Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 12 - Cánh diều

Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc Ngữ văn lớp 12 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 12. Mời các bạn đón xem:

1 653 29/10/2024


Tác giả tác phẩm: Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc - Ngữ văn 12

I. Tác giả Phan Hồng Giang

Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Cánh diều

- Phan Hồng Giang (1941 – 2022):

+ Tên khai sinh là Nguyễn Đức Hân

+ Quê quán : huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

+ Vị trí : Ông là một dịch giả, nhà nghiên cứu. từng giữ những chức vụ: viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia, hội viên hội văn học Việt Nam, hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du…

+ Tác phẩm tiêu biểu : Ghi chép về tác giả và tác phẩm, Chung quanh một số vấn

đề văn hóa nghệ thuật. Một số tác phẩm dịch kinh điển như : “Truyện ngắn Chekhov,…

II. Tìm hiểu văn bản Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc

1. Thể loại

- Tác phẩm Toàn cầu hóa và bản sắc dân tộc thể loại: văn bản nghị luận.

2. Xuất xứ

- Theo Một góc nhìn của tri thức, tập một, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: nghị luận.

4. Bố cục Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc

- Phần 1 (từ đầu đến … “công nghiệp văn hóa”): giới thiệu khái quát về toàn cầu hóa.

- Phần 2 (tiếp theo đến … “văn hóa dân tộc”): những tác động của toàn cầu hóa.

- Phần 3 (đoạn còn lại): quan điểm của tác giả về toàn cầu hóa.

5. Tóm tắt Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc

Văn bản Toàn vầu hóa và bản sắc dân tộc đề cập đến quá trình toàn cầu hóa và sự tác động của nó đến lĩnh vực văn hóa, cụ thể là bản sắc văn hóa dân tộc. Tác giả chỉ ra những mặt tích cực và tiêu cực cũng như những thời cơ và thách thức của quá trình toàn cầu hóa, từ đó đưa ra biện pháp thích hợp và thể hiện niềm tin dân tộc.

6. Giá trị nội dung

- Văn bản đề cập đến quá trình toàn cầu hóa và sự tác động của nó đến lĩnh vực văn hóa, cụ thể là bản sắc văn hóa dân tộc. Tác giả chỉ ra những mặt tích cực và tiêu cực cũng như những thời cơ và thách thức của quá trình toàn cầu hóa, từ đó đưa ra biện pháp thích hợp và thể hiện niềm tin dân tộc.

7. Giá trị nghệ thuật

- Lí lẽ, dẫn chứng lập luận thuyết phục, logic.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc

1. Sự ra đời của toàn cầu hóa

- Toàn cầu hoá đã có từ mấy ngàn năm trước.

+ Biểu hiện qua sự xuất hiện của “con đường tơ lụa”, các tuyến hàng hải giữa các nước, các châu lục.

+ Ở Việt Nam, từ mấy thế kỉ trước, Hội An và Phố Hiến là những “thành phố mở cửa đầu tiên của nước ta”.

- Tác giả lý giải về khái niệm toàn cầu hoá:

+ Thông qua câu nói của nhà báo Sa-mu-ơn-sân. Tác giả chứng minh toàn cầu hoá là tên gọi của một quá trình cũ, thêm nhiều dẫn chứng từ xa xưa, trên thế giới đã có quá trình giao lưu quốc tế.

+ Tác giả chỉ ra điểm khác biệt giữa giao lưu quốc tế và toàn cầu hoá, thông qua một loạt những biểu hiện mang tính “bùng nổ” của toàn cầu hoá : sự xuất hiện đại

trà các xa lộ thông tin trên khắp thế giới, tự do hoá thương mại, sự nhất thế hoá về kinh tế,….

Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Cánh diều

2. Những tác động của toàn cầu hóa

- Tác động của quá trình toàn cầu hoá đối với lĩnh vực văn hoá

+ Tác động tích cực : Toàn cầu hoá có sự ảnh hưởng đến quá trình hình thành nền văn hoá dân tộc thông qua việc hấp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Toàn cầu hoá còn có ảnh hưởng đến số phận lịch sử của dân tộc, giúp đất nước ta tìm ra con đường giải phóng, dẫn chứng là sự gặp gỡ chủ nghĩa Mác-Lê nin. Toàn cầu hoá đưa đến thời cơ tốt, tác giả đưa ra một loạt dẫn chứng như: tăng tính hiện đại, tiếp cận công nghệ,…

+ Tác động tiêu cực : những giá trị văn hoá truyền thống bị xói mòn, tệ nạn phát triển, thói đua đòi, sính ngoại, khủng hoảng lòng tin,….Tác giả đã đưa ra dẫn chứng cụ thể như : lớp trẻ không biết hát dân ca, cảnh xin lễ đền Bà Chúa Kho,…

- Quan điểm của tác giả về toàn cầu hoá và niềm tin dân tộc. Tác giả kết luận rằng toàn cầu hoá là một quá trình tất yếu, khách quan. Toàn cầu hoá chứa đựng nhiều thời cơ và những thách thức to lớn.

- Tính khẳng định, phủ định : “Toàn cầu hoá chứa đựng thời cơ, thách thức lớn”; “không một dân tộc nào có thể bị cám dỗ”; “chưa có thời kì nào trong lịch sử”;

- Cách lập luận : Văn bản có cách lập luận chặt chẽ, được biểu hiện qua các luận điểm rõ ràng như câu văn “như mọi hiện tượng đều có hai mặt phải trái,…thanh gươm hai lưỡi”; lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Đằng sau mỗi luận điểm, tác giả đều đưa ra dẫn chứng thiết thực, hợp lý. Kết hợp với việc dùng các từ, các câu khẳng định, phủ định. Dựa vào các từ ngữ đó đã thể hiện rõ ràng lập luận của tác giả.

- Ngôn ngữ biểu cảm : Giàu màu sắc biểu cảm. Thể hiện qua việc tác giả kết hợp nhiều từ ngữ, như kết từ và tình thái từ : Như đã nói, có thể là, tuy nhiên, mặt khác,…

IV. Đọc văn bản Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc

Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc

Phan Hồng Giang

Có thể đồng ý với nhận xét của nhà báo Rô-bớtJ. Sa-mu-on-sân (RobertJ. Samuelson) khi ông cho rằng: “Toàn cầu hoá là cách gọi mới cho một quá trình cũ.”). Trải qua mấy ngàn năm, thế giới đã phát triển chính là bằng con đường mở rộng quan hệ giao lưu về mọi mặt, từ kinh tế đến văn hoá giữa các nước, các khu vực. “Con đường tơ lụa” xuyên Á qua núi cao và sa mạc, các tuyến hàng hải giữa các nước, các châu lục từ khi có thuyền buồm và la bàn,... có thể coi là những bằng chứng hiển nhiên đầu tiên của cái gọi là quá trình “giao lưu quốc tế” trên phạm vi toàn thế giới đó. Từ mấy thế kỉ trước, có thể nói Hội An, Phố Hiến,... đã là những “thành phố mở cửa” đầu tiên của nước ta...

Tuy nhiên, trong một vài thập kỉ trở lại đây, rõ ràng đã xuất hiện nhu cầu gọi tiến trình giao lưu quốc tế đó bằng một cái tên mới là “toàn cầu hoá” bởi những biểu hiện mang tính “bùng nổ” của tiến trình này: đó là sự xuất hiện “đại trà” của các “xa lộ thông tin” trên toàn thế giới, sự mở rộng nhanh chóng của quá trình “tự do hoá thương mại”, sự sáp nhập các công ty liên quốc gia hùng mạnh trong các lĩnh vực tin học, truyền thông, chế tạo xe hơi,... sự nhất thể hoá về kinh tế – tài chính ở các khu vực, v.v. diễn ra trong bối cảnh “hậu chiến tranh lạnh” và sự phát triển như vũ bão của kĩ thuật công nghệ hiện đại,....

Đặc biệt trên lĩnh vực văn hoá, quá trình “toàn cầu hoá” diễn ra thật sự sôi động với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện truyền thông đại chúng và sự bùng nổ của các ngành công nghiệp văn hoá. […]

Như mọi hiện tượng đều có hai mặt phải – trái, thuận nghịch, toàn cầu hoá, theo chữ dùng của tác giả R.J. Sa-mu-on-sân đã nhắc ở trên, là một “thanh gươm hai lưỡi”. “Một mặt nó là cỗ xe có động cơ mạnh làm tăng tốc độ phát triển kinh tế, mở ra kĩ thuật mới và tăng sức sống ở cả những nước giàu lẫn nước nghèo. Mặt khác, nó cũng là một tiến trình đầy tranh cãi tiến công vào chủ quyền quốc gia, làm xói mòn nền văn hoá và truyền thống địa phương, đe doạ sự ổn định kinh tế và xã hội.”.

Có thể nói, lĩnh vực văn hoá là lĩnh vực chịu tác động hai mặt, dễ nhận thấy nhất của quá trình toàn cầu hoá. Trong bài “Giao lưu văn hoá và việc bảo vệ bản sắc dân tộc” đăng trên trang nhất, báo Nhân Dân (9-1-2000), nhà báo Thái Bảo có đưa ra một nhận xét: Trong cách hiểu hiện nay về giao lưu văn hoá còn có “điều chưa thật khách quan là những lệch lạc và tiêu cực trong giao lưu văn hoá quốc tế thường bị phê phán, trong khi đó những mặt tích cực của nó dường như ít được nhấn mạnh”.

Từ bao đời nay, nền văn hoá nước ta không chỉ là thành quả của hàng ngàn năm chiến đấu giữ nước và lao động sáng tạo dựng nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn là kết quả của các quá trình hấp thụ tinh hoa của nhiều nền văn hoá, văn minh thế giới. Sự gặp gỡ giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lê-nin (Marx – Lenin) diễn ra trong thế kỉ XX ở nước ta đem lại những thay đổi cơ bản trong số phận lịch sử của dân tộc, là một biểu hiện đầy sức thuyết phục về mặt tích cực của sự giao lưu văn hoá nói trên. Trong bối cảnh có thể nói là có sự khủng hoảng lí luận ở phạm vi toàn cầu về con đường đi sắp tới của các dân tộc, sự kiện này là một điểm sáng đáng lưu ý.

Trong quá trình toàn cầu hoá, về mặt văn hoá, chúng ta cần thấy những thời cơ tốt để mở rộng cửa “đón nắng gió” bốn phương: tăng thêm tính hiện đại của văn hoá (để dứt bỏ những gì là cổ hủ, thủ cựu – hệ quả của một nền sản xuất nhỏ, phân tán), mở rộng và đào sâu thêm các giá trị nhân văn — dân chủ – quốc tế của văn hoá (để loại trừ những tàn dư của ý thức hệ phong kiến, gia trưởng), tiếp thu tính công nghiệp, tính khoa học, tính kỉ cương trong công việc và sinh hoạt giao tiếp cộng đồng (để dứt khoát chia tay với thói quen sống theo “lệ làng” coi thường “phép nước”, thói quen dềnh dang, thù tạc, không biết tiếc thời giờ,...), tiếp cận những thành tựu to lớn của công nghệ kĩ thuật mới trên các lĩnh vực truyền thông, truyền hình, in ấn, sản xuất băng đĩa âm thanh và hình ảnh, sản xuất các phương tiện nghe – nhìn, đổi mới và đa dạng hoá các loại hình nghệ thuật,...

Sức hấp dẫn của những loại hình hoạt động văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí cũng như lối sống tiện nghi, hiện đại từ các nước phát triển đối với nhiều người dân nước ta, nhất là đối với lớp trẻ, là điều dễ nhận thấy, có thể nói là đã và đang diễn ra phần nào độc lập với ý muốn chủ quan của chúng ta, đặc biệt là của những người đứng tuổi.

Ngoài mặt thuận của quá trình này, điều chúng ta cần hết sức quan tâm là mặt nghịch của nó, nhất là khi quá trình toàn cầu hoá diễn ra đồng thời với tiến trình mở cửa về kinh tế – văn hoá của nước ta, đồng thời với tiến trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta từ kế hoạch hoá – tập trung sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở đây, có thể nói mặt trái của toàn cầu hoá đã có “mảnh đất thích hợp” để nảy nở sinh sôi, là mặt trái của cơ chế thị trường tồn tại ở nước ta.

Chưa có thời kì nào trong lịch sử nước ta, sức lao động sáng tạo của mỗi con người lại có dịp được phát triển đầy hứa hẹn, xã hội trở nên cởi mở, năng động hơn. Nhưng bên cạnh mặt được rất cơ bản đó cũng có thể nói chưa bao giờ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc lại phải chịu những tác động xói mòn mạnh mẽ, gay gắt như hiện nay. Nhiều tệ nạn xã hội phát triển như các đại dịch thời Trung cổ. Chỉ hơn mười năm qua, thời gian chưa đủ để một thế hệ sinh ra và trưởng thành, chúng ta có thể thấy, đặc biệt là ở các thành phố, các thị xã, thị tứ,... khá phổ biến một lối sống thực dụng, chạy theo tiện nghi vật chất, tôn thờ đồng tiền, sùng ngoại, coi nhẹ các giá trị lí tưởng, đạo đức của ông cha,... Nhiều sinh hoạt văn hoá, từ lễ hội đến biểu diễn nghệ thuật, bị nhuốm màu hình nghệ thuật, ca nhạc phương Tây ngày càng có nhiều thanh niên hâm mộ, tôn sùng, trong khi các loại hình nghệ thuật cổ truyền như chèo, tuồng, cải lương,... ngày càng thưa vắng người xem. Lớp trẻ lớn lên, nhiều em không còn biết hát dân ca, các bà mẹ không còn biết hát ru,... Thói đua đòi ăn chơi theo kiểu sống gấp “sống hôm nay không biết có ngày mai”, sống xa hoa, vô lối bằng đồng tiền phi lao động đã không còn là hiện tượng hiếm hoi.

Điều dáng nói trước tiên không phải là những hiện tượng tha hoá về nhân cách trong xã hội ta hôm nay. Điều đáng lo lắng hơn là xã hội chúng ta đã chưa tạo ra được một dư luận phê phán đủ mạnh để ngăn chặn những hiện tượng xuống cấp đạo đức như vậy và hậu quả là những hiện tượng “đồi phong bại tục”) như vậy cứ ngang nhiên tồn tại, như “chọc tức”, như “trêu ngươi” mọi người! Sự bàng quan, thờ ơ theo kiểu “mũ ni che tai” này dù muốn hay không cũng là sự đồng loã với cái ác.

Bao trùm lên các hiện tượng tiêu cực ấy có thể nói là sự khủng hoảng lòng tin – con người không còn lí tưởng sống đúng đắn, mất định hướng giá trị. Không ít người trở thành tín đồ mù quáng của các dị giáo, của các thứ mê tín dị đoan đang có chiều hướng sinh sôi như nấm sau mưa (Những dãy xe máy, xe con biển trắng và cả biển xanh nối đuôi nhau hàng cây số trên đường vào xin lễ đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh là một minh chứng đáng buồn!).

Cùng với sự vận hành của cơ chế thị trường, của quá trình mở cửa, rõ ràng là toàn cầu hoá đang đem lại những thách thức gay gắt cho văn hoá dân tộc. Toàn cầu hoá, như đã nói là một quá trình tất yếu, khách quan. Nó diễn ra ở mọi quốc gia trên Trái Đất này, không một dân tộc nào có thể bị cám dỗ bởi một thứ “chủ nghĩa biệt lập” nào đó mà đứng ra một bên, tránh được quá trình này động chạm tới mình. Điều quan trọng là chủ động đón nhận nó, có những đối sách thích hợp để phát huy mặt tích cực, hạn chế các tiêu cực mà nó có thể mang lại.

Như một cơ thể cường tráng có thể chống lại được mọi bệnh tật, dân tộc ta cần tự tìm trong chính mình những sức mạnh nội sinh để đứng vững trước các thử thách của toàn cầu hoá. [...]

Toàn cầu hoá chứa đựng thời cơ và những thách thức to lớn. Trong tiến trình lịch sử của mình, dân tộc ta đã tỏ rõ khả năng luôn biết đón nhận những thời cơ thuận lợi và vượt lên trên các thách thức để đi tới.

Thế kỉ XXI sắp tới. Thế giới sẽ chuyển động mạnh hơn bao giờ hết trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập. Chúng ta tin chắc rằng dân tộc Việt Nam sẽ khẳng định được chỗ đứng vững vàng của mình trong trào lưu đó với tất cả bản lĩnh sâu xa của nền văn hoá lâu đời, được tiếp thêm sức mạnh của thời đại, sức mạnh của lí tưởng độc lập dân tộc và công bằng xã hội.

(Theo Một góc nhìn của tri thức, tập một, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002)

1 653 29/10/2024


Xem thêm các chương trình khác: