Giải Lịch sử 12 Bài 10 (Chân trời sáng tạo): Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay

Với giải bài tập Lịch sử 12 Bài 10: Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 12 Bài 10.

1 179 02/07/2024


Giải Lịch sử 12 Bài 10: Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay

Khởi động trang 63 Lịch Sử 12: Công cuộc Đổi mới đã trải qua những giai đoạn nào? Nội dung chính của mỗi giai đoạn là gì?

Lời giải:

♦ Những giai đoạn của cuộc cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam:

- Giai đoạn 1986 – 1995:

+ Lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm.

+ Thực hiện đổi mới toàn diện và động bộ.

- Giai đoạn 1996 – 2006: đẩy mạnh đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế; chính trị, văn hoá-xã hội, an ninh-quốc phòng và đối ngoại.

- Giai đoạn 2006 đến nay: đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng.

1. Giai đoạn khởi đầu của công cuộc Đổi mới (1986-1995)

Câu hỏi trang 65 Lịch Sử 12: Trình bày nội dung cơ bản của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam giai đoạn 1986 - 1995.

Lời giải:

- Nội dung của công cuộc Đổi mới được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) và được bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991).

- Trải qua hai kế hoạch 5 năm (1986-1990 và 1991-1995), công cuộc Đổi mới được triển khai trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm là đổi mới trên lĩnh vực kinh tế.

+ Về kinh tế:

▪ Chủ trương xoá bỏ cơ chế quản lí tập trung quan liêu, bao cấp, hình thành cơ chế thị trường, phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa.

▪ Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991) của Đảng Cộng sản, Việt Nam chủ trương hội nhập về kinh tế quốc tế.

+ Về chính trị:

▪ Xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nâng cao hiệu lực quản lí của Nhà nước, cải cách bộ máy hành chính, kiện toàn các cơ quan luật pháp.

▪ Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của các chúc trong hệ thống chính trị.

+ Về văn hoá-xã hội

▪ Phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi công dân.

▪ Nhà nước tạo môi trường và điều kiện để người lao động có việc làm, cải thiện điều kiện lao động.

▪ Chủ trương xây dựng nền văn hoá mới, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ, bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân.

+ Về quốc phòng - an ninh: chủ trương xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với tăng cường tiềm lực quốc phòng, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh.

+ Về đối ngoại:

▪ Chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

▪ Việt Nam chủ trương quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội khác nhau trên cơ sở những nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình.

- Giai đoạn khởi đầu của công cuộc Đổi mới (1986-1995) đã tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước phát triển trong thời gian tiếp theo.

2. Giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoa, hiện đại hoa, bước đầu hội nhập kinh tế quốc tế (1996 - 2006)

Câu hỏi trang 66 Lịch Sử 12:Trình bày nội dung của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2006.

Lời giải:

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6 - 1996) và lần thứ IX (tháng 4 - 2001) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nội dung cơ bản của đường lối đổi mới như sau:

+ Về kinh tế: tiếp tục đổi mới cơ chế quản lí kinh tế, đẩy mạnh phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá, chú trọng việc đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực.

+ Về chính trị:

▪ Tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân;

▪ Lấy liên minh công nông và tầng lớp tri thức làm nền tảng, do đẳng cộng sản lãnh đạo.

▪ Cải cách tổ chức và hoạt động của nhà nước gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước.

+ Về văn hoá-xã hội:

▪ Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

▪ Tăng nhanh mức đầu tư của nhà nước và của xã hội cho sự nghiệp phát triển văn hoá, bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi sáng tạo văn hoá, văn học nghệ thuật.

▪ Gắn liền tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, khuyến khích làm giàu hợp pháp; chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động, mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội.

+ Về quốc phòng-an ninh:

▪ Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, từng bước tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước.

▪ Xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

+ Về đối ngoại: tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại

3. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng (từ năm 2006 đến nay)

Câu hỏi trang 67 Lịch Sử 12: Trình bày nội dung của công cuộc Đổi mới đất nước ở Việt Nam từ năm 2006 đến nay.

Lời giải:

- Trải qua các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X (2006), lần thứ XI (2011), lần thứ XII (2016) và lần thứ XIII (2021), đường lối đổi mới tiếp tục được phát triển, với các nội dung chủ yếu:

+ Về kinh tế:

▪ Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại.

▪ Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

+ Về chính trị: tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm Nhà nước Việt Nam thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

+ Về văn hoá-xã hội:

▪ Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” một cách thiết thực và hiệu quả.

▪ Chủ trương mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá.

▪ Tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

+ Về quốc phòng-an ninh:

▪ Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh.

▪ Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất-kĩ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại.

+ Về đối ngoại: đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao đa phương, chủ động tham gia, phát huy vai trò của mình thúc đẩy định hình, cải tổ các thể chế quốc tế đa phương, gắn sự phát triển của Việt Nam với thế giới.

Luyện tập (trang 68)

Luyện tập trang 68 Lịch Sử 12: Vẽ sơ đồ nội dung các giai đoạn của công cuộc Đối mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Lời giải:

(*) Sơ đồ tham khảo:

Vẽ sơ đồ nội dung các giai đoạn của công cuộc Đối mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay

Vận dụng (trang 68)

Vận dụng trang 68 Lịch Sử 12: Sưu tầm tư liệu, tranh ảnh về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) để giới thiệu với thầy, cô và các bạn trong lớp của em.

Lời giải:

(*) Tham khảo 1: Tranh ảnh về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986)

Sưu tầm tư liệu, tranh ảnh về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng

(*) Tham khảo 2: Tư liệu về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986)

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18-12-1986. Dự Đại hội có 1129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đến dự Đại hội có 32 đoàn đại biểu quốc tế.

+ Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Uỷ viên Bộ Chính trị đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

+ Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư đọc Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

+ Đồng chí Võ Văn Kiệt - Uỷ viên Bộ Chính trị đọc Báo cáo về phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm (1986-1990).

- Đại hội khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học.

+ Đại hội nhận định: Năm năm qua là một đoạn đường đầy thử thách đối với Đảng và nhân dân ta. Cách mạng nước ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có nhiều khó khăn phức tạp.

+ Thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu do Đại hội thứ V đề ra, nhân dân ta đã anh dũng phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, giành những thắng lợi to lớn trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

+ Đại hội cũng nhận rõ: Tình hình kinh tế - xã hội đang có những khó khăn gay gắt; sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; phân phối lưu thông có nhiều rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố; đời sống nhân dân lao động còn nhiều khó khăn… Nhìn chung, chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu tổng quát do Đại hội lần thứ V đề ra là về cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Về nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, Đại hội nhấn mạnh trong những năm qua việc nhìn nhận, đánh giá tình hình cụ thể về các mặt kinh tế, xã hội của đất nước đã có nhiều thiếu sót. Do vậy đã dẫn đến nhiều sai lầm “trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế”. Đại hội thẳng thắn cho rằng: “Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”, đặc biệt là bệnh chủ quan duy ý chí, lạc hậu về nhận thức lý luận.

+ Từ thực tiễn, Đại hội nêu lên những bài học quan trọng. Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật khách quan là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới. Bốn là, phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

+ Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm khuyết điểm, đổi mới tư lý luận trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn, Đại hội đề ra đường lối đổi mới.
▪ Trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế (cơ cấu công – nông nghiệp; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp nặng và kết cấu hạ tầng; cơ cấu kinh tế huyện).

▪ Thực hiện ba chương trình kinh tế bao gồm chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu.

▪ Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế.

- Đại hội VI đã đưa ra quan điểm mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa dựa trên 3 nguyên tắc:

+ Nhất thiết phải theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp.

+ Phải xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ.

+ Trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả 3 mặt xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa.

- Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa; thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc. Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chính sách xã hội, kế hoạch hoá dân số và giải quyết việc làm cho người lao động. Chăm lo đáp ứng các nhu cầu giáo dục, văn hoá, bảo vệ và tăng cường sức khoẻ của nhân dân. Trên lĩnh vực đối ngoại nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta là ra sức kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phấn đấu giữ vững hoà bình ở Đông Dương, góp phần tích cực giữ vững hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

- Xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý đã được Đại hội lần thứ VI xác định là “cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”. Phương thức vận động quần chúng phải được đổi mới theo khẩu hiệu: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đó là nền nếp hàng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý nhà nước của mình.

- Báo cáo Chính trị chỉ rõ 6 nhiệm vụ chủ yếu của bộ máy Nhà nước và nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng.

+ Thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách cụ thể.

+ Xây dựng chiến lược kinh tế- xã hội và cụ thể hoá chiến lược đó thành những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

+ Quản lý hành chính – xã hội và hành chính kinh tế, điều hành các hoạt động kinh tế, xã hội trong toàn xã hội theo kế hoạch, giữ vững pháp luật, kỷ cương nhà nước và trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

+ Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước, phát hiện những mất cân đối và đề ra những biện pháp để khắc phục.

+ Thực hiện quy chế làm việc khoa học có hiệu suất cao.

+ Xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có chất lượng cao, với đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, có năng lực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

- Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh: Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác.

- Nâng cao chất lượng đảng viên và sức mạnh chiến đấu của tổ chức cơ sở, tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách của công tác xây dựng Đảng.

- Để lãnh đạo sự nghiệp đổi mới Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI gồm 124 uỷ viên chính thức và 49 uỷ viên dự khuyết.

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

1 179 02/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: