Làm hồ sơ hưởng BHTN ở đâu? Thủ tục, hồ sơ đăng ký hưởng BHTN mới nhất 2025
Làm hồ sơ hưởng BHTN ở đâu? Thủ tục, hồ sơ đăng ký hưởng BHTN mới nhất

1. Làm hồ sơ hưởng BHTN ở đâu?

Trung tâm Dịch vụ việc làm là cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Việt Nam.

Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:

Hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập

Như vậy, Trung tâm Dịch vụ việc làm là cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Việt Nam. Để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bạn cần nộp hồ sơ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi bạn muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Các Trung tâm Dịch vụ việc làm thường có mặt tại các tỉnh, thành phố trên cả nước và là nơi tiếp nhận, xử lý hồ sơ hưởng BHTN.

2. Thủ tục, hồ sơ đăng ký hưởng BHTN mới nhất 2025

2.1. Hồ sơ đăng ký hưởng BHTN

Căn cứ Luật Việc làm 2013Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) quy định hồ sơ hưởng BHTN bao gồm:

  • Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp: Theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
  • Giấy tờ xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc: Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau:
    • Hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
    • Quyết định thôi việc.
    • Quyết định sa thải.
    • Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
    • Thông báo/thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc.
    • Xác nhận chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động.
    • Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản.
    • Quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã.
  • Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH): Bản chính sổ BHXH đã xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu: Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu.

2.2. Nộp hồ sơ

  • Nộp trực tiếp: Bạn có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi bạn muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
  • Nộp online: Bạn cũng có thể nộp hồ sơ online thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Khi nộp hồ sơ online, bạn cần chuẩn bị bản chụp hoặc scan các giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động/làm việc và tải lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

2.3. Thời hạn nộp hồ sơ

Thời hạn nộp hồ sơ là 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Tại Điều 46 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:

1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Như vậy, thời hạn nộp hồ sơ là 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

3. Quy trình giải quyết hồ sơ

Tại Quyết định 351/QĐ-BLĐTBXH ngày 29/3/2024 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực việc làm thược phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quy định về thủ tục hành chính khi giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

3.1. Xác nhận hồ sơ

Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, nếu người lao động chưa tìm được việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

3.2. Quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp

Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, Trung tâm Dịch vụ việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho người lao động.

3.3. Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ BHYT.

3.4. Thông báo tìm việc hàng tháng

Hàng tháng, người lao động phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Quy trình giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp
Quy trình giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp

4. Các câu hỏi thường gặp

4.1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

4.2. Ai phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên, trừ người đang hưởng lương hưu và lao động giúp việc gia đình.

4.3. Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?

Có, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được cộng dồn trong trường hợp người lao động chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp và tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

4.4. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng là bao nhiêu?

  • Người lao động đóng 1% tiền lương tháng.

  • Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp