Hiện nay, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển, Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển toàn diện và bền vững để vươn ra thị trường quốc tế. Theo đó, lĩnh vực dược phẩm đang rất được quan tâm về việc đầu tư xây dựng để được chứng nhận vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP. Vậy tiêu chuẩn GACP là gì? Bạn hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.

Tiêu chuẩn GACP là gì?

1. Tiêu chuẩn GACP là gì?

GACP là viết tắt của Good Agricultural and Collection Practices, nghĩa là thực hành tốt nuôi trồng và thu hái. GACP là các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Đây là các nguyên tắc, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả của dược liệu.

2. Cơ sở đề nghị đánh giá dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP khi nào?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 8 Thông tư 19/2019/TT-BYT thì cơ sở đề nghị đánh giá dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP :

- Cơ sở có dược liệu chưa được đánh giá, công bố đạt GACP hoặc cấp Giấy chứng nhận dược liệu đạt GACP hoặc Phiếu tiếp nhận công bố cơ sở đạt GACP còn hiệu lực được cấp trước ngày Thông tư 19/2019/TT-BYT có hiệu lực;

- Cơ sở có dược liệu đã được công bố hoặc cấp Giấy chứng nhận dược liệu đạt GACP nhưng có thay đổi, bổ sung địa điểm nuôi trồng, thu hái, khai thác dược liệu tại vùng địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu khác với vùng trồng, thu hái, khai thác dược liệu đã đạt GACP trước đó hoặc thay đổi toàn bộ quy trình nuôi trồng, thu hái, khai thác, chế biến dược liệu.

3. Hiệu lực của Giấy chứng nhận dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP

Căn cứ vào khoản 5 Điều 8 Thông tư 19/2019/TT-BYT thì Giấy chứng nhận dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP có hiệu lực có hiệu lực là 03 năm kể từ ngày công bố hoặc cấp.

4. Lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn GACP

- Chủ động được nguồn dược liệu

Việc tự xây dựng vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho dược liệu nước nhà, thậm chí mở đường cho xuất khẩu. Từ đó, tiếp cận được nhiều hơn nguồn thị trường nước ngoài, tạo điều kiện cho nền kinh tế nước nhà phát triển và hội nhập với thị trường quốc tế.

- Kiểm soát được chất lượng dược liệu

Việc sở hữu vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng nguồn dược liệu vì tất cả các công đoạn đều được doanh nghiệp tự thực hiện với tiêu chuẩn khắt khe theo tiêu chuẩn GACP. Đây là một yếu tố quan trọng làm nên sản phẩm chất lượng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Bảo tồn nguồn dược liệu quý của Việt Nam

Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú với hơn 5.000 loài cây thuốc, trong đó có có nhiều loại đặc hữu, quý hiếm cần được bảo tồn. Việc trồng, chăm sóc các loại dược liệu sẽ giúp duy trì và nhân giống các gen quý, giúp bảo tồn nguồn gen dược liệu của Việt Nam.

- Góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội:

Việc triển khai các vùng trồng đạt tiêu chuẩn GACP là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Người dân được đảm bảo về đầu ra. Doanh nghiệp tự chủ được nguồn nguyên liệu, kiểm soát được chất lượng dược liệu ở mức cao nhất. Từ đó, người tiêu dùng có thể mua được các sản phẩm chất lượng, an toàn với giá thành hợp lý.

Tiêu chuẩn GACP là gì?

5. Quy trình trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP

Quy trình trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP rất chặt chẽ, bao gồm nhiều công đoạn như:

- Chọn dược liệu: Xác định dược liệu muốn trồng, có thể gửi mẫu lên các viện dược liệu cấp quốc gia hoặc khu vực nhờ giám định loài.

- Chọn giống:

+ Lựa chọn nhà cung cấp giống

+ Đánh giá lai lịch nguồn giống

+ Kiểm tra chất lượng nguồn giống

- Về lựa chọn địa điểm:

+ Chọn vùng đất trồng phù hợp

+ Khảo sát các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng trồng trọt

+ Đánh giá tác động của việc trồng trọt đến môi trường sinh thái xung quanh.

- Trồng, chăm sóc và bảo vệ cây:

+ Quy định cụ thể về làm đất, trồng trọt, chế độ chăm sóc (làm cỏ, tưới nước bón phân và các thuốc bảo vệ thực vật (nếu cần)… trong quá trình trồng trọt).

+ Yêu cầu về nhân sự các trang thiết bị cần thiết.

- Thu hoạch, thu hái:

+ Quy định thời điểm, thời gian, bộ phận và quy trình thu hái

+ Yêu cầu về nhân sự và các trang thiết bị cần thiết.

- Tiêu chuẩn GACP-WHO về sơ chế dược liệu:

+ Quy định sơ chế dược liệu sau khi thu hái (phương pháp sơ chế, dụng cụ sơ chế, máy móc…)

+ Yêu cầu về nhân sự tham gia sơ chế (được đào tạo, có sức khoẻ…)

- Bảo quản dược liệu:

+ Quy định về bảo quản dược liệu trước khi đưa vào sản xuất hoặc bán ra thị trường (điều kiện bảo quản, cách bố trí kho, ghi nhãn…)

+ Yêu cầu về nhân sự quản lý kho bảo quản (được đào tạo, nhiệm vụ, trách nhiệm…)

+ Tiêu chuẩn GACP không đơn thuần là các tiêu chuẩn và quy trình trồng cây thuốc hoặc thu hái từ cây thuốc hoang dã. Để bảo đảm các điều kiện để thực hiện tốt, GACP còn yêu cầu phải có các điều kiện bao gồm:

- Cơ sở vật chất phải phù hợp điều kiện tự nhiên và đối tượng trồng trọt, thu hái như: nhà làm việc, nơi phơi sấy, kho chứa, công cụ sản xuất, mặt bằng làm nơi sơ chế, phòng thực nghiệm với các thiết bị đo đạc và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

- Nhân lực: Những người trực tiếp trồng trọt, thu hái cũng phải được đào tạo để có sự hiểu biết và kỹ năng thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật của Tiêu chuẩn GACP liên quan đến công việc mà họ đang làm.

Trên đây là những nội dung cơ bản liên quan đến Tiêu chuẩn GACP mà chúng tôi muốn đề cập đến bạn đọc, hi vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn GACP liên quan đến lĩnh vực dược phẩm/ dược liệu.