Thu thập sử liệu và trình bày một vấn đề của lịch sử Việt Nam

Trả lời Vận dụng 1 trang 22 Chuyên đề Lịch sử 10 sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 10.

1 592 06/02/2023


Giải Chuyên đề Lịch sử 10 Kết nối tri thức Phần 2: Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam

Vận dụng 1 trang 22 Chuyên đề Lịch sử 10: Thu thập sử liệu và trình bày một vấn đề của lịch sử Việt Nam theo một trong số các lĩnh vực chuyên biệt: văn hoá, tư tưởng, xã hội, kinh tế.

Trả lời:

(*) Lựa chọn: Tình hình kinh tế Việt Nam thời Bắc thuộc (thế kỉ II TCN - thế kỉ X)

Năm 179 TCN, Âu Lạc rơi vào ách cai trị của nước Nam Việt, mở đầu thời kì Bắc thuộc ở nước ta. Dưới ách cai trị của phong kiến phương Bắc, đời sống kinh tế của người Việt có nhiều biến chuyển:

- Về nông nghiệp:

+ Công cụ bằng sắt ngày càng phổ biến thay thế công cụ sản xuất bằng đồng. Từ thời Âu Lạc, người Việt cổ đã nắm được kĩ thuật luyện sắt để chế tạo công cụ sản xuất, song đồ sắt thuở ấy còn ít, chưa được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống xã hội. Trong thời kỳ Bắc thuộc, mặc dù chính quyền đô hộ nắm độc quyền về sắt, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế tạo và mua bán đồ sắt, nhưng nhân dân ta vẫn rèn đúc, chế tạo được nhiều công cụ bằng sắt phục vụ cho nhu cầu sản xuất và cuộc sống. Đồ sắt được sử dụng ngày càng nhiều vào sản xuất, lấn dần các nông cụ bằng đồng, mặc dù công nghệ đúc đồng vẫn tiếp tục tồn tại và giữ một vị trí nhất định trong việc chế tạo đồ dùng trong sinh hoạt. Trong các mộ cổ thuộc thời kỳ Bắc thuộc có rất ít vũ khí, công cụ bằng đồng. Nhiều vật dụng trong gia đình cũng được chế tạo bằng sắt (kiềng nấu bếp, đèn, đỉnh). Việc nhà Hán đặt chức thiết quan trông coi việc thu thuế sắt đã chứng tỏ từ đầu Công nguyên trở về sau, cư dân Việt cổ đã bước vào thời đại đồ sắt phát triển.

+ Cùng với việc sử dụng rộng rãi các công cụ sản xuất bằng sắt, kỹ thuật dùng trâu bò làm sức kéo trong nông nghiệp cũng ngày càng phổ biến, nhờ thế mà diện tích đất trồng trọt được mở rộng dần, các công trình thuỷ lợi có điều kiện phát triển. Dọc những con sông lớn như sông Hồng, sông Mã đã có đê phòng lụt. Nhiều kênh, ngòi, mương, máng được đào thêm hay nạo vét hàng năm. Giao Châu kí có ghi chép sự việc huyện Phong Khê (trung tâm Cổ Loa) có đê phòng lụt. Sách Nam Việt chí phản ánh việc Mã Viện “chất đá làm thành đê ngăn sóng biển” ở vùng Tạc Khẩu (Tam Điệp, Ninh Bình). Hậu Hán thư ghi lại sự việc Mã Viện “sửa sang kênh ngòi”. Biện pháp dùng các loại phân để bón ruộng (có thể cả phân bắc) cũng được thực hiện trong nông nghiệp.

+ Tất cả những biện pháp kỹ thuật nói trên được đưa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần rất quan trọng vào việc tăng năng suất lúa. Theo một số tài liệu cũ thì “lúa mỗi năm trồng hai lần về mùa hè và mùa đông, sản xuất từ Giao Chỉ, lúa Giao Chỉ chín hai mùa”.

Đầu thời Bắc thuộc, triều Tây Hán phải chở thóc gạo vào Giao Chỉ để cung cấp cho bọn quan lại đô hộ và quân lính chiếm đóng, thì đến thời Đông Hán, số thóc thuế mà chính quyền đô hộ đã vơ vét của nhân dân Giao Chỉ lên tới 13.600.000 hộc, tương đương 272.000 tấn thóc.

+ Ngoài lúa, nhân dân ta còn trồng nhiều loại hoa màu và các loại cây có củ như khoai, đậu, sắn, ngô. Ở mỗi vùng đất, tuỳ theo khí hậu, thổ nhưỡng, nhân dân ta trồng nhiều loại cây ăn quả như nhãn, vải, chuối, cam, quýt, mơ, mận, táo, trầu, cau, khế v.v.. Cây công nghiệp thì có bông, mía, dâu. Việc trồng dâu nuôi tằm gắn liền với nghề nông nghiệp truyền thống lâu đời và nghề ươm tơ dệt lụa. Nhân dân ta bấy giờ còn biết trồng trọt và khai thác một số loại cây để làm thuốc (đậu khấu, ý dĩ, quế, gừng gió), cây lấy gỗ, làm các vật dụng trong đời sống, chăn nuôi trâu bò, chó, lợn, gà, vịt, voi, ngựa. Bên cạnh nghề làm ruộng, nghề làm vườn cũng khá phổ biến trong nhân dân.

- Trong thủ công nghiệp:

+ Kỹ thuật rèn sắt phát triển hơn trước công nguyên. Công cụ bằng sắt có nhiều loại đa dạng như rìu, mai, cuốc, dao, vũ khí, đèn, đinh và một số đồ dùng trong sinh hoạt gia đình.

+ Nghề đúc đồng vẫn tiếp tục nhưng chủ yếu chế tạo các đồ dùng phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân (nồi niêu, lư hương, đồ trang sức).

+ Nghề làm đồ gốm phát triển mạnh, nhiều loại đồ dùng trong nhà như nồi đất, vò, bình, bát, đĩa, đèn… được sản xuất ngày càng nhiều. Bên cạnh loại gốm trơn (thường) còn có loại gốm tráng men. Gạch ngói cũng có nhiều loại khác nhau (gạch thường, gạch hình múi bưởi để xây vòm cuốn, ngói bản, ngói ống…).

+ Nghề dệt vải, lụa, là những nghề thủ công gia đình phổ biến ở nhiều địa phương; các nghề mộc, đan lát, xây dựng nhà cửa cũng có bước phát triển đáng kể.

+ Việc khai thác vàng, bạc, châu ngọc trong nhân dân cũng được đẩy mạnh, nhiều kiểu, loại đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc được gia công tinh tế (vòng tay, nhẫn, trâm, lược, hoa tai v.v...) chủ yếu nhằm phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp thống trị và quý tộc.

+ Nghề mộc, đóng thuyền, nghề xây dựng chùa chiền, đền đài, lăng mộ cũng khá phát triển. Người thợ thủ công nước ta bấy giờ đã thể hiện là những người thợ có trình độ mỹ thuật cao và rất khéo tay. Dưới thời nhà Ngô đô hộ nước ta, hàng nghìn thợ thủ công đã bị bắt đưa sang Trung Quốc để xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp, nhiều thợ thủ công bị trưng tập vào lao động trong các xưởng thủ công của chính quyền đô hộ. Đây là nguyên nhân làm chậm bước chuyên môn hoá để hình thành các làng và phường thủ công chuyên nghiệp, mặc dù đã có sự tách rời ít nhiều của một bộ phận lao động thủ công khỏi nông nghiệp.

+ Người Việt đã biết tiếp thu một số kỹ thuật công nghệ của các nước, đã làm nảy sinh thêm một số nghề thủ công mới như nghề làm giấy từ các nguyên liệu như rêu biển, vỏ cây, lá cây, nhất là sản xuất được giấy trầm hương có vân rất đẹp và có giá trị. Lái buôn Trung Quốc đã mua giấy trầm hương ở nước ta đem về Trung Quốc, vua nhà Tấn (cuối thế kỷ III) đã sai các quan lại Trung Quốc dùng giấy này để chép lại các sách Xuân thu và Kinh truyện để dâng vua. Từ thế kỷ IV, trên cơ sở tiếp thu kỹ thuật chế tạo thuỷ tinh của Ấn Độ và một số nước, người Việt đã thổi được những bình, bát bằng thuỷ tinh nhiều màu sắc xanh, tía. Các nghề thủ công khác như mộc, sơn the, thuộc da, nấu rượu, làm cối, khánh đá cũng khá phát triển trong nhân dân.

- Về thương nghiệp:

+ Sự chuyển biến trong nông nghiệp và thủ công nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy thương nghiệp phát triển hơn trước. Mặt khác, sự phong phú về tài nguyên và nhiều đặc sản của vùng nhiệt đới đã thu hút nhiều lái buôn nước ngoài đến nước ta, làm cho việc buôn bán ở Việt Nam thời Bắc thuộc thêm phần phát triển.

+ Nhu cầu của việc vận chuyển vật cống, thuế khóa thu được ở nước ta về Trung Quốc cũng đã thúc đẩy chính quyền đô hộ chăm lo đến việc sửa chữa, xây đắp đường sá, dẫn đến sự thông thương giữa các quận trong nước và giữa nước ta với Trung Quốc. Cuối thế kỷ I, con đường dọc sông Thương sang Trung Quốc được xây đắp. Từ trung tâm Luy Lâu, Long Biên có đường thuỷ ngược xuôi các ngả nối liền các vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc với đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nhiều con đường bộ liên vùng theo các hướng Tây - Tây Nam - Đông Bắc và Nam - Tây Nam - Bắc - Đông Bắc gặp nhau ở trung tâm Luy Lâu và nhiều đường bộ khác trong 3 quận, cùng với đường biển được mở mang càng làm cho việc buôn bán trong nước và với nước ngoài, nhất là với Trung Quốc khá phát triển. Hàng hoá bán ra các nước chủ yếu là hương liệu, lâm sản quý, vải, gấm, giấy bản, đường. Hàng hoá nhập vào gồm nhiều chủng loại nhưng đại bộ phận là các hàng xa xỉ phẩm, phục vụ cho bọn quan lại đô hộ và tầng lớp quý tộc giàu có.

+ Tuy nhiên, chính quyền đô hộ và bọn lái buôn người nước ngoài đã lũng đoạn nền thương mại ở nước ta thời bấy giờ. Sự phát triển ngoại thương càng làm giàu thêm cho bọn đô hộ, nhân dân bản địa phải chịu thêm ách lao dịch, bóc lột nặng nề. Dù là vậy, việc đẩy mạnh quan hệ giao lưu kinh tế giữa các khu vực trong nước (ở Châu Giao) và giữa Châu Giao với các nước quanh vùng cũng đã có tác dụng nhất định trong việc kích thích nền kinh tế ở Châu Giao phát triển.

- Kết luận: Nhìn chung, kinh tế Việt Nam thời kì Bắc thuộc có nhiều chuyển biến và có bước phát triển mới, nhưng sự phát triển kinh tế chủ yếu nhằm phục vụ cho chính quyền đô hộ phương Bắc. Đời sống của nhân dân ta vẫn khổ cực.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

1 592 06/02/2023


Xem thêm các chương trình khác: