Giải GDQP 10 Bài 2 (Cánh diều): Nội dung cơ bản một số luật về quốc phòng và an ninh Việt Nam

Với giải bài tập Giáo dục quốc phòng 10 Bài 2: Nội dung cơ bản một số luật về quốc phòng và an ninh Việt Nam sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập GDQP 10 Bài 2.

1 12,707 23/09/2023
Tải về


Giải bài tập GDQP 10 Bài 2: Nội dung cơ bản một số luật về quốc phòng và an ninh Việt Nam

Khởi động trang 12 GDQP 10: Bạn Hà đang học lớp 10 có nguyện vọng trở thành Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam. Theo em bạn Hà cần phải chuẩn bị những gì để có thể đạt được nguyện vọng đó?

Trả lời:

- Để trở thành Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam, bạn Hà cần đáp ứng đủ những tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, sức khỏe… cụ thể:

- Tiêu chuẩn chính trị:

+ Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có địa chỉ thường trú trên lãnh thổ Việt Nam.

+ Có lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt; có tuổi đời phù hợp.

- Tiêu chuẩn về sức khỏe:

+ Bảo đảm tiêu chuẩn sức khoẻ tuyển chọn cán bộ theo quy định của Bộ; thể hình, thể trạng cân đối giữa chiều cao và cân nặng, không dị hình, dị dạng, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính; không sử dụng ma tuý và các chất gây nghiện.

+ Chiều cao: Đối với Nam từ 1m64 trở lên; Đối với nữ từ 1m58 trở lên.

+ Thị lực không kính mỗi mắt đạt 9-10/10, tổng thị lực 2 mắt có thể đạt từ 19-20/10.

+ Có năng khiếu phù hợp môi trường quân đội và công an.

- Tốt nghiệp Trung học phổ thông, đủ điểm quy định vào trường định thi

I. Nội dung cơ bản của luật giáo dục quốc phòng và an ninh

Khám phá 1 trang 12 GDQP 10: Hình 2.1 là một số hoạt động Giáo dục Quốc phòng an ninh trong trường Trung học phổ thông. Em hãy cho biết các bạn đang tham gia những hoạt động nào?

Giải GDQP 10 Bài 2: Nội dung cơ bản một số luật về quốc phòng và an ninh Việt Nam - Cánh diều  (ảnh 1)

Trả lời:

- Hình a: các bạn học sinh đang thực hiện động tác dậm chân tại chỗ

- Hình b: các bạn học sinh đang thực hiện động tác động tác lê

- Hình c: các bạn học sinh đang thực hiện hoạt động học tập kiến thức giáo dục quốc phòng an ninh.

- Hình d: các bạn học sinh đang thực hành băng bó vết thương

Khám phá 2 trang 12 GDQP 10: Theo em môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện chính khóa ở những nhà trường nào?

Trả lời:

- Giáo dục quốc phòng và an ninh được giảng dạy chính khóa trong:

+ Trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học;

+ Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Khám phá 3 trang 12 GDQP 10: Mục tiêu, quyền và trách nhiệm của công dân đối với giáo dục quốc phòng an ninh là gì? Các hành vi nào bị nghiêm cấm đối với giáo dục quốc phòng và an ninh?

Trả lời:

* Mục tiêu giáo dục quốc phòng và an ninh: Giáo dục cho công dân về kiến thức quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 * Quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh 

- Công dân có quyền và trách nhiệm học tập, nghiên cứu để nắm vững kiến thức quốc phòng và an ninh.

- Người tham gia giáo dục quốc phòng và an ninh được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

  * Các hành vi bị nghiêm cấm 

- Lợi dụng hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tiết lộ bí mật nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

- Cản trở việc thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.

- Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.

Luyện tập trang 13 GDQP 10: Bạn Hùng học lớp 10 có em trai là Dũng học lớp 8. Chủ nhật tuần này trường của Dũng tổ chức ngoại khóa giáo dục quốc phòng và an ninh với chủ đề “ Em yêu biển đảo quê hương”. Dũng định nói với bố mẹ viết giấy xin phép không tham gia buổi ngoại khóa này để ở nhà ôn tập môn Toán và môn Tiếng anh. Đây cũng là 2 môn Dũng sẽ tham dự kì thi chọn học sinh giỏi cấp Tỉnh sắp tới. Nếu em là Hùng em sẽ nói gì với Dũng?

Trả lời:

- Nếu em là Hùng em sẽ khuyên Dũng nên tham gia ngoại khóa. Vì:

+ Kì thi chọn HSG cấp tỉnh rất quan trọng. Tuy nhiên, ôn thi là cả một quá trình dài, không chỉ trong một buổi.

+ Hoạt động ngoại khóa giáo dục quốc phòng an ninh với chủ đề: "Em yêu biển đảo quê hương" là một hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực với học sinh. Tham gia các hoạt động ngoại khóa không những góp phần làm tăng hiệu quả học tập mà nó còn giúp chúng ta nâng cao hiểu biết về biển, đảo Việt Nam, xây dựng lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo quê hương, nâng cao trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

II. Nội dung cơ bản của luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam

Khám phá 1 trang 14 GDQP 10: Em hãy quan sát hình 2.2 và nêu một số hoạt động của Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Giải GDQP 10 Bài 2: Nội dung cơ bản một số luật về quốc phòng và an ninh Việt Nam - Cánh diều  (ảnh 1)

Trả lời:

- Hình a: các chiến sĩ luyện tập/ diễn tập trên thao trường.

- Hình b: các chiến sĩ bộ đội hải quân đang tham gia hoạt động tuần tra bảo vệ biển đảo

- Hình c: các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang hỗ trợ đồng bào sản xuất.

- Hình d: các chiến sĩ bộ đội phòng không - không quân đang tham gia huấn luyện, diễn tập quân sự.

Khám phá 2 trang 14 GDQP 10: Theo em vị trí, chức năng, nghĩa vụ của Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam là gì?

Trả lời:

- Vị trí: là lực lượng nòng cốt của quân đội và là thành phần chủ yếu trong đội ngũ cán bộ quân đội

- Chức năng:

+ Đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lí hoặc trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ khác

+ Bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

- Nghĩa vụ của sĩ quan 

+ Sẵn sàng chiến đấu, hi sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Thường xuyên giữ gìn và trau dồi đạo đức cách mạng, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực về chính trị, quân sự, văn hoá, chuyên môn và thể lực để hoàn thành nhiệm vụ,

+ Tuyệt đối phục tùng tổ chức, phục tùng chỉ huy, nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội, giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia.

+ Thường xuyên chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần của bộ đội.

+ Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôn trọng và gắn bó mật thiết với nhân dân

Khám phá 3 trang 14 GDQP 10: Công dân cần phải có những điều kiện gì để được tuyển chọn, đào tạo Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam?

Trả lời:

- Điều kiện tuyển chọn đào tạo sĩ quan:

+ Đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khoẻ và tuổi đời;

+ Có nguyện vọng và khả năng hoạt động trong lĩnh vực quân sự.

Luyện tập trang 15 GDQP 10: Hai bạn Chiến và Quân đang học lớp 10, có nguyện vọng trở thành Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo Chiến học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự mới được dự tuyển vào một trường quân sự để học và trở thành sĩ quan. Quân lại nghĩ, cần tốt nghiệp một trường đại học (không nhất thiết là trường quân sự), sau đó hoàn thành nghĩa vụ quân sự là có thể trở thành sĩ quan. Em có đồng ý với hai bạn không? Vì sao?

Trả lời:

- Em không đồng ý với hai bạn.

- Vì: theo quy định, các công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ cần có đủ tiêu chuẩn về chính trị; phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khoẻ và tuổi đời; có nguyện vọng và khả năng hoạt động trong lĩnh vực quân sự… thì sẽ được tuyển chọn đào tạo sĩ quan quân đội.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

III. Nội dung cơ bản của luật công an nhân dân

Khám phá 1 trang 15 GDQP 10: Em hãy quan sát hình 2.3 và nêu một số hoạt động của Công an nhân dân Việt Nam?

Trả lời:

- Hình a: các chiến sĩ công an đang diễu binh

- Hình b: Hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn cho các lãnh đạo cấp cao.

- Hình c: Hoạt động phòng, chống, trấn áp tội phạm

- Hình d: Hoạt động xử li các hành vi vi phạm an toàn giao thông

Khám phá 2 trang 15 GDQP 10: Vị trí, chức năng của Công an nhân dân là gì?

Trả lời:

- Vị trí của Công an nhân dân: làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

- Chức năng của Công an nhân dân

+ Tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia

+ Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

+ Đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội

+ Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm

Khám phá 3 trang 15 GDQP 10: Tiêu chuẩn của công dân để được tuyển chọn vào Công an nhân dân? Đối tượng nào được ưu tiên?

Trả lời:

- Tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân:

+ Đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, sức khoẻ, độ tuổi và năng khiếu phù hợp với công tác công an

+ Có nguyện vọng hoạt động trong ngành Công an. 

- Đối tượng ưu tiên:

+ Hạ sĩ quan, binh sĩ tốt nghiệp các trường đào tạo sĩ quan hoặc các trường đại học ngoài quân đội

+ Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu;

+ Quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng tại ngữ tốt nghiệp đại học trở lên đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

+ Cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên được điều động vào phục vụ trong quân đội đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

+ Sĩ quan dự bị

Khám phá 4 trang 15 GDQP 10: Nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân của công dân là gì?

Trả lời:

- Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân.

- Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng. 

- Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau:

+ Để đảm bảo nhiệm vụ sẵn dàng chiến đấu

+ Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.

Luyện tập 1 trang 17 GDQP 10:  Bố Hoàng là sĩ quan cảnh sát cơ động đã anh dũng hi sinh khi làm nhiệm vụ. Hoàng đang học ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp và muốn trở thành một sĩ quan công an nhân dân Việt Nam để  tiếp nối sự nghiệp của bố nhưng Hoàng băn khoăn liệu có con đường nào dành cho học sinh học nghề phấn đấu trở thành Sĩ quan công an nhân dân không? Em hãy viết thư tư vấn cho bạn Hoàng?

Trả lời:

- Để thực hiện ước mơ trở thành một sĩ quan Công an nhân dân, Hoàng có thể lựa chọn các phương án sau:

+ Phương án 1: tham gia nghĩa vụ quân sự công an. Trong thời gian tại ngũ, Hoàng hãy cố gắng rèn luyện, hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau đó xin chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp.

+ Phương án 2: ôn tập và tham dự kì thi tuyển sinh của các trường công an nhân dân. Khi lựa chọn phương án này, Hoàng nên theo dõi sát sao thông tin tuyển sinh của các trường thuộc khối ngành công an nhân dân để cân nhắc, lựa chọn ngành học yêu thích và tổ hợp môn thi phù hợp với khả năng của bản thân.

Luyện tập 2 trang 17 GDQP 10: Còn một tuần nữa anh Bách hết 24 tháng thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân và trở về để dự kì thi tuyển sinh vào một trường công an. Nhưng anh Bách vừa nhận được quyết định kéo dài thời gian phụ vụ tại ngũ do đơn vị đang tham gia phòng chống dịch bệnh. Bố mẹ anh Bách biết tin rất lo lắng vì lại lỡ một kì thi. Nếu em là Bách em sẽ nói gì với bố mẹ?

Trả lời:

Nếu là anh Bách, em sẽ nói với bố mẹ:

- Trước mắt, con cần chấp hành quyết định của cấp trên vì tham gia chống dịch là nhiệm vụ quan trọng.

- Bố mẹ không nên quá lo lắng, bởi sau khi kết thúc thời gian phục vụ tại ngũ, tùy vào tình hình và kết quả rèn luyện cụ thể, con có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án sau đây:

+ Phương án 1: làm đơn xin tuyển dụng, chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp

+ Phương án 2: tiếp tục ôn tập, củng cố kiến thức sau đó sẽ tham gia thi tuyển sinh vào trường công an.

Vận dụng 1 trang 17 GDQP 10: Em hãy trình bày trước lớp báo cáo về chủ đề: “Học môn giáo dục quốc phòng và an ninh - Những điều thú vị”

Trả lời:

(*) Bài tham khảo

Môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh giữ vai trò chủ chốt trong việc giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, góp phần giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng niềm tự hào tự tôn dân tộc. Cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác góp phần hình thành ở học sinh các phẩm chất, năng lực chung được quy định trong chương trình tổng thể, thông qua nội dung môn học hình thành năng lực nhận thức các vấn đề về quốc phòng, an ninh và vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống.

Ở cấp tiểu học, trung học cơ sở giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi, bảo đảm cho học sinh hình thành những hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc về lực lượng vũ trang nhân dân và ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Ở cấp trung học phổ thông là môn học chính khóa, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kĩ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc sau khi rời ghế nhà trường.

Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh được xây dựng trên cơ sở các quan điểm:

Tính kế thừa và hiện đại: Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Được xây dựng dựa trên nền tảng lí luận và thực tiễn truyền thống kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của cha ông, nghệ thuật quân sự Việt Nam và cập nhật thành tựu của khoa học quân sự, sư phạm quân sự hiện đại.

Phát triển phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù: Chương trình xác định rõ các phẩm chất, năng lực có thể hình thành và phát triển ở học sinh thông qua môn học: một mặt chương trình căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực làm cơ sở và xuất phát điểm để lựa chọn nội dung giáo dục; mặt khác chương trình hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi cho học sinh thông qua việc hướng dẫn học sinh tiếp thu, vận dụng nội dung môn học vào thực tiễn.

Tính thực hành, thực tiễn: Chương trình xác định thực hành, luyện tập, vận dụng là nội dung quan trọng, đồng thời là phương thức thiết thực, hiệu quả để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Nội dung này chú trọng việc vận dụng kiến thức quốc phòng, an ninh và kĩ năng vận dụng vào thực tiễn nhằm góp phần phát triển các năng lực đặc thù môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Tính dân tộc và nhân văn: Giúp học sinh nhận thức đúng về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, nhân văn, sự đoàn kết toàn dân của dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước; tinh thần đoàn kết quốc tế; giúp học sinh phát triển các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng hướng tới các giá trị khoan dung, nhân ái, tôn trọng, hòa bình, hòa hợp, hợp tác và vì sự tiến bộ và phát triển xã hội.

Tính mở, liên thông: Trên cơ sở đảm bảo nội dung theo các chủ đề thống nhất trong cả nước, chương trình dành thời lượng nhất định để các nhà trường hướng dẫn học sinh tìm hiểu các vấn đề về quốc phòng, an ninh, truyền thống và nghệ thuật đánh giặc giữ nước của địa phương, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương.

Chương trình môn học, bố trí bài giảng phù hợp có tính liên thông bổ trợ kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12, đáp ứng yêu cầu về dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông, phù hợp với nhận thức, phát triển thể lực và đặc thù môn học. 

(*) Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Vận dụng 2 trang 17 GDQP 10: Em hãy xây dựng và trình bày trước lớp kế hoạch tổ chức ngoại khóa cho học sinh một trường trung học cơ sở (ở gần trường em đang học) về giáo dục quốc phòng và an ninh.

Trả lời:

(*) Gợi ý kế hoạch tổ chức ngoại khoá Quốc phòng an ninh

- Thời gian tổ chức (dự kiến): ngày …. Tháng …. Năm ….

- Địa điểm tổ chức (dự kiến): trường THCS ………

- Thành phần tham dự buổi ngoại khóa: ban lãnh đạo nhà trường, các giáo viên và các bạn học sinh của trường THCS …..

- Chủ đề buổi ngoại khóa: “Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển”

- Mục đích:

+ Giúp các em học sinh có những những hiểu biết cơ bản về: bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lí để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cuộc đấu tranh kiên cường của các thế hệ người dân Việt Nam trong việc xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc….

+ Giúp các em học sinh hiểu được “Thế kỉ XXI là thế kỉ của biển và đại dương” để từ đó nhận thức, phân tích và đánh giá được những vấn đề “nóng” trong thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện nay, như: vấn đề khai thác và phát triển kinh tế biển; sÔ nhiễm môi trường biển; tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông.

+ Giáo dục lòng tự hào, sự trân trọng những thành quả mà các thế hệ người dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đấu tranh để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

+ Bồi đưỡng truyền thống yêu quê hương, đất nước

+ Nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ biển đảo của tổ quốc.

- Dự kiến nội dung:

+ Thi tìm hiểu kiến thức về các vùng biển, hải đảo, quần đảo của Việt Nam trên biển Đông (dưới dạng hỏi đáp nhanh)

+ Thi tìm hiểu về quá trình đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc của các thể hệ người dân Việt Nam (dưới dạng: lật mảnh ghép hoặc giải ô chữ bí mật).

+ Trình diễn văn nghệ “khúc hát đảo xa”

+ Thi hùng biện về những vấn đề những vấn đề “nóng” trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, như: Khai thác và phát triển kinh tế biển; Ô nhiễm môi trường Biển; Tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông….

- Bế mạc và rút kinh nghiệm về buổi ngoại khoá

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Vận dụng 3 trang 17 GDQP 10: Giả xử em là báo cáo viên trong chương trình Ngày hội hướng nghiệp sắp tổ chức tại trường em, em hãy xây dựng và trình bày trước lớp kế hoạch tuyên truyền, vận động các bạn đăng kí, dự tuyển vào các học viện nhà trường Quân đội, Công an

Trả lời:

- Một số gợi ý về kế hoạch vận động tuyên truyền các bạn dự tuyển vào các trường quân đội, công an:

+ Tuyên tuyền về truyền thống giữ nước, các cuộc đấu tranh tiêu biểu của ông cha ta để nâng cao lòng yêu nước.

+ Mời Hội Cựu chiến binh huyện, Hội Phụ nữ, huyện đoàn, Hội cha mẹ học sinh cùng tham gia vào buổi tuyên truyền

+ Nêu lên những đặc điểm, lợi ích khi các bạn là học viên của trường công an, quân đội

+ Mời các bạn xem các đoạn video, phóng sự về môi trường quân ngũ

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục quốc phòng - an ninh lớp 10 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác: 

Bài 3: Ma túy và tác hại của ma túy

Bài 4: Phòng, chống vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông

Bài 5: Bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

Bài 6: Một số hiểu biết về an ninh mạng

Bài 1: Một số nội dung điều lệnh quản lí bộ đội và điều lệnh công an nhân dân

1 12,707 23/09/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: