Thời gian lưu trú được bao nhiêu ngày mới nhất 2025?
Thời gian lưu trú được bao nhiêu ngày mới nhất 2025?

1. Thời gian lưu trú được bao nhiêu ngày mới nhất 2025?

Căn cứ vào khoản 4 Điều 15 Thông tư 55/2021/TT-BCA, thời gian lưu trú tuỳ thuộc nhu cầu của công dân nhưng không quá 30 ngày. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải cập nhật nội dung thông báo về lưu trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

2. Ai phải thông báo lưu trú?

  • Căn cứ vào khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú 2020, lưu trú được quy định là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.
  • Và tại khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú 2020 cũng quy định khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
  • Trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
  • Căn cứ các quy định nêu trên, khi công dân đến cư trú tại một địa điểm khác nơi thường trú hoặc tạm trú của mình như đến ở chơi nhà người thân, bạn bè… trong thời gian dưới 30 ngày thì phải thực hiện thông báo lưu trú theo quy định.

3. Hướng dẫn thông báo lưu trú trên ứng dụng VneID mới nhất 2025

Hiện nay, ứng dụng VNeID đã có tình năng thông báo lưu trú đến cơ quan công an, nên nếu người dân đã có tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 thì có thể sử dụng ứng dụng VNeID để thực hiện.

  • Bước 1: Chọn tính năng thông báo lưu trú
    • Tài khoản định danh mức 1, mức 2, tại màn hình trang chủ, chọn chức năng “Thủ tục hành chính”=> Chọn “Thông báo lưu trú”.

  • Bước 2: Tạo yêu cầu
    • Trên màn hình hiện hiển thị những thông báo lưu trú gần nhất, chọn “Tạo mới yêu cầu” => Hiển thị những cơ sở lưu trú mà chúng ta đã khai báo lưu trú gần đây.

  • Bước 3: Chọn bản ghi cơ sở lưu trú để tiếp tục khai báo
    • Chọn “Thông báo lưu trú tới nơi cơ sở lưu trú khác”
  • Bước 4: Chọn cơ quan thông báo
    • Chọn địa chỉ cơ quan công an quản lý địa bàn cơ sở lưu trú mà chúng ta khai báo lưu trú.

  • Bước 5: Chọn loại hình cơ sở lưu trú
    • Sau khi nhập đầy đủ thông tin ứng dụng sẽ hiển thị tên danh sách các cơ sở lưu trú mà chúng ta sẽ chọn cơ sở lưu trú mà chúng ta muốn thông báo => Chọn “Tiếp tục” => “Xác nhận”

  • Bước 6: Nhập thông tin người lưu trú để thông báo
    • Chọn “người thông báo là người lưu trú” thì hệ thống sẽ tự động điền các thông tin, tài khoản vào các nhóm thông tin của người lưu trú thay vì nhập tay thông tin người lưu trú hoặc có thể chọn tính năng quét thẻ mã QR (góc phải trên cùng) để quét CCCD gắn chip thì thông tin sẽ được tự đồng điền trên phần mềm.

  • Bước 7: Nhập lý do và thời gian lưu trú
    • Nhập lý do và thời gian lưu trú đúng với thực tế => Chọn “Lưu”.
    • Ngoài ra, chúng ta có thể thêm được nhiều người lưu trú trong cùng một thông báo lưu trú bằng cách chọn “Thêm người lưu trú”.
    • Sau đó, các thao tác tương tự. Khi hoàn thành thông tin thì chọn “Tiếp tục”.
  • Bước 8: Hoàn tất
    • Màn hình sẽ hiển thị để xác nhận lại thông tin của người lưu trú để chúng ta rà soát lại các thông tin, sau khi hoàn tất thì chọn “Gửi yêu cầu”.

4. Trách nhiệm thông báo lưu trú

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú 2020, khoản 3 Điều 15 Thông tư 55/2021/TT-BCA được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 66/2023/TT-BCA thì trách nhiệm thông báo cư trú được quy định như sau:

  • Nếu đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình thì cá nhân, hộ gia đình đó có trách nhiệm thông báo lưu trú. Trường hợp cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
  • Nếu đến lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú thì người đại diện của cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú đó có trách nhiệm thông báo lưu trú.
  • Nếu đến lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh thì người đại diện cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm thông báo lưu trú.

5. Thời gian thông báo lưu trú

Căn cứ vào Khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú 2020 thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

6. Không thông báo lưu trú đúng quy định bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ vào điểm b, khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú thì cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

7. Các câu hỏi thường gặp

7.1. Kiểm tra lưu trú từ mấy giờ?

Công an phường hoàn toàn có quyền kiểm tra tạm trú tại nhà trọ, kể cả sau 22 giờ. Theo quy định pháp luật Việt Nam, việc kiểm tra cư trú là một hoạt động thường xuyên của lực lượng công an nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và quản lý cư trú.

7.2. Giấy xác nhận tạm trú tạm vắng là gì?

Giấy xác nhận tạm trú là một loại giấy tờ được sử dụng để chứng minh nơi tạm trú của công dân khi họ sinh sống tại một nơi khác ngoài nơi đăng ký thường trú của họ.

7.3. Khi nào công an được kiểm tra nhà dân?

Theo quy định trên, công an xã, công an nhân dân được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra cư trú bất cứ lúc nào, kể cả ban đêm (trong địa bàn quản lý). Lực lượng này có thể tự kiểm tra hoặc huy động lực lượng quần chúng cùng tham gia (nhưng không bắt buộc).

7.4. KT3 là gì?

KT3 là viết tắt của ký hiệu sổ tạm trú dài hạn. Loại sổ này được cấp cho công dân có nhu cầu sinh sống hoặc làm việc tại một địa phương khác với nơi đăng ký KT1 trong thời gian dài trở lên.

7.5. Cư trú bất hợp pháp phạt báo nhiêu?

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP tại Điểm b khoản 1 Điều 9 quy định công dân không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.