Tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ được quy định như thế nào?

1. Khái niệm về tội vi phạm quy định giao thông đường bộ

Theo Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 tội vi phạm quy định giao thông đường bộ là tội phạm xâm phạm an toàn giao thông. Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này theo Bộ luật Hình sự.

Tội vi phạm quy định giao thông đường bộ được cấu thành bởi chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan của tội phạm, cụ thể như sau:

1.1. Về chủ thể:

Chủ thể của tội vi phạm quy định giao thông đường bộ là người có năng lực trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự theo các định khung hình phạt của tội này. Người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này Đồng thời, người này phải không rơi vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

1.2. Về mặt khách thể:

Hành vi vi phạm quy định giao thông đường bộ xâm phạm đến khách thể là sự an toàn của hoạt động giao thông đường bộ và sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.

Hành vi vi pham quy định về tham gia giao thông đường bộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội trực tiếp xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác. Những hành vi này có tính chất nguy hiểm cao, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác và có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả trên nếu không được ngăn chăn kịp thời.

1.3. Về mặt chủ quan (yếu tố lỗi):

Người thực hiện hành vi phạm tội này với lỗi vô ý do tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.

Vô ý do tự tin là trường hợp người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Vô ý do cầu thả là trường hợp người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Nếu người điều khiển phương tiện giao thông cố ý sử dụng phương tiện để giết người, gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản của người khác thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng, còn sử dụng phương tiện giao thông sẽ được coi là thủ đoạn để thực hiện tội phạm.

Ví dụ: Một người lái xe ô tô với mục đích để đâm chết người đang đi bộ trên đường thì người này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định của Bộ luật Hình sự; xe ô tô được coi là phương tiên đề gây án.

1.4. Về mặt khách quan:

Tội phạm được thể hiện ở hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về an toàn giao thông vận tải đường bộ.

Người tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đó là các quy định như chấp hành báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các phương tiện tham gia giao thông, sử dụng làn đường, vượt xe, chuyển hướng xe, lùi xe, tránh xe đi ngược chiều, dừng đỗ xe trên đường (trong và ngoài đô thị).

Phương tiện giao thông gồm: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ:

- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

- Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển, dẫn dắt súc vật, người đi bộ trên đường bộ.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả sau:

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Như vậy, chỉ khi người phạm tội gây ra thiệt hại cho tính mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc thuộc trường hợp ngoại lệ trên thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Tóm lại, tội vi phạm quy định giao thông đường bộ là một tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự được thực hiện bởi người tham gia giao thông có năng lực trách nhiệm hình sự, xâm phạm trực tiếp đến an toàn công cộng, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác.

Khái niệm về tội vi phạm quy định giao thông đường bộ

2. Quy định của pháp luật về tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ

2.1. Quy định pháp luật hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ

Căn cứ khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ sau đây:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

2.2. Quy định pháp luật hành chính về tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ

Mức phạt hành chính áp dụng với các hành vi không gây ảnh hưởng nhiều đến trật tự an toàn xã hội và không được quy định trong Bộ Luật Hình sự. Các hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không cao.

Ví dụ: Căn cứ Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định như sau:

Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;

b) Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

c) Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức);

d) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 49 Nghị định này;

đ) Dừng xe, đỗ xe tại vị trí: nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 05 m tính từ mép đường giao nhau; điểm dừng đón, trả khách của xe buýt; trước cổng hoặc trong phạm vi 05 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào; nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; che khuất biển báo hiệu đường bộ; nơi mở dải phân cách giữa;”

2.3. Quy định pháp luật dân sự về tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ

Ngoài ra, nếu các hành vi gây thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng,…. thì sẽ bị phải bồi thường theo Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015. Người gây ra thiệt hại phải bồi thường dựa trên các căn cứ phát sinh trách nhiệm của họ. Cụ thể như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Các bên có thể thỏa thuận về cách thức cũng như mức độ bồi thường. Tuy nhiên phải đảm bảo triển khai trên tinh thần pháp luật. Cũng như thống nhất, xác định và nhanh chóng bù đắp, ngăn chặn các thiệt hại lớn hơn.

Trong đó, yếu tố lỗi là căn cứ xác định mức độ bồi thường toàn bộ hay một phần đối với thiệt hại xảy ra. Nếu không thể thỏa thuận, các bên có thể khởi kiện nhờ Tòa án giải quyết.

3. Uống rượu bia rồi lái xe máy tham gia giao thông bị xử phạt như thế nào?

Theo khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

"6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h;

...

c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

d) Điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;

đ) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

g) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;

h) Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;

i) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ."

Ngoài ra, khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về hình phạt bổ sung đối với trường hợp người lái xe vi phạm về nồng độ cồn như sau:

"10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm g khoản 2 Điều này bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, điểm g, điểm h, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm q khoản 1; điểm b, điểm d, điểm e, điểm g, điểm l, điểm m khoản 2; điểm b, điểm c, điểm k, điểm m khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4 Điều này;

d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 6; điểm đ khoản 8; khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng;

đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng;

e) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng;

g) Thực hiện hành vi quy định tại điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng."

Như vậy, Người đi xe máy uống rượu bia rồi lái xe tham gia giao thông trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng; trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng; trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Quy định của pháp luật về tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ

4. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được pháp luật quy định như thế nào?

Theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sau đây:

"1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt."

5. Các biện pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa tội vi phạm quy định giao thông đường bộ, có một số biện pháp sau đây mà bạn có thể áp dụng:

- Tuân thủ luật giao thông: Luôn tuân thủ các quy định giao thông và luật lệ đường bộ. Hãy đảm bảo bạn hiểu rõ các quy tắc và quy định liên quan đến tốc độ, vạch kẻ đường, biển báo, tín hiệu đèn giao thông và các quy định khác.

- Sử dụng đồng hồ đo tốc độ: Có thể sử dụng đồng hồ đo tốc độ để kiểm soát tốc độ của bạn và đảm bảo bạn không vượt quá giới hạn tốc độ được quy định.

- Tránh lái xe khi có chất kích thích: Không lái xe khi bạn đã sử dụng rượu, bia, ma túy hoặc bất kỳ chất kích thích nào có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe an toàn.

- Đảm bảo xe đủ điều kiện an toàn: Bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ xe của bạn để đảm bảo rằng hệ thống phanh, đèn chiếu sáng, lốp xe và các thành phần khác hoạt động tốt và đáng tin cậy.

- Chú ý tập trung khi lái xe: Hãy luôn tập trung vào việc lái xe và tránh sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị khác khi lái xe. Sự mất tập trung có thể dẫn đến tai nạn hoặc vi phạm quy định giao thông.

- Điều chỉnh tốc độ và khoảng cách: Hãy điều chỉnh tốc độ lái xe phù hợp với điều kiện đường, thời tiết và lưu lượng giao thông. Hãy giữ khoảng cách an toàn với phương tiện khác để có thời gian phản ứng khi cần thiết.

- Sử dụng thiết bị an toàn: Đảm bảo bạn và tất cả hành khách trên xe sử dụng dây an toàn hoặc hệ thống an toàn phù hợp.

- Tăng cường kiến thức và kỹ năng lái xe: Hãy tham gia các khóa học huấn luyện lái xe để nâng cao kiến thức và kỹ năng của bạn trong việc lái xe an toàn và tuân thủ quy định giao thông.

- Tham gia chiến dịch an toàn giao thông: Hãy tham gia các chiến dịch, chương trình, hoặc hoạt động nhằm tăng cường ý thức an toàn giao thông và quảng bá thói quen lái xe an toàn trong cộng đồng.

Những biện pháp này nhằm giảm thiểu nguy cơ vi phạm quy định giao thông đường bộ và đặc biệt đảm bảo an toàn cho bạn và những người tham gia giao thông khác.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự? Thời hiệu truy cứu trách hình sự là bao lâu? Có phải mọi tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đều áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?

Cố ý gây thương tích là gì? Mức phạt theo quy định pháp luật đối với tội cố ý gây thương tích

Xóa án tích là gì? Các trường hợp được xóa án tích