Chuyên đề Lịch sử 10 (Kết nối tri thức) Một số bản hiến pháp việt nam từ năm 1946 đến nay

Với giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 10 Phần 3: Một số bản hiến pháp việt nam từ năm 1946 đến nay sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Lịch sử 10 KNTT Phần 3.

1 5,445 06/02/2023
Tải về


Giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 10 Phần 3: Một số bản hiến pháp việt nam từ năm 1946 đến nay  

1. Một số điểm chung của các bản hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến nay 

Câu 1 trang 56 Chuyên đề Lịch sử 10: Hãy cho biết vai trò của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Trả lời:

- Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng:

+ Trong lĩnh vực nông nghiệp: thực hiện chính sách giao khoán đất nông nghiệp, khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học, kĩ thuật vào sản xuất,... Nhờ đó, Việt Nam dần giải quyết được nhu cầu lương thực trong nước và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

+ Trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ: chính sách cho phép phát triển kinh tế tư nhân, kêu gọi và khuyến khích đầu tư nước ngoài, ban hành nhiều bộ luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế => sự hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp từ quy mô nhỏ, vừa, đến quy mô lớn (các tập đoàn quốc gia và xuyên quốc gia),... góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế quốc dân.

- Trong hội nhập quốc tế: thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Câu 2 trang 56 Chuyên đề Lịch sử 10: Nêu điểm chung về bối cảnh ra đời và phân tích một số điểm chính của các bản hiến pháp Việt Nam. Lấy ví dụ minh hoạ.

Trả lời:

* Điểm chung về bối cảnh ra đời của các bản hiến pháp Việt Nam: được ban hành khi Nhà nước mới được thành lập hoặc trong thời điểm đất nước có những thay đổi quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, cụ thể:

- Hiến pháp năm 1946 ra đời trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thành lập, việc xây dựng nền dân chủ nhân dân là nhiệm vụ cấp bách.

- Hiến pháp năm 1959 ra đời trong bối cảnh đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và làm cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.

- Hiến pháp năm 1980 ra đời khi đất nước đã thống nhất, cả nước bước vào thời kì quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi từ Hiến pháp năm 1980, đáp ứng yêu cầu của công cuộc Đổi mới đất nước được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra từ năm 1986.

- Hiến pháp năm 2013 ra đời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và xu thế hợp tác, phát triển của đất nước.

* Một số điểm chính của các bản hiến pháp Việt Nam:

- Là đạo luật gốc, có giá trị pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, là cơ sở pháp lí để xây dựng hệ thống pháp luật của Nhà nước.

- Quy định những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của đất nước như: chế độ chính trị; chính sách phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội; các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước ở trung ương và địa phương,...

- Ví dụ:

+ Hiến pháp năm 1946 quy định nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo thể chế dân chủ nhân dân, tổ chức bộ máy nhà nước gồm Nghị viện nhân dân, Chính phủ, chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp.

+ Hiến pháp năm 2013 quy định nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo thể chế cộng hòa, tổ chức bộ máy nhà nước gồm: ở trung ương: Quốc hội (thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp); Chính phủ (thực hiện quyền hành pháp), Toà án Nhân dân (thực hiện quyền tư pháp); ở địa phương có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp.

2. Hiến pháp 1946 - bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam 

Câu 1 trang 58 Chuyên đề Lịch sử 10: Nêu một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1946.

Trả lời:

- Một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1946:

+ Ghi nhận thành quả vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

+ Quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ Cộng hoà.

+ Quy định quyền và nghĩa vụ của công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật.

+ Quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, gồm: Nghị viện nhân dân, Chính phủ, chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp.

Câu 2 trang 58 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hãy nêu và phân tích ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946.

Trả lời:

- Ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946:

+ Là bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là bản hiến pháp dân chủ và tiến bộ ở Đông Nam Á thời bấy giờ.

+ Khẳng định chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; ghi nhận thành quả vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; đặt nền móng cho việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước kiểu mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

3. Hiến pháp của thời kì đổi mới 

Câu hỏi trang 59 Chuyên đề Lịch sử 10: Nêu một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1992.

Trả lời:

- Một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1992:

+ Về kinh tế: phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng.

+ Về chính trị: xây dựng nhà nước theo thể chế cộng hòa (xã hội chủ nghĩa), nhà nước của dân, do dân và vì dân; tổ chức bộ máy nhà nước gồm: Quốc hội, Chính phủ, Toà án Nhân dân (ở trung ương); Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp (ở địa phương).

+ Về đối ngoại: “thực hiện chính sách hoà bình, hữu nghị, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi”.

Câu hỏi trang 60 Chuyên đề Lịch sử 10: Nêu và phân tích những điểm mới của Hiến pháp năm 2013.

Trả lời:

- Hiến pháp năm 2013 được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII. Đây là hiến pháp thứ hai của thời kì đổi mới. Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới và tiến bộ về tổ chức nhà nước, về tư tưởng dân chủ và kĩ thuật lập pháp:

- Về tổ chức nhà nước:

+ Bổ sung quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Cơ quan tư pháp.

+ Phân định rõ hơn thẩm quyền của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.

+ Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, nguyên tắc "kiểm soát quyền lực" được ghi nhận.

- Về tư tưởng dân chủ:

+ Khẳng định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng biện pháp dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện (Hiến pháp năm 1992 chỉ có hình thức dân chủ đại diện).

+ Khẳng định và mở rộng các quyền con người và quyền công dân.

+ Quy định về việc thực hiện quyền làm chủ và quyền giám sát của nhân dân.

- Về kĩ thuật lập pháp:

+ Bố cục gọn (11 chương và 120 điều), vị trí các chương được sắp xếp hợp lí hơn.

+ Các điều luật được trình bày, diễn đạt cô đọng, súc tích theo ngôn ngữ pháp lí.

+ Nội dung có tính bao quát, phù hợp, cập nhật những thành tựu của luật pháp quốc tế.

B - CÂU HỎI CUỐI BÀI

Luyện tập 1 trang 61 Chuyên đề Lịch sử 10: So sánh điểm giống và khác nhau giữa các mô hình nhà nước quân chủ ở Việt Nam thời Lý - Trần, Lê sơ và thời Nguyễn.

Trả lời:

- Điểm giống nhau:

+ Đều là nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền, vua là người đứng đầu nhà nước, nắm quyền lực tối cao.

+ Có các cơ quan giúp việc cho vua ở trung ương: Lục bộ, các cơ quan chuyên môn.

+ Bộ máy chính quyền địa phương được thiết lập đồng bộ và thống nhất.

- Điểm khác nhau:

 

Nhà Lý - Trần

Nhà Lê sơ

Nhà Nguyễn

Chính quyền trung ương

- Mang tính dòng tộc, tính chuyên chế chưa cao độ.

- Bộ máy trung ương còn đơn giản, chưa có sự phân định rõ ràng thành các bộ phận dân sự, quân sự, giám sát.

- Mang tính quan liêu, tính tập quyền cao độ.

- Được tổ chức quy mô và hoàn thiện, các cơ quan trung ương được tổ chức và phân định thành ba bộ phận: dân sự, quân sự và giám sát.

- Mang tính tập quyền cao độ.

- Được tổ chức quy mô và hoàn thiện, các cơ quan trung ương được phân định thành ba bộ phận dân sự, quân sự và giám sát.

- Lập và trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan giúp việc của vua để tập trung quyền lực cho nhà vua.

- Tăng quyền lực cho các cơ quan tư pháp và giám sát nhằm hạn chế lạm quyền.

Chính quyền địa phương

- Quý tộc tông thất nắm giữ những vùng trọng yếu.

- Chưa quản lí chặt chẽ đến cấp xã, tính tự trị của làng xã còn cao.

- Cơ cấu quyền lực với ba cơ quan cai quản ba lĩnh vực hành chính, quân đội, tư pháp.

- Quản lí chặt chẽ đến cấp xã.

- Từ sau cải cách của vua Minh Mạng, cấp lớn nhất ở địa phương (tỉnh) do vua và triều đình trực tiếp quản lí.

- Tăng cường quản lí đến từng làng xã.

Luyện tập 2 trang 61 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hãy chỉ ra sự khác nhau về đặc điểm, tính chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà so với các nhà nước quân chủ ở nước ta. Theo em, sự khác nhau đó nói lên điều gì?

Trả lời:

* So sánh: sự khác nhau về đặc điểm, tính chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà so với các nhà nước quân chủ ở nước ta:

- Về đặc điểm:

+ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là nhà nước theo chế độ dân chủ cộng hoà, trong đó, quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc về nhân dân, thông qua Quốc hội - cơ quan do toàn dân bầu ra;

+ Các nhà nước quân chủ ở nước ta là nhà nước theo chế độ quân chủ chuyên chế, quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc về nhà vua, người đứng đầu đất nước.

- Về tính chất:

+ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là nhà nước dân chủ kiểu mới, do nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí và quyền lợi của nhân dân, mọi chính sách và hoạt động của nhà nước đều hướng tới mục tiêu vì nhân dân;

+ Các nhà nước quân chủ mang tính tập quyền, do một cá nhân, một nhóm người hay một dòng họ lập nên, đại diện cho quyền lợi của một hoặc một số dòng họ, chính sách và mục tiêu của nhà nước hướng tới mục tiêu vì lợi ích của dòng họ cai trị, lợi ích của giai cấp thống trị, sau đó mới tới lợi ích của nhân dân.

* Nhận xét: Sự khác nhau về đặc điểm, tính chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà so với các nhà nước quân chủ ở nước ta cho thấy sự tiến bộ của mô hình nhà nước dân chủ cộng hòa (nhà nước của dân, do dân và vì dân), từ đó cho thấy sự phát triển của các mô hình nhà nước nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh.

Luyện tập 3 trang 61 Chuyên đề Lịch sử 10: Lập bảng so sánh các bản Hiến pháp năm 1946, 1992 và 2013 theo gợi ý sau:

Hiến pháp

1946

1992

2013

Bối cảnh ra đời

?

?

?

Nội dung cơ bản

?

?

?

Ý nghĩa

?

?

?

Trả lời:

Hiến pháp

1946

1992

2013

Bối cảnh ra đời

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thành lập, việc xây dựng nền dân chủ nhân dân là nhiệm vụ cấp bách.

Nhà nước và nhân dân đang tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước (từ năm 1986).

Công cuộc Đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng đang được tiến hành mạnh mẽ.

Nội dung cơ bản

- Ghi nhận thành quả vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

- Quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ Cộng hoà.

- Quy định quyền và nghĩa vụ của công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật.

- Quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, gồm: Nghị viện nhân dân, Chính phủ, chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp.

- Về kinh tế: phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng.

- Về chính trị: xây dựng nhà nước theo thể chế cộng hòa (xã hội chủ nghĩa)…

- Về đối ngoại: “thực hiện chính sách hoà bình, hữu nghị, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi”.

- Quy định quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Cơ quan tư pháp.

- Phân định rõ hơn thẩm quyền của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.

- Lần đầu tiên ghi nhận nguyên tắc "kiểm soát quyền lực".

- Khẳng định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng biện pháp dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

- Khẳng định và mở rộng các quyền con người và quyền công dân.

- Quy định về việc thực hiện quyền làm chủ và quyền giám sát của nhân dân.

Ý nghĩa

- Là bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là bản hiến pháp dân chủ và tiến bộ ở Đông Nam Á thời bấy giờ.

- Khẳng định chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

- Đặt nền móng cho việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước kiểu mới

- Tạo cơ sở chính trị - pháp lý cho công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam.

- Đóng vai trò quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tạo cơ sở chính trị - pháp lý cho công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam.

Vận dụng 1 trang 61 Chuyên đề Lịch sử 10: Có quan điểm cho rằng: bộ Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ có nhiều điểm tiến bộ, nên được tham khảo và áp dụng trong việc quản lí xã hội ngày nay. Em có đồng ý với quan điểm đó không? Vì sao?

Trả lời:

- Em đồng ý với quan điểm: “bộ Quốc triều hình luật Hoàng Việt luật lệ có nhiều điểm tiến bộ, nên được tham khảo và áp dụng trong việc quản lí xã hội ngày nay”, vì một số điểm tiến bộ của các bộ luật này vẫn còn giá trị trong xã hội ngày nay:

- Giải thích:

+ Các điều luật bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, người già, trẻ em,... có thể được tiếp thu để bảo vệ quyền lợi của những lực lượng này trong xã hội ngày nay, bởi ở bất kì xã hội nào, phụ nữ, trẻ em, người già,... luôn là những người yếu thế trong xã hội.

+ Những điểm tiến bộ về kĩ thuật lập pháp như các điều luật được sắp xếp theo từng lĩnh vực; hầu hết các quy phạm pháp luật đều gồm ba thành phần cơ bản: giả định (đặt ra tình huống), quy định (xác định hành vi được/phải làm hoặc không được làm) và chế tài (biện pháp xử lí nếu làm trái quy định) cũng có thể được tham khảo và áp dụng trong quá trình soạn thảo luật pháp hiện nay.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Vận dụng 2 trang 61 Chuyên đề Lịch sử 10: Từ năm 2013, ngày 9 - 11 hằng năm được lấy là “Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hãy đưa ra một số ý kiến của em để góp phần nâng cao tinh thần, ý thức tuân thủ hiến pháp và pháp luật cho mọi người.

Trả lời:

Một số giải pháp góp phần nâng cao tinh thần, ý thức tuân thủ hiến pháp và pháp luật cho mọi người:

- Nhà nước cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, làm cơ sở cho mọi hoạt động xã hội.

- Chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân thông qua sách, báo, các kênh thông tin xã hội,...

- Mỗi cá nhân cần rèn luyện ý thức tuân thủ hiến pháp và pháp luật của nhà nước, lên án, đấu tranh, vận động mọi người đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề Lịch sử lớp 10 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác: 

II. Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam

I. Di sản văn hóa

II. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

I. Nhà nước và pháp luật trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858)

II. Nhà nước Việt Nam từ 1945 đến nay

1 5,445 06/02/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: