Giải Lịch sử 12 Bài 4 (Cánh diều): Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Với giải bài tập Lịch sử 12 Bài 4: Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 12 Bài 4.

1 818 02/04/2024


Giải Lịch sử 12 Bài 4: Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Mở đầu trang 18 Lịch Sử 12: Vậy ASEAN được hình thành như thế nào? Mục đích thành lập của tổ chức này là gì? Quá trình phát triển của ASEAN từ năm 1967 đến nay đã diễn ra qua những giai đoạn nào?

Lời giải:

- Sự hình thành: Ngày 8-8-1967, tại Băng Cốc (Thái Lan), Ngoại trưởng năm nước: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan đã thông qua Tuyên bố ASEAN, chính thức thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt theo tiếng Anh là ASEAN).

- Mục tiêu:

+ Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hoá trong khu vực thông qua hợp tác, hướng tới một Đông Nam Á hoà bình và thịnh vượng.

+ Thúc đẩy hoả bình, ổn định khu vực thông qua tôn trọng công lí và nguyên tắc luật pháp trong quan hệ giữa các nước thành viên, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc.

+ Thúc đẩy hợp tác, tích cực giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học, kĩ thuật, hành chính.

- Quá trình phát triển:

+ Giai đoạn 1967 - 1976: Giai đoạn khởi đầu, xây dựng nền móng ban đầu, tạo tiền đề cho sự hợp tác ASEAN, tập trung vào hợp tác chính trị-an ninh “xây dựng lòng tin và học cách hoà giải”.

+ Giai đoạn 1976 - 1999: Giai đoạn xây dựng quan hệ chính trị ổn định, tạo điều kiện phát triển và hợp tác kinh tế giữa các thành viên; mở rộng ASEAN 5 thành ASEAN 10; từng bước nâng cao uy tín ASEAN trên trường quốc tế, bước đầu mở rộng quan hệ hợp tác, đối thoại với bên ngoài.

+ Giai đoạn 1999 - 2015: Giai đoạn hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng cường hợp tác nội khối và ngoại khối về chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại và các lĩnh vực khác; khẳng định uy tín, vai trò của ASEAN.

+ Giai đoạn 2015 - nay: Thành lập và xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội; đẩy mạnh hợp tác bên trong ASEAN và bên ngoài ASEAN với các đối tác đối thoại, nâng cao uy tín, vai trò của ASEAN ở khu vực và trên thế giới.

1. Quá trình hình thành và mục đích thành lập của ASEAN

Câu hỏi trang 19 Lịch Sử 12: Trình bày quá trình hình thành tổ chức ASEAN.

Lời giải:

- Sau khi giành độc lập dân tộc, các quốc gia Đông Nam Á từng bước xây dựng và phát triển kinh tế, đưa tới nhu cầu hợp tác khu vực. Điều này cũng được thúc đẩy bởi sự phát triển của xu thế khu vực hoá trên thế giới xuất hiện từ những năm 50, 60 của thế kỉ XX.

- Trong bối cảnh nhiều nước Đông Nam Á muốn hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài, đồng thời thúc đẩy hợp tác và tương trợ lẫn nhau, từ những năm 60 của thế kỉ XX, một số tổ chức khu vực đã ra đời ở Đông Nam Á, như:

+ Năm 1961: Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Phi-lip-pin thoả thuận thành lập Hiệp hội Đông Nam Á (ASA).

+ Năm 1963: Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a thoả thuận thành lập tổ chức MAPHILINDO.

+ Năm 1966: Ngoại trưởng Thái Lan gửi ngoại trưởng các nước Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin và Xin-ga-po dự thảo về việc thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

- Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) với năm nước sáng lập là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Thái Lan.

Câu hỏi trang 20 Lịch Sử 12: Trình bày mục đích thành lập của ASEAN

Lời giải:

- Tổ chức ASEAN ra đời hướng tới những mục đích chính sau:

+ Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hoá trong khu vực thông qua hợp tác, hướng tới một Đông Nam Á hoà bình và thịnh vượng.

+ Thúc đẩy hoả bình, ổn định khu vực thông qua tôn trọng công lí và nguyên tắc luật pháp trong quan hệ giữa các nước thành viên, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc.

+ Thúc đẩy hợp tác, tích cực giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học, kĩ thuật, hành chính.

2. Hành trình phát triển của ASEAN

Câu hỏi trang 21 Lịch Sử 12: Trình bày quá trình phát triển từ ASEAN 5 đến ASEAN 10.

Lời giải:

- Trong giai đoạn 1967 - 1999, ASEAN đã phát triển từ ASEAN 5 lên ASEAN 10.

+ 1967: ASEAN được thành lập (5 nước thành viên)

+ 1984: Bru-nây gia nhập ASEAN (thành viên thứ 6)

+ 1995: Việt Nam gia nhập ASEAN (thành viên thứ 7)

+ 1997: Lào và Mi-an-ma gia nhập ASEAN (thành viên thứ 8, thứ 9)

+ 1999: Cam-pu-chia gia nhập ASEAN (thành viên thứ 10)

- Việc 10 nước trong khu vực trở thành thành viên ASEAN đánh dấu bước phát triển trong liên kết khu vực ở Đông Nam Á.

Câu hỏi trang 21 Lịch Sử 12: Trình bày hành trình phát triển của ASEAN từ năm 1967 đến nay.

Lời giải:

- Giai đoạn từ 1967 đến 1976:

+ Thành lập và bước đầu phát triển về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động.

+ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN là cơ chế hoạch định chính sách cao nhất.

+ Năm 1971, ASEAN ra Tuyên bố về khu vực hoà bình, tự do và trung lập.

+ Hiệp ước Bali được kí kết năm 1976 là sự kiện đánh dấu bước ngoặt của ASEAN, thể hiện cam kết cao nhất của các nước thành viên nhằm xây dựng hòa bình, hữu nghị, hợp tác trong khu vực.

- Giai đoạn từ 1976 đến 1999:

+ Thiết lập quan hệ chính trị ổn định trong khu vực, mở rộng thành viên và từng bước nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

+ Từ sau Hiệp ước Ba-li (1976), Hội nghị Thượng đỉnh là cơ chế hoạch định chính sách cao nhất, Ban thư kí ASEAN được thành lập, có trụ sở tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a). ASEAN phát triển số lượng thành viên từ 5 lên 10 nước.

+ ASEAN cũng tham gia giải quyết nhiều vấn đề chính trị, an ninh lớn trong khu vực như vấn đề Cam-pu-chia.

- Giai đoạn từ 1999 đến 2015:

+ Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng cường hợp tác nội khối và hợp tác quốc tế, từng bước chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN.

+ Năm 2007, Hiến chương ASEAN được thông qua.

- Giai đoạn từ 2015 đến nay:

+ Cộng đồng ASEAN được xây dựng và phát triển với ba trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội.

+ ASEAN tăng cường hợp tác và kết nối khu vực, đồng thời không ngừng nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Luyện tập 1 trang 21 Lịch Sử 12: Lựa chọn và phân tích một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN.

Lời giải:

- Tham khảo 1: Năm 1976, ASEAN ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và thông qua Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali).

+ Được ký nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất, TAC đặt nền móng cho việc xây dựng chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia ở khu vực nhằm thúc đẩy nền hòa bình, sự thân thiện và hợp tác giữa các bên tham gia.

+ Tuyên bố Bali khẳng định các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, tiến bộ và phồn vinh của các nước thành viên và cam kết mở rộng hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội và chính trị.

- Tham khảo 2: Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập ngày 31/12/2015. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Hiệp hội, đưa ASEAN bước vào giai đoạn hợp tác mới. Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột là Cộng đồng Chính

Vận dụng 2 trang 21 Lịch Sử 12: Sưu tầm tư liệu (tranh ảnh, văn kiện,...) về ASEAN và quan hệ Việt Nam - ASEAN. Giới thiệu những tư liệu đó với thầy cô và bạn học.

Lời giải:

- Văn kiện: “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025”

TẦM NHÌN CỘNG ĐỒNG ASEAN 2025

Chúng tôi, những Người Đứng đầu Nhà nước/Chính phủ đại diện cho nhân dân các Quốc gia Thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi là ASEAN), nhóm họp ở đây hôm nay tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, ở Cua-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a, để kỷ niệm sự ra đời chính thức của Cộng đồng ASEAN 2015 và đề ra Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Chúng tôi nhắc lại tầm nhìn ASEAN về một cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và cùng chia sẻ sự phồn vinh, được xây dựng trên cơ sở các nguyện vọng và cam kết trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tầm nhìn ASEAN 2020, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II, Hiến chương ASEAN, Lộ trình Cộng đồng ASEAN (2009-2015) và Tuyên bố Ba-li về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia Toàn cầu.

Chúng tôi hài lòng thấy rằng những tiến triến tích cực đạt được từ năm 2009 trong việc triển khai Lộ trình Cộng đồng ASEAN, bao gồm các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, cũng như Khung Chiến lược Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn II (2009-2015) và Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, đã đưa chúng ta tới một cột mốc quan trọng khác trên chặng đường phát triển của ASEAN, đó là sự ra đời chính thức của Cộng đồng ASEAN 2015.

Chúng tôi quyết tâm củng cố vững mạnh Cộng đồng của chúng ta, phát huy những kết quả đạt được và làm sâu sắc tiến trình liên kết để hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, nơi người dân của chúng ta được hưởng các quyền con người và tự do cơ bản, với chất lượng cuộc sống cao hơn cùng các lợi ích mà tiến trình xây dựng cộng đồng mang lại, tăng cường sự gắn kết và bản sắc chung, trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.

Chúng tôi hình dung về một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức và về ASEAN là một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình. Chúng tôi cũng hình dung về các nền kinh tế liên kết chặt chẽ, bền vững và năng động, với kết nối ASEAN được tăng cường cũng như những nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển được đẩy mạnh, trong đó có IAI. Chúng tôi cũng còn hình dung về một ASEAN có năng lực để nắm bắt các cơ hội và hóa giải các thách thức trong thập kỷ tới.

Chúng tôi nhấn mạnh sự tương hỗ của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự Phát triển Bền vững với các nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN nhằm nâng cao các mức sống cho người dân của chúng ta.

Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN

Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN vào năm 2025 của chúng ta sẽ là một cộng đồng đoàn kết, dung nạp và tự cường. Người dân của chúng ta sẽ được sống trong một môi trường an toàn, an ninh và hài hòa, theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa cũng như đề cao các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN. ASEAN sẽ luôn gắn kết, có khả năng ứng phó và vai trò thích hợp trong xử lý các thách thức đối với hòa bình và an ninh ở khu vực, cũng như đóng vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bên ngoài và cùng đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu.

Theo đó, chúng tôi cam kết sẽ hiện thực hóa:

Một cộng đồng dựa trên luật lệ, tuân thủ triệt để các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về ứng xử hòa bình trong quan hệ giữa các quốc gia;

Một cộng đồng dung nạp và có khả năng ứng phó, bảo đảm người dân của chúng ta được hưởng các quyền con người và tự do cơ bản cũng như phát triển trong một môi trường công bằng, dân chủ, hài hòa và mang tính nhạy cảm giới, phù hợp với các nguyên tắc dân chủ, quản trị tốt và pháp chế;

Một cộng đồng theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa, tôn trọng đầy đủ các tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ khác nhau của người dân, đề cao các giá trị chung trên tinh thần thống nhất trong đa dạng cũng như xử lý mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới tất cả các hình thức và biểu hiện;

Một cộng đồng với cách tiếp cận toàn diện về an ninh, theo đó, nâng cao năng lực để xử lý hiệu quả và kịp thời các thách thức hiện có và đang nổi lên, bao gồm các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là các tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức xuyên biên giới;

Một khu vực giải quyết các tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực và áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, trong khi tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao phòng ngừa và các sáng kiến giải quyết xung đột;

Một khu vực không có vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, cũng như đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về giải trừ quân bị, không phổ biến các loại vũ khí này và sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân;

Một cộng đồng tăng cường an ninh hàng hải và hợp tác hàng hải vì hòa bình và ổn định ở trong và ngoài khu vực, thông qua các cơ chế của ASEAN và do ASEAN dẫn dắt và áp dụng các nguyên tắc và công ước về hàng hải được quốc tế công nhận;

Một cộng đồng tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN và duy trì vai trò động lực chủ đạo trong định hình cấu trúc khu vực được xây dựng trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; và

Một cộng đồng, vì lợi ích phát triển quan hệ hữu nghị và cùng có lợi, làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các bên Đối thoại, tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài khác và mở rộng tới các đối tác tiềm năng, cũng như cùng ứng phó một cách xây dựng trước các diễn biến và các vấn đề toàn cầu thuộc quan tâm chung.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025 của chúng ta sẽ là một cộng đồng hội nhập và gắn kết cao; cạnh tranh, sáng tạo và năng động; cùng với tăng cường kết nối và hợp tác theo ngành; và một cộng đồng dung nạp và tự cường hơn, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo đó, chúng tôi cam kết sẽ đạt được:

Một nền kinh tế khu vực hội nhập và gắn kết cao, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao bền vững bằng cách gia tăng thương mại, đầu tư và tạo việc làm; nâng cao năng lực khu vực trong việc ứng phó với các thách thức và xu hướng lớn toàn cầu; đẩy nhanh chương trình nghị sự một thị trường thống nhất thông qua tăng cường các cam kết về thương mại hàng hóa, và thông qua việc giải quyết hiệu quả các rào cản phi thuế quan; hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; và lưu chuyển thông thoáng hơn về đầu tư, lao động có tay nghề, doanh nhân và vốn;

Một cộng đồng cạnh tranh, sáng tạo và năng động, thúc đẩy tăng năng suất mạnh mẽ, bao gồm thông qua việc thiết lập và áp dụng thiết thực các tri thức, các chính sách hỗ trợ hướng tới sự sáng tạo, cách tiếp cận khoa học với phát triển và công nghệ xanh, và bằng cách áp dụng công nghệ số hóa đang phát triển; thúc đẩy quản trị tốt, minh bạch và các quy định tương ứng; giải quyết tranh chấp hiệu quả; và hướng tới tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu;

Tăng cường kết nối và hợp tác theo ngành với những cải thiện về các khuôn khổ khu vực, bao gồm các chính sách chuyên ngành chiến lược cần thiết cho sự vận hành hiệu quả của cộng đồng kinh tế;

Một cộng đồng tự cường, dung nạp và hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự phát triển đồng đều và tăng trưởng toàn diện; một cộng đồng với các chính sách được tăng cường về phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển được đẩy mạnh; và một cộng đồng với sự tham gia hiệu quả của giới kinh doanh và các giới liên quan, các dự án và hợp tác phát triển tiểu vùng, và các cơ hội kinh tế lớn hơn để hỗ trợ xóa nghèo;

Một ASEAN toàn cầu, thúc đẩy cách tiếp cận hệ thống và nhất quán hơn trong quan hệ kinh tế với các đối tác bên ngoài; vai trò hạt nhân chính yếu thúc đẩy và dẫn dắt hội nhập kinh tế khu vực ở Đông Á; và một ASEAN đoàn kết với vai trò và tiếng nói được nâng cao tại các diễn đàn kinh tế toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế quốc tế.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN/

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) vào năm 2025 của chúng ta sẽ là một cộng đồng thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích cho người dân, và là một cộng đồng dung nạp, bền vững, tự cường và năng động.

Theo đó, chúng tôi cam kết sẽ hiện thực hóa:

Một cộng đồng tận tâm với sự tham gia của mọi tầng lớp và có trách nhiệm xã hội, thông qua một cơ chế chịu trách nhiệm và dung nạp vì lợi ích của người dân, được giữ vững bởi các nguyên tắc quản trị tốt;

Một cộng đồng dung nạp, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp cận đồng đều các cơ hội cho tất cả mọi người, và thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người già, người khuyết tật, người lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế bên lề khác;

Một cộng đồng bền vững, thúc đẩy phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thông qua các cơ chế hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của người dân;

Một cộng đồng tự cường với năng lực và khả năng được nâng cao nhằm thích nghi và ứng phó với các biến động dễ tổn thương về kinh tế và xã hội, thảm họa, biến đổi khí hậu cũng như các mối đe dọa và thách thức đang nổi lên;

Một cộng đồng năng động và hài hòa, nhận thức và tự hào về bản sắc, văn hóa và di sản của mình, đi đôi với tăng cường khả năng sáng tạo và chủ động đóng góp vào cộng đồng toàn cầu.

Hướng về phía trước

Để đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 của chúng ta, chúng tôi sẽ hiện thực hóa một cộng đồng với năng lực thể chế được tăng cường thông qua cải thiện quy trình hoạt động và phối hợp trong ASEAN, nâng cao hiệu quả và hiệu suất làm việc của các Cơ quan trong ASEAN, bao gồm tăng cường Ban Thư ký ASEAN. Chúng tôi cũng sẽ hiện thực hóa một cộng đồng với sự hiện diện thể chế của ASEAN được gia tăng ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Theo đó, chúng tôi giao nhiệm vụ cho các Hội đồng Cộng đồng ASEAN triển khai đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong văn kiện ASEAN 2025: Cùng Vững vàng Tiến bước và đệ trình báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN theo quy trình thủ tục đã được thiết lập.

Chúng tôi cam kết với người dân về quyết tâm sẽ hiện thực hóa một ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, một ASEAN của “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng”.

- Một số hình ảnh về quan hệ Việt Nam – ASEAN

Sưu tầm tư liệu (tranh ảnh, văn kiện,...) về ASEAN và quan hệ Việt Nam - ASEAN.Sưu tầm tư liệu (tranh ảnh, văn kiện,...) về ASEAN và quan hệ Việt Nam - ASEAN.Sưu tầm tư liệu (tranh ảnh, văn kiện,...) về ASEAN và quan hệ Việt Nam - ASEAN.

1 818 02/04/2024


Xem thêm các chương trình khác: