Giải Lịch sử 12 Bài 14 (Chân trời sáng tạo): Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh

Với giải bài tập Lịch sử 12 Bài 14: Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 12 Bài 14.

1 242 02/07/2024


Giải Lịch sử 12 Bài 14: Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh

Khởi động trang 91 Lịch Sử 12: Những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh? Những nét cơ bản trong tiểu sử và tiến trình hoạt động của Hồ Chí Minh là gì?

Lời giải:

- Một số yếu tố đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: hoàn cảnh đất nước, quê hương, gia đình và lòng yêu nước, ý chí kiên cường, tinh thần hàm học hỏi,… của bản thân chủ tịch Hồ Chí Minh

- Những nét cơ bản trong tiểu sử và tiến trình hoạt động của Hồ Chí Minh:

+ Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành (với tên gọi mới là Văn Ba) đã rời Bến Nhà Rồng trên con tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước.

+ Từ năm 1911 đến năm 1917, Nguyễn Tất Thành đến nhiều nước châu Á, châu châu Phi, tích cực tìm hiểu cuộc sống của nhân dân lao động.

+ Trong những năm 1919 – 1941, Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng ở nhiều nước, như: Pháp, Liên Xô, Xiêm, Trung Quốc,…

+ Tháng 2/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng

+ Tháng 8-1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Mặt trận Việt Minh lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, và được cử làm Chủ tịch của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

+ 1945 – 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mĩ.

1. Những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh

Câu hỏi trang 92 Lịch Sử 12: Nêu những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh.

Lời giải:

♦ Hoàn cảnh đất nước

- Việt Nam là đất nước văn hiến, có lịch sử lâu đời. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã hun đúc nên những truyền thống quý báu và nổi bật như yêu nước, kiên cường, đoàn kết, nhân nghĩa,...

- Cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp đã đặt được ách cai trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Từ một quốc gia độc lập, Việt Nam trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Nhiệm vụ cứu nước, giải phóng dân tộc trở nên cấp thiết.

- Từ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, phong trào yêu nước chống Pháp dưới ngọn cờ phong kiến và cuộc vận động cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản đều thất bại. Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc của Việt Nam rơi vào khủng hoảng, bế tắc.

♦ Hoàn cảnh quê hương

- Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống và văn hoá, hiếu học, người dân cần cù, chịu khó. Đây cũng là nơi có nhiều nhà khoa bảng, nhiều sĩ phu yêu nước lãnh đạo các phong trào đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm.

- Các nhà Nho “xứ Nghệ” đương thời đã tiếp xúc với sách báo mới, họ thường bàn luận về các phong trào yêu nước chống thực dân xâm lược và phong kiến tay sai.

Hoàn cảnh gia đình

- Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc và thân mẫu là Hoàng Thị Loan.

+ Bố là ông Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929)-một tấm gương kiên trì về ý chí vượt khó vươn lên, người thầy mẫu mực trong dạy chữ, dạy người.

+ Mẹ là bà Hoàng Thị Loan (1868-1901)-người cần mẫn, nhân hậu, đảm đang; nuôi dưỡng các con bằng tình thương yêu và những điệu hò câu ví của dân ca xứ Nghệ.

Kết luận: Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước mất độc lập, được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, Hồ Chí Minh có sự đồng cảm với người lao động và sớm nhận thức được trách nhiệm đối với nước nhà.

2. Tiểu sử và tiến trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh

Câu hỏi trang 95 Lịch Sử 12: Trình bày những nét cơ bản về tiểu sử và tiến trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh.

Lời giải:

- Từ năm 1890 đến năm 1911:

+ Hồ Chí Minh có tuổi thơ gắn bó với làng Sen, đến năm 1895 được cha đưa theo vào Huế, học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, sau đó là Trường Quốc học Huế.

+ Từ năm 1909, Nguyễn Tất Thành đến nhiều tỉnh phía nam như Bình Định (1909), dạy học tại Trường Dục Thanh ở Phan Thiết (1910) rồi vào Sài Gòn (1911).

+ Ngày 05-6-1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, rời Sài Gòn sang phương Tây tìm đường cứu nước.

- Từ năm 1911 đến năm 1941

+ Từ năm 1911-1917, Nguyễn Tất Thành đến nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ để tìm đường cứu nước và tìm hiểu cuộc sống của nhân dân lao động. Từ cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp.

+ Năm 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, gửi tới Hội nghị Véc-xai bản Yêu sách của nhân dân An Nam.

+ Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin, Người tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc-con đường cách mạng vô sản. Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

+ Từ giữa năm 1921 đến tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp; Người cùng một số nhà cách mạng thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (1921), ra báo Người cùng khổ,...

+ Từ tháng 6-1923 đến cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Liên Xô.

+ Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đến Quảng Châu (Trung Quốc).

+ Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và ra báo Thanh niên.

+ Từ giữa năm 1927 đến cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng ở Pháp, Đức, Xiêm,...

+ Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

+ Ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

- Từ năm 1941 đến năm 1945

+ Tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, sáng lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh).

+ Tháng 8-1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc bắt liên lạc với lực lượng Đồng minh chống phát xít.

+ Tháng 9-1944, Người về nước, tiếp tục lãnh đạo cách mạng; ra Chỉ thị Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (12-1944).

+ Tháng 8-1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi; được cử làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

+ Ngày 02-9-1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

- Từ năm 1945 đến năm 1969

+ Từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng và bảo vệ chính quyền, chống thù trong giặc ngoài.

+ Từ tháng 12-1946 đến tháng 7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1954), chủ trì Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương (02-1951).

+ Từ tháng 7-1954 đến tháng 9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (9-1960), lãnh đạo công cuộc xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ và đấu tranh thống nhất nước nhà.

+ Ngày 02-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời tại Thủ đô Hà Nội.

Luyện tập (trang 95)

Luyện tập trang 95 Lịch Sử 12: Lập bảng tóm tắt những giai đoạn hoạt động của Hồ Chí Minh theo gợi ý bên vào vở:

Giai đoạn

Hoạt động

1911-1941

1941-1945

1945-1969

Lời giải:

Giai đoạn

Hoạt động

1911-1941

- Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành, rời Sài Gòn sang phương Tây tìm đường cứu nước.

- Từ năm 1911-1917, Nguyễn Tất Thành đến nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ để tìm đường cứu nước và tìm hiểu cuộc sống của nhân dân lao động.

- Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin, Người tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc-con đường cách mạng vô sản.

- Từ năm 1920 – 1941, Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng ở nhiều nước, như: Pháp, Liên Xô, Trung Quốc,…

1941-1945

- Tháng 2/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp chỉ đạo cách mạng

- Tháng 8/1945, Nguyễn Ái Quốc cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền;

- Ngày 02-9-1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

1945-1969

- Lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mĩ, cứu nước.

- Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần tại Hà Nội.

Vận dụng (trang 95)

Vận dụng trang 95 Lịch Sử 12: Sưu tầm câu chuyện kể về Bác Hồ học ngoại ngữ trong hành trình hoạt động cách mạng, sau đó giới thiệu với thầy, cô và các bạn cùng lớp.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Bác Hồ học tiếng Pháp

Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp, đối với Bác, kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày, tới công việc, nhằm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân đều phải sử dụng tiếng Pháp. Vì thế, nếu không biết tiếng Pháp thì thật là “trở ngại lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân”. Bác đã đặt ra quyết tâm “Nhất định phải học nói, học viết cho kỳ được” và Bác đã tìm ra được phương pháp học cho riêng mình dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.

Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp (La-tu-sơ Tơ-rê-vin, dưới các tên Văn Ba) mỗi lúc rảnh rổi, Bác thường tìm đến hai người lính trẻ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết rõ về cái gì, muốn biết đồ vật nào đó viết bằng tiếng Pháp như thế nào, Bác đều chỉ tay hỏi. Tối tối, sau khi đi làm về, Bác ghi lại những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay.

Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành từng bài dài. Một thời gian sau, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Trong những lần gửi bài, Bác nói với mọi người trong Tòa soạn rằng: “Tôi rất sung sướng nếu bài viết này của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi”. Sau mỗi lần bài viết của Bác được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết, và theo chỉ dẫn của những chủ bút Bác vẫn không quên xem lại từng câu từng chữ, xem bài viết của mình đúng sai chỗ nào, Toà soạn báo đã sửa lại cho mình ra sao? Bác tập viết đi viết lại, khi thì viết diễn giải ra cho dài, lúc là những đoạn ngắn cho súc tích.

Cứ sau mỗi ngày làm việc, dù công việc bận bịu tới đâu, Bác vẫn tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết, vừa để giải trí, thư giãn đầu óc lại vừa để trau dồi kiến thức. Bác tập viết những bài phóng sự. Sáng nào Bác cũng viết từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi, tới 7 giờ Bác lại bắt tay vào công việc. Dù trời nóng hay rét, Bác cũng không nản chí. Thấm thoắt thời gian trôi đi, cho đến năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 3 thứ tiếng. Tên báo bằng tiếng Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và bên phải là chữ Hán, tất cả đều do Bác viết. Do Tòa soạn báo không có Ban biên tập thường xuyên, nên nhiều khi Bác phải “cáng đáng” mọi việc từ khâu sửa chữa, biên tập bài vở, tới khâu bán báo.

Tranh thủ mọi cơ hội để học, Người đã tiến bộ không ngừng, và như chúng ta đã biết, Người có thể nói được rất nhiều thứ tiếng chính là do cách học tập kiên trì như vậy. Tự học với một tinh thần cầu tiến, cộng với sự khắc khổ và phương pháp đúng, Bác đã thành công!

1 242 02/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: