Hợp tác xã là một tổ chức kinh doanh thuộc sở hữu và được điều hành bởi một nhóm các cá nhân vì lợi ích chung của họ. Hợp tác xã còn được xem là một hiệp hội tự trị của những người đoàn kết tự nguyện để đáp ứng nhu cầu chung của kinh tế, xã hội và văn hóa và nguyện vọng thông qua các doanh nghiệp đồng sở hữu và kiểm soát dân chủ. Vậy các khoản nợ phải thu trong hợp tác xã bao gồm những khoản nào? Hợp tác xã phải định kỳ hoặc đột xuất đối chiếu các khoản công nợ phải thu trong trường hợp nào? Bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề trên nhé.

Các khoản nợ phải thu trong hợp tác xã bao gồm những khoản nào? Hợp tác xã phải định kỳ hoặc đột xuất đối chiếu các khoản công nợ phải thu trong trường hợp nào?

1. Hợp tác xã là gì?

Hợp tác xã được xem là sự hợp tác xã hội để mang lại lợi ích cho nhau. Đây là mô hình rất được khuyến khích vì tạo được nhiều việc làm cho người nông dân, góp phần vào việc ổn định xã hội.

Căn cứ vào khoản 7 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023 thì hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.

2. Quyền của thành viên chính thức của hợp tác xã

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 31 Luật Hợp tác xã 2023 thì quyền của thành viên chính thức hợp tác xã bao gồm:

- Được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ, việc làm;

- Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật này và Điều lệ;

- Được hưởng phúc lợi của hợp tác xã;

- Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự Đại hội thành viên;

- Được biểu quyết nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên;

- Ứng cử, đề cử thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu;

- Kiến nghị, yêu cầu Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã;

- Yêu cầu Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập Đại hội thành viên bất thường;

- Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã;

- Ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật này và Điều lệ;

- Được trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ;

- Được nhận phần giá trị tài sản còn lại của hợp tác xã theo quy định của Luật này và Điều lệ;

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;

- Quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

3. Nghĩa vụ của thành viên chính thức hợp tác xã

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 32 Luật Hợp tác xã 2023 thì thành viên chính thức hợp tác xã có nghĩa vụ như sau:

- Góp đủ, đúng thời hạn phần vốn góp đã cam kết theo quy định của Điều lệ;

- Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã đã đăng ký hoặc góp sức lao động theo thỏa thuận với hợp tác xã;

- Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi phần vốn góp vào hợp tác xã;

- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ;

- Tuân thủ tôn chỉ, mục đích, Điều lệ, quy chế của hợp tác xã, nghị quyết Đại hội thành viên và quyết định của Hội đồng quản trị đối với tổ chức quản trị đầy đủ hoặc Giám đốc đối với tổ chức quản trị rút gọn;

- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

Các khoản nợ phải thu trong hợp tác xã bao gồm những khoản nào? Hợp tác xã phải định kỳ hoặc đột xuất đối chiếu các khoản công nợ phải thu trong trường hợp nào?

4. Các khoản nợ phải thu trong hợp tác xã bao gồm những khoản nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 13 Thông tư 83/2015/TT-BTC thì các khoản nợ phải thu trong hợp tác xã bao gồm những khoản sau đây:

- Phải thu của thành viên, hợp tác xã thành viên: Là giá trị những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho thành viên, hợp tác xã thành viên, nhưng chưa được thanh toán.

- Phải thu của khách hàng: Là giá trị những sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bán, cung cấp cho khách hàng, nhưng chưa được thanh toán.

- Phải thu trong hoạt động tín dụng nội bộ: Là khoản cho vay nội bộ trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (cả gốc và lãi).

- Phải thu khác theo quy định của pháp luật.

5. Hợp tác xã phải định kỳ hoặc đột xuất đối chiếu các khoản công nợ phải thu trong trường hợp nào?

Căn cứ khoản 4 Điều 13 Thông tư 83/2015/TT-BTC thì hợp tác xã phải định kỳ hoặc đột xuất đối chiếu các khoản công nợ phải thu trong các trường hợp sau đây:

- Khi khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm;

- Khi thực hiện quyết định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản;

- Theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Hợp tác xã còn phải thống kê nợ không thu hồi được, nợ quá hạn và xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan và xác định mức bồi thường vật chất theo quy định.