Tây Tiến - Tác giả tác phẩm (2022) - Ngữ văn lớp 12

Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Tây Tiến lớp 12 đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 12. Mời các bạn đón xem:

1 1013 lượt xem
Tải về


Tây Tiến - Ngữ văn 12

I. Khái quát chung về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

a. Tiểu sử

- Tên tuổi: Quang Dũng (1921 - 1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm.

- Quê quán: Làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

- Quá trình hoạt động cách mạng:

+ Ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.

+ Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc. Trong thời gian này, ông còn được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào - Việt.

+ Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III.

+ Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn xuất bản và viết kịch, cũng như đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các họa sĩ nổi danh. Ông sáng tác nhạc, bài Ba Vì của ông đã nổi tiếng ở trong khu kháng chiến. Ông làm bài thơ Tây Tiến năm 1948 khi dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Đông).

+ Tháng 8 năm 1951, ông xuất ngũ.

+ Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Văn học.

b. Sự nghiệp văn học

- Tác phẩm chính: Mây đầu ô (thơ, 1986), Thơ văn Quang Dũng (tuyển thơ văn, 1988)...

- Phong cách nghệ thuật: Ông là người tài hoa, vẽ tài, hát giỏi, thơ hay. Bài thơ Tây Tiến của ông mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ:

- Tây Tiến là tên gọi của trung đoàn Tây Tiến, được thành lập năm 1947:

+ Nhiệm vụ: phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền Tây Bắc Bộ của Việt Nam.

+ Địa bàn hoạt động rộng: Hòa Bình, Sơn La, miền Tây Thanh Hóa và Sầm Nứa (Lào).

+ Xuất thân: chủ yếu là người Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên.

- Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển về đơn vị mới, nhớ đơn vị cũ, ông đã sáng tác bài thơ này tại Phù Lưu Chanh (một làng cũ thuộc tỉnh Hà Đông Cũ)

- Bài thơ ban đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến”. Đến năm 1957, in lại bỏ từ “nhớ”, lấy tên là “Tây Tiến” và in trong tập “Mây đầu ô”

b. Thể loại: Thơ 7 chữ

c. Nội dung chính:

Bài thơ đã khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hùng nhưng cũng đầy lãng mạn, hào hoa, cùng với đó là hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ dữ dội và thơ mộng.

d. Bố cục:

- Phần 1. 14 câu đầu: Nỗi nhớ của Quang Dũng về núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và Tây Tiến anh hùng.

- Phần 2. 8 câu tiếp theo: Đêm vui liên hoan văn nghệ và bức tranh sông nước miền Tây Bắc hư ảo.

- Phần 3. 8 câu tiếp theo: Chân dung người lính Tây Tiến hào hùng mà vẫn lãng mạn hào hoa, sự hi sinh mất mát.

- Phần 4. Còn lại: Khái quát lại những ngày Tây Tiến, những kỉ niệm không thể nào phai.

e. Giá trị nội dung và nghệ thuật:

1. Giá trị nội dung

- Cả bài thơ là nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đơn vị Tây Tiến: Nhớ những chặng đường hành quân với bao gian khổ , thiếu thốn, hi sinh mất mát mà vẫn có nhiều kỉ niệm đẹp, thú vị, ấm áp; nhớ những đồng đội Tây Tiến anh hùng…

Qua đó, tác giả đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa và vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên miền Tây tổ quốc

=> Chất lãng mạn bi tráng là vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính cách mạng trong thơ Quang Dũng

2. Giá trị nghệ thuật

– Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn, đậm chất bi tráng

– Nhiều sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu:

+ Hình ảnh thơ sáng tạo mang sắc thái thẩm mĩ phong phú

+ Ngôn ngữ thơ đa sắc thái, phong cách; ( trang trọng, cổ kính; sinh động gợi tả gợi cảm…), có những kết hợp từ độc đáo ( nhớ chơi vơi , Mai Châu mùa em…), tên địa danh vừa cụ thể xác thực vừa gợi cảm giác lạ lẫm..

+ Giọng điệu: Khi tha thiết bồi hồi, khi hồn nhiên vui tươi, khi bâng khuâng man mác, khi trang trọng, khi trầm lắng…

à Được xem là một thi phẩm xuất sắc, gần như đạt đến sự toàn bích về nghệ thuật.

g. Một số nhận định hay về tác phẩm:

1. "Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng… Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn, "Tây Tiến" cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó."

(Nguyễn Đăng Điệp)

2. "Nhà thơ Quang Dũng độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự nhiên như chim trên trời, cá dưới nước mà thành độc đáo. Bài thơ “Tây Tiến” hội tụ được cả cái bi, cái tráng của thời đại. Cái buồn lãng mạn của người tiểu tư sản, tiểu trí thức do biết mình được đón nhận một chân lý lớn nhưng cũng đồng thời đón nhận một gian nan lớn."

(nhà thơ Vân Long)

3. “Câu thơ như một tuyệt bút thiên nhiên về sông Mã. Tôi chưa đọc câu thơ nào viết về sông Mã hay hơn thế. Âm vang của câu thơ là khí tiết của con sông chiến trận, quả cảm và dũng mãnh trong độc khúc binh lửa của mình mà tạo nên chất hiệp sĩ của tứ thơ.“(nhà thơ Phan Quế)

4. "Hay đến nỗi ta không khỏi ngạc nhiên mà nghĩ rằng tại sao trong những ngày đầu non nớt của nền thơ ca kháng chiến và cách mạng mà chúng ta lại có được một tác phẩm thơ tuyệt diệu đến thế, kinh điển đến thế mà cũng hiện đại đến thế" (nhà thơ Anh Ngọc)

5. "Một bài thơ kỳ diệu và có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, một bài thơ được kỷ niệm 60 năm ngày sáng tác (năm 2008), một bài thơ làm sống dậy cả một trung đoàn, khiến địa danh Tây Tiến trường tồn trong lịch sử và ký ức mỗi người. Nó như một viên ngọc sáng trong tâm hồn Việt, tấm lòng Việt và thơ ca Việt”. (nhà phê bình Nguyễn Xuân Nguyên)

6. “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”. (nhà thơ Vũ Quần Phương)

7. "Cảm xúc bao trùm toàn bộ bài thơ là một nỗi nhớ: Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi...Qua nỗi nhớ ấy, hình ảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở và dữ dội hiện lên như một bức tranh hoành tráng. Và trong bài, người viết không che giấu những gian khổ, hy sinh của người lính Tây Tiến. Chỉ có điều, nó được thể hiện bằng một ngòi bút lãng mạn. Qua cái nhìn của nhà thơ, cái bi bỗng trở thành cái hùng" (GS. Nguyễn Đăng Mạnh)

8. "Cũng khơi nguồn cảm hứng từ một thời gian khổ và oanh liệt của lịch sử đất nước nhưng Tây Tiến đã được thể hiện một cách đặc sắc qua ngòi bút Quang Dũng, với một tâm trạng cụ thể- nỗi nhớ đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến. Chính niềm thương nhớ da diết và lòng tự hào chân thành của tác giả về những người đồng đội của mình đã khiến người đọc của nhiều thế hệ rung cảm sâu xa và đó cũng chính là âm hưởng chủ đạo của bài thơ này…”. (Vũ Thu Hương)

9. "Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong nỗi niềm nhớ… Tất cả đều gợi ấn tượng của sự “lạ hóa”, của những vẻ đẹp kì ảo khó gọi tên…” (Đinh Minh Hằng)

10. “Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn nhưng đã được tác giả thổi vào hồn thơ rất trẻ, rất mới, khác hẳn những tiếng thơ bị lụy, não nùng. Cũng khơi nguồn cảm hứng từ một thời gian khổ và oanh liệt của lịch sử đất nước nhưng Tây Tiến đã được thể hiện một cách đặc sắc của Quang Dũng, với một tâm trạng cụ thể - nỗi nhớ đồng đội trong đoàn Tây Tiến. Chính niềm thương nhớ da diết, tự hào chân thành của tác giả về những người đồng đội của mình đã khiến người đọc của nhiều thế hệ rung cảm sâu xa và đó cũng chính là âm hưởng chủ đạo của bài thơ này” (Vũ Thu Hương)

11. “Tây Tiến – tượng đài bất tử về người lính vô danh” (Vũ Thu Hương)

12. “Tây Tiến – sự thăng hoa của một tâm hồn lãng mạn” (Đinh Minh Hằng)

13. “ Tôi làm bài thơ này rất nhanh. Làm xong, đọc trước đại hội được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Hồi đó tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy. Tôi chả chút lí luận gì về thơ cả. (Quang Dũng)

II. Trọng tâm kiến thức

1. Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc

- Giải thích, khái lược về vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội: rộng lớn, gây được ấn tượng mạnh mẽ, và cả đáng sợ; vẻ đẹp nên thơ, mỹ lệ: quyến rũ, huyền ảo.

- Phân tích các căn cứ để làm rõ vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội và lãng mạn, nên thơ của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.

- Vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc chủ yếu được thể hiện trong các câu thơ tả sương núi dày đặc, dối núi hiểm trở và sự hoang sơ, bí hiểm của núi rừng. Cụ thể là:

+ “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi“: Màn sương ở Sài Khao mênh mông, dày đặc có thể che kín cả một đoàn quân, trùm phủ núi rừng.

+ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm – Heo hút cồn mây súng ngửi trời – Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống“: Dốc núi quanh co, trùng điệp như vô tận, một bên vút lên cao ngất trời, một bên vụt đổ xuống vực sâu.

+ “Chiều chiều oai linh thác gầm thét – Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người“: Núi rừng miền Tây hoang sơ, bí hiểm bởi tiếng thác oai linh, tiếng cọp hú gầm. Sức mạnh thiên nhiên khủng khiếp ấy đã ngự trị nơi núi rừng miền Tây từ bao đời.

- Vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ của thiên nhiên núi rừng miền Tây chủ yếu được thể hiện trong các câu thơ miêu tả hoa, mưa rừng, chiều sương,… Cụ thể là:

+ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi“: Hoa rừng tỏa hương, vương vấn trong đêm sương.

+ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi“: Thung lũng mờ mịt, nhạt nhòa trong mưa.

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy – Có thấy hồn lau nẻo bến bờ – … Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa“: Một chiều sương với hoa lau xao xác trắng xóa núi rừng; sắc trắng của hoa lau trong chiều sương nhạt nhòa, mờ ảo, cái phơ phất của ngàn lau trong xào xạc gió núi…đã khiến cho rừng lau như trở nên có linh hồn. Những bông hoa rừng như những cô gái đang soi mình làm duyên trên sông nước chòng chành, sóng sánh.

Nhà thơ đã khắc họa vẻ đẹp vừa hùng vĩ dữ dội vừa lãng mạn, nên thơ của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc bằng bút pháp hiện thực kết hợp bút pháp lãng mạn.

Khắc họa thiên nhiên Tây Bắc, nhà thơ không chỉ vẽ nên trước mắt người đọc một bức tranh về núi rừng vừa hiểm trở, dưa dội vừa lãng mạn, trữ tình đến nên thơ mà còn gián tiếp cho thấy hình tượng người lính Tây Tiến với sức mạnh hào hùng, khí thế oanh liệt và vẻ đẹp hào hoa, kiêu hùng, lãng mạn. Thiên niên chính là cái nền cảnh để nhà thơ làm nổi bật lên hình ảnh của con người.

2. Hình tượng những người lính Tây Tiến

2.1. Khái quát chung

Tây Tiến: là tên một đoàn quân được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ kết hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt – Lào, làm hao mòn lực lực giặc Pháp.

- Xuất thân lính Tây Tiến: phần đông là người Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên.

- Cảm hứng sáng tác: Quang Dũng viết bài thơ để bày tỏ nỗi nhớ với đoàn quân Tây Tiến sau khi chuyển sang công tác ở đơn vị khác.

2.2. Vẻ đẹp của tinh thần nỗ lực, vượt lên những khó khăn gian khổ

- Chặng đường hành quân gian khổ:

+ Địa danh Sài Khao, Mường Lát gợi sự hẻo lánh, xa xôi; các từ láy giàu tính tạo hình: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”, điệp từ “dốc” gợi địa hình hiểm trở, quanh co, gập ghềnh.

+ Nhịp thơ bẻ đôi “Ngàn thước ... xuống” gợi tả sự nguy hiểm tột cùng.

+ Hình ảnh nhân hóa: “cọp trêu người”, “thác gầm thét” gợi sự hoang sơ, man dại; thời gian: “chiều chiều”, “đêm đêm” những người lính phải thường xuyên đối mặt với điều hiểm nguy chốn rừng thiêng nước độc.

+ Sử dụng phần lớn các thanh trắc nhấn mạnh sự trắc trở, gập ghềnh của địa hình.

+ Hình ảnh “súng ngửi trời” thể hiện tầm cao của núi non mà người lính phải vượt qua nhưng cũng có cái hóm hỉnh của người lính trong hoàn cảnh gian khổ.

+ Khung cảnh thiên nhiên cũng có lúc êm dịu, đậm hương vị cuộc sống: “nhà ai Pha Luông ...”, “cơm lên khói”, “Mai Châu mùa em ...”, thanh bằng tạo cảm giác nhẹ nhàng, yên bình. Là tiếng thở phào nhẹ nhõm sau chặng đường dài hành quân.

2.3. Vẻ đẹp ngoại hình: dữ dội, lẫm liệt, oai phong

- “đoàn binh không mọc tóc”: đó là hậu quả của những trận sốt rét rừng khắc nghiệt. Phần nào cho thấy phong thái ngang tàng, gan góc, ngạo nghễ của những người lính trẻ.

- “quân xanh màu lá”: là hình ảnh làn da tái xanh như màu lá do bệnh sốt rét rừng (có thể là màu xanh của lá ngụy trang, có thể hiểu là màu xanh áo lính). Đó cũng là những mất mát hi sinh thầm lặng (dần mất sức khỏe, sức trai tráng).

- “mắt trừng”: cái nhìn dữ dội, người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp của những người tráng sĩ xưa, cũng gợi hình ảnh khuôn mặt hốc hác do điều kiện vật chất thiếu thốn.

- “đoàn binh”: gợi hình ảnh một tập thể đông đảo mang những nét chung phổ biến của mọi người lính (đầu không mọc tóc, da xanh, mắt trừng dữ dội)

- Nhận xét: nếu cảm nhận theo cách thông thường họ mang vẻ ngoại hình kì dị, nhưng chỉ bằng ba chữ “dữ oai hùm” tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp dữ dội, lẫm liệt, oai phong của người lính Tây Tiến.

2.4. Vẻ đẹp nội tâm: hào hoa, đa tình, lãng mạn của những người lính trẻ

- “Kìa em xiêm áo ... xây hồn thơ”: cái nhìn đắm say, tình tứ của những người lính Tây Tiến trước vẻ đẹp duyên dáng của con người Tây Bắc. Tâm hồn người lính bay bổng, say mê trong không khí ấm áp tình người.

- “gửi mộng”, “đêm mơ”: lính Tây Tiến là những con người mơ mộng, là những người trai xuất thân từ đất hà thành nên họ mang vào chiến trường cả nét thi vị, lãng mạn trong tâm hồn (so sánh người lính xuất thân từ nông dân trong bài Đồng Chí – Chính Hữu).

- “Hà Nội” là khung trời thương nhớ, là không gian khác hẳn đời sống gian khổ chiến trường, đó là nỗi nhớ quê hương.

- “dáng Kiều thơm” gợi hình ảnh những thiếu nữ Hà Nội yêu kiều, kiêu sa, hình bóng người thương của lính Tây Tiến. Đó là nguồn động lực để họ chiến đấu nơi chiến trường gian khổ.

- Nhận xét: Trong hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt họ vẫn giữ được những nét hào hoa, lãng mạn vốn có của những thanh niên trí thức Hà Nội.

2.5. Vẻ đẹp của lẽ sống: tinh thần hi sinh cao cả

- Hình ảnh bi hùng về người lính Tây Tiến “dãi dầu không bước nữa”, “gục lên súng mũ bỏ quên đời”: đó là sự nghỉ ngơi vĩnh viễn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

- Sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ của mình cho đất nước:“rải rác biên cương mồ viễn xứ”, “chẳng tiếc đời xanh”, “anh về đất”, ra đi thanh thản, nhẹ nhàng.

- Cái chết đã được lí tưởng hóa như hình ảnh những tráng sĩ xưa: “áo bào”, “khúc độc hành”; thiên nhiên cũng đau đớn thay cho nỗi đau họ phải chịu.

- Nhận xét: Những người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp bi tráng, tầm vóc của họ sánh ngang với các tráng sĩ xưa. Với cảm hứng lãng mạn Quang Dũng đã bất tử hóa hình ảnh của họ.

III. Sơ đồ Tây Tiến

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả tác phẩm Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:

Việt Bắc

Đất nước

Sóng

Đàn ghi ta của Lor-ca

Người lái đò sông Đà

1 1013 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: