TOP 10 mẫu Tìm đọc sách báo viết về người tốt, việc tốt (2024) SIÊU HAY

Tìm đọc sách báo viết về người tốt, việc tốt lớp 5 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 5 hay hơn.

 

1 53 22/08/2024


Tìm đọc sách báo viết về người tốt, việc tốt

Đề bài: Tìm đọc sách báo viết về người tốt, việc tốt.

Tìm đọc sách báo viết về người tốt, việc tốt (mẫu 1)

TOP 10 mẫu Tìm đọc sách báo viết về người tốt, việc tốt (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

GƯƠNG NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT: HỌC SINH TRƯỜNG TIỂU HỌC NAM THÀNH NHẶT ĐƯỢC CỦA RƠI TRẢ NGƯỜI ĐÁNH MẤT

Nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu phát động phong trào “Nghìn việc tốt”: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả đất nước ta là một rừng hoa đẹp”. Cho đến nay, đã có không ít tấm gương “Người tốt việc tốt” trên cả nước. Nhiều trong số đó là các em học sinh những chủ nhân tương lai của đất nước. Nguyễn Đình Bảo Nhi - học sinh lớp 4A trường Tiểu học Nam Thành, Thành phố Ninh Bình là một tấm gương sáng về “Người tốt, việc tốt” đáng được biểu dương.

Ngày 08/8/2019, trên đường đi học về em Nguyễn Đình Bảo Nhi đã nhặt được 1 cọc tiền 50 triệu đồng gần cổng trường Tiểu học Nam Thành. Bảo Nhi đã nhanh chóng mang số tiền nói trên trao lại cho Ban Giám hiệu nhà trường và Công an phường nhờ tìm người đánh mất trả lại. Ngày 15/8, Công an phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình đã tổ chức trao trả số tiền 50 triệu đồng cho chị Đinh Thị Kim Dung (SN 1978, trú phường Nam Thanh, thành phố Ninh Bình) do chị đánh rơi nhiều ngày trước.

Hành động nhặt được của rơi trả lại người mất của em Bảo Nhi là phẩm chất đạo đức cao đẹp, xứng đáng là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Đây tấm gương tiêu biểu về người tốt việc tốt cần được biểu dương, nhân rộng trong nhà trường và xã hội hiện nay.

(Báo Ninh Bình)

Tìm đọc sách báo viết về người tốt, việc tốt (mẫu 2)

Người làm báo với việc viết về gương người tốt, việc tốt

(Thanh tra) - Được may mắn tham gia chấm Giải Báo chí Quốc gia và hằng năm thẩm định các tác phẩm báo chí chất lượng cao của các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương gửi về, tôi thực sự xúc động khi đọc được các bài viết thuộc thể loại người tốt, việc tốt của các đồng nghiệp như: “Hạt gạo sạch, hạt gạo thơm” (Báo Nhân Dân); “Hai nàng dâu” (Báo Hà Nội Mới); “Lão Ngư mù đánh cá bằng… tai” (Tạp chí Thủy sản); “Chuyện của nữ cử nhân đầu tiên người Cờ Lao” (Báo Dân tộc và Phát triển); “Quét rác đêm” (Báo Đất Mũi - Cà Mau)...

Những tấm gương đều được viết ngắn gọn, xúc tích, biểu hiện người viết rất đồng cảm với nhân vật. Đặc biệt là người viết rất có tâm đức và có nghề. Vì thế, những câu chuyện đó cứ đọng mãi trong tôi cũng như trong lòng người đọc. Chắc chắn, hiệu quả của bài viết thật tốt.

Đúng như một nhà báo đã nhận xét: “Thật khó có thể hình dung được diện mạo của nền báo chí cách mạng nước ta nếu không tính đến sự góp mặt đầy hiệu quả của các tác phẩm thuộc dạng bài người tốt, việc tốt bên cạnh các thể loại báo chí khác như tin, xã luận, bình luận chuyên luận, phóng sự, điều tra…”.

Có lẽ, chỉ báo chí Việt Nam mới có dạng bài người tốt, việc tốt được xem như một thể loại cùng với các thể loại báo chí khác do Bác Hồ - Nhà báo cách mạng vĩ đại đã khai sáng từ cuối năm 1959 và sử dụng rất thành công như một vũ khí chính trị sắc bén trong việc đấu tranh chống các thế lực thù địch, chống cái xấu, cái ác, khơi dậy đức tính tốt đẹp của con người trong các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ sáng lập, Bác còn chỉ dạy cách viết gương người tốt, việc tốt cho chính xác, hợp lý. “Khi đồng chí Hà Huy Giáp tìm đọc chuyện một anh bộ đội, chiến đấu bị thương nặng, thủng bụng. Khi phẫu thuật (Bác nhắc: Sao không viết là mổ), chiến sĩ nọ vẫn ngẩng đầu động viên bác sĩ… Bác nhận xét: Bị thương nặng thủng bụng còn ngẩng đầu lên động viên bác sĩ thì có đúng thế không? Có lẽ hư cấu hoặc chưa đến nỗi thủng bụng, nói tố lên? Phải nói sao cho chính xác, hợp lý thì người ta mới tin, mới có tác dụng giáo dục. Còn cái đoạn anh bộ đội phất cờ để ra hiệu bắn, anh bị thương tay nọ sao không phất cờ bằng tay kia mà lại đi buộc cờ vào tay gẫy, có vẻ vô lý đấy”. (1)

Quả vậy, Bác Hồ đã chỉ rõ: Cái đích nhắm đến của những người làm báo khi viết gương người tốt, việc tốt không phải là nêu gương để người khác học tập cách làm, hành động, hay phương pháp mới, phổ biến khoa học - kỹ thuật… mà cái chính là nêu gương đạo đức cách mạng của con người. Đó là những đức tính tốt đẹp như tình yêu thương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt khó khăn gian khổ, đức hy sinh, lòng quả cảm cứu giúp nhau khi hoạn nạn, lúc chông gai, tấm lòng mình vì mọi người, không tham lam, ti tiện, ghen tị, làm điều ác… Đó là những đức tính mà thời đại nào cũng cần phải có của con người, phù hợp với pháp luật, truyền thống tốt đẹp về văn hóa, nêu cao cái tốt, chống cái xấu của nhân dân ta.

Nêu gương những con người, nhằm mục đích nêu cao đạo đức trong sáng để mọi người dễ học, dễ noi theo, nên so với các tác phẩm báo chí khác, bài người tốt, việc tốt thường có bố cục đơn giản, theo một nguyên tắc chung là người tốt phải gắn với việc tốt. Việc tốt là bằng chứng cho những phẩm chất của người tốt. Ở đây, hai yếu tố được gắn bó chặt chẽ với nhau: Con người và sự việc. Đó cũng là những chỉ dẫn cho người làm báo nhận biết để đi sâu vào thực tế viết gương người tốt, việc tốt được thuận lợi, dễ dàng nhưng lại có hiệu quả to lớn.

Đúng như Bác Hồ đã nhắc nhở khi Bác có ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt” lúc sinh thời, nhưng tới nay vẫn còn nguyên giá trị: “Chớ bỏ qua những việc mà các chú tưởng là tầm thường. Hai cô gái đi đường thấy cái hố nhỏ ở vỉa hè đã rủ nhau đi lấy đất lấp lại cho đồng bào khỏi vấp ngã. Một người nông dân đi giữa trời mưa thấy bao gạo của Nhà nước không có gì che phủ, đã cởi tấm ni lông của mình ra đậy gạo cho Nhà nước. Cụ già Việt kiều trở về Tổ quốc để cùng chia sẻ những khó khăn, cùng gánh vác công việc đánh Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội… Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh thắng giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”. (2)

Hiện nay, trong bối cảnh của thời kỳ đổi mới đất nước theo định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, một số người quan niệm người tốt, việc tốt cũng đã có sự vận động phát triển như có người biết làm giàu cho bản thân mình và cho quê hương đất nước, có người làm ăn buôn bán giỏi… Nhưng, dù có nét mới, có sự vận động phát triển thế nào đi chăng nữa, thiết nghĩ, khi viết về gương người tốt, việc tốt vẫn không bao giờ thoát ra khỏi cái vòng trung tâm là đạo đức, là giữ bền gốc thiện. Vì thế, nhà báo có thể viết về các gương sáng làm giàu, nhưng không phải làm giàu bằng bất kỳ giá nào mà phải làm giàu một cách chính đáng, giúp nhau cùng vượt khó làm giàu. Đó mới là đạo đức của con người thời kỳ mới và xã hội càng phát triển, càng cần những tấm gương trong sáng mới để chống lại những mặt trái đã phát lộ của kinh tế thị trường, như sự xuống cấp của đạo đức, tất cả vì đồng tiền mà có khi bất chấp mọi thủ đoạn…

Chính điều này, lúc sinh thời Bác Hồ đã căn dặn những người làm báo: “Các chú có thấy các cháu bé Việt Nam nhặt được của rơi đem trả có ý nghĩa như thế nào không? Ở nước Mỹ và các nước tư bản, người ta giết nhau chỉ vì đồng bạc giấy. Thế mà ở Việt Nam ta, các cháu bé đã biết sống như thế nào. Có cháu đã bảo mẹ đi tìm chú công an để trả lại của bắt được. Có cháu bé lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn nó xảy chân ngã xuống ao, nếu chạy về gọi người lớn thì bạn chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoai cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn: “Bám vào đây! Bám vào đây”. Cháu tuy nhỏ tuổi mà đã biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang. Văn minh chiến thắng bạo tàn. Xã hội ta văn minh… từ những việc làm của cháu bé như vậy”. (3)

Nhận thức rõ ưu thế và sự đóng góp to lớn không thể phủ nhận của thể loại người tốt, việc tốt, nên hiện nay, việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nền báo chí cách mạng nước ta. Nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương đã mở chuyên mục “Người tốt, việc tốt” ở những vị trí trang trọng. Và quan niệm ngại viết ngắn, dạng bài người tốt, việc tốt, thích viết bài dài, lớn, nhiều kỳ, nhuận bút cao của một số nhà báo cũng dần bị đẩy lùi. Nhiều cơ quan báo chí đã cử những phóng viên đạo đức tốt, tay nghề giỏi để viết những gương người tốt, việc tốt. Vì thế, nhiều gương sáng đã có sức lay động lòng người, có tiếng vang, có sức thuyết phục, tính giáo dục cao, tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Phạm Tài Nguyên

(Nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam)

Tìm đọc sách báo viết về người tốt, việc tốt (mẫu 3)

TOP 10 mẫu Tìm đọc sách báo viết về người tốt, việc tốt (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

BÀI VIẾT VỀ GƯƠNG “ NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT “

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn là tấm gương sáng để mỗi con người Việt Nam phấn đấu noi theo. Cho đến ngày nay đã có rất nhiều tấm gương tấm gương người tốt việc tốt học tập và làm theo lời Bác trên khắp cả nước. Tất cả mọi người đều muốn đóng góp một phần công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh và phát triển. Trong đó phải kể đến những thầy giáo, cô giáo mang trên mình sứ mệnh trồng người, những người không quản nhọc nhằn, vất vả vì đàn em thân yêu. Tôi muốn nói đến một người như thế, một tấm gương học tập và làm theo lời Bác.Đó chính là người đồng nghiệp của tôi, cô giáo Trần Thị Hoa, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Danh Phương thân thương.

Cô giáo Trần Thị Hoa, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Danh Phương là tấm gương tiêu biểu tâm huyết với nghề, làm theo lời Bác, điển hình trong công tác quản lý. Những năm qua, cô đã xây dựng Hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Đồng thời, luôn quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng từng cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường, cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện để họ công tác tốt. Cô đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý. Đặc biệt, cô vận dụng tốt các biện pháp quản lý bằng kế hoạch, bằng pháp chế; hưởng ứng các cuộc vận động và phong trào thi đua của Nhà nước và ngành giáo dục; thực hiện tốt công tác phối hợp với Công đoàn cơ sở, sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong nhà trường. Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao, ngoài trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, bản thân cô tự trau dồi chuyên môn, tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hiệu trưởng; các lớp tập huấn do ngành giáo dục tổ chức để nắm bắt tình hình, cải tiến công tác quản lý tại đơn vị mình. Nhờ vậy, trong những năm qua công tác quản lý của trường luôn thường xuyên được đổi mới một cách rõ rệt. Ngoài ra, cô còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, viết sáng kiến chuyên môn …để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường

Với cương vị là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô luôn phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành của địa phương, đề cao trách nhiệm chủ động trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chú trọng việc “Học tập” đến “làm theo” từ đó tạo ra chuyển biến rõ nét về nhận thức trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên và quần chúng trong trường học. Cô đã chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục, trong đó nổi bật là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Từ những lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng đầy trách nhiệm đến những cử chỉ nhỏ nhất trên sân trường như: tự tay nhặt giấy loại bỏ vào thùng rác, tạo thành thói quen cho mỗi thầy cô giáo, học sinh nhà trường; đến thiết kế trồng, chăm sóc, bảo vệ bồn hoa cây cảnh khuôn viên nhà trường; đôn đốc, hướng dẫn mỗi thầy, cô giáo, học sinh học theo Bác tiết kiệm sử dụng điện, nước…, cô đều quán triệt và gương mẫu thực hiện.

Cô thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động trẻ em đúng 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Xây dựng Kế hoạch hoạt động chuyên môn; kiểm tra giáo án và kế hoạch bộ môn; nâng cao năng lực quản lý các hoạt động sau khi dạy của từng giáo viên như kế hoạch bài giảng, đồ dùng dạy học. Cô thường xuyên kiểm tra giáo viên nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp, giúp giáo viên vận dụng đúng đắn phương pháp dạy học tích cực vào thực tế. Xây dựng và kiểm tra chuyên đề các môn học trong nhà trường một cách đều đặn có khoa học nhằm giúp giáo viên nắm vững các phương pháp dạy học, đặc biệt chú ý phương pháp dạy học tích cực, khuyến khích giáo viên đổi mới cách dạy để đáp ứng khả năng học tập của từng đối tượng học sinh trong lớp. Cô giáo luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu, xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học, phân công giáo viên theo dõi kiểm tra đôn đốc nên kết quả học tập của các em ngày càng nâng cao. Cô cũng thường xuyên quan tâm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi lành mạnh, qua đó, giúp các em phát triển toàn diện.

Một điều đáng quý hơn cả, đó là tình cảm mà cô dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Cô dành cho chúng tôi những lời động viên, khích lệ, những lời góp ý chân thành nhất. Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng chí, tình anh chị em cao cả. Hội đồng giáo dục nhà trường đều quý mến cô Hiệu trưởng, bởi cô là một tấm gương sáng trong công tác quản lý, tạo sức mạnh bằng tinh thần đoàn kết với tác phong giản dị, yêu thương và luôn giúp đỡ đồng nghiệp một cách chân tình. Với những kết quả đạt được, hàng năm qua bình xét cán bộ, đảng viên.. cô được Ủy. ban nhân dân Tỉnh tặng Bằng khen, Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp nhiều năm liền. Cô thực sự là bông hoa tiêu biểu trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” .

Ai đó đã từng nói: “Một thầy cô giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”. Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi và các đồng nghiệp trong trường lại nghĩ đến người bí thư chi bộ, hiệu trưởng của mình. Đối với chúng tôi, cô Trần Thị Hoa không chỉ là một người lãnh đạo nhiệt huyết tận tâm đầy năng lực, người bạn thẳng thắn chân tình mà còn là một tấm gương sáng để chúng tôi học tập, rèn luyện, cống hiến nhiều hơn cho mái trường Tiểu học Lê Danh Phương thân thương này.

Trần Thị Huyền

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Danh Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình.

1 53 22/08/2024