Giải Lịch sử 12 Bài 8 (Chân trời sáng tạo): Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975)

Với giải bài tập Lịch sử 12 Bài 8: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975) sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 12 Bài 8.

1 29 lượt xem


Giải Lịch sử 12 Bài 8: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975)

Khởi động trang 46 Lịch Sử 12: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩ anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX. Cuộc kháng chiến ấy đã diễn ra trong bối cảnh lịch sử và các giai đoạn phát triển như thế nào? Thắng lợi của cuộc kháng chiến này do những nguyên nhân nào, có ý nghĩa lịch sử gì?

Lời giải:

♦ Nguyên nhân thắng lợi:

- Nguyên nhân chủ quan

+ Sự lãnh đạo với đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

+ Truyền thống yêu nước, đoàn kết của nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc.

+ Vai trò của hậu phương miền Bắc, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đấu ở hai miền.

- Nguyên nhân khách quan

+ Tinh thần đoàn kết, sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau của ba nước Đông Dương.

+ Sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các lực lượng tiến bộ, hoà bình, dân chủ và các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc, Liên Xô.

♦ Ý nghĩa lịch sử:

- Đối với Việt Nam

+ Kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mỹ, 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

+ Chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân - đế quốc ở Việt Nam, trên cơ sở đó hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước.

+ Mở ra kỉ nguyên mới của Việt Nam: kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Đối với thế giới

+ Tác động mạnh mẽ đến tình hình nước Mỹ và thế giới.

+ Cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới nửa sau thế kỉ XX, đặc biệt là phong trào giải phóng dân tộc.

1. Bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Câu hỏi trang 46 Lịch Sử 12: Trình bày khái quát bối cảnh lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Lời giải:

- Thế giới:

+ Hệ thống xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh cả về kinh tế, quân sự, khoa học-kĩ thuật.

+ Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh vì hoà bình, dân chủ phát triển mạnh.

+ Chiến tranh lạnh đã lôi kéo các nước vào cuộc chạy đua vũ trang và đối đầu giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.

+ Quan hệ giữa các nước lớn có nhiều diễn biến phức tạp.

+ Đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, đẩy mạnh thực hiện chiến lược toàn cầu nhằm làm bá chủ thế giới.

- Trong nước: sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, Việt Nam tạm thời bị phân chia thành hai miền:

+ Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tạo điều kiện cho việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của cả nước;

+ Ở miền Nam, Mỹ thay thế Pháp dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện chia cắt Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á.

2. Các giai đoạn phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Câu hỏi trang 47 Lịch Sử 12: Trình bày những nét chính của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1954-1960.

Lời giải:

♦ Miền Bắc:

- Từ 1954-1957: Hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh

+ Trong hơn 2 năm (1954 - 1956), miền Bắc tiếp tục tiến hành 6 đợt giảm tô, 4 đợt cải cách ruộng đất. Khẩu hiệu “người cày có ruộng" trở thành hiện thực.

+ Công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh được triển khai rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực (nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải,..).

- Từ 1958-1960: Cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế - xã hội

+ Việc cải tạo quan hệ sản xuất được thực hiện trên các lĩnh vực kinh tế, khâu chính là hợp tác hoá nông nghiệp.

+ Phát triển thành phần kinh tế quốc doanh là nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

- Ý nghĩa: Việc hoàn thành cải cách ruộng đất, thực hiện nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế - xã hội đã:

+ Làm cho cơ cấu kinh tế - xã hội miền Bắc thay đổi, tạo cơ sở cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn tiếp theo;

+ Xây dựng miền Bắc trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, là hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

♦ Miền Nam

- Từ 1954-1958: Đấu tranh chính trị chống chế độ Mỹ - Diệm, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng

+ Đấu tranh chính trị đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi quyền tự do, dân chủ; chống khủng bố, đàn áp.

+ Từ năm 1957, phong trào bước đầu chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.

- Từ 1959-1960: Phong trào Đồng khởi

+ Nghị quyết 15 của Đảng Lao động Việt Nam quyết định sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm.

+ Ban đầu nổ ra lẻ tẻ ở Vĩnh Thạnh (Bình Định), Bác Ái (Ninh Thuận), Trà Bồng (Quảng Ngãi), sau đó lan nhanh thành phong trào trên khắp Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ, tiêu biểu là ở tỉnh Bến Tre.

+ Ý nghĩa của phong trào Đồng khởi:

▪ Giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ;

▪ Làm lung lay chính quyền Ngô Đình Diệm;

▪ Đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

▪ Từ khí thế của phong trào Đồng khởi, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20-12-1960).

Câu hỏi trang 49 Lịch Sử 12: Trình bày những nét chính của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1961-1965.

Lời giải:

♦ Miền Bắc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất

- Miền Bắc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) nhằm bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường thành phần kinh tế quốc doanh, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh.

- Kết quả:

+ Sức mạnh của hậu phương miền Bắc được tăng cường.

+ Hoạt động chi viện cho tiền tuyến miền Nam được đẩy mạnh.

♦ Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ

- Hành động của Mỹ và chính quyền Sài Gòn:

+ Từ năm 1961, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

+ “Chiến tranh đặc biệt” là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới được tiến hành bằng quân đội Sài Gòn, dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn Mỹ, dựa vào trang bị vũ khí và phương tiện kĩ thuật của Mỹ.

+ Để thực hiện kế hoạch, Mỹ và quân đội Sài Gòn tiến hành dồn dân lập “ấp chiến lược”, sử dụng các chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”; mở các cuộc hành quân càn quét lực lượng cách mạng.

- Chủ trương đấu tranh của Đảng Lao động Việt Nam:

+ Chiến đấu chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng và đô thị);

+ Đánh dịch bằng ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận)

- Những thắng lợi quan trọng:

+ Đấu tranh quân sự

▪ Chiến thắng Ấp Bắc (1963) mở ra khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt".

▪ Các chiến thắng Bình Giã (1964), An Lão (1964), Ba Gia, Đồng Xoài (1965)... từng bước làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ.

+ Đấu tranh chính trị

▪ Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng phát triển mạnh.

▪ Các cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên, tín đồ Phật giáo, “Đội quân tóc dài",... đã góp phần đưa đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm.

+ Phong trào phá “Ấp chiến lược”

▪ Phong trào phá “Ấp chiến lược" ở nông thôn diễn ra mạnh mẽ.

▪ Đến giữa năm 1965, “Ấp chiến lược" xương sống của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt" bị phá sản về cơ bản.

Câu hỏi trang 50 Lịch Sử 12: Trình bày những nét chính của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1965-1968.

Lời giải:

♦ Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ

- Hành động của Mỹ và chính quyền Sài Gòn:

+ Từ giữa năm 1965, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

+ “Chiến tranh cục bộ” là loại hình chiến tranh được tiến hành chủ yếu bằng quân đội Mỹ, kết hợp với quân đồng minh của Mỹ và quân đội Sài Gòn.

+ Quân đội Mỹ mở hàng loạt các cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” ở miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất

- Những thắng lợi quan trọng của quân dân miền nam:

+ Mặt trận quân sự:

▪ Giành thắng lợi mở đầu ở Núi Thành (1965), Vạn Tường (1965).

▪ Chiến thắng trong hai mùa khô: 1965 - 1966 và 1966 - 1967.

▪ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đã làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc.

+ Mặt trận chính trị:

▪ Ở thành thị, phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên,... đòi Mỹ rút quán về nước, đòi tự do, dân chủ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

▪ Vị thế và uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được nâng cao.

+ Mặt trận ngoại giao:

▪ Đấu tranh ngoại giao được nâng lên thành một mặt trận từ đầu năm 1967.

▪ Đàm phán chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Chính phủ Mỹ diễn ra tại Pa-ri (1968).

♦ Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phủ hoại lần thứ nhất của Mỹ, vừa sản xuất và thực hiện nghĩa vụ hậu phương

- Chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất:

+ Ngày 5-8-1964, sau khi dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ cho không quân đánh phá một số địa điểm ở miền Bắc. Từ năm 1965, Mỹ chính thức mở rộng chiến tranh ra miền Bắc lần thứ nhất, nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; ngăn chặn nguồn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam; uy hiếp tinh thần, làm lung lay ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam.

+ Trong hơn 4 năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi và phá huỷ 3243 máy bay, bắn chìm 143 tàu chiến của địch. Cuối năm 1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

- Miền Bắc tiếp tục thực hiện tốt vai trò của hậu phương lớn, duy trì hoạt động sản xuất và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Câu hỏi trang 51 Lịch Sử 12: Trình bày những nét chính của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1969-1973.

Lời giải:

♦ Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ

- Hành động của Mỹ và chính quyền Sài Gòn:

+ Từ năm 1969, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” và mở rộng chiến tranh sang Lào, Cam-pu-chia.

+ “Việt Nam hoá chiến tranh” là loại hình chiến tranh được tiến hành chủ yếu bằng lực lượng quân đội Sài Gòn, có sự phối hợp về hoả lực, không quân, hải quân, hậu cần Mỹ và do cố vấn Mỹ chỉ huy.

+ Thủ đoạn:

▪ Mỹ từng bước rút quân về nước nhưng vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn, đồng thời hỗ trợ quân đội Sài Gòn mở các cuộc hành quân sang Cam-pu-chia (1970), tăng cường chiến tranh ở Lào (1971).

▪ Mỹ cũng thực hiện các chính sách ngoại giao để hạn chế sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam;

▪ Gây chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai.

- Thắng lợi tiêu biểu của quân dân miền Nam:

+ Mặt trận quân sự:

▪ Đánh bại cuộc hành quân xâm lược Campuchia (1970).

▪ Đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Đường 9-Nam Lào (1971).

▪ Chiến dịch Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng thắng lợi (1972)

▪ Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 đã chọc thủng 3 phòng tuyến mạnh nhất của quân đội Sài Gòn ở Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, buộc Mỹ phải tuyên bố “Mỹ hoá" trở lại chiến tranh (tức thừa nhận sự thất bại của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh").

+ Mặt trận chính trị:

▪ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam ra đời (tháng 6-1969).

▪ Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương họp, biểu thị quyết tâm đoàn kết chiến đấu chống Mỹ (tháng 4-1970).

+ Mặt trận ngoại giao:

▪ Đàm phán bốn bên chính thức diễn ra tai Pa-ri (25-1- 1969).

▪ Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được kí kết (ngày 27-1-1973).

♦ Miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ và thực hiện nghĩa vụ hậu phương

- Chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai:

+ Trước nguy cơ chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” bị phá sản, từ tháng 4-1972 đến tháng 12-1972, Mỹ tiếp tục gây chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc lần thứ hai.

+ Từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố ở miền Bắc, nhằm giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc Việt Nam phải kí hiệp định có lợi cho Mỹ.

+ Qua 12 ngày đêm chiến đấu, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52. Thắng lợi này được coi như trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc và kí Hiệp định Pa-ri (1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

- Làm nghĩa vụ hậu phương: Trong những năm 1969 - 1972, miền Bắc tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam và chiến trường Lào, Cam-pu-chia.

Câu hỏi trang 53 Lịch Sử 12: Trình bày những nét chính của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1973-1975.

Lời giải:

♦ Miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hậu phương

- Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội:

+ Đến năm 1974, về cơ bản miền Bắc đã khôi phục các cơ sở kinh tế, hệ thống thuỷ nông, mạng lưới giao thông, các công trình văn hoá, giáo dục, y tế.

+ Cuối năm 1974, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trên một số ngành, lĩnh vực đã đạt và vượt mức năm 1964 và năm 1971. Đời sống nhân dân ổn định.

- Chi viện cho miền Nam, Lào, Cam-pu-chia:

+ Trong hai năm 1973 - 1974, miền Bắc đã đưa vào chiến trường miền Nam, Lào, Cam-pu-chia gần 20 vạn bộ đội. Đầu năm 1975 tăng thêm vào 57 000 bộ đội.

+ Miền Bắc tăng cường chi viện vật chất - kĩ thuật, bảo đảm đầy đủ nhu cầu cấp bách cho chiến trường miền Nam.

♦ Miền Nam đấu tranh chống “bình định - lấn chiếm”, tạo thế và lực tiến tới giải phóng hoàn toàn

- Chiến đấu chống “bình định – lấn chiếm:

+ Từ tháng 3-1973, chính quyền Sài Gòn tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, mở các cuộc hành quân “binh định - lấn chiếm” vùng giải phóng.

+ Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 7-1973), từ cuối năm 1973, quân dân miền Nam tiến hành các cuộc đấu tranh chống “bình định - lấn chiếm”, đồng thời chủ động mở một số cuộc tiến công để mở rộng vùng giải phóng.

+ Cuối năm 1974, đầu năm 1975, quân dân miền Nam mở đợt hoạt động quân sự ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, giành thắng lợi quan trọng ở Đường 14 - Phước Long (6-1-1975).

- Giải phóng miền Nam:

+ Hoàn cảnh lịch sử:

▪ Chiến thắng Đường 14 - Phước Long thể hiện sự lớn mạnh và khả năng thắng lợi của Quân Giải phóng, đồng thời cho thấy sự suy yếu, bất lực của quân đội Sài Gòn và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ là rất hạn chế.

▪ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976, đồng thời chỉ rõ: “Nếu thời cơ đến vào dầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

+ Diễn biến chính: cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 diễn ra trong gần hai tháng, trải qua ba chiến dịch lớn.

▪ Chiến dịch Tây Nguyên (4-3 đến 24-3-1975): Quân Giải phóng giành thắng lợi trong trận then chốt Buôn Ma Thuột, khiến hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên rung chuyển rồi sụp đổ. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ tiến công chiến lược sang tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

▪ Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (21-3 đến 29-3-1975): Quân Giải phóng tấn công, giải phóng thành phố Huế, toàn tỉnh Thừa Thiên và Đà Nẵng, mở ra khả năng giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.

▪ Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4 đến 30-4-1975): Quân Giải phóng tấn công, giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Trưa ngày 30-4-1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

+ Kết quả: Đến ngày 2-5-1975, toàn bộ miền Nam cùng các đảo và quần đảo hoàn toàn được giải phóng.

3. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

Câu hỏi trang 54 Lịch Sử 12: Nêu nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975).

Lời giải:

Nguyên nhân chủ quan

- Sự lãnh đạo với đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Truyền thống yêu nước, đoàn kết của nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc.

- Vai trò của hậu phương miền Bắc, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đấu ở hai miền.

Nguyên nhân khách quan

- Tinh thần đoàn kết, sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau của ba nước Đông Dương.

- Sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các lực lượng tiến bộ, hoà bình, dân chủ và các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc, Liên Xô.

Câu hỏi trang 55 Lịch Sử 12: Phân tích ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Lời giải:

Đối với Việt Nam

- Kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mỹ, 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân - đế quốc ở Việt Nam, trên cơ sở đó hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước.

- Mở ra kỉ nguyên mới của Việt Nam: kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đối với thế giới

- Tác động mạnh mẽ đến tình hình nước Mỹ và thế giới.

- Cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới nửa sau thế kỉ XX, đặc biệt là phong trào giải phóng dân tộc.

Luyện tập (trang 55)

Luyện tập trang 55 Lịch Sử 12: Lập bảng thống kê những chiến thắng tiêu biểu của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) theo gợi ý bên vào vở:

Thời gian

Chiến thắng tiêu biểu

1954-1960

1961-1965

1965-1968

1969-1973

1973-1975

Lời giải:

Thời gian

Chiến thắng tiêu biểu

1954-1960

- Miền Bắc: hoàn thành cải cách ruộng đất (1954 – 1957)

- Miền Nam: phát triển Đồng khởi (1959 – 1960)

1961-1965

- Miền Bắc: hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965)

- Miền Nam: đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ, thông qua các chiến thắng, như:

+ Ấp Bắc, Bình Giã, An Lão, Ba Gia, Đồng Xoài

+ Phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân

+ Phong trào phá “Ấp chiến lược”

1965-1968

- Miền Bắc: đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mĩ

- Miền Nam: đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mĩ, thông qua các chiến thắng, như: Núi Thành, Vạn Tường; 2 mùa khô (1965 - 1966 và 1966 – 1967) và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

1969-1973

- Miền Bắc: trận “Điện Biên Phủ trên không” (1972)

- Miền Nam: đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” của Mĩ, thông qua các chiến thắng, như:

+ Đánh bại cuộc hành quân xâm lược Campuchia (1970).

+ Đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Đường 9-Nam Lào (1971).

+ Chiến dịch Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng thắng lợi (1972)

+ Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972.

+ Kí kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam (1973)

1973-1975

- Miền Nam:

+ Chiến thắng Đường 14 – Phước Long

+ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

Vận dụng (trang 55)

Vận dụng trang 55 Lịch Sử 12: Sưu tầm tài liệu, giới thiệu với các bạn trong lớp về những tấm gương hi sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Kế tên những việc em đã tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương.

Lời giải:

(*) Tham khảo: tấm gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 01 tháng 02 năm 1940 tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1954, khi tròn 14 tuổi, anh theo người thân vào Sài Gòn với mong muốn tìm việc làm. Khi đến Sài Gòn, chưa có nghề nghiệp, anh tạm thời đạp xích lô đưa đón khách cả ngày lẫn đêm. Sau đó anh học ngành điện và làm việc tại nhà máy điện Chợ Quán. Trong thời gian làm việc tại đây, hằng ngày chứng kiến bao tội ác của bọn Mỹ - Ngụy gây ra cho nhân dân, anh uất hận và ngày càng căm thù giặc sâu sắc. Từ đây anh đã chọn đường đi cho mình là tham gia cách mạng và trở thành chiến sĩ biệt động, thuộc đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn, thuộc quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Được tin phái đoàn quân sự cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Mắc Namara dẫn đầu, người được coi là kiến trúc sư trưởng của chiến tranh Việt Nam. Dù mới cưới vợ được hơn 10 ngày nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, chàng công nhân trẻ của nhà máy điện Chợ Quán vẫn xung phong nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội tiến hành cài mìn ở cầu Công Lý, nơi dự đoán là Mắc Namara sẽ đi qua. Tuy nhiên, khi anh cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8kg ở đầu cầu thì không may bị bại lộ, anh bị bắt lúc 22 giờ ngày 9 tháng 5 năm 1964. Để đảm bảo an toàn cho tổ chức cách mạng, Nguyễn Văn Trỗi kiên quyết không khai và nhận hết trách nhiệm về mình.

Trong thời gian giam giữ, chúng dùng mọi hình thức tra tấn anh rất dã man hòng tìm ra manh mối, cơ sở cách mạng nhưng anh vẫn một lòng một dạ trung thành với tổ chức. Con người đó luôn biểu lộ một phẩm chất đặc biệt rất vững vàng, không một lúc nào, không một câu nói nào tỏ ra là mình thấp hơn kẻ địch. Ngay cả những lúc bị tra tấn, bị đè xuống đất, bị điện giật văng ra, ngay cả lúc chân bị thương, chân không đứng được nữa anh vẫn giữ được một tư thế rất hiên ngang. Trước mặt kẻ thù, anh nêu lên mục đích hành động của anh: “Muốn miền Nam được giải phóng”. Anh đánh giá hành động của anh: “Đi tìm giết hết bọn xâm lược Mỹ chỉ có công chứ không bao giờ có tội”. Mua chuộc, dụ dỗ anh không được, bọn chúng liền đem chị Quyên (Phan Thị Quyên), vợ anh ra nhằm đe dọa hạnh phúc, anh khẳng khái nói: “còn Mỹ thì không ai có hạnh phúc cả”. Câu nói ấy không chỉ gây xúc động trong tuổi trẻ và nhân dân ta mà tác động đến nhân dân các nước tiến bộ trên thế giới.

Cảm phục trước khí phách chiến đấu của anh, phía bên kia bán cầu, một tổ chức du kích Venezuela muốn làm gì đó để hỗ trợ đất nước Việt Nam. Họ bàn bạc và truy bắt tên trung tá tình báo không quân Hoa Kỳ Michael Smolen để đổi lấy anh Trỗi. Tuy nhiên sau khi viên sĩ quan Hoa Kỳ vừa được trả tự do thì chế độ Mỹ - Ngụy Sài Gòn trở mặt, vội vàng đem anh ra pháp trường Chí Hòa xử bắn vào lúc 9h45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964 trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài. Lúc đó anh vừa tròn 24 tuổi. Tuổi đời còn rất trẻ.

Những giây phút cuối cùng tại pháp trường, trước họng súng của quân thù, anh vẫn với tư thế hiên ngang cùng tinh thần lạc quan. Khi chúng bịt mắt anh lại, anh giật tấm băng đen rồi nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”. Anh tranh thủ từng giây từng phút vạch mặt kẻ thù và bọn tay sai bán nước. Anh hô vang những khẩu hiệu yêu nước mà sau này nó đã trở thành bất tử:

“Hãy nhớ lấy lời tôi:

Đả đảo đế quốc Mỹ!

Đả đảo Nguyễn Khánh!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Hồ Chí Minh muôn năm!”

Đó là những phút làm nên lịch sử của người anh hùng. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra”. Cảm phục trước sự hy sinh cao cả của anh, Bác Hồ đã viết: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã dũng cảm đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

Anh Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng hy sinh nhưng lời anh vẫn còn vang vọng mãi, khắc sâu trong tâm trí của những người yêu chuộng hòa bình và công lý. Tinh thần yêu nước của anh làm chấn động dư luận quốc tế, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân cả nước. Một anh Trỗi ngã xuống, hàng ngàn, hàng vạn anh Trỗi đứng lên. Nhiều thanh niên từ mọi miền quê trên cả nước tạm biệt gia đình, quê hương hăng hái lên đường theo bước chân anh chiến đấu góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một mối.

(*) Tham khảo: Những việc em đã tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương

- Thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh và Mẹ Việt Nam Anh hùng.

- Dọn dẹp các nghĩa trang liệt sỹ; thắp nến tri ân tại các đài tưởng niệm.

- Tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền và nâng cao nhận thức về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

- Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

- ….

1 29 lượt xem


Xem thêm các chương trình khác: