Cảm hứng và sáng tạo - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 12 - Kết nối tri thức

Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Cảm hứng và sáng tạo Ngữ văn lớp 12 sách Kết nối tri thức đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 12. Mời các bạn đón xem:

1 485 28/10/2024


Tác giả tác phẩm: Cảm hứng và sáng tạo - Ngữ văn 12

I. Tác giả Nguyễn Trần Bạt

Cảm hứng và sáng tạo - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức

- Nguyễn Trần Bạt (1946 – 2020), quê ở tỉnh Nghệ An, là luật sư, doanh nhân, nhà nghiên cứu xã hội.

- Một số tác phẩm tiêu biểu: Suy tưởng (2005), Cải cách và sự phát triển (2005), Văn hóa và con người (2006), Cải cách và sự phát triển (2005),…

II. Tìm hiểu văn bản Cảm hứng và sáng tạo

1. Thể loại

- Tác phẩm Cảm hứng sáng tạo thuộc thể loại: Văn bản nghị luận.

2. Xuất xứ

- Nguyễn Trần Bạt, Cội nguồn cảm hứng, NXB Hội Nhà văn – Công ti TNHH Phát hành sách Sài Gòn, Hà Nội, 2011, tr.37 - 47.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: nghị luận.

4. Bố cục Cảm hứng và sáng tạo

- Phần 1 (từ đầu đến có mặt): biểu hiện của cảm hứng.

- Phần 2 (tiếp theo đến cộng đồng): vai trò của cảm hứng đối với sự phát triển.

- Phần 3 (tiếp theo đến xã hội): sự sáng tạo vô tận của con người nhờ cảm hứng biến chuyển.

- Phần 4 (đoạn còn lại): khẳng định tầm quan trọng của cảm hứng và sáng tạo.

5. Tóm tắt Cảm hứng và sáng tạo

Văn bản đề cập đến cảm hứng và vai trò của cảm hứng trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Đây được coi là vấn đề có tính ảnh hưởng cao đối với đời sống của mỗi cá nhân hay một cộng đồng xã hội.

6. Giá trị nội dung

- Văn bản đưa ra những diễn giải chi tiết, rõ ràng về khái niệm của cảm hứng, quan điểm cũng như thái độ của tác giả khi bàn về vấn đề đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của cảm hứng và vai trò thiết yếu của nó trong cuộc sống ngày nay.

7. Giá trị nghệ thuật

- Lập luận rõ ràng, mạch lạc.

- Lí lẽ, dẫn chứng xác đáng, bố cục rành mạch.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Cảm hứng và sáng tạo

1. Vấn đề cảm hứng và vai trò của cảm hứng

a. Khái niệm

- Là trạng thái tinh thần đặc biệt: Khi con người say mê, hứng thú, dồn hết tâm trí vào một việc gì đó.

- Là nguồn động lực thúc đẩy con người sáng tạo: Giúp con người vượt qua những rào cản, khó khăn, để hoàn thành tốt công việc.

- Là trạng thái cảm xúc mãnh liệt: Nảy sinh từ những rung động trước cái đẹp, cái cao cả, trước những điều mới mẻ, kỳ diệu.

b. Vai trò của cảm hứng trong sáng tạo

- Là điều kiện tiên quyết: Thiếu cảm hứng, sáng tạo sẽ trở nên gượng gạo, thiếu sức sống.

- Là chìa khóa mở ra cánh cửa sáng tạo: Giúp con người tìm ra những ý tưởng mới mẻ, độc đáo.

- Là động lực thúc đẩy con người: Giúp con người nỗ lực hết mình để hoàn thành tác phẩm.

Cảm hứng và sáng tạo - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức

2. Phạm vi ảnh hưởng và mối quan hệ giữa cảm hứng và trí tuệ

- Đối với cá nhân:

+ Giúp con người hoàn thiện bản thân, phát triển tài năng.

+ Mang lại niềm vui, sự hứng khởi trong cuộc sống

+ Góp phần tạo nên thành công trong công việc.

- Đối với cộng đồng:

+ Thúc đẩy sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội.

+ Góp phần tạo nên những giá trị tinh thần cao đẹp cho con người.

- Mối quan hệ giữa cảm hứng và trí tuệ:

+ Cảm hứng và trí tuệ là hai yếu tố bổ sung cho nhau: Cảm hứng giúp trí tuệ hoạt động hiệu quả hơn, trí tuệ giúp cảm hứng được định hướng và phát huy đúng đắn.

+ Cảm hứng giúp trí tuệ: Nhìn nhận vấn đề một cách sáng tạo, tìm ra những giải pháp mới mẻ.

+ Trí tuệ giúp cảm hứng: Được kiểm soát và định hướng, tránh sa vào những ảo tưởng, mơ hồ.

- Mối quan hệ giữa cảm hứng và tự do:

+ Cảm hứng cần có tự do để phát triển: Khi con người được tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, họ sẽ dễ dàng có được cảm hứng.

+ Cảm hứng giúp con người: Trân trọng tự do, đấu tranh cho tự do.

3. Quan điểm, thái độ của tác giả khi bàn về vấn đề cảm hứng trong hoạt động sáng tạo của con người

- Cảm hứng là yếu tố quan trọng: Điều kiện tiên quyết cho sáng tạo.

- Cảm hứng có thể xuất hiện từ nhiều nguồn khác nhau: Cái đẹp, cái cao cả, những điều mới mẻ, kỳ diệu,...

- Cảm hứng cần được kết hợp với trí tuệ và tự do: Để tạo nên những tác phẩm sáng tạo có giá trị.

- Trân trọng, đề cao vai trò của cảm hứng: "Cảm hứng là cái thiêng liêng nhất của người nghệ sĩ".

- Khuyến khích con người tìm kiếm, khơi gợi cảm hứng: "Hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận cảm hứng".

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp cảm hứng với trí tuệ và tự do: "Cảm hứng cần được kiểm soát bởi lý trí và được chắp cánh bởi tự do".

- Sử dụng nhiều hình ảnh, ví dụ sinh động: So sánh cảm hứng với "ngọn lửa", "ánh sáng",...

- Lập luận chặt chẽ, logic: Phân tích mối quan hệ giữa cảm hứng với trí tuệ, tự do.

- Giọng văn say mê, truyền cảm hứng: Thể hiện niềm tin vào sức mạnh của cảm hứng.

IV. Đọc văn bản Cảm hứng và sáng tạo

Cảm hứng và sáng tạo

(Trích)

Nguyễn Trần Bạt

[...] Cảm hứng thường được biểu hiện dưới hình thức của văn hoá, nó là một trạng thái tinh thần được phát tán, lan truyền, ảnh hưởng rất nhanh và hiệu quả thông qua văn hoá. [...] Mọi sáng tạo không chỉ theo đuổi ngôn ngữ hay cái vỏ hình thức bên ngoài mà còn phải theo đuổi tinh thần cơ bản thuộc về con người để tạo ra giá trị phổ quát có tính chất kích thích sự phát triển của đời sống của tâm hồn con người. Chính cái tinh thần cơ bản ấy là yếu tố quan trọng nhất khơi dậy sự đồng cảm của con người. Sự lan toả các giá trị văn hoá giúp con người hiểu nhau dễ hơn, truyền tải chất lượng tâm hồn con người dễ hơn, và do đó, tác động thúc đẩy sự phát triển giữa các quốc gia diễn ra một cách dễ dàng hơn. Có như thế mới thoả mãn nhu cầu tham gia tích cục của mỗi người vào các cộng đồng công dân khác, tức là giúp con người có ích trong nhiều nền văn hoá khác nhau. Một con người có ích là một con người góp phần vào sự phát triển ở những nơi mà anh ta đến, tức là tại nhiều nền văn hoá mà người đó có mặt.

Cảm hứng có thể xúc tiến khả năng phát triển nhưng cũng có thể xúc tiến khả năng phá hoại khi nó không được cân bằng. Cảm hứng không được cân bằng là biểu hiện của sự mất cân đối trong đời sống tinh thần và trạng thái này rất nguy hiểm. [...] Đó là biểu hiện đáng sợ nhất của sự giận dữ đầy cảm hứng của những con người không biết mình đang làm gì và không kiểm soát được chính mình. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác lập được sự cân đối giữa năng lực và cảm hứng của con người. [...]. Tôi cho rằng, chỉ có trí tuệ mới có thể cân bằng được cảm hứng. Con người phải biết tự cân bằng cảm hứng của mình bằng trí tuệ của mình. Con người không thể để cho cảm hứng của mình được thể hiện một cách tuỳ tiện, mù quáng, nhưng con người cũng không được để cho cảm hứng bị tiêu diệt. Bởi vì, khi không còn cảm hứng, con người trở nên khô khốc trong sự tỉnh táo, mất cảm hứng là mất đi động lực phát triển các giá trị tinh thần. Hiện tượng này thường xảy ra ở những xã hội mà tính đa dạng của cuộc sống bị hạn chế hay bị tiêu diệt. Trong cuộc sống đã từng tồn tại những xã hội như thế, đó là xã hội mà mọi cảm hứng đều bị dồn nén, con người không muốn làm gì cả, con người bằng lòng với sự nghèo khổ, thậm chí thiêng liêng hoá sự nghèo khổ của mình. Việc dồn nén các cảm hứng đã tạo ra mặt trái của nó là chủ nghĩa hoài cổ, chủ nghĩa yêu chuộng quá khứ và đấy là một trong những nguyên nhân gây ra sự chậm phát triển...

Như vậy, cảm hứng là nhân tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển. Một con người không có cảm hứng, một dân tộc không có cảm hứng thì sẽ luôn luôn lười biếng và không còn khát vọng để đi tìm cái mới ngoài những thứ mà mình đã có, và do đó, không thể phát triển được. Tất cả các dân tộc đều phải ý thức một cách rõ ràng về việc gieo trồng cảm hứng phát triển xã hội và tất nhiên, quá trình này buộc phải bắt đầu từ việc khích lệ cảm hứng của mỗi cá nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc phải xây dụng chế độ dân chủ để tự do trở thành cảm hứng cơ bản khích lệ con người tham gia một cách hiệu quả vào tiến trình phát triển của cá nhân và của cả cộng đồng.

Vậy thông qua cảm hứng, tự do biến thành sự sáng tạo như thế nào? Con người sáng tạo thông qua năng lực tưởng tượng của mình và cảm hứng chính là chất men nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng ấy. Như vậy, rõ ràng, tự do là chất xúc tác cho mọi sáng tạo của con người, và con người không thể sáng tạo được nếu không có tự do. Tự do tạo ra cảm hứng làm chất men nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng, đồng thời nó khuyến khích sự phát triển năng lực tưởng tượng và làm bùng nổ nặng lực sáng tạo ở mỗi người. Có một thế giới tưởng tượng tràn ngập trong mình, con người mới có đam mê sáng tạo. Nói cách khác, con người chỉ sáng tạo được nếu tự nguyện lao động nếu yêu mến cái mình đang làm, yêu mến cuộc sống và đất nước mình đang sống. Tự do là không gian của mọi sự sáng tạo từ văn hoá, nghệ thuật cho đến khoa học công nghệ,... Mi-ken-lăng giơ (Michelangelo) từng nằm ngửa trên các quang treo mấy năm ròng để vẽ bức hoạ Sáng tạo thế giới trên nóc vòm nhà thờ Xích-xtin (Sixtine) nổi tiếng ở I-ta-li-a (Italia). Nếu không có thiên thần nhập vào trong tâm hồn của Mi-ken-lăng giờ, nếu Mi-ken-lăng-gia không bay trong tự do, không để mình bay lên cùng với sự thăng hoa của trí tưởng tượng thì làm sao ông có thể tìm thấy hạnh phúc bằng cách nằm ngửa trên quang treo để vẽ ra tác phẩm mà hàng trăm năm sau con người vẫn còn tấm tắc, trầm trồ? Chính cảm hứng và năng lực tưởng tượng phong phú làm nên sự đa dạng các giá trị tinh thần, nơi con người có thể nhặt được sự sáng tạo ở trong bất kì góc tối nào của cuộc sống

Nói đến sự sáng tạo không thể không nói đến cái đẹp vì sáng tạo chính là cái đẹp. Cái đẹp tồn tại ở ngay bên trong mỗi con người nếu con người biết yêu cái đẹp. Cái đẹp là thông điệp của sự hợp lí, sự cao thượng, thậm chí có thể khẳng định cái đẹp là biểu hiện cao nhất của trạng thái phát triển của con người, tức là sự sáng tạo. [...] Nước Pháp sẽ giảm đi biết bao nhiêu sự vẫy gọi nếu như chúng ta bỏ đi của Pa-ri (Paris) sông Xen (Seine), điện Lu-vrơ (Louvre), điện Păng-tê-ông (Panthéon),... Cho nên cái đẹp là biểu hiện tổng hợp của cuộc đời, là biểu hiện cao nhất không chỉ của sự thịnh vượng mà của cả sự bất tử. Trong đó, vượt lên tất cả, con người là sự tổng hợp cao quý nhất, là hiện thân cao nhất của cái đẹp. Bức tượng Đa-vít (David) luôn được ca ngợi là một trong những biểu tượng đẹp nhất của nghệ thuật tạo hình theo phong cách cổ điển chính vì nó thể hiện vẻ đẹp cân đối và hoàn mĩ nhất của con người.

Cái đẹp bao giờ cũng tồn tại cùng với sự đa dạng và tự nhiên của đời sống tinh thần con người. Nếu con người không có trí tưởng tượng, không nhận biết được vẻ đẹp bằng chính tâm hồn mình thì con người không biết cách tạo ra vẻ đẹp và càng không thể có được nó. Mỗi người chỉ có một tâm hồn, một đời sống tinh thần, do vậy, nếu nó khô cúng, đơn điệu hoặc méo mó thì con người không thể có động lực làm bất cứ việc gì mà cảm thấy hạnh phúc. Nếu xây dựng các tiêu chuẩn để con người trở thành những kẻ ngốc nghếch và đơn điệu, hay nếu làm cho con người méo mó và mất đi sự đa dạng tinh thần vốn có thì đấy là tội diệt chủng về mặt tinh thần. Xét trên quan điểm phát triển, sự diệt chủng về mặt tinh thần là một tội ác chống lại loài người bởi nó tiêu diệt khả năng sáng tạo của con người. Thế giới vẫn lên án tội ác diệt chủng về mặt sinh học nhưng dường như chưa nhận ra một sự diệt chủng khác còn nguy hiểm hơn, đó là sự diệt chủng con người về mặt tinh thần. Vì thế, phải xây dựng con người ở giá trị cá nhân của nó. Tôn trọng giá trị cá nhân con người là tôn trọng cuộc đời và giá trị của chính mình, của người khác và tôn trọng sự trong sạch của đời sống xã hội. Khi xác nhận được giá trị của mình thì con người mới có giá trị đóng góp cho xã hội. [...]

Tóm lại, cảm hứng và sáng tạo luôn đi liền với nhau, gắn kết với nhau bởi xúc tác là tự do. Có thể nói, chính cảm hứng và tình yêu tự do đã tạo ra những thành tựu và những dấu ấn có giá trị vĩnh cửu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.

(Nguyễn Trần Bạt, Cội nguồn cảm hứng, NXB Hội Nhà văn – Công ti TNHH Phát hành sách Sài Gòn, Hà Nội, 2011, tr. 37 – 47)

1 485 28/10/2024


Xem thêm các chương trình khác: