Đề cương ôn tập học kì 1 Địa Lí lớp 11 chi tiết nhất

Đề cương ôn tập học kì 1 Địa Lí lớp 11 chi tiết nhất giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi Địa lí 11 học kì 1. Mời các bạn cùng đón xem:

1 906 28/12/2022
Tải về


Đề cương ôn tập học kì 1 Địa Lí lớp 11 chi tiết nhất

I. NỘI DUNG LÝ THUYẾT

1. Sự tương phản về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nhóm nước

- GDP bình quân đầu người chênh lệch lớn giữa các nước phát triển và đang phát triển.

- Trong cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế:

+ Các nước phát triển khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất, thấp nhất là nông nghiệp.

+ Các nước đang phát triển thì tỉ trọng của nông nghiệp cao nhất, thấp nhất là khu vực dịch vụ.

- Tuổi thọ trung bình của các nước phát triển cao hơn các nước đang phát triển.

- Chỉ số HDI các nước phát triển cao hơn các nước đang phát triển.

* Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại

- Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỉ XXI, cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại xuất hiện.

- Đặc trưng: bùng nổ công nghệ cao.

+ Dựa vào thành tựu KH mới với hàm lượng tri thức cao

+ Bốn công nghệ trụ cột: công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu; công nghệ năng lượng; công nghệ thông tin.

=> Tác dụng: thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, đông thời hình thành nền kinh tế tri thức - nền kinh tế dựa trên tri thức, kĩ thuật, công nghệ cao.

2. Xu hướng toàn cầu hoá kinh tế

Khái niệm: Là quá trình liên kết các quốc gia trên thế giới về nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, khoa học,… Toàn cầu hoá kinh tế có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội thế giới.

a) Toàn cầu hóa về kinh tế

- Thương mại phát triển

+ Tốc độ tăng trưởng thương mại luôn cao.

+ Hình thành tổ chức Thương mại toàn cầu WTO với 164 thành viên (2016).

- Đầu tư nước ngoài tăng nhanh

+ Tổng giá trị đầu tư nước ngoài tăng nhanh.

+ Trong đó dịch vụ chiếm tỉ trọng ngày càng lớn, nổi lên là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,…

- Thị trường tài chính quốc tế mở rộng

+ Hình thành mạng lưới liên kết tài chính.

+ Các tổ chức tài chính toàn cầu IMF, WB,… đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế - xã hội thế giới.

- Các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn

+ Số lượng ngày càng nhiều, phạm vi hoạt động rộng lớn.

+ Nắm trong tay khối lượng tài sản lớn, chi phối mạnh mẽ các hoạt động kinh tế của nhân loại.

b) Hệ quả của toàn cầu hóa

- Tích cực: thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tăng cường hợp tác quốc tế.

- Thách thức: gia tăng khoảng cách giàu nghèo; cạnh tranh giữa các nước.

3. Một số vấn đề châu Phi

a) Một số vấn đề tự nhiên

- Cảnh quan chủ yếu: Hoang mạc, bán hoang mạc, xavan rừng.

- Tài nguyên:

+ Giàu tài nguyên khoáng sản như dầu mỏ, khí tự nhiên, sắt, mangan, vàng, kim cương, chì kẽm, phốt pho,…

+ Rừng chiếm diện tích khá lớn phân bố ở nhiều nơi với nhiều loại: rừng nhiệt đới ẩm, nhiệt đới khô,…

+ Phân bố nhiều nơi với nhiều loại.

- Sông ngòi: Sông Nil.

- Khó khăn: khai thác tài nguyên quá mức, môi trường bị tàn phá, hiện tượng hoang mạc hóa.

- Giải pháp: Cần khai thác và sử dụng hợp lí tài nguyên.

b) Một số vấn đề dân cư và xã hội

- Tỉ suất sinh cao nên dân số tăng nhanh.

- Tuổi thọ trung bình thấp.

- Dịch bệnh HIV.

- Trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục.

- Xung đột sắc tộc, đói nghèo, bệnh tật.

=> Cần sự cải thiện cuộc sống.

- Cần ổn định để phát triển kinh tế.

- Cần sự giúp đỡ của thế giới về y tế, giáo dục, lương thực chống đói nghèo và bệnh tật.

c) Một số vấn đề kinh tế

- Đa số các nước Châu Phi nghèo, kém phát triển.

- Qui mô nền kinh tế quá nhỏ bé.

- Nguyên nhân:

+ Hậu quả của sự thống trị lâu dài chủ nghĩa thực dân.

+ Xung đột, chính phủ yếu kém,…

+ Trình độ dân trí thấp.

+ Nền kinh tế châu Phi cũng đang thay đổi tích cực.

4. Một số vấn đề khu vực Mĩ Latinh

a) Một số vấn đề tự nhiên, dân cư và xã hội

* Tự nhiên

- Thuận lợi:

+ Nhiều loại kim loại màu, kim loại quý và nhiên liệu.

+ Tài nguyên đất, khí hậu thuận lợi cho phát triển rừng, chăn nuôi gia súc, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả nhiệt đới.

- Khó khăn: Khai thác nhiều.

* Dân cư và xã hội

- Dân cư còn nghèo đói.

- Thu nhập giữa người giàu và nghèo có sự chênh lệch rất lớn.

- Đô thị hóa tự phát => đời sống dân cư khó khăn => ảnh hưởng vấn đề xã hội và phát triển kinh tế.

b) Một số vấn đề kinh tế

- Tốc độ phát triển kinh tế không đều, chậm thiếu ổn định.

- Nợ nước ngoài lớn.

- Nguyên nhân:

+ Tình hình chính trị thiếu ổn định.

+ Các thế lực bảo thủ cản trở.

+ Chưa xây dựng được đường lối phát triển kinh tế, xã hội độc lập, tự chủ.

+ Hiện nay, các quốc gia Mĩ Latinh đang cải cách.

5. Một số vấn đề khu vực Tây Nam Á

a) Nét tương đồng giữa hai khu vực Tây Nam Á và Trung Á

- Là những khu vực có vị trí mang tính chiến lược.

- Khí hậu khô hạn.

- Giàu tài nguyên khoáng sản (dầu mỏ).

- Đang tồn tại những mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp quyền lợi về đất đai, tài nguyên dẫn đến các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo và khủng bố.

b) Vai trò cung cấp cấp dầu mỏ

Trữ lượng dầu mỏ lớn, Tây Nam Á chiếm 50% thế giới => nguồn cung chính cho thế giới.

=> trở thành nơi cạnh tranh ảnh hưởng của nhiều cường quốc.

c) Xung đột sắc tộc, tôn giáo và nạn khủng bố

- Nguyên nhân: Tranh giành đất đai, nguồn nước và tài nguyên; Can thiệp của nước ngoài, các tổ chức cực đoan.

- Biểu hiện: xung đột dai dẳng của người Arab-Do thái.

- Hậu quả: tình trạng đói nghèo ngày càng tăng.

6. Tự nhiên và dân cư Hoa Kì

a) Lãnh thổ và vị trí địa lí

* Lãnh thổ

- Rộng lớn, gồm 3 bộ phận:

+ Phần đất ở trung tâm Bắc Mĩ: bao gồm 48 bang, là khối lãnh thổ quốc gia lớn thứ 5 thế giới với diện tích hơn 7,8 triệu km2.

+ Alaxca: là một bộ phận của Hoa Kì ở Tây Bắc lục địa Bắc Mĩ. Có diện tích: 1,5 triệu km2.

 + Ha-oai: có diện tích hơn 16 ngàn km2. Đây là 1 quần đảo nằm ở Châu Đại Dương.

- Hình dạng lãnh thổ cân đối là một thuận lợi cho phân bố sản xuất và phát triển giao thông.

* Vị trí địa lí

- Nằm ở bán cầu Tây.

- Nằm giữa 2 đại dương lớn: Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

- Tiếp giáp Canada và khu vực Mỹ La tinh.

b) Điều kiện tự nhiên

* Phần lãnh thổ Hoa Kì nằm ở trung tâm Bắc Mĩ

- Miền Tây

+ Địa hình: bao gồm các dãy núi trẻ cao TB > 2000m chạy theo hướng B-N, xen giữa là các bồn địa và cao nguyên. Ven biển Thái Bình Dương là những đồng bằng nhỏ.

+ Khí hậu:

  • Vùng ven biển TBD: cận nhiệt đới và ôn đới hải dương.
  • Vùng nội địa bên trong: khí hậu hoang mạc và bán hoang mạc.

+ Tài nguyên: nhiều kim loại màu: vàng, đồng, chì,…; tài nguyên năng lượng phong phú; diện tích rừng tương đối lớn; đất ven biển phì nhiêu.

- Miền Đông

Bao gồm dãy núi già Apalat và các đồng bằng ven Đại Tây Dương.

+ Dãy Apalat:

  • Địa hình: cao trung binhg 1000 - 1500m, sườn thoải, nhiều thung lung cắt ngang.
  • Khí hậu: ôn đới, có lượng mưa tương đối lớn.
  • Tài nguyên: sắt, than đá, thuỷ năng,…

+ Đồng bằng ven Đại Tây Dương

  • Địa hình: rộng lớn, bằng phẳng.
  • Khí hậu: ôn đới hải dương, cận nhiệt đới.
  • Tài nguyên: dầu mỏ, khí tự nhiên, đất phì nhiêu,…

- Vùng Trung tâm

+ Địa hình: phía bắc và phía tây có địa hình gò đồi thấp, nhiều đồng ruộng; phía nam là đồng bằng phù sa màu mỡ, rộng lớn.

+ Khí hậu: ôn đới (phía Bắc), cận nhiệt đới (ven vịnh Mêhicô).

+ Tài nguyên: than đá, quặng sắt, dầu mỏ, khí tự nhiên.

* A-la-xca và Ha-oai

- A-la-xca

+ Là bán đảo rộng lớn, nằm ở tây bắc của Bắc Mĩ.

+ Địa hình chủ yếu là đồi núi.

+ Tài nguyên: dầu mỏ, khí thiên nhiên.

- Ha-oai: Nằm giữa Thái Bình Dương có nhiều tiềm năng rất lớn về hải sản và du lịch.

c) Các ngành kinh tế

* Dịch vụ

Chiếm tỉ trọng cao nhất, năm 2019 là 80% GDP.

- Ngoại thương: Đứng đầu thế giới.

- Giao thông vận tải: Hệ thống đường và phương tiện hiện đại nhất thế giới.

- Các ngành tài chính, thông tin liên lạc, du lịch

+ Ngành ngân hàng và tài chính hoạt động khắp thế giới, tạo nguồn thu và lợi thế cho kinh tế của Hoa Kì.

+ Thông tin liên lạc rất hiện đại.

+ Ngành du lịch phát triển mạnh.

* Công nghiệp

- Là ngành tạo nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu.

- Tỉ trọng trong GDP có xu hướng giảm.

- Sản xuất công nghiệp gồm 3 nhóm ngành:

   + Công nghiệp chế biến.

   + Công nghiệp điện lực: nhiệt điện, điện nguyên tử, thuỷ điện,…

   + Công nghiệp khai khoáng đứng đầu thế giới.

- Cơ cấu giá trị sản lượng giữa các ngành có sự thay đổi: giảm tỉ trọng các ngành công nghiệp truyền thống tăng các ngành công nghiệp hiện đại.

- Phân bố:

+ Trước đây: tập trung ở Đông Bắc với các ngành truyền thống.

+ Hiện nay: mở rộng xuống phía nam và Thái Bình Dương với các ngành công nghiệp hiện đại.

* Nông nghiệp

- Đứng hàng đầu thế giới.

- Chiếm tỉ trọng nhỏ 1,0% GDP năm 2019.

- Cơ cấu có sự chuyển dịch: giảm tỉ trọng thuần nông và tăng tỉ trọng dịch vụ nông nghiệp.

- Phân bố: đa dạng hóa nông sản trên cùng lãnh thổ. Các vành đai chuyên canh đã chuyển thành vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hoá theo mùa vụ.

- Hình thức: chủ yếu là trang trại. Nhìn chung số lượng trang trại giảm nhưng diện tích trung bình lại tăng.

- Nền nông nghiệp hàng hóa được hình thành sớm và phát triển mạnh.

- Là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.

- Nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

7. EU - Liên minh khu vực lớn trên thế giới

a) Quá trình hình thành và phát triển

* Sự ra đời và phát triển

- Sau chiến tranh thế giới thứ 2, các nước Tây Âu tăng cường liên kết.

- Năm 1951 thành lập Cộng đồng Than và thép châu Âu. Gồm 6 nước: Pháp, CHLB Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan, Luc-xăm-bua.

- Năm 1957: Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC).

- Năm 1958: Cộng đồng Nguyên tử châu Âu.

- Năm 1967: thống nhất 3 tổ chức trên thành Cộng đồng châu Âu (EC).

- Năm 1993, với hiệp ước Ma-xtrich - đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU).

- Từ 6 nước ban đầu (1957) đến 2007 là 27 nước ( hiện nay 2018 EU có: 27 nước, Anh vừa rời EU)

* Mục đích và thể chế

- Mục đích:

+ Xây dựng, phát triển một khu vực mà ở đó hàng hóa, dịch vụ, con người, tiền vốn được tự do lưu thông giữa các thành viên.

+ Tăng cường hợp tác, liên kết không chỉ về kinh tế, luật phápnội vụ mà cả trên lĩnh vực an ninh và đối ngoại.

- Thể chế:

+ Hội đồng châu Âu.

+ Nghị viện châu Âu.

+ Hội đồng bộ trưởng EU.

+ Ủy ban liên minh châu Âu.

b) Vị thế của eu trong nền kinh tế thế giới

* Trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới

- EU thành công trong việc tạo ra 1 thị trường chung có khả năng đảm bảo cho hàng hoá, con người, dịch vụ, tiền vốn được tự do lưu giữa các nước thành viên và sử dụng đồng tiền chung (ơ- rô).

- Vẫn có sự chênh lệch đáng kể về trình độ phát triển giữa các nước.

* Tổ chức thương mại hàng đầu

- Kinh tế EU phụ thuộc nhiều vào xuất, nhập khẩu.

- Giữa các nước dỡ bỏ thuế quan trong buôn bán và có chung mức thuế với các nước ngoài EU.

- EU dẫn đầu thế giới về thương mại.

- EU là bạn hàng lớn nhất của các nước đang phát triển.

- EU hạn chế nhập nhiều mặt hàng công nghiệp và trợ giá cho nông sản.

8. EU - Hợp tác, liên kết để cùng phát triển

a) Thị trường chung châu Âu

* Tự do lưu thông: 1993, EU thiết lập thị trường chung

- Tự do di chuyển: tự do đi lại, cư trú, nơi làm việc.

- Tự do lưu thông dịch vụ: tự do dịch vụ vận tải, thông tin lien lạc, ngân hàng, kiểm toán, du lịch,…

- Tự do lưu thông hàng hóa: các sản phẩm sản xuất tại một nước thuộc EU được tự do lưu thông và bán trong khu vực mà k phải chịu thuế.

- Tự do lưu thông tiền vốn: các hạn chế đốii với giao dịch thanh toán bị hoãn bỏ.

* Euro (ơ-rô) - đồng tiền chung của EU

- Năm 1999: chính thức được lưu thông.

- Năm 2004: có 13 nước thành viên sử dụng.

- Lợi ích:

+ Nâng cao sức cạnh tranh của thị trường chung.

+ Xóa bỏ những rủi ro khi chuyển đổi tiền tệ.

+ Tạo thuận lợi việc chuyển giao vốn.

+ Đơn giản công tác kế toán của các doanh nghiệp đa quốc gia.

b) Hợp tác trong sản xuất và dịch vụ

* Sản xuất máy bay E-bớt

- Do Anh, Pháp, Đức sáng lập. Hiện nay, đang phát triển mạnh và cạnh tranh với các hãng chế tạo máy bay của Hoa Kỳ

* Đường hầm giao thông dưới biển Măng-sơ

- Nối liền nước Anh với châu Âu lục địa được hoàn thành vào 1994.

- Là tuyến đường giao thông quan trọng ở châu Âu.

- Lợi ích:

   + Hàng hóa vận chuyển trực tiếp từ Anh tới lục địa không cần trung chuyển bằng phà và ngược lại.

   + Đường sắt siêu tốc được đưa vào sử dụng có thể cạnh tranh với vận tải hàng không

c) Liên kết vùng châu Âu (Euroregion)

* Khái niệm liên kết vùng châu Âu

- Euroregion - từ ghép của Europe (châu Âu) và region (vùng) - chỉ một khu vực biên giới của EU mà ở đó người dân các nước khác nhau tiến hành các hoạt động hợp tác, lien kết sâu rộng về các mặt kinh tế, xã hội và văn hoá trên cơ sở tự nguyện.

- Năm 2000, EU có khoảng 140 liên kết vùng.

* Liên kết vùng Ma-xơ Rai-nơ

- Đây là một ví dụ cụ thể về liên kết vùng. Hình thành tại biên giới Hà Lan, Đức và Bỉ.

- Hàng ngày có khoảng 30 nghìn người đi sang nước láng giềng làm việc.

9. Tự nhiên, dân cư, xã hội Liên bang Nga

a) Vị trí địa lí và lãnh thổ

- Diện tích lớn nhất thế giới (17,1 triệu km2).

- Lãnh thổ trải dài trên hai châu lục Á và Âu.

- Vị trí: Tiếp giáp với 14 nước, nhiều biển và đại dương.

- Đánh giá:

+ Thuận lợi: Tạo cho cảnh quan thiên nhiên đa dạng; Giao lưu và phát triển các ngành kinh tế, nhất là kinh tế biển.

+ Khó khăn: Bảo vệ an ninh - quốc phòng; quản lí và khai thác lãnh thổ.

b) Điều kiện tự nhiên

Yếu tố tự nhiên

Đặc điểm

Đánh giá ảnh hưởng

Địa hình

Phía Tây

Phía Đông

- Đồng bằng Đông Âu

- Đồng bằng Tây Xibia và các vùng trũng.

- Núi cao và sơn nguyên.

- Thuận lợi: Trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và phát triển kinh tế xã hội ở phía Tây.

- Khó khăn: Núi và cao nguyên chiếm diện tích lớn ở phía Đông.

Khoáng sản

Giàu có và đa dạng bậc nhất thế giới: dầu mỏ, khí tự nhiên, than đá, sắt, vàng, kim cương,…

- Thuận lợi: Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng, luyện kim,...

- Khó khăn: phân bố chủ yếu ở vùng núi nên khó khai thác.

Khí hậu

Phân hóa đa dạng.

+ Chủ yếu là ôn đới (80%).

+ Ngoài ra còn có khí hậu cận cực và cận nhiệt.

+ Thuận lợi: Phát triển nền nông nghiệp ôn đới.

+ Khó khăn: Khí hậu băng giá chiếm diện tích lớn.

Sông hồ

+ Nhiều sông lớn: Vôn-ga, Ô-bi, Ê-nit-xây,…

+ Hồ Bai-can là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới.

- Phát triển giao thông vận tải, thủy diện và du lịch.

- Đóng băng về mùa đông, lũ lụt đầu mùa hạ.

Rừng

Diện tích rừng đứng đầu thế giới, chủ yếu là rừng Tai-ga.

- Thuận lợi: Phát triển ngành lâm nghiệp, tạo ra nhiều cảnh quanh du lịch.

- Khó khăn: Quản lí, bảo vệ rừng.

c) Dân cư và xã hội

* Dân cư

- Dân số đông: 146,8 triệu người (2017), đứng thứ 9 trên thế giới.

- Dân số có xu hướng giảm liên tục qua các năm.

- Có hơn 100 dân tộc, 80% là người Nga, ngoài ra còn có người Tác-ta, Chu-vát, Bát-xkia.

- Mật độ dân số trung bình thấp (8,4 người/km2), dân cư phân bố không đều.

- Tỉ lệ dân thành thị cao (70%).

* Xã hội

- Là cường quốc văn hóa và khoa học:

+ Nhiều công trình kiến trúc nổi tiềng.

+ Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị.

+ Nhiều nhà khoa học, tư tưởng tài ba.

- Trình độ học vấn cao, tỉ lệ biết chữ 99%.

II. MỘT SỐ CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Trắc nghiệm

Câu 1. Bốn trụ cột trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại không phải là

A. công nghệ sinh học.

B. công nghệ năng lượng.

C. công nghệ hóa học.

D. công nghệ vật liệu.

Chọn C.

Câu 2. Mạng Internet phát triển đầu tiên ở quốc gia nào sau đây?

A. Anh.

B. Pháp.

C. Đức.

D. Hoa Kì.

Chọn D.

Câu 3. Đặc điểm chung của nhóm các nước phát triển là

A. GDP bình quân đầu người thấp, chỉ số HDI ở mức cao, nợ nước ngoài nhiều.

B. GDP bình quân đầu người cao, chỉ số HDI ở mức cao, đầu tư nước ngoài nhiều.

C. GDP bình quân đầu người thấp, chỉ số HDI ở mức thấp, đầu tư nước ngoài nhiều.

D. GDP bình quân đầu người cao, chỉ số HDI ở mức thấp, nợ nước ngoài nhiều.

Chọn B.

Câu 4. WTO là tên viết tắt của tổ chức nào sau đây?

A. Tổ chức Thương mại thế giới.

B. Liên minh châu Âu.

C. Hiệp ước tự do thương mại Bắc Mĩ.

D. Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Chọn A.

Câu 5. Hệ quả nào sau đây không phải là của khu vực hóa kinh tế?

A. Tăng cường quá trình toàn cầu hóa kinh tế.

B. Gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các nước.

C. Tạo nên động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.

D. Tăng cường tự do hóa thương mại, đầu twu dịch vụ.

Chọn B.

Câu 6. Toàn cầu hóa không dẫn đến hệ quả nào sau đây?

A. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

B. Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các nước.

C. Làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các nước.

D. Đẩy mạnh đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế.

Chọn B.

Câu 7. Hậu quả của gia tăng dân số tăng nhanh là

A. gia tăng xung đột sắc tộc, tôn giáo.

B. chi phí lợi xã hội cho người già tăng.

C. tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm.

D. gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Chọn C.

Câu 8. Hậu quả của biến đổi khí hậu là

A. thiếu nguồn nước sạch.

B. diện tích rừng bị thu hẹp.

C. thảm thực vật bị suy giảm.

D. nhiệt độ Trái Đất nóng lên.

Chọn D.

Câu 9. Suy giảm đa dạng sinh học không dẫn đến hậu quả nào sau đây?

A. Xuất hiện nhiều loài sinh vật mới.

B. Mất đi nhiều loài sinh vật.

C. Nhiều gen di truyền, nguồn thực phẩm hạn chế.

D. Nhiều nguồn nguyên liệu cho sản xuất bị mất.

Chọn A.

Câu 10. Sự bùng nổ dân số hiện nay trên thế giới diễn ra chủ yếu ở  

A. các nước đang phát triển.

B. các nước công nghiệp mới.

C. các nước phát triển.

D. khu vực châu Phi.

Chọn A.

Câu 11. Để hạn chế gây ô nhiễm không khí cần phải

A. phát triển nền nông nghiệp sinh thái.

B. cải tạo đất trồng.

C. cắt giảm lượng khí thải CO2 và CFCS.

D. cấm khai thác rừng.

Chọn C.

Câu 12. Việc khai thác khoáng sản ở châu Phi đã

A. nhanh chóng tàn phá môi trường.

B. làm tăng diện tích đất trồng trọt.

C. giữ được nguồn nước ngầm.

D. thúc đẩy nhanh quá trình phong hóa đất.

Chọn A.

Câu 13. Đặc điểm nổi bật của khí hậu châu Phi là

A. khô nóng.

B. lạnh khô.

C. nóng ẩm.

D. lạnh ẩm.

Chọn A.

Câu 14. Dân số châu Phi tăng rất nhanh là do

A. tỉ suất tử thô rất thấp.

B. quy mô dân số đông nhất thế giới.

C. tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên cao.

D. tỉ suất gia tăng cơ giới lớn.

Chọn C.

Câu 15. Khoáng sản nổi bật ở khu vực Mĩ Latinh không phải là

A. kim loại màu.

B. kim loại quý.

C. nhiên liệu.

D. kim loại đen.

Chọn D.

Câu 16. Mĩ la tinh có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nào sau đây?

A. Cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới, chăn nuôi gia súc.

B. Cây lương thực, cây ăn quả nhiệt đới, chăn nuôi gia súc nhỏ.

C. Cây lương thực, cây công nghiệp nhiệt đới, chăn nuôi gia súc nhỏ.

D. Cây công nghiệp, cây lương thực, chăn nuôi gia đại gia súc.

Chọn A.

Câu 17. Ở Mĩ Latinh, các chủ trang trại chiếm giữ phần lớn diện tích đất canh tác là do

A. cải cách ruộng đất không triệt để.

B. không ban hành chính sách cải cách ruộng đất.

C. người dân ít có nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

D. người dân tự nguyện bán đất cho các chủ trang trại.

Chọn A.

Câu 18. Đặc điểm nổi bật về tự nhiên của khu vực Tây Nam Á là

A. có nền văn minh rực rỡ, phần lớn dân cư theo đạo hồi.

B. là cầu nối giữa Châu Á và Châu Nam Cực.

C. vị trí trung gian của 2 châu lục và 3 lục địa.

D. dầu mỏ ở nhiều nơi, tập trung nhiều ở vùng Vịnh Péc-xích.

Chọn D.

Câu 19.Ngành trồng bông và một số cây công nghiệp có khả năng phát triển ở Trung Á nếu

A. phát triển thủy lợi.                      

C. phát triển công nghiệp chế biến.

B. tăng khả năng xuất khẩu.             

D. đào tạo nhân công lành nghề.

Chọn A.

Câu 20. Hệ thống Cooc-đi-e có đặc điểm là

A. địa hình hiểm trở, độ cao trung bình dưới 2000m. 

B. gồm nhiều dãy núi hướng Tây Bắc - Đông Nam.

C. nơi tập trung nhiều kim loại màu.

D. có khí hậu ôn đới và hoang mạc.

Chọn C.

Câu 21. Hoa Kì là quốc gia rộng lớn nằm ở

A. trung tâm châu Mĩ.

B. trung tâm châu Âu.

C. trung tâm Nam Mĩ.

D. trung tâm Bắc Mĩ. 

Chọn D.

Câu 22. Hình dạng cân đối của lãnh thổ Hoa Kì ở phần đất trung tâm Bắc Mĩ thuận lợi cho

A. phân bố dân cư và khai thác khoáng sản.

B. phân bố sản xuất và phát triển giao thông.

C. thuận lợi giao lưu với Tây Âu qua Đại Tây Dương.

D. dễ dàng giao thông giữa miền Tây và miền Đông.

Chọn B.

Câu 23. Nhận định nào sau đây đúng nhất về tài nguyên thiên nhiên vùng phía Tây Hoa Kì?

A. Nhiều kim loại màu, tài nguyên năng lượng phong phú, diện tích rừng tương đối lớn.

B. Nhiều kim loại màu, tài nguyên năng lượng nghèo nàn, diện tích rừng khá lớn.

C. Nhiều kim loại màu, tài nguyên năng lượng phong phú, diện tích rừng còn ít.

D. Nhiều kim loại đen, tài nguyên năng lượng phong phú, diện tích rừng tương đối lớn.

Chọn A.

Câu 24. Đặc điểm nổi bật của dãy núi A-pa-lat ở phía Đông Hoa Kì là

A. núi trẻ, đỉnh nhọn, sườn dốc, cao trung bình.

B. sườn thoải, nhiều thung lũng rộng cắt ngang.

C. gồm nhiều dãy núi song song chạy theo hướng bắc - nam.

D. cao đồ sộ, sườn dốc, xen các bồn địa và cao nguyên.

Chọn B.

Câu 25. Kiểu khí hậu nào sau đây phổ biến ở vùng phía Đông và vùng Trung tâm Hoa Kì?

A. Ôn đới lục địa và hàn đới.

B. Hoang mạc và ôn đới lục địa.

C. Cận nhiệt đới và ôn đới.

D. Cận nhiệt đới và cận xích đạo.

Chọn C.

Câu 26. Các ngành hàng không - vũ trụ, hóa dầu, công nghệ thông tin phân bố tập trung ở khu vực nào của Hoa Kì?

A. Vùng núi Cooc-đi-e và ven Ngũ Hồ.

B. Phía nam và vùng Trung tâm.

C. Ven Thái Bình Dương và phía nam.

D. Vùng Đông Bắc và ven Ngũ Hồ.

Chọn C.

Câu 27. Ngành tạo nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu của Hoa Kì là

A. nông nghiệp.

B. ngư nghiệp.

C. tiểu thủ công nghiệp.

D. công nghiệp.

Chọn D.

Câu 28. Đặc điểm ngành thương mại Hoa Kì là

A. dẫn đầu thế giới.

B. chủ yếu phát triển trong nước.

C. có giá trị nhập siêu.

D. có giá trị xuất siêu.

Chọn C.

Câu 29. Trong ngành công nghiệp khai khoáng, Hoa Kì đứng thứ hai thế giới về

A. môlipđen, đồng, chì, dầu mỏ.

B. vàng, bạc, đồng, chì, than đá.

C. phốt phát, môlipđen, vàng.    

D. vàng, bạc, đồng, phốt phát.

Chọn B.

Câu 30. Ngành công nghiệp khai khoáng của Hoa Kì đứng đầu thế giới về khai thác

A. vàng, bạc.

B. đồng, chì.

C. phốt phát, môlipđen.

D. dầu mỏ.

Chọn C.

Câu 31. EU được thành lập không nhằm mục đích nào sau đây?

A. Lưu thông hàng hóa.

B. Lưu thông con người.

C. Lưu thông vũ khí hạt nhân.

D. Lưu thông tiền vốn.

Chọn C.

Câu 32. Kinh tế của EU phụ thuộc nhiều vào

A. các nước phát triển.

B. các nước đang phát triển.

C. hoạt động xuất - nhập khẩu.

D. ngành kinh tế mũi nhọn.

Chọn C.

Câu 33. Lĩnh vực nào sau đây không phải là mục đích của EU?

A. Kinh tế.

B. Luật pháp.

C. Nội vụ.

D. Chính trị.

Chọn D.

Câu 34. EU là bạn hàng lớn nhất của các nước

A. đang phát triển.

B. phát triển.

C. công nghiệp mới.

D. Mĩ Latinh.

Chọn A.

Câu 35. Đường hầm giao thông dưới biển nối Anh với châu Âu lục địa nằm trên biển nào sau đây?

A. Biển Bắc.

B. Biển Măng-sơ.

C. Biển Ban-tích.

D. Biển Ti-rê-nê.

Chọn B.

Câu 36. Liên kết vùng ở châu Âu là thuật ngữ để chỉ một khu vực

A. biên giới của EU.

B. nằm giữa mỗi nước của EU.

C. nằm ngoài EU.

D. không thuộc EU.

Chọn A.

Câu 37. Nhận định nào sau đây không nằm trong tự do di chuyển?

A. Tự do đi lại.

B. Tự do du lịch.

C. Tự do cư trú.

D. Tự do lựa chọn nơi làm việc.

Chọn B.

Câu 38. Đường hầm giao thông dưới biển Măng - sơ nối trực niếp nước Anh với nước nào ở châu Âu?

A. Tây Ban Nha.

B. Đức.

C. Pháp.

D. Thụy Điển.

Chọn C.

Câu 39. Tự do lưu thông hàng hóa là

A. tự do đi lại, cư trú, lựa chọn nơi làm việc.

B. tự do đối với các dịch vụ vận tải du lịch.

C. bãi bỏ các hạn chế đối với giao dịch thanh toán.

D. hàng hóa bán ra của mỗi nước không chịu thuế giá trị gia tăng.

Chọn D.

Câu 40. Dòng sông làm ranh giới để chia LB Nga làm 2 phần phía Tây và phía Đông là sông

A. Ê-nít-xây.

B. Von-ga.

C. Ô-bi.

D. Lê-na.

Chọn A.

Câu 41. Xét về trữ lượng, loại khoáng sản nào sau đây của Liên bang Nga không đứng đầu thế giới?

A. quặng kali.

B. khí tự nhiên.

C. quặng sắt.

D. Than đá.

Chọn D.

Câu 42. LB Nga giáp với các đại dương nào sau đây?

A. Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương.

B. Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương.

C. Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

D. Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Chọn B.

Câu 43. Dãy núi nào sau đây làm ranh giới tự nhiên giữa 2 châu lục Á-Âu trên lãnh thổ LB Nga?

A. Cáp-ca.

B. U-ran.

C. A-pa-lat.

D. Hi-ma-lay-a.

Chọn B.

Câu 44. Các loại khoáng sản nào sau đây của LB Nga có trữ lượng lớn đứng đầu thế giới?

A. Dầu mỏ, than đá.

B. Quặng kali, quặng sắt, khí tự nhiên.

C. Khí tự nhiên, than đá.

D. Quặng sắt, dầu mỏ.

Chọn B.

Câu 45. Liên Bang Nga là nước đầu tiên

A. đưa người lên sao Hỏa.

B. đưa người đến châu Nam Cực.

C. đưa người lên vũ trụ.

D. thử vũ khí hạt nhân.

Chọn C.

2. Tự luận

Câu 1. Trình bày sự phân chia nhóm nước?

- Thế giới gồm 2 nhóm nước:

+ Nhóm nước phát triển (có GDP/người lớn, FDI nhiều, HDI cao).

+ Nhóm nước đang phát triển (ngược lại).

- Nhóm nước đang phát triển một số nước và vùng lãnh thổ đã trải qua quá trình công nghiệp hóa và đạt trình độ nhất định về công nghiệp (gọi là những nước công nghiệp mới Nics).

Câu 2. Trình bày các biểu hiện và hậu quả chủ yếu của toàn cầu hóa kinh tế?

- Biểu hiện:

+ Thương mại quốc tế phát triển nhanh.

+ Đầu tư nước ngoài tăng trưởng nhanh.

+ Thị trường tài chính quốc tế mở rộng.

+ Các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn.

- Hệ quả của toàn cầu hóa kinh tế

+ Tích cực:

  • Thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
  • Đẩy nhanh đầu tư và khai thác triệt để khoa học công nghệ.
  • Tăng cường hợp tác giữa các nước theo hướng ngày càng toàn diện trên phạm vi toàn cầu.

+ Tiêu cực: Gia tăng khoảng cáh giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội, cũng như giữa các nước.

Câu 3. Các tổ chức liên kết kinh tế khu vực được hình thành dựa trên những cơ sở nào? 

- Do sự phát triển không đồng đều và sức ép cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới các quốc gia có những nét tương đồng chung đã liên kết lại với nhau.

- Các tổ chức lớn: NAFTA, EU, ASEAN, AFEC, MERCOSUR,…

Câu 4. Trình bày hệ quả khu vực hóa kinh tế?

- Tích cực

+ Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.

+ Tăng cường tự do hóa thương mại, đầu tư dịch vụ.

+ Thúc đẩy mở cửa thị trường các quốc gia, tạo thị trường khu vực lớn hơn.

+ Thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới.

- Tiêu cực

+ Ảnh hưởng đến sự tự chủ kinh tế, suy giảm quyền lực quốc gia.

+ Các ngành kinh tế bị cạnh tranh quyết liệt, nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm,…

Câu 5. Hãy trình bày một số vấn đề về bùng nổ dân số thế giới và già hóa dân số?

* Bùng nổ dân số

- Dân số thế giới tăng nhanh dẫn tới bùng nổ dân số.

- Bùng nổ dân số diễn ra chủ yếu ở các nước đang phát triển.

- Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên qua các thời kì giảm nhanh ở nhóm nước phát triển và giảm chậm ở nhóm nước đang phát triển.

- Chênh lệch về tỉ lệ gia tăng tự nhiên giữa 2 nhóm nước ngày càng lớn.

- Dân số nhóm nước đang phát triển vẫn tiếp tục tăng nhanh, nhóm nước phát triển có xu hướng chững lại.

- Hậu quả: Dân số tăng nhanh gây sức ép nặng nề đối với phát triển kinh tế, tài nguyên, môi trường và chất lượng cộc sống.

* Già hoá dân số

- Dân số thế giới ngày càng già đi.

+ Tuổi thọ trung bình ngày càng tăng.

+ Tỉ lệ nhóm tuổi dưới 15 tuổi ngày càng giảm, tỉ lệ nhóm trên 65 tuổi ngày càng tăng.

- Sự già hoá dân số chủ yếu ở nhóm nước phát triển:

+ Tỉ suất gia tăng tự nhiên thấp, giảm nhanh.

+ Cơ cấu dân số già.

- Hậu quả:

+ Thiếu lao động bổ sung.

+ Chi phí phúc lợi xã hội cho người già lớn.

Câu 6. Giải thích câu nói: Trong bảo vệ môi trường, cần phải “tư duy toàn cầu hành động địa phương”?

- Phải tư duy toàn cầu vì: Sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nước và sự suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, chứ không phải tại một số quốc gia hay một khu vực nào trên Trái Đất. Vì nó tuân theo quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí: đó là quy luật về mối quan hệ quy định lẫn nhau giữa các thành phần và mỗi bộ phần của lớp vỏ địa lí.

- Hành động địa phương vì: sự biến đổi, ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học ở các quốc gia, các khu vực khác nhau trên Trái Đất, không giống nhau về mức độ. Do vậy, ở các địa phương khác nhau trên Trái Đất tùy theo mức độ ô nhiễm môi trường mà có những biện pháp cụ thể khác nhau.

Câu 7. Trình bày vấn đề tự nhiên của châu phi?

- Các loại cảnh quan đa dạng: xa van và xa van rừng, hoang mạc và bán hoang mạc.

- Khí hậu đặc trưng: Khô nóng.

- Tài nguyên nổi bật:

+ Khoáng sản: Giàu kim loại đen, kim loại màu, đặc biệt là kim cương -> cạn kiệt.

+ Rừng chiếm diện tích khá lớn.

- Hiện trạng: Sự khai thác tài nguyên quá mức, môi trường bị tàn phá, hiện tượng hoang mạc hóa.

- Biện pháp:

+  Khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lí.

+ Tăng cường thủy lợi hóa.

+ Trồng rừng.

Câu 8. Trình bày về dân cư, xã hội của châu Phi?

* Dân cư

- Tỷ suất sinh cao.

- Tỷ suất tử cao.

-  Dân số tự tăng nhanh.

- Tuổi thọ trung bình thấp.

- Trình độ dân trí thấp (HDI thấp).

* Xã hội

- Nhiều hủ tục lạc hậu.

- Xung đột sắc tộc, tôn giáo.

- Bệnh tật hoành hành, đe dọa: HIV, sốt rét,...

- Tình trạng đối nghèo.

- Được sự giúp đỡ của nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Câu 9. Trình bày một số vấn đề về kinh tế châu Phi?

- Nền kinh tế kém phát triển:

- Đóng góp 1,9% GDP tòan cầu.

- Nguyên Nhân:

+ Tầng bị thực dân thống trị.

+ Xung đột sắc tộc.

+ Khả năng quản lí yếu kém của nhà nước.

+ Dân số tăng nhanh.

+ Trình Độ dân trí thấp.

Câu 10. Nêu các vấn đề về tự nhiên, dân cư xã hội của Mĩ Latinh?

* Tự nhiên

- Cảnh quan chủ yếu: Rừng nhiệt đới ẩm và xavan cỏ.

- Khoáng sản đa dạng: Kim loại màu, kim loại quý và năng lượng -> phát triển nhiều ngành công nghiệp.

- Đất đai, khí hậu thuận lợi trồng cây nhiệt đới, chăn nuôi gia súc lớn.

- Khó khăn: Tự nhiên giàu có, tuy nhiên đại bộ phận dân cư không được hưởng các nguồn lợi này.

* Dân cư và xã hội

- Cải cách ruộng đất không triệt để.

- Chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội rất lớn.

- Tỉ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ lớn 37% - 62%.

- Dân thành thị cao chiếm 75% dân số.

Câu 11. Trình bày một số vấn đề về kinh tế ở khu vực Mĩ Latinh?

- Thực trạng: Nền kinh phát triển thiếu ổn định, không điều, tốc độ tăng trưởng GDP thấp, dao động mạnh.

- Nguyên nhân:

+ Tình hình chính trị thiếu ổn định.

+ Duy trì chế độ phong kiến lâu.

+ Các thế lực thiên chúa giáo cản trở.

+ Chưa xây dựng đường lối đúng đắn.

- Biện pháp:

+ Củng cố bộ máy nhà nước.

+ Phát triển giáo dục.

+ Quốc hữu hoá một số ngành kinh tế.

+ Tiến hành công nghiệp hoá.

+ Tăng cường và mở rộng buôn bán với thế giới.

Câu 12. Vì sao các nước Mĩ La tinh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế nhưng tỉ lệ người nghèo ở khu vực này vẫn cao?

- Tuy đã giành độc lập song nhiều nước vẫn duy trì cơ cấu xã hội phong kiến.

- Các thế lực tôn giáo bảo thủ tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Chưa xây dựng được đường lối phát triển kinh tế - xã hội độc lập tự chủ, còn phụ thuộc nhiều vào tư bản nước ngoài, nhất là Hoa Kì.

- Quá trình cải cách kinh tế của nhiều nước đã vấp phải sự phản ứng của các thế lực bị mất quyền lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có.

Câu 13. Vai trò về cung cấp dầu mỏ của khu vực Tây Nam Á và Trung Á?

- Khu vực Tây Nam Á là nguồn cung cấp dầu mỏ lớn của thế giới.

- Khu vực Trung Á tuy hiện nay khai thác dầu mỏ chưa nhiều nhưng có tiềm năng lớn.

- Ảnh hưởng đến giá dầu và sự phát triển kinh tế của thế giới.

Câu 14. Trình bày tình hình xung đột sắc tộc, tôn giáo, và nạn khủng bố của khu vực Tây Nam Á và Trung Á?

- Thực trạng

+ Luôn xảy ra các cuộc chiến tranh, xung đột, nạn khủng bố.

+ Ví dụ: Xung đột dai dẳng giữa người Ả-rập và Do Thái. Chiến tranh I ran với I rắc; giữa I rắc với Cô oét,…

- Nguyên nhân: Do tranh chấp quyền lợi; khác biệt về tư tưởng, định kiến về tôn giáo, dân tộc; các thế lực bên ngoài can thiệp nhằm vụ lợi,…

- Hậu quả

+ Gây mất ổn định ở mọi quốc gia, trong khu vực và làm ảnh hưởng đến các quốc gia khác.

+ Đời sống nhân dân bị đe dọa và không được cải thiện kinh tế bị hủy họai và chậm phát triển

+ Ảnh hưởng đến giá dầu và phát triển kinh tế thế giới.

- Giải pháp: cần triệt tiêu các nguồn phát sinh mất ổn định,…

Câu 15. Trình bày đặc điểm lãnh thổ, và vị trí địa lí của Hoa Kì, vị trí đó có thuận lợi gì?

* Lãnh thổ: Gồm 50 bang, 48 bang ở trung tâm Hoa Kì, bán đảo Alatca, vùng đảo Ha-oai.

* Vị trí địa lí:

- Nằm ở bán cầu Tây.

- Bắc giáp Canada, Nam giáp Mĩ Latinh, Tây giáp Thái Bình Dương, Đông giáp Đại Tây dương.

*Thuận lợi:

- Phát triển nền nông nghiệp giàu có.

- Tránh được hai cuộc Đại chiến thế giới, lại thu lợi nhuận nhờ bán vũ khí.

- Thuận lợi cho giao lưu kinh tế, mở rộng thị trường, phát triển kinh tế biển.

- Có thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Câu 16. Trình bày điều kiện tự nhiên của Hoa Kì?

Sự phân hóa lãnh thổ ở trung tâm Bắc Mĩ:

* Vùng phía Tây

- Gồm các dãy núi cao chạy song song theo hướng Bắc - Nam bao bọc các cao nguyên và bồn địa.

- Khí hậu: Khô hạn, phân hóa phức tạp.

- Một số đồng bằng nhỏ, màu mỡ ven Thái Bình Dương.

- Tài nguyên: Giàu khoáng sản kim loại màu, kim loại hiếm, tài nguyên rừng, than đá, thủy năng.

* Vùng phía Đông

- Gồm dãy núi già A-pa-lat, với nhiều thung lũng cắt ngang, các đồng bằng ven Đại Tây Dương.

- Khí hậu: Ôn đới lục địa ở phía Bắc, Cận nhiệt đới ở phía Nam.

- Tài nguyên: Quặng sắt, than đá trử lượng lớn. Tiềm năng thủy điện lớn.

* Vùng trung tâm

- Phần phía tây và phía bắc là đồi thấp và đồng cỏ rộng lớn; phần phía nam là đồng bằng phù sa màu mỡ.

- Khí hậu: Phân hóa da dạng: ôn đới, cận nhiệt đới, nhiệt đới.

- Tài nguyên: Than đá, quặng sắt, dầu khí trử lượng lớn.

* Bán đảo A-la-xca và quần đảo Ha-oai

- A-la-xca: Chủ yếu là đồi núi, giàu dầu khí.

- Ha-oai: Tiềm năng lớn về hải sản và du lịch.

Câu 17. Trình bày đặc điễm dân cư của Hoa Kì?

* Đặc điểm dân số:

- Dân số đông và tăng nhanh: thứ 3 thế giới (296,5 triệu người), chủ yếu do nhập cư.

- Thành phần dân cư:

+ Nhiều thành phần dân tộc, đa dạng tôn giáo.

+ Thành phần dân cư đa dạng, phức tạp: Nhiều nguồn gốc khác nhau: Gốc Âu 83%; Phi >10%; Á và Mĩ La Tinh 6%; bản địa 1%.

* Phân bố dân cư

- Dân cư phân bố không đều:

+ Tập trung ven bờ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, đặc biệt là vùng Đông Bắc.

+ Vùng núi phía Tây, vùng Trung tâm dân cư thưa thớt.

+ Dân cư chủ yếu tập trung ở các thành phố, phần lớn thành phố vừa và nhỏ.

+ Xu hướng thay đổi: di chuyển từ vùng Đông Bắc đến phía Nam và ven bờ Thái Bình Dương.

- Nguyên nhân: do tác động của nhiều nhân tố, chủ yếu là khí hậu, khoáng sản; lịch sử khai thác lãnh thổ và trình độ phát triển kinh tế.

Câu 18. Phân tích những thuận lợi của vị trí địa lí và tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển nông nghiệp, công nghiệp ở Hoa Kì.?

- Vị trí địa lí

+ Tránh được sự tàn phá của hai cuộc đại chiến thế giới.

+ Có nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào và thị trường tiêu thụ các sản phẩm rộng lớn.

- Phát triển công nghiệp

+ Có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng: tài nguyên năng lượng, kim loại màu, kim loại đen và kim loại quý hiếm, tài nguyên rừng tương đối lớn.

+ Nhiều loại tài nguyên khoáng sản có trữ lượng đứng hàng đầu thế giới.

- Phát triển nông nghiệp

+ Tài nguyên đất: bên cạnh diện tích đất phù sa tương đối lớn ở ven Đại Tây Dương và vùng đồng bằng Trung tâm thuận lợi để phát triển ngành trồng trọt. Hoa Kì còn có nhiều diện tích đồng cỏ ở phía tây và tây bắc để phát triển chăn nuôi.

+ Khí hậu đa dạng: ôn đới hải dương, cận nhiệt và nhiệt đới để đa dạng các sản phẩm nông nghiệp.

+ Có nhiều sông lớn như Mixixipi, mixuri, Côlômbia, Côlôrađô và vùng hồ lớn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Câu 19. Quy mô nền kinh tế của Hoa Kì?

- Biểu hiện:

+ Nền kinh tế mạnh nhất thế giới.

+ Quy mô GDP lớn nhất thế giới, lớn hơn GDP của châu Á, gấp 14 lần GDP của châu Phi.

- Nguyên nhân:

+  Tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, đất đai, nguồn nước, thủy sản,…) đa dạng, trữ lượng lớn, dễ khai thác.

+  Lao động dồi dào, Hoa Kì không tốn chi phí nuôi dưỡng, đào tạo.

+  Trong 2 cuộc Đại chiến thế giới lãnh thổ không bị tàn phá, lại thu lợi.

Câu 20. Trình bày đặc điểm của các ngành kinh tế của Hoa Kì?

* Dịch vụ

- Chiếm 79,4% giá trị GDP.

- Ngoại thương: Tổng kim ngạch xuât khẩu năm 2004: 2344,3 tỉ USD, chiếm 12% tổng giá trị thương mại thế giới.

- Giao thông vận tải; hiện đại nhất.

- Các ngành tài chính, thông tin liên lạc: Có hơn 600 tổ chức ngân hang, TTLL hiện đại nhất, Du lịch phát triển mạnh 94 tỉ USD,…

* Công nghiệp

- Tạo nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu, nhiều sản phẩm đứng hàng đầu thế giới. Gồm: chế biến, điện lực, khai khoáng; trong đó công nghiệp chế biến phát triển mạnh nhất.

- Cơ cấu:

+ Cơ cấu ngành: tăng tỉ trọng của các ngành công nghiệp hiện đại, giảm các ngành công nghiệp truyền thống.

+ Cơ cấu lãnh thổ:

  • Đông Bắc: giảm dần tỉ trọng giá trị sản lượng công nghiệp.
  • Phía Nam và ven Thái Bình Dương tăng dần tỉ trọng giá trị sản lượng công nghiệp.

* Nông nghiệp

- Chiếm 0,9%GDP.

- Nền nông nghiệp đứng đầu thế giới.

- Hình thức tổ chức sản xuất: trang trại, vùng chuyên canh có quy mô lớn.

- Cơ cấu:

+ Cơ cấu ngành: giảm tỉ trọng hoạt động thuần nông, tăng tỉ trọng hoạt động dịch vụ nông nghiệp.

+ Cơ cấu lãnh thổ: Sản xuất nông nghiệp có sự phân hóa lớn giữa các vùng.

Câu 21. Trình bày sự ra đời và phát triển của Liên Minh Châu Âu?

- 1951: Cộng đồng Than - Thép châu Âu.

- 1957: Cộng đồng kinh tế châu Âu.

- 1958: Cộng đồng nguyên tử châu Âu.

- 1967: Cộng đồng châu Âu.

- 1993: Liên minh châu Âu.

- Các thành viên ngày càng tăng: 27 thành viên (2007) hiện tại có 28 thành viên.

Câu 22. Mục đích và thể chế hoạt động của Liên minh châu Âu?

- Mục đích: Xây dựng và phát triển một khu vực tự do lưu thông hàng hoá, dịch vụ, con người, tiền vốn giữa các nước thành viên và liên minh toàn diện.

- Thể chế:

+ Nhiều quyết định quan trọng về kinh tế, chính trị,… do các cơ quan đầu não của EU đề ra.

+ Các cơ quan đầu não của châu Âu:

  • Nghị viện châu Âu.
  • Hội đồng châu Âu (Hội đồng EU).
  • Toà án châu Âu.
  • Hội đồng bộ trưởng EU.
  • Uỷ ban liên minh châu Âu.

Câu 23. Trình bày các vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới?

* EU - một trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới

- EU là một trong 3 trung tâm kinh tế lớn nhất trên thế giới.

- EU đứng đầu thế giới về GDP (2004: EU 12690,5 tỉ USD).

- Dân số chỉ chiếm 7,1% dân số thế giới nhưng chiếm 31% tổng GDP của thế giới và tiêu thụ 19% năng lượng của thế giới (2004).

* EU - tổ chức thương mại hàng đầu thế giới

- EU đứng đầu thế giới về thương mại, chiếm 37,7% giá trị xuất khẩu của thế giới (2004).

- Tỷ trọng của EU trong xuất khẩu thế giới và tỷ trọng xuất khẩu/GDP của EU đều đứng đầu thế giới, vượt xa Hoa Kì, Nhật Bản.

Câu 24. Kể tên các mặt tự do lưu thông? Việc hình thành thị trường chung châu Âu và đưa vào sử dụng đồng tiền chung Ơ-rô có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển EU?

* Tự do lưu thông: EU thiết lập thị trường chung châu Âu từ 01/01/1993.

- Bốn mặt tự do lưu thông

+ Tự do di chuyển.

+ Tự do lưu thông dịch vụ.

+ Tự do lưu thông hàng hóa.

+ Tự do lưu thông tiền vốn.

- Ý nghĩa của tự do lưu thông:

+ Xóa bỏ những trở ngại trong phát triển kinh tế.

+ Thực hiện chung một số chính sách thương mại với các nước ngoài EU.

+ Tăng cường sức mạnh kinh tế và khã năng cạnh tranh của EU đối với các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới.

* Ý nghĩa sử dụng chung đồng Ơ-rô

- Năng cao sức cạnh tranh thị trường chung châu Âu.

- Xóa bỏ những rũi ro khi trao đổi tiền tệ.

- Thuận lợi cho việc chuyển giao vốn.

- Đơn giản công tác kế toán.

Câu 25. EU đã thành công như thế nào trong hợp tác phát triển giao thông vận tải?

* Dự án sản xuất máy bay E-bớt (Airbus)

- Được sản xuất bởi 5 quốc gia: Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây  Ban Nha, trụ sở: Tu-lu-dơ.

- Hình thức sản xuất: chuyên môn hóa và hợp tác hóa.

- Đang phát triển, cạnh tranh hiệu quả với Boeing của Hoa Kì.

* Đường hầm giao thông dưới biển Măng-sơ (Manches)

- Chiều dài 50 km.

- Chức năng là cầu nối giữa nước Anh và châu Âu.

* Ý nghĩa: Rút ngắn khoảng cách, thời gian, giảm chi phí trung gian, hạn chế rủi ro, thiệt hại do thiên tai,…

Câu 26. Thế nào là liên kết vùng? Liên kết vùng Ma-xơ Rai-nơ? cho biết ý nghĩa của việc phát triển các liên kết vùng trong liên minh châu Âu?

- Khái niệm Euroregion: Là liên kết vùng ở châu Âu chỉ một khu vực biên giới ở châu Âu mà ở đó các hoạt động hợp tác, liên kết về các mặt giữa các nước khác nhau đã được thực hiện và đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.

- Liên kết vùng Masơ-Rai nơ

+ Vị trí: khu vực biên giới 3 nước Hà Lan,Đức, Bỉ.

+ Lợi ích:

  • Có khoảng 30.000 người/ ngày đi sang các nước láng giềng làm việc.
  • Các trường Đại học tổ chức khoá đào tạo chung.
  • Các con đường xuyên biên giới được xây dựng.

- Ý nghĩa của việc phát triển các liên kết vùng trong Liên minh châu Âu

+ Phát triển kinh tế - xã hội các vùng biên giới.

+ Phát triển đồng đều vùng biên giới và trung tâm.

+ Xóa bỏ xung đột, chiến tranh biên giới.

Xem thêm các bộ đề thi Địa Lí lớp 11 chọn lọc, hay khác:

1 906 28/12/2022
Tải về