Giải Sinh học 11 Bài 19 (Kết nối tri thức): Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

Với giải bài tập Sinh học 11 Bài 19: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sinh học 11.

1 595 18/09/2024


Giải bài tập Sinh học 11 Bài 19: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

Giải Sinh học 11 trang 125

Mở đầu trang 125 Sinh học 11: Tại sao một hạt cây có thể phát triển thành một cây xanh, trứng thụ tinh có thể phát triển thành một con vật?

Lời giải:

Một hạt cây có thể phát triển thành một cây xanh, trứng thụ tinh có thể phát triển thành một con vật là do chúng đều mang thông tin di truyền từ bố và mẹ, giúp chúng trải qua các quá trình sinh trưởng, phân hóa tế bào và phát sinh hình thái các cơ quan của cơ thể.

Giải Sinh học 11 trang 126

Dừng lại và suy ngẫm (trang 126)

Câu hỏi trang 126 Sinh học 11: Sinh trưởng và phát triển có quan hệ với nhau như thế nào?

Lời giải:

Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển: Quá trình sinh trưởng và phát triển có mối quan hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau và đan xen với nhau. Sinh trưởng tạo tiền đề cho phát triển và ngược lại, phát triển là điều kiện thúc đẩy sinh trưởng.

Giải Sinh học 11 trang 128

Dừng lại và suy ngẫm (trang 128)

Câu hỏi 1 trang 128 Sinh học 11: Phân biệt vòng đời và tuổi thọ. Cho ví dụ về vòng đời của một số loài sinh vật.

Lời giải:

Vòng đời

Tuổi thọ

Vòng đời là khoảng thời gian tính từ khi cơ thể được sinh ra, lớn lên, phát triển thành cơ thể trưởng thành, sinh sản tạo ra cá thể mới, già đi rồi chết.

Tuổi thọ của sinh vật là thời gian sống của một sinh vật.

Các cá thể cùng loài có vòng đời giống nhau.

Các các thể cùng loài có thể có tuổi thọ khác nhau.

- Ví dụ về vòng đời của một số loài sinh vật:

+ Vòng đời của ếch trải qua các giai đoạn: Giai đoạn trứng, giai đoạn phôi, giai đoạn nòng nọc, giai đoạn nòng nọc hai chân, giai đoạn nòng nọc bốn chân, giai đoạn ếch con và giai đoạn ếch trưởng thành.

+ Vòng đời của cây thông trải qua các giai đoạn: Cây non, cây trưởng thành, nón đực mang tinh tử và nón cái mang noãn bào, hợp tử, phôi trong hạt.

+ Vòng đời của cây đậu trải qua các giai đoạn: Hạt, hạt nảy mầm, cây mầm, cây non, cây trưởng thành, cây ra hoa và tạo quả.

Câu hỏi 2 trang 128 Sinh học 11: Hiểu biết về vòng đời của thực vật và động vật đem lại lợi ích gì?

Lời giải:

- Hiểu biết về vòng đời của thực vật để đưa ra các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn như bón phân, tưới nước, phòng dịch bệnh,… nhằm thu được hiệu quả kinh tế cao nhất về lá, hoa, củ, quả, hạt.

- Hiểu biết về vòng đời của động vật để đưa ra các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn, nhằm thu được hiệu quả kinh tế cao nhất về thịt, trứng, sữa, các sản phẩm động vật.

+ Hiểu biết về vòng đời của động vật gây hại cho thực vật, động vật và người để đưa ra các biện pháp phòng chống, tiêu diệt chúng một cách hiệu quả.

Luyện tập và vận dụng (trang 128)

Câu hỏi 1 trang 128 Sinh học 11: Tìm thêm ví dụ về vòng đời của một số động vật gây hại cho người, cây trồng và vật nuôi, từ đó đề xuất biện pháp phòng trừ chúng.

Lời giải:

Ví dụ về vòng đời của một số động vật gây hại cho người, cây trồng và vật nuôi:

- Vòng đời của muỗi trải qua các giai đoạn: Trứng, ấu trùng, nhộng, muỗi tiền trưởng thành, muỗi trưởng thành.

→ Biện pháp phòng trừ muỗi: loại bỏ các vũng nước đọng để tránh muỗi đẻ trứng vào đó hay tiêu diệt ấu trùng, vì đây là giai đoạn dễ tác động nhất trong vòng đời của chúng. Ngoài ra, cần thực hiện một số biện pháp như: vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, trồng cây đuổi muỗi, sử dụng đèn bẫy muỗi,…

- Vòng đời của sâu hại cây trồng trải qua các giai đoạn: Trứng, sâu, nhộng, bướm trưởng thành.

→ Biện pháp phòng trừ sâu gây hại: Tiêu diệt trước thời điểm đẻ trứng; tiêu diệt sâu hại bằng cách sử dụng thiên địch; tiêu diệt bướm bằng đèn bẫy;…

Câu hỏi 2 trang 128 Sinh học 11: Mỗi người cần làm gì để nâng cao tuổi thọ?

Lời giải:

Để nâng cao tuổi thọ, chúng ta cần:

- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lí, khoa học; ăn đủ chất, đủ lượng, ăn nhiều trái cây, rau củ, các loại hạt;…

- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm; các chất độc hại; thuốc trừ sâu, bụi phóng xạ;…

- Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên.

- Có lối sống lành mạnh, thái độ sống tích cực, lạc quan; hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá,…

- Khám sức khỏe định kì, phòng chữa bệnh kịp thời.

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 19: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

1. Sinh trưởng là gì?

Sinh trưởng là quá trình tăng lên về kích thước và khối lượng cơ thể

2. Phát triển là gì?

Phát triển là toàn bộ những biến đổi diễn ra trong chu kỳ sống của cá thể, bao gồm sự thay đổi về số lượng tế bào, cấu trúc, hình thái và trạng thái sinh lí

3. Các dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng và phát triển là gì?

  • Sinh trưởng: tăng số lượng, kích thước và khối lượng tế bào
  • Phân hóa tế bào: quá trình các tế bào thay đổi cấu trúc và chuyên hóa chức năng

4. Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển là gì?

Trong quá trình phát triển, các quá trình sinh trưởng, phân hóa tế bào và phát sinh hình thái cơ quan, cơ thể có quan hệ mật thiết với nhau, không tách rời và đan xen nhau

5. Vòng đời của sinh vật là gì?

Vòng đời của sinh vật là khoảng thời gian tính từ khi cơ thể được sinh ra, lớn lên, phát triển thành cơ thể trưởng thành, sinh sản tạo ra các cá thể mới, già đi rồi chết.

 (ảnh 1)

6. Một số ứng dụng hiểu biết về vòng đời của sinh vật là gì?

  • Đưa ra các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn nhằm thu hiệu quả kinh tế cao nhất
  • Chăm sóc phù hợp cho từng giai đoạn nhằm thu hiệu quả kinh tế về động vật cao nhất
  • Đưa ra các biện pháp phòng chống, tiêu diệt động vật gây hại một cách hiệu quả.

7. Tuổi thọ của sinh vật là gì?

  • Tuổi thọ của sinh vật là thời gian sống của một sinh vật
  • Tuổi thọ trung bình của một loài sinh vật là thời gian sống trung bình của các cá thể trong loài.

8. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ con người là gì?

Yếu tố bên trong: là yếu tố di truyền

Yếu tố bên ngoài:

  • Chế độ ăn uống
  • Tập thể dục, thể thao
  • Lối sống lành mạnh, thái độ sống tích cực
  • Môi trường sống không bị ô nhiễm

Sơ đồ tư duy Bài 19: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 19 (Kết nối tri thức): Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật (ảnh 1)

Xem thêm Lời giải bài tập Sinh học 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 18: Tập tính ở động vật

Bài 20: Sinh trưởng và phát triển ở thực vật

Bài 21: Thực hành: Bấm ngọn, tỉa cành, xử lí kích thích tố và tính tuổi cây

Bài 22: Sinh trưởng và phát triển ở động vật

Bài 23: Thực hành: Quan sát biến thái ở động vật

1 595 18/09/2024


Xem thêm các chương trình khác: