Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (trang 108) Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 108 Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 8.

1 916 29/08/2023


Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học

* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Văn bản: Phân tích bài thơ Rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu) (Theo Trần Khánh Thành, Giảng văn Văn học Việt Nam Trung học cơ sở, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010)

Câu 1 (trang 108 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)Chỉ ra luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong bài viết và mối quan hệ giữa các yếu tố này.

Trả lời:

- Luận điểm 1: Tác phẩm có vẻ đẹp cổ điển của thơ Đường, thể hiện qua việc sử dụng những chất liệu như vầng trăng, làn nước, bầu trời trong mối quan hệ thống nhất hài hòa.

+ Câu thơ đầu tiên ghi nhận về thời gian mà mở ra cả không gian bát ngát của bầu trời với vầng trăng rằm tròn đầy, viên mãn.

+ Câu thơ thứ hai tiếp nối câu thơ thứ nhất mở rộng không gian theo chiều dài, chiều rộng, từ mặt nước đến bầu trời: xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên.

+ …

- Luận điểm 2: Sức hấp dẫn của bài thơ đến từ các chủ đề.

+ Hai câu chuyển, hợp tạp được không khí hiện đại, thời kì kháng chiến chống Pháp nơi chiến khu Việt Bắc.

+ Nỗi cô đơn và nỗi buồn man mác thường thấy trong thơ Đường đã nhường chỗ cho tư thế ung dung, đĩnh đạc của người chiến sĩ…

+ Tình cảm của tác giả trong bài thơ có sức lan tỏa, giúp cho người đọc cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của thiên nhiên…

Câu 2 (trang 109 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Để làm nổi bật các luận điểm, tác giả bài viết đã sử dụng những từ ngữ nào?

Trả lời:

Để làm nổi bật các luận điểm, tác giả bài viết đã sử dụng những từ ngữ sau: trước hết, mặt khác…

Câu 3 (trang 109 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)Từ bài văn trên, hãy ghi lại một số lưu ý khi viết bài nghị luận phân tích một tác phẩm văn học.

Trả lời:

- Một số lưu ý khi viết bài nghị luận phân tích một tác phẩm văn học là:

+ Chỉ ra các luận điểm để làm sáng tỏ bài viết.

+ Trình bày lí lẽ, dẫn chứng mạch lạc và thuyết phục.

+ …

* Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 109 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)Câu lạc bộ Văn học trường em tổ chức cuộc thi viết với chủ đề “Tác phẩm tôi yêu”. Em hãy viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi này.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

• Nhiệm vụ đặt ra là viết bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích. Em có thể chọn bài thơ đã học trong sách giáo khoa hoặc bài thơ mà em tự tìm đọc. • Mục đích viết bài này là gì? Người đọc bài này có thể là những ai?

• Với mục đích và người đọc đó, em sẽ lựa chọn nội dung và cách viết như thế nào?

• Sau khi xác định đề tài, em có thể tìm các nguồn tư liệu liên quan như bài báo, bài nghiên cứu, sách tham khảo trên thư viện hoặc trên các trang web có uy tín và lập danh mục tư liệu tham khảo.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

• Đọc bài thơ nhiều lần để xác định chủ đề, một số biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của chúng (tham khảo phiếu tìm ý sau):

Phiếu tìm ý

Phân tích bài thơ: chủ đề và nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật

1. Tên bài thơ: …………………

2. Tên tác giả: …………………

3. Chủ đề của bài thơ: …………

4. Một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật:

Hình thức nghệ thuật

Tác dụng

• Sắp xếp các ý tìm được theo một trình tự hợp lí, đảm bảo bố cục của bài phân tích một tác phẩm văn học.

Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm văn học (tên tác phẩm, tác giả,..).

- Nêu khái quát về chủ đề và một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Thân bài

– Nếu chủ đề của tác phẩm.

- Chi ra và phân tích tác dụng một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Kết bài

- Khẳng định lại chủ đề và giá trị của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm.

– Nêu suy nghĩ cảm xúc về tác phẩm, chia sẻ bài học rút ra cho bản

Bước 3: Viết bài

Dựa vào dàn ý đã lập, em hãy triển khai bài viết. Khi viết, cần chú ý: • Nêu rõ từng luận điểm.

• Lần lượt làm rõ từng luận điểm bằng các lí lẽ, bằng chứng trích từ bài thơ.

Bài nói tham khảo:

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Các bài thơ của ông luôn hừng hực không khí chiến đấu, bám sát từng sự kiện lịch sử. Việt Bắc chính là một trong những bài thơ như vậy.

Mở đầu bài thơ là lời ướm hỏi và nhắc nhở của đồng bào với những người ra đi:

   “Mình về mình có nhớ ta
   (…)
   Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”.

Điệp từ nhớ luyến láy trong cấu trúc câu hỏi đồng dạng “Mình về mình có nhớ ta?/…/ Mình về mình có nhớ không?” khiến cho nỗi nhớ thêm phần da diết, khắc khoải. Kỉ niệm đầu tiên được nhắc tới chính là mười lăm năm khoảng thời gian Việt Bắc là căn cứ địa vững chắc cho cách mạng. Với kỉ niệm thứ hai, tác giả đã tái hiện chân thực không gian mình từ gắn bó là sông, núi, nguồn. Tâm trạng của thiên nhiên cũng chính là nỗi nhớ da diết của chính con người.

Những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình đã được Tố Hữu tái hiện không chỉ chân thực mà còn tràn đầy cảm xúc trong từng cặp lục bát. Có thể thấy điệp từ “nhớ” trở thành một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Đó là nỗi nhớ về những tháng ngày gian khổ “mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”; con người Việt Bắc nghèo khổ nhưng chung thủy, tình nghĩa, đồng cam cộng khổ cùng kháng chiến “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”, “hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”.

Đặc biệt nỗi nhớ được gói ghém trọn vẹn trong câu thơ hàm súc, giàu ý nghĩa: Mình đi, mình có nhớ mình? Chữ mình thứ ba là cách nói gần gũi, âu yếm, cho thấy sự gắn bó sâu đậm, khăng khít.

Sau những lời nhắn nhủ, nhắc nhở tha thiết của người ở lại là lời khẳng định thủy chung son sắt của cán bộ kháng chiến:

   Tiếng ai tha thiết bên cồn
   Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
   Áo chàm đưa buổi phân li
   Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Tố Hữu đã sử dụng vô cùng linh hoạt các từ láy “tha thiết”, “bâng khuâng, bồn chồn” giàu giá trị gợi cảm, diễn tả trạng thái tâm lí tình cảm hụt hẫng, bịn rịn, luyến tiếc, vương vấn. Trong đoạn thơ, đặc sắc nhất là hình ảnh áo chàm. Hình ảnh hoán dụ cho thấy cuộc tiễn đưa không chỉ của một người mà còn là còn của toàn thể dân Việt Bắc đối với cán bộ khi họ về xuôi. Và tình cảm lưu luyến đó sẽ là cơ sở để khẳng định sự ân tình, thủy chung son sắt của người ra đi với người ở lại:

   “Ta với mình, mình với ta
   Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
   Mình đi, mình lại nhớ mình
   Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…”.

Câu thơ “Ta với mình/ mình với ta” ngắt nhịp 3/3, mở đầu và kết thúc mỗi nhịp đều xuất hiện cặp đại từ mình – ta, cho thấy sự quấn quýt, gắn bó, không thể chia cắt.

Sáu câu thơ tiếp theo, một cách rất ngắn gọn, súc tích, Tố Hữu đã tái hiện lại khung cảnh Việt Bắc trong tâm tưởng: “Nhớ gì như nhớ người yêu/…/ Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”. Hình ảnh so sánh “như nhớ người yêu” thật đặc sắc, cho thấy nỗi nhớ tha thiết, khắc khoải của chàng trai với cô gái, lấy hình ảnh so sánh đó đã thể hiện sự gắn bó tha thiết trong tình cảm.

Những hình ảnh gợi cảm đầy thi vị: trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương, bếp lửa, rừng nứa, bờ tre… gợi nhớ những vẻ đẹp nên thơ rất riêng của miền rừng núi. Đặc biệt ông còn sử dụng linh hoạt các địa danh ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê nhấn mạnh hơn nữa nỗi nhớ của người ra đi với núi rừng, con người nơi ở lại. Những ngày chiến đấu đó tuy gian khổ, tuy vất vả nhưng đậm đà nghĩa tình:

   “Ta đi ta nhớ những ngày
   /…/
   Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”

Bốn câu thơ là lời khẳng định, khi chia xa người ra đi sẽ không bao giờ quên đi những tháng ngày gắn bó, ta với mình đã đồng cam cộng khổ, cùng chia sẻ đắng cay và cùng chung hưởng ngọt bùi. Và sao có thể quên được người mẹ Việt Bắc nắng cháy lưng, vẫn địu con lên rẫy làm việc, cần mẫn chăm chỉ bẻ từng bắp ngô… đã gợi ra sự tần tảo chắt chiu, cần cù lao động của những bà mẹ trong kháng chiến đã đùm bọc, cưu mang chiến sĩ cách mạng.

Và cả cảnh sinh hoạt cơ quan với những âm thanh quen thuộc trong lớp học, tiếng hát đầy lạc quan, vui tươi trong hoàn cảnh gian khổ. Đoạn thơ không chỉ đơn thuần là sự tái hiện những sự việc, những người, những khung cảnh mà chất chứa trong đó cả là nỗi nhớ, lòng biết ơn sâu nặng của những người chiến sĩ cách mạng với bà con Việt Bắc đã giúp đỡ họ.

Trong tác phẩm này, có lẽ đẹp đẽ nhất, tài hoa nhất chính là khi ngòi bút Tố Hữu tạo dựng lên bức tranh tứ bình đặc sắc: “Ta về mình có nhớ ta/…/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”. Mở đầu bức tranh là khung cảnh đặc trưng của mùa đông:

   Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
   Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Gam màu chủ đạo trong bức tranh này là gam màu xanh. Trên nền xanh bát ngát ấy, nổi bật lên những bông “hoa chuối đỏ tươi” xua tan đi vẻ âm u, thổi hơi ấm. Sức nặng của hai câu thơ dồn vào hai chữ “đèo cao”, gợi lên tư thế hiên ngang của con người Việt Bắc trong công việc lao động. Tiếp đến là khung cảnh mùa xuân thanh khiết với rừng mơ nở trắng xóa:

   Ngày xuân mơ nở trắng rừng
   Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Núi rừng Việt Bắc đã ngập trong một màu trắng thanh khiết, tinh khôi của hoa mơ. Thấp thoáng trong rừng hoa mơ ấy, ta bắt gặp hình ảnh con người Việt Bắc trong lao động, mang vẻ đẹp cần mẫn và tài hoa phù hợp với thiên nhiên thơ mộng và thanh khiết. Cảnh mùa hạ lại đặc trưng bởi sắc vàng ấm nóng:

   Ve kêu rừng phách đổ vàng
   Nhớ người em gái hái măng một mình.

Câu thơ trên chỉ có sáu âm tiết nhưng đã gợi ra cả một chuỗi vận động liên hoàn: tiếng ve kêu gọi mùa hè đến, mùa hè với sắc nắng chói chang của nó nhuộm vàng cả rừng phách. Hình ảnh con người hiện ra qua cách gọi “người em gái” khiến người Việt Bắc hiện lên thật thân thương, gần gũi. Con người hiện ra hết sức lặng lẽ: “người em gái” chỉ có “một mình” giữa rừng măng, lao động trong thầm lặng. Bức tranh cuối cùng là khung cảnh mùa thu:

   Rừng thu trăng rọi hòa bình
   Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Bức tranh mùa thu yên bình, hạnh phúc, biểu tượng cho hòa bình cũng là cái đích mà cách mạng hướng tới.

Trong dòng hồi tưởng, Tố Hữu cũng không quên nhớ về cuộc sống, chiến đấu đầy gian khổ. Đó là khi cách mạng còn non trẻ, lực lượng còn yếu, giặc đến truy đuổi thường xuyên, đây chính là thử thách lớn lao đối với ý chí của con người. Nhưng dù trong gian khổ ta vẫn không chịu khuất phục cả con người và rừng núi hợp sức đánh giặc: Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây. Kháng chiến ngày một lớn mạnh, ta giành chiến thắng hết trận này đến trận khác.

Giọng thơ tràn ngập niềm tự hào, niềm vui. Khép lại đoạn thơ, tác giả cũng phác thảo ra một bản đồ vui toả rộng khắp đất nước báo tin chiến thắng. Nhịp thơ dồn dập, tươi vui, náo nức cùng với sự xuất hiện của một loạt các địa danh trăm miền gắn với các tin vui chiến thắng đã cho thấy tốc độ thần kì của thắng lợi. Chiến thắng ấy trải dài khắp mọi miền Tổ quốc tạo nên ngày hội chiến thắng của toàn thể dân tộc ta.

Việt Bắc có thể coi như một bản tổng kết lịch sử của cuộc cách mạng dân tộc. Bài thơ đã tái hiện chân thực vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc, cùng với đó là cuộc kháng chiến anh hùng, vĩ đại của dân tộc ta. Bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình và chất chính trị, thể thơ lục bát dân tộc, giọng điệu linh hoạt, hình ảnh phong phú, giàu sức biểu cảm đã tạo nên một thi phẩm xuất sắc.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

• Sau khi viết bài, em xem lại và chỉnh sửa dựa vào bảng kiểm sau:

Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn phân tích một tác phẩm thơ: chủ đề và nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật

Tiêu chí

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Nêu tên bài thơ, thể loại và tên tác giả (nếu có)

   

Nêu khái quát nét đặc sắc của tác phẩm (chủ đề, yếu tố hình thức nổi bật…)

   

Thân bài

Nêu chủ đề của tác phẩm.

   

Nêu một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ…)

   

Phân tích giá trị của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

   

Sử dụng các bằng chứng có trong tác phẩm.

   

Sử dụng các phương tiện liên kết để liên kết các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng.

   

Kết bài

Khẳng định một vài nét đặc sắc nổi bật của tác phẩm (chủ đề, hình thức nghệ thuật…)

   

Nêu suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm của cá nhân hoặc bài học bản thân rút ra từ tác phẩm.

   

Diễn đạt

Viết đúng chính tả, từ vựng, ngữ pháp

   

Em đọc lại bài viết của mình từ vai trò người đọc và trả lời các câu hỏi sau:

1. Em thích điều gì ở bài viết này?

2. Bài viết này nên điều chỉnh những gì để đáp ứng yêu cầu của kiểu bài.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Hiểu rõ bản thân

Thực hành tiếng Việt trang 105

Tự trào

Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống

Ôn tập trang 113

1 916 29/08/2023