Lý thuyết Sinh học 10 Bài 4 (Cánh diều): Khái quát về tế bào

Tóm tắt lý thuyết Lịch Sử lớp 10 Bài 4: Khái quát về tế bào ngắn gọn, chi tiết sách Cánh diều sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Sinh học 10.

1 1,321 13/02/2023


Lý thuyết Sinh học 10 Bài 4: Khái quát về tế bào

A. Lý thuyết Sinh học 10 Bài 4: Khái quát về tế bào

I. Khái quát học thuyết tế bào

1. Sự ra đời của học thuyết tế bào

- Robert Hooke là người đầu tiên quan sát hình ảnh tế bào dưới kính hiển vi khi ông quan sát mô bần bằng kính hiển vi do ông tự chế tạo.

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 4: Khái quát về tế bào

- Vào những năm 1670, Antonie van Leeuwenhoek đã phát hiện ra vi khuẩn và nguyên sinh động vật. Tuy nhiên, các nhà khoa học này mới chỉ quan sát được hình dạng của tế bào.

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 4: Khái quát về tế bào

- Khoảng giữa thế kỉ XIX, ba nhà khoa học là Matthias Schleiden, Theodor Schwann và Rudolf Virchow đề xuất học thuyết tế bào.

- Đến thế kỉ XX, nhờ ứng dụng của kính hiển vi điện tử cùng với sự phát triển của các phương pháp khác, học thuyết tế bào được bổ sung nhiều nội dung mới.

→ Sự ra đời của học thuyết tế bào gắn liền với lịch sử nghiên cứu và phát triển kính hiển vi.

2. Nội dung của học thuyết tế bào

- Những nội dung khái quát của học thuyết tế bào do 3 nhà khoa học Matthias Schleiden, Theodor Schwann và Rudolf Virchow đề xuất:

+ Tất cả các sinh vật đều được cấu tạo bởi một hoặc nhiều tế bào.

+ Tế bào là đơn vị cơ bản của sự sống.

+ Các tế bào được sinh ra từ các tế bào có trước.

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 4: Khái quát về tế bào

- Những nội dung được bổ sung thêm vào học thuyết tế bào ở thế kỉ XX:

+ Tế bào chứa chất di truyền, thông tin di truyền được truyền từ tế bào này sang tế bào khác trong quá trình phân chia tế bào.

+ Các tế bào đều được cấu tạo từ những thành phần hóa học tương tự nhau.

+ Sự chuyển hóa vật chất và năng lượng đều diễn ra trong tế bào.

+ Hoạt động của tế bào phụ thuộc vào hoạt động của các bào quan bên trong tế bào. Sự phối hợp hoạt động giữa các bào quan này làm cho tế bào mang đặc tính một hệ thống.

+ Hoạt động của một cơ thể sống phụ thuộc vào sự phối hợp hoạt động của các tế bào trong cơ thể.

3. Ý nghĩa của học thuyết tế bào

Học thuyết tế bào ra đời có ý nghĩa to lớn:

- Giúp thay đổi nhận thức của giới khoa học đương thời về cấu tạo của sinh vật.

- Định hướng cho việc phát triển nghiên cứu chức năng của tế bào, cơ thể.

II. Tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể sống

1. Tế bào là đơn vị cấu trúc

- Tế bào là đơn vị cấu trúc của cơ thể sống vì: Mọi sinh vật được cấu tạo từ một hoặc nhiều tế bào. Đồng thời, tế bào là cấp độ tổ chức sống cơ bản thể hiện đầy đủ các hoạt động của một hệ sống.

- Dựa vào số lượng tế bào trong cơ thể, sinh vật được chia thành 2 nhóm: sinh vật đơn bào và sinh vật đa bào.

+ Sinh vật đơn bào là những sinh vật chỉ được cấu tạo từ một tế bào.

+ Sinh vật đa bào là những sinh vật chỉ được cấu tạo từ nhiều tế bào. Ở sinh vật đa bào, có sự phối hợp của nhiều loại tế bào chuyên hóa hình thành các cấp độ tổ chức cao hơn như mô hay cơ quan, hệ cơ quan thực hiện cho các hoạt động sống khác nhau của cơ thể.

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 4: Khái quát về tế bào

- Tế bào chỉ được sinh ra từ tế bào có trước nhờ quá trình phân chia của tế bào.

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 4: Khái quát về tế bào

2. Tế bào là đơn vị chức năng cơ bản của mọi sinh vật sống

- Tế bào là đơn vị chức năng cơ bản của mọi sinh vật sống vì: Các quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, di truyền của cơ thể sinh vật đều diễn ra bên trong tế bào.

Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 4: Khái quát về tế bào

- Tế bào thực hiện những hoạt động sống cơ bản gồm: trao đổi vật chất và chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản, cảm ứng,vận động, tự điều chỉnh và thích nghi. 

B. Bài tập trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 4: Khái quát về tế bà

Câu 1: Nhà khoa học đầu tiên quan sát được hình dạng của vi khuẩn và nguyên sinh động vật là

A.Robert Hooke.

B. Matthias Schleiden.

C. Antonie van Leeuwenhoek.

D. Rudolf Virchow.

Đáp án: C

Giải thích: Vào những năm 1670, Antonie van Leeuwenhoek đã phát hiện ra vi khuẩn và nguyên sinh động vật.

Câu 2: Cho các nội dung sau:

(1) Tất cả các sinh vật đều được cấu tạo bởi một hoặc nhiều tế bào.

(2) Tế bào là đơn vị cơ sở của sự sống.

(3) Các tế bào được sinh ra từ các tế bào có trước.

(4) Tế bào động vật và tế bào thực vật phức tạp hơn tế bào vi khuẩn.

Số nội dung được đề cập đến trong học thuyết tế bào do 3 nhà khoa học là Matthias Schleiden, Theodor Schwann và Rudolf Virchow đề xuất vào khoảng giữa thế kỉ XIX là

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Đáp án: C

Giải thích:

Học thuyết tế bào do 3 nhà khoa học là Matthias Schleiden, Theodor Schwann và Rudolf Virchow đề xuất vào khoảng giữa thế kỉ XIX gồm 3 nội dung là:

(1) Tất cả các sinh vật đều được cấu tạo bởi một hoặc nhiều tế bào.

(2) Tế bào là đơn vị cơ sở của sự sống.

(3) Các tế bào được sinh ra từ các tế bào có trước.

Câu 3: Cho các nội dung sau:

(1) Tế bào chứa chất di truyền, thông tin di truyền được truyền từ tế bào này sang tế bào khác trong quá trình phân chia.

(2) Các tế bào đều được cấu tạo từ những thành phần hóa học tương tự nhau.

(3) Sự chuyển hóa vật chất và năng lượng đều diễn ra trong tế bào.

(4) Hoạt động của tế bào phụ thuộc vào hoạt động của các bào quan bên trong tế bào (ti thể, nhân,…).

(5) Hoạt động của một cơ thể sống phụ thuộc vào sự phối hợp hoạt động của các tế bào trong cơ thể.

Những nội dung được bổ sung cho học thuyết tế bào nhờ ứng dụng kính hiển vi điện tử, phương pháp lai tế bào, sự phát triển của sinh học phân tử vào thế kỉ XX là

A. (1), (2).

B. (1), (2), (3).

C. (1), (2), (3), (4).

D. (1), (2), (3), (4), (5).

Đáp án: D

Giải thích: Những nội dung được bổ sung cho học thuyết tế bào nhờ ứng dụng kính hiển vi điện tử, phương pháp lai tế bào, sự phát triển của sinh học phân tử vào thế kỉ XX là: (1), (2), (3), (4), (5).

Câu 4: Để quan sát được tế bào thường cần sử dụng dụng cụ nào sau đây?

A. Kính hiển vi.

B. Kính lúp.

C. Mắt thường.

D. Kính viễn vọng.

Đáp án: A

Giải thích: Tế bào có kích thước nhỏ, thường không thể quan sát bằng mắt thường → Để quan sát được tế bào thường cần phải sử dụng kính hiển vi.

Câu 5: Nhà khoa học đầu tiên quan sát được tế bào dưới kính hiển vi là

A. Robert Hooke.

B. Matthias Schleiden.

C. Theodor Schwann.

D. Rudolf Virchow.

Đáp án: A

Giải thích: Khi quan sát các mô bần qua kính hiển vi, nhà khoa học Robert Hooke đã nhìn thấy mô bần được cấu tạo từ những ô hay khoang nhỏ, ông gọi chúng là "cella".

Câu 6: Tại sao nói "Lịch sử nghiên cứu tế bào gắn liền với lịch sử nghiên cứu và phát triển kính hiển vi"?

A. Vìkhông có kính hiển vi thì các nhà khoa học không thể quan sát được bất kì một loại tế bào nào.

B. Vì sự nghiên cứu và phát triển kính hiển vi có tỉ lệ nghịch so với sự nghiên cứu và phát triển tế bào.

C. Vì kính hiển vi ngày càng được cải tiến thì càng tạo cơ hội cho các nhà khoa học quan sát được tế bào một cách rõ nét và kĩ càng hơn.

D. Vì lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát được hình dạng của tế bào là nhờ sự hỗ trợ của kính hiển vi.

Đáp án: C

Giải thích: Lịch sử nghiên cứu tế bào gắn liền với lịch sử nghiên cứu và phát triển kính hiển vivì kính hiển vi ngày càng được cải tiến thì càng tạo cơ hội cho các nhà khoa học quan sát được tế bào một cách rõ nét và kĩ càng hơn.

Câu 7: Phát biểu nào sau đây là không đúng với nội dung của học thuyết tế bào?

A. Tế bào là đơn vị cơ sở của sự sống.

B. Các tế bào được sinh ra từ các tế bào có trước.

C. Tất cả các sinh vật đều được cấu tạo bởi nhiều tế bào.

D. Các tế bào đều được cấu tạo từ những thành phần hóa học tương tự như nhau.

Đáp án: C

Giải thích: Sai. Tất cả các sinh vật đều được cấu tạo bởi một hoặc nhiều tế bào.

Câu 8: Sự ra đời của học thuyết tế bào có ý nghĩa nào sau đây?

A. Chứng minh tầm quan trọng của tế bào trong quá trình tiến hóa tạo nên sinh giới đa dạng và phong phú như ngày nay.

B. Làm thay đổi nhận thức của giới khoa học thời kì đó về lịch sử phát sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất.

C. Chứng minh tầm quan trọng của kính hiển vi trong việc nghiên cứu cấu tạo và chức năng của tế bào.

D. Làm thay đổi nhận thức của giới khoa học thời kì đó về cấu tạo của sinh vật và định hướng cho việc phát triển nghiên cứu chức năng của tế bào, cơ thể.

Đáp án: D

Giải thích: Sự ra đời của học thuyết tế bào có ý nghĩa làm thay đổi nhận thức của giới khoa học thời kì đó về cấu tạo của sinh vật và định hướng cho việc phát triển nghiên cứu chức năng của tế bào, cơ thể.

Câu 9: Tế bào là đơn vị cấu trúc của cơ thể sống vì

A. tế bào có chứa thông tin di truyền là các phân tử DNA.

B. tế bào được cấu tạo từ thành phần hóa học tương tự nhau.

C. mọi sinh vật đều được cấu tạo từ một hoặc nhiều tế bào.

D. mọi sinh vật đều được cấu tạo từ mô – tập hợp của nhiều tế bào.

Đáp án: C

Giải thích: Mọi sinh vật đều được cấu tạo từ một hoặc nhiều tế bào → Tế bào là đơn vị cấu trúc của cơ thể sống.

Câu 10: Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về điểm khác nhau cơ bản giữa một sinh vật đơn bào và một sinh vật đa bào?

A. Sinh vật đơn bào được cấu tạo từ một tế bào, sinh vật đa bào được cấu tạo từ nhiều tế bào.

B. Sinh vật đơn bào được cấu tạo từ nhiều tế bào, sinh vật đa bào được cấu tạo từ một tế bào.

C. Sinh vật đơn bào được cấu tạo từ một tế bào chuyên hóa, sinh vật đa bào được cấu tạo từ nhiều tế bào không chuyên hóa.

D. Sinh vật đơn bào được cấu tạo từ nhiều tế bào chuyên hóa, sinh vật đa bào được cấu tạo từ một tế bào không chuyên hóa.

Đáp án: A

Giải thích: Sinh vật đơn bào được cấu tạo từ một tế bào, sinh vật đa bào được cấu tạo từ nhiều tế bào.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Sinh học 10 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

1 1,321 13/02/2023


Xem thêm các chương trình khác: