Đơn xin xác nhận tạm trú là gì? Hướng dẫn chi tiết cách điền đơn xin xác nhận tạm trú 2025 (ảnh 1)
Đơn xin xác nhận tạm trú là gì? Hướng dẫn chi tiết cách điền đơn xin xác nhận tạm trú

1. Đơn xin xác nhận tạm trú là gì? Hướng dẫn chi tiết cách điền đơn xin xác nhận tạm trú 2025

1.1. Đơn xin xác nhận tạm trú là gì?

Đơn xin xác nhận tạm trú là giấy tờ dùng để xác minh nơi đăng ký tạm trú của công dân mỗi khi có yêu cầu xác nhận nơi tạm trú.

Căn cứ theo Điều 27 Luật cư trú 2020:

Điều 27. Điều kiện đăng ký tạm trú

“1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.”

Như vậy, việc đăng ký tạm trú là bắt buộc đối với mỗi công dân khi xảy ra các trường hợp phải đăng ký tạm trú theo quy định tại Điều 27 Luật cư trú 2020. Đơn xin xác nhận tạm trú là văn bản gửi đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xin xác nhận tạm trú của mỗi công dân, được dùng khi làm thủ tục mua nhà; đăng ký sở hữu xe máy, ô tô; đăng ký kinh doanh; cho con đi học, vay vốn ngân hàng… nếu đăng ký tạm trú.

1.2. Hướng dẫn chi tiết cách điền đơn xin xác nhận tạm trú 2025

Công dân cần điền tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo Mẫu CT01 được ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA. Sau đó nộp trực tiếp tờ khai tại Công an cấp xã và nhận Phiếu tiếp nhận hồ sơ cùng lịch hẹn trả kết quả.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày….tháng…..năm……

ĐƠN XIN XÁC NHẬN TẠM TRÚ

Kính gửi: Công an xã/ phường/ thị trấn.................................................................

Tôi tên là: ………………………………….

Ngày sinh: ………………………………..

Số CMND:.................................. Cấp tại:............................. Ngày:.....................................

Địa chỉ thường trú: ..........................................................................................

Nay tôi làm đơn này kính xin Công an xã/ phường/ thị trấn .................................. xác nhận cho tôi đã tạm trú tại địa chỉ …………..………………………………. từ ngày.......... tháng....... năm.......... đến ngày...... tháng....... năm.........

Lý do:.................................. .............................................. ..................................

Trong thời gian tạm trú tại tôi xin hứa thực hiện tốt các nội quy, quy định về an ninh trật tự của địa phương. Nếu tôi vi phạm tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Xác nhận của Công an xã/phường/thị trấn

Người làm đơn

Tại mẫu tờ khai, lưu ý các thông tin sau:

  • Kính gửi: Công an xã/ phường/ thị trấn nơi mà người làm đơn muốn xin đăng kí tạm trú ở địa phương đó
  • Tôi tên là: Họ tên đầy đủ của người làm đơn
  • Ngày sinh: Ghi rõ ngày tháng năm sinh của người làm đơn
  • Số CMND/Căn cước công dân……. Cấp tại:…………. Ngày:…….: Ghi rõ ràng, cụ thể theo đúng CMND/CCCD
  • Địa chỉ thường trú: Nơi có hộ khẩu thường trú (ghi trên sổ hộ khẩu hoặc thông tin trên Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia)
  • Nay tôi làm đơn này kính mong Ban Công an xã/ phường/ thị trấn xác nhận cho tôi đã tạm trú tại ……………từ ngày…..tháng …. năm ….đến ngày….tháng ….năm……: Ghi nơi mà người làm đơn xin đăng kí tạm trú và ghi rõ tạm trú tại địa phương đó từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào.
  • Lý do: ghi rõ ràng, cụ thể lý do xin xác nhận tạm trú (Ví dụ: Học tập, sinh sống, làm việc… ghi rõ địa chỉ hoặc tên công ty)
  • Người làm đơn: Kí và ghi rõ họ tên của người làm đơn.

2. Đăng ký tạm trú gồm những giấy tờ gì mới nhất năm 2025?

Đơn xin xác nhận tạm trú là gì? Hướng dẫn chi tiết cách điền đơn xin xác nhận tạm trú 2025 (ảnh 1)

Đăng ký tạm trú gồm những giấy tờ gì mới nhất năm 2025

2.1. Thế nào là tạm trú?

Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Cư trú 2020 quy định về giải thích từ ngữ như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

"Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

9. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.”

Theo đó, có thể hiểu tạm trú là việc công dân sinh sống ở một nơi trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

2.2. Đăng ký tạm trú gồm những giấy tờ gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Cư trú 2020 được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định về những giấy tờ cần chuẩn bị khi làm tạm trú bao gồm:

  • Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản
  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp:
    • Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);
    • Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
    • Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
    • Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
    • Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
    • Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
    • Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
    • Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
    • Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;
    • Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
    • Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

Khi đăng ký tạm trú trực tiếp tại cơ quan Công an hoặc đăng ký trực tuyến trên cổng dịch vụ công, người dân sẽ được cung cấp mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

3. Xin giấy xác nhận tạm trú ở đâu mới nhất năm 2025?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật cư trú 2020:

Điều 27 Luật Cư trú 2020

“……………..

2. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

………………”

Như vậy, có thể xin tiến hành xin Giấy xác nhận tạm trú qua 02 cách:

  • Trực tiếp đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã;
  • Gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

4. Điều kiện để được cấp giấy xác nhận tạm trú là gì?

Đơn xin xác nhận tạm trú là gì? Hướng dẫn chi tiết cách điền đơn xin xác nhận tạm trú 2024 (ảnh 1)
Điều kiện để được cấp giấy xác nhận tạm trú là gì?

Mọi công dân đều có quyền được xin cấp giấy xác nhận tạm trú. Để được cấp giấy xác nhận tạm trú, công dân cần đảm bảo đã thực hiện đăng ký tạm trú. Nếu chưa đăng ký, người dân phải tiến hành đăng ký và đáp ứng các điều kiện tạm trú sau đây:

4.1 Quy định về thời gian tối đa phải đăng ký tạm trú

Theo Quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật cư trú 2020:

Điều 27. Điều kiện đăng ký tạm trú

“1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

………………”

Như vậy, công dân sinh sống tại địa chỉ hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú, với mục đích lao động, học tập hoặc lý do khác trong thời gian từ 30 ngày trở lên, phải đăng ký tạm trú.

4.2 Điều kiện về địa điểm đăng ký tạm trú

Đơn xin xác nhận tạm trú là gì? Hướng dẫn chi tiết cách điền đơn xin xác nhận tạm trú 2024 (ảnh 1)
Điều kiện về địa điểm đăng ký tạm trú

Công dân có quyền được đăng ký tạm trú tại các địa điểm trên lãnh thổ nước Việt Nam, trừ các địa điểm sau, được quy định tại Điều 23 Luật cư trú 2020:

  • Khu vực cấm hoặc nơi lấn chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, các công trình kỹ thuật, di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống, hoặc các khu vực bảo vệ công trình khác theo pháp luật.
  • Nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép hoặc xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
  • Địa chỉ đã có quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cơ quan có thẩm quyền; nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng mà chưa được giải quyết.
  • Nhà ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; phương tiện dùng làm nơi ở đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
  • Nhà ở đã có quyết định phá dỡ từ cơ quan có thẩm quyền.

5. Xin Giấy tạm trú mất bao lâu mới nhất năm 2025?

Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật Cư trú 2020 quy định như sau:

Điều 28. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú

"1. Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

2. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.

Hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời hạn tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do."

Theo đó, thời hạn thực hiện thủ tục kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ là 3 ngày làm việc. Nếu vượt quá mà không giải quyết thì anh có quyền khiếu nại đơn vị giải quyết.

6. Một số câu hỏi thường gặp

6.1 Phân biệt “nơi thường trú” và “nơi tạm trú”

Nơi thường trú

Nơi tạm trú

Khái niệm

Là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú

Là nơi công dân sinh sống từ 30 ngày trở lên ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú

Thời hạn cư trú

Không có thời hạn

Có thời hạn

Nơi đăng ký thời hạn cư trú

- Công an xã, phường, thị trấn;

- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã

- Công an xã, phường, thị trấn;

- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã

Điều kiện đăng ký

Thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có nhà riêng của mình

- Nhập hộ khẩu về nhà người thân: chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý

- Đăng ký thường trú tại nhà thuê, mượn, ở nhờ

- Đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở:

- Đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội: được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.

- Đăng ký thường trú tại phương tiện lưu động

- Sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú

- Sinh sống từ 30 ngày trở lên

Kết quả đăng ký

Được cập nhật thông tin về nơi thường trú mới vào Cơ sở dữ liệu về cư trú

Được cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú

6.2 Điều kiện xin thẻ tạm trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam

Để được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam, người nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Hộ chiếu phải còn thời hạn tối thiểu 13 tháng. Nếu hộ chiếu còn đúng 13 tháng, Cơ quan xuất nhập cảnh sẽ cấp thẻ tạm trú với thời hạn tối đa 12 tháng.
  • Người nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú tại công an xã, phường theo đúng quy định.

6.3 Không đăng ký tạm trú bị phạt bao nhiêu tiền mới nhất năm 2025?

Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:

Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;

c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, trong trường hợp sinh sống tại chỗ ở hợp pháp từ 30 ngày trở lên mà không đăng ký tạm trú thì sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền quy định như trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

6.4 Thủ tục thông báo lưu trú

Theo khoản 6 Điều 2 Luật cư trú 2020, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.

Việc thông báo lưu trú được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư 55/2021/TT-BCA, theo đó:

  • Hình thức thông báo lưu trú:
    • Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú quy định;
    • Thông qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
    • Thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
    • Thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.
  • Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo hoặc niêm yết công khai địa điểm, số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử, địa chỉ trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, tên ứng dụng trên thiết bị điện tử tiếp nhận thông báo lưu trú.
  • Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ pháp lý thể hiện thông tin về số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật và thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú theo các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này.
  • Thời gian lưu trú tuỳ thuộc nhu cầu của công dân nhưng không quá 30 ngày. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải cập nhật nội dung thông báo về lưu trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

6.5. Được gia hạn tạm trú tối đa bao nhiêu lần?

Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:

Điều kiện đăng ký tạm trú

1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì không quy định cụ thể về số lần gia hạn tạm trú tối đa. Luật chỉ quy định thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.