Từ ghép là gì? Phân loại, tác dụng của từ ghép và ví dụ minh họa

Vietjack.me giới thiệu bài viết Từ ghép là gì? Phân loại, tác dụng của từ ghép và ví dụ minh họa bao gồm các khái niệm, phân loại, cách dùng,... Mời các bạn đón xem:

1 139 18/10/2024


Từ ghép là gì? Phân loại, tác dụng của từ ghép và ví dụ minh họa

1. Từ ghép là gì?

- Từ ghép là từ phức tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ về nghĩa với nhau.

- Ví dụ: ông nội, ba mẹ, bà ngoại, …

2. Cách nhận biết từ ghép

- Nếu cả 2 từ đơn có có nghĩa ghép lại với nhau thì sẽ tạo thành từ ghép. Do đó, để biết được từ đó có phải từ ghép hay không, bạn hãy tách từng từ va xem các từ sau khi tách có nghĩa cụ thể nào không. Trường hợp chỉ một trong hai tiếng có nghĩa thì đây là từ láy âm không phải từ ghép.

- Đảo trật tự các tiếng với nhau, nếu đảo được thì đó là dạng từ ghép nghĩa. Trường hợp đảo mà không có ý nghĩa thì đó là từ láy âm.

- Nhiều từ phức khi tạo thành từ nhiều từ đơn có thể không rõ nghĩa, nhưng nếu thấy xuất hiện trong một số từ phức có tiếng gốc khác nhau thì từ phức này có thể xem là từ ghép nghĩa.

- Từ ghép có thể không chung bộ phận vần, có thể hai từ đơn không có nghĩa nhưng khi ghép 2 từ đơn lẻ đó lại tạo thành một từ ghép có nghĩa nhất định.

3. Phân loại từ ghép

a) Theo quan hệ ý nghĩa giữa các tiếng

Khi chúng ta xét về mối quan hệ ý nghĩa giữa các tiếng cấu thành từ ghép thì có thể phân loại chúng thành 2 loại là từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.

  • Từ ghép đẳng lập:

Đẳng lập trong từ ghép là gì? Đây là từ có các thành phần từ đơn cấu thành có vai trò ngang nhau, không phân biệt âm tiết chính và âm tiết phụ. Đặc biệt, chúng còn bổ sung nghĩa cho nhau và có thể có mối quan hệ logic nhất định, hòa hợp để tạo thành một từ mới có ý nghĩa hoàn chỉnh hơn.

Ví dụ: Từ ghép "nhà thờ" là sự kết hợp giữa "nhà" và "thờ", chúng độc lập nhau về vai trò và mang ý nghĩa chỉ một nơi con người cầu nguyện, tôn thờ.

  • Từ ghép chính phụ:

Khác với đẳng lập, từ ghép chính phụ lại có một tiếng chính (thể hiện ý nghĩa chủ yếu) và một tiếng phụ (bổ sung nghĩa cho tiếng chính). Trong loại từ này, tiếng chính thường là ý nghĩa trung tâm của từ, trong khi tiếng phụ chỉ đóng vai trò bổ sung, mở rộng ý nghĩa cho từ.

Ví dụ: Trong từ “cây bàng”, "cây" là tiếng chính, thể hiện ý nghĩa chủ yếu là loại cây, trong khi đó từ "bàng" là tiếng phụ, bổ sung nghĩa một cách chi tiết hơn về loại cây có tán rộng, lá to và cho bóng mát.

*Phân biệt từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ

Điểm phân biệt Từ ghép đẳng lập Từ ghép chính phụ
Về quan hệ âm tiết Sự liên kết giữa các âm tiết là như nhau (không phân biệt âm tiết nào chính và âm tiết nào phụ) Sự liên kết không đồng đều giữa các âm tiết (có âm chính và âm phụ)
Về ngữ nghĩa

Hợp nghĩa (tức là nghĩa của từ ghép đẳng lập sẽ khái quát hơn so với nghĩa của các âm tiết tạo nên từ ghép đẳng lập)

Ví dụ: "Cô chú" là từ ghép đẳng lập. nghĩa của từ "cô chú" khái quát hơn so với nghĩa của các âm tiết "cô" và "chú"

Phân nghĩa (tức là nghĩa của từ ghép chính phụ sẽ hẹp hơn so với nghĩa của âm tiết chính)

Ví dụ: "Tàu hỏa" là một từ ghép chính phụ, trong đó âm tiết chính là "tàu". Nghĩa của từ tàu hỏa hẹp hơn nghĩa của âm tiết "tàu".

b) Theo cách thức biểu hiện nghĩa

Với phương diện này, chúng ta có từ ghép tổng hợp và từ ghép phân loại:

  • Từ ghép tổng hợp:

Từ ghép tổng hợp là loại từ ghép có nghĩa tổng quát hơn so với các tiếng thành phần. Nghĩa của từ ghép tổng hợp là sự kết hợp của các từ đơn nhưng không đơn thuần là cộng gộp, mà mang một ý nghĩa mới bao hàm và khái quát hơn.

Ví dụ: Từ "quần" và "áo" chỉ hai loại trang phục mặc ở phần thân trên và dưới, nhưng khi ghép lại thành "quần áo" thì nghĩa của nó bao hàm tất cả các loại trang phục, không chỉ giới hạn ở quần hoặc áo.

  • Từ ghép phân loại:

Từ ghép phân loại là loại từ có nghĩa hẹp hơn so với tiếng chính, thường ám chỉ một loại của sự vật được biểu thị bởi tiếng chính.

Ví dụ: "Bánh chưng" được coi là một từ ghép phân loại. Trong đó, từ "bánh" là tiếng chính, chỉ chung một loại thức ăn; "chưng" là tiếng phụ, phân loại loại bánh này là bánh được làm bằng cách chưng nếp.

c) Theo số lượng tiếng

Nhiều người vẫn lầm tưởng từ ghép chỉ là những từ có 2 âm tiết, tuy nhiên thực tế những từ trên 3 tiếng vẫn có thể được xem là từ ghép. Chính vì vậy chúng ta có cách phân loại sau:

  • Từ ghép đôi: Có cấu tạo đơn giản, chỉ gồm hai tiếng. Ví dụ: Bút thước, ăn uống, sơn thủy,...

  • Từ ghép có ba tiếng trở lên: Từ ghép gồm có ba tiếng. Ví dụ: Bút chì kim, cánh đồng lúa, sách giáo khoa,...

d) Theo nguồn gốc của từ

Tiếng Việt vốn dĩ mượn khá nhiều từ tiếng Hán, khi xem xét dựa trên yếu tố nguồn gốc, chúng ta có cách phân loại từ ghép như sau:

  • Từ ghép gốc Hán: Các thành phần cấu tạo nên từ có nguồn gốc từ tiếng Hán. Nghĩa của từ ghép chủ yếu được hình thành từ nghĩa của các từ gốc Hán, nhưng có thể có sự chuyển nghĩa hoặc biến đổi so với tiếng gốc. Ví dụ: Phụ tử, vương phi, hoàng tộc,...

  • Từ ghép gốc Việt: Các thành phần cấu tạo nên từ ghép đều có nguồn gốc từ tiếng Việt. Ví dụ: Ăn uống, nhà cửa, cây cối,...

4. Công dụng của từ ghép

  • Làm phong phú thêm ngôn từ

Từ ghép mở ra một kho tàng từ vựng phong phú, giúp ta diễn đạt ý nghĩa một cách sâu sắc hơn. Thay vì sử dụng các từ đơn lẻ, từ ghép cho phép kết hợp chúng để tạo ra những từ mới súc tích và phản ánh chính xác, mỗi từ mang lại một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt.

Thực tế, từ ghép đã giúp tạo ra vô số từ mới dựa trên những từ đơn có sẵn, đáp ứng nhu cầu ngôn ngữ ngày càng phong phú của con người.

  • Diễn đạt ý nghĩa chính xác

Trong một số trường hợp, việc sử dụng từ ghép thậm chí còn quan trọng hơn việc sử dụng các từ đơn, bởi vì chúng giúp chúng ta mô tả một cách chính xác và cụ thể hóa các sự vật, khái niệm hoặc tình trạng. Bằng cách kết hợp các từ đơn lại với nhau, người nói có thể tạo ra những từ mới mang lại ý nghĩa cụ thể hơn.

Ví dụ: "Nhà" là một khái niệm chung chung, nhưng "nhà cao tầng", "nhà tranh", "nhà gỗ",... lại cho biết rõ ràng hơn về kiểu nhà.

Ngoài ra, từ ghép còn giúp liên kết các ý lại với nhau, tạo sự logic cho cả văn nói và văn viết, thể hiện những sắc thái cảm xúc mà từ đơn không thể miêu tả.

  • Góp phần tạo ra ngôn ngữ chuyên ngành

Khả năng tạo ra ngôn ngữ chuyên ngành trong từ ghép là gì? Từ loại này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra ngôn ngữ chuyên ngành, giúp tăng khả năng giao tiếp và truyền đạt thông tin hiệu quả hơn trong nhóm cộng đồng chuyên môn. Nhờ sử dụng các từ ghép, các chuyên gia có thể diễn đạt các khái niệm phức tạp một cách ngắn gọn, chính xác, đồng thời hỗ trợ làm tăng cường hiểu biết trong lĩnh vực chuyên môn.

Ví dụ: Trong toán học ta có “phương trình”, “tích phân”,... Ngành y có "viêm phổi cấp", "huyết áp cao",... Hay trong ngành luật, từ ghép có thể là "hợp đồng dân sự", "tội phạm hình sự", "bản án sơ thẩm",...

  • Tiết kiệm ngôn ngữ, truyền tải nhanh

Từ ghép có khả năng thể hiện một ý nghĩa phức tạp chỉ bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều từ đơn, giúp tiết kiệm ngôn ngữ và truyền tải thông tin nhanh chóng một cách chính xác. Thực tế, việc sử dụng từ ghép sẽ giúp cho câu văn được trở nên ngắn gọn, súc tích, đồng thời làm cho nội dung truyền tải rõ ràng, thậm chí hay hơn rất nhiều nữa đấy!

Ví dụ: Thay vì nói rằng "thời điểm mặt trời mọc", chúng ta có thể dùng từ “bình minh”, hay dùng từ ghép "bão táp" để thay cho "gió to và mưa lớn".

5. Phân biệt từ ghép và từ láy

Điểm phân biệt Từ ghép Từ láy
Định nghĩa Từ ghép thường được tạo nên từ hai tiếng trở lên và chúng đều có nghĩa Từ láy là những từ được nên từ hai tiếng, những âm đầu hoặc vần của chúng phải giống nhau
Nghĩa của từ tạo thành

Nghĩa của từ tạo thành khi các từ đó đều phải có nghĩa

Ví dụ: "Đất nước" là từ ghép. Cả "đất" và "nước" đều có nghĩa, chúng ghép lại với nhau tạo thành từ ghép mang ý nghĩa chỉ một quốc gia, lãnh thổ.

Từ láy có thể được tạo thành từ 1 từ có nghĩa, hoặc cũng có thể được tạo thành từ 2 từ đều không có nghĩa.

Ví dụ:

- "Xinh xắn" là từ láy được tạo nên từ 2 từ là "xinh" và "xắn". Từ "xinh" là từ có nghĩa miêu tả vẻ đẹp, còn từ "xắn" không có nghĩa. Khi ghép lại được một từ có nghĩa miêu tả sự xinh đẹp.

- "Mênh mông" là từ láy được tạo nên từ 2 từ "mênh" và "mông". Cả hai từ "mênh" và "mông" đều không có nghĩa nhưng khi ghép lại thì được từ "mênh mông" có nghĩa là sự bao la, rộng lớn.

Nghĩa của từ khi đảo vị trí các tiếng

Khi đổi vị trí các tiếng trong từ ghép thì chúng vẫn có nghĩa

Ví dụ: "Ngất ngây" hay "ngây ngất" đều có nghĩa

Khi đảo trật tự các tiếng trong từ thì từ không còn nghĩa

Ví dụ: "Ngơ ngác" có nghĩa nhưng khi đổi thành "ngác ngơ" thì không còn ý nghĩa.

Thành phần Hán Việt

Nếu trong từ có thành phần Hán Việt thì đây là từ ghép

Ví dụ: "Tử tế" là từ ghép vì "tử" là từ Hán Việt

Trong từ láy không có thành phần Hán Việt.

6. Bài tập từ ghép

Bài 1: Cho đoạn thơ sau:

Mọi hôm mẹ thích vui chơi

Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu

Lá trầu khô giữa cơi trầu

Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay

Cánh màn khép lỏng cả ngày

Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa

Nắng mưa từ những ngày xưa

Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan

Hãy liệt kê các từ ghép có trong đoạn thơ trên

Bài 2: Hãy xếp các từ dưới đây thành 3 nhóm: Từ ghép tổng hợp, từ ghép phân loại, từ láy

Thật thà, bạn bè, chăm chỉ, gắn bó, ngoan ngoãn, giúp đỡ, khó khăn, học hỏi, thành thật, bao bọc, quanh co, nhỏ nhẹ, anh em, ruột thịt, hòa thuận, thương yêu, mải miết, xa xôi.

Bài 3: Trong các từ dưới đây, đâu là từ ghép, đâu là từ láy?

Thanh thản, run rẩy, hiền hậu, lấp ló, đất nước, cỏ cây, khúc khuỷu, thăm thẳm, xinh xắn, đi đứng, đối đáp, xa xưa, đủng đỉnh, mộng mơ, mỏng manh, buôn bán, may mặc, ngổn ngang

1 139 18/10/2024


Xem thêm các chương trình khác: