Theo quy định pháp luật về Đấu thầu thì “Chào hàng cạnh tranh” là một hình thức, phương thức để nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu tham gia vào dự án của mình. Vậy chào hàng cạnh tranh là gì và được quy định như thế nào trong Luật Đấu thầu, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

Hình thức chào hàng cạnh tranh theo Luật Đấu thầu 2023

1. Chào hành cạnh tranh là gì?

Theo quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu 2023 thì Chào hàng cạnh tranh là một trong các hình thức đấu thầu để nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu, để tham gia thực hiện dự án của chủ đầu tư thông qua hình thức ký kết hợp đồng thầu.

Theo đó, có các hình thức đấu thầu bao gồm:

- Đấu thầu rộng rãi;

- Đấu thầu hạn chế;

- Chỉ định thầu;

- Chào hàng cạnh tranh;

- Mua sắm trực tiếp;

- Tự thực hiện;

- Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

2. Điều kiện được chào hàng cạnh tranh

Theo quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu 2023 thì chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;

- Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;

- Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt;

- Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp, trong đó nội dung xây lắp đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 24 luật đấu thầu.

Có thể thấy, hình thức chào hàng cạnh tranh chỉ được áp dụng đối với gói thầu có giá trị không quá 05 tỷ đồng thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

Như vậy, đối với những gói thầu có giá trị lớn hơn 5 tỷ đồng, cho dù có thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì cũng không áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh mà phải áp dụng các hình thức khác theo quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu.

Hình thức chào hàng cạnh tranh theo Luật Đấu thầu 2023

3. Quy trình chào hàng cạnh tranh

Theo quy định tại Điều 79 Nghị định 24/2024/NĐ-CP thì quy trình chào hàng cạnh tranh được thực hiện thông qua các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu:

- Hồ sơ mời thầu được lập căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.

Nội dung hồ sơ mời thầu bao gồm: thông tin tóm tắt về dự án, dự toán mua sắm, gói thầu; chỉ dẫn nhà thầu; bảng dữ liệu đấu thầu; tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và đánh giá về kỹ thuật sử dụng tiêu chí đạt, không đạt; tiêu chuẩn đánh giá về tài chính theo phương pháp giá thấp nhất hoặc phương pháp giá đánh giá.

Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu, hồ sơ mời thầu có thể bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm hoặc không bao gồm tiêu chuẩn này nhưng nhà thầu tham dự thầu phải cam kết có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu. Đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hồ sơ mời thầu không yêu cầu tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.

Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, nhà thầu là cá nhân, nhóm cá nhân chào thầu sản phẩm đổi mới sáng tạo của mình đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 24/2024/NĐ-CP không phải đáp ứng một số tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.

Trường hợp nhà thầu là hộ kinh doanh, nhà thầu không phải nộp báo cáo tài chính, không phải đáp ứng yêu cầu về giá trị tài sản ròng;

- Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu:

Hồ sơ mời thầu được thẩm định theo quy định tại Điều 129 Nghị định 24/2024/NĐ-CP trước khi phê duyệt. Việc phê duyệt hồ sơ mời thầu căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu.

Như vậy, trước khi bắt đầu quy trình lựa chọn nhà thầu, các bên liên quan phải tiến hành chuẩn bị kỹ lưỡng. Điều này bao gồm việc đánh giá nhu cầu, xác định tiêu chí đánh giá và chuẩn bị tài liệu cần thiết cho việc chọn lựa nhà thầu.

Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu:

- Bên mời thầu đăng tải thông báo mời thầu và hồ sơ mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Đấu thầu 2023;

- Việc sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;

- Nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

- Bên mời thầu tiến hành mở thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn 02 giờ kể từ thời điểm đóng thầu.

Biên bản mở thầu bao gồm các nội dung: tên nhà thầu; giá dự thầu; giá trị giảm giá (nếu có); thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu; giá trị, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu; thời gian thực hiện gói thầu. Biên bản mở thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm mở thầu.

Có thể thấy, trong giai đoạn này thì quy trình chính bắt đầu. Các bên tổ chức phiên đấu giá hoặc gửi yêu cầu chào giá đến các nhà thầu đã được lựa chọn trước đó. Các nhà thầu sau đó sẽ trình bày đề xuất của họ cho dự án.

Bước 3: Đánh giá hồ sơ dự thầu:

- Nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;

- Việc làm rõ hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;

- Việc sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;

- Việc đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;

- Việc xếp hạng nhà thầu thực hiện theo quy định trong hồ sơ mời thầu. Nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có), trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất đối với phương pháp giá thấp nhất hoặc có giá đánh giá thấp nhất đối với phương pháp giá đánh giá được xếp hạng thứ nhất.

Như vậy, tất cả các hồ sơ đề xuất từ các nhà thầu đều được đánh giá kỹ lưỡng. Đánh giá này không chỉ dừng lại ở giá cả, mà còn bao gồm các yếu tố khác như chất lượng, kinh nghiệm và khả năng thực hiện dự án.

Bước 4: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu:

Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.

Bước 5: Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng:

Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu và các tài liệu liên quan khác. Việc hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 32 và Điều 33 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.