao, người học nên biết cân bằng giữa lí thuyết và thực tiễn sao cho hài hòa, hợp lí. Giữa lí thuyết và thực hành có mối quan hệ như hai chân của một con người, thiếu một chân thì con người chẳng thể đứng vững. Như vậy, học với hành giúp chúng ta vừa chuyên sâu kiến thức lại vừa thông thạo, hoàn thiện kĩ năng làm việc.

Có thể nói Bác Hồ là tấm gương tiêu biểu cho phương châm học đi đôi với hành. Bác đã từng khẳng định: lí luận phải đi đôi thực tiễn, lí luận mà không có thực tiễn chỉ là lí thuyết suông. Bác biết rất nhiều ngoại ngữ và sử dụng thành thạo không chỉ trong giao tiếp mà còn viết văn, viết báo bằng ngoại ngữ.

Những tác phẩm văn xuôi bằng tiếng Pháp như: Con rồng tre, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu… Tập thơ Nhật kí trong tù và những bài thơ chữ Hán mà Bác sáng tác là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện lâu dài.

Học đi đôi với hành có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với các ngành nghề, các môn kĩ thuật. Thật đáng tiếc cho những ai chỉ giỏi lí thuyết sách vở mà phải bó tay trước thực tiễn sinh động và phong phú hằng ngày của cuộc sống.

Học đi đôi với hành không chỉ bó hẹp trong nhà trường, không chỉ là một cách học để nắm vững kiến thức mà còn là sự vận dụng có hiệu quả những kiến thức ấy khi ra ngoài xã hội. Những gì được học phải đem áp dụng vào cuộc sống, chứ không phải học để biết rồi bỏ đó. Rất nhiều học sinh đã được học những lời hay ý đẹp trong trường nhưng khi bước ra đời thì lại có những ngôn từ hành động không đẹp, thậm chí đáng chê trách. Hãy biến những tri thức, những bài học cuộc đời đầy ý nghĩa mà ta thâu nhận được từ sách vở thành hiện thực. Như vậy thì những kiến thức đó mới trở nên thật sự có ý nghĩa.

Học đi đôi với hành là một phương châm giáo dục đúng đắn và khoa học, đề cập đến một phạm vi khá rộng với những biểu hiện phong phú, đa dạng. Việc kết hợp giữa lí thuyết và thực hành có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau, ở những lĩnh vực khác nhau. Thông qua thực hành, người học nắm chắc lí thuyết hơn vì lí thuyết ấy được biến thành việc làm và được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Điều quan trọng nhất là làm sao đưa lí thuyết vào thực tiễn để được kiểm nghiệm, cụ thể hóa bằng những sản phẩm có thực. Chẳng hạn, khi học xong lí thuyết một kiểu bài tập làm văn, học sinh phải thực hành bằng một bài làm văn cụ thể. Đặc biệt đối với môn ngoại ngữ, học không thể tách rời với hành. Việc hiểu nghĩa từ sẽ có hiệu quả hơn nếu người học biết sử dụng từ thường xuyên trong bất cứ tình huống giao tiếp nào. Như vậy thì việc nhớ từ mới trở nên chính xác và bền lâu trong tâm trí người học. Nếu bạn chỉ chăm chú học thuộc các thì trong tiếng Anh, các cấu trúc ngữ pháp trong khung đóng sẵn, bạn sẽ khó nhớ và mau quên. Tuy nhiên, nếu đem lí thuyết ấy vận dụng vào thực tiễn nói hoặc viết, bạn sẽ nhớ lâu hơn rất nhiều. Một bài học của môn giáo dục công dân về tình bạn chúng ta chỉ nghe thoáng qua như một mớ lí thuyết giáo điều, thế nhưng nếu thầy, cô giáo cụ thể hóa những khái niệm gọi là chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ, hi sinh… bằng thực tế cuộc sống quanh ta, chúng ta sẽ thấy bài học ấy cực kì sống động và giàu ý nghĩa.

Có người đã từng nói: Mọi lí thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi. Tuy có phần cực đoan nhưng câu nói đó đã khẳng định đúng về giá trị của thực tiễn trong đời sống con người.

Quả thực, nếu học mà không có hành thì việc học chưa trọn vẹn. Lí thuyết mà không được đem ra thực hành thì đó chỉ là lí thuyết suông. Không có hành, người học dường như chỉ nắm lí thuyết một cách máy móc, nửa vời, dẫn đến kết quả là những kiến thức đó sẽ trở nên mơ hồ, không chắc chắn.

Một thực tế đáng buồn là từ trước đến nay, nhiều học sinh đã sai lầm trong cách học, dẫn đến hiệu quả không cao vì chỉ khư khư ôm lấy lí thuyết mà không chịu thực hành. Một phần do các bạn ấy chưa nắm được tầm quan trọng của phương châm học đi đôi với hành, một phần xuất phát từ tâm lí e ngại, lười hoạt động. Tuy nhiên, như trên đã nói, chúng ta phải biết kết hợp một cách hài hòa giữa lí thuyết và thực tiễn. Việc tuyệt đối hóa bất cứ một phương diện nào cũng sẽ phản tác dụng. Nếu quá đề cao lí thuyết, bạn sẽ rơi vào cách học máy móc, nặng nề, sách vở. Nếu thiếu những nền tảng lí thuyết cơ bản, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc.

Học đi đôi với hành là kim chỉ nam cho mọi người trên con đường chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức và tạo dựng sự nghiệp. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Mình rất quan tâm đến học và hành. Bác khẳng định: Học để hành, học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Quan niệm trên là phương châm đúng đắn cho ngành giáo dục nước nhà nói chung và cho mỗi con người nói riêng.

Giải thích câu nói Học đi đôi với hành (mẫu 4)

“Học đi đôi với hành” là lời của người xưa đúc kết nhưng vẫn còn là bài học lớn của hôm nay và mai sau dành cho những ai thực sự cầu tiến bộ.

Học tập là công việc suốt đời đối với mỗi một con người. Lê-nin từng nói: "Học, học nữa, học mãi". Nhưng phải học như thế nào cho đúng? Dân gian ta đã từng nhắc nhở: "Học đi đôi với hành". Chúng ta cần hiểu như thế nào về phương pháp học này?

Học là quá trình chúng ta tiếp thu kiến thức của nhân loại. Nội dung học là các kiến thức nhân loại được chọn lọc (được phân loại thành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) cùng với đó là các kĩ năng, kĩ xảo tương ứng. Quá trình này nhằm đến một cái đích là làm phong phú những hiểu biết của con người, giúp phát triển vẹn toàn nhân cách và đặc biệt việc học trang bị cho mỗi chúng ta những kiến thức, những kĩ năng, kĩ xảo nghề nghiệp để từ đó tham gia vào hoạt động sản xuất của xã hội đem đến lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước. Như vậy, “học” ở đây được hiểu là gắn với vấn đề lí thuyết. Người học giỏi thường được hiểu là người nắm được nhiều nội dung lí thuyết.

Bên cạnh đó, "hành" là thực hành, là quá trình vận dụng kiến thức vào cuộc sống, là đem những cái đã học được vào thực tế để kiểm tra độ đúng sai hay để làm sinh động nó. “Hành” có nhiều cấp độ: bắt chước người khác làm, làm lại theo những gì còn lưu trong trí nhớ, sáng tạo những cách thức hoạt động mới,... "Hành" được đến đâu, điều đó còn tùy thuộc vào tri thức mà bạn học được phong phú sinh động và sâu sắc đến bao nhiêu.

Trong việc học hàng ngày, tại sao lại cần “Học đi đôi với hành”? Vì chúng là hai mặt thống nhất với nhau, bổ sung cho nhau.

Như ta đã biết, nếu chỉ biết học lý thuyết mà không hề biết đến thực hành thì những lý thuyết ta học cũng chỉ là những tri thức chết, chúng không có tác dụng đối với đời sống. Đó là trường hợp nhiều học sinh Việt Nam đi thi học sinh giỏi quốc tế các môn khoa học tự nhiên. Chúng ta làm lí thuyết rất xuất sắc, thậm chí đạt điểm tuyệt đối. Nhưng khi thực hành, trong khi bạn bè các nước làm rất tốt thì chúng ta loay hoay hàng giờ, thậm chí phải bỏ cuộc. Đó cũng là trường hợp nhiều học sinh, sinh viên đạt kết quả học tập rất cao nhưng hoàn toàn không có kĩ năng sống thực tế. Họ không biết ứng xử sao cho hợp hoàn cảnh giao tiếp, không nấu được một bữa cơm, không tự viết được một lá đơn xin việc,... học như vậy chỉ phí phạm thời gian, công sức tiền bạc bởi thực tế học như vậy để làm gì nếu không thể ứng dụng vào đời sống? Như vậy, chúng ta không chỉ học lý thuyết mà còn phải biết áp dụng những lý thuyết đó phục vụ thực tế.

Mặt khác, có lúc những lý thuyết chúng ta đã được học khi đưa vào thực hành lại gặp phải rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng ta phải biết kết hợp vừa học lý thuyết và thực hành nhuần nhuyễn những điều đã học. Có như vậy, thì những kiến thức chúng ta được học sẽ trở nên sâu hơn, giúp chúng ta nắm vững nguồn tri thức. Nếu chỉ học mà không thực hành thì tất cả cũng chỉ là lý thuyết. Chính vì vậy, học phải đi liền với thực hành, có như vậy ta mới có thể đem hết những gì đã học cống hiến phục vụ cho đất nước.

“Học đi đôi với hành” là lời của người xưa đúc kết nhưng vẫn còn là bài học lớn của hôm nay và mai sau dành cho những ai thực sự cầu tiến bộ.

Giải thích câu nói Học đi đôi với hành (mẫu 5)

Học đi đôi với hành là phương châm học tích cực nhất, đúng đắn nhất và thiết thực nhất.

Hành có nghĩa là hành động, là làm. Học đi đôi với hành nghĩa là học tập phải gắn liền với thực hành, thực nghiệm; phải kết hợp kiến thức học được ở trường, lớp. ở trên trang sách với hoạt động, việc là cụ thể, không được học chay, lí thuyết suông. Mọi điều học được ở trường, ở lớp phải được tập luyện, rèn luyện thành kĩ năng, kĩ xảo. Học tập, ôn tập, luyện tập thường xuyên chính là thực hiện phương châm học đi đôi với hành.

Học đi đôi với hành là phương châm học tập tiến bộ nhất, vì với phương châm ấy, học sinh sẽ phát huy được tính chủ động sáng tạo, biến lí thuyết thành kĩ năng thực hành; nhờ thực hành mà hiểu sâu hơn lí thuyết.

Thực nghiệm trong phòng vật lí, phòng hóa học, ta vừa thú vị, vừa "sáng" mắt ra những điều học về giá trị, về phản ứng và ứng dụng : ta làm quen dần với những phát minh khoa học. Những giờ thực hành trong vườn trường, học sinh hiểu được bao điều kì thú của thiên nhiên, của cây cối hoa lá. Qua chăm bón lúa và cách dùng thuốc diệt trừ sâu bệnh gây ra cho lúa như bệnh đạo ôn, rầy nâu,... ta mới hiểu sâu sắc, cụ thể cách canh tác hiện nay trên đồng ruộng. Làm toán, làm văn, tập đọc và tập dịch tiếng Anh.... là những giờ học lí thú, học sinh được vận dụng kiến thức, tập dượt sự hiểu biết của mình. Văn ôn võ luyện chính là học đi đôi với hành.

Học mà không hành là lối học vẹt, chỉ biết nhai đi nhai lại mớ lí thuyết suông. Phan Bội Châu đã châm biếm lối học cử lạc hậu : " Hiền thánh liêu nhiên, tụng diệc si!" (Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi !). Học mà không hành chỉ trở thành " con mọt sách"; khi vào đời, đối diện với những vấn đề cuộc sống đặt ra, những " con mọt sách" ấy sẽ trở thành những " thầy bói xem voi" mà thôi.

Ông Vũ Khoan trong bài " Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới" đã phân tích và phê phán tác hại do lối học chay, học vẹt gây ra. Sau khi khẳng định "sự thông minh, nhạy bén với cái mới" của con người Việt nam, ông viết :

"Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học " thời thượng", nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp chỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng."

Hiện nay môn tin học rất hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo học sinh trong nhà trường. Được ngồi trước máy tính và làm theo những điều thầy giáo chỉ dẫn, ai cũng thấm thía phương châm học đi đôi với hành.

Mục tiêu của nhà trường là đào tạo con người hành động, vừa có kiến thức hiện đại, vừa có chuyên môn và có kĩ năng sáng tạo. Nhờ kết hợp học đi đôi với hành mà học sinh nhận rõ vai trò và vị trí của tuổi trẻ trong nền kinh tế tri thức đang diễn ra, phấn đấu vươn lên học giỏi, sớm trở thành người lao động kiểu mới, đem tài năng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhờ thực hiện phương châm học đi đôi với hàng mà các bạn em và bản thân em học tập mỗi ngày một tiến bộ.

Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 7 hay, chi tiết khác:

Suy nghĩ về câu ca dao Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Phát biểu cảm nghĩ bài Một thứ quà của lúa non

Phân tích bài thơ Phò giá về kinh

Ít lâu nay, một số bạn trong lớp có phần lơ là học tập. Em hãy viết một bài văn để thuyết phục bạn

Chứng minh câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn

1 3,577 30/03/2022
Tải về