Giải Lịch sử 12 Bài 12 (Cánh diều): Hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1975

Với giải bài tập Lịch sử 12 Bài 12: Hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1975 sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 12 Bài 12.

1 27 lượt xem


Giải Lịch sử 12 Bài 12: Hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1975

Mở đầu trang 73 Lịch Sử 12: Vậy hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1975 diễn ra như thế nào?

Lời giải:

- Những hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1975 được chia làm 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1 (từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945): trong thời gian này, hoạt động đối ngoại của Việt Nam được thể hiện thông qua những hoạt động tiêu biểu của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương.

+ Giai đoạn 2 (1945 - 1954): trong thời gian này, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa kháng chiến, kiến quốc, vừa thực hiện các hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.

+ Giai đoạn 3 (1954 - 1975): trong thời gian này, hoạt động đối ngoại của Việt Nam tập trung chủ yếu vào phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Câu hỏi trang 76 Lịch Sử 12: Nêu hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Lời giải:

Hoạt động đối ngoại chủ yếu của các nhà yêu nước:

- Phan Bội Châu:

+ 1905-1909:

▪ Sang Nhật Bản, tiếp xúc với một số nhân vật như Lương Khải Siêu, Khuyền Dưỡng Nghị, Đại Ôi,…;

▪ Tìm kiếm sự ủng hộ đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam;

▪ Tổ chức phong trào Đông du;

▪ Tham gia thành lập Đông Á Đồng minh Hội và Điền - Quế - Việt liên minh.

+ 1909-1925

▪ Tiếp xúc với nhiều người yêu nước Trung Quốc;

▪ Thành lập và triển khai các hoạt động của Việt Nam Quang phục Hội, tham gia sáng lập Hội Chấn Hoa Hưng Á;

▪ Cử người liên lạc với một số tổ chức, đại diện nước ngoài như Công sứ Đức, Đại sứ quán Nga,.. nhằm tranh thủ sự giúp đỡ đối với cách mạng Việt Nam.

- Phan Châu Trinh:

+ 1906: Sang Nhật Bản rồi về nước, gửi thư đề nghị Toàn quyền Đông Dương cải cách chế độ cai trị, mở mang kinh tế, giáo dục đối với nhân dân Việt Nam.

+ 1911-1925:

▪ Hoạt động tại Pháp, tiếp xúc với các lực lượng cấp tiến ở Pháp;

▪ Gửi kiến nghị lên Chính phủ Pháp;

▪ Lên án chính sách cai trị của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương: viết báo, diễn thuyết để thức tỉnh dư luận Pháp về tình hình Việt Nam, nhằm tranh thủ sự giúp đỡ cho cách mạng Việt Nam.

- Nguyễn Ái Quốc:

+ 1918-1920: Gia nhập Đảng Xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế II, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đối với cách mạng Việt Nam.

+ 1921-1930:

▪ Tham dự nhiều hoạt động của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc;

▪ Tham gia sáng lập hai tổ chức có tính chất quốc tế là Hội Liên hiệp thuộc địa và Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông.

=> Ý nghĩa: Hoạt động đối ngoại của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc đã bước đầu kết nối cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, đồng thời đặt nền móng cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời kì hiện đại.

Hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương

- Giai đoạn 1930 - 1940: Đảng Cộng sản Đông Dương duy trì liên lạc với Quốc tế Cộng sản, các đảng cộng sản và phong trào vô sản ở các nước, thể hiện sự ủng hộ phong trào cách mạng thế giới, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ đối với công cuộc giải phóng dân tộc của Việt Nam.

- Giai đoạn 1941 - 1945:

+ Thông qua Mặt trận Việt Minh, hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương thể hiện chủ trương ủng hộ Liên Xô cùng lực lượng Đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít.

+ Từ năm 1942 đến năm 1945, trên cương vị là đại diện của Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh đã hai lần sang Trung Quốc để vận động ngoại giao với lực lượng Đồng minh.

Câu hỏi trang 77 Lịch Sử 12: Đọc thông tin, nêu những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954).

Lời giải:

- Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến năm 1954, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa kháng chiến, kiến quốc, vừa thực hiện các hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.

- Một số hoạt động cụ thể:

+ Từ năm 1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư, công hàm cho Đại hội đồng Liên hợp quốc và chính phủ một số nước, khẳng định tính hợp pháp của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đề nghị công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

+ Trước ngày 6-3-1946: Thực hiện chính sách ngoại giao mềm mỏng với quân đội Trung Hoa Dân quốc, cương quyết chống thực dân Pháp xâm lược.

+ Từ ngày 6-3-1946:Kí với Pháp Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946). Tiến hành đàm phán ngoại giao tại Đà Lạt, Phông ten-nơ-bờ-lô (Pháp) và kí với Pháp bản Tạm ước Việt - Pháp (14-9-1946).

+ Năm 1947 - 1949: Thiết lập cơ quan đại diện ngoại giao, phòng Thông tin tại Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ; cử đại diện tham gia một số hội nghị quốc tế và khu vực tại châu Á và châu Âu.

+ Năm 1950: Thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa: Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên và một số nước Đông Âu (Tiệp Khắc, Đức, Ru-ma-ni, Ba Lan,...).

+ Năm 1951: Tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa ba nước Đông Dương. Tổ chức hội nghị thành lập Liên minh nhân dân ba nước Việt - Miên - Lào tại Tuyên Quang (tháng 3-1951)

+ Năm 1954: Cử phái đoàn ngoại giao tham dự Hội nghị và kí kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, buộc Pháp thừa nhận và tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.

Câu hỏi trang 78 Lịch Sử 12: Nêu hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

Lời giải:

- Sau năm 1954, miền Bắc từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong bối cảnh mới, hoạt động đối ngoại của Việt Nam tập trung chủ yếu vào phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Một số hoạt động cụ thể:

+ Đấu tranh yêu cầu thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ:Từ năm 1954 đến năm 1958, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhiều lần gửi công hàm cho chính quyền Sài Gòn và các bên liên quan, yêu cầu thực hiện nội dung của Hiệp định Giơ-ne-vơ.

+ Củng cố, phát triển quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa:Từ năm 1954 đến năm 1975, Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc, Liên Xô.

+ Tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa ba nước Đông Dương:

▪ Năm 1965, Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương diễn ra tại Phnôm Pênh (Campuchia).

▪ Năm 1970, Hội nghị Cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương ra tuyên bố chung.

+ Đàm phán, kí kết Hiệp định Pa-ri:Từ năm 1968 đến năm 1973, Việt Nam cử các phái đoàn ngoại giao, tham gia đàm phán, kí kết Hiệp định Pa-ri, buộc Mỹ rút quân và công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam.

+ Mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước, đặc biệt là sau khi Hiệp định Pa-ri được kí kết (1973); đẩy mạnh đối ngoại nhân dân:Từ năm 1954 đến năm 1975, Việt Nam thiết lập, mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước; tích cực xây dựng mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Luyện tập 1 trang 78 Lịch Sử 12: Hoàn thành nội dung bảng hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1975 theo mẫu sau vào vở ghi.

Giai đoạn

Hoạt động đối ngoại chủ yếu

Từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954)

Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)

Lời giải:

Giai đoạn

Hoạt động đối ngoại chủ yếu

Từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945

- Hoạt động của Phan Bội Châu:

+ Tổ chức phong trào Đông du (1905 - 1908)

+ Năm 1908, tham gia thành lập các tổ chức có mục tiêu đoàn kết quốc tế như: Điền-Quế Việt liên minh và Đông Á đồng minh…

+ Thành lập tổ chức Việt Nam Quang phục hội (1912)

- Hoạt động của Phan Châu Trinh:

+ Năm 1911, Phan Châu Trinh sang Pháp tiếp xúc với một số nhóm Việt kiểu, tổ chức, đảng phải tiến bộ, nhiều lần gửi kiến nghị đến các thành viên của Chính phủ Pháp... phê phán chính quyền thực dân, thức tỉnh di luận Pháp về tình hình Việt Nam.

+ Phan Châu Trinh đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập và hoạt động của một số tổ chức yêu nước Việt Nam tại Pháp.

- Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc:

+ 1918-1920: Gia nhập Đảng Xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế II, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đối với cách mạng Việt Nam.

+ 1921-1930: tham dự nhiều hoạt động của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc; Tham gia sáng lập hai tổ chức có tính chất quốc tế là Hội Liên hiệp thuộc địa và Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông.

- Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương:

+ Giai đoạn 1930 - 1940:duy trì liên lạc với Quốc tế Cộng sản, các đảng cộng sản và phong trào vô sản ở các nước, thể hiện sự ủng hộ phong trào cách mạng thế giới, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ đối với công cuộc giải phóng dân tộc của Việt Nam.

+ Giai đoạn 1941 - 1945: ủng hộ Liên Xô cùng lực lượng Đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít; vận động ngoại giao với lực lượng Đồng minh.

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954)

- Từ năm 1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư, công hàm cho Đại hội đồng Liên hợp quốc và chính phủ một số nước, khẳng định tính hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đề nghị công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

- Trước ngày 6-3-1946: hòa hoãn với Trung Hoa Dân quốc, cương quyết chống thực dân Pháp xâm lược.

- Từ ngày 6-3-1946 - trước 19/12/1946: hòa hoãn, nhân nhượng có nguyên tắc với thực dân Pháp.

- Năm 1947 - 1949: cử đại diện tham gia một số hội nghị quốc tế và khu vực tại châu Á và châu Âu.

- Năm 1950: Thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên và một số nước Đông Âu.

- Năm 1951: Tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa ba nước Đông Dương.

- Năm 1954: đàm phán và kí kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương.

Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)

- Đấu tranh yêu cầu thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ

- Củng cố, phát triển quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa

- Tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa ba nước Đông Dương:

- Đàm phán, kí kết Hiệp định Pa-ri

- Mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước, đặc biệt là sau khi Hiệp định Pa-ri được kí kết (1973); đẩy mạnh đối ngoại nhân dân

Vận dụng 2 trang 78 Lịch Sử 12: Sưu tầm tư liệu về sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975).

Lời giải:

(*) Tư liệu tham khảo: nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc của nhân dân yêu chuộng tự do, hòa bình và công lý trên thế giới. Cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã được sự ủng hộ nhiệt thành của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của mình, nhân dân Việt Nam được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latinh và nhân dân toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Dựa vào sức đoàn kết chiến đấu của mình, đồng thời dựa vào sức ủng hộ của nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược và nhất định sẽ thu được thắng lợi hoàn toàn".

Các nước yêu chuộng hòa bình luôn ủng hộ lập trường chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, cổ vũ mọi thắng lợi của nhân dân ta, lên án mạnh mẽ đế quốc Mỹ xâm lược. Tại nhiều nước Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Anbani, Cuba, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Đức... nhiều quân nhân và thanh niên nam, nữ đã tình nguyện hiến máu gửi tặng nhân dân ta. Đi đôi với việc ủng hộ về chính trị, tinh thần, nhân dân ta còn nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống XHCN về vật chất và cố vấn, chuyên gia kỹ thuật. Đầu năm 1966, Thủ tướng Cu-ba Phiđen Caxtơrô đã tuyên bố: "Vì Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng hiến dâng đến cả dòng máu của mình".

Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, và đã tập hợp được các nước Á, Phi, Mỹ Latinh, các nước Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ và ngay trong lòng nước Mỹ vào một mặt trận chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam.

Tại các hội nghị đoàn kết Á - Phi, đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh, các Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được hầu hết các nước đồng tình, ủng hộ.

Để đoàn kết và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, hơn 200 tổ chức, ủy ban, phong trào đoàn kết được lập ra ở hầu hết các nước trên thế giới với nhiều hoạt động tích cực.

Hàng triệu người thuộc nhiều nước ghi tên tình nguyện sang giúp nhân dân Việt Nam đánh Mỹ: 16 nước có phong trào hiến máu; trên 50 nước có phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam. Ở Pháp có các phong trào quyên góp "100 triệu Frăng ủng hộ Việt Nam"; ở Nhật Bản có chiến dịch quyên góp "100 triệu yên cho Việt Nam"; ở Thụy Điển có phong trào "Một triệu cuaron ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam". Nổi bật là cuộc tổng bãi công của hơn 5 triệu công nhân thuộc 91 tổ chức công đoàn Nhật Bản trong năm 1965. Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp tổ chức "Đêm thức vì hòa bình ở Việt Nam"... Giữa lòng Thủ đô Stốckhôm, xuất hiện các "chiến khu giải phóng" của thanh niên Thụy Điển. Họ lấy cờ Mặt trận và bài hát Giải phóng miền Nam làm cờ và bài ca chính thức, lập ra nhóm hành động ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhân dân Cộng hòa Liên bang Đức đã sôi sục biểu tình tại hơn 50 thành phố phản đối Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng.

Từ châu Phi, châu Mỹ Latinh xa xôi cũng vang lên những tiếng thét phẫn nộ phản đối hành động xâm lược của đế quốc Mỹ và tỏ rõ nhiệt tình ủng hộ sâu sắc với cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Các nước Áchentina, Urugoay, Cốtxta Rica, Cônggô, Xômali... đã tổ chức giới thiệu cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam ngày càng tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của xã hội Mỹ. Nhân dân Mỹ, đặc biệt là nhiều lính Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam không chỉ thấy sự vô nghĩa, tính chất phi đạo lý của cuộc chiến tranh xâm lược, mà còn thức tỉnh, kính phục một dân tộc giàu lòng yêu nước, dũng cảm chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của mình. Ngày 24-3-1965, cuộc hội thảo đầu tiên về chiến tranh Việt Nam được tổ chức tại Trường đại học Michigân với hơn 3 nghìn sinh viên tham dự, sau đó đã nhanh chóng lan ra các trường đại học khác.

Phong trào đấu tranh của sinh viên từ các giảng đường đã lan tỏa ra các đường phố. Ngày 8/6/1965, hơn 18 nghìn người đã tụ họp tại Niu Yoóc quyết định: "Tất cả những ai chống chiến tranh Việt Nam phải xuống đường". Các cuộc đấu tranh từ tự phát chuyển sang có tổ chức, sinh viên đã lập ra "Ủy ban phối hợp toàn quốc nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam". Từ đó, các cuộc biểu tình ngày càng có quy mô lớn và quyết liệt hơn. Mở đầu là Noócman Morixơn, đã tự thiêu trước trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo tấm gương Morixơn, một tuần sau (9/11/1965), người thanh niên Mỹ tên là Rôgiơ Lapotơ, 22 tuổi tự thiêu trước trụ sở Liên Hợp quốc để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Tiếp đó, ngày 10/11 chị Xilin Giancaoxki, và cụ bà Helga Alíthớt, 79 tuổi tự thiêu để chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Hành động cao đẹp và dũng cảm trên được báo chí nhiều nước ca ngợi, coi đây "là những bó đuốc tiếp sức phản kháng cuộc chiến tranh dã man ở Việt Nam", là lời tố cáo nghiêm khắc của người dân Mỹ đối với nhà cầm quyền Mỹ .

Oantơ Lípman, nhà bình luận chính trị nổi tiếng nước Mỹ nhận xét: "lương tâm người Mỹ nổi giận... Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh không được lòng người nhất trong lịch sử Hoa Kỳ".

Cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ, tạo nên một mặt trận chống kẻ thù chung dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, ngày càng cô lập được đế quốc Mỹ, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp - sức mạnh của dân tộc và sức mạnh thời đại để không ngừng tăng cường thế và lực cho cuộc kháng chiến.

Vận dụng 3 trang 78 Lịch Sử 12: Từ những hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1975, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong hoạt động đối ngoại hiện nay?

Lời giải:

- Một số bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1975:

+ Cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại.

+ Ngoại giao phải luôn xác định, quán triệt nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

+ Nghiên cứu, bám sát tình hình trong nước và thế giới để từ đó vận dụng khéo léo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến,” kiên trì về nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược và bước đi.

+ Vận dụng tốt phương châm “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.

+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo; đồng thời, không ngừng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

1 27 lượt xem