Giải Lịch sử 12 Bài 10 (Cánh diều): Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay
Với giải bài tập Lịch sử 12 Bài 10: Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 12 Bài 10.
Giải Lịch sử 12 Bài 10: Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay
Mở đầu trang 60 Lịch Sử 12: Vậy công cuộc Đổi mới đất nước ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay trải qua những giai đoạn phát triển nào? Nội dung chính của các giai đoạn này là gì?
Lời giải:
♦ Những giai đoạn của cuộc cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam:
+ Giai đoạn khởi đầu công cuộc Đổi mới (từ năm 1986 đến năm 1995)
+ Giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế (từ năm 1996 đến năm 2006)
+ Giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng (từ năm 2006 đến nay)
♦ Nội dung chính của mỗi giai đoạn
- Giai đoạn 1986 - 1995:
+ Lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm.
+ Thực hiện đổi mới toàn diện và động bộ.
- Giai đoạn 1996 - 2006: đẩy mạnh đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế; chính trị, văn hoá-xã hội, an ninh-quốc phòng và đối ngoại.
- Giai đoạn 2006 đến nay: đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Câu hỏi trang 61 Lịch Sử 12: Trình bày những nội dung chính của đường lối Đổi mới ở Việt Nam giai đoạn 1986-1995.
Lời giải:
- Nội dung cơ bản của đường lối Đổi mới trong giai đoạn 1986 - 1995 là:
+ Đổi mới đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa, mà làm cho mục tiêu đó được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.
+ Đổi mới phải toàn diện và đồng bộ từ kinh tế và chính trị đến tổ chức, tư tưởng, văn hóa. Đổi mới kinh tế phải gắn với đổi mới chính trị, nhưng trọng tâm là đổi mới kinh tế.
+ Đổi mới cơ chế quản lí kinh tế, xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước; đổi mới cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần; điều chỉnh cơ cấu đầu tư; mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
+ Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng.
+ Đổi mới chính sách văn hoá - xã hội, phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người là mục đích cao nhất.
+ Mở rộng quan hệ với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình,...
Câu hỏi trang 63 Lịch Sử 12: Trình bày những nội dung chính của đường lối Đổi mới ở Việt Nam giai đoạn 1996-2006.
Lời giải:
- Nội dung cơ bản của đường lối Đổi mới giai đoạn 1996 - 2006 là:
+ Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; coi trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; gắn việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá với từng bước phát triển kinh tế tri thức.
+ Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
+ Đổi mới hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh.
+ Chú trọng phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển giáo dục, y tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
+ Đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế; chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế...
Câu hỏi trang 64 Lịch Sử 12: Dựa vào thông tin trong mục 3: Trình bày những nội dung chính của đường lối Đổi mới ở Việt Nam giai đoạn 2006-2021.
Lời giải:
Đường lối Đổi mới của Việt Nam từ năm 2006 đến nay thể hiện những nội dung chủ yếu sau:
+ Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới; phát triển nhận thức về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tư duy phát triển, phương thức phát triển.
+ Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
+ Phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường quốc phòng và an ninh.
+ Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tiếp tục phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
+ Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; chuyển tử hội nhập kinh tế quốc tế sang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng,...
Câu hỏi trang 64 Lịch Sử 12: Dựa vào thông tin trong mục 3: Nêu tên một số tổ chức quốc tế Việt Nam đã tham gia trong giai đoạn 2006 - 2021.
Lời giải:
Một số tổ chức quốc tế Việt Nam đã tham gia trong giai đoạn 2006 - 2021 là:
+ Tổ chức thương mại thế giới (WTO)
+ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
Luyện tập 1 trang 64 Lịch Sử 12: Vẽ trục thời gian thể hiện các giai đoạn của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.
Lời giải:
(*) Sơ đồ tham khảo:
Vận dụng 2 trang 64 Lịch Sử 12: Sưu tầm tư liệu về một trong những nhân vật tiêu biểu có vai trò và đóng góp nổi bật đối với công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay. Giới thiệu tư liệu đó với thầy cô và bạn học.
Lời giải:
(*) Tư liệu tham khảo: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với sự nghiệp đổi mới
♦ Người đột phá mở đường cho Đổi mới
Sau ngày giải phóng miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh được giao trọng trách là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Trưởng Ban Cải tạo XHCN Trung ương, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, sau đó trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai. Đây cũng là thời kỳ kinh tế nước ta lún sâu vào khủng hoảng, phân phối lưu thông trở nên rối ren, đời sống cán bộ và nhân dân khó khăn, tình hình tư tưởng cũng xấu đi rất nhanh. Với kinh nghiệm trong quản lý điều hành và qua nghiên cứu khảo sát thực tế, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Linh đã nhận thấy rằng một số chính sách kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế của ta đã lỗi thời, muốn tháo gỡ khó khăn, phải tìm ra cách làm ăn mới, hợp quy luật, hợp lòng người.
Từ năm 1979, nhất là sau khi có Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số mô hình đổi mới sản xuất và kinh doanh như các xí nghiệp dệt Thành Công, Phong Phú, Phước Long, Thắng Lợi… Những mô hình mới này đã áp dụng chế độ lương khoán sản phẩm; tự tìm tòi tháo gỡ những khó khăn về vật tư, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm và đã làm ăn có lãi. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã ủng hộ những mô hình tiên tiến này và đề nghị Thành uỷ cho phép nhân diện rộng điển hình. Ông cho rằng, muốn sản xuất “bung ra” thì các doanh nghiệp phải được giao quyền tự chủ, phải phá bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp.
Cũng từ lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Linh đã chấp nhận việc lập một hình thức sinh hoạt diễn đàn gọi là Câu lạc bộ giám đốc. Chính từ diễn đàn này, những khái niệm về mô hình mới như Kế hoạch ba phần, Xí nghiệp - cơ sở vệ tinh, loại hình công tư hợp doanh... đã hình thành.
Nhờ sự chỉ đạo năng động, sáng tạo của Thành uỷ và chính quyền, sau thời gian ngắn, nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh có những bước chuyển động lớn, mang tính đột phá, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất nhỏ và sản xuất gia đình trước đó bị đình trệ đã được khôi phục và hoạt động trở lại, một số mô hình công tư hợp doanh mới được thử nghiệm. Đến những năm 1984 - 1985, sản xuất công nghiệp của thành phố có bước tiến bộ rất lớn, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng có bước phát triển vượt bậc.
Những thành công của Thành phố Hồ Chí Minh đã được đồng chí Nguyễn Văn Linh và Thành ủy Thành phố đúc kết, tổng hợp báo cáo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công vào tháng 7/1983 tại Đà Lạt.
Cuộc đổi mới thử nghiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự đứng mũi chịu sào của Bí thư Nguyễn Văn Linh thành công, cũng là lúc những sai lầm của cách làm kinh tế theo tư duy cũ được chính thức nhìn nhận. Tháng 6/1985, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa V) ra Nghị quyết xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp chuyển sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, bắt đầu từ thay đổi chính sách về giá cả, tiền lương và tiền tệ. Cũng tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu lại vào Bộ Chính trị.
Cuối năm 1985, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do những khuyết điểm trong cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền. Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết tâm lãnh đạo khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới tư duy và cơ chế chính sách. Tháng 6/1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Bí thư và được phân công Thường trực Ban Bí thư. Với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, Bộ Chính trị đã họp (tháng 8/1986) và đi tới những kết luận quan trọng, nhấn mạnh đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý và 3 chương trình kinh tế lớn. Với tư duy lý luận mới và quá trình khảo nghiệm thực tiễn, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Văn Linh và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa V đã chỉ đạo chặt chẽ xây dựng các văn kiện trình Đại hội VI của Đảng.
♦ Đưa Nghị quyết về Đổi mới của Đảng vào cuộc sống
Tháng 12/1986, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Đại hội đã quyết định đường lối đổi mới, mở ra thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư duy mới, những quan điểm, cơ chế và chính sách mới. Đại hội cũng đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Với trọng trách nặng nề trước Đảng và nhân dân, đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa và hiện thực hóa đường lối đổi mới, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, vượt qua những khó khăn, thách thức ở trong nước và trên thế giới.
Triển khai thực hiện đường lối đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vừa chú trọng thực hiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa chiến lược, vừa quan tâm những việc cần làm ngay, kết hợp chặt chẽ nói và làm, trong đó đồng chí đặc biệt chú trọng đến đổi mới tư duy và phong cách. Đồng chí nhấn mạnh: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy rằng thiếu sót chủ quan của chúng ta là nghiêm trọng và kéo dài. Phải có tinh thần dũng cảm tự phê phán mạnh mẽ và triệt để để đổi mới. Không như thế, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài với những tai họa thật sự - những tai họa không phải do bản chất của chế độ chúng ta gây ra mà là do khuyết điểm của chúng ta gây ra” [1]. Đồng chí nêu rõ: “Nói đến tư duy là nói đến trình độ nắm bắt các quy luật khách quan, nói đến việc suy nghĩ theo đòi hỏi của các quy luật đó và vận dụng chúng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, nói đến quá trình sáng tạo đề ra các ý kiến mới, nói đến việc tìm tòi các biện pháp có hiệu quả cho hành động” [2].
Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, một trong những yêu cầu đặt ra cấp bách lúc này là ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nhưng cần bắt đầu từ đâu, lựa chọn việc nào làm khâu đột phá để chuyển biến toàn bộ nền kinh tế - xã hội? Với trí tuệ, bản lĩnh và những kinh nghiệm thực tiễn, được sự nhất trí của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lựa chọn phân phối, lưu thông làm chủ đề cho Hội nghị Trung ương lần thứ hai, lấy đó làm mũi đột phá để tháo gỡ những rối ren nhằm ổn định tình hình kinh tế và ổn định đời sống nhân dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ hai đã có tác động mạnh đến quá trình sản xuất và lưu thông, tháo gỡ những ách tắc cho “đầu vào” và “đầu ra” của sản xuất, đã xử lý đúng đắn các lợi ích kinh tế để tạo ra động lực cho sản xuất phát triển. Chỉ riêng biện pháp mở rộng giao lưu hàng hoá, xoá bỏ “ngăn sông, cấm chợ” đã có tác dụng to lớn và tức thời đối với nhiều nơi; tình trạng khan hiếm nhiều loại hàng hoá đã được khắc phục bước đầu. Các vấn đề tiền lương, giá cả, ngân sách, lãi suất ngân hàng... đã dần được giải quyết. Lạm phát giảm dần, từ ba con số năm 1987 xuống còn 61% năm 1991; lưu thông tiền tệ dần được ổn định. Cuối năm 1988, thực hiện tiền tệ hóa tiền lương, bỏ chế độ phân phối theo định lượng bởi tem phiếu; từ nền kinh tế hiện vật chuyển dần sang kinh tế hàng hóa, điều tiết theo thị trường với sự quản lý hướng dẫn của Nhà nước. Đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện.
Trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh xác định, phải lấy mặt trận nông nghiệp làm khâu đột phá, nếu muốn thực hiện thành công ba chương trình kinh tế lớn: sản xuất lương thực - thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất hàng xuất khẩu. Đặc biệt, từ kinh nghiệm trong những năm tháng lăn lộn tìm hiểu thực tế cùng người dân khi giữ cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị, đánh giá mặt được và hạn chế sau 7 năm thực hiện “Khoán 100” trong nông nghiệp và đi tới Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (5/4/1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho các hộ nông dân với quy mô hợp lý và ổn định trong 15 năm. Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, đã giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất trong nông nghiệp. Chỉ sau một năm, năm 1989, Việt Nam từ nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, đã không chỉ bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước mà còn trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực thứ 3 trên thế giới. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, nó mở đầu cho sự ổn định và gia tăng về lương thực của đất nước, sớm giải quyết thành công vấn đề an ninh lương thực, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng sớm nhìn thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe doạ sự ổn định của xã hội, của chế độ. Những bài viết trong mục “Những việc cần làm ngay”, đăng trên Báo Nhân dân đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong xã hội: Dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Sự nghiệp Đổi mới ở nước ta được tiến hành trong lúc Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đẩy mạnh cải cách, cải tổ. Tuy nhiên, do những sai lầm trong nhận thức, quan điểm và chính sách, giải pháp, đặc biệt là việc xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, công cuộc cải tổ đã dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước XHCN ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.
Với bản lĩnh và sự nhạy cảm về chính trị, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (3/1989), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sớm đề ra những nguyên tắc chỉ đạo, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới không đi chệch hướng. Đổi mới nhưng kiên định con đường, mục tiêu xã hội chủ nghĩa - con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Đảng ta chủ trương tiến hành đổi mới toàn diện, nhưng đổi mới phải có nguyên tắc, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa với những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp; phát huy dân chủ, đồng thời giữ vững kỷ cương, pháp luật; kiên quyết chống tệ tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ đạo tập trung đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân... Từ bài học không thành công của cải tổ ở các nước Đông Âu và Liên Xô, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thấy rõ sự cần thiết và cấp thiết của việc giữ vững mặt trận tư tưởng, lý luận; kiên quyết phê phán những sai trái, lệch lạc về tư tưởng, lý luận chính trị, chống “diễn biến hòa bình”, bảo đảm sự thống nhất về nhận thức và ý chí, hành động trong Đảng và xã hội ở thời điểm khó khăn, phức tạp nhất. Chính những đổi mới khoa học, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp Đảng ta kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng rất coi trọng tư duy mới trong quan hệ đối ngoại. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ngày 20/5/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về đổi mới tư duy, điều chỉnh đường lối đối ngoại, tập trung giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển kinh tế. Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chủ trương và trực tiếp tham gia thực hiện bình thường hoá quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, giải quyết vấn đề rút quân khỏi Cam-pu-chia, tạo dựng môi trường hòa bình hữu nghị và ổn định trong khu vực, tạo cơ sở để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN, nối lại quan hệ với các nước Tây Âu; tạo cơ sở thuận lợi cho việc bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, phá thế bị bao vây cấm vận, giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thay mặt Đảng ta long trọng tuyên bố: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
Sự nghiệp Đổi mới mà Đảng và Nhân dân ta tiến hành hơn 30 qua đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tạo ra tiền đề và điều kiện thuận lợi để nước ta tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới. Và dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Văn Linh, người đã góp phần to lớn trong hoạch định và thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng.
(*) Chú thích:
[1] - Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1988, trang 30.
[2] - Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1988, trang 31.
Xem thêm các chương trình khác:
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Văn mẫu 12 - Cánh diều
- Tóm tắt tác phẩm Ngữ văn 12 – Cánh diều
- Tác giả tác phẩm Ngữ văn 12 - Cánh diều
- Bố cục tác phẩm Ngữ văn 12 – Cánh diều
- Nội dung chính tác phẩm Ngữ văn 12 – Cánh diều
- Giải sgk Toán 12 – Cánh diều
- Giải Chuyên đề học tập Toán 12 – Cánh diều
- Lý thuyết Toán 12 – Cánh diều
- Giải sbt Toán 12 – Cánh diều
- Giải sgk Tiếng Anh 12 - ilearn Smart World
- Trọn bộ Từ vựng Tiếng Anh lớp 12 ilearn Smart World đầy đủ nhất
- Trọn bộ Ngữ pháp Tiếng Anh lớp 12 ilearn Smart World đầy đủ nhất
- Giải sbt Tiếng Anh 12 – iLearn Smart World
- Giải sgk Vật lí 12 – Cánh diều
- Giải Chuyên đề học tập Vật lí 12 – Cánh diều
- Lý thuyết Vật lí 12 – Cánh diều
- Giải sbt Vật lí 12 – Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 12 – Cánh diều
- Giải Chuyên đề học tập Hóa 12 – Cánh diều
- Lý thuyết Hóa 12 – Cánh diều
- Giải sbt Hóa 12 – Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 12 – Cánh diều
- Giải Chuyên đề học tập Sinh học 12 – Cánh diều
- Lý thuyết Sinh học 12 – Cánh diều
- Giải sbt Sinh học 12 – Cánh diều
- Giải sgk Địa lí 12 – Cánh diều
- Giải Chuyên đề học tập Địa lí 12 – Cánh diều
- Giải sbt Địa lí 12 – Cánh diều
- Giải sgk Tin học 12 – Cánh diều
- Giải Chuyên đề học tập Tin học 12 – Cánh diều
- Giải sbt Tin học 12 – Cánh diều
- Lý thuyết Tin học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 12 – Cánh diều
- Giải sgk Kinh tế pháp luật 12 – Cánh diều
- Giải Chuyên đề học tập Kinh tế pháp luật 12 – Cánh diều
- Giải sbt Kinh tế pháp luật 12 – Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 – Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 – Cánh diều