Top 5 mẫu Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch (2024) SIÊU HAY

Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch lớp 12 Chân trời sáng tạo gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 12 hay hơn.

1 601 28/07/2024


Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch

Đề bài: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch.

Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch (mẫu 1)

Đề tài viết về tình cảnh người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những đề tài tập trung nhiều nhà văn tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam trong thời kì đó. Nam Cao và Kim Lân là những ngòi bút vô cùng tiêu biểu. Trong tác phẩm “Chí Phèo” – Nam Cao và “Vợ nhặt” – Kim Lân, tình cảnh người nông dân trước Cách mạng được miêu tả rất sinh động và chân thực. Bằng phong cách và cách nhìn nhận riêng của mình với tấm lòng nhân đạo cao cả, mỗi nhà văn đã viết nên những tác phẩm đặc sắc về số phận riêng của người nông dân.

Đến với “Chí Phèo” cũng như “Vợ nhặt” ta như đến với số phận và cảnh ngộ của người nông dân dưới hai tròng áp bức của bọn thực dân và phong kiến. Tuy nhiên, bằng cách nhìn và cảm nhận của riêng mình, mỗi nhà văn đã bộc lộ những khám phá riêng biệt trong từng tác phẩm về số phận, tình cảnh của người nông dân. Do vậy, dù chung một đề tài song mỗi người đã tạo ra cho mình cách đi riêng và tác phẩm tiêu biểu.

Trong truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao đã làm sống dậy một làng Vũ Đại với những nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… Những số phận, những tính cách khác nhau ở trong một môi trường nhỏ. Nổi bật lên cả là những khám phá của Nam Cao về sự thống trị của chế độ phong kiến, là bóng dáng của lũ thực dân và sự chà đạp lên giá trị cơ bản nhất của con người trong xã hội dưới chế độ đó. Đi sâu vào tác phẩm, bằng một giọng kể lạnh lùng, Nam Cao đã đưa người đọc đến một số phận đau khổ và là nhân vật trung tâm, Chí Phèo. Chí hiện ra bằng chân dung của một tên lưu manh, côn đồ trông đặc như thằng săng đá. Chao ôi! Tội nghiệp Chí! Bằng giọng kể lạnh lùng của mình, Nam Cao đã cho người đọc thấy rằng Chí đã bị tước mất quyền làm người, bị chà đạp tàn nhẫn cả nhân tính lẫn nhân hình. Trên cuộc đời và ở trong làng Vũ Đại, Chí chẳng còn gì để mất, cũng chẳng còn gì để cứu vớt được con người hắn. Hình tượng Chí Phèo là một khám phá riêng đặc sắc của Nam Cao. Qua “Chí Phèo”, ta cũng thấy sống dậy cả tầng lớp nông dân đói khổ bị dồn đến đường cùng, bị chà đạp cả nhân tính lẫn nhân hình và thậm chí bị tước mất những quyền cơ bản nhất của một con người. Nhưng ai là thủ phạm đẩy Chí cùng những số phận nghèo khổ khác đến chân tường vậy? Không dừng lại ở đó, Nam Cao đã đi dần, bóc vỏ bọc để lộ chân tướng của thế lực đen tối đó. Đó chính là bọn giai cấp thống trị trong xã hội thực dân phong kiến mà đại diện tiêu biểu chính là cha con Bá Kiến.

Nam Cao không chỉ lạnh lùng chỉ ra cho chúng ta thấy một Chí Phèo lưu manh, tha hóa đến tột cùng, một Thị Nở ngây dại, xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn; mà sâu thẳm trong những con người đó, ông tìm ra cái phần nhân tính cao đẹp còn ẩn giấu trong tâm hồn họ qua bao nhiêu lớp bọc. Trong cái tuyệt vọng khốn cùng, chỉ một cái hạnh phúc hiếm hoi đã đến với Chí, thức tỉnh ước muốn làm người trong hắn một cách mạnh mẽ. Sự cứu vớt ấy chính là tình yêu của Thị Nở - một người đàn bà dở dở ương ương, Thị cũng bị xã hội coi thường. Nhưng trong con người Thị vẫn còn tiềm ẩn một khả năng, khả năng yêu – cái chức năng cơ bản của người phụ nữ nói riêng, của một con người nói chung. Tình yêu ấy khiến Chí sống lại với mơ ước một thời là có một gia đình, một hạnh phúc đơn sơ và giản dị. Song, chuỗi thời gian năm ngày hạnh phúc ngắn ngủi của Chí kết thúc thì Chí nhận ra tất cả đã quá muộn rồi: Tao muốn làm người lương thiện” nhưng “Ai cho tao lương thiện?”.

Cũng đề cập đến đề tài trên, nhưng với cảm nhận riêng của mình, Kim Lân cũng đã có những khám phá riêng trong tác phẩm “Vợ nhặt”. “Vợ nhặt” là một bức tranh về cuộc sống của người nông dân xóm ngụ cư tồi tàn, nhưng trong những lúc đói khát đến khốn cùng nhất, họ vẫn nuôi mơ ước về một hạnh phúc đầm ấm và giản dị trong tương lai. Ngược lại với chất giọng lạnh lùng của Nam Cao, với giọng nhẹ nhàng, tình cảm, Kim Lân đã miêu tả cuộc sống của những con người đang lay lắt giữa cái sống và chết, khi mà nạn đói cứ rình chực như cơn bão lăm le cướp đi tất cả. Truyện ngắn xoay quanh nhân vật Tràng là một người kéo xe thuê. Nạn đói với sức tung hoành khủng khiếp đã cuốn lấy tất cả trên những con đường đã đi qua. Người chết như ngả rạ – Không khí vẩn lên mùi thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Nạn đói cũng đã khiến cho Tràng trở nên nặng nề và mệt mỏi. Khám phá của Kim Lân không chỉ đơn giản là nạn đói ấy, mà ngòi bút của ông đã đào sâu để phát hiện ra sức sống mãnh liệt của con người dù trong cơn khốn quẫn nhất vẫn lấp lánh những ước mơ.

Nam Cao đặt các nhân vật của mình trong một không gian ở làng Vũ Đại, nơi thống trị lâu đời của chế độ phong kiến. Đằng sau những bọn Bá Kiến – ta vẫn thấy thấp thoáng bóng thực dân. Còn Kim Lân lại đề cập đến một xóm ngụ cư và có sự hiện hình rõ rệt của bọn thực dân, phát xít Nhật. Tuyến nhân vật của Kim Lân không phải được khám phá ở phương diện bị bóc lột hay chà đạp mà Tràng và người vợ là đại diện cho sức sống mãnh liệt, những con người dù đang sống giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết vẫn không nghĩ tới ngày mai. Trong cái đoạn khốn khổ nhất, Tràng lại lấy vợ. Một sự kiện vô cùng bất ngờ mà cũng lắm éo le. Cũng có lúc Tràng lo âu về sự kiếm sống để nuôi gia đình. Nhưng ý nghĩ ấy bị lấn át bởi cái hạnh phúc bất ngờ của anh. Hạnh phúc dù đến trong cảnh khốn cùng nhưng nó vẫn đủ để sưởi ấm cho tâm hồn ấy. Bà cụ Tứ cũng không khỏi ngạc nhiên khi con lấy vợ trong hoàn cảnh ấy. Bà thương con mình, trong lòng người mẹ ấy đan xen bao nhiêu tình cảm. Sự xuất hiện một thành viên mới bỗng làm thay đổi cả cái gia đình hiu quạnh ấy. Ai nấy cũng chung tay sửa soạn, dường như họ nghĩ nếu như dọn dẹp cho khung cảnh được quang quẻ, thì cuộc sống cũng sẽ khấm khá hơn.

Trong mỗi tác phẩm, mỗi tác giả lại có cách kết thúc khác nhau. Trong “Chí Phèo”, Nam Cao kết thúc truyện bằng cuộc “khởi nghĩa” nhân tính của Chí Phèo. Trong cơn tuyệt vọng tột cùng vì nhận ra mình bị mất đi quyền được làm người, Chí đã tìm đâm Bá Kiến – kẻ thù hiểm độc nhất của mình và rồi tự sát. Cái chết của Chí không gợi lên sự bi thảm hay tối tăm như tương lai chị Dậu. Còn trong “Vợ nhặt”, Kim Lân đã kết thúc câu chuyện bằng lời kể về cuộc khởi nghĩa phá kho thóc cùng hình ảnh đám người đói cùng lá cờ đỏ sao vàng vẫn lởn vởn trong đầu Tràng. Nếu Chí Phèo đã thực hiện một cuộc “khởi nghĩa” đầy nhân tính, thì Tràng của Kim Lân lại được nhận thức về một cuộc cách mạng không xa trong tương lai để có thể xây dựng một cuộc đời hạnh phúc. Chí Phèo chấp nhận lấy cái chết để đánh đối sự lương thiện nhân tính. Hắn tuy chết nhưng phần linh hồn lại được gột rửa sạch, trở về đúng nghĩa của một con người. Chính vì vậy cái chết của Chí cũng là một kết thúc điển hình và rất hợp lí. Với “Vợ nhặt”, ta tin rằng trong tương lai không xa, Tràng cũng sẽ tham gia cách mạng, đi dưới lá cờ đỏ bay phấp phới ấy để thực hiện ước mơ của mình, của những người dân xóm ngụ cư.

Qua đó, ta đã hoàn toàn thấy rõ được tư tưởng nhân đạo bao trùm hai tác phẩm. Mỗi nhà văn sáng tác đều dựa trên tấm lòng nhân đạo của bản thân. Tư tưởng nhân đạo nổi bật ở từng số phận nhân vật Tràng, Chí Phèo…và xuyên suốt tác phẩm qua diễn biến của câu chuyện. Với “Chí Phèo”, Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo rất đặc sắc và chủ đạo của ông là ở sự bộc lộ của mỗi nhân vật. Bằng giọng điệu lạnh lùng với trái tim nồng ấm yêu thương, Nam Cao nhận ra được phần người bị khuất lấp đằng sau những hình dáng dữ tợn, xấu xí… Ông biện minh một cách lặng lẽ cho nhân tính của những người ở dưới đáy xã hội như Chí Phèo và Thị Nở. Đồng thời lên án mạnh mẽ giai cấp thống trị đương thời. Nhà văn Kim Lân qua “Vợ nhặt” cũng đã làm toát lên sức sống mãnh liệt của những người dân Việt Nam. Trong những sức vóc bé nhỏ ấy lại là cả một sức mạnh tiềm tàng và một tâm hồn phong phú. Không nhiều lời, song ông cũng đã phơi bày được mọi tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật qua những chiêu trò như thu thóc tạ đã bóc lột nhân dân đến tận cùng.

“Chí Phèo” và “Vợ nhặt” – từ những tác phẩm ấy đã nói lên giá trị của mình và với những giá trị đó, hai truyện ngắn xứng đáng vào hàng ngũ những tác phẩm thành công nhất của văn học thời kì trước Cách mạng.

Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch (mẫu 2)

Nơi nghệ thuật ta kiếm tìm hiện thực ở những góc nhìn khác. Những góc nhìn mà ở nơi ấy hiện thực được toàn vẹn là chính nó với những góc khuất, những niềm đau và cũng là chính nó với những điều đẹp đẽ và cao cả. Để rồi giữa những hiện thực được nhìn nhận ấy, ta nuôi dưỡng nơi mình một khát vọng được sống và được yêu thương, một niềm tin vào chính mình và cuộc đời. Nếu dưới ngòi bút của Thạch Lam giữa những ngày đất nước chưa tìm lại được độc lập, hiện thực hiện lên tựa như cảnh phố huyện nghèo chỉ sáng chói lúc con tàu vụt qua thì dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu giữa những ngày đất nước vẫn chìm đắm sau ánh hào quang mà cuộc chiến để lại, những điều ta ngỡ là tất cả lại đổ vỡ trước ánh nhìn cận cảnh.

Có người từng nói, nhà văn là những nhà thư ký trung thành của thời đại. Hai bức tranh về hiện thực được dựng xây bởi Thạch Lam và Nguyễn Minh Châu có lẽ cũng đem theo hiện thực lịch sử ấy.

Thạch Lam khắc họa lên khung cảnh phố huyện nghèo, nơi con người khó khăn kiếm lấy cho mình chút gì đó để sống qua ngày. Câu truyện bắt đầu với ánh chiều dần tắt, những cửa hàng nhỏ lên đèn, những ánh sáng leo lắt khiến cho con dường một bên sáng một bên tối, tất cả tựa như bị nuốt chửng trước khoảnh khắc ngày tàn. Cảm nhận về ánh sáng mong manh hơn trước sự rệu rã nơi con người. Có lẽ nỗi đói khổ, sự tuần hoàn yên ả nơi phố huyện đã lấy đi nơi họ những khát vọng về một ánh sáng. Những kiếp đời sống mòn trước ngưỡng cửa của hiện thực. Tiếng cười dài của bà cụ Thi vang vọng khắp phố huyện. Tiếng cười của những cơn say, tiếng cười của những nỗi ám ảnh về kiếp sống rệu rã mỏi mệt. Sự chán nản của chị Tý dẫu dọn hàng sớm hay muộn thì có khác gì, sự im lặng của nhà bác hát sẩm khi khác chưa bước tới, cái bóng của bác phở Siêu đổ dài trước ánh lửa. Bức tranh về hiện thực phố huyện ở những năm đất nước chưa lấy được lại độc lập hiện lên trước mắt người đọc, một bức tranh buồn, mỏi mệt, rệu rã.

Bức tranh đầu tiên Nguyễn Minh Châu đem tới trước mắt người đọc lại là một bức tranh rất đẹp. Bức tranh khiến Phùng ngỡ đó là mục đích của cả chuyến đi dài, là điều mà nghệ thuật hướng tới. Con thuyền nơi ngoài xa đẹp và yên bình trên mặt biển mờ sương. Cả gia đình ngồi im lặng trên chiếc thuyền nhỏ. Tất cả khắc tạc lên một vẻ đẹp toàn bích. Có lẽ đó cũng là bức tranh của đất nước sau những năm giành lại được độc lập. Chúng ta sống giữa những hào quang sau cuộc chiến, những hạnh phúc sau khi nhận được chiến thắng, tựa như phùng khoảnh khắc nhìn thấy con tàu giữa bóng sương mờ, anh cả thấy trái tim mình tự như bị bóp chặt.

Nhưng hiện thực không chỉ nằm nơi những bề nổi dễ thấy. Hiện thực nằm nơi chúng được đổ bóng. Nơi chúng được cho một khoảng không để trọn vẹn là chính chúng.

Phố huyện nghèo nơi những áng văn của Thạch Lam như được thắp lên một niềm hi vọng khi đoàn tàu đến. Đoàn tàu tựa như một Hà Nội đã xa trong chị em Liên, đoàn tàu tựa như thứ ánh sáng có thể xua đi bóng đêm nơi phố huyện nghèo. Cảm thức về một Hà Nội, về một cuộc sống đa sắc màu dường như nuôi dưỡng trong chị em Liên và những người đợi chờ con tàu ấy một khát vọng. Một khát vọng hướng tới ánh sáng, một khát vọng chấm dứt những rệu rã và mỏi mệt. Tiềm ẩn sau bức tranh phố huyện nghèo là một khát vọng, một khát vọng được hướng tới ánh sáng, thoát khỏi sự bao trùm của bóng đêm.

Con thuyền ngoài xa nơi áng văn của Nguyễn Minh Châu hiện lên rõ nét trước ánh nhìn cận cảnh. Phùng chứng kiến cảnh từng người trên chiếc thuyền ấy cố gắng đánh đập thậm chí lấy đi mạng sống của nhau. Người chồng đánh vợ mình và người đàn bà không làm gì ngoài chịu đựng trong khi đứa trẻ có gắng giết cha của mình. Một hiện thực trần trụi, một hiện thực không được giải quyết sau hai chữ độc lập một hiện thực không được nhìn nhận dưới hai chữ dân chủ bình đẳng. Một hiện thực trái ngược với bức ảnh anh đã định nghĩa nó là nghệ thuật. Nghệ thuật là gì nếu khi đối diện với hiện thực, chúng đổ nát và méo mó. Độc lập là gì nếu chúng chỉ là cái cớ để ta chìm đắm trong những gì đã qua.

Khắc họa hai bức tranh về hiện thực, hai tác phẩm đem đến cho người đọc những điểm nhìn mới và đem đến những thông điệp lịch sử. Có lẽ chỉ dưới cái nhìn của nghệ thuật, những ngày tháng đã qua mới có thể hiện lên toàn vẹn là chính nó với những hiện thực bề nổi và những tiềm lực.

Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch (mẫu 3)

Văn học Việt Nam hiện đại là bức tranh muôn màu muôn vẻ phản ánh hiện thực xã hội qua lăng kính nghệ thuật của các nhà văn. Trong đó, hai tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao và Vợ nhặt của Kim Lân là hai mảng màu đối lập nhưng lại cùng chung tiếng chuông cảnh tỉnh về số phận người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến.

Tác phẩm Chí Phèo được sáng tác vào tháng 2 năm 1941, khi phong trào đấu tranh chống thực dân phong kiến và cường hào ác bá đang diễn ra sôi nổi. Truyện được Xuất bản lần đầu tiên với tên là "Cái lò gạch cũ" trong tập truyện "Đôi lứa xứng đôi" (1941). Sau đó được đổi tên thành "Chí Phèo" và in lại trong tập "Luống cày" (1946). Chí Phèo, như chính tên gọi của nó, là một bi kịch đẫm nước mắt về kiếp người tha hóa. Bức tranh xã hội Vũ Đại hiện lên với sự thối nát, tàn bạo, đẩy con người vào bước đường cùng, Chí Phèo - từ một anh canh điền chất phác trở thành con quỷ dữ của làng.

Ngược lại, Vợ nhặt lại là một bức tranh hy vọng le lói giữa màn đêm đen tối. Tác phẩm được sáng tác vào năm 1945, khi nạn đói kinh hoàng xảy ra ở Bắc Bộ, đẩy hàng triệu người vào cảnh cùng cực. Truyện kể về nhân vật Tràng là một người đàn ông ế vợ, nghèo khổ, sống lay lắt qua ngày. Trong cơn hoạn nạn, anh đã nhặt được một người đàn bà ốm yếu, gầy rạc về làm vợ, người đàn bà ấy được gọi là Thị. Nạn đói năm 1945 cướp đi sinh mạng của bao người, đẩy Tràng và Thị đến bước đường cùng, nhưng trong hoàn cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng, họ vẫn khao khát được sống, được yêu thương và vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Kim Lân đã chứng kiến tận mắt cảnh tượng tang thương này và có ý thức lên tiếng tố cáo tội ác của chế độ phong kiến và thực dân Pháp, đồng thời thể hiện niềm tin vào sức sống mãnh liệt của người nông dân.

Cả hai tác phẩm đều được sáng tác trong bối cảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, khi chế độ phong kiến thối nát và thực dân Pháp tàn bạo đã đẩy người nông dân vào con đường cùng. Bức tranh xã hội hiện lên với những mảng tối đen ngòm, nơi con người bị áp bức, bóc lột, đẩy đến bước đường cùng và tha hóa. Cả Chí Phèo và Vợ nhặt đều xây dựng những nhân vật chính là người nông dân nghèo khổ, cùng cực, bị đẩy vào bước đường cùng. Chí Phèo là một người nông dân chất phác, lương thiện nhưng bị tha hóa thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Tràng và Thị là hai con người cùng cực trong nạn đói năm 1945, khao khát được sống và có một gia đình. Hai tác phẩm đều được tác giả viết với mục đích lên án, tố cáo xã hội phong kiến thối nát đã đẩy người nông dân vào con đường tha hóa, đồng thời thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người và khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chí Phèo dù tha hóa nhưng vẫn giữ được phần lương thiện trong tâm hồn, khát khao được làm người lương thiện. Tuy nhiên, xã hội đã không cho anh cơ hội để trở lại cuộc sống bình thường, đẩy anh đến cái chết bi thảm. Còn Tràng và Thị dù trong hoàn cảnh cùng cực nhưng vẫn khao khát được sống, được yêu thương và vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Hình ảnh "lửa rơm" le lói trong đêm tối là biểu tượng cho niềm tin, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Cả hai tác phẩm đều sử dụng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, gần gũi với ngôn ngữ nói của người nông dân, từ đó xây dựng nên tuyến nhân vật sinh động, chân thực, thể hiện rõ nét tâm lý và hoàn cảnh của người nông dân. Cả hai truyện ngắn đều có kết thúc mở, tạo dư âm cho người đọc suy ngẫm.

"Chí Phèo" khép lại với bi kịch Chí Phèo đâm chết Bá Kiến và tự sát, thể hiện sự bất lực của con người trước xã hội thối nát. Kết thúc bi thương này như một tiếng chuông cảnh tỉnh về xã hội phong kiến tàn bạo đã đẩy người nông dân vào con đường cùng. Ngược lại, "Vợ nhặt" mở ra viễn cảnh tương lai tươi sáng với hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong đêm tối. Kết thúc mở này thể hiện niềm tin vào cuộc sống mới, vào sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc của người nông dân, ngay cả trong hoàn cảnh cùng cực nhất. Tuy mang những màu sắc khác nhau, cả hai kết thúc đều thể hiện tài năng nghệ thuật của hai nhà văn Nam Cao và Kim Lân, đồng thời thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc, góp phần tạo nên sức sống trường tồn cho tác phẩm.

Sự đối lập về bối cảnh xã hội, nhân vật và nội dung đã tạo nên hai mảng màu riêng biệt cho hai tác phẩm, nhưng cùng chung tiếng chuông cảnh tỉnh về số phận bi thảm của người nông dân trong xã hội cũ. Tuy có những điểm khác biệt, nhưng hai tác phẩm Vợ nhặt và Chí Phèo đều là những viên ngọc sáng của nền văn học Việt Nam hiện đại, góp phần tô đậm bức tranh hiện thực xã hội và thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc.

"Chí Phèo" và "Vợ nhặt" là hai tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam, tuy có nhiều điểm khác biệt về bối cảnh, nhân vật, cốt truyện, khung cảnh, kết thúc, nhưng đều có chung giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, thể hiện tài năng nghệ thuật của hai nhà văn Nam Cao và Kim Lân.

Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện, kí hoặc kịch (mẫu 4)

Vợ nhặt của Kim Lân và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là hai viên ngọc sáng trong kho tàng văn học Việt Nam, cùng khai thác đề tài về số phận và vẻ đẹp tâm hồn người nông dân trong xã hội phong kiến Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Tuy được sáng tác bởi hai tác giả khác nhau, với những cách tiếp cận riêng, hai tác phẩm lại có nhiều điểm tương đồng và khác biệt thú vị, tạo nên những tiếng thét vang dội về kiếp người cùng khổ và khát vọng đổi đời.

Vợ nhặt là một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Kim Lân, được in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của tác phẩm này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và bị thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), Kim Lân đã dựa vào một phần truyện cũ để viết thành truyện ngắn Vợ nhặt. Tác phẩm lấy bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 ở Việt Nam. Qua câu chuyện về Tràng, một người đàn ông nghèo khổ ở xóm ngụ cư nhặt được vợ về nhà trong cảnh cùng cực, Kim Lân đã phơi bày bức tranh xã hội đen tối thời bấy giờ, đồng thời thể hiện niềm tin vào sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc của người nông dân lao động.

Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài, được in trong tập Truyện Tây Bắc (1952). Tác phẩm là bức tranh chân thực về cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc trước Cách mạng tháng Tám, đồng thời là bản hùng ca về tinh thần bất khuất và khát vọng tự do của họ. Tác phẩm xoay quanh hai nhân vật chính, Mị- một cô gái xinh đẹp, tài năng nhưng bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Mị phải chịu kiếp sống nô lệ, tủi nhục, bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Và A Phủ- một chàng trai gan dạ, dũng cảm nhưng vì đánh con quan mà bị bắt về trói đứng. A Phủ cũng phải chịu kiếp sống nô lệ như Mị. Cùng chung số phận, Mị và A Phủ đã tìm thấy sự đồng cảm và yêu thương nhau. Họ cùng nhau dũng cảm vượt qua ách áp bức, bóc lột của thống lí Pá Tra và trở thành vợ chồng. Tác phẩm đã phơi bày bộ mặt tàn bạo, thối nát của chế độ phong kiến miền núi, đồng thời phản ánh cuộc sống cơ cực, tủi nhục của người dân tộc thiểu số.

Tuy khác nhau về bối cảnh và nhân vật, cả hai tác phẩm đều phơi bày hiện thực xã hội đen tối, thối nát trước Cách mạng tháng Tám. Cả hai tác phẩm đều vẽ nên bức tranh hiện thực xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám với những mảng màu u ám, tàn khốc. Nạn đói hoành hành, người chết như ngả rạ, người sống vật vờ như bóng ma. Con người bị đẩy đến bước đường cùng, tha hóa về nhân cách, đánh mất phẩm giá. Tràng trong "Vợ nhặt" là một gã đàn ông xấu xí, ế vợ, nghèo khổ, phải nhặt vợ về nhà để có người cùng chia sẻ miếng ăn. A Phủ trong "Vợ chồng A Phủ" là một chàng trai trẻ khỏe mạnh, nhưng bị bọn thống trị hành hạ dã man, trở thành nô lệ, phải chịu những đòn roi tàn bạo. Bên cạnh đó, hình ảnh người nông dân trong hai tác phẩm hiện lên với những kiếp sống cùng cực, bế tắc. Họ bị áp bức, bóc lột, bị đẩy vào đường cùng bởi cường quyền và giặc đói. Tràng dù nghèo khổ nhưng vẫn có lòng nhân ái, thương xót cho người cùng khổ. A Phủ dù bị đày đọa nhưng vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, dám chống lại cường quyền để bảo vệ bản thân. Bên cạnh những bi kịch, hai tác phẩm cũng hé mở vẻ đẹp tâm hồn tiềm tàng của người nông dân. Họ chất phác, lương thiện, giàu tình yêu thương, luôn hướng về cái thiện. Tràng dù nghèo khổ nhưng vẫn có lòng nhân ái, thương xót cho người cùng khổ. A Phủ dù bị đày đọa nhưng vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, dám chống lại cường quyền để bảo vệ bản thân. Tuy khai thác những kiếp người cùng khổ, nhưng hai tác phẩm đều thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng. Hình ảnh lá cờ đỏ cuối truyện "Vợ nhặt" như một tia hy vọng le lói, báo hiệu một ngày mai mới cho người nông dân. A Phủ sau khi được giải thoát đã vùng lên đấu tranh, trở thành một chiến sĩ cách mạng.

Qua hai tác phẩm có thể thấy Kim Lân tiếp cận hiện thực một cách nhẹ nhàng, kín đáo, sử dụng nhiều chi tiết tả thực để miêu tả cảnh ngộ và tâm trạng nhân vật. Trong khi đó, Tô Hoài lại có cách tiếp cận hiện thực gay gắt, dữ dội, sử dụng nhiều biện pháp tu từ để tô đậm bi kịch của nhân vật. Truyện ngắn "Vợ nhặt" tập trung khai thác bi kịch về số phận con người trong nạn đói, còn "Vợ chồng A Phủ" tập trung khai thác quá trình thức tỉnh và vùng lên đấu tranh của người nông dân. Kết thúc tác phẩm, "Vợ nhặt" khép lại với hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong đêm tối, mở ra viễn cảnh tương lai tươi sáng nhưng vẫn còn nhiều u ám, ẩn chứa niềm tin mong manh vào cuộc sống mới cho Tràng và vợ nhặt. Khác biệt hoàn toàn, "Vợ chồng A Phủ" vẽ nên bức tranh rực rỡ với hình ảnh Mị và A Phủ vung gươm cắt dây thừng, cùng nhau gia nhập đoàn quân du kích, hướng đến tương lai tự do, hạnh phúc. Kết thúc mở của "Vợ nhặt" thể hiện niềm tin vào sức sống mãnh liệt và khát vọng đổi đời của người nông dân trong hoàn cảnh cùng cực, đồng thời tố cáo xã hội thối nát đẩy họ vào bước đường cùng. Trong khi đó, kết thúc viên mãn của "Vợ chồng A Phủ" khẳng định niềm tin vào sức mạnh của cách mạng, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt của người dân tộc thiểu số, đồng thời thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng. Sự khác biệt giữa hai tác phẩm thể hiện sự phong phú và đa dạng của văn học Việt Nam, đồng thời giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về số phận người lao động trong xã hội cũ.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố nghệ thuật đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ, khẳng định giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, đồng thời thể hiện tài năng của người nghệ sĩ.

Cả hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ đều là những tác phẩm văn học xuất sắc, có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Hai tác phẩm đã góp phần tô đậm thêm bức tranh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, đồng thời thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của người nông dân.

1 601 28/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: