Cách chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân mới nhất 2025
Cách chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân mới nhất 2025

1. Cách chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân mới nhất 2025

Để chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân, hộ gia đình có thể tiến hành thủ tục chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất cho cá nhân.

Căn cứ các quy định hiện hành và điều kiện thực tế, thủ tục tặng cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tiến hành như sau:

  • Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024, hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực. Do đó, khi tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì hai bên phải thành lập hợp đồng tặng cho có công chứng chứng thực tại các tổ chức hành nghề công chứng/Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi có đất, nộp phí công chứng theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Công chứng 2014.

  • Bước 2: Đăng ký sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo Khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024, sau khi công chứng/chứng thực hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng đất, các bên bắt buộc phải thực hiện việc đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc (nếu không thực hiện, người sử dụng đất sẽ bị phạt tiền từ 01 - 10 triệu đồng). Thời hạn đăng ký biến động sang tên sẽ kéo dài không quá 10 ngày làm việc. Cơ quan quản lý đất đai sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có).

  • Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính

Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý đất đai sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ sử dụng đất đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

  • Bước 4: Nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cá nhân

Sau khi đã nộp thuế, chủ sử dụng đất nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý đất đai để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cách chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân mới nhất 2025
Cách chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân mới nhất 2025

2. Thủ tục chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân thực hiện ở đâu?

Việc nộp hồ sơ được thực hiện ở Bộ phận Một cửa của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thông qua các hình thức nộp trực tiếp, nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tuyến.

Cụ thể, theo Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 21. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất

1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả:

a) Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;

b) Văn phòng đăng ký đất đai;

c) Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

2. Hình thức nộp hồ sơ:

Người yêu cầu đăng ký được lựa chọn nộp hồ sơ theo các hình thức sau đây:

a) Nộp trực tiếp tại các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Nộp thông qua dịch vụ bưu chính;

c) Nộp tại địa điểm theo thỏa thuận giữa người yêu cầu đăng ký và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai;

d) Nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.

3. Thời hạn làm thủ tục chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân là bao lâu?

Khi tặng cho nhà đất phải làm thủ tục trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng cho cá nhân có hiệu lực.

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai năm 2024, đối với thửa đất đã có Giấy chứng nhận mà tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký biến động (đăng ký sang tên). Theo Khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai năm 2024, thời gian đăng ký biến động quy định như sau:

“3. Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều này thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền; trường hợp thi hành án thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày bàn giao tài sản thi hành án, tài sản bán đấu giá; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

Do đó, khi tặng cho nhà đất phải đăng ký sang tên trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Thời hạn làm thủ tục chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân là bao lâu?
Thời hạn làm thủ tục chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân là bao lâu?

4. Các câu hỏi thường gặp

4.1. Đất được giao cho hộ gia đình sử dụng có được thế chấp không?

Đất được giao cho hộ gia đình sử dụng có thể được dùng làm tài sản thế chấp để vay vốn tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, khi thế chấp, hộ gia đình phải có sự đồng thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên có quyền lợi liên quan trong quyền sử dụng đất. Ngoài ra, thửa đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không thuộc diện bị cấm giao dịch hoặc kê biên.

4.2. Khi xảy ra tranh chấp đất đai trong hộ gia đình thì xử lý như thế nào?

Khi xảy ra tranh chấp đất đai trong hộ gia đình, các bên có thể tiến hành hòa giải tại cơ sở (thường là xã, phường, thị trấn nơi có đất). Nếu không đạt được thỏa thuận, có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tòa án giải quyết. Trong quá trình giải quyết, quyền sử dụng đất sẽ được xác định dựa trên các tài liệu, chứng cứ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu và các văn bản thỏa thuận giữa các thành viên.

4.3. Thành viên trong hộ gia đình có quyền yêu cầu chia đất không?

Có, thành viên trong hộ gia đình có thể yêu cầu chia quyền sử dụng đất nếu chứng minh được quyền lợi hợp pháp của mình. Việc chia đất có thể diễn ra khi các thành viên đồng ý thỏa thuận hoặc thông qua quyết định của tòa án. Các yếu tố như thời gian tham gia sử dụng đất, đóng góp tài chính và nghĩa vụ thực hiện với thửa đất sẽ được xem xét để đảm bảo phân chia công bằng.

4.4. Hộ gia đình có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất không?

Hộ gia đình có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh hoặc thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc góp vốn cần sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ có quyền lợi liên quan và phải thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quyền sử dụng đất chỉ được góp vốn khi đất không có tranh chấp, còn thời hạn sử dụng, và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

4.5. Quyền sử dụng đất của hộ gia đình có được thừa kế không?

Quyền sử dụng đất của hộ gia đình có thể được thừa kế, nhưng chỉ phần quyền lợi thuộc về từng thành viên trong hộ mới được chia theo di chúc hoặc pháp luật. Phần đất thuộc quyền sử dụng chung của các thành viên sẽ không thể tự ý thừa kế hoặc phân chia nếu không có sự đồng thuận của tất cả. Việc chia thừa kế phải tuân thủ quy định pháp luật và thực hiện theo thủ tục cụ thể tại cơ quan có thẩm quyền.