TOP 10 mẫu Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (2024) SIÊU HAY

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe lớp 4 gồm dàn ý và 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 4 hay hơn.

1 1,378 11/01/2024


Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe

Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (mẫu 1)

Trong các tác phẩm văn học nước ngoài, em yêu thích và ấn tương nhất với câu chuyện Cô bé bán diêm. Khép lại trang sách, hình ảnh cô bé nhỏ mồ côi, tội nghiệp trong đêm đông lạnh giá luôn xuất hiện trong tâm trí em.

Cô bé bán diêm có một hoàn cảnh thật bất hạnh. Mẹ mất sớm, em sống với người cha hay chửi bới, mắng nhiếc và đe dọa đánh đập. Trong đêm giao thừa, khi nhà nhà đều quây quần bên lò sưởi ấm cúng, cây thông Nô-en được trang hoàng rực rỡ những ngôi sao và bàn cỗ đầy đặn thức ăn, cùng nhau đón chào một năm mới với bao điều tốt đẹp.

Dù đêm đông buốt giá nhưng em chỉ khoác trên mình bộ quần áo mỏng manh, ngắn cũn cỡ do đã được bà mua quá lâu. Khi bà mất, chẳng ai mua quần áo cho em. Đôi bàn tay và đôi bàn chân của em tím tái vì đã đi quá lâu trong tiết trời lạnh giá mà không có lấy một cốc nước ấm, một chút thức ăn vào bụng. Trên đôi bàn chân trần, cô bé tội nghiệp ấy vẫn lang thang ngoài đường trong giá buốt, không ai để ý đến em, mua cho em những que diêm nhỏ bé. Em nép vào góc tường tăm tối và quẹt những que diêm như muốn xua đi không khí lạnh buốt. Khi ánh sáng nhỏ nhoi sáng lên, em như sống trong những mộng tưởng tươi sáng về lò sưởi ấm áp, bàn cỗ đầy đủ thức ăn, rồi em mơ về bà và cùng bà bay lên cao mãi.

Cuối cùng, em đã chết trong đêm giao thừa lạnh lẽo ấy, sự ra đi của em như sự giải thoát khỏi những tăm tối của cuộc đời. Em được đến bên người thân ở một thế giới khác. Nhà văn đã nâng đỡ linh hồn của em bé đáng thương, dường như không phải em chết mà em đang đi vào cõi bất tử, nơi có tình thương bao la của bà em mà em từng khao khát với nụ cười mãn nguyện. Câu chuyện với kết thúc buồn đã để lại bao xúc động trong lòng em.

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (mẫu 2)

Hôm nay, em xin kể cho cô và các bạn một câu em đã đã đọc trên báo Người lao động nói về một tấm gương đã góp sức mình chống lại đói nghèo lạc hậu. Đó là cô Nguyễn Thị Hoa - một cô giáo vùng cao công tác tại Sơn La đã hơn 20 năm.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hải Dương. Năm 2002, cô về công tác tại trường THCS Mường Trai, huyện Mường La. Đến tháng 9.2006, cô Hoa chính thức trở thành giáo viên trường TH&THCS Chiềng San (khi đó là trường THCS Chiềng San). Kể từ đó, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ "cõng" chữ lên non, cô Hoa này còn "cõng" cả tình yêu thương đến những bản nghèo.

Xã Chiềng San, huyện Mường La vẫn còn nhiều bản làng của đồng bào người Thái có điều kiện kinh tế chưa phát triển, cuộc sống thiếu thốn. Trải qua quá trình công tác, tận mắt chứng kiến cảnh học trò thiếu ăn, thiếu mặc, tình thương trong cô trỗi dậy. Từ đó, cô bắt đầu tìm tòi vận động các nguồn lực để giúp đỡ các em được ăn thêm một bữa ăn no, mặc thêm một chiếc áo đủ ấm.

Trong quá trình dạy học, giúp đỡ và hỗ trợ các em, có một kỉ niệm cô Hoa nhớ mãi, đó là tiết học thể dục của năm học 2018-2019, em học sinh tên Máy bị ngất xỉu và được đưa vào phòng chờ giáo viên nằm nghỉ ngơi. Sau tìm hiểu cô được biết, Máy bị bệnh tim bẩm sinh, hở 4 van, gia đình vô cùng khó khăn, hai mẹ con sống trong căn chòi dột nát thiếu trước hụt sau.

Trước tình thế cấp bách, tính mạng của Máy "ngàn cân treo sợi tóc", cô Hoa đã viết bài kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ, quyên góp hỗ trợ đưa cô học trò nhỏ đi viện. May mắn thay, ca mổ thành công. Nay cô bé gầy gò ốm yếu ngày ấy đã trở thành một thiếu nữ 18 tuổi, khỏe mạnh, xinh xắn và có công ăn việc làm ổn định.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, cô luôn quan tâm đến hoàn cảnh của các em học sinh trong và ngoài nhà trường để có những giúp đỡ kịp thời về mọi mặt. Với những nỗ lực của mình, cô Hoa đã được các cấp chính quyền địa phương khen thưởng, tặng nhiều bằng khen, giấy khen như Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và được học sinh, đồng nghiệp quý mến.

Hình ảnh của cô giáo vùng cao Nguyễn Thị Hoa đã để lại trong em ấn tượng sâu sắc về một nhà giáo nhân dân hết lòng vì học sinh thân yêu.

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (mẫu 3)

Tấm Cám

Em rất thích đọc truyện cổ tích. Và trong tất cả những câu chuyện cổ tích em từng đọc thì em ấn tượng nhất với nhân vật cô Tấm. Một nhân vật trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám.

Cô Tấm có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Mẹ mất sớm cha cô đi lấy vợ hai. Nhưng chẳng bao lâu cha cô cũng qua đời. Cô ở với dì ghẻ và con riêng của dì ghẻ là Cám. Hai mẹ con Cám không yêu thương gì Tấm mà luôn tìm cách hãm hại cô. Dù chịu nhiều tủi hờn nhưng Tấm vẫn hết sức xinh đẹp lại nết na thùy mị.

Tấm có thân hình mảnh mai. Khuôn mặt trái xoan với làn da trắng nõn căng mọng. Đôi mắt bồ câu đen láy, trong vắt như hòn bi ve. Cặp lông mày lá liễu càng làm nổi bật hơn vẻ đẹp của đôi mắt ấy. Tấm có chiếc mũi dọc dừa, rất cân đối với khuôn mặt. Bên dưới chiếc mũi nhỏ nhắn đó là một đôi môi đỏ chúm chím. Tấm có một mái tóc dài mượt và đen láy, luôn được cô vấn lên gọn gàng cột lại bằng một chiếc khăn mỏ quạ truyền thống. Nhìn tổng thể Tấm chẳng khác gì một tiên nữ với một vẻ đẹp trong sáng và thành thiện.

Sống với mẹ con Cám Tấm phải làm việc quần quật cả ngày. Từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi tối muộn. Có những hôm cô phải đi chăn trâu ở tận bên làng xa. Rồi phải đi mò cua bắt ốc. Tấm còn phải làm cả những phần việc của Cám do Cám lười mà đùn đẩy cho cô. Thế mà Tấm vẫn rất chi là siêng năng chăm chỉ, chẳng khi nào than phiền tới nửa lời. Vận chiếc áo tứ thân màu nâu cũ đã sờn bạc, cô lặng lẽ quét nhà, quét sân, chăm sóc vườn tược, tới cây bắt sâu, nấu cơm giặt giữ, lau chùi sắp xếp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp từ trong ra ngoài không có lấy một điểm gì chê được.

Tấm còn là một người có sức sống mạnh mẽ, sự sống của Tấm chính là sự sống của cái thiện trong xã hội, mặc dù bị mẹ con Cám hại chết hết lần này đến lần khác những Tấm vẫn hồi sinh, hóa thân thành cây con chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và cuối cùng là quả thị. Và đến cuối cùng Tấm cũng có được hạnh phúc của chính mình khi được về sống với nhà vua. Và mẹ con Cám phải trả giá cho những hành động độc ác của chính mình.

Cô Tấm xinh đẹp, dịu hiền lại chịu thương chịu khó. Cô Tấm đẹp người đẹp nết ấy là biểu tượng của nhân dân Việt Nam. Qua truyện cổ tích Tấm Cám em càng hiểu hơn câu nói của dân gian “Ở hiền thì lại gặp hiền - Người ngay thì được Phật, Tiên độ trì”.

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (mẫu 4)

Thánh Gióng

Em rất thích truyền thuyết Thánh Gióng. Câu chuyện có nội dung kể về Thánh Gióng - một vị "tứ bất tử" trong tâm linh người Việt Nam. Thánh Gióng là hóa thân cho vẻ đẹp kì vĩ, là người anh hùng có sức mạnh phi thường, xuất hiện và đánh tan giặc ngoại xâm, bảo vệ bình yên cho nhân dân, quê hương, bờ cõi. Câu chuyện ly kì về Thánh Gióng như sau:

Dưới thời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão hiền lành mà chưa có con. Một hôm, bà lão ra đồng ướm thử bàn chân mình lên những vết chân lạ, về nhà mang thai đến mười hai tháng mới sinh hạ một đứa con trai khôi ngô. Nuôi đến ba tuổi, đứa bé vẫn nằm một chỗ, chưa biết đi đứng, cười nói.

Gặp lúc giặc Ân quấy nhiễu, vua sai sứ giả đi rao khắp nơi tìm bậc hiền tài ra đánh giặc cứu dân. Nghe tin, cậu bé làng Gióng bỗng bật lên tiếng nói nhờ mẹ mời sứ giả vào. Cậu yêu cầu sứ giả xin vua đúc cho ngựa sắt, roi sắt áo giáp sắt để mình dẹp tan giặc dữ. Từ đó, cậu lớn nhanh, ăn mạnh đến nỗi dân làng phải rủ nhau góp cơm gạo đến giúp.Nhận được đủ lễ vua ban, cậu bé vươn vai trở thành một tráng sĩ oai nghi lẫm liệt. Nai nịt xong, chàng lên ngựa, vung roi vun vút. Ngựa phun lửa xông thẳng vào đội hình giặc khiến chúng ngã chết như rạ.

Roi gãy, tráng sĩ nhổ những bụi tre bên đường. Quân giặc thua to, tan vỡ cả, đám sống sót tìm đường lẩn trốn. Tráng sĩ đuổi theo đến chân núi Sóc, cởi áo giáp bỏ lại, cả người lẫn ngựa bay vút lên trời.

Vua Hùng nhớ ơn phong làm Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ tại quê nhà. Từ đó hàng năm vào tháng tư, ở đây hội Gióng được mở ra tưng bừng, nô nức, thu hút người khắp nơi về tham dự.

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (mẫu 5)

Trong truyện Nàng tiên Ốc, ngoài nàng tiên xinh đẹp, duyên dáng và chăm chỉ giỏi giang thì em rất ấn tượng với hình ảnh bà lão nông dân nghèo. Trong một lần dạo chơi nơi khu vườn cổ tích của các nhân vật, em được gặp lại bà trong đó.

Bà lão đã 75 tuổi rồi nhưng trong vẫn còn rất nhanh nhẹn, khoẻ mạnh. Bà có dáng người nhỏ bé, những bước chân của bà đầy vội vã. Khuôn mặt bà đã in hằn những nếp nhăn, trên vầng trán lộ rõ những vết đồi mồi của tuổi già. Mái tóc bà bạc trắng như cước, miệng móm mém nhai trầu tươi khiến hàm răng đen bóng. Đôi mắt bà trầm tư nhưng đầy ấm áp, bà cười rất hiền từ và phúc hậu. Bà lão thường mang chiếc quần bà ba đen xắn gối, chiếc áo bạc màu vì dãi nắng dầm sương nổi lên những mảnh vá. Nhìn bà em thấy thương vô cùng, chiếc áo mỏng manh ấy làm sao có thể giữ ấm cho bà những ngày trời trở đông rét mướt. Giá mà lúc đó em có một chiếc áo bông em sẽ gửi tặng bà.

Bà làm công việc bắt ốc, mò cua để kiếm sống. Ngày ngày bà đều ra đồng, tối tối lại trở về nhà, cứ thế bà sống gắn bó với ruộng đồng, với làng quê. Tuy nghèo khó những bà lão rất tốt bụng, có lần đi bắt ốc, bà bắt được một con ốc rất xinh đẹp, vỏ xanh biếc và sáng bóng, thấy nó bà không đành bán mà đem nó về thả vào trong chiếc chum nơi góc nhà. Thế là từ độ ấy, ngày nào đi làm về bà cũng đều ngạc nhiên đến sửng sốt khi thấy nhà cửa không dọn cũng sạch sẽ, lợn chưa ăn đã nằm no ngủ, chẳng kêu la inh ỏi như ngày thường, cơm chưa nấu đã được soạn sẵn, vườn chưa làm đã sạch cỏ.

Rồi một ngày, bà lão quyết định sẽ tìm bằng được người tốt bụng đã giúp đỡ mình. Sáng hôm ấy, như thường lệ, bà trở dậy thật sớm, mang theo giỏ, đội chiếc nón ra sông bắt tép, mò ốc. Giữa trưa, bà trở về nhà bất ngờ và lặng lẽ. Núp sau bụi chuối ngoài vườn, bà cẩn thận dò xét, thấy một cô gái trẻ đẹp bước ra từ chum nước rồi nhanh chóng dọn nhà, nấu bếp. Bà lão vừa ngạc nhiên, vừa chạy vội đến bên chụp nước đập vỡ chiếc vỏ ốc kìa. Cô gái bất ngờ định quay lại những không kịp nữa rồi. Bà lão nắm tay cô gái ấy rồi ân cần bảo:

- Con gái tốt bụng ngày ngày giúp lão đây ư?

Nàng tiên lúng túng trả lời:

- Dạ....dạ thưa bà....con giúp bà để đền ơn bà đã cứu sống con ạ....

Bà cười phúc hậu, nhìn nàng âu yếm rồi bảo:

- Vậy từ nay, con ở lại cùng bà nhé. Hai bà cháu mình sớm tối cùng nhau, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, con có bằng lòng không?

Nàng tiên Ốc gật đầu đồng ý, đôi môi nở nụ cười vui mừng đón nhận. Từ đấy hai người sống bình yên và an vui bên nhau.

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (mẫu 6)

Từ bé em đã được mẹ kể cho em nhiều câu chuyện cổ tích. Nhưng đến bây giờ em vẫn thích truyện “Bông hoa cúc trắng” dù em đã đọc qua nhiều lần. Em rất thích nhân vật người con.

Bạn nhỏ có một thân hình thon gọn và dáng cao. Khuôn mặt của bạn nhỏ biểu lộ sự hiền lành. Bạn nhỏ có mái tóc dài và rất suôn mượt, hàm răng của bạn nhỏ trắng như sứ. Bạn nhỏ có một đôi mắt trắng tinh. Bạn sống cùng mẹ trong một túp lều tranh dột nát và đó là một bé gái vô cùng hiếu thảo. Thật không may, mẹ của cô bé lại bị bệnh rất nặng nhưng vì nhà nghèo nên không có tiền mua thuốc chữa khiến cô bé buồn lắm. Một lần cô bé đang ngồi khóc bên đường thì bỗng có một ông lão đi qua thấy lạ bèn dừng lại hỏi. Khi đã rõ sự tình ông nói với cô bé:

Cháu hãy vào rừng và đến bên gốc cây cổ thụ to nhất, hái lấy một bông hoa duy nhất trên đó. Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống được bằng đấy ngày.

Cô bé liền vào rừng và rất lâu sau mới tìm thấy bông hoa trắng đó, phải khó khăn lắm cô bé mới trèo lên được để lấy bông hoa nhưng khi đếm chỉ có một cánh, hai cánh, ba cánh bốn cánh. “Chỉ có bốn cánh hoa là sao chứ? Chẳng nhẽ mẹ cô chỉ sống được bằng đấy ngày thôi sao?”, cô bé tự hỏi.

Không đành lòng cô bé liền dùng tay xé nhẹ dần từng cánh hoa lớn thành những cánh hoa nhỏ và bông hoa cũng theo đó mà nhiều cánh dần lên đến mức không còn đếm được nữa.

Từ đó người đời gọi bông hoa ấy là bông hoa cúc trắng để nói về lòng hiếu thảo của cô bé đó dành cho mẹ mình. Qua câu chuyện, các bạn đã thấy được tình thương của người con đối với mẹ là bao la và rộng lớn thế nào ? Chúng ta sẽ noi gương cao đẹp của bạn nhỏ.

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (mẫu 7)

Có lẽ ai đã đọc truyện "Thạch Sanh" đều nhớ đến cây đàn và niêu cơm đất thần kì. Nó đã trở thành biểu tượng gắn với hình ảnh Thạch Sanh. Mỗi lần đọc xong truyện, gấp sách lại, em có cảm giác như nhân vật đang bước ra từ câu chuyện, gần gũi và chân thật.

Thạch Sanh cao lớn, vạm vỡ với những bắp tay cuồn cuộn. Thân hình cân đối, cường tráng càng làm tăng thêm vẻ đẹp. Thạch Sanh đóng một cái khố, trên đầu quấn một chiếc khăn nâu, vai đeo cung tên đi từ trong rừng ra với những bó củi to trông như lực sĩ của rừng xanh.

Thạch Sanh mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Anh ấy không phải là con người bình thường mà là thái tử, con Ngọc Hoàng xuống đầu thai làm con của một đôi vợ chồng già ở Cao Bình. Nguồn gốc cao quý và khác thường ấy như điềm báo cho ta biết cuộc đời Thạch Sanh sẽ không phẳng lặng mà gặp nhiều thử thách, chông gai.

Thạch Sanh là một chàng trai tốt bụng, chăm chỉ và tài giỏi. Vì thật thà lắm nên bao lần anh bị Lí Thông lừa mà không hề hay biết. Ở cạnh Lí Thông gian xảo, anh đã sống chân thật hết mình, giúp hắn biết bao việc. Không chỉ có vậy, lúc nào chàng trai ấy cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác khi hoạn nạn, chẳng từ gian nguy.

Thạch Sanh đã giết được chằn tinh không chỉ cứu được mẹ con Lí Thông mà còn giúp được dân làng thoát khỏi nanh vuốt độc ác của đại bàng khổng lồ. Và hơn cả, Thạch Sanh đã đánh thắng được quân mười tám nước chư hầu bằng trí thông minh của mình mà không tốn một hòn tên mũi đạn. Những chiến công oai hùng đó của Thạch Sanh thật đáng ngưỡng mộ.

Trải qua nhiều khó khăn, Thạch Sanh càng thể hiện được bản lĩnh, tài năng của mình. Chấp nhận đi canh miếu thờ, rồi gặp chằn tinh, anh đều sẵn sàng chiến đấu mà không hề run sợ. Thấy đại bàng bắt công chúa, Thạch Sanh dũng cảm lần theo dấu vết rồi xin xuống hang đánh đại bàng giải cứu.

Khi bị vu oan tội ăn cắp của cải nhà vua và bị bắt vào ngục tối, Thạch Sanh mang cây đàn ra đánh, tiếng đàn đã đến được với công chúa, anh tự giải cứu được chính mình. Thử thách mười tám nước chư hầu đã thể hiện rõ nhất tài năng cũng như tấm lòng nhân ái của chàng dũng sĩ. Niêu cơm thần kì đã giúp Thạch Sanh làm cho các binh lính tâm phục khẩu phục mà rút về.

Trong niềm vui hân hoan chiến thắng ta càng thấy Thạch Sanh đẹp hơn bao giờ hết, vẻ đẹp hài hòa giữa ngoại hình với tâm hồn và tài năng. Thạch Sanh mãi là người dũng sĩ của các bạn nhỏ các thế hệ từ xưa cho đến mãi về sau. Dù đọc bao nhiêu câu chuyện cổ tích khác nhưng hình ảnh Thạch Sanh vẫn mãi đọng lại trong tâm trí em.

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (mẫu 8)

Trong kho tàng các câu chuyện dân gian Việt Nam, có rất nhiều nhân vật quen thuộc, mỗi nhân vật đều đều mang lại cho ta một bài học cuộc sống thật sâu sắc. Và nhân vật mà em yêu thích nhất đó chính là nhân vật ông bụt trong truyện "Cây Tre trăm đốt".

Ngày xưa có một anh trai cày khỏe mạnh, chăm chỉ. Vì nhà nghèo nên phải đi làm thuê cho lão bá hộ. Vốn tính keo kiệt, bủn xỉn, và nham hiểm, một hôm hắn gọi anh trai lại và nói: Con hãy ráng làm việc đi, ta sẽ gả con gái cho. Tưởng thật, anh trai cày lao vào làm việc quần quật.

Hai năm sau, nhờ công của anh mà lão bá hộ tậu được rất nhiều nhà cửa, ruộng vườn. Hắn lại gọi anh lại và bảo: "Hai năm qua con đã làm việc thật vất vả, nay ta se gả con gái cho con. Nhưng con hãy vào rừng kiếm cho bằng được cây tre trăm đốt". Anh trai cày liền chạy vội vào rừng, chặt mãi chặt mãi mà không thấy.

Biết bá hộ lừa mình, anh òa khóc. Trong lúc đó, lão bá hộ cho người chuẩn bị hôn lễ cho con mình và cậu con trai nhà giàu làng bên. Bỗng lúc đó, một làn khói trắng tỏa ra che lấp cả mặt trời chói chang. Đằng xa, một ông bụt đầu tóc bạc phơ bắt đầu hiện ra. Ông có khuôn mặt hình chữ điền cùng chiếc cằm chẻ trông rất hiền lành và cái tráng cao chứa đầy những nếp nhăn hằn sâu đến lạ.

Phía sau khóe mắt hình chân chim là đôi mắt to tròn, luôn ánh lên một cái nhìn nhân hậu. Nằm cân đối giữa hai gò má đồi mồi đã nhăn nhúm đi nhiều là một chiếc mũi khoằm trông rất ngộ nghĩnh. Hàm răng ông tuy không được trắng bóng nhưng lại đều như hạt bắp, nằm ẩn sau đôi môi đầy đặn, hồng hào.

Nhưng điều khiến ông trông thật gần gũi là hàm râu dài đến ngực và cũng trắng tinh một màu.Tất cả tạo cho ông một cái nhìn tuy đơn sơ như những cụ già Việt Nam nhưng lại mang đậm tính thương người, sẵn sàng giúp đỡ họ khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Ông khoác trên mình một chiếc áo trắng tinh luôn óng ánh dưới những tia nắng mặt trời và được tô điểm bằng những hình vẽ long, phụng.

Tay ông dài dài, lúc nào cũng phe phẩy cây phất trần trắng xóa như mái tóc của mình. Chân ông cao cao nhưng bước đi vẫn còn nhanh nhẹn. Thấy anh trai cày ngồi khóc ông bước đến cất một tiếng cười lớn. Tiếng cười lan rộng và xa đến mọi ngóc ngách của khu rừng. Rồi với một giọng nói trầm, ấm, ông hỏi: "Tại sao con khóc?"

Anh trai cày mếu máo kể lại hết mọi việc cho ông tiên nghe. Sau một hồi trầm ngâm ông bảo anh trai cày đêm một trăm đốt tre về và xếp thành một hàng dài. Thế rồi ông bắt đầu làm phép. Ông phất pha phất phới cây phất trần của mình, một làn gió mạnh bắt đầu thổi, cuốn phăng tất cả những lá cây rơi rụng trên đường. Một vầng hào quang bắt đầu xuất hiện sau lưng ông.

Ông hô: "Khắc nhập - khắc nhập". Tiếng hô thật dõng dạc mà nghe đầy quyền năng. Những đốt tre bắt đầu bị hút vào với nhau tạo thành một cây tre trăm đốt. Một lần nữa, ông lại cất tiếng cười vang vọng cả núi rừng. Anh trai cày chưa kịp cảm ơn thì ông tiên đã hóa phép biến ra một làn khói trắng rồi bay về trời từ lúc nào không biết.

Ông cũng không quên căn dặn anh phải nhớ kĩ hai câu thần chú. Anh trai liền chạy về để cản buổi lễ thành hôn. Xấu hổ quá, hai vợ chồng lão phú hộ đành gả con cho anh trai cày. Và thế là hai người đã sống với nhau đến trọn đời.

Qua hình ảnh ông tiên trong câu chuyện này và nhiều câu chuyện khác nữa. Người xưa muốn khuyên dạy chúng ta: Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp ác. Ông tiên luôn là người xuất hiện để giúp đỡ những người nghèo khó trước sự tàn bạo của bọn phú hộ. Sau này, lớn lên, em sẽ kể cho con nghe các câu truyện dân gian này để chúng sẽ là người lưu giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc.

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (mẫu 9)

Mỗi câu chuyện cổ tích đều mang đến cho ta những thông điệp sâu sắc về cuộc sống. Với tôi, hình ảnh bà Tiên trong truyện “Cô bé Lọ Lem” là hình ảnh gợi cho tôi khát vọng được sống đẹp, được sống trong một xã hội công bằng mà cái thiện chiến thắng cái ác.

Nhìn từ xa, bà chỉ nhỏ như một đốm sáng lân tinh có thể di chuyển trong không gian. Nhưng khi lại gần trông bà thật hồng hào, phúc hậu. Bà đội một chiếc vương miện nhỏ gắn những viên kim cương óng ánh. Khuôn mặt bà trắng hồng và dường như tỏa ra vòng hào quang của sự nhân hậu.

Đôi mắt bà sáng long lanh với những ánh nhìn như hàng nghìn vì sao trên trời. Nhưng đó là đôi mắt khi bà gặp người hiền lành và che chở cho những kẻ yếu đuối. Còn khi gặp kẻ xấu, đôi mắt bà rực lên ngọn lửa của sự căm thù như muốn thiêu cháy cái ác, cái xấu.

Bà thường khoác trên mình chiếc áo choàng trắng có đính những hạt cườm lóng lánh. Cũng như các vị tiên khác, bà có một đôi cánh nhỏ xíu lấp lánh sắc màu ở phía sau lưng. Bà có thể di chuyển trên không trung một cách dễ dàng. Sức mạnh huyền diệu của bà chính là cây đũa thần. Mỗi khi bà vung lên thì những bông tuyết sáng ngời bung tỏa ra.

Nhờ cây đũa thần kì đó mà nàng Lọ Lem xinh đẹp có mọi thứ để được đi dạ hội. Bà Tiên có tấm lòng tốt bụng, nhân hậu. Bà thường giúp đỡ những người nghèo khó. Nghe tiếng khóc của cô bé Lọ Lem, bà đã cưỡi đám mây hồng đến và hỏi vì sao cô bé khóc. Rồi bà nhẹ nhàng vung đũa thần và hô “úm ba la”. Hai anh chuột đang ăn vụng gần đó bỗng nhiên biến thành hai con bạch mã.

Còn thật kì lạ, quả bí đỏ thì biến thành cỗ xe lộng lẫy và anh mèo đang ngẩn ngơ khi thấy những chú chuột bỗng nhiên biến mất lại hiện ra thành những người lái xe ngựa. Lọ Lem đã có đủ thứ mình cần. Nhưng khi nhìn thấy bộ quần áo rách rưới của cô, bà lại giơ đũa thần lên và xoay người nhẹ nhàng biến thành một làn bụi hào quang. Tức thì, bộ quần áo rách rưới của Lọ Lem biến mất. Thay vào đó là một nàng công chúa xinh đẹp, lộng lẫy trong chiếc váy màu hồng có đính những hạt cườm lóng lánh.

Còn đôi giầy, chao ôi, đôi giày như đang làm bằng thủy tinh, trong suốt, xinh xắn quá. Bằng giọng nói ngân nga trong như tiếng ngọc, bà khẽ dặn dò Lọ Lem: “Con nhớ phải về trước 12 giờ đêm nhé!”. Với người hiền lành, bất hạnh, bà yêu thương, che chở, nhưng với kẻ ác thì hành động của bà rất mạnh mẽ, quyết liệt.

Để trừng trị mẹ con dì ghẻ độc ác, cây đũa thần của bà quay tít, bà Tiên nổi giận, giọng bà rền vang cả đất trời. Rồi bà lấy đũa thần, biến mẹ con dì ghẻ thành hai con cóc và đày họ đến miền hẻo lánh. Sau đó, bà vui mừng tham gia đám cưới của Lọ Lem với hoàng tử.

Bà Tiên thật tốt bụng, đã giúp đỡ mọi người. Em rất yêu quý bà và mong một ngày không xa em cũng sẽ được bà giúp đỡ. Bà đã truyền cho em bài học sâu sắc về cuộc sống: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.

Kể lại một câu chuyện đã học hoặc đã nghe (mẫu 10)

Nàng tiên cá trong các câu chuyện cổ tích là một nhân vật được xây dựng lên bằng trí tưởng tượng của con người khiến ai cũng yêu mến.

Họ là những nữ nhân ngư vô cùng xinh đẹp và quyến rũ. Nửa thân trên mang hình dáng con người, nửa dưới là một chiếc đuôi lớn của loài cá. Chiếc đuôi của nàng dát đầy vảy xanh vàng óng ánh tỏa hào quang trong ánh mặt trời. Các mĩ nhân ngư sở hữu những mái tóc dài thướt tha trông rất dịu dàng và cuốn hút.

Khuôn mặt của nàng tiên cá đẹp như những thiên thần. Vẻ đẹp ấy khiến ai cũng mê mẩn. Làn da trắng hồng đã tôn lên vẻ đẹp ấy. Cặp mắt của các nàng xanh thẳm và sâu hun hút như đáy biển còn đôi môi luôn đỏ mọng quyến rũ, vẻ đẹp của các nàng đủ sức làm nghiêng ngả cả một thành trì, một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

Theo truyền thuyết, nàng tiên cá là con gái vua Thủy Tề ngự trị dưới đáy biển sâu. Các nàng sống trong cung điện bằng ngọc trai và san hô lộng lẫy chỉ thỉnh thoảng vào những buổi sáng tinh sương hay chiều hoàng hôn muộn, các nàng lại rủ nhau ngoi lên mặt nước tìm các đảo nhỏ chơi đùa, hát ca.

Mỗi khi tiếng hát của các nàng vang lên mặt trời cùng nghiêng mình lắng nghe, mây ngừng trôi, gió ngừng thổi, chim ngừng hót, ngất ngây trước sự réo rắt, ngân nga của tiếng hát. Tiếng đàn lia của vị thần nghệ thuật A-pô-lông cũng không thể sánh bằng. Chính bởi sự kì diệu của giọng ca mà biết bao chàng thủy thủ đã sẵn sàng trầm mình xuống biển để tìm đến với các nàng.

Tưởng tượng ra hình ảnh nàng tiên cá, con người chắp cánh cho trí tưởng tượng bay xa và qua đó muốn giải thích cho sự biến mất của các con thuyền trên biển một cách bay bổng, lãng mạn, mang đậm tư duy thần thánh cổ xưa.

1 1,378 11/01/2024