- Hành chính
- Thuế - Phí - Lệ Phí
- Thương mại - Đầu tư
- Bất động sản
- Bảo hiểm
- Cán bộ - công chức - viên chức
- Lao động - Tiền lương
- Dân sự
- Hình sự
- Giao thông - Vận tải
- Lĩnh vực khác
- Biểu mẫu
-
Án lệ
-
Chủ đề nổi bật
- Cư trú (234)
- Biển số xe (225)
- Bảo hiểm xã hội (217)
- Tiền lương (199)
- Căn cước công dân (155)
- Mã số thuế (146)
- Hộ chiếu (133)
- Thuế thu nhập cá nhân (115)
- Mức lương theo nghề nghiệp (115)
- Nghĩa vụ quân sự (104)
- Doanh nghiệp (98)
- Thai sản (97)
- Quyền sử dụng đất (95)
- Khai sinh (91)
- Hưu trí (88)
- Kết hôn (87)
- Ly hôn (83)
- Tạm trú (79)
- Hợp đồng (76)
- Định danh (75)
- Phương tiện giao thông (69)
- Lương hưu (60)
- Bảo hiểm thất nghiệp (59)
- Đăng kiểm (56)
- Biển báo giao thông (55)
- Đường bộ (51)
- Thừa kế (46)
- Lao động (45)
- Thuế (45)
- Thuế giá trị gia tăng (44)
- Lỗi vi phạm giao thông (44)
- Sổ đỏ (43)
- Mẫu đơn (43)
- Độ tuổi lái xe (43)
- Đất đai (41)
- Hình sự (41)
- Thuế đất (40)
- Chung cư (40)
- Thuế môn bài (39)
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (38)
- Bằng lái xe (38)
- Thi bằng lái xe (38)
- Tra cứu mã số thuế (37)
- Nghĩa vụ công an (37)
- Chuyển đổi sử dụng đất (36)
- Mức đóng BHXH (36)
- Đăng ký mã số thuế (35)
- Quan hệ giữa cha mẹ và con cái (33)
- Xử phạt hành chính (33)
- Di chúc (32)
- Pháp luật (32)
- Hành chính (31)
- Bộ máy nhà nước (30)
- Bảo hiểm y tế (30)
- Nhà ở (30)
- Nghỉ hưu (29)
- Giáo dục (29)
- VNeID (29)
- Lương cơ bản (27)
- Tài sản vợ chồng (27)
Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới. Để quản lý theo duy định thì cần có nội quy, quy dịnh, gọi chung là Điều lệ. Vậy Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm những nội dung gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn nhé.
1. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan gì?
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập và hoạt động trên Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và quy định của pháp luật.
2. Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM BAN CHẤP HÀNH KHÓA XII |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2022
ĐIỀU LỆ HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
(Thông qua tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII)
PHẦN MỞ ĐẦU
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.
Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn phụ nữ Dân chủ quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.
Từ những tổ chức tiền thân cho đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đoàn kết, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chương I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Điều 1. Chức năng
1. Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước.
2. Đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Vận động các tầng lớp phụ nữ chủ động, tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, trình độ, xây dựng gia đình hạnh phúc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ.
3. Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ.
4. Xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh.
5. Đoàn kết, hợp tác với phụ nữ các nước, các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới vì bình đẳng, phát triển và hòa bình.
Chương II
HỘI VIÊN VÀ TỔ CHỨC THÀNH VIÊN
Điều 3. Điều kiện trở thành hội viên
1. Hội viên chính thức: Phụ nữ là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nghề nghiệp, thành phần xã hội, nơi làm việc, nơi cư trú; tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia tổ chức Hội thì được công nhận là hội viên.
2. Hội viên danh dự: Là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có uy tín, tầm ảnh hưởng, có đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, được cấp có thẩm quyền công nhận là hội viên danh dự.
Điều 4. Hội viên là nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và nữ thanh niên
1. Hội viên là nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động đang sinh hoạt trong tổ chức Công đoàn là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; việc thực hiện Nghị quyết và Điều lệ Hội đối với hội viên là đoàn viên Công đoàn do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định.
2. Hội viên là nữ thanh niên là lực lượng xung kích trong phong trào phụ nữ. Việc thực hiện Nghị quyết và Điều lệ Hội đối với hội viên là nữ thanh niên do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định.
Điều 5. Hội viên trong lực lượng vũ trang
1. Phụ nữ trong các lực lượng vũ trang là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
2. Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức phụ nữ trong Công an nhân dân Việt Nam do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an quy định.
3. Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức phụ nữ trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam quy định.
Điều 6. Quyền của hội viên
1. Hội viên chính thức:
a. Được dân chủ thảo luận và biểu quyết chủ trương, nhiệm vụ công tác Hội; góp ý, đề đạt nguyện vọng với tổ chức Hội; tham gia hoạt động, sinh hoạt Hội;
b. Được Hội hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng;
c. Được ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Hội theo quy định.
2. Hội viên danh dự được thực hiện đầy đủ các quyền như hội viên chính thức trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của tổ chức Hội.
Điều 7. Nhiệm vụ của hội viên
1. Hội viên chính thức:
a. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân;
b. Chấp hành Điều lệ Hội, tích cực tham gia sinh hoạt và các hoạt động Hội, đóng hội phí theo quy định của Điều lệ;
c. Học tập nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, giữ gìn uy tín và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh;
d. Đoàn kết, giúp nhau trong công tác, học tập, lao động, đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu thực hiện vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.
2. Hội viên danh dự: căn cứ điều kiện, khả năng thực tế để tham gia các hoạt động của Hội; giữ uy tín và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Điều 8. Tổ chức thành viên
1. Các tổ chức phụ nữ Việt Nam hợp pháp ở trong nước tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện gia nhập Hội thì được công nhận là tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét quyết định việc công nhận và thôi công nhận tổ chức thành viên cùng cấp.
2. Hội viên của các tổ chức thành viên là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
3. Quyền của tổ chức thành viên:
a. Được giới thiệu đại diện tham gia ứng cử vào cơ quan lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
b. Được Hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng;
c. Được tham gia các hoạt động, đóng góp ý kiến đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và được Hội phản ánh nguyện vọng hợp pháp, chính đáng đến Đảng, Nhà nước.
4. Nhiệm vụ của tổ chức thành viên:
a. Thực hiện Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nghị quyết của Đại hội, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp;
b. Có trách nhiệm xây dựng tổ chức Hội, đóng hội phí theo quy định;
c. Tham gia các hoạt động hỗ trợ hội viên, thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
d. Phối hợp với các tổ chức thành viên khác của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và xây dựng khối đại đoàn kết các tầng lớp phụ nữ;
e. Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác Hội và phong trào phụ nữ cùng cấp.
Chương III
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC, CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CÁC CẤP HỘI
Điều 9. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, liên hiệp, thống nhất hành động.
Cơ quan lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp do bầu cử lập ra, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Điều 10. Hệ thống tổ chức và tư cách pháp nhân của các cấp Hội
1. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm 4 cấp:
a. Cấp Trung ương;
b. Cấp tỉnh (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương);
c. Cấp huyện (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương);
d. Cấp cơ sở (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn và tương đương).
2. Trung ương Hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Điều 11. Cơ quan lãnh đạo và cơ quan chuyên trách các cấp Hội
1. Cơ quan lãnh đạo các cấp Hội:
a. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc;
b. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp Hội là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên của cấp đó;
c. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo mỗi cấp Hội là Ban Chấp hành cùng cấp;
d. Giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cùng cấp.
2. Cơ quan chuyên trách các cấp Hội:
Cơ quan chuyên trách Trung ương Hội; cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương; cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cùng cấp.
Điều 12. Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp
1. Đại hội các cấp được tổ chức năm năm một lần. Trường hợp đặc biệt do Hội cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định theo quy định.
2. Đại hội chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự.
3. Thành phần, số lượng đại biểu đại hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và triệu tập. Thành phần đại biểu chính thức của đại hội mỗi cấp gồm:
a. Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm;
b. Đại biểu do đại hội cấp dưới trực tiếp bầu hoặc từ chi hội (đối với Đại hội cấp cơ sở), từ hội nghị của Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) hoặc Ban Chấp hành (đối với những nơi không có Ban Thường vụ) của tổ chức Công đoàn và hội nghị của Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành (đối với những nơi không có Ban Thường vụ) của tổ chức thành viên cùng cấp bầu lên;
c. Đại biểu chỉ định: số lượng không quá 10% tổng số đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập quyết định.
4. Nhiệm vụ của Đại hội cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh:
a. Đánh giá phong trào phụ nữ; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết đại hội; quyết định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới;
b. Kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành;
c. Thảo luận dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ cấp trên trực tiếp và dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc;
d. Quyết định số lượng, cơ cấu, nhân sự và bầu Ban Chấp hành đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;
e. Bầu đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp.
5. Nhiệm vụ của Đại hội toàn quốc:
a. Đánh giá phong trào phụ nữ; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết đại hội; thảo luận, quyết định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới;
b. Kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành;
c. Quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội;
d. Quyết định số lượng, cơ cấu, nhân sự và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Điều 13. Bầu Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch các cấp Hội
1. Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó bầu ra đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
2. Số lượng, cơ cấu, thành phần Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và bầu trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp. Số lượng ủy viên Đoàn Chủ tịch không quá 1/5, ủy viên Ban Thường vụ không quá 1/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp.
3. Chủ tịch, Phó Chủ tịch được bầu trong số ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ Hội cấp đó.
4. Hội nghị Ban Chấp hành chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự.
Điều 14. Bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc ủy viên Ban Thường vụ và Chủ tịch, Phó Chủ tịch các cấp Hội
1. Ban Chấp hành được quyền bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch để đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu đã được đại hội quyết định.
2. Ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hội các cấp khi có quyết định nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc thay đổi công tác mà không thuộc thành phần cơ cấu thì thôi tham gia Ban Chấp hành.
3. Khi cần thiết, Ban Chấp hành các cấp được quyền bầu bổ sung thêm ủy viên Ban Chấp hành ngoài số lượng đại hội đã quyết định (cấp Trung ương không quá 5%; cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở không quá 10%).
Điều 15. Hình thức bầu cử và điều kiện trúng cử
1. Hình thức bầu cử: biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Chọn hình thức nào do Đại hội hoặc Ban Chấp hành cùng cấp quyết định.
2. Người trúng cử phải được trên 50% số đại biểu được triệu tập bầu, tính theo tỷ lệ phiếu bầu từ cao xuống thấp.
Điều 16. Chỉ định ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch các cấp Hội
1. Khi có thay đổi về địa giới hành chính hoặc khi có sự sắp xếp lại về tổ chức bộ máy, Hội cấp trên trực tiếp được quyền chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hội cấp dưới theo quy định.
2. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch được chỉ định không nhất thiết đủ năm năm.
Điều 17. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội
1. Ban Chấp hành Trung ương Hội có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Ban hành Nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc;
b. Lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết, Điều lệ Hội;
c. Đại diện tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ;
d. Đại diện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong quan hệ với các tổ chức khác trong nước và ngoài nước;
e. Bầu Đoàn Chủ tịch trong số ủy viên Ban Chấp hành, bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong số các ủy viên Đoàn Chủ tịch; bầu Ủy ban Kiểm tra;
f. Chuẩn bị Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ tiếp theo và Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc bất thường nếu có; chỉ đạo thực hiện Điều lệ Hội;
g. Ban Chấp hành họp mỗi năm hai lần, khi cần có thể họp bất thường.
2. Đoàn Chủ tịch có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Hội; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành;
b. Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp, thi hành kỷ luật cán bộ và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội theo quy định;
c. Đoàn Chủ tịch họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
3. Thường trực Đoàn Chủ tịch (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch;
b. Chuẩn bị các nội dung hội nghị Đoàn Chủ tịch;
c. Lãnh đạo, quản lý cơ quan chuyên trách Trung ương Hội và thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật; được sử dụng con dấu của Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động của cơ quan Trung ương Hội.
Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện
1. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ cùng cấp và cấp trên;
b. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ cùng cấp và cấp trên;
c. Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác phụ nữ;
d. Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp; bầu Ủy ban Kiểm tra;
e. Ban Chấp hành họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
2. Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội cấp trên và cùng cấp; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành cùng cấp;
b. Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp, thi hành kỷ luật cán bộ và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội cùng cấp theo quy định;
c. Ban Thường vụ họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
3. Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Thay mặt Ban Thường vụ điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Thường vụ;
b. Chuẩn bị các nội dung họp Ban Thường vụ cùng cấp;
c. Lãnh đạo, quản lý cơ quan chuyên trách Hội cấp mình và thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật; được sử dụng con dấu Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động cơ quan chuyên trách cùng cấp.
Chương IV
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ CẤP CƠ SỞ
Điều 19. Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở
1. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở là nền tảng của tổ chức Hội.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở quyết định thành lập các chi hội; dưới chi hội có thể thành lập tổ phụ nữ. Chi hội, tổ phụ nữ sinh hoạt ít nhất ba tháng một lần.
3. Đối với một số địa phương, đơn vị đặc thù, nơi không có đơn vị hành chính cấp cơ sở và tương đương thì chi hội được coi tương đương Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở.
4. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có thể thành lập các tổ chức Hội cơ sở đặc thù theo ngành nghề, lứa tuổi, sở thích… thuộc sự quản lý, điều hành của Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp.
Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở
1. Ban Chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Nắm tình hình đời sống, tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trên;
b. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội, Nghị quyết đại hội, Nghị quyết Ban Chấp hành Hội cùng cấp và Hội cấp trên;
c. Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia góp ý xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án và giám sát việc thực hiện; phát hiện, có biện pháp giải quyết kịp thời khi quyền
và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ bị
vi phạm;
d. Công nhận hội viên; tuyên truyền, vận động và tổ chức cho hội viên thực hiện đầy đủ các quyền, nhiệm vụ của hội viên theo quy định Điều lệ;
e. Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp; bầu Ủy ban Kiểm tra;
f. Ban Chấp hành họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
2. Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành; triệu tập và chuẩn bị nội dung họp Ban Chấp hành;
b. Quản lý, phát triển hội viên; xây dựng, quản lý quỹ hội; thu, chi, trích nộp hội phí và sử dụng các nguồn thu đảm bảo đúng quy định của pháp luật và quy định của tổ chức Hội; thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật;
c. Ban Thường vụ họp một tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
3. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn là cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Hội, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chương V
CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ ỦY BAN KIỂM TRA CÁC CẤP
Điều 21. Công tác kiểm tra, giám sát
1. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, Nghị quyết, chủ trương của Hội; việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và các quy định của tổ chức Hội các cấp;
2. Đối tượng kiểm tra, giám sát: tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội, hội viên.
Điều 22. Ủy ban Kiểm tra
1. Ủy ban Kiểm tra là cơ quan kiểm tra, giám sát do Ban Chấp hành cùng cấp bầu ra và được cấp có thẩm quyền công nhận. Số lượng ủy viên Ủy ban Kiểm tra do Ban Chấp hành cùng cấp quyết định gồm một số ủy viên trong Ban Chấp hành và một số ủy viên ngoài Ban Chấp hành; số lượng ủy viên Ban Chấp hành tham gia Ủy ban Kiểm tra không vượt quá ½ tổng số ủy viên Ủy ban Kiểm tra.
2. Nguyên tắc, thể lệ và hình thức bầu cử Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra thực hiện như bầu cử Ban Chấp hành. Nhiệm kỳ của Ủy ban Kiểm tra thực hiện theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành.
3. Ủy viên Ủy ban Kiểm tra các cấp khi nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu, thôi việc, chuyển công tác, nghỉ việc vì lý do cá nhân mà không thuộc thành phần cơ cấu thì thôi tham gia ủy viên Ủy ban Kiểm tra.
4. Nguyên tắc làm việc và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra:
a. Ủy ban Kiểm tra các cấp làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Hội cùng cấp;
b. Ủy ban Kiểm tra cấp trên có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra cấp dưới, có quyền yêu cầu tổ chức Hội cấp dưới và cán bộ, hội viên báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát; tham mưu cho Ban Chấp hành cùng cấp thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định kỷ luật của Hội cấp dưới theo quy định.
5. Nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra:
a. Tham mưu cho Ban Chấp hành kiểm tra, giám sát việc thi hành Điều lệ, Nghị quyết, chủ trương của Hội; Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng liên quan đến phụ nữ, trẻ em;
b. Kiểm tra cán bộ, hội viên, tổ chức thành viên và tổ chức Hội cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết của Hội;
c. Kiểm tra, giám sát việc thu, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của cấp Hội cùng cấp và tổ chức Hội cấp dưới theo quy định;
d. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật của tổ chức Hội cấp dưới và giám sát việc thực hiện chủ trương, Nghị quyết, Điều lệ Hội của Ủy viên Ban Chấp hành các cấp;
e. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân; tham mưu cho Ban Chấp hành về việc thi hành kỷ luật Hội;
f. Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức Hội đối với ủy viên Ủy ban Kiểm tra của tổ chức Hội cùng cấp và cấp dưới.
Chương VI
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 23. Khen thưởng
1. Đối tượng khen thưởng: tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và những tập thể, cá nhân khác có thành tích đóng góp cho công tác phụ nữ được Hội xét khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng.
2. Hình thức khen thưởng của Hội gồm: kỷ niệm chương, giải thưởng, bằng khen, giấy khen và các hình thức công nhận khác.
Điều 24. Kỷ luật
1. Tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội, hội viên vi phạm Điều lệ Hội, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật của Hội.
2. Hình thức kỷ luật:
a. Đối với tổ chức Hội: khiển trách, cảnh cáo, giải thể;
b. Đối với tổ chức thành viên: khiển trách, thôi công nhận;
c. Đối với cán bộ Hội: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc thôi đảm nhiệm chức danh (đối với cán bộ Hội không phải là cán bộ, công chức);
d. Đối với hội viên: khiển trách.
Chương VII
TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA HỘI
Điều 25. Tài chính của Hội
1. Tài chính của Hội gồm:
a. Ngân sách Nhà nước cấp;
b. Hội phí: 2.000 đồng/hội viên/tháng;
c. Đóng góp của tổ chức thành viên;
d. Các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Việc quản lý, sử dụng tài chính của Hội phải tuân theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội.
Điều 26. Tài sản của Hội
1. Tài sản của Hội gồm:
a. Tài sản được Nhà nước cấp;
b. Từ nguồn đóng góp của hội viên, thành viên;
c. Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc quản lý, sử dụng tài sản của Hội phải tuân theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội.
Chương VIII
CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI
Điều 27. Chấp hành Điều lệ Hội
1. Cán bộ Hội, hội viên, tổ chức Hội các cấp và các tổ chức thành viên có trách nhiệm chấp hành Điều lệ Hội.
2. Chỉ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội.
3. Ban Chấp hành Trung ương Hội có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội.
4. Điều lệ này áp dụng thống nhất trong hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.