Chuyên đề Lịch sử 12 (Cánh diều) Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945 – 1973)

Với giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 12 Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945 – 1973) sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Lịch sử 12.

1 200 22/07/2024


Giải Chuyên đề Lịch sử 12 Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945 – 1973)

Mở đầu trang 25 Chuyên đề Lịch Sử 12: Vậy tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Nhật Bản từ năm 1945 đến nay như thế nào? Sự thành công của Nhật Bản đã để lại những bài học gì?

Lời giải:

- Các giai đoạn phát triển của lịch sử Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay:

+ 1945 – 1952, Nhật Bản bị quân đội Đồng minh chiếm đóng. Bộ Chỉ huy tối cao các lực lượng Đồng minh (SCAP) đã thi hành một số biện pháp “phi quân sự hoá” và thực hiện “dân chủ hoá” Nhật Bản. Những chính sách cải cách của SCAP đã góp phần quan trọng đưa đến những chuyển biến lớn trong đời sống chính trị - kinh tế và xã hội của Nhật Bản.

+ 1952 – 1973, Nhật Bản đạt được sự tăng trưởng cao về kinh tế

+ Từ 1973 – hiện nay, sự phát triển của Nhật Bản đan xen với những đợt khủng hoảng, suy thoái ngắn.

- Những bài học rút ra từ thành công của Nhật Bản:

+ Coi trọng nhân tố con người.

+ Phát huy vai trò của nhà nước trong việc quản lí, điều tiết nền kinh tế.

+ Cải tiến hệ thống tổ chức, quản lí sản xuất

+ Bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống về lịch sử, văn hóa.

1. Thời kì Nhật Bản bị quân Đồng minh chiếm đóng (1945 - 1952)

Câu hỏi trang 27 Chuyên đề Lịch Sử 12: Nêu quá trình dân chủ hóa ở Nhật Bản những năm 1945 - 1952.

Nêu quá trình dân chủ hóa ở Nhật Bản những năm 1945 1952

Lời giải:

♦ Bối cảnh:

- Chiến tranh thế giới thứ hai gây ra những hậu quả nặng nề cho Nhật Bản.

- Từ năm 1945 đến năm 1952, Nhật Bản chịu sự chiếm đóng của lực lượng Đồng minh. Chính phủ Nhật Bản vẫn được phép tồn tại và hoạt động, nhưng quyền điều hành đất nước thuộc về Bộ Chỉ huy tối cao lực lượng Đồng minh (SCAP). Trong bối cảnh đó, quá trình dân chủ hoá ở Nhật Bản được tiến hành trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục.

♦ Nội dung cải cách:

- Lĩnh vực chính trị:

+ Loại bỏ chủ nghĩa quân phiệt và bộ máy chiến tranh của Nhật Bản.

+ Soạn thảo Hiến pháp mới (có hiệu lực từ ngày 3-5-1947), quy định Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến, nhưng thực chất là theo chế độ dân chủ đại nghị tư sản.

+ Nhật Bản cam kết: từ bỏ việc tiến hành chiến tranh, xét xử tội phạm chiến tranh, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không duy trì quân đội thường trực, chỉ có Lực lượng phòng vệ dân sự.

- Lính vực kinh tế:

+ Thủ tiêu chế độ tập trung kinh tế: giải tán các tập đoàn lũng đoạn mang tính chất dòng tộc “Đai-bát-xư”.

+ Cải cách ruộng đất quy định mỗi chủ đất chỉ được sở hữu không quá 3 héc-ta ruộng, số còn lại Chính phủ đem bán cho nông dân.

+ Dân chủ hoá lao động (thông qua việc thực hiện các đạo luật về lao động).

- Lĩnh vực Giáo dục:

+ Tiến hành cải cách giáo dục với mục tiêu xây dựng một nền giáo dục mới khoa học và tiến bộ.

+ Luật Giáo dục ban hành năm 1947 quy định chế độ giáo dục bắt buộc 9 năm, học sinh buộc phải đến trường và tốt nghiệp phổ thông cơ sở.

Câu hỏi trang 28 Chuyên đề Lịch Sử 12: Nêu những chuyển biến về kinh tế, xã hội Nhật Bản trong những năm 1945 – 1952.

Lời giải:

- Về kinh tế:

+ Trong những năm 1945 - 1950, kinh tế Nhật Bản phát triển chậm chạp và lệ thuộc chặt chẽ vào kinh tế Mỹ.

+ Với quyết tâm của người Nhật, sự đầu tư, giúp dỡ của Mỹ và nhờ vào Chiến tranh Triều Tiên, nền kinh tế Nhật Bản được phục hồi vào những năm 1950 - 1951.

- Về xã hội:

+ Sau chiến tranh, nạn đói diễn ra ở nhiều nơi trong nước, tình trạng thất nghiệp phổ biến.

+ Đến năm 1952, nhờ những cải cách văn hoá, giáo dục, phục hồi các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,... xã hội Nhật Bản chuyển dần sang xã hội dân chủ và từng bước ổn định.

2. Nhật Bản từ năm 1952 đến năm 1973

Câu hỏi trang 30 Chuyên đề Lịch Sử 12: Nêu sự phát triển của kinh tế Nhật Bản những năm 1952 - 1973. Giải thích nguyên nhân dẫn đến sự phát triển “thần kì" những năm 1960 - 1973.

Lời giải:

- Từ năm 1952 đến năm 1960, kinh tế Nhật Bản có bước phát triển nhanh.

- Từ năm 1960 đến năm 1973 là giai đoạn phát triển “thần kì” của Nhật Bản.

+ Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 10,8 %.

+ Năm 1968, Nhật Bản vươn lên hàng thứ hai thế giới tư bản (sau Mỹ) với tổng sản phẩm quốc dân là 183 tỉ USD.

+ Đầu những năm 70 của thế kỉ XX, Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính trong thế giới tư bản, cùng với Mỹ và Tây Âu.

- Nhật Bản đặc biệt coi trọng giáo dục và khoa học - kĩ thuật, tìm cách đẩy nhanh sự phát triển bằng cách mua bằng phát minh sáng chế. Khoa học - kĩ thuật và công nghệ Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất ứng dụng dân dụng, đạt được nhiều thành tựu lớn.

- Nguyên nhân phát triển “thần kì” của Nhật Bản:

+ Áp dụng các thành tựu khoa học - kĩ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm

+ Coi con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định hàng đầu.

+ Nhiều tập đoàn và công ty có tầm nhìn xa, quản lí tốt, có tiềm lực và sức cạnh tranh cao.

+ Vai trò lãnh đạo, quản lí có hiệu quả của nhà nước.

+ Chi phí cho quốc phòng thấp (không vượt quá 1 % GDP), có điều kiện tập trung vốn đầu tư cho kinh tế.

+ Tận dụng tốt các yếu tố bên ngoài để phát triển như nguồn viện trợ Mỹ, lợi nhuận từ các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950 - 1953), ở Việt Nam (1954 - 1975).

Câu hỏi trang 31 Chuyên đề Lịch Sử 12: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình 6, 7: Nêu những nét chính về tình hình chính trị, xã hội Nhật Bản những năm 1952 - 1973.

Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình 6, 7 Nêu những nét chính về tình hình chính trị

Lời giải:

Nét chính về tình hình chính trị, xã hội Nhật Bản những năm 1952 - 1973

- Về đối nội:

+ Chính phủ Nhật Bản tập trung duy trì và bảo vệ chế độ tư bản.

+ Từ năm 1955 đến năm 2009, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) liên tục cầm quyền. Chính phủ chủ trương xây dựng “Nhà nước phúc lợi chung”, tăng thu nhập quốc dẫn lên gấp đôi trong vòng 10 năm (1960 - 1970).

+ Về thực chất, quyền lực chính trị năm trong tay ba thế lực chính gồm: LDP, các doanh nghiệp lớn và giới quan chức cấp cao.

- Về đối ngoại:

+ Nhật Bản chủ trương liên minh chặt chẽ với Mỹ, kí Hiệp ước hoà bình Xan Phran-xi-xcô (8-9-1951), chấm dứt thời kì chiếm đóng của lực lượng Đồng minh (1952).

+ Cùng ngày, Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật được kí kết, theo đó Nhật Bản chấp nhận được đặt dưới “chiếc ô” bảo hộ hạt nhân của Mỹ, cho Mỹ đóng quân và xây dựng căn cứ quân sự trên đất Nhật Bản.

- Về xã hội:

+ Trải qua hơn hai thập kỉ phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, tầng lớp trung lưu mới xuất hiện và ngày càng tăng về số lượng trong các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp.

+ Mặc dù vậy, Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như giá nhà ở tăng cao, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ùn tắc giao thông,..

Câu hỏi trang 31 Chuyên đề Lịch Sử 12: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình 6, 7: Giải thích vì sao Nhật Bản lại liên minh chặt chẽ với Mỹ?

Lời giải:

Nguyên nhân Nhật Bản liên minh chặt chẽ với Mỹ:

- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai Nhật Bản bị tàn phá nặng nề, bị giải giáp vũ trang và phải thực hiện theo tuyên bố Potsdam là không được phát triển quân đội. Vì vậy, Nhật Bản phải đối mặt với những mối nguy hiểm xung quanh và có nhu cầu đảm bảo an ninh trong hoàn cảnh không có quân đội. Bối cảnh lịch sử đó đã thúc đẩy Nhật Bản tiến hành liên minh với Mỹ nhằm mục đích: dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ để có thể bảo vệ an ninh – quốc phòng của quốc gia.

- Đồng thời, Nhật Bản liên minh với Mỹ cũng nhằm mục đích: nhận được sự viện trợ, giúp đỡ của Mỹ trong việc khôi phục và “dân chủ hóa” đất nước.

1 200 22/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: