Thời hạn cấp đổi, cấp lại, sử dụng thẻ căn cước công dân là bao lâu?
Thời hạn cấp đổi, cấp lại, sử dụng thẻ căn cước công dân là bao lâu?

1. Quy định cấp đổi, căn cước công dân

Về độ tuổi đổi thẻ căn cước công dân, Điều 21 Luật Căn cước công dân năm 2014 có quy định như sau:

“1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo”.

Như vậy:

- Căn cước công dân được cấp từ khi đủ 14 - 23 tuổi sẽ hết hạn vào năm 25 tuổi.

- Căn cước công dân được cấp từ khi đủ 23 - 38 tuổi sẽ hết hạn vào năm 40 tuổi.

- Căn cước công dân được cấp từ khi đủ 38 - 58 tuổi sẽ hết hạn vào năm 60 tuổi.

- Căn cước công dân từ khi đủ 58 tuổi trở đi sẽ được sử dụng cho đến khi người đó chết (trừ trường hợp thẻ bị mất hoặc hư hỏng).

Ví dụ: Bạn An sinh ngày 01/01/2000 đi làm Căn cước công dân vào năm 2015 (15 tuổi) thì thẻ Căn cước này có giá trị sử dụng đến ngày 01/01/2025 khi An đủ 25 tuổi.

Trường hợp An đi làm lại Căn cước công dân trong năm 2024 (khi đang 24 tuổi) thì thẻ Căn cước mới được cấp sẽ có giá trị sử dụng đến 01/01/2040 (khi anh đủ 40 tuổi).

Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi:

- Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

- Xác định lại giới tính, quê quán;

- Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

- Khi công dân có yêu cầu.

2. Căn cước công dân sẽ làm trong thời hạn bao nhiêu ngày?

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật, cơ quan quản lý Căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:

- Trường hợp cấp mới, cấp đổi:

+ Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc;

+ Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc;

+ Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc.

- Trường hợp cấp lại:

+ Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc;

+ Tại thành phố, thị xã và các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc.

Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 25 Luật Căn cước công dân, theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Công an quy định rút ngắn thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Như vậy, trong thời gian tới, thời hạn cấp thẻ Căn cước công dân có thể được rút ngắn hơn.

Hiện nay, cả nước đã tiến hành cấp căn cước công dân gắn chip. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, không ít địa phương không trả căn cước công dân cho người dân theo đúng thời hạn nêu trên.

Có thể lý giải tình trạng này là do việc cấp căn cước công dân gắn chip mới được thực hiện nên máy móc đang trong thời gian hoàn thiện, hệ thống cấp căn cước công dân gắn chip liên tục được sửa chữa, nâng cấp, cài đặt lại phần mềm... khiến cho việc làm căn cước công dân bị chậm trễ. Đồng thời, số lượng người yêu cầu cấp thẻ căn cước công dân quá lớn nên dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền trở nên quá tải.

Vì thế, thời gian trả thẻ căn cước công dân có thể kéo dài hơn so với quy định của Luật.

Căn cước công dân sẽ làm trong thời hạn bao nhiêu ngày?
Căn cước công dân sẽ làm trong thời hạn bao nhiêu ngày?

3. Trình tự đăng ký cấp căn cước công dân

Bước 1: Công dân đến địa điểm làm thủ tục cấp Căn cước công dân hoặc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị đổi thẻ Căn cước công dân.

Trường hợp công dân không đủ điều kiện đổi thẻ Căn cước công dân thì từ chối tiếp nhận và nêu rõ lý do. Trường hợp công dân đủ điều kiện đổi thẻ Căn cước công dân thì thực hiện các bước sau.

Bước 2: Cán bộ thu nhận thông tin công dân tìm kiếm thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân.

+ Trường hợp thông tin công dân không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân.

+ Trường hợp thông tin công dân có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân.

+ Trường hợp thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp thẻ (như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh...).

Bước 3: Tiến hành thu nhận vân tay, chụp ảnh chân dung của công dân.

Cán bộ tiến hành mô tả đặc điểm nhân dạng của công dân, chụp ảnh, thu thập vân tay để in trên Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân cho công dân kiểm tra, ký tên.

Lưu ý: Công dân khi chụp ảnh phải để đầu trần, không đeo kính, trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự.

Trường hợp công dân là người theo tôn giáo, dân tộc thì được mặc lễ phục tôn giáo, trang phục dân tộc, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên nhưng phải đảm bảo rõ mặt, rõ hai tai.

Bước 4: In Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân chuyển cho công dân kiểm tra, ký xác nhận; in Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký xác nhận.

Bước 5: Thu Căn cước công dân cũ, thu lệ phí (nếu có) và cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho công dân (Mẫu C03 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an).

- Thời gian tiếp nhận hồ sơ và thời gian trả kết quả: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết).

Bước 6: Nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu.

Lệ phí: Người đổi thẻ Căn cước công dân khi đến tuổi phải đổi thì không phải nộp lệ phí (theo khoản 2 Điều 32 Luật Căn cước công dân).

4. Dùng căn cước công dân hết hạn có bị phạt không?

Theo quy định của pháp luật, sử dụng Căn cước công dân hết hạn bị coi là một trong các hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đổi thẻ Căn cước công dân. Do đó, người dân có thể bị phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

....

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân”

Như vậy, khi dùng Căn cước công dân hết hạn, người dân có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Dùng căn cước công dân hết hạn có bị phạt không?
Dùng căn cước công dân hết hạn có bị phạt không?

5. Khi cấp căn cước công dân thì có cần phải đi đính chính những giấy tờ sử dụng CMND không?

Cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi thực hiện các giao dịch tại ngân hàng, người dân bắt buộc xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh như chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn...

Vì thế, khi đổi chứng minh nhân dân (CMND) sang căn cước công dân, đặc biệt đổi chứng minh nhân dân 9 số sang căn cước công dân sẽ bị đổi số, các thông tin của người dân tại ngân hàng sẽ không khớp với giấy tờ tùy thân. Người dân phải xuất trình thêm giấy xác nhận số chứng minh nhân dân cũ hoặc chứng minh nhân dân cũ đã cắt góc để ngân hàng đối chiếu thông tin, xác nhận đúng chủ tài khoản nhằm thực hiện các giao dịch (đặc biệt là rút tiền).

Nếu hai giấy tờ trên bị mất, ngân hàng sẽ phải từ chối giao dịch do không xác nhận được nhân thân của chủ tài khoản.

Vì thế, để tránh gặp phiền phức khi mỗi lần đến ngân hàng làm việc đều phải mang giấy xác nhận chứng minh nhân dân hoặc chứng minh nhân dân đã cắt góc, người dân nên tiến hành cập nhật ngay thông tin về căn cước công dân mới của mình.

Thủ tục cập nhật thông tin tại ngân hàng khá đơn giản, công dân mang theo giấy xác nhận số chứng minh nhân dân 9 số hoặc chứng minh nhân dân đã cắt góc, thẻ căn cước công dân mới được cấp đến ngân hàng mà mình mở tài khoản, điền tờ khai là sẽ được giải quyết.

Lưu ý: Người đang sử dụng số chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch khi đổi qua căn cước công dân gắn chíp thì không cần thực hiện thủ tục đổi/cập nhật nêu trên do không việc đổi sang căn cước công dân gắn chíp không làm thay đổi sổ định danh của cá nhân (Trừ trường hợp trước đó có đổi từ chứng minh nhân dân 9 số qua chứng minh nhân dân 12 số/căn cước công dân mã vạch mà đến hiện tại vẫn chưa cập nhật thông tin).

Sửa đổi thông tin trên hộ chiếu

Khi người dân đổi chứng minh nhân dân 9 số sang căn cước công dân gắn chip, số thẻ chứng minh nhân dân sẽ bị thay đổi, chuyển từ 9 số sang 12 số. Người dân được cấp giấy xác nhận chứng minh nhân dân cũ khi làm thủ tục này.

Giấy xác nhận chứng minh nhân dân này được sử dụng khi thực hiện các giao dịch trong nước. Tuy nhiên, đối với việc nhập cảnh, xuất cảnh, có thể bị cán bộ hải quan các nước làm khó nếu thấy thông tin trên căn cước công dân và hộ chiếu không khớp nhau.

Vì thế, ngay sau khi được cấp căn cước công dân và giấy xác nhận chứng minh nhân dân cũ, người dân cần tiến hành đi sửa đổi các thông tin trên hộ chiếu.

Việc sửa thông tin trên hộ chiếu khi thay đổi số chứng minh nhân dân được hướng dẫn cụ thể tại Điều 6, 7, 8 Thông tư 29/2016/TT-BCA.

Sửa thông tin sổ bảo hiểm xã hội

Theo Quyết định 1035/QĐ-BHXH về mẫu sổ bảo hiểm xã hội, trang 2 sổ bảo hiểm xã hội có ghi thông tin số chứng minh nhân dân/hộ chiếu/thẻ căn cước của người tham gia. Trường hợp người tham gia vừa có chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước thì ghi theo thứ tự ưu tiên chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước.

Mặt khác, theo Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH, việc đổi hoặc điều chỉnh nội dung trên sổ bảo hiểm xã hội thực hiện trong các trường hợp sau:

- Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do mất, hỏng

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ bảo hiểm xã hội...

Tuy nhiên, trước đó, Công văn 3835/BHXH-CST do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ BHXH và chứng minh nhân dân có nêu:

Nếu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung như số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH.

Số chứng minh nhân dân hay số Căn cước công dân là một trong những tiêu thức quản lý đối tượng của cơ quan BHXH. Chính vì vậy, người lao động cần làm thủ tục điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để cơ quan bảo hiểm xã hội cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.

Thông báo với cơ quan thuế

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế (chứng minh nhân dân, căn cước công dân...) thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Tuy nhiên, cá nhân không kinh doanh đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân chậm thay đổi thông tin về chứng minh nhân dân khi được cấp thẻ căn cước công dân lại không thuộc trường hợp bị xử phạt theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Vì thế, người dân có thể thông báo hoặc không thông báo với cơ quan thuế khi đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân gắn chip.

Cập nhật thông tin sổ đỏ

Theo khoản 14 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định:

“Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp đồng thời với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất”.

Theo quy định trên thì thay đổi số chứng minh nhân dân sang căn cước công dân được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất chứ không bắt buộc.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp khi số căn cước công dân đang sử dụng khác với số ghi trong Giấy chứng nhận vẫn bị làm khó khi chuyển nhượng, tặng cho. Mặc dù, trong trường hợp này, người sử dụng đất có quyền yêu cầu cơ quan thực hiện trả lời bằng văn bản về lý do từ chối thực hiện, nếu không sẽ khiếu nại hoặc khởi kiện nhưng việc cập nhật số căn cước công dân mới trên sổ đỏ sẽ tránh làm mất thời gian khi khiếu nại, khởi kiện...

Xem thêm các bài viết liên quan:

Mã 63 tỉnh, thành phố sử dụng trên thẻ Căn cước công dân gắn chip? Ý nghĩa mã số Căn cước công dân gắn chip?

Căn cước công dân được cấp tại đâu?

Hướng dẫn tra cứu thông tin cá nhân bằng CMND/CCCD