Giải Lịch sử 10 Bài 14 (Kết nối tri thức): Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam

Với giải bài tập Lịch sử 10 Bài 14: Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 10 Bài 14.

1 6,643 07/10/2024
Tải về


Giải Lịch sử lớp 10 Bài 14: Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam

Video giải Lịch sử lớp 10 Bài 14: Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam

Mở đầu trang 136 Lịch sử 10: Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hung bạo. Theo em sức mạnh nào góp phần quyết định giúp dân tộc Việt nam giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc chống ngoại xâm, giữ vững nền đọc lập cũng như giữ gìn và phát triển nền văn hóa truyền thống? Sức mạnh ấy đã được phát huy ra sao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Trả lời:

- Theo em sức mạnh về tinh thần đoàn kết dân tộc đã góp phần quyết định giúp dân tộc Việt nam giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc chống ngoại xâm, giữ vững nền đọc lập cũng như giữ gìn và phát triển nền văn hóa truyền thống.

- Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, sức mạnh đoàn kết tiếp tục được phát huy. Đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của công cuộc xây dựng đất nước. Đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh nền tảng, tập hợp, phát huy sức mạnh nhân dân trong và ngoài nước tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là yếu tố khẳng định vị thế quốc gia trước những thách thức của thời đại mới: khẳng định chủ quyền biên giới, hải đảo của Việt Nam; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường,…

Câu hỏi 1 trang 137 Lịch sử 10: Hãy cho biết khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt nam được hình thành trên những cơ sở nào và thể hiện ra sao trong các thời kì lịch sử?

Trả lời:

* Cơ sở hình thành khối đại đoàn kết dân tộc:

- Tình yêu gia đình và quê hương đất nước

- Yêu cầu liên kết đẻ trị thủy, làm thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

- Yêu cầu tập hợp lực lượng để đấu tranh chống ngoại xâm.

* Biểu hiện của khối đoàn kết dân tộc qua các thời kì lịch sử:

- Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam được hình thành từ rất sớm - thời dựng nước Văn Lang, Âu Lạc.

- Qua các thời kì lịch sử khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam ngày càng được củng cố và phát huy sức mạnh:

+ Củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc qua cuộc đấu tranh bền bỉ trong hơn 1000 năm chống lại sự thống trị, đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc, giành lại độc lập dân tộc.

+ Thời kì phong kiến tự chủ: khối đại đoàn kết giữa người Kinh với các dân tộc thiểu số luôn được các vương triều quan tâm, xây dựng thông qua chính sách, biện pháp cụ thể.

+ Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (1930), khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố, mở rộng, phát triển và trở thành một trong những nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Câu hỏi 2 trang 137 Lịch sử 10: Nêu nhận xét về sự hình thành và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam.

Trả lời:

- Nhận xét:

+ Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của Việt Nam ta, được hình thành, củng cố và phát triển trong quá trình dựng nước, giữ nước.

+ Nhờ có truyền thống đại đoàn kết mà nhân dân Đại Việt đã lần lượt đánh đuổi được các triều đại phong kiến phương Bắc giữ vững nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

+ Từ khi ra đời, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước..

Câu hỏi trang 138 Lịch sử 10: Em hãy cho biết nguyên nhân thắng lợi của các cuộc đấu tranh giành độc lập trong lịch sử dân tộc. Qua đó, phân tích vai trò và tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam.

Trả lời:

- Khối đại đoàn kết dân tộc là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công của các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ hoặc giành lại độc lập dân tộc.

* Vai trò và tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam:

- Dựng nước: sự cố kết cộng đồng trong các hoạt động trị thủy, xây dựng công trình công cộng để chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm, là cơ sở cho sự ra đời của các nhà nước đầu tiên ở nước ta. => Sức mạnh đoàn kết dân tộc ngày càng phát triển và trở thành truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

- Giữ nước:

+ Trong đấu tranh chống ngoại xâm: khối đại đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh quyết định mọi thắng lợi, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc: đấu tranh đánh đuổi các cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ....

+ Trong thời kì hòa bình: đoàn kết dân tộc là nhân tố ổn định xã hội, tạo nền tảng xây dựng và phát triển đất nước.

Câu hỏi trang 139 Lịch sử 10: Quan sát Hình 2, kết hợp liên hệ thực tế, em hãy nêu vai trò, tầm quan trọng của khối đoàn kết dân tộc trong cuộc sống hiện nay. Kể thêm một số ví dụ khác mà em biết.

Giải Lịch sử 10 Bài 14: Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam - Kết nối tri thức (ảnh 1)

Trả lời:

- Vai trò, tầm quan trọng của khối đoàn kết dân tộc trong cuộc sống hiện nay:

+ Đoàn kết dân tộc là cơ sở để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, giữ gìn, ổn định xã hội, sự bền vững của môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

+ Đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của công cuộc xây dựng đất nước.

+ Là yếu tố khẳng định vị thế quốc gia trước những thách thức của thời đại mới: khẳng định chủ quyền biên giới, hải đảo của Việt Nam; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường,…

- Ví dụ:

+ Tổ chức các phong trào, cuộc vận động “ Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở’’; “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh’’; “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’; hoạt động bảo vệ biên giới, chủ quyền, biển đảo, phòng chống thiên tai, bão lũ và đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư...

+ Từ đầu năm 2020 đến nay khi đại dịch Covid – 19 bùng phát, diễn biến rất phức tạp trên toàn cầu và ở Việt Nam, toàn dân ta đoàn kết, đồng lòng thực hiện “chống dịch như chống giặc” để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân và ổn định phát triển sản xuất, thực hiện mục tiêu kép được quốc tế đánh giá cao.

Câu hỏi trang 140 Lịch sử 10: Em hãy xác định những từ ngữ thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc trong các tư liệu 5, 6. Các tư liệu đó thể hiện điều gì trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước?

Giải Lịch sử 10 Bài 14: Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam - Kết nối tri thức (ảnh 1)

Trả lời:

- Những từ ngữ thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc trong các tư liệu 5, 6:

+ Tư liệu 5: Đoàn kết dân tộc không phân biệt giống nói, gái, trai, giai cấp, tôn giáo.

+ Tư liệu 6: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kì thị, chia rẽ dân tộc.

- Các tư liệu đó thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc. Từ khi Đảng ra đời cho đến nay, luôn quan tâm xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc với 3 nguyên tắc: đoàn kết, bình đẳng và tương trợ nhau cùng nhau cùng phát triển.

Câu hỏi 1 trang 142 Lịch sử 10: Lập bảng tóm tắt một số nội dung cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước (về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng).

Trả lời:

Lĩnh vực

Nội dung chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước

Kinh tế

Chủ trương phát triển kinh tế miền núi, vùng dân tộc thiểu số nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các dân tộc, từng bước khắc phục chênh lệch giữa các vùng, dân tộc.

Văn hóa

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bao gồm các giá trị và bản sắc văn hóa của 54 dân tộc.

Xã hội

Thực hiện chính sách xã hội trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số xuất phát từ đường lối chung và đặc điểm riêng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và kết cấu xã hội, tập quán và truyền thống trong các dân tộc.

An ninh

quốc phòng

Củng cố các địa bàn chiến lược, giải quyết vấn đề đoàn kết dân tộc và quan hệ dân tộc trong mối liên hệ tộc người, giữa các tộc người và liên quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa.

Câu hỏi 2 trang 142 Lịch sử 10: Thông qua sách, báo, truyền hình, internet hoặc quan sát thực tế ở địa phương em hãy kể tên một số chương trình thể hiện những nội dung cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Trả lời:

- Một số chương trình cụ thể trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà Nước:

+ Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng

+ Chương trình xoá đói giảm nghèo

+ Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135),…

Luyện tập và Vận dụng (trang 142)

Luyện tập 1 trang 142 Lịch sử 10: Em hãy trình bày quá trình hình thành và phát triển khối đại đoàn dân tộc trên trục thời gian.

Trả lời:

Trình bày quá trình hình thành và phát triển khối đại đoàn dân tộc trên trục thời gian:

Giải Lịch sử 10 Bài 14: Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam - Kết nối tri thức (ảnh 1)

Luyện tập 2 trang 142 Lịch sử 10:

“Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”

(Hồ Chí Minh)

Em hiểu như thế nào về quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Lấy những dẫn chứng lịch sử để chứng minh cho luận giải của em.

Trả lời:

- Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng có ý nghĩa chiến lược cơ bản, nhất quán và xuyên suốt, là vấn đề sống còn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình phát triển của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định rằng đại đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” .

- Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng khối đại đoàn kết dân tộc được tập hợp trong một mặt trận thống nhất tạo nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.

- Đại đoàn kết không những giúp nhân dân ta thành công đánh đuổi những kẻ thù xâm lược như thực dân Pháp, đế quốc Mĩ giữ vững nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước mà còn giúp nhau để phát triển kinh tế, xã hội trong thời bình. Nhiều chương trình vận động giúp đỡ nhau nhằm xóa đói, giảm nghèo, lá lành đùm lá rách, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác cùng với cuộc vận động xã hội, các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…

- Như vậy đại đoàn kết dân tộc có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo.

Vận dụng 1 trang 142 Lịch sử 10: Hiện nay, trong danh sách Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh có nhiều di sản thuộc về cộng đồng các dân tộc thiểu số. Điều đó gợi cho em suy nghĩ gì? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 15 dòng) giới thiệu về một di sản của cư dân tộc thiểu số mà em thích nhất.

Trả lời:

(*) Nêu suy nghĩ: Hiện nay, trong danh sách Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh có nhiều di sản thuộc về cộng đồng các dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước đã luôn chú trọng, quan tâm xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là văn hóa, di sản thuộc về cộng đồng các dân tộc thiểu số.

(*) Giới thiệu: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

- Bao ngàn đời nay, cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả,.. cho đến lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới,...

- Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Chủ nhân của di sản văn hóa quý giá và đặc sắc này là 17 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á và Nam đảo (Austronesian) sống trên khu vực cao nguyên trung bộ của Việt Nam.

- Cồng chiêng của Việt Nam mang đặc trưng riêng so với cồng chiêng ở những khu vực khác do tính cộng đồng rất cao. Điều này thể hiện ở việc mỗi nhạc công đánh một chiếc. Từng thành viên trong dàn nhạc nhớ rõ từng tiết tấu của từng bài chiêng trong mỗi nghi lễ và kết hợp hài hòa với các nhạc công khác cùng chơi. Tùy theo từng nhóm dân tộc, cồng chiêng được đánh bằng dùi hoặc bằng tay; mỗi dàn cồng chiêng có khoảng từ 2 đến 13 chiếc có đường kính dao động từ 25 đến 120 cm.

- Xưa nay, người Tây Nguyên không tự chế tác mà mua cồng chiêng của người Kinh từ các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, dân tộc Lào hoặc Campuchia, rồi về nắn chỉnh lại để có được âm thanh mong muốn. Mỗi một làng bản đều có một người chuyên lên chiêng (hay còn gọi là người chỉnh chiêng).

- Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của Nhân loại. Cồng chiêng vốn là tài sản vô giá, được các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên sáng tạo và không ngừng phát huy, trao truyền lại bao đời nay.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo.

Vận dụng 2 trang 142 Lịch sử 10: Nếu trường em hoặc tổ dân phố/làng/ bản nơi em đang sinh sống phát động cuộc thi vẽ tranh hoặc sưu tầm hình ảnh và viết bài tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, em sẽ lựa chọn hình ảnh nào? Tại sao?

Trả lời:

- Nếu trường em hoặc tổ dân phố/làng/ bản nơi em đang sinh sống phát động cuộc thi vẽ tranh hoặc sưu tầm hình ảnh và viết bài tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, em sẽ lựa chọn hình ảnh: cây ATM gạo

- Vì: trong bối cảnh đại dịch Covid-19, người dân khắp mọi miền Tổ quốc đã cùng nhau đoàn kết, chung tay, góp sức lập nên những cây ATM gạo để giúp đỡ người nghèo. Tinh thần đoàn kết và sự lan tỏa yêu thương này sẽ góp phần giúp những người yếu thế trong xã hội có niềm tin và nghị lực để vượt qua khó khăn.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo.

Lý thuyết Lịch sử 10 Bài 14: Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam

I. Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dân tộc Việt Nam

a) Sự hình thành khối đại đoàn kết dân tộc

- Khối đoàn kết dân tộc ở Việt Nam đã hình thành từ rất sớm - từ thời dựng nước Văn Lang - Âu Lạc, xuất phát từ:

+ Yêu cầu liên kết để trị thuỷ, làm thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp

+ Yêu cầu tập hợp lực lượng đấu tranh chống giặc ngoại xâm

- Khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam ngày càng được củng cố qua cuộc đấu tranh bền bỉ trong hơn 1000 năm Bắc thuộc

- Thời kì phong kiến tự chủ, khối đại đoàn kết dân tộc luôn được các vương triều quan tâm, xây dựng thông qua nhiều chính sách, biện pháp cụ thể.

- Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (1930), khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố, phát triển và mở rộng

Lý thuyết Lịch Sử 10 Kết nối tri thức Bài 14: Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam

- Khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam được thể hiện tập trung trong Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đươc thành lập này 18/11/1930 với tên gọi Hội Phản đế đồng minh, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

b) Vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước

- Khối đại đoàn kết dân tộc là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công của các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ hoặc giành lại độc lập dân tộc.

c) Vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

- Đại đoàn kết dân tộc có vai trò to lớn, là cơ sở để huy động sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, giữ gìn ổn định xã hội, sự bền vững của môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

- Đoàn kết giữa các dân tộc một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đã và đang được phát huy cao độ khi có thiên tai, dịch bệnh.

Lý thuyết Lịch Sử 10 Kết nối tri thức Bài 14: Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam

Giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra

II. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện nay

a) Quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc

- Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn quan tâm xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, với 3 nguyên tắc: Đoàn kết, Bình đẳng và Thương trợ nhau cùng phát triển.

- Ba nguyên tắc này đã từng bước được phát triển, khẳng định trên tất cả các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước; được quán triệt trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và được cụ thể hoá trong các chương trình hành động, chính sách của Nhà nước Việt Nam qua các thời kì.

b) Nội dung cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước

- Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với từng thời kì, từng vùng miền, từng địa phương, từng dân tộc nhằm gìn giữ, phát huy, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.

- Điểm nổi bật nhất trong chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam hiện nay là tính toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng,...

+ Về kinh tế: nhà nước chủ trương phát triển kinh tế miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các dân tộc, từng bước khắc phục chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc;...

+ Về văn hoá: nội dung bao trùm là xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

+ Về xã hội: thực hiện chính sách xã hội trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số xuất phát từ đường lối chung và đặc điểm riêng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và kết cấu xã hội, tập quán và truyền thống trong các dân tộc...

+ Về an ninh quốc phòng: củng cố các địa bàn chiến lược, giải quyết tốt vấn để đoàn kết dân tộc và quan hệ dân tộc trong mối liên hệ tộc người, giữa các tộc người và liên quốc gia trong xu thế toàn cầu hoá.

- Những chương trình kinh tế, chính trị, xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã phát huy hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi diện mạo kinh tế, văn hoá, xã hội các địa phương miền núi, hải đảo; củng cố, giữ vững biên giới, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Xem thêm lời giải bài tập Lịch sử lớp 10 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác:

Bài 1: Hiện thực lịch sử và nhận thức lịch sử

Bài 2: Tri thức lịch sử và cuộc sống

Bài 3: Sử học với các lĩnh vực khoa học

Bài 4: Sử học với một số lĩnh vực ngành nghề hiện đại

Bài 5: Khái niệm văn minh. Một số nền văn minh Phương Đông thời kì cổ - trung đại

1 6,643 07/10/2024
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: