Lý thuyết Sinh học 10 Bài 7 (Cánh diều): Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

Tóm tắt lý thuyết Lịch Sử lớp 10 Bài 7: Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực ngắn gọn, chi tiết sách Cánh diều sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Sinh học 10.

1 1,749 13/02/2023


Lý thuyết Sinh học 10 Bài 7: Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

A. Lý thuyết Sinh học 10 Bài 7: Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

I. Tế bào nhân sơ

- Kích thước: Tế bào nhân sơ có kích thước rất nhỏ (khoảng 0,5 – 10 µm) nên tỉ lệ S/V lớn dẫn đến tế bào nhân sơ có khả năng trao đổi chất, sinh trưởng và sinh sản nhanh chóng.

- Hình dạng: Tế bào nhân sơ thường có hình cầu, hình que, hình xoắn.

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 7: Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

- Cấu tạo: Tế bào nhân sơ có cấu tạo rất đơn giản; gồm các thành phần chính là thành tế bào, màng sinh chất, tế bào chất, vùng nhân.

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 7: Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

+ Thành tế bào: được cấu tạo từ peptidoglycan; có vai trò quy định hình dạng và sự cứng chắc của tế bào, chống lại áp lực của nước đi vào tế bào và sự gây hại của các sinh vật hay tế bào khác.

+ Màng tế bào: được cấu tạo từ lớp kép phospholipid và protein; có vai trò kiểm soát sự ra vào tế bào của các chất.

+ Tế bào chất: không có bào quan có màng bao bọc, chỉ có bào quan duy nhất là ribosome thuộc loại nhỏ 70S – bộ máy tổng hợp protein; tế bào chất là nơi diễn ra các phản ứng sinh hóa đảm bảo duy trì hoạt động sống của tế bào. Ngoài ra, ở một số tế bào vi khuẩn, tế bào chất còn chứa một hoặc một số phân tử DNA vòng, nhỏ gọi là plasmid; plasmid chứa một số gene hỗ trợ cho sự sinh trưởng của vi khuẩn như gene kháng kháng sinh.

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 7: Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

+ Vùng nhân: chứa chất di truyền là các phân tử DNA dạng vòng kép, không có màng bao bọc; có chức năng mang thông tin di truyền.

+ Ngoài ra, nhiều vi khuẩn có thêm một số thành phần khác như: vỏ nhầy bao phủ bên ngoài thành tế bào giúp vi khuẩn bám dính vào các bề mặt và bảo vệ tế bào tránh các tác nhân bên ngoài; lông nhung bên ngoài vỏ nhầy giúp vi khuẩn bám vào các bề mặt; roi có vai trò thực hiện di chuyển của tế bào.

II. Tế bào nhân thực

- Kích thước: Tế bào nhân thực có kích thước khoảng 10 – 100 µm. Một số tế bào có kích thước lớn hơn nhiều như tế bào thần kinh, tế bào trứng, tế bào mạch gỗ,…

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 7: Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

- Cấu tạo: Tế bào nhân thực có cấu tạo phức tạp, gồm các thành phần chính là màng sinh chất, tế bào chất, nhân.

+ Tế bào chất được xoang hóa nhờ hệ thống nội màng, có hệ thống các bào quan có màng và không có màng đảm bảo cho nhiều hoạt động sống diễn ra trong cùng một thời gian.

+ Nhân hoàn chỉnh (có màng bao bọc).

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 7: Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

* Phân biệt tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực:

Tế bào nhân sơ

Tế bào nhân thực

- Có kích thước nhỏ hơn.

- Có kích thước lớn hơn.

- Chưa có màng nhân bao bọc vật chất di truyền (vùng nhân).

- Có màng nhân bao bọc vật chất di truyền (nhân hoàn chỉnh).

- Chưa có hệ thống nội màng.

- Có hệ thống nội màng chia tế bào chất thành các khoang riêng biệt.

- Không có hệ thống các bào quan có màng bao bọc.

- Có hệ thống các bào quan có màng và không có màng bao bọc.

- Không có hệ thống khung xương tế bào.

- Có hệ thống khung xương tế bào.

* Phân biệt tế bào thực vật và tế bào động vật:

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 7: Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

III. Thực hành quan sát tế bào nhân sơ

1. Chuẩn bị

- Mẫu vật: dịch chứa vi khuẩn (nước dưa chua, dịch sữa chua, nước thịt luộc để nguội sau 24 – 48 giờ,…).

- Tranh, ảnh hoặc video về một số loại vi khuẩn.

- Hóa chất: dung dịch thuốc nhuộm fuchsin, nước cất.

- Dụng cụ: kính hiển vi quang học, dầu soi kính, lam kính, kim mũi mác, đèn cồn, giấy thấm, đĩa đồng hồ, ống nhỏ giọt.

2. Tiến hành

- Dùng ống nhỏ giọt lấy một giọt dịch từ lọ đựng mẫu vật và nhỏ lên lam kính.

- Dùng kim mũi mác dàn mỏng giọt dịch lên lam kính.

- Hơ nhẹ lam kính trên ngọn lửa đèn cồn sao cho nước bay hơi hết.

- Nhỏ một giọt thuốc nhuộm fuchsin lên vết mẫu đã khô trên lam kính và để yên trong 2 phút.

- Đặt nghiêng lam kính trên đĩa đồng hồ và dùng ống nhỏ giọt nhỏ từ từ nước cất vào một phía lam kính sao cho nước chảy qua vết nhuộm. Nhỏ nước cho đến khi nước rửa không còn màu thuốc nhuộm.

- Dùng giấy thấm nhẹ nhàng thấm khô xung quanh vết nhuộm.

- Đặt và cố định tiêu bản trên lam kính.

- Quan sát tiêu bản ở vật kính 10× để chọn phần dễ quan sát rồi nhỏ một giọt dầu soi kính lên vết nhuộm và chuyển sang vật kính 100× để quan sát.

- Quan sát thêm hình dạng vi khuẩn qua tranh, ảnh hoặc video.

3. Báo cáo

- Vẽ và mô tả tóm tắt hình dạng các loại vi khuẩn em đã quan sát được.

- Viết báo cáo thực hành theo gợi ý ở bài 6.

B. Bài tập trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 7: Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

Câu 1: Nối thành phần cấu trúc của tế bào nhân sơ (cột A) với chức năng tương ứng (cột B) để được nội dung đúng.

Cột A

Cột B

(1) Thành tế bào

(2) Màng tế bào

(3) Tế bào chất

(4) Vùng nhân

(a) Mang thông tin di truyền quy định các đặc điểm của tế bào.

(b) Tạo hình dạng và sự cứng chắc của tế bào, chống lại áp lực của nước đi vào tế bào và các tác nhân gây hại khác.

(c) Đóng vai trò kiểm soát sự ra vào tế bào của các chất.

(d) Là nơi diễn ra các phản ứng sinh hóa, đảm bảo duy trì hoạt động sống của tế bào.

A. 1-b, 2-c, 3-d, 4-a.

B. 1-c, 2-b, 3-d, 4-a.

C. 1-b, 2-c, 3-a, 4-d.

 

D. 1-c, 2-b, 3-a, 4-d.

Đáp án: A

Giải thích:

1-b: Thành tế bào tạo hình dạng và sự cứng chắc của tế bào, chống lại áp lực của nước đi vào tế bào và các tác nhân gây hại khác.

2-c: Màng tế bào đóng vai trò kiểm soát sự ra vào tế bào của các chất.

3-d: Tế bào chất là nơi diễn ra các phản ứng sinh hóa, đảm bảo duy trì hoạt động sống của tế bào.

4-a: Vùng nhân mang thông tin di truyền quy định các đặc điểm của tế bào.

Câu 2: Dựa vào cấu trúc nào sau đây để phân biệt vi khuẩn Gram dương (Gram +) và vi khuẩn Gram âm (Gram -)?

A. Thành tế bào.

B. Vùng nhân.

C. Màng sinh chất.

D. Plasmid.

Đáp án: A

Giải thích: Dựa vào sự khác nhau trong cấu tạo của thành tế bào mà người ta phân biệt vi khuẩn Gram dương (Gram +) và vi khuẩn Gram âm (Gram -): Vi khuẩn Gram dương có thành dày và không có lớp màng ngoài còn vi khuẩn Gram âm có thành mỏng và có lớp màng ngoài.

Câu 3: Chất di truyền của tế bào nhân sơ là

A. phân tử DNA dạng vòng kép gồm khoảng vài nghìn gene nằm ở vùng nhân, không có màng bao bọc.

B. phân tử DNA dạng thẳng kép gồm khoảng vài nghìn gene nằm ở vùng nhân, không có màng bao bọc.

C. phân tử DNA dạng vòng kép gồm khoảng vài nghìn gene nằm ở vùng nhân, có màng bao bọc.

D. phân tử DNA dạng thẳng kép gồm khoảng vài nghìn gene nằm ở vùng nhân, có màng bao bọc.

Đáp án: A

Giải thích: Chất di truyền của tế bào nhân sơ là phân tử DNA dạng vòng kép gồm khoảng vài nghìn gene nằm ở vùng nhân, không có màng bao bọc.

Câu 4: Trong hệ thống phân loại 5 giới, sinh vật được cấu tạo từ tế bào nhân sơ thuộc giới nào sau đây?

A. Giới Nguyên sinh.

B. Giới Khởi sinh.

C. Giới Động vật.

D. Giới Nấm và giới Thực vật.

Đáp án: B

Giải thích: Trong hệ thống phân loại 5 giới, giới Khởi sinh gồm những sinh vật được cấu tạo từ tế bào nhân sơ.

Câu 5: Tên gọi tế bào nhân sơ bắt nguồn từ đặc điểm nào sau đây?

A. Vật chất di truyền của tế bào chỉ chứa 1 phân tử DNA dạng vòng kép, không liên kết với protein.

B. Vật chất di truyền của tế bào nằm trong một vùng của tế bào chất, không có màng nhân bao bọc.

C. Tế bào chất của tế bào không chứa các bào quan có màng bao bọc, chỉ có duy nhất bào quan ribosome.

D. Tế bào chất của tế bào không có hệ thống nội màng để chia tế bào chất thành các khoang nhỏ.

Đáp án: B

Giải thích: Tên gọi tế bào nhân sơ bắt nguồn từ đặc điểm là vật chất di truyền của tế bào không có màng bao bọc (nhân chưa hoàn chỉnh).

Câu 6: Bào quan duy nhất có ở tế bào nhân sơ là

A. Peroxisome

B. Lysosome.

C. Ribosome.

D. Bộ máy Golgi.

Đáp án: C

Giải thích: Bào quan duy nhất có ở tế bào nhân sơ là ribosome. Đây là bào quan không có màng bao bọc.

Câu 7: Phát biểu nào sau đây không đúng khi nói về tế bào nhân sơ?

A. Tế bào nhân sơ có kích thước rất nhỏ khoảng 0,5 – 10 μm.

B. Vật chất di truyền là phân tử DNA không có màng bao bọc.

C. Tế bào chất có hệ thống nội màng và khung xương tế bào.

D. Tế bào chất không chứa các bào quan có màng bao bọc.

Đáp án: C

Giải thích: C. Sai. Tế bào chất của tế bào nhân sơ chưa có hệ thống nội màng và khung xương tế bào.

Câu 8: Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về plasmid ở tế bào vi khuẩn?

A. Plasmid là thành phần bắt buộc trong mọi tế bào vi khuẩn.

B. Tế bào vi khuẩn thường chỉ chứa duy nhất 1 phân tử plasmid.

C. Plasmid là phân tử DNA mạch thẳng, nhỏ, không liên kết với protein.

D. Plasmid chứa một số gene hỗ trợ cho sự sinh trưởng, phát triển của vi khuẩn.

Đáp án: D

Giải thích: Plasmid là thành phần không bắt buộc của tế bào vi khuẩn. Ở nhiều tế bào vi khuẩn, thường có một hoặc một số plasmid. Plasmid là phân tử DNA vòng, nhỏ, không liên kết với protein; mang một số gene hỗ trợ cho sự sinh trưởng, phát triển của vi khuẩn như gene kháng kháng sinh.

Câu 9: Vai trò của vỏ nhầy ở tế bào vi khuẩn là

A. giúp tăng khả năng bám dính của tế bào trên các bề mặt và bảo vệ tế bào tránh khỏi các tác nhân bên ngoài.

B. giúp tạo hình dạng và sự cứng chắc của tế bào, chống lại áp lực của nước đi vào tế bào.

C. giúp dự trữ các chất dinh dưỡng để hỗ trợ cho sự sinh trưởng và phát triển của tế bào vi khuẩn.

D. giúp kiểm soát sự vận chuyển các chất đi vào và đi ra khỏi tế bào đồng thởi đảm bảo khả năng sinh độc tố của tế bào.

Đáp án: A

Giải thích: Vỏ nhầy ở tế bào vi khuẩn giúp tăng khả năng bám dính của tế bào trên các bề mặt và bảo vệ tế bào tránh khỏi các tác nhân bên ngoài.

Câu 10: Hai tế bào vi khuẩn A và B đều có hình cầu với đường kính lần lượt là 1 μm và 2 μm. Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về khả năng trao đổi chất của hai tế bào này?

A. Vi khuẩn A có khả năng trao đổi chất nhanh hơn.

B. Vi khuẩn B có khả năng trao đổi chất nhanh hơn.

C. Chỉ vi khuẩn A là có khả năng trao đổi chất.

D. Chỉ vi khuẩn B là có khả năng trao đổi chất.

Đáp án: A

Giải thích: Kích thước tế bào nhỏ thì tỉ lệ S/V của tế bào sẽ lớn, giúp tế bào trao đổi chất với môi trường một cách nhanh chóng hơn. Do đó, tế bào vi khuẩn A với kích thước nhỏ hơn sẽ có khả năng trao đổi chất nhanh hơn.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Sinh học 10 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

1 1,749 13/02/2023


Xem thêm các chương trình khác: