Người đồng giới là gì? Người đồng giới đăng ký kết hôn có được pháp luật công nhận hay không?

Hiện nay, người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính đã không còn quá xa lạ trong xã hội Việt Nam. Vậy người đồng giới là gì? Người đồng giới đăng ký kết hôn có được pháp luật công nhận hay không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chính xác nhất về vấn đề này!

1. Người đồng giới là gì?

Khái niệm về người đồng giới hiện nay chưa được pháp luật quy định, tuy nhiên thuật ngữ này xuất hiện khi những người có cùng giới tính bị hấp dẫn về mặt tình yêu hay quan hệ tình dục lẫn nhau trong hoàn cảnh nào đó.

Như vậy, có thể hiểu người đồng giới là người chịu sự hấp dẫn (có tính bền vững) về tình cảm, sự lãng mạn, trìu mến và hấp dẫn về tình dục đối với người cùng giới tính sinh học với mình.

2. LGBT là gì? Bao gồm những đối tượng nào?

LGBT là viết tắt của các danh từ đặc trưng cho xu hướng tính dục của một người bao gồm các từ: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (Lưỡng tính), Transgender (Chuyển giới).

Trong đó:

Lesibian là thuật ngữ chỉ những người mang giới tính nữ bị hấp dẫn về mặt tình yêu, tình dục với người đồng giới. Đặc điểm sinh học của họ không khác gì so với người phụ nữ khác.

Gay cũng tương tự như Lesibian, đây là khái niệm chỉ những người mang giới tính nam bị hấp dẫn về mặt tình yêu, tình dục với người đồng giới.

Như một sự kết hợp, Bisexual là thuật ngữ chỉ những người bị hấp dẫn về mặt tình yêu và tình dục với cả nam hoặc nữ. Họ không có ranh giới thích xu hướng tính dục nào nhiều hơn mà có thể thay đổi liên tục trong suốt cuộc đời tùy vào hoàn cảnh, cảm xúc.

Transgender chỉ những người đã trải qua những cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính tuy nhiên danh tính không thay đổi dù ngoại hình có thay đổi, hoặc là những người quyết định sống, ăn mặc và hành động theo giới tính mà họ mong muốn rằng họ thực sự thuộc về giới tính đó.

3. Hôn nhân đồng giới là gì?

Hiện nay pháp luật không có quy định về khái niệm hôn nhân đồng giới, thuật ngữ này xuất hiện khi có những người ủng hộ, phản đối cộng đồng LGBT về quan hệ hôn nhân.

4. Hôn nhân giữa những người thuộc hội LGBT có được pháp luật công nhận hay không?

Bởi vì cộng đồng LGBT được chia thành nhiều đối tượng nên khi kết hôn nếu người Bisexual và người Transgender kết hôn với người khác giới tính thì vẫn được pháp luật công nhận, vì về cơ bản đó vẫn là cuộc hôn nhân dựa trên mối quan hệ nam- nữ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật.

Tuy nhiên nếu những người thuộc nhóm Gay hoặc Lesibian khi kết hôn muốn được pháp luật công nhận thì không được. Trước đây tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 trường hợp kết hôn giữa những người cùng giới tính bị pháp luật cấm, tuy nhiên hiện tại đã bãi bỏ quy định này tại khoản 2 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 vẫn quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, dù không còn quy định cấm nhưng nếu những người cùng giới tính mong muốn được đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền đều không được. Nhưng nếu như họ muốn tổ chức hôn lễ, sống chung như vợ chồng pháp luật sẽ không cấm.

5. Khi giữa những người đồng giới xảy ra tranh chấp về tài sản sau một thời gian chung sống như vợ chồng thì khi chia tay pháp luật có giải quyết hay không?

Căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Như vậy, mối quan hệ này sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, nhưng nếu giữa những người đồng tính có hình thành tài sản chung trong thời gian chung sống với nhau sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, căn cứ Điều 207 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sở hữu chung và các loại sở hữu chung như sau: Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản: Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.

Hơn nữa căn cứ Điều 219 của Bộ luật Dân sự 2015 về chia tài sản chung như sau:

Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Như vậy, nếu tài sản hình thành trong quá trình chung sống là sự đóng góp chung của cả hai người đồng tính thì khi chia tay và xảy ra tranh chấp về tài sản vẫn được phân chia theo quy định của pháp luật dân sự.

6. Người chuyển giới có được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự không?

Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, người chuyển giới không thuộc đối tượng được miễn hoặc bị cấm nghĩa vụ quân sự. Do đó, nếu đáp ứng đủ các điều kiện khác thì người chuyển giới vẫn thuộc trường hợp đi nghĩa vụ quân sự.

Căn cứ tại Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về những trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự như sau:

- Trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:

+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc chưa được xoá án tích dù đã chấp hành xong hình phạt tù.

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc thuộc trường hợp bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

+ Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang.

- Trường hợp miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự: Người bị mắc bệnh tâm thần, bị bệnh hiểm nghèo, bị khuyết tật hoặc bệnh mãn tính.

Tuy nhiên, đối với trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu hết thời gian không được đăng ký thì có thể đăng ký nghĩa vụ quân sự theo thủ tục thông thường.

Như vậy, người chuyển giới không thuộc một trong các trường hợp không được đăng ký hay miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự. Vì thế, người chuyển giới vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 12Điều 30, 31 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.

1) Đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định:

Căn cứ tại Khoản 2, 3 Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định hành vi không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 bị xử lý như sau:

+ Phạt cảnh cáo đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu;

+ Phạt tiền từ 08-10 triệu đồng đối trường hợp không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu (trừ trường hợp đã phạt cảnh cáo nêu trên) hoặc các trường hợp không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, nơi cư trú… theo quy định.

2) Đối với hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

Theo Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP), hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý như sau:

- Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

- Phạt tiền từ 12-15 triệu đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

- Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

+ Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 02 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

- Phạt tiền từ 25-35 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

3) Đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ:

Khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP (sửa đổi Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP) quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:

- Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

- Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP.

Theo đó, sau khi bị xử phạt hành chính mà không thực hiện mà tiếp tục trốn tránh nhập ngũ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4) Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, nếu đã bị xử phạt hành chính mà không chấp hành sẽ bị xử lý hình sự:

Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Khung hình phạt cao nhất cho tội này có thể lên đến 05 năm tù

Như vậy, trường hợp trốn tránh nhập ngũ theo lệnh gọi nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải nhập ngũ. Sau khi bị xử phạt hành chính mà không thực hiện mà tiếp tục trốn tránh nhập ngũ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm).