SBT Ngữ Văn 11 Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 15 - Kết nối tri thức

Với giải SBT Ngữ Văn lớp 11 Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 15 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

1 207 30/11/2023


Giải SBT Ngữ Văn 11 Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 15 - Kết nối tri thức

Bài tập 1 trang 15 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại văn bản Nữ phóng viên đầu tiên trong SGK Ngữ văn 11, tập hai (tr. 66 – 70) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đoạn mở đầu văn bản (“Nói “nữ phóng viên chính hiệu” là bởi “trước đó ở Hà Nội cũng như Sài Gòn người giữ mục phụ nữ hay viết bài về phụ nữ, mặc dù kí tên là “Thị nọ Thị kia” nhưng đều là kí giả có râu”) gợi cho bạn suy nghĩ gì về vị thế của phụ nữ trong xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX?

Trả lời:

- Trước những năm 30 của thế kỉ trước, có rất nhiều toà soạn được mở ra trong quá trình hiện đại hóa, nhưng các nhà báo đều là nam giới. Đoạn mở đầu trong văn bản đã cho thấy hiện tượng cải trang giới tính, khi các nhà báo nam, trong trường hợp muốn viết bài về phụ nữ, phải nhân danh phụ nữ để viết. Phụ nữ không có tiếng nói trong lĩnh vực báo chí. Các vấn đề về phụ nữ lại được nhìn dưới con mắt của đàn ông. Hiện tượng này nói lên sự bất bình đẳng về giới trong đời sống văn hoá, xã hội. Tác giả nhấn mạnh đến tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX nhằm làm nổi bật vai trò tiên phong của Manh Manh nữ sĩ với tư cách là một nữ nhà báo đầu tiên.

Câu 2 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Việc trích dẫn trực tiếp lời nói của nhân vật trong văn bản có tác dụng gì?

Trả lời:

- Các trích dẫn trực tiếp lời nói của nhân vật trong văn bản:

+ “Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ....nên gọi là Thơ mới”.

+ “chỉ mong lối Thơ mới được nhiều người để ý đến....các nhà thi sĩ”.

+ “Đối với những người như chúng tôi đây,...cần ích cho chúng tôi lắm”.

+ “Chủ nghĩa phụ nữ...trí thức của mình”.

+ “Đàn bà tân tiến...làm người trong xã hội”.

- Tác giả đã năm lần trích dẫn trực tiếp lời phát biểu của Manh Manh nữ sĩ và năm lần trích dẫn trực tiếp các nhận định, đánh giá của người đương thời về bà. Việc trích dẫn trực tiếp lời nhân vật giúp cho người đọc hình dung một cách rất cụ thể, sống động giọng điệu quyết liệt, cá tính thẳng thắn, tư tưởng mới mẻ, tiên phong của nữ nhà báo. Việc trích dẫn trực tiếp lời nhận định, bình luận về nhân vật giúp làm nổi bật vai trò, tầm ảnh hưởng của bà đến đời sống xã hội. Bằng cách trích dẫn trực tiếp, tác giả tái hiện được một cách chân thực lời ăn tiếng nói của người Việt và bầu không khí đối thoại, tranh biện trong đời sống văn hoá, xã hội thời kì đầu thế kỉ XX.

Câu 3 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nêu nhận xét về giọng điệu, quan điểm, thái độ của tác giả được thể hiện trong nhận định sau: “Tại buổi nói chuyện ở Hội Khuyến học Sài Gòn, đề cử toạ trong phòng nhìn thấy diễn giả, bà phải... đứng lên bàn để nói! Vì vậy, trong làng báo Sài Gòn thập niên 1930, ai cũng coi bà như một đồng nghiệp nam”.

Trả lời:

- Trong nhận định, tác giả viết với giọng điệu hài hước, dí dỏm, nhưng ẩn chứa bên trong là sự bất ngờ và thán phục. Những câu văn trong nhận định không chỉ miêu tả hình dáng, mà còn nhấn mạnh hành động táo bạo, thách thức những khuôn mẫu về giới của nhân vật, làm nổi bật vị thế bình đẳng của nhân vật.

Bài tập 2 trang 15 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại văn bản Trí thông minh nhân tạo trong SGK Ngữ văn 11, tập hai (tr. 71 – 73) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: “Năm 2008, một máy tính cá nhân có khả năng xử lí khoảng 10 tỉ lệnh mỗi giây. Nhiều quá. Nhưng chừng ấy chỉ bằng tốc độ xử lí của não một con cá nhỏ. Cho đến năm 2040, theo lí thuyết, các bộ não máy có thể xử lí gần 100 nghìn tỉ lệnh mỗi giây”. Những số liệu được nhắc tới trong các câu trên có tác dụng gì?

Trả lời:

- Giữa các mốc thời gian (năm 2008, năm 2040, tức trong vòng hơn 30 năm) và tốc độ xử lí của máy tính (tăng gấp 10 000 lần).

=> Các số liệu này có tác dụng nhấn mạnh tốc độ phát triển hết sức nhanh chóng, đáng kinh ngạc của bộ nào máy tính.

Câu 2 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Theo tác giả, trí thông minh nhân tạo gồm những loại nào? Mỗi loại có những khả năng gì?

Trả lời:

- Trí thông minh nhân tạo gồm 2 loại: AI yếu và AI mạnh

+ Ai yếu có khả năng vận hành theo chuỗi logic, nhằm bổ sung cho trí tuệ loài người.

+ Ai mạnh có khả năng tự học hỏi, phản ứng lại những sự kiện bất ngờ, nhờ vậy có thể thay thế trí tuệ con người trong những hoạt động phức tạp như chẩn đoán bệnh, phẫu thuật, lập kế hoạch, đói phó với tội phạm,...

Câu 3 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Bạn hiểu như thế nào về nhận định: “Internet đã và đang ngẫu nhiên nuôi dưỡng một dạng thức hỗn loạn tự tổ chức: một thị trường đặc biệt hiệu quả cho những ý tưởng, danh tiếng và thông tin vẫn được gọi là trí thông minh tổng hợp, và từ đây, AI có thể hình thành”?

Trả lời:

- Trong nhận định này, tác giả muốn đề cập đến vai trò của internet như là một môi trường và điều kiện phù hợp dẫn đến sự ra đời và phát triển của trí tuệ nhân tạo (mạng lưới thông tin đa dạng, đến từ nhiều nguồn của internet chính là cơ sở tạo nên trí thông minh tổng hợp, tiền đề của trí tuệ nhân tạo).

Bài tập 3 trang 15 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại văn bản Pa-ra-lim-pích (Paralympic): Một lịch sử chữa lành những vết thương trong SGK Ngữ văn 11, tập hai (tr. 75 – 78) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Bạn suy nghĩ gì về sự kiện đánh dấu sự ra đời của Pa-ra-lim-pích vào năm 1948?

Trả lời:

- Sự kiện đánh dấu sự ra đời của Pa-ra-lim-pích vào năm 1948 đã mở đầu cho quá trình những nạn nhân của chiến tranh có thể được hòa nhập và thể hiện khát vọng chinh phục của mình. Pa-ra-lim-pích ra đời với cho ta thấy được sự đối lập ý nghĩa giữa một bên là hoàn cảnh khốc liệt, đầy đau thương, mất mát của các nhân vật sau Thế chiến II (bác sĩ Gắt-mừn (Guttmann) từng là một nạn nhân người Do Thái, các vận động viên tham dự cuộc thi đều là những cựu chiến binh bị chấn thương tuỷ sống) và khát vọng lớn lao của họ (bác sĩ Gắt-mừn muốn đưa giải đấu thể thao lên sánh ngang tầm Ô-lim-pích – Olympic; các vận động viên muốn được tham dự cuộc thi và chiến thắng). Thông qua sự đối lập đó, tác giả muốn làm nổi bật thông điệp về sức mạnh ý chí và khả năng hồi phục của con người sau chấn thương.

Câu 2 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Pa-ra-lim-pích đã hình thành và phát triển qua những giai đoạn nào?

Trả lời:

Pa-ra-lim-pích đã phát triển qua những giai đoạn sau:

- Giai đoạn 1 (1948 – 1952): Thế vận hội Xe lăn Quốc tế được tổ chức thường niên cho các cựu chiến binh trong Thế chiến II.

- Giai đoạn 2 (năm 1960): Ki Pa-ra-lim-pích đầu tiên được tổ chức, đối tượng dự thi là những người khuyết tật sử dụng xe lăn.

- Giai đoạn 3 (từ năm 1962): Pa-ra-lim-pích trở thành phong trào tập luyện cho tất cả mọi người khuyết tật, nhiều hạng mục ngày càng đồng nhất với Ô-lim-pích.

- Giai đoạn 4 (năm 1988): Pa-ra-lim-pích và Ô-lim-pích thống nhất được tổ chức cùng nhau tại một thành phố, sử dụng cùng cơ sở vật chất và liền mạch về thời gian.

Câu 3 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phân tích và chỉ ra vai trò của yếu tố biểu cảm được sử dụng trong văn bản.

Trả lời:

- Mặc dù văn bản nhằm mục đích cung cấp thông tin một cách khách quan, song ta vẫn có thể nhận ra sự ca ngợi của tác giả. Sự ca ngợi này được thể hiện qua cách diễn đạt hàm chứa sự đánh giá.

Ví dụ :”Van Gát (Van Gass) vẫn trở thành một biểu tượng người hùng với hàng triệu người”, “sự kiện thực sự mang tầm quốc tế, “vận động viên xuất sắc như Van Gát toả sáng”, “có rất nhiều những câu chuyện xúc động như của Van Gát và Xnai-đơ (Snyder)”,...

Câu 4 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Qua cách giới thiệu về lịch sử của kì thi Pa-ra-lim-pích, bạn nhận ra thông điệp gì của tác giả?

Trả lời:

- Thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua cách giới thiệu về lịch sử của kì thi Pa-ra-lim-pích: Tác giả muốn nhấn mạnh vị trí ngày càng bình đẳng của Pa-ra-lim-pích với Ô-lim-pích, qua đó khẳng định tiếng nói bình đẳng của những người khuyết tật.

Bài tập 4 trang 16 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại văn bản Ca nhạc ở Miệt Vườn trong SGK Ngữ văn 11, tập hai (tr. 89 – 92) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 16 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đờn ca tài tử có mối liên hệ như thế nào với sự phát triển của chữ quốc ngữ ở miền Nam Việt Nam?

Trả lời:

- Chữ quốc ngữ là phương tiện để phổ biến các bài ca tài tử. Để làm sáng tỏ ý chính, tác giả cung cấp ví dụ cụ thể về một tập sách đờn ca tài tử được xuất bản bằng chữ quốc ngữ.

Câu 2 trang 16 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Cộng đồng biểu diễn và thưởng thức đờn ca tài tử bao gồm những thành phần nào? Các thành phần này có mối quan hệ với nhau ra sao?

Trả lời:

- Cộng đồng đờn ca tài tử bao gồm các thành phần chính:

+ Người chơi nhạc: tài tử, người phong lưu, không đặt vấn đề danh lợi.

+ Người thưởng thức âm nhạc: thành phần trung lưu trong xã hội.

+ Người tổ chức (chủ nhà): thân hào, nhân sĩ hoặc hương chức hội tề, là người có thể không biết đờn ca nhưng lại dám “xuất tiền ra xài vô điều kiện”.

- Ba thành phần này tương tác và cộng hưởng, khiến cho đờn ca tài tử trở thành một hoạt động giải trí, nghệ thuật và sinh hoạt văn hoá đặc sắc của Miệt Vườn.

Câu 3 trang 16 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đờn ca tài tử có vai trò gì đối với sự phát triển của nghệ thuật cải lương ở Nam Bộ?

Trả lời:

- Đờn ca tài tử liên quan đến việc hình thành ngành cải lương mà Miệt Vườn là lò đào tạo. Từ cái nôi đờn ca tài tử, các nghệ sĩ đã không ngừng cải tiến, sáng tạo để tạo ra những hình thức biểu diễn mới, những giai điệu mới, nhạc cụ mới. Những yếu tố này sẽ là nền tảng cho sự ra đời của sân khấu cải lương một “đặc sản” văn hoá của miền Tây Nam Bộ.

Câu 4 trang 16 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đờn ca tài tử hình thành và phát triển trong bối cảnh nào?

Trả lời:

Bối cảnh để đờn ca tài tử hình thành và phát triển:

- Bối cảnh chính trị: Đờn ca tài tử hình thành trong bối cảnh ngoại bang đô hộ. các chức vụ quan trọng trong chính quyền đều trong tay người Pháp, thương mại nằm trong tay người Hoa kiều hoặc Ấn Độ, khiến cho các ông chủ đồn điền bản xứ phải dựa vào tầng lớp trung lưu và giới bình dân. Đờn ca tài tử là cơ hội để truyền bá lòng yêu nước, thoát khỏi sự lưu ý của nhà cầm quyền.

- Bối cảnh kinh tế: Đờn ca tài tử ra đời ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ mới thành lập, lúa gạo thừa thãi, tiền bạc dư dả. Đờn ca tài tử là hình thức giải trí lành mạnh của người dân Nam Bộ.

- Bối cảnh xã hội: Đờn ca tài tử được phổ biến với sự phát triển của chữ quốc ngữ và ngành xuất bản.

Câu 5 trang 16 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Chỉ ra trình tự sắp xếp các thông tin trong văn bản.

Trả lời:

Các thông tin trong văn bản được trình bày theo tầm quan trọng của vấn đề:

- Đờn ca tài tử phát triển dựa trên phương tiện là sự phổ biến của chữ quốc ngữ.

- Đờn ca tài tử là hình thức giao lưu tình cảm, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng người sáng tác – biểu diễn, người thưởng thức và người tổ chức.

- Đờn ca tài tử là môi trường thúc đẩy sự ra đời của sân khấu cải lương ở miền Tây Nam Bộ

Câu 6 trang 16 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phân tích quan điểm, thái độ của tác giả được thể hiện trong văn bản.

Trả lời:

- Mặc dù không bày tỏ một cách trực tiếp quan điểm, thái độ, nhưng qua cách trình bày thông tin trong văn bản, tác giả đã khẳng định giá trị của đờn ca tài tử là kết tinh của đời sống văn hoá, tinh thần và là cái nôi nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống Nam Bộ.

Câu 7 trang 16 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Các từ ngữ địa phương được tác giả sử dụng trong văn bản có tác dụng gì?

Trả lời:

- Các từ ngữ địa phương được tác giả sử dụng trong văn bản giúp tái hiện một cách sống động lời ăn, tiếng nói của người Nam Bộ, làm phong phú kho tàng ngôn ngữ của người đọc, giúp người đọc hiểu hơn về văn hoá Nam Bộ.

Bài tập 5 trang 16, 17 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Chúng ta đều là anh chị em với máy móc của chúng ta, nhà sử học công nghệ Gioóc-giơ Đi-xơn (George Dyson) đã từng lưu ý như vậy. Quan hệ anh chị em rất gần gũi, và mối quan hệ với người họ hàng công nghệ của chúng ta cũng như vậy. Chúng ta yêu thích máy móc – không chỉ vì chúng có ích cho chúng ta, mà còn bởi vì chúng ta thấy chúng thân mật và thậm chí còn đẹp đẽ nữa. Trong một chiếc máy được chế tạo tốt, chúng ta thấy một số ước muốn sâu xa nhất của chúng ta được thể hiện: mong muốn hiểu được thế giới và sự vận hành của nó, mong muốn mang sức mạnh của thiên nhiên phục vụ cho những mục tiêu riêng, mong muốn bổ sung một cái gì đó mới và hợp sở thích của chúng ta vào vũ trụ, mong muốn được kinh hãi và sửng sốt. Một chiếc máy tinh xảo là khởi nguồn của sự ngạc nhiên và tự hào.

Nhưng máy móc cũng có thể xấu xí, và chúng ta cảm nhận được ở chúng một mối đe doa với những thứ chúng ta yêu quý. Máy móc có thể là một kênh dẫn truyền sức mạnh con người, nhưng sức mạnh này thường bị nắm giữ bởi các nhà công nghiệp và tài chính, những người sở hữu máy móc, chứ không phải những người được trả lương để vận hành chúng. Máy móc đều lạnh lùng và vô tâm, và trong cách chúng vâng lời những kịch bản được lập trình, chúng ta thấy hình ảnh của những tình trạng đen tối hơn của xã hội. Nếu máy móc mang lại điều gì đó nhân bản cho thế giới xa xôi, thì chúng cũng mang lại điều gì đó xa lạ cho thế giới con người. Nhà toán học và triết gia Bớt-ren Ru-xen (Bertrand Russell) diễn tả một cách ngắn gọn trong một bài luận năm 1924:”Máy móc được tôn thờ vì chúng đẹp và được đánh giá cao vì chúng tạo ra sức mạnh; chúng bị căm thù vì chúng gớm ghiếc và bị ghê tởm vì chúng áp đặt tình trạng nô lệ”

(Ni-cô-lat Ca – Nicholas Carr, Lồng kính tự động hoá và chúng ta, Vũ Duy Mẫn dịch, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr. 38 – 39)

Câu 1 trang 17 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Xác định câu chủ đề và các ý chính, ý phụ của mỗi đoạn văn trong văn bản.

Trả lời:

Câu chủ đề

Ý chính

Ý phụ

Chúng ta đều là anh chị em với máy móc của chúng ta.

Giá trị của máy móc và mối quan hệ giữa máy móc với con người

- Máy móc có ích và thân thiện với con người.

- Máy móc thể hiện ước muốn sâu xa của con người.

- Máy móc gợi cảm giác ngạc nhiên và tự hào ở con người.

Nhưng máy móc cũng có thể xấu xí, và chúng ta cảm nhận được ở chúng một mối đe doạ với những thứ chúng ta yêu quý.

Sự đe doạ của máy móc

- Máy móc làm tăng sức mạnh của người sở hữu máy móc chứ không phải người vận hành chúng.

- Máy móc lạnh lùng và vô tâm.

Câu 2 trang 17 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Các thông tin trong văn bản được trình bày theo mô hình tổ chức nào? Nếu tác dụng của mô hình tổ chức đó.

Trả lời:

- Các thông tin trong văn bản được triển khai theo quan hệ tương phản, đối lập.

- Tác dụng: Cách tổ chức thông tin này làm nổi bật mối quan hệ nhiều mặt giữa con người và máy móc.

Câu 3 trang 17 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phân tích quan điểm, thái độ của tác giả được thể hiện trong văn bản.

Trả lời:

- Qua cách nêu lên những thông tin đối lập về mối quan hệ nhiều mặt giữa con người và máy móc, tác giả bày tỏ quan điểm: máy móc vừa có ích lợi và giá trị nhưng đồng thời cũng có thể là một mối đe doạ với đời sống con người. Quan điểm này còn được thể hiện gián tiếp bằng cách tác giả trích dẫn các nhận định nổi tiếng của nhà sử học Gioóc-giơ Đi-xơn và nhà triết học Bớt-ren Ru-xen.

Câu 4 trang 17 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Từ những thông tin được trình bày trong văn bản trên và trong văn bản Trí thông minh nhân tạo của Ri-sát Oát-xơn (Richard Watson) trong SGK Ngữ văn 11, tập hai, bạn có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa con người và máy móc?

Trả lời:

Nhận xét về mối quan hệ giữa con người và máy móc thông qua hai văn bản:

- Hai văn bản đều đề cập đến khả năng đặc biệt của máy móc; mối quan hệ giữa con người và máy móc; dự báo những viễn cảnh của tương lai, khi máy móc có thể vượt qua năng lực của con người.

+ Máy móc có thể thay thế con người trong phần lớn các hoạt động của đời sống, thậm chí cả những hoạt động mang tính chất sáng tạo. Điều này khiến cho nhân loại phải đối diện với một cuộc khủng hoảng mới – nguy cơ trở nên vô dụng trước sự phát triển của trí thông minh nhân tạo và tự động hoá.

Trong khi máy móc ngày càng trở nên “người” hơn thì con người lại có xu hướng bị máy móc hoá, trở nên vô cảm và bị thao túng bởi máy móc. Đây là viễn cảnh bi đát cho tương lai của nhân loại.

- Máy móc là phương tiện được sáng tạo bởi con người, và do vậy dù máy móc có phát triển đến đâu, nó cũng không thể nào thay thế được con người.

Bài tập 6 trang 17, 18 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Ở Chợ Lớn với nhiều kinh rạch nối với miền Tây, người Việt đã tổ chức đua thuyền và hát bội trong dịp lễ cầu mưa vào năm 1864. Hát bội như vậy rất được ưa chuộng trong dân chúng và thường các buổi lễ đều có trình diễn các tuồng cho dân xem.

Tờ Le Monde Illustré ngày 17/02/1877 có bài viết về một buổi đi xem hát bội ở Chợ Lớn và cho biết Chợ Lớn đã có rạp hát bội này từ lâu:

“... Từ lâu lắm rồi, Chợ Lớn đã có một rạp hát bội. Rạp này vừa mới được tu sửa lại. Vào mỗi buổi tối, một đám rất đông người tụ tập ở đó. Người Hoa và người An Nam là những khán giả “ruột” của rạp. Và ngay cả người Âu không khinh chê hát bội đôi khi họ cũng đến xem hát trong vài tiếng đồng hồ.

Cảnh mà người ta xem trình diễn thật là lí thú.

Sự lộng lẫy và đa dạng của trang phục, cái độc đáo của các nón đội, hình dáng kì dị đặc trưng của các mặt nạ trang trí với râu dài quá mức, vải lụa óng ánh rực rỡ với nhiều đường thêu; tuồng hát với các diễn viên được trời ban cho một tài năng bắt chước rất lỗi lạc; âm nhạc, hay nói đúng hơn là tiếng ồn hoang dã của dàn nhạc trên sân khấu; những tiếng cọt kẹt của đàn ba dây; những tiếng la xé tai của kèn ô-boa (hautbois); những tiếng sấm sét của cồng chiêng đánh theo giọng nói rất cao và chói tai của các nghệ sĩ; tóm lại, tất cả cái tập hợp quái lạ này, cho ta thấy một cảnh tượng ngoạn mục, thu hút và đôi khi khiến chúng ta ngạc nhiên, thảng thốt.

Điều không may mắn là, để có cái thú vui này thì phải trả giá khá đắt, bởi vì ảnh sáng từ dầu dừa, tuy đem lại sự huy hoàng của sân khấu, những mùi dầu dừa bị đốt cháy choán đầy không khí lại làm thít cổ họng của những người Âu mảnh dẻ, trong những giờ diễn đầu tiên...

(Nguyễn Đức Hiệp, Nghệ thuật sân khấu: hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ cuối thế kỉ XIX đến 1945, NXB Văn hoá – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr. 21 – 22)

Câu 1 trang 18 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Xác định các ý chính, ý phụ trong văn bản.

Trả lời:

Văn bản gồm các ý chính, ý phụ sau:

– Giới thiệu về nghệ thuật hát bội

– Mô tả cảnh tượng một buổi biểu diễn hát bội:

+ Khán giả của sân khấu hát bội

+ Cảnh tượng diễn ra trên sân khấu

+ Cảm nhận của khán giả

Câu 2 trang 18 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của yếu tố miêu tả trong văn bản.

Trả lời:

-Yếu tố miêu tả thể hiện qua việc bài báo mà văn bản trích dẫn sử dụng rất nhiều tính từ, từ tượng thanh, tượng hình (lộng lẫy, đa dạng, kì dị, óng ánh, rực rỡ cọt kẹt, tiếng la xé tai, ngoạn mục,...) nhằm tái hiện cảnh tượng diễn ra trên sàn khấu hát bội. Yếu tố miêu tả trong văn bản thông tin một mặt góp phần làm rõ, chỉ tiết hoá thông tin, một mặt giúp người đọc có thể hình dung cụ thể về đối tượng và làm tăng sức hấp dẫn của văn bản.

Câu 3 trang 18 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Sinh hoạt nghệ thuật được thông tin trong văn bản hiện lên qua con mắt của đối tượng nào? Vì sao bạn xác định như vậy?

Trả lời:

- Sinh hoạt nghệ thuật hát bội hiện lên qua con mắt của một người nước ngoài hoàn toàn xa lại với văn hóa truyền thống của người Nam Bộ vì từ điểm nhìn bên ngoài đó, sân khấu hát bội được miêu tả vừa hấp dẫn, lôi cuốn bởi sự khác biệt, độc đáo của nó, vừa gây cảm giác xa lạ, kì quặc, khó chịu nơi người quan sát.

Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Qua văn bản, bạn biết thêm điều gì về đời sống văn hóa của người Nam Bộ thời kì cuối thế kỉ XIX?

Trả lời:

- Thông qua văn bản, người đọc hiểu được đời sống văn hoá rất sôi nổi, đa dạng và độc đáo của người Nam Bộ cuối thế kỉ XIX. Trong đó, hát bội không chỉ được biểu diễn như một bộ môn nghệ thuật trên sân khấu mà còn là một phần của nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng. Qua việc trích dẫn trực tiếp một đoạn trích trên tờ báo của Pháp, tác giả cũng cho thấy hát bội ra đời và phát triển cảnh thuộc địa, nơi nền văn hoá bản địa bắt đầu được quan sát, đánh giá từ cái nhìn bên ngoài.

Bài tập 7 trang 18, 19 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Nữ trọng tài người Pháp Xtê-pha-ni Phờ-rap-pát (Stephanie Frappart) đi vào lịch sử World Cup khi trở thành “nữ hoàng áo đen” đầu tiên điều khiển chính một trận đấu World Cup. Cùng với cô còn có năm nữ trọng tài nữa được phân công làm nhiệm vụ ở ngày hội bóng đá thế giới diễn ra tại Qua-ta (Qatar).

Họ là Sa-li-ma Mu-kan-sang – Salima Mukansang (Ru-an-đa – Rwanda), L-6-si-mi Ya-ma-si-ta – Yoshimi Yamashita (Nhật Bản) – hai trọng tài được phân nhiệm vụ bắt chính như Phờ-rap-pát, cùng Nê-o-da Bách – Neuza Back (Bra-xin – Brazil), Ka-ren Đi-át – Karen Diaz (Mê-xi-cô – Mexico) và Ka-thơ-rin Ne-xbit – Kathryn Nesbitt (Mỹ) là các trợ lí trọng tài.

Trong đó, Bách và Đi-át hỗ trợ Phờ-rap-pát để trở thành tổ trọng tài toàn nữ đầu tiên ở World Cup nam giới – một cột mốc lịch sử. Các “nữ hoàng áo đen” này làm việc ở rất nhiều khu vực trong World Cup 2022, mỗi người đều tham gia từ hai đến bốn trận đấu.

“Tôi biết đây là sự kiện mới mẻ và thu hút chú ý vì họ là phụ nữ. Nhưng với tôi, họ là những trọng tài. Đây là thông điệp tôi muốn gửi cho họ trước trận đấu: Các cô ở đây không phải vì các cô là phụ nữ, mà vì các cô là những trọng tài đủ tiêu chuẩn của FIFA. Tất nhiên luôn có những hạn chế cho việc bổ nhiệm trọng tài, chủ yếu liên quan đến tính trung lập. Nhưng tất cả các trọng tài chính thức của FIFA đều sẵn sàng điều hành bất kì trận đấu nào”, cựu trọng tài lừng danh người Ý, nay là Trưởng ban trọng tài World Cup 2022, Pi-e-lu-gi Co-li-nơ (Pierluigi Collina) phát biểu.

Đây không phải lần đầu tiên các nữ trọng tài điều hành những trận đấu của nam giới. Phờ-rap-pát từng điều hành các trận đấu của Giải hạng nhất Pháp (Ligue 2). Bách từng bắt chính các trận ở Copa Sudamericana (giải đấu Nam Mỹ tương ứng với Europa League của châu Âu).

Đi-át thì đi vào lịch sử bóng đá Mê-xi-cô khi điều hành trận chung kết lượt về Liga MX – tức giải vô địch quốc gia Mê-xi-cô.

Nhưng World Cup vẫn là câu chuyện hoàn toàn khác. Sự hiện diện của các nữ trọng tài ở đây loan đi những thông điệp mạnh mẽ về bình đẳng giới, đồng thời cũng gây ra nhiều tranh luận.

Cựu danh thủ Pháp Giê-rôm Rô-then (Jerome Rothen) lập hẳn một chương trình radio để chỉ trích việc FIFA sử dụng trọng tài nữ ở World Cup.

Theo lí luận của Rô-then, cùng không ít fan bóng đá khác, động thái của FIFA chỉ đơn giản là “làm màu”, và những nữ trọng tài như Phờ-rap-pát, Bách hay Đi-át không thể theo kịp một trận bóng đá nam.

Trận đấu lịch sử do tổ trọng tài của Phờ-rap-pát điều hành – giữa Đức và Cốt-xta Ri-ca (Costa Rica) – cũng xuất hiện ít nhiều lợn cợn. Một số pha căng cờ của Đi-át bị người hâm mộ chỉ trích là không chuẩn xác, trong khi Phờ-rap-pát phải nhiều lần nhờ đến sự hỗ trợ của VAR để đưa ra quyết định chính xác.

Nhưng không phải mọi chuyện đều tiêu cực. Sự hiện diện của các trọng tài nữ ít nhiều khơi dậy tính cao thượng (vốn ngày càng ít) trong các cầu thủ bóng đá đỉnh cao.

Với những tình huống gây tranh cãi, cầu thủ cũng bớt “vây hãm” trọng tài để tạo áp lực. Thêm vào đó, công nghệ hỗ trợ trọng tài ngày càng tối tân đủ để giúp hạn chế các sai sót lớn trong những tình huống quan trọng.

(Huy Đăng, Trọng tài nữ: ăn uy gồm đủ, báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ngày 10/12/2022)

Câu 1 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đoạn mở đầu văn bản có thể tạo nên ấn tượng gì ở người đọc?

Trả lời:

- Thông tin chính được giới thiệu trong đoạn mở đầu văn bản là nữ trọng tài người Pháp Xtê-pha-ni Phờ-rap-pát trở thành trọng tài nữ đầu tiên điều khiển chính một trận đấu World Cup ở Qua-ta 2022. Thông tin này gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc, bởi trước đó, các trọng tài World Cup đều là nam, và tại Qua-ta, trong thể thao, đặc biệt là bóng đá, đó vẫn không phải là sân chơi dành cho nữ giới. Sự kiện này đã thách thức những khuôn mẫu về giới trong thể thao và gợi sự tò mò cho người đọc. Thông tin tiếp đó về việc năm nữ trọng tài khác cũng được phân công nhiệm vụ tại World Cup góp phần truyền tải thêm thông điệp về bình đẳng giới.

Câu 2 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Xác định các ý chính, ý phụ trong văn bản.

Trả lời:

Ý chính

Ý phụ

Giới thiệu sự kiện

- Xtê-pha-ni Phờ-rap-pát trở thành nữ trọng tài đầu tiên bắt chính tại World Cup 2022 cùng năm nữ trọng tài khác.

- Tổ trọng tài nữ đầu tiên ở World Cup 2022 được thành lập.

Bình luận về sự kiện

- Phát biểu của Trưởng ban trọng tài Pi-e-lu-gi Co-li-nơ.

- Chỉ trích của cựu danh thủ Pháp Giê-rôm Rô-then.

- Bình luận của tác giả.

Câu 3 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: “Đây là thông điệp tôi muốn gửi cho họ trước trận đấu: Các cô ở đây không phải vì các cô là phụ nữ, mà vì các cô là những trọng tài đủ tiêu chuẩn của FIFA”. Bạn hiểu như thế nào về phát biểu này?

Trả lời:

- Phát biểu này nhằm phủ định những định kiến về nữ giới trong thể thao và khẳng định năng lực cũng như vị thế bình đẳng của các trọng tài nữ ở World Cup.

Câu 4 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tác giả có dụng ý gì khi nêu những ý kiến phê bình, chỉ trích của dư luận đối với sự hiện diện của nữ trọng tài ở World Cup năm 2022?

Trả lời:

- Các ý kiến phê bình, chỉ trích của dư luận trước sự hiện diện của nữ trọng tài ở World Cup 2022 cho thấy bất kể những nỗ lực của nhân loại trong việc ghi nhận vai trò của phái nữ trong các hoạt động xã hội, thì những định kiến về giới vẫn khó có thể xoá bỏ.

Câu 5 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Văn bản đặt ra vấn đề gì? Trước vấn đề đó, tác giả đã thể hiện quan điểm, thái độ gì?

Trả lời:

- Văn bản đặt ra vấn đề vị trí của phái nữ trong xã hội nói chung và trong thể thao nói riêng.

- Tác giả không trực tiếp bày tỏ quan điểm của mình, mà ngầm truyền tải thông điệp về bình đẳng giới thông qua cách chọn lọc sự kiện, nhân vật (chọn viết về một trọng tài nữ trong một sự kiện thể thao vốn là sân chơi của đàn ông); qua cách cung cấp những bình luận trái chiều về nhân vật và sự kiện; bằng cách nêu lên những bình luận khách quan (“Sự hiện diện của các trọng tài nữ ít nhiều khơi dậy tính cao thượng (vốn ngày càng ít) trong các cầu thủ bóng đá đỉnh cao”, “cầu thủ cũng bớt “vây hãm” trọng tài để tạo áp lực”, “công nghệ hỗ trợ trọng tài ngày càng tối tân,...). Từ đó, ta có thể nhận ra quan điểm của tác giả Tuy vẫn tồn tại những định kiến về giới trong thế thao, nhưng đã đến lúc cần ghi nhận năng lực và những đóng góp của phái nữ.

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 bộ sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Viết trang 19

Nói và Nghe trang 20

1 207 30/11/2023


Xem thêm các chương trình khác: