Hệ thống kiến thức Ngữ văn lớp 8 Giữa học kì 1 năm 2022 - 2023 chi tiết nhất

Hệ thống kiến thức Ngữ văn lớp 8 Giữa học kì 1 năm 2022 - 2023 chi tiết nhất giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi Ngữ văn 8 Giữa học kì 1. Mời các bạn cùng đón xem:

1 1,049 27/12/2022


Hệ thống kiến thức Ngữ văn lớp 8 Giữa học kì 1

I. PHẦN VĂN BẢN

* Tôi đi học – Thanh Tịnh

- Giá trị nội dung: Dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi” trong những ngày đầu đến trường. Những kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò nhất là buổi tựu trường đầu tiên thường được ghi nhớ mãi.

- Giá trị nghệ thuật: Phối hợp tự sự xen lẫn miêu tả và biểu cảm.

+ Miêu tả tinh tế, chân thực diễn biến tâm trạng của ngày đầu tiên đi học.

+ Sử dụng ngôn ngữ giàu yếu tố biểu cảm, hình ảnh so sánh độc đáo, ghi lại dòng hồi tưởng, liên tưởng của nhân vật “tôi”.

+ Giọng điệu trữ tình trong sáng.

* Trong lòng mẹ – Nguyên Hồng

- Giá trị nội dung: Đoạn trích thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng và xúc động thông qua những rung động mãnh liệt của một tâm hồn trẻ thơ luôn khao khát tình yêu thương. Qua đó thể hiện tình cảm đáng thương của chú bé Hồng và lên án những hủ tục phong kiến.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Nghệ thuật miêu tả ngoại hình làm nổi bật tính cách và nội tâm nhân vật.
+ Thể loại hồi kí đang xen các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm thấm đượm chất trữ tình, lời văn tự sự sâu sắc, giúp diễn tả tinh tế nội tâm nhân vật.

* Tức nước vỡ bờ – Ngô Tất Tố

- Giá trị nội dung: Vạch trân bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội phong kiến đương thời khi đề ra những thứ thuế vô lí cho người dân nông dân vô tội. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông dân, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Tình huống truyện đặc sắc, có kịch tính cao.

+ Cách kể chuyện, miêu tả nhân vật chân thực, sinh động. Nghệ thuật tương phản làm nổi bật tính cách nhân vật.

+ Ngòi bút hiện thực sinh động, ngôn ngữ đối thoại đặc sắc.

- Ý nghĩa nhan đề: Tức nước vỡ bờ ám chỉ rằng dù sức chịu đựng có lớn đến đâu nó cũng sẽ có giới hạn của nó và kết quả cuối cùng là bờ sẽ phải vỡ ra. Đây là điều khẳng định cho một quy luật tự nhiên là “ở nơi đâu có áp bức bóc lột tàn khốc thì ở đó có đấu tranh, có phản kháng mạnh mẽ”. Tuy rằng sự chống cự của chị Dậu không giúp cuộc đời tăm tối trở nên sáng hơn nhưng đây chính là con đường duy nhất mà quần chúng nhân dân lúc bấy giờ phải đi theo vì chỉ có đấu tranh giải phóng mình, lấy được sự tự do thì họ mới không còn bị áp bức, không còn bị bóc lột nữa.

* Lão Hạc – Nam Cao

- Giá trị nội dung:

+ Tác phẩm phản ánh hiện thực số phận người nông dân trước CMT8 qua tình cảnh của lão Hạc: nghèo túng, không có lối thoát, phải chọn cái chết để bảo toàn tài sản cho con và không phiền hà hàng xóm.

+ Cảm thông, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn của người nông dân trong cảnh khốn cùng vẫn giàu lòng tự trọng. Qua đó thể hiện tấm lòng yêu thương, trân trọng đối với người nông dân trong xã hội của nhà văn Nam Cao.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Sử dụng ngôi kể thứ nhất, người kể là nhân vật hiểu, chứng kiến toàn bộ câu chuyện và cảm thông với lão Hạc.

+ Nghệ thuật phân tích tâm lí già dặn, kể chuyện chân thực, màu sắc trữ tình đan xen triết lí sâu sắc.

+ Xây dựng được nhân vật có tính cá thể hóa cao.

II. PHẦN TIẾNG VIỆT

1. Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ

- Một từ được coi là có nghĩa rộng khi phạm vi nghĩa của từ ngữ đó bao hàm phạm vi nghĩa của một số từ ngữ khác.

- Một từ ngữ được coi là có nghĩa hẹp khi phạm vi nghĩa của từ ngữ đó được bao hàm trong phạm vi nghĩa của một từ ngữ khác.

- Một từ ngừ có nghĩa rộng đối với những từ ngữ này, đồng thời có thể có nghĩa hẹp đối với một từ ngữ khác.

VD: Giáo dục:

+ Thầy giáo: Thầy giáo dạy Toán, Thầy giáo dạy Văn…

+ Học sinh: Học sinh giỏi, HS yếu…

2. Trường từ vựng

- Là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.

VD: Y phục: quần áo, giày dép, mũ nón…

3. Từ tượng hình, tượng thanh

- Từ tượng hình: là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật. VD: gập ghềnh.

- Từ tượng thanh: là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người. VD: ầm ầm.

4. Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội

- Từ địa phương: là từ ngữ chỉ sử dụng ở một hoặc một số địa phương nhất định. VD: cha, ba, bố,…

- Biệt ngữ xã hội: chỉ được dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định. VD: trẫm, khanh,…

5. Trợ từ, thán từ

- Trợ từ là những từ chuyên đi kèm một từ ngữ trong câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ đó. VD: những, có, chính, đích, ngay…

- Thán từ là những từ dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói hoặc dùng để gọi đáp. Thán từ gồm có hai loại chính:

+ Thán từ bộc lộ tình cảm, cảm xúc: a, ái, ơ, ôi, ô hay, than ôi, trời ơi…

+ Thán từ gọi đáp: này, vâng, dạ, ừ…

6. Tình thái từ

- Là những từ được thêm vào câu để tạo câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán, và để biểu thị các sắc thái tình cảm của người nói.

- Tình thái từ gồm một số loại đáng chú ý:

+ Tình thái từ nghi vấn.

+ Tình thái từ cầu khiến.

+ Tình thán từ cảm thán.

+ Tình thái từ biểu thị sắc thái tình cảm.

III. PHẦN TẬP LÀM VĂN

- Văn tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm.

VD: Kể lại một kỉ niệm ấn tượng sâu sắc với em.

DÀN Ý

A. Mở bài: Tình huống, hoàn cảnh khiến em nhớ về kỉ niệm mà em nhớ mãi không quên.

B. Thân bài:

- Kỉ niệm đó xảy ra vào thời gian nào? Ở đâu? Cùng với ai?

- Kể lại toàn bộ câu chuyện một cách chi tiết, theo trình tự rõ ràng (nguyên nhân, diễn biến, kết thúc).

- Sau khi sự kiện ấy kết thúc, em có những suy nghĩ, cảm xúc gì? Thái độ, hành động, cuộc sống của em thay đổi ra sao?

- Từ sau sự kiện đó, mối quan hệ của em với mọi người, đặc biệt là nhân vật chính của sự kiện ra sao?

C. Kết bài:

- Thời gian trôi qua, những suy nghĩ, cảm nhận của em ở hiện tại về kỉ niệm đó.

- Mỗi khi nghĩ về kỉ niệm đó em có cảm xúc gì đặc biệt.

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 1

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (3,0 điểm)

Khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng:

Câu 1: Văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh thuộc thể loại gì?

A. Truyện ngắn

B. Hồi kí

C. Tiểu thuyết

D. Thơ

Câu 2: Những từ cho dưới đây, từ nào có nghĩa hẹp nhất?

A. Cây ăn quả

B. Cây sầu riêng

C. Cây lâu năm

D. Cây ngắn ngày

Câu 3: Thế nào là tóm tắt văn bản tự sự?

A. Dùng lời văn của mình trình bày một cách ngắn gọn nội dung chính của văn bản.

B. Phản ánh trung thành nội dung cần tóm tắt.

C. Lựa chọn nội dung và nhân vật chính để tóm tắt.

D. Sắp xếp các nội dung cần tóm tắt theo một thứ tự thích hợp.

Câu 4: Cho câu sau: “Nam cố gắng lên nhé!”, từ “nhé” được gọi là:

A. Tình thái từ

B. Trợ từ

C. Thán từ

D. Quan hệ từ

Câu 5: Đoạn trích Trong lòng mẹ được trích trong:

A. Truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh

B. Tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố.

C. Hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng.

D. Cả 3 đáp án đều sai

Câu 6: Trong văn bản Cô bé bán diêm, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nào là chủ yếu?

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Tương phản, đối lập

D. Hoán dụ

Câu 7: Từ nào dưới đây không phải là từ tượng hình?

A. Lom khom

B. Móm mém

C. Xộc xệch

D. Hu hu

Câu 8: Nhân vật Đôn Ki-hô-tê muốn là hiệp sĩ lang thang để làm gì?

A. Được đi đến nhiều nơi.

B. Đánh nhau với những chiếc cối xay gió.

C. Trừ quân gian ác, giúp đỡ người lương thiện.

D. Phơi bày trực tiếp thực trạng xã hội.

Câu 9: Nối cột A với cột B sao phù hợp:

A (tên văn bản)

Nối

B (tên tác giả)

1. Tức nước vỡ bờ

 

a. Xec-van-tét

2. Hai cây phong

 

b. Ngô Tất Tố

3. Lão Hạc

 

c. Ai-ma-tốp

4. Đánh nhau với cối xay gió

 

d. Nam Cao

 

PHẦN II. TỰ LUẬN (7,0 điểm)

Câu 1: Viết một đoạn văn ngắn từ 8 đến 10 câu nêu cảm nghĩ của em về cái chết của nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn An-đéc-xen? (3,0 điểm)

Câu 2: Qua đoạn trích Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri, có thể nói nhân vật Cụ Bơ-men là một nghệ sĩ vĩ đại không? Vì sao? (4,0 điểm)

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (3,0 điểm)

Học sinh khoanh tròn chữ cái đứng trước mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm.

Riêng câu 9 nối đúng mỗi cột được 0,25 điểm.

Câu 1: A

Câu 2: B

Câu 3: A

Câu 4: A

Câu 5: C

Câu 6: C

Câu 7: D

Câu 8: C

Câu 9: 1 – b; 2 – c; 3 – d; 4 – a.

PHẦN II. TỰ LUẬN (7,0 điểm)

Câu 1: (3,0 điểm)

* Hình thức (0,5 điểm): Trình bày sạch đẹp, đúng ngữ pháp, có câu mở đoạn, phần thân đoạn và câu kết đoạn, viết đúng từ 8 đến 10 câu.

* Nội dung (2,5 điểm): Học sinh có thể nêu cảm nghĩ theo gợi ý sau:

- Cô bé chết vì đói và lạnh. Đây là một cái chết không đáng có, một cái chết hết sức đáng thương của một em bé bất hạnh.

- Em bé chết nhưng đôi má vẫn hồng và đôi môi như đang mĩm cười là hình ảnh thật đẹp. Dường như em không chết mà đi vào cõi bất tử, nơi có tình yêu thương bao la của bà.

- Hình ảnh em bé chết rét ngoài đường phố, trong đêm giao thừa đã gợi lên bao xót xa trong lòng người đọc.

- Thái độ của học sinh: thương xót, đồng cảm, có trách nhiệm với cuộc sống đáng thương của cô bé.

Câu 2: (4,0 điểm)

* Hình thức (0,5 điểm): Văn viết mạch lạc, trình bày sạch, đẹp, câu văn đúng cấu trúc ngữ pháp, không sai lỗi chính tả.

* Nội dung (3,5 điểm): Trình bày được các ý sau:

- Hình tượng Cụ Bơ-men là hình tượng của một nghệ sĩ nghèo nhưng giàu tình yêu thương:

+ Dù không nói ra lời nhưng tình cảm của cụ dành cho Giôn-xi thật cảm động.

+ Dám hi sinh thân mình, trong đêm mưa tuyết, cụ vẽ chiếc lá thường xuân lên tường, nhen lên niềm tin, niềm hi vọng và nghị lực cho Giôn-xi.

- Cụ Bơ-men đã sáng tạo được một bức tranh xứng đáng là kiệt tác nghệ thuật, vì sự sống của con người.

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 2

PHẦN I (4,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi . . . toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương... Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất.

(Trích Lão Hạc, Nam Cao)

Câu 1: Đoạn văn trên là suy nghĩ của nhân vật nào trong truyện Lão Hạc của Nam Cao? Suy nghĩ ấy được diễn ra trong hoàn cảnh nào?

Câu 2: Tìm các từ cùng trường từ vựng trong đoạn văn trên và đặt tên cho các trường từ vựng ấy?

Câu 3: Tìm thán từ trong đoạn văn trên và cho biết tác dụng của thán từ ấy?

Câu 4: Trình bày suy nghĩ của em sau khi đọc những câu văn: Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi . . . toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...

PHẦN II (6,0 điểm)

Câu 1: Đọc câu chuyện sau và nêu suy nghĩ của em bằng một đoạn văn khoảng 7 đến 10 câu:

Có người cha mắc bệnh rất nặng. ông gọi hai người con trai đến bên giường và ân cần nhắc nhở: “Sau khi cha mất, hai con cần phải chia tài sản một cách thỏa đáng, đừng vì chuyện đó mà cãi cọ nhau”. Hai anh em hứa sẽ làm theo lời cha. Khi cha qua đời, họ phân chia tài sản làm đôi. Nhưng sau đó, người anh cho rằng người em chia không công bằng và cuộc tranh cãi nổ ra.

Một người già thấy thế đã dạy họ cách chia công bằng nhất là đem tất cả tài sản ra cưa đôi thành hai phần bằng nhau. Hai anh em đã đồng ý làm theo cách đó. Kết cục tài sản đã được chia công bằng tuyệt đối nhưng đó chỉ là đống đồ bỏ đi.

Câu 2: Chọn một trong hai đề sau:

Đề 1: Kể về một kỷ niệm sâu sắc nhất của em.

Đề 2: "Bà cụ cầm tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về chầu Thượng đế". (Trích Cô bé bán diêm, An-đéc-xen)

Hãy đóng vai em bé bán diêm để kể lại câu chuyện em đã được gặp bà và được sống ở trên thiên đường.

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I (4,0 điểm)

Câu 1:

- Đoạn văn trên là suy nghĩ của nhân vật ông giáo.

- Suy nghĩ ấy được diễn ra trong hoàn cảnh khi vợ ông giáo tỏ thái độ không ưa lão Hạc, không muốn giúp đỡ lão.

Câu 2:

- Bản tính xấu của con người: gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi...

- Tâm trạng: lo lắng, buồn đau,…

Câu 3: Thán từ: Chao ôi → Bộc lộ cảm xúc đớn đau của ông giáo khi suy nghĩ về sự đời.

Câu 4:

* Hình thức: Trình bày sạch đẹp, đúng ngữ pháp, có câu mở đoạn, phần thân đoạn và câu kết đoạn.

* Nội dung: Học sinh có thể nêu cảm nghĩ theo gợi ý sau:

- “Chao ôi”: thể hiện nỗi buồn đau, cay đắng của ông giáo trước hiện tượng con người bị tha hóa.

- Những người (như vợ ông giáo) khi nhìn những người khác (như lão Hạc) chỉ thấy toàn những điều xấu xa, từ đó dẫn đến thái độ tàn nhẫn “không bao giờ thương”.

- Nguyên nhân dẫn đến cái nhìn tàn nhẫn ấy là vì những người như vợ ông giáo khổ quá, “Cái bản tính tốt đẹp của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỷ che lấp mất”.

- Tuy nhiên vẫn có những người như ông giáo, dù khổ nhưng có tấm lòng nhân ái “cố tìm mà hiểu” nên vẫn thấy vẻ đẹp ẩn sâu trong lớp vỏ xấu xí bên ngoài: lão Hạc gàn dở nhưng cao thượng, vợ ông giáo tuy tàn nhẫn với người khác nhưng lại rất thương con.

PHẦN II (6,0 điểm)

Câu 1:

* Hình thức: Trình bày sạch đẹp, đúng ngữ pháp, có câu mở đoạn, phần thân đoạn và câu kết đoạn, đúng số câu từ 7 đến 11 câu.

* Nội dung: Học sinh có thể trình bày theo gợi ý sau:

- Câu chuyện kết thúc thật cay đắng: Kết cục tài sản đã được chia công bằng tuyệt đối nhưng đó chỉ là đống đồ bỏ. Cả hai người đều chẳng được gì, chi có mất mát : mất của cải, mất tình nghĩa anh em.

- Nguyên nhân nào dẫn đến kết cục này?

+ Hai anh em không biết nhường nhịn nhau, thật là tham lam.

+ Nghe lời xúi bẩy của người ngoài mà quên đi lời dặn sáng suốt của cha.

- Rút ra bài học thực tế cho bản thân.

Câu 2:

* Hình thức: Trình bày sạch đẹp, đúng ngữ pháp, đúng bố cục 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài.

* Nội dung: Học sinh có thể trình bày theo gợi ý sau:

Đề 1:

a. Mở bài: Giới thiệu nhân vật, kỷ niệm, hoàn cảnh nhớ lại.

b. Thân bài: Kể chi tiết xen miêu tả, biểu cảm.

- Kể lại diễn biến câu chuyện theo thứ tự nhất định:

VD:

+ Tôi thực hiện bài tập chạy

+ Tôi bị thương ở chân

+ Bình băng bó cho tôi

+ Bình đèo tôi về nhà

- Tả sự việc, con người:

VD:

+ Chạy nhanh như thế nào?

+ Vết thương như thế nào?

+ Băng bó như thế nào?

+ Đèo về như thế nào?

- Biểu cảm trước những gì xảy ra:

VD:

+ Cảm giác về tốc độ

+ Nỗi đau đớn, lo lắng

+ Sự yên tâm

+ Niềm vui

c. Kết bài: Nêu cảm xúc, suy nghĩ

Đề 2:

a. Mở bài: Giới thiệu bản thân mình là “cô bé bán diêm”, hoàn cảnh kể chuyện

b. Thân bài: Kể chi tiết xen miêu tả, biểu cảm theo câu chuyện từ bắt đầu, diễn biến cho đến kết thúc.

- Kể lại diễn biến câu chuyện theo thứ tự nhất định:

VD:

+ Tôi và bà bay lên

+ Tôi chầu thượng đế

+ Tôi sống cùng bà trên thiên đường

- Tả sự việc, con người:

VD:

+ Mây, gió, ánh sáng, chim...

+ Thiên đình, thượng đế

+ Ngôi nhà, bữa ăn, đồ chơi, công việc...tất cả đều kỳ

diệu

- Biểu cảm trước những gì xảy ra:

VD:

+ Cảm giác về tốc độ

+ Nỗi vui sướng, hồi hộp

+ Niềm hạnh phúc, mê say, nỗi nhớ trái đất, nhớ cha...

c. Kết bài: Lời nhắn nhủ yêu thương cho thế giới.

1 1,049 27/12/2022