Giải Lịch sử 12 Bài 1 (Chân trời sáng tạo): Liên hợp quốc

Với giải bài tập Lịch sử 12 Bài 1: Liên hợp quốc sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 12 Bài 1.

1 601 02/04/2024


Giải Lịch sử 12 Bài 1: Liên hợp quốc

1. Một số vấn đề cơ bản về Liên hợp quốc

Câu hỏi trang 7 Lịch Sử 12: Nêu bối cảnh lịch sử và quá trình hình thành Liên hợp quốc.

Lời giải:

♦ Bối cảnh lịch sử

- Trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình thế giới có sự chuyển biến quan trọng, ưu thế trên chiến trường thuộc về phe Đồng minh chống phát xít.

- Các nước trong phe Đồng minh nhận thấy vấn đề cấp bách là cần phải thiết lập một tổ chức quốc tế có vai trò thực sự trong việc duy trì hoà bình, an ninh thế giới sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

♦ Quá trình hình thành

- Ngày 01-01-1942, đại diện 26 nước Đồng minh họp tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), kí Tuyên bố Liên hợp quốc, cam kết thành lập một tổ chức quốc tế để giữ gìn hoà bình thế giới sau chiến tranh.

- Tại Hội nghị Tê-hê-ran (I-ran, từ ngày 28-11 đến ngày 01-12-1943), ba cường quốc Liên Xô, Mỹ, Anh thoả thuận thiết lập một tổ chức quốc tế mới nhằm thay thế cho Hội Quốc liên.

- Tại Hội nghị I-an-ta (Liên Xô, tháng 02-1945), ba cường quốc Liên Xô, Mỹ, Anh đã ra quyết định thành lập Liên hợp quốc và đồng ý triệu tập hội nghị để thông qua Hiến chương Liên hợp quốc.

- Từ ngày 25-4-1945 đến ngày 26-6-1945, tại Hội nghị Xan Phran-xi-xcô (Mỹ), đại biểu 50 nước tham dự (sau có thêm Ba Lan, nâng tổng số thành 51 nước) đã thông qua bản Hiến chương Liên hợp quốc.

- Ngày 24-10-1945, Hiến chương Liên hợp quốc được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, Liên hợp quốc chính thức được thành lập.

Câu hỏi trang 8 Lịch Sử 12: Trình bày mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc

Lời giải:

♦ Mục tiêu

- Mục tiêu của việc thành lập Liên hợp quốc được quy định trong Điều 1 của Hiến chương:

+ Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế;

+ Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng, quyền tự quyết dân tộc và củng cố hoà bình thế giới;

+ Thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hoá, nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người;

+ Trở thành trung tâm phối hợp mọi hành động của các dân tộc nhằm đạt được những mục tiêu nói trên.

♦ Nguyên tắc hoạt động

- Bình đằng chủ quyền của tất cả các quốc gia thành viên;

- Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia;

- Cấm đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế

- Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước;

- Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế.

- Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

Nhiệm vụ trang 8 Lịch Sử 12: Kết nối internet tìm hiểu quyền phủ quyết (veto) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Lời giải:

- Quyền phủ quyết (veto): Là việc một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có khả năng ngăn cản việc thông qua một nghị quyết không liên quan đến thủ tục bằng một phiếu chống của mình kể cả khi tất cả các nước thành viên khác, thường trực và không thường trực, bỏ phiếu tán thành.

2. Vai trò của Liên hợp quốc

Câu hỏi trang 9 Lịch Sử 12: Nêu vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế

Lời giải:

- Liên hợp quốc đã góp phần giải quyết xung đột và tranh chấp ở nhiều khu vực, khôi phục hoà bình và hỗ trợ tái thiết ở nhiều quốc gia.

- Liên hợp quốc góp phần thúc đẩy quá trình phi thực dân hoá, xoá bỏ chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu, thủ tiêu các hình thức của chế độ phân biệt chủng tộc.

- Liên hợp quốc xây dựng được một hệ thống các công ước, hiệp ước quốc tế về giải trừ quân bị cũng như ngăn chặn phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt

Câu hỏi trang 10 Lịch Sử 12: Trình bày vai trò của Liên hiệp quốc trong lĩnh vực thúc đẩy phát triển

Lời giải:

- Liên hợp quốc ưu tiên việc tạo môi trường kinh tế quốc tế bình đẳng, hỗ trợ các nền kinh tế kém phát triển thông qua các chương trình, quỹ, các cơ quan chuyên môn,..

- Từ năm 1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc đề ra các chiến lược phát triển cho từng thập kỉ nhằm huy động sự hợp tác quốc tế cho các mục tiêu phát triển chung. Các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc đã có sự hỗ trợ trực tiếp về vốn, tri thức,... nhằm thúc đẩy phát triển, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế, nâng cao đời sống người dân.

- Tháng 9-2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Niu Oóc, Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu, lấy phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt của ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Nhiệm vụ trang 10 Lịch Sử 12: Kết nối Internet tìm hiểu về các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc hoạt động ở Việt Nam

Lời giải:

- Một số cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc hoạt động ở Việt Nam:

+ Quỹ Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO): hoạt động với mục tiêu đạt được an ninh lương thực cho tất cả mọi người và đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận thường xuyên và đầy đủ tới các thực phẩm chất lượng cao để có một cuộc sống năng động, lành mạnh.

+ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hoạt động để thúc đẩy công bằng xã hội, quyền con người và quyền lao động được quốc tế công nhận, theo đuổi sứ mệnh nền tảng của mình: công bằng xã hội là điều cần thiết cho hòa bình quốc tế và ổn định lâu dài.

+ Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc (UN-Habitat) là chương trình của Liên Hợp Quốc hoạt động hướng tới một tương lai đô thị tốt hơn. Nhiệm vụ chính của chương trình là thúc đẩy sự phát triển về định cư của con người bền vững về mặt xã hội và môi trường và giúp tất cả mọi người đều có một nơi cư trú thích hợp.

+ Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) là một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Là một tổ chức đi đầu toàn cầu vì phụ nữ và trẻ em gái, UN Women được thành lập để đẩy nhanh tiến độ đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.

+ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hoạt động với mục tiêu cứu sống trẻ em, bảo vệ các quyền trẻ em và giúp trẻ phát triển đầy đủ các tiềm năng của mình, từ trẻ thơ cho đến tuổi thiếu niên.

+ Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) là một cơ quan tiên phong toàn cầu trong cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp và tội phạm quốc tế.

Câu hỏi trang 11 Lịch Sử 12: Trình bày vai trò của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo quyền con người, phát triển văn hoá, xã hội

Lời giải:

- Về quyền con người: Năm 1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, khẳng định những quyền cơ bản của con người. Văn kiện này làm cơ sở cho việc ra đời hơn 80 công ước và tuyên bố quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị,... nhằm đảm bảo việc thực thi quyền con người, xây dựng một thế giới an toàn và công bằng hơn.

- Về văn hoá, xã hội:

+ Các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO),... đã góp phần thắt chặt sự hợp tác về giáo dục, khoa học, văn hoá, xã hội giữa các quốc gia thành viên, đảm bảo quyền có việc làm, quyền được chăm sóc y tế,... của người dân.

+ Các quỹ, chương trình của Liên hợp quốc như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP),... đã thúc đẩy giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu, chú trọng các vấn đề giáo dục, nhân đạo,...

Nhiệm vụ trang 11 Lịch Sử 12: Kết nối internet tìm hiểu về việc tham gia của Việt Nam với các công ước quốc tế về quyền con người

Lời giải:

(*) Tham khảo:

- Là thành viên tích cực của LHQ, Việt Nam đã nhận thức rõ các yêu cầu và nội dung của Tuyên ngôn, ngày càng hoàn thiện thể chế và thiết chế để hiện thực hóa các quyền con người trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

+ Thứ nhất, về xây dựng thể chế. Quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là để phát triển thể chế thị trường hiện đại, văn minh, từng bước bảo đảm quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa cho đại đa số thành viên xã hội. Hiến pháp năm 1992 và đặc biệt Hiến pháp năm 2013, được xây dựng cơ bản trên cơ sở tiếp cận dựa trên quyền con người, là đạo luật gốc của nền pháp luật quốc gia hướng vào việc điểu tiết, thúc đẩy việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhà nước pháp quyền XHCN đang được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thông qua cải cách hành chính nhà nước được tiến hành từ năm 2000 đến nay để xây dựng nền hành chính công phục vụ người dân và kiến tạo phát triển là nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.

+ Thứ hai, về tuyên truyền, giáo dục quyền con người. Đến nay các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng về quyển con người, trước hết là Tuyên ngôn, đã được dịch ra tiếng Việt và phát hành rộng rãi. Từ những năm 1990, Việt Nam từng bước tiến hành giáo dục quyền con người cả trong và ngoài nhà trường. Ngày 5 - 9 - 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện Đề án, đưa nội dung giáo dục quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo qui định của các văn kiện pháp lý quốc tế, vào sách giáo khoa và chương trình giảng dạy của trường phổ thông các cấp và giáo dục đại học.

+ Thứ ba, về thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã gia nhập và ký kết 7/9 công ước cơ bản và hàng chục các điều ước quốc tế khác liên quan đến quyền con người. Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ trình nộp và bảo vệ các báo cáo quốc gia thực hiện các công ước mà Việt Nam là thành viên.

- Bên cạnh đó, Việt Nam đã tiến hành các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa và thông qua hợp tác quốc tế, đặc biệt sử dụng tối đa các tài nguyên sẵn có, nhằm thực hiện ngày càng đầy đủ các quyền con người được công nhận trong trong pháp luật quốc tế và quốc gia.

Luyện tập (trang 11)

Luyện tập 1 trang 11 Lịch Sử 12: Vẽ sơ đồ các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc

Lời giải:

(*) Tham khảo:

Vẽ sơ đồ các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc

Luyện tập 2 trang 11 Lịch Sử 12: Lập bảng thống kê về vai trò của Liên hợp quốc theo gợi ý bên vào vở:

Lĩnh vực

Vai trò

Duy trì hòa bình, an ninh quốc tế

Phát triển

Quyền con người, văn hóa, xã hội

Lời giải:

Lĩnh vực

Vai trò

Duy trì hòa bình, an ninh quốc tế

- Ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới kể từ năm 1945 đến nay.

- Triển khai hoạt động gìn giữ hoà bình ở nhiều khu vực trên thế giới

- Có nhiều đóng góp trong việc ngăn chặn, tiến tới xoá bỏ vũ khí hạt nhân.

- Góp phần vào việc giải trừ chủ nghĩa thực dân.

Phát triển

- Thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tài chính và thương mại quốc tế

- Thực hiện nhiều dự án nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.

- Góp phần vào các hoạt động chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ...

Quyền con người, văn hóa, xã hội

- Có nhiều đóng góp trong việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người, tạo cơ hội phát triển văn hoá, xã hội cho tất cả mọi người.

- Thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các quốc gia nhằm phát triển văn hoá, xã hội.

Vận dụng (trang 11)

Vận dụng trang 11 Lịch Sử 12: Chọn 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc bị bài thuyết trình theo gợi ý:

- Nội dung của mục tiêu.

- Tại sao mục tiêu này phải phát triển bền vững?

- Việt Nam cần phải làm gì để góp phần thực hiện mục tiêu đó?

Lời giải:

*) Bài thuyết trình tham khảo:Mục tiêu phát triển bền vững số 4

Ngày 25-27/9/2015, Hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã diễn ra tại trụ sở chính của Liên Hợp quốc ở New York (Mỹ), với sự tham dự của 193 quốc gia thành viên.

Vào ngày khai mạc, 25/9/2015, các đại biểu đã chính thức thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu năm 2030 gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, thay thế 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ được thực hiện từ năm 2000 đến năm 2015:

Trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đặc biệt có một mục tiêu bền vững số 4 (SDG4) về chất lượng giáo dục. Việc đưa giáo dục thành một mục tiêu riêng đã chứng tỏ các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thực sự nêu cao tầm quan trọng về vai trò của giáo trong phát triển.

Sau đây là các nội dung chính của Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4) Chất lượng giáo dục: Mục tiêu 4: “Đảm bảo đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”

- 4.1. Đến năm 2030, đảm bảo tất cả bé gái và bé trai hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học có chất lượng, bình đẳng một cách miễn phí , nhằm đạt được kết quả có hiệu quả tốt

- 4.2. Đến năm 2030, đảm bảo tất cả bé trai và gái được tiếp cận giáo dục mầm non và giáo dục tiền tiểu học có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng cho các em vào Tiểu học

- 4.3. Đến năm 2030, đảm bảo tất cả phụ nữ và nam giới đều có quyền tiếp cận một cách bình đẳng tới giáo dục kĩ thuật, dạy nghề có chất lượng, kể cả ở bậc Đại học

- 4.4. Đến năm 2030, tăng đáng kể số thanh niên và người lớn có kĩ năng liên quan, kể cả kĩ năng nghề và kĩ thuật đủ để gia nhập thị trường lao động, có việc làm thỏa đáng và tham gia kinh doanh

- 4.5. Đến năm 2030, xóa bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục, đảm bảo sự tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng ở mọi cấp độ và đào tạo nghề các đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số/ các cộng đồng bản địa và trẻ em ở các hoàn cảnh khó khăn

- 4.6. Đến năm 2030, đảm bảo rằng tất cả các thanh niên và một tỷ lệ đáng kể người lớn gồm cả nam và nữ đạt được trình độ xóa mù chữ

- 4.7. Đến năm 2030, đảm bảo tất cả người học đạt được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục về sự phát triển bền vững và các lối sống bền vững, về quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình và không bạo lực, về công dân toàn cầu và tôn vinh sự đa dạng của văn hóa và sự đóng góp của văn hóa vào việc phát triển bền vững

- 4.a. Xây dựng và nâng cấp các cơ sở giáo dục dành cho trẻ em, người khuyết tật có tính đến nhạy cảm giới; cung cấp môi trường học tập an toàn, không bạo lực, toàn diện và hiệu quả cho tất cả mọi người

- 4.b. Đến năm 2030, tăng đáng kể ở mức toàn cầu học bổng dành cho các nước đang phát triển, đặc biệt là nước kém phát triển, các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia châu Phi, các bậc đại học, bao gồm cả các chương trình đào tạo nghề, công nghệ thông tin, kỹ thuật, máy móc và khoa học tại các nước phát triển và các nước đang phát triển khác

- 4.c. Đến năm 2030, tăng đáng kể nguồn cung giáo viên có trình độ, bao gồm cả thông qua hợp tác quốc tế để đào tạo giáo viên cho các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước chậm phát triển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển

Như vậy, có thể thấy, Mục tiêu số 4 trong Nghị quyết Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc tập trung vào việc tạo điều kiện để mọi người trên toàn thế giới có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng và bền vững. Mục tiêu này không chỉ nhấn mạnh việc đưa ra những cơ hội học tập, mà còn chú trọng đến chất lượng của giáo dục được cung cấp.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, để đạt được Mục Tiêu Số 4, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giáo dục, từ việc cải thiện chất lượng giáo viên đến việc cung cấp tài liệu giảng dạy đa dạng và phong phú; đồng thời cần đảm bảo cơ hội đào tạo cho mọi người dân, đặc biệt là những nhóm dân tộc thiểu số, phụ nữ, và những người ở vùng nông thôn, nơi mà tiếp cận giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn….

1 601 02/04/2024


Xem thêm các chương trình khác: