Hướng dẫn phân biệt Sổ đỏ hộ gia đình và sổ đỏ cá nhân mới nhất 2025
Hướng dẫn phân biệt Sổ đỏ hộ gia đình và sổ đỏ cá nhân mới nhất 2025

1. Hướng dẫn phân biệt Sổ đỏ hộ gia đình và sổ đỏ cá nhân mới nhất 2025

Hai loại sổ này có một số điểm khác biệt cơ bản như sau:

  • Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình

Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình, địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”

  • Sổ đỏ cấp cho cá nhân
    • Cá nhân trong nước
      • Ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”;
        • Trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”;
        • Trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”;
        • Trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”;”
    • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở: Ghi "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ nhân thân ghi "Hộ chiếu số:..., nơi cấp:..., năm cấp:..."; địa chỉ đăng ký thường trú của người đó ở Việt Nam (nếu có).
Hướng dẫn phân biệt Sổ đỏ hộ gia đình và sổ đỏ cá nhân mới nhất 2025
Hướng dẫn phân biệt Sổ đỏ hộ gia đình và sổ đỏ cá nhân mới nhất 2025

2. Cách chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân mới nhất 2025

Để chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân, hộ gia đình có thể tiến hành thủ tục chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất cho cá nhân.

Căn cứ các quy định hiện hành và điều kiện thực tế, thủ tục tặng cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tiến hành như sau:

  • Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024, hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực. Do đó, khi tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì hai bên phải thành lập hợp đồng tặng cho có công chứng chứng thực tại các tổ chức hành nghề công chứng/Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi có đất, nộp phí công chứng theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Công chứng 2014.

  • Bước 2: Đăng ký sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo Khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024, sau khi công chứng/chứng thực hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng đất, các bên bắt buộc phải thực hiện việc đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc (nếu không thực hiện, người sử dụng đất sẽ bị phạt tiền từ 01 - 10 triệu đồng). Thời hạn đăng ký biến động sang tên sẽ kéo dài không quá 10 ngày làm việc. Cơ quan quản lý đất đai sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có).

  • Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính

Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý đất đai sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ sử dụng đất đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

  • Bước 4: Nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cá nhân

Sau khi đã nộp thuế, chủ sử dụng đất nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý đất đai để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cách chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân mới nhất 2025
Cách chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân mới nhất 2025

3. Năm 2025 hộ gia đình có được cấp sổ đỏ nữa không?

Theo Điều 4 Luật Đất đai 2024 thì từ 01/8/2024, hộ gia đình không còn là đối tượng người được sử dụng đất. Tuy nhiên, vẫn có 01 trường hợp vẫn được cấp Sổ đỏ cho hộ gia đình là trường hợp đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình được xác định trước 01/8/2024.

Theo đó, trường hợp này sẽ cấp 01 Sổ đỏ ghi đầy đủ tên thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Cụ thể, theo Điều 259 Luật Đất đai 2024 có quy định về xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình có trước ngày 01/8/2024 như sau:

  • Hộ gia đình sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày 01/8/2024 thì được tham gia quan hệ pháp luật về đất đai với tư cách nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất.
  • Hộ gia đình sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01/8/2024 thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất.
  • Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình để thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt thì phải ghi cụ thể các cá nhân là thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất vào quyết định giao đất, cho thuê đất.
  • Hộ gia đình được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trước ngày 01/8/2024 thì được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại. Khi hết thời hạn sử dụng đất thì được gia hạn sử dụng đất theo hình thức giao đất, cho thuê đất cho các cá nhân là thành viên hộ gia đình đó theo quy định.

4. Các câu hỏi thường gặp

4.1. Ai có quyền quyết định giao dịch đối với sổ đỏ hộ gia đình?

Với sổ đỏ hộ gia đình, việc quyết định giao dịch phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên có quyền lợi liên quan đến quyền sử dụng đất. Các thành viên trong hộ gia đình từ đủ 18 tuổi phải đồng ý với việc chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp, hoặc các giao dịch khác có liên quan đến quyền sử dụng đất. Điều này khác biệt so với sổ đỏ cá nhân, trong đó chủ sở hữu duy nhất của sổ đỏ có quyền tự quyết định tất cả các giao dịch mà không cần sự đồng thuận của bất kỳ ai khác.

4.2. Khi nào thì đất được cấp sổ đỏ hộ gia đình thay vì sổ đỏ cá nhân?

Đất sẽ được cấp sổ đỏ hộ gia đình khi quyền sử dụng đất thuộc về một hộ gia đình và không có sự phân chia cụ thể giữa các cá nhân trong hộ gia đình. Thường thì trong trường hợp đất được giao cho hộ gia đình hoặc trong các trường hợp cấp đất tái định cư, cấp đất cho hộ nghèo, hộ gia đình sẽ nhận sổ đỏ chung.

4.3. Cách xác định thành viên trong hộ gia đình đứng tên sổ đỏ là gì?

Thành viên trong hộ gia đình đứng tên trên sổ đỏ được xác định dựa vào sổ hộ khẩu tại thời điểm giao đất hoặc dựa vào nội dung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

4.4. Sổ đỏ hộ gia đình có thể tách thành sổ đỏ cá nhân không?

Có, sổ đỏ hộ gia đình có thể được tách thành sổ đỏ cá nhân trong một số trường hợp cụ thể. Việc tách thửa đất từ sổ đỏ hộ gia đình và cấp sổ đỏ cá nhân cần phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong hộ gia đình, đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật về diện tích tối thiểu, quy hoạch sử dụng đất, và các nghĩa vụ tài chính (nếu có). Sau khi tách, mỗi thành viên sẽ có quyền sử dụng một phần đất riêng biệt, và việc này có thể được thực hiện trong trường hợp chuyển nhượng, thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất.

4.5. Có trường hợp nào được chuyển từ sổ đỏ cá nhân sang sổ đỏ hộ gia đình không?

Có, trong một số trường hợp, quyền sử dụng đất có thể chuyển từ sổ đỏ cá nhân sang sổ đỏ hộ gia đình. Điều này thường xảy ra khi quyền sử dụng đất của cá nhân được tặng cho hoặc chuyển nhượng cho hộ gia đình, hoặc khi đất từ tài sản cá nhân trở thành tài sản chung của các thành viên trong gia đình. Quy trình này phải tuân thủ các thủ tục pháp lý về việc thay đổi chủ sở hữu đất, bao gồm việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đăng ký và xác nhận quyền lợi hợp pháp của các thành viên trong hộ gia đình.