Muối của rừng - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 12 - Cánh diều

Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Muối của rừng Ngữ văn lớp 12 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 12. Mời các bạn đón xem:

1 7,636 29/05/2024


Tác giả tác phẩm: Muối của rừng - Ngữ văn 12

I. Tác giả Nguyễn Huy Thiệp

Muối của rừng - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Cánh diều

- Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) sinh ra ở Thái Nguyên.

- Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

- Ông đến với văn học từ khá sớm, như có lần ông tự bạch: “tôi đọc sách từ năm 10 tuổi”

- Ông là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam, ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ năm 1986.

- Ông là người có nhiều thành tựu đóng góp lớn cho nền văn học, đặc biệt là ở thể loại văn xuôi đương đại

- Nguyễn Huy Thiệp có cách viết sáng tạo và đầy tinh tế đặc biệt là ở tác phẩm truyện ngắn.

- Ngòi bút tinh tế đầy truyền cảm trong từng tác phẩm.

II. Tìm hiểu tác phẩm Muối của rừng

1. Thể loại

- Tác phẩm Muối của rừng thuộc thể loại: truyện ngắn.

2. Xuất xứ

- Tác phẩm được trích trong Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (tái bản lần thứ hai), NXB Văn học, Hà Nội, 2021)

3. Hoàn cảnh sáng tác

- Muối của rừng là tác phẩm nằm trong một chuỗi các tác phẩm về đề tài đi săn của ông.

4. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: tự sự.

5. Ý nghĩa nhan đề

Nhan đề "Muối của rừng" gợi lên bức tranh không gian thiên nhiên khi rừng kết muối là biểu tượng cho cuộc sống thanh bình.

6. Bố cục Muối của rừng

- Truyện chia làm 4 phần:

+ Phần 1: “Sau tết Nguyên Đán...hang động đá vôi” : Bối cảnh cuộc đi săn của ông Diểu

+ Phần 2: “Nhặt đất đá ném...Bết bên vai nó” : Hành trình ông Diểu đuổi theo và săn đuổi chú khỉ

+ Phần 3: “Ông Diểu đặt tay lên...chỗ con khỉ đực nằm” : Quá trình ông Diểu băng bó, chữa bệnh và quyết định phóng sinh chú khỉ

+ Phần 4 : Đoạn còn lại : Cảnh ông Diểu ra về gặp hoa tử huyền trong làn mưa xuân

7. Tóm tắt Muối của rừng

Ông Diểu vào rừng đi săn và ông đã bắn hạ được một con khỉ đực trong đàn. Con khỉ cái đã quay lại và đỡ con khỉ đực lên, nhưng nó đã bị ông Diểu đuổi đi. Ông cho rằng hành động của con khỉ cái là giả tạo và dối trá, nhưng nó đã xông đến chỗ con khỉ đực và mang nó đi. Những con khỉ con xuất hiện và cướp súng của ông Diểu đi, nhưng nó lại bị rơi xuống vực. Chứng kiến cảnh tượng đó, người đàn ông vừa hoang mang và sợ hãi rồi ông bỏ chạy như ma đuổi. Ông Diểu lại gặp lại con khỉ đực mà mình vừa mới bắn đang treo leo trên vách đá. Ông đã leo lên mỏm đá đó với ý nghĩ sẽ bắt con khỉ đực về, mặc cho ông phải bỏ lại quần áo. Con khỉ đực đã bị thương, nó chỉ nằm đó chậm rãi kêu và giương ánh mắt thành khẩn cầu xin về phía ông Diệu. Trước hình ảnh đó, ông Diệu lại dâng lên sự đau lòng nên đã tìm lá cây nhai kỹ để cầm máu cho con khỉ và lấy chiếc quần duy nhất trên người để băng bó cho nó. Sau đó ông Diểu vừa đỡ con khỉ đực vừa tìm cách xuống núi. Vừa mang khỉ xuống núi ông đã phải đấu tranh tâm lý rất nhiều, nhưng ông vẫn quyết định buông tha cho con khỉ. Ông Diểu đã gặp được một hình ảnh mà có lẽ cả đời ông nghĩ, mình cũng không thể gặp lại lần thứ hai. Ông đã gặp một loài hoa may mắn mà chỉ ba chục năm mới nở một lần. Loài hoa xuất hiện như là món quà cho những con người có tình thương và chuẩn bị báo hiệu sự sung túc, đủ đầy của đất nước. Và sau đó bóng dáng ông Diểu dần biến mất vào hư không.

8. Giá trị nội dung

- Truyện ngắn đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nạn săn bắt động vật trái phép. Con người cần ý thức bảo vệ các loài động vật nói riêng và bảo vệ thiên nhiên nói chung để góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn.

9. Giá trị nghệ thuật

- Viết truyện ngắn tinh tế và hấp dẫn.

- Tình tiết truyện lôi cuốn, cuốn hút.

- Xây dựng hình tượng nhân vật đặc sắc, nghệ thuật ẩn dụ đầy tinh tế.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Muối của rừng

Muối của rừng - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo

1. Các sự kiện chính, ngôi kể, điểm nhìn

a. Các sự kiện chính

- Mùa xuân, ông Diểu đi săn, ông bắn hạ khỉ bố

- Khỉ bố bị thương nặng khỉ mẹ cứu khỉ bố

- Khỉ con xuất hiện cướp súng của ông Diểu và rơi xuống vực với khẩu súng

- Ông Diểu vác khỉ bố về trong tình trạng khỉ mẹ lẽo đẽo theo sau

- Ông Diểu động lòng trước tình trạng và tình cảm hai vợ chồng nhà khỉ, ông băng bó vết thương cho khỉ bố và tha cho nó

- Ông Diểu trở về nhà trong làn mưa xuân dịu dàng và những đóa hoa tử huyền nở rộ mà 30 năm mới nở một lần.

b. Ngôi kể, điểm nhìn

- Ngôi kể thứ ba hạn tri

- Điểm nhìn: nhân vật ông Diểu

2. Nhân vật ông Diểu

- Ngoại hình: Tuổi trung niên, thấp khớp đôi lúc cũng nhanh nhẹn dẻo dai

- Hành động:

Bắn hạ khỉ bố, đuổi theo khỉ con, tha chết cho khỉ bố và băng bó cho nó, trở về nhà

- Nội tâm:

Bắn khỉ bố

sợ hãi run lên

Khỉ mẹ liều mình cứu khỉ bố

tức giận căm ghét

Khỉ con rơi xuống vực

kinh hoàng

Khỉ đực run bắn lên nhìn ông cầu khẩn

Thương Hại

Khỉ cái cứ đuổi theo ông và con khỉ đực

buồn bã

=> Nhân vật ông Diểu được xây dựng từ ngoại hình, hành động, nội tâm nhưng chủ yếu tính cách được thể hiện chủ yếu qua hành động, nội tâm. Nhân vật đã có sự chuyển biến suy nghĩ và tính cách: từ cách nhìn nhận và hành xử đối với gia đình khỉ mang tính áp đặt chủ quan, có phần vô cảm, ông động lòng trắc ẩn tha cho gia đình khỉ.

3. Sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời của nhân vật

Lời người

kể chuyện

“Sự hỗn loạn của cả đàn khỉ khiến ông hiểu sợ hãi run lên... làm xong việc nặng”

“Ông Diểu rên lên khe khẽ”

Lời nhân vật

Đối thoại

Chạy đi

Độc Thoại

“Hành động hi sinh thân mình của con khỉ cái làm ông căm ghét. Đồ gian dối mày chứng minh tấm lòng cao thượng hợp như một bà trưởng giả!... lừa ông sao được”

=> Lời người kể chuyện giúp dẫn dắt tiến trình phát triển của câu chuyện một cách khách quan, lời nhân vật thể hiện đặc điểm con người của nhân vật.

4. Ý nghĩa hình tượng “Muối của rừng” và thông điệp của truyện ngắn

- Muối của rừng chính là kết tinh của quá trình cái thiện chiến thắng cái ác trong mỗi con người

- Thông điệp của tác giả: mối quan hệ gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Chỉ khi nào con người nhận thức được ý nghĩa thực sự của cuộc sống chọn đứng về cái thiện thì lúc đó thiên nhiên mới ban phát quà tặng cho con người.

IV. Đọc văn bản Muối của rừng

Sau Tết Nguyên đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng, vừa tình cảm. Điều ấy một phần là do mưa xuân.

Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân dẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật tuyệt thú. Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da.

Chính dịp đó ông Diểu đi săn.

Ý nghĩ đi săn nảy sinh khi thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng. Khẩu súng tuyệt vời, nhẹ bỗng, hệt như một thứ đồ chơi, thật nằm mơ cũng không thấy được. Ở tuổi sáu mươi, với khẩu súng mới, đi săn trong rừng vào một ngày xuân kể cũng đáng sống.

Ông Diểu nai nịt, mặc quần áo ấm, đội mũ lông và dận đôi giày cao cổ. Để cho cẩn thận, ông còn mang theo cả nắm xôi nếp. Ông đi men theo suối cạn, cứ thế ngược lên mó nước đầu nguồn. Cách mó nước một dặm là vương quốc của hang động đá vôi.

Ông Diểu rẽ sang lối mòn ngoằn ngoèo đi miết. Chim xanh đầy trên rặng gắm hai bên lối mòn nhưng ông không bắn. Với khẩu súng này mà bắn chim xanh thì thật phí đạn. Chim xanh ông chén chán rồi. Ngon thì ngon nhưng có vị tanh. Nhà ông thiếu gì chim. Chim bồ câu nhà ông có đầy. Đến chỗ ngoặt, ông Diểu giật mình bởi một tiếng soạt trong lùm dẻ gai.

Một chùm dây màu sặc sỡ tung trước mắt ông. Ông nín thở: một đôi gà rừng ton tón lao về phía trước, đầu chúi xuống, kêu quang quác. Ông Diểu rê nòng súng theo. “Bắn sẽ trượt thôi!”. Ông nghĩ bụng và ngồi bất động ở trong tư thế như vậy rất lâu. Ông muốn chờ rừng yên tĩnh lại. Đôi gà rừng sẽ nghĩ là chưa gặp người. Như thế tốt cho chúng nó. Cũng tốt cho ông.

Dãy núi đá cao ngất hùng vĩ. Ông Diểu ngắm nhìn dể lượng sức mình. Nã được một chú khỉ hoặc chú sơn dương thì thật đã đời. Sơn dương thì khó, ông Diểu biết thế. Giống này bắn được chỉ nhờ ở ngẫu nhiên thôi. Ông Diểu không tin vận may sẽ đến.

Cân nhắc kỹ, ông tính đi men chân núi đá vôi sang rừng dâu da săn khỉ. Chắc ăn hơn mà đỡ tốn sức. Đây là Hoa Quả Sơn, Thủy Liêm Động của thung lũng này.

Ở rừng dâu da, khỉ có hàng bầy. Việc bắn được một chú khỉ với ông không khó. Ông Diểu dừng lại mô đất có cây dây leo. Không biết thứ cây này là thứ cây gì, lá bạc phếch giống như lá nhót, những bông hoa vàng như hoa tai rủ xuống tận đất.

Ông ngồi đấy lặng lẽ quan sát. Cần xem bọn khỉ có ở đây không? Loài thú này khôn tựa người, khi kiếm ăn bao giờ cũng có canh gác. Con gác rất thính. Không thấy nó, đừng có hòng cuộc săn thắng lợi, đừng có hòng bắn được con át chủ bài. Con át chủ bài cũng là khỉ thôi. Nhưng đây là con khỉ của ông, là con ấy chứ không con khác. Vì vậy ông phải chờ, phải có cách thì mới bắn được.

Ông Diểu ngồi im dễ đến nửa giờ. Mưa xuân mỏng và mịn. Thời tiết ấm. Dễ đến rất lâu ông Diểu mới lại có dịp ngồi yên thế này, không nghĩ gì không buồn không vui, không lo lắng, cũng không tính toán. Sự tĩnh lặng bình thản của rừng xuyên suất qua ông. Ào một cái, từ trong rừng dâu da bỗng như có tiếng quẫy động của một con vật khổng lồ. Ông Diểu biết là con đầu đàn đã đến. Con khỉ này cũng gớm lắm đây. Nó xuất hiện với một nghi lễ vương chủ. Tự tỉn đến thô bạo. Ông Diểu mỉm cười và chăm chú nhìn.

Sau tiếng dộng vài phút thì con đầu đàn đến thật. Nó văng mình rất nhanh đến nỗi gần như không có phút nghỉ ở mỗi chặng dừng. Ông Diểu thán phục vì sự nhanh nhẹn dẻo dai của nó. Thoắt một cái, nó biến mất. Một nỗi xót xa khiến ông nhói lòng: số phận của bậc đế vương không trùng với số phận ông. Niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi đi một nửa. Khi con khỉ đầu đàn biến mất thì ào ra một đàn khỉ dến hai chục con từ rất nhiều hướng.

Con vắt vẻo trên cao, con đánh đu ngang cành. Có con lại nhảy xuống đất. Ông Diểu thấy ba con khỉ cứ quấn lấy nhau: con khỉ đực, con khỉ cái và đứa con nó. Ý nghĩ con khỉ đực sẽ là con mồi bám lấy ông Diểu tức thì. Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn! ông Diểu thấy nóng bừng người. Ông bỏ mũ và áo bông ra dặt dưới lùm cây. Ông để cả nắm cơm xuống đất. Ông từ từ dịch chuyển sang chỗ đất trũng thấp hơn.

Ông nhìn kỹ và thấy con khỉ canh gác là con khỉ cái. Thế là thuận lợi rồi. Bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm. Đấy, thấy chưa? Đang canh gác mà đi bắt rận ở người thì còn gì nữa? Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất. Điều ấy thật giản dị và đẹp. Nhưng điều ấy lại đầy xót xa…

Ông Diểu tính toán rồi luồn theo hướng ngược gió với con khỉ cái canh gác. Phải tiếp cận đàn khỉ đến hai chục mét thì mới bắn được. Ông bò nhanh và rất khéo léo. Xác định được con mồi rồi là ông chắc chắn thành công. Thiên nhiên đã dành cho ông chứ không ai khác chính con khỉ ấy. Thậm chí ông biết dù ông có đi mạnh chân một chút, gây nên một sự bất cẩn nhố nhăng nào đó cũng chẳng hề gì. Điều ấy tưởng như phi lý mà thật bình thường.

Tuy nghĩ vậy nhưng mà ông Diểu vẫn cứ tiếp cận đàn khỉ một cách thận trọng. Ông biết thiên nhiên đầy rẫy bất ngờ. Thận trọng chẳng bao giờ thừa. Ông Diểu tỳ súng vào một chạc cây. Cái bộ ba trong gia đình khỉ không hề biết rằng tai họa đến gần. Con khỉ bố vắt vẻo trên cây bứt quả ném xuống dưới đất cho hai mẹ con. Trước khi ném, bao giờ nó cũng chọn quả ngon chén trước. Hành động ấy thật là đê tiện. Ông Diểu bóp cò. Tiếng súng dữ dội đến nỗi đàn khỉ lặng đi dễ đến một phút. Con khỉ đực buông tay ngã nhào xuống đất nặng nề. Sự hỗn loạn của cả đàn khỉ khiến cho ông Diểu sợ hãi run lên. Ông vừa làm điều ác. Chân tay ông rủn ra, giống cảm giác như người vừa mới làm xong việc nặng. Đàn khỉ thoắt biến vào rừng. Con khỉ mẹ và con khỉ con cũng chạy theo đàn. Được một đoạn, con khỉ mẹ bỗng quay trở lại. Con khỉ đực bị đạn vào vai, nó gượng dậy, nhưng lại vật xuống.

Con khỉ cái tiến đến gần con khỉ đực một cách thận trọng, nó nhìn ngó xung quanh. Sự im lặng này thật đáng ngờ. Nhưng rồi con khỉ đực cất tiếng gọi nó, tiếng gọi buồn thảm đau đớn. Nó dừng lại lắng nghe với vẻ khiếp sợ hoảng loạn.

– Chạy đi!

Ông Diểu rên lên khe khẽ. Nhưng con khỉ cái tuồng như muốn liều thí mạng, nó đến gần nâng con khỉ đực nhỏm lên.

Ông Diểu tức giận giương súng. Hành động hy sinh thân mình của con khỉ cái làm ông căm ghét.

Đồ gian dối, mày chứng minh tấm lòng cao thượng hệt như một bà trưởng giả! Sự tan rã đạo đức bắt đầu từ những tấn kịch thế này, lừa ông sao được? Khi ông Diểu chuẩn bị bóp cò thì con khỉ cái quay lại nhìn ông. Đôi mắt nó sợ hãi kinh hoàng. Nó vứt phịch con khỉ đực xuống đất rồi chạy biến đi. Ông Diểu thở phào rồi khẽ bật cười. Ông nhô hẳn người ra khỏi chỗ nấp.

– Sai lầm rồi!

Ông Diểu rủa thầm vì ông vừa bước ra thì con khỉ cái quay lại tức thì. “Nó biết mình là người thì thôi hỏng việc!” Y như rằng, con khỉ cái vừa lén nhìn ông vừa lao đến chỗ con khỉ đực. Nó ghì lấy con khỉ đực vào lòng rất nhanh và khéo. Cả hai lăn tròn trên đất. Bây giờ thì con khỉ cái chắc chắn sẽ điên cuồng như một mụ ngốc. Nó sẽ cuồng nhiệt hy sinh bởi lòng cao thượng của nó sẽ được thiên nhiên tính điểm. Ông đã lộ mặt là tên ám sát! Dù chết nó vẫn nhe răng để cười. Bất luận thế nào ông cũng sẽ đau đớn, sẽ thao thức, thậm chí ông sẽ chết sớm hai năm nếu ông bắn nó lúc này. Tất cả chỉ vì ra khỏi chỗ nấp sớm mất hai phút.

– Thôi Diểu ơi… – ông buồn bã nghĩ, – với đôi chân thấp khớp thế này thì làm sao mày chạy nhanh bằng lòng tận tụy, thủy chung của khỉ? Như trêu ngươi, hai con khỉ vừa chạy vừa dìu lấy nhau, con khỉ cái thỉnh thoảng lại huơ huơ đôi chân vòng kiềng trông vừa tức cười lại vừa đểu cáng. Ông Diểu bực mình lấy đà ném mạnh khẩu súng văng về phía trước. Ông mong muốn con vật hoảng sợ buông mồi.

Từ mô đá, bỗng nhiên con khỉ con xuất hiện. Nó túm lấy dây súng của ông kéo lê trên đất. Ba con khỉ vừa bò vừa chạy cuống cuồng. Ông Diểu ngớ ra một lát rồi phá lên cười: tình thế của ông thật là lố bịch!

Nhặt đất đá ném theo lũ khỉ, ông Diểu vừa đuổi vừa la. Lũ khỉ hết sức kinh hoàng, hai con chạy về phía núi, còn con khỉ nhỏ chạy về phía vực. Mất súng thì hỏng. Ông Diểu nghĩ thế và đuổi theo con khỉ nhỏ. Khoảng cách rút ngắn đến mức nếu không vì mắc nền đá lởm chởm, ông lao nhoài ra là tóm ngay được khẩu súng.

Việc ông Diểu dồn con khỉ nhỏ đến bờ miệng vực đưa đến hậu quả khôn lường. Giữ chặt dây súng, nó lăn xuống miệng vực không chút chần chừ. Vì ít kinh nghiệm, nó không tìm ra giải pháp nào khác trong trường hợp ấy.

Ông Diểu tái mặt, mồ hôi toát ra như tắm. Ông đứng trên miệng vực nhìn xuống rùng mình. Từ dưới sâu hun hút vang lên tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ. Trong ký ức của ông chưa hề có tiếng rú nào tương tự thế này. Ông Diểu lùi lại kinh hoàng. Từ dưới miệng vực, sương mù dâng lên cuồn cuộn, trông vừa kinh dị, vừa đầy tử khí. Sương mù len vào từng chân bụi cây và xóa rất nhanh cảnh vật. Ông Diểu chạy lùi trở lại. Phải lâu lắm, có lẽ từ thời thơ ấu, ông Diểu mới lại có lần chạy như ma đuổi thế này.

Đến chân núi đá, ông Diểu kiệt sức. Ông ngồi phệt xuống nhìn về phía vực. Bây giờ sương mù đã trùm kín nó. Ông sực nhớ ra đây là khu vực đáng sợ nhất trong thung lũng, khu vực mà cánh thợ săn đặt tên cho là Hõm Chết. Ở hõm sâu này, gần như đều đặn, năm nào cũng có người bị sương mù giăng bẫy làm cho toi mạng. Hay là ma? – ông Diểu nghĩ. – Cô hồn của những bà cô ông mãnh thường biến thành hình khỉ trắng?” Con khỉ này màu trắng. Nó đoạt súng của ông bất thường đến nỗi ông cũng ngờ vực là sao sự thực có thể giản đơn như vậy? – “Ta có mê không? – ông Diểu nhìn quanh. – Tất cả như trong mộng mị?” – ông đứng dậy nhìn lên vách núi bàng hoàng. Phía núi đá ngược chiều Hõm Chết, bầu trời quang đãng không hề vướng gợn sương mù, tất cả cảnh vật lộ rõ từng đường nét.

Có tiếng kêu thảng thốt. Ông Diểu trông lên thì bỗng thấy con khỉ đực bị thương nằm vắt ở trên mỏm đá. Không thấy con khỉ cái. Ông mừng quá tìm hướng leo lên. Núi đá dốc và trơn. Leo lên nguy hiểm và vất vả lắm. Ông Diểu lượng sức: “Nhưng dù thế nào thì ta cũng phải tóm được chú mày”! Ông Diểu bình tĩnh bám vào các khe đá nứt leo lên. Được khoảng chục mét, ông Diểu thấy nóng bừng người. Lựa chỗ đứng thuận tiện, ông cởi bỏ giày và quần áo ngoài để lên một chạc cây duối. Trên mình mỗi chiếc quần lót, ông thấy thoải mái. Ông leo thoăn thoắt và càng không ngờ sức mình có thể nhanh nhẹn dẻo dai đến thế.

Con khỉ đực bị thương nằm trên ngọn đá phẳng lì và khá chông chênh. Dưới phiến đá, một khe nứt rộng đến gang tay tách nó ra khỏi vách núi. Ông Diểu rùng mình, cảm tưởng như bất cứ lúc nào tảng đá cũng có thể lăn nhào khỏi vị trí ấy làm ông kinh hãi. Thiên nhiên oái oăm lại muốn thử thách thêm lòng dũng cảm của ông sao đó. Ông Diểu lấy hai cùi tay làm tựa để co người lên. Con khỉ tuyệt đẹp, lông mịn và vàng. Nó nằm sấp mình, hai tay cào trên phiến đá như muốn tìm cách nhích lên. Máu đỏ bết bên vai nó. Ông Diểu đặt tay lên mình con khỉ và thấy nó nóng hầm hập. “Dễ đến hơn yến…”. Ông Diểu luồn tay xuống dưới ngực con khỉ nâng lên ước lượng.

Từ trong ngực nó phát ra tiếng “hừm” nho nhỏ nghe rất đáng sợ, tựa như thần Chết bực mình cáu kỉnh vì sự can thiệp của ông với nó. Ông Diểu rút phắt tay lại. Con khỉ run bắn, nó đưa đôi mắt đờ dại nhìn ông cầu khẩn. Ông Diểu bỗng thấy thương hại. Viên đạn phá vỡ bả vai của nó, làm trồi ra hẳn đoạn xương dài đến bốn phân. Mỗi khi đoạn xương va chạm, con khỉ quằn quại trông rất đau lòng.

– “Để thế không ổn! ” – ông Diểu vơ lấy một nắm cỏ Lào vò nát ông cho vào miệng nhai kỹ. Ông đắp nắm lá vào miệng vết thương con khỉ. Nắm lá sẽ có tác dụng cầm máu cho nó. Con khỉ co rúm người lại và nghiêng đôi mắt ươn ướt nhìn ông. Ông Diểu tránh nhìn vào đôi mắt nó. Một lát, con khỉ rúc hẳn vào hai lòng tay ông Diểu. Miệng nó phát ra âm thanh lắp bắp nghe như tiếng của trẻ con. Ông biết nó đang van xin và tìm một sự giúp rập. Ông rất khó chịu. “Thà mày chống cự thì tốt cho tao” – ông Diểu nhìn vào cái đầu ngoan ngoãn của con khỉ nhỏ cau mày. – Mình đâm già rồi… Nó biết người già thì dễ mủi lòng. Bây giờ tao biết lấy gì băng bó cho mày hở khỉ?” Ông Diểu suy nghĩ. Ông đành cởi chiếc quần lót đang mặc. Ông dùng chiếc quần lót ấy để băng vết thương cho nó. Vết thương cầm máu, con khỉ không còn rên nữa.

Cứ thế trần truồng, ông Diểu vừa bế vừa đỡ con khỉ tìm đường tụt xuống chân núi. Thoắt nhiên, đất đá từ lưng chừng núi sụt xuống rào rào như có sức mạnh nào đấy xô đẩy.

Núi lở! Ông Diểu thót mình và bám thật chặt vào tảng đá kinh hãi. Đoạn đường mà ông leo lên lúc nãy loáng cái chỉ còn một vết chém thẳng phẳng lì. Ông Diểu không còn thấy cây duối để quần và giày đâu nữa. Đi xuống đường ấy bây giờ thật nguy hiểm. Đành phải vòng ra sau núi. Xa hơn nhưng lại an toàn.

Ông Diểu lần mò đến hơn hai tiếng đồng hồ mới xuống được đến chân núi. Thật chưa bao giờ ông lại vất vả và mệt đến thế. Người ông đầy vết xây xát. Con khỉ sống không ra sống, chết không ra chết. Kéo nó trên đất thì quá đau lòng, mà bế ẵm nó trên tay thì không đủ sức. Đến chỗ lùm cây leo nấp chờ ban sáng, ông Diểu dừng lại để tìm mũ áo và nắm xôi nếp. Ở đấy đùn lên một đống mối to gần bằng cây rạ. Đống mối nhớp nháp một thứ đất mới đỏ au, trên đấy đầy những cánh mối ướt rụi. Khốn nạn, dây vào tổ mối thì những đồ vật của ông thành cám! Thở dài thất vọng, ông Diểu quay lại bế con khỉ lên.

“Chẳng lẽ lại cứ nồng nỗng thế này về nhà thì thật khả ố – ông Diểu bực mình. – Mình sẽ thành một trò cười cho thiên hạ mất…”. Ông cứ vừa đi vừa nghĩ và đâm loanh quanh một lúc mới nhận ra con đường. “Thì đã sao nào – ông bỗng bật cười. – Hỏi ai bắn được con khỉ thế này? Phải yến rưỡi thịt… Lông vàng như nhuộm… Bắn được con vật như thế này thì dẫu mảnh giáp không còn cũng đáng! Có tiếng động khẽ đằng sau. Ông Diểu giật mình quay lại và nhận ra con khỉ cái. Thấy ông, nó thoắt biến vào bụi rậm. Hóa ra con khỉ cái theo ông từ khi ông ở trên núi mà ông không biết.

Ông thấy là lạ. Đi được một quãng, ông Diểu quay lại thì vẫn thấy nó lẽo đẽo đằng sau. Thật khốn nạn quá! ông Diểu đặt con khỉ đực xuống đất rồi nhặt đất đá đuổi con khỉ cái. Nó kêu the thé rồi chạy biến đi. Chỉ được một lúc, ông Diểu ngó lại thì vẫn thấy nó lẵng nhẵng bám theo. Cái bộ ba ấy cứ thế lầm lũi xuyên rừng. Con khỉ cái cũng thật kiên trì. Ông Diêu bỗng thấy bị xúc phạm ghê gớm. Tựa như ông bị theo dõi, bị đòi ăn vạ.

Bây giờ, cả con khỉ đực cũng đã nhận ra tín hiệu vẫy gọi của đồng loại nó. Nó cứ giãy giụa, nó làm cho ông khổ vô cùng. Ông Diểu mệt lả, ông không còn sức giữ con khỉ nữa. Hai tay con khỉ cào trên ngực ông tóe máu. Cuối cùng, không thể chịu nổi, ông đành tức giận ném nó xuống đất. Con khỉ đực nằm dài trên vạt cỏ ướt. Ông Diểu buồn bã ngồi nhìn. Cách đó không xa, con khỉ cái cũng thập thò sau một gốc cây theo dõi.

Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề. “Thôi tao phóng sinh cho mày!” – Ông Diểu ngồi yên một lát rồi bỗng đứng dậy nhổ bãi nước bọt xuống dưới chân mình. Lưỡng lự giây phút rồi ông vội vã bỏ đi. Hình như chỉ chờ có thế, con khỉ cái vọt ngay ra khỏi chỗ nấp, chạy vội đến chỗ con khỉ đực nằm.

Ông Diểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.

Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông nhòa vào màn mưa.

Chỉ ít ngày nữa sang tiết Lập hạ. Trời sẽ ấm dần.

V. Dàn ý phân tích Muối của rừng

(1) Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại.

Truyện ngắn "Muối của rừng" được in trong tập truyện ngắn "Tướng về hưu" (1987), là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Huy Thiệp.

Khái quát nội dung truyện:

Truyện kể về cuộc đi săn của ông Diểu, một người thợ săn già, trong một khu rừng đại ngàn.

Trong cuộc đi săn này, ông Diểu đã gặp và bắn chết một chú khỉ đực.

Sau đó, ông Diểu đã có những suy nghĩ và cảm xúc phức tạp về hành động của mình.

(2) Thân bài

Kết cấu truyện

Truyện được chia làm ba phần:

Phần 1 (từ đầu đến "ông đã bắn chết một con khỉ đực"): Giới thiệu nhân vật ông Diểu và cuộc đi săn của ông.

Phần 2 (từ "Ông Diểu ngồi xuống..." đến "Ông Diểu im lặng đi về"): Ông Diểu đối mặt với hiện thực sau khi bắn chết chú khỉ đực.

Phần 3 (còn lại): Ông Diểu trở về nhà và có những suy nghĩ, cảm xúc phức tạp.

Nhân vật ông Diểu

Ông Diểu là một nhân vật trung tâm của truyện. Ông là một người thợ săn già, có kinh nghiệm và tay nghề cao. Ông có lối sống đơn giản, gắn bó với thiên nhiên.

Trong cuộc đi săn, ông Diểu đã bắn chết một con khỉ đực. Sau đó, ông Diểu đã có những suy nghĩ và cảm xúc phức tạp về hành động của mình. Ông cảm thấy hối hận, day dứt vì đã giết chết một sinh linh vô tội. Ông cũng nhận ra rằng, bản thân mình đã trở nên xa lạ với thiên nhiên, với những gì vốn là máu thịt của mình.

Hình ảnh chú khỉ đực

Chú khỉ đực là một nhân vật phụ nhưng có vai trò quan trọng trong truyện. Chú khỉ đực là biểu tượng cho thiên nhiên, cho những gì đẹp đẽ, thuần khiết.

Chú khỉ đực hiện lên với vẻ đẹp của sức sống, của sự tinh anh, nhanh nhẹn. Chú khỉ đực cũng là biểu tượng cho sự gắn bó của con người với thiên nhiên.

Ý nghĩa truyện

Truyện "Muối của rừng" là một truyện ngắn giàu ý nghĩa nhân văn. Truyện đề cao tình yêu thiên nhiên, cảnh báo về sự tàn phá thiên nhiên của con người.

Truyện cũng thể hiện sự trăn trở của nhà văn về con người trong cuộc sống hiện đại. Con người ngày càng xa rời thiên nhiên, trở nên vô cảm với những gì xung quanh mình.

(3) Kết bài

Truyện "Muối của rừng" là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp. Truyện có cách viết độc đáo, ngôn ngữ giàu chất thơ, giàu chất suy tư. Truyện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

1 7,636 29/05/2024


Xem thêm các chương trình khác: