Thanh thiếu niên thuộc độ tuổi bao nhiêu?

1. Thanh thiếu niên là gì?

Thanh thiếu niên là giai đoạn ở độ tuổi từ 13-19 tuổi, đây là một giai đoạn chuyển tiếp thể chất và tinh thần trong sự phát triển của con người diễn ra giữa giai đoạn trẻ em và trưởng thành. Sự chuyển tiếp này liên quan tới những thay đổi về sinh học, xã hội và tâm lý, dù những thay đổi về sinh học và tâm lý là dễ nhận thấy nhất.

Tâm lý thiếu niên gắn liền với những thay đổi quan trọng trong tính khí. Những thay đổi về nhận thức, tình cảm và thái độ là đặc điểm của thiếu niên, thường diễn ra trong giai đoạn này, và điều này có thể là một nguyên nhân của sự xung đột ở một mặt và mặt khác là sự phát triển nhân cách tích cực.

Bởi những người thiếu niên đang trải qua nhiều thay đổi mạnh về nhận thức và thân thể, lần đầu tiên trong đợi họ có thể bắt đầu coi những người bạn, nhóm bạn, là quan trọng hơn và có ảnh hưởng lớn hơn cha mẹ/người giám hộ. Bởi áp lực bạn bè, họ có thể thỉnh thoảng tự cho phép mình thực hiện các hành vi dường như không được xã hội chấp nhận, dù đây thường là một hiện tượng xã hội hơn là một hiện tượng tâm lý. Sự chồng lấn này được xem xét đến trong việc nghiên cứu tâm lý xã hội học.

2. Bao nhiêu tuổi được xem là thanh niên?

Theo quy định tại Luật Thanh niên 2020 thì thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Độ tuổi này được xem là trưởng thành và phải có các trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của thanh niên được quy định cụ thể như sau:

- Trách nhiệm đối với Tổ quốc

+ Phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

+ Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu.

+ Đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

- Trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội

+ Gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân

+ Tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia

+ Chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

+ Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.

+ Xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.

+ Tích cực tham gia hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

- Trách nhiệm đối với gia đình.

+ Chăm lo hạnh phúc gia đình; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

+ Kính trọng, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và tôn trọng các thành viên khác trong gia đình; chăm sóc, giáo dục con em trong gia đình

+ Tích cực phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.

- Trách nhiệm đối với bản thân

+ Rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có trách nhiệm công dân, ý thức chấp hành pháp luật; phòng, chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội.

+ Tích cực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn.

+ Chủ động tìm hiểu về thị trường lao động; lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp; rèn luyện ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động và tác phong chuyên nghiệp; sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động.

+ Rèn luyện, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng, chống bệnh tật; không lạm dụng rượu, bia; hạn chế sử dụng thuốc lá; không sử dụng ma túy, chất gây nghiện và chất kích thích khác mà pháp luật cấm; phòng, chống tác hại từ không gian mạng.

+ Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh; bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Thanh thiếu niên thuộc độ tuổi bao nhiêu?

3. Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên được xác định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 thì năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên được xác định như sau:

- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.